Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Trung Quốc lập hải trình mới quét gần hết biển Đông

Một báo cáo mật của Philippines cho biết Trung Quốc đã thiết lập một tuyến tuần tra bao trùm tất cả các đảo, bãi đá và bãi cạn tại biển Đông.
Nguồn tin từ hãng Kyodo News cho biết, báo cáo mật của quân đội Philippines cho rằng Hạm đội Nam Hải của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thiết lập tuyến tuần tra mới trong năm nay, dẫn đến nhiều vụ xâm nhập gây căng thẳng trong khu vực.
Hải trình mới quét qua các hòn đảo, bãi đá và bãi cạn nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vẽ ra tại biển Đông.


“Mọi bãi đá, bãi cạn và đảo, kể cả bãi Cỏ Mây, bãi Cỏ Rong và đá Vành Khăn, đều nằm trong tuyến tuần tra”, báo cáo của Philippines viết.
Báo cáo khẳng định đá Vành Khăn hiện trở thành căn cứ đồ sộ và là trung tâm chỉ huy tại biển Đông. Các tàu hộ tống, tàu tuần tra và tàu cá thường được nhìn thấy neo đậu tại khu vực, theo báo cáo.
Trung Quốc đã củng cố đá Vành Khăn thành một tiền đồn hải quân với bãi đáp trực thăng các cấu trúc bê tông, các ụ súng cho súng phòng không và hai súng máy, radar và các thiết bị liên lạc vệ tinh như đĩa parabol và ăng-ten song cực, pin mặt trời và thậm chí cả một sân bóng rổ. Trên bãi đá còn có một tháp quan sát bê tông cao ba tầng.
 Cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc tại đá Vành Khăn
Cơ sở quân sự phi pháp của Trung Quốc tại đá Vành Khăn
Trung Quốc cũng tăng cường các cơ sở quân sự trên các thực thể mà nước này chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam, gồm đá Vành Khăn, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập, đá Xu Bi, đá Châu Viên, đá Ga Ven và đá Tư Nghĩa.
“Đá Chữ Thập thường được sử dụng như là cảng của tàu đổ bộ lớp Ngọc Đình triển khai ở biển Đông”, báo cáo viết.
Phần lớn các tàu hộ tống và tàu khu trục tuần tra tại vùng biển tranh chấp đến từ các căn cứ hải quân ở Hải Nam.
Tuyến tuần tra mới được thiết lập khiến tình hình trong khu vực trở nên phức tạp hơn, theo báo cáo.
Báo cáo của quân đội Philippines khẳng định Trung Quốc duy trì sự hiện diện liên tục của ít nhất hai tàu hộ tống và một tàu đổ bộ lớp Ngọc Đình như là “lực lượng chiến đấu” trong khu vực. Ngoài ra, còn có các tàu vận tải và tàu tiếp tế cùng ít nhất bốn tàu hải giám và ngư chính cũng hiện diện thường trực tại đây.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh đã tổ chức hoạt động tuyên truyền “Giấc mơ Trung Quốc - các nhà lý luận xuống cơ sở” để gieo rắc tư tưởng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Các gương mặt tham gia đợt tuyên truyền như thiếu tướng Khương Hán Bân, giáo sư đại học Quốc phòng Trung Quốc, và đại tá Âu Kiến Bình, giám đốc Sở nghiên cứu xây dựng quân đội, đã giải thích cho các binh sĩ về giấc mơ Trung Quốc và giấc mơ xây dựng một quân đội hùng mạnh.
Ông Khương Hán Bân đã tuyên bố thế giới chỉ “phục kẻ mạnh chứ không phục kẻ yếu”. Theo ông này, việc Trung Quốc tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và biển Đông là tất nhiên và không thể nhượng bộ.
Nhấn mạnh vị trí chiến lược quan trọng của biển Đông, ông Khương kêu ca rằng Trung Quốc chỉ kiểm soát có 9 đảo ở quần đảo Trường Sa trong khi Việt Nam chiếm đến 29 đảo. Đây rõ ràng là luận điệu hết sức phi lý và nực cười của viên tướng Trung Quốc về quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, nhằm kích động các binh sĩ Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến