Trung Quốc mua tên lửa S-400, máy bay Su-35, tàu ngầm Amur của Nga sẽ đe dọa khu vực xung quanh và kích thích Mỹ và đồng minh.
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 do Nga chế tạo |
Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, truyền thông Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc và Nga bàn về việc cung ứng máy bay chiến đấu Su-35, hệ thống phòng không tầm xa S-400 và tàu ngầm thông thường lớp Amur.
Tờ "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 6 tháng 7 dẫn lời chuyên gia Mỹ cho rằng, dựa vào những vũ khí tiên tiến do Nga chế tạo này, sức mạnh quân sự liên tục tăng lên của Trung Quốc sẽ "tiếp tục dồn nén phạm vi triển khai hành động của lực lượng quân sự Mỹ tại khu vực xung quanh Trung Quốc" và đe dọa rất lớn tới các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Trong khi đó, trang mạng "Strategy Page" Mỹ càng nhấn mạnh rằng, Su-35 và S-400 cùng "diễn xuất" sẽ làm cho những nỗ lực nâng cấp máy bay chiến đấu của khu vực xung quanh Trung Quốc "về không".
Tờ "Tin tức Quốc phòng" cho rằng, Trung Quốc muốn mua hai loại vũ khí do Nga chế tạo để nâng cao năng lực phòng không. Trong đó, một loại là hệ thống tên lửa đất đối không S-400 có tầm phóng 400 km, thời gian bàn giao khoảng sau năm 2017, khi đó Công ty Almaz Antei Nga sẽ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất đặt hàng của Quân đội Nga.
Loại vũ khí thứ hai là máy bay chiến đấu đa năng Su-35. Loại máy bay chiến đấu mới này sẽ trang bị radar mảng pha quét điện tử bị động Irbis-E. Radar này có khoảng cách dò tìm lớn nhất là 400 km, có thể dò tìm và bám theo nhiều nhất 30 mục tiêu trên không, đồng thời tấn công 8 mục tiêu trong số đó.
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 do Nga chế tạo |
Ngoài ra, điều gây lo ngại cho phương Tây là năng lực tấn công đối đất của loại máy bay chiến đấu này. Theo bài báo, trong mô hình không đối đất, Su-35 có thể bám theo nhiều nhất 4 mục tiêu mặt đất, cho dù khi nó đang dò tìm mục tiêu trên không thì cũng có thể liên tục bám theo một mục tiêu mặt đất.
Bài báo còn cho rằng, "cơ bắp" quân sự liên tục tăng cường của Trung Quốc đang tiếp tục dồn ép phạm vi triển khai hành động của lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực xung quanh Trung Quốc. Thông qua mua sắm trang bị của Nga, Trung Quốc đang mở rộng phạm vi phòng không bán kính 250 km hiện có, nâng cao năng lực chống can dự/ngăn chặn khu vực nhằm vào quân Mỹ, điều này sẽ đe dọa tới các đồng minh của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bài báo cho rằng, 24-48 máy bay chiến đấu Su-35 là một vấn đề lớn đối với Đài Loan, bởi vì Đài Loan đang cho nghỉ hưu 56 máy bay chiến đấu Mirage-2000 và 50 máy bay chiến đấu F-5, trong khi kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-16 mới của Mỹ còn bị kéo dài. Máy bay chiến đấu F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cũng đã lão hóa.
Bài báo dẫn lời chuyên gia quân sự Alexander của Đại học Đạm Giang, Đài Loan cho rằng, hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 trang bị radar Irbis-E sẽ "uy hiếp tâm lý các chuyên gia Washington khi tính toán can dự vào cuộc xung đột eo biển Đài Loan".
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 do Nga chế tạo |
Bài báo giải thích rằng, S-400 có tầm phóng tới 400 km sẽ đưa toàn bộ Đài Loan vào phạm vi tấn công của mạng phòng không Quân đội Trung Quốc và đe dọa đến đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, còn Su-35 có thể tấn công máy bay chiến đấu F-16 khi ở cách xa 400 km, "tức là Su-35 tuần tra ở bầu trời Trung Quốc có thể nhìn thấy mục tiêu ở toàn bộ Đài Loan". Tóm lại, những hệ thống này sẽ "kích thích quyết tâm tăng tốc sản xuất, mua sắm và triển khai máy bay chiến đấu thế hệ mới của Mỹ và đồng minh".
Tờ "Tin tức Quốc phòng" cho rằng, ngoài vấn đề quyền kiểm soát trên không được dư luận quan tâm, máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống phòng không S-400 còn đem lại cho Trung Quốc nhiều năng lực hơn. Chẳng hạn năng lực chống tên lửa đạn đạo của S-400 không thể coi thường, bất kể là Su-35 hay S-400 đều sẽ nâng cao năng lực chống tên lửa hành trình cho Trung Quốc, mà điều này lại là lĩnh vực sở trường nhất của Mỹ và được Đài Loan đang tập trung phát triển. Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E do Đài Loan tự nghiên cứu chế tạo đã rất được kỳ vọng.
Douglas Bali, nhà nghiên cứu cao cấp lĩnh vực hàng không vũ trụ của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London cho rằng, Su-35 có thể dùng để đáp trả tên lửa hành trình, "năng lực theo dõi các mục tiêu bay tầng trời thấp cỡ nhỏ của nó rất mạnh". Bali nói "nếu Nga cung cấp tên lửa không đối không tầm xa và Su-35 cho Trung Quốc, năng lực chống tên lửa hành trình của Quân đội Trung Quốc sẽ trở nên mạnh hơn".
Động cơ hàng không D-30KP-2 do Nga chế tạo |
Ngoài ra, Su-35 sẽ còn khắc phục hạn chế trong cảnh báo sớm trên không của Trung Quốc. Phạm vi dò tìm của hệ thống radar Irbis-E sẽ bù đắp cho lực lượng cảnh báo sớm trên không có hạn của Không quân Trung Quốc.
Trang mạng "Strategy Page" Mỹ cho rằng, ưu thế tính năng của máy bay chiến đấu Su-35 tạo ra "thế tàn sát" đối với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư như Rafale ở khu vực xung quanh Trung Quốc, làm cho những nỗ lực nâng cấp của rất nhiều lực lượng không quân "về không".
Bài báo dẫn báo cáo đánh giá của Australia cho rằng, kết quả chiến đấu giữa 240 máy bay chiến đấu F-35 với Su-35 có số lượng tương tự là 210 máy bay F-35 bị tiêu diệt. Hoạt động bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không Paris gần đây ít ra cho thấy, "sau khi đối đầu với Su-35, F-35 hầu như không có cơ hội giành chiến thắng".
Ngoài Su-35 và S-400, một loại vũ khí được Trung-Nga đàm phán khác cũng gây lo ngại cho Mỹ. Tờ "Quan điểm" Nga ngày 6 tháng 6 cho biết, tại Triển lãm hải quân quốc tế St. Petersburg năm 2013, Andrei Baranov, Phó cục trưởng Cục thiết kế Trung ương công nghệ hải quân Rubin Nga tiết lộ, Cục thiết kế này và Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc về việc hợp tác sản xuất tàu ngầm trên nền tảng tàu ngầm lớp Amur.
Tàu ngầm diesel lớp Amur Nga |
Baranov nhấn mạnh: "Trung Quốc hoàn toàn không hứng thú với việc mua tàu ngầm của Nga, hai bên chủ yếu thảo luận làm thế nào hợp tác có tính lựa chọn về những công nghệ đặc biệt được thiết kế độc đáo". Được biết, lô hai chiếc tàu ngầm đầu tiên loại này sẽ chế tạo tại Nga, hai chiếc còn lại sẽ do doanh nghiệp Trung Quốc phụ trách sản xuất dựa trên công nghệ do Nga cung cấp, mô-đun của Trung Quốc sẽ đạt 30%.
Có chuyên gia cho rằng, tính năng tàu ngầm thông thường lớp Amur ưu việt hơn sản phẩm cùng loại của phương Tây, trong đó có tàu ngầm Scorpene do Pháp và Tây Ban Nha hợp tác nghiên cứu chế tạo và tàu ngầm Type 212 của Đức.
Sau khi có được những công nghệ tiên tiến này của Nga, Hải quân Trung Quốc tiếp tục kết hợp với công nghệ đã nắm được của họ, sẽ sản xuất ra tàu ngầm tiên tiến hơn, có thể nâng cao lớn sức chiến đấu cho lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc, làm cho mạng lưới săn ngầm do Mỹ-Nhật xây dựng ở châu Á đối mặt với sức ép lớn hơn.
Tên lửa phòng không tầm xa S-400 Nga |
Theo GDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét