Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Buong nhiem vu quan ly

Buông nhiệm vụ quản lý

Nguyễn Vạn Phú

Diễn tiến trong thời gian gần đây buộc chúng ta phải đặt câu hỏi liệu một số bộ, ngành trong bộ máy nhà nước có đang buông nhiệm vụ quản lý của mình.

Dễ thấy nhất là chuyện lãi suất. Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị vào ngày 7-4 “trước mắt, không duy trì lãi suất huy động trần”. Thế nhưng từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước, nơi chịu trách nhiệm về chính sách lãi suất lại không có một động tĩnh gì, từ việc xác định Công điện 02 ấn định trần lãi suất 12% có còn hiệu lực không đến việc giải thích cho khối ngân hàng cũng như cho người dân định hướng lãi suất sắp tới như thế nào. Trong thông báo gởi cho báo chí ngày 18-4, Ngân hàng Nhà nước không dành một dòng nào để nói về băn khoăn lãi suất trần của nhiều ngân hàng đã lên tiếng trước đó. Ở đây có hai vấn đề: về quản lý nhà nước, lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt sử dụng công cụ lãi suất để điều hành thị trường tiền tệ nhưng lại nhường vai trò này cho một thỏa thuận không mang tính pháp lý của Hiệp hội Ngân hàng. Về mặt công luận, lẽ ra Ngân hàng Nhà nước phải phân tích cho người dân thấy lãi suất ở các ngân hàng với quy mô khác nhau, uy tín cũng như bề dày khác nhau thì sẽ khác nhau. Người nào ngại rủi ro sẽ gởi tiền vào ngân hàng lớn, đang chào lãi suất vừa phải; người nào thích mạo hiểm cứ nhắm đến các ngân hàng nhỏ, mới ra đời để hưởng lãi suất cao, kèm theo là mức rủi ro cao hơn. Có như thế mới hình thành một thị trường lành mạnh, có cạnh tranh để nâng cao năng lực, chứ không lẽ như hiện nay ngân hàng nào cũng như nhau. Vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước ở đây chính là sự phân loại các ngân hàng, là buộc họ cung cấp thông tin công khai cho người gởi tiền biết và cân nhắc chọn lựa. Một sự im lặng từ Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt từ người đứng đầu, chính là biểu hiện của sự buông quản lý.

Một bộ khác cũng lơ là hay hiểu sai nhiệm vụ quản lý của mình khá rõ nét là Bộ Y tế. Với bệnh tả, thay vì tập trung vào các biện pháp phòng chống đã trở thành kinh điển trên khắp thế giới, các cơ quan trực thuộc Bộ cứ thỉnh thoảng tung ra các tin “giật gân” không đâu vào đâu, như tin tiền giấy nhiễm vi khuẩn!!! Nhiệm vụ của Bộ Y tế lúc này là phải nhanh chóng in hàng triệu tờ rơi, tuyên truyền hướng dẫn cho người dân những biện pháp vệ sinh phòng dịch đơn giản như rửa tay trước khi ăn, uống nước đã đun sôi… Lâu dài hơn là một chiến dịch vận động người dân xây nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, làm sạch nguồn nước. Hoạt động của Bộ như thế nào trong nhiều năm qua để đến nay Bộ mới phát hiện rất nhiều cộng đồng dân cư không xây nhà vệ sinh và các quan chức của Bộ chỉ biết bày tỏ sự ngạc nhiên một cách rất vô tâm.

Một chuyện đơn giản là gọi tên cho đúng “tiêu chảy cấp” hay “bệnh tả”, Bộ cũng không giải quyết rốt ráo để Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đề nghị nên gọi “bệnh tả” thay vì “tiêu chảy cấp nguy hiểm”, còn Thứ trưởng Bộ Y tế thì cứ khăng khăng giải thích theo cách của mình. Riêng Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường lại nói chưa công bố dịch vì chưa có quy định! Ở đây phải thấy một điều, chúng ta đang cố gắng bảo vệ sức khỏe của người dân hay cố gắng làm nhẹ tình hình vì du lịch, vì uy tín? Không lẽ tính mạng người dân không quan trọng bằng sự thu hút khách du lịch hay sao? Và trong giai đoạn vừa qua, hoàn toàn không thấy phát biểu, giải thích, hướng dẫn gì cả từ người đứng đầu Bộ.

Một ví dụ khác về chuyện quản lý nhà nước. Năm ngoái Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo tổng vốn FDI đăng ký là 20,3 tỷ đô-la, giải ngân được 4,6 tỷ đô-la. Nay Bộ này cho biết con số chính xác là 21,3 tỷ đô-la (vốn đăng ký) và trên 8 tỷ đô-la (vốn thực hiện). Chênh lệch của con số vốn đăng ký không đáng kể, có thể tính vào sai sót thống kê nhưng con số vốn giải ngân từ 4,6 tỷ đô-la lên trên 8 tỷ đô-la là một sai số lớn, không thể chấp nhận được. Nếu nhìn vào cán cân thanh toán của Việt Nam trong năm 2007 (xem thêm mục Sự kiện & Vấn đề, TBKTSG số 17-2008), số vốn FDI thực hiện cao, có nghĩa thâm hụt thương mại hoặc dự trữ ngoại tệ phải cao hơn thực tế nhiều. Con số giải ngân vốn FDI năm 2006 là 4,1 tỷ đô-la – nếu năm ngoái con số này lên trên 8 tỷ đô-la, kéo theo biết bao nhiêu mức tăng gấp đôi như thế, cả về số lao động tuyển dụng, lượng điện tiêu thụ, nguyên vật liệu, nhập khẩu máy móc, nhu cầu văn phòng, đất đai… Bộ lại không có một lời giải thích ngoài một dòng điều chỉnh trong báo cáo. Ở đây cũng có hai vấn đề: một là độ chính xác của các con số; còn nếu chúng là chính xác thì sự yếu kém trong công tác quản lý vốn đầu tư nước ngoài của Bộ từ khi phân cấp cho địa phương. Năm rồi đã xảy ra việc điều chỉnh số liệu như thế ở nhiều ngành, từ ngân hàng cho đến tài chính và ngay là đầu tư. Thiếu số liệu chính xác, làm sao trông chờ chính sách đúng đắn vì chúng sẽ chênh với thực tế ngay.

Một hiện tượng khác cũng không thấy Bộ Kế hoạch & Đầu tư lên tiếng là chuyện hàng loạt dự án tiền tỷ đô-la nghe rất hoành tráng nhưng thực chất là loại dự án xây sòng bạc casino ở nhiều địa phương – từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu hay Phú Quốc. Bộ đã có nghiên cứu gì chưa về lợi hại của việc mở casino ở Việt Nam, vì sao các dự án này lại lên đến nhiều tỷ, có chăng tình trạng dành đất làm địa ốc bên cạnh chuyện xây sòng bạc? Không khéo dòng vốn FDI lại rơi vào tình trạng đăng ký để xí chỗ như những năm giữa thập niên 1990.

Trong văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 7-4 có hàng loạt công việc yêu cầu các bộ, ngành thực hiện và báo cáo trước ngày 15-4, như giải pháp kiểm soát luồng vốn ngắn hạn, điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng, xây dựng tiêu chí phân loại dự án đầu tư công để loại các dự án không hiệu quả, tiêu chí thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, phương án giảm nhập siêu… Ngày 15-4 đã trôi qua, không biết bao nhiêu trong số đầu việc trên đã được thực hiện. Có lẽ Văn phòng Chính phủ, nơi truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên công bố cho mọi người cùng biết để góp thêm sức ép dư luận lên hoạt động của các bộ ngành trong bộ máy nhà nước. Và cuối cùng để nơi nào vẫn còn buông trách nhiệm quản lý như trong thời gian vừa qua, người dân, thông qua đại biểu Quốc hội của mình có thể yêu cầu bãi miễn ngay trong khóa họp sắp tới.

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2008

Tai ve va in ra

Tải về và in ra

Nguyễn Vạn Phú

Mùa tuyển sinh đại học năm nay lại rộn lên chuyện Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM không nhận những hồ sơ họ cho là giả. Ở đây có hai vấn đề cần phân biệt. Chuyện Sở Giáo dục-Đào tạo TPHCM không chịu tiếp nhận loại hồ sơ không phải do họ phát hành nhưng có đóng khuôn dấu (giả) của Sở là hoàn toàn chính đáng. Không lẽ buộc sở phải nhận những hồ sơ in chình ình khuôn dấu của mình một cách trái phép?

Vấn đề thứ nhì, rộng hơn, là trong thời đại công nghệ thông tin đã khá phổ biến như hiện nay, có nhất thiết phải tốn công sức, tốn thời gian, in ấn bộ hồ sơ thi đại học không. Tại sao Bộ Giáo dục & Đào tạo, sau khi soạn mẫu hồ sơ thi đại học của năm đó, không chuyển nó thành tập tin dạng .pdf và cho tải lên mạng, không những trên trang web của Bộ mà cho cho phép bất kỳ website nào của các trường đại học, trường phổ thông, các sở địa phương để bất kỳ thí sinh nào cũng có thể tải về máy, in ra và điền hồ sơ một cách nhanh chóng, đơn giản. Làm được chuyện rất đơn giản này, có lẽ Bộ đã tiết kiệm cho xã hội khá nhiều tiền, không chỉ tiền mua hồ sơ mà còn tiền phụ huynh hay thí sinh phải cất công đi mua cho ra bộ hồ sơ “chính thức”.

Hiện nay, ngoài hồ sơ tuyển sinh đại học, còn có hàng loạt hồ sơ khác, không thể liệt kê ra hết ở đây. Và việc tin học hóa ngành giáo dục phải bắt đầu từ những chuyện đơn giản như vậy: bất kỳ hồ sơ nào có thể chuyển ra dạng .pdf, tải lên mạng để người cần sử dụng có thể tải về và in ra, cần được thực hiện ngay để tạo thuận tiện cho người dân. Đây là chuyện dễ làm và hầu như ở nước nào cũng đã thực hiện, tại sao ngành giáo dục nước ta còn chần chờ. Cứ thử vào bất kỳ trường đại học nào ở Mỹ, Anh, Úc, chúng ta đều thấy họ dành riêng một phần để giới thiệu các mẫu hồ sơ có thể tải về sử dụng. Dĩ nhiên, với những học sinh không có điều kiện vào mạng hay in ấn, vẫn có thể mua hồ sơ bằng giấy trực tiếp.

Còn nhìn xa hơn một chút nữa, tại sao công tác tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh không được thực hiện qua mạng, ít nhất cho những học sinh ở các thành phố. Giai đoạn đầu có thể tồn tại song song hai dạng nộp hồ sơ: qua mạng và nộp trực tiếp. Đến một lúc nào đó, vì lý do thuận tiện, hạn chế sai sót, được phản hồi là đã nhận hồ sơ… thí sinh ắt sẽ chọn cách nộp qua mạng. Hồ sơ nộp qua mạng sẽ tránh được những sai sót mà hầu như năm nào cũng xảy ra – vì có thể đặt yêu cầu cho phần mềm không chấp nhận những thông tin điền sai. Các trường tiếp nhận hồ sơ dạng này cũng khỏi phải gõ lại vào máy tính, có thể nhanh chóng lập bảng biểu thống kê, thông báo cho nhau thông tin cần chia sẻ… Khó khăn lớn nhất của việc nộp hồ sơ qua mạng là hạ tầng của Việt Nam chưa thể chấp nhận việc trả lệ phí tuyển sinh qua mạng một cách thông suốt và an toàn và trông chờ đại đa số thí sinh có phương tiện trả tiền qua mạng là điều không tưởng. Nếu vậy, việc nộp lệ phí tuyển sinh cứ tách ra và nộp trực tiếp như hiện nay, ít nhất trong vài năm tới.

Trang web Common Application của Mỹ là một mô hình nộp hồ sơ tuyển sinh đại học qua mạng đáng tham khảo. Hiện nay Common Application có hàng trăm đại học ở Mỹ tham gia; thí sinh nào đã điền xong hồ sơ trên mạng của Common Application, chỉ cần chọn trường và bấm nút, ngay lập tức hồ sơ của họ sẽ được chuyển đến những trường họ chọn. Vì thí sinh chỉ cần điền một lần nhưng có thể nộp cho nhiều trường nên hình thức hồ sơ Common Application ngày càng được ưa chuộng, hằng năm có khoảng 2 triệu hồ sơ dạng này. Có nhiều trường đã bỏ hẳn hồ sơ riêng của mình để yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ dạng Common Application. Thí sinh nào không thích nộp qua mạng vẫn có thể dùng mẫu trực tuyến để điền và in ra rồi nộp qua đường bưu điện.

Nhìn rộng thêm một chút nữa, công tác cải cách hành chính cũng nên chú ý đến việc sử dụng Internet làm công cụ để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công dễ dàng hơn nữa. Điều đáng mừng là nhiều cơ quan đã ứng dụng Internet vào việc phục vụ người dân, như Cục Quản lý xuất nhập cảnh trong việc đưa các biểu mẫu lên mạng. Đáng tiếc là cơ quan này lại dùng định dạng .html nên khi in có thể không đúng kích cỡ, các dòng chữ có thể chạy sai chỗ. Định dạng .doc lại dùng font TCVN3 trong khi Chính phủ đã yêu cầu mọi văn bản nhà nước phải dùng font Unicode từ lâu. Một file theo định dạng .pdf đã khóa chức năng biên tập, sửa đổi, chỉ cho in không thôi sẽ là phương án tối ưu. Nếu điều chỉnh những điểm nhỏ này, Cục sẽ là một trong những nơi đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin trong quan hệ với công dân, sẽ tiết kiệm cho người dân rất nhiều công sức, ít ra cũng là một lần đến Cục để mua biểu mẫu.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2008

My Chau

Mỵ Châu ngồi sau lưng đấy!

Nguyễn Vạn Phú

Tạm thời gác sang một bên việc có nên tham gia vào cuộc bầu chọn Hạ Long làm một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới không, cách các báo đưa tin chuyện Vịnh Hạ Long bị loại khỏi danh sách bầu chọn cho thấy cánh nhà báo chưa sòng phẳng cho lắm.

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 16/4 đưa tin: “Chiều 14-4, ban tổ chức cuộc bình chọn bảy kỳ quan thiên nhiên mới New7Wonders (N7W) đã tạm thời loại vịnh Hạ Long khỏi danh sách bầu chọn vì lỗi vi phạm của một số trang web tại Việt Nam”. Báo cũng cho biết: “hai trang web ở Việt Nam vi phạm một số trong các lỗi: sử dụng logo, hình ảnh của N7W, sao chép nội dung và qui trình bầu chọn từ trang web N7W”.

Đọc đến đây có lẽ mọi người thầm trách trang web nào chơi ẩu quá, dù vô tình hay cố ý, cũng đã làm hại đến uy tín Vịnh Hạ Long. Báo Tuổi Trẻ và hầu hết các báo khác khi đưa tin này không nói rõ đó là những trang web nào. Ít ai biết trang web đầu tiên được N7W nêu tên là http://halong.tuoitre.com.vn/Tianyon/ của chính báo Tuổi Trẻ!

Phải nói ngay chuyện báo Tuổi Trẻ dành riêng một phần trong website của mình để vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long và các thắng cảnh khác của Việt Nam là việc làm vô vụ lợi, ít ra cũng có tác dụng giúp người trong nước biết thêm về các danh thắng của đất nước. Và cũng có thể người viết tin trên không biết báo mình có trang web bị “điểm mặt”.

Chuyện N7W có quyền gạt tên Vịnh Hạ Long ra vì các trang web không liên quan đến ban vận động chính thức hay không cũng đáng lưu ý. Không lẽ bây giờ bất kỳ ai trong số hàng triệu trang web ở Việt Nam lấy logo, hình ảnh của N7W là họ cứ thế gạch tên các danh thắng của Việt Nam ra?

Và trên hết, chuyện bầu chọn của N7W có đáng để cho chúng ta bỏ công sức như trong mấy tháng qua hay không cũng là một vấn đề đáng bàn. Trước đây là có khá nhiều ý kiến không tán đồng cách làm không chuyên nghiệp của N7W, cách bầu chọn mang tính phong trào, khả năng dùng kỹ thuật tin học để “bầu chọn tự động”… Nay việc N7W đòi trang web nào muốn dùng hình ảnh, lô-gô của họ phải trả cho họ 5.000 đô-la Mỹ/tháng cho thấy việc bầu chọn này đâu phải hoàn toàn vô vụ lợi gì. Ngay cả tên trang web bầu chọn có đuôi là .com cũng cho thấy tính thương mại của nó.

Trở lại góc độ đưa tin, Sài Gòn Giải phóng là một trong những tờ báo hiếm hoi có đưa địa chỉ các trang web bị cho là vi phạm. Khổ nổi báo này cũng đưa sai. Địa chỉ website thứ 3 mà Sài Gòn Giải phóng liệt kê theo N7W là: http://www.thanhniennews.com/travel/?catid=7&newsid=37451.

Thoạt đầu người viết tưởng báo Thanh Niên (ấn bản tiếng Anh) cũng rơi vào tình huống tương tự như báo Tuổi Trẻ. Trên số báo ra ngày 16-4, Thanh Niên cũng đưa tin như các báo khác và còn trích nguồn Thông tấn xã Việt Nam: “Ngoài ra ủy ban nói trên (tức Ủy ban Hỗ trợ chính thức cho việc bầu chọn vịnh Hạ Long của Việt Nam) cũng gửi công văn đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông cùng phối hợp để đưa ra những định hướng tuyên truyền và biện pháp xử lý vi phạm của các trang web nhằm sớm đưa vịnh Hạ Long trở lại với danh sách bầu chọn”.

Không lẽ báo này vi phạm mà còn đưa tin về chuyện xử lý vi phạm? Hóa ra không phải, yêu cầu của N7W là chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một doanh nghiệp, không được tham gia vận động bầu chọn mà không được phép của họ (hay nói cách khác chưa trả phí cho họ!). Bằng cớ họ nêu ra để “hù dọa” EVN là bản tin đăng trên tờ Thanh Niên (ấn bản tiếng Anh) có địa chỉ nêu trên đưa tin về EVN và chuyện vận động bầu chọn. Chuyện rõ ràng như thế, không biết sao chính Ban vận động tuyên truyền bầu chọn Vịnh Hạ Long, trong công văn gởi Bộ Thông tin-Truyền thông cũng liệt kê nguyên địa chỉ website của tờ Thanh Niên như thể họ vi phạm. Và Thanh Niên cũng đã nhanh nhẩu gỡ bỏ nội dung này trên website của mình.

Cuộc bầu chọn của N7W là một sáng kiến kinh doanh của họ (có thu tiền từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là quảng cáo trên một website có rất nhiều người truy cập). Hiệu ứng đến đâu chưa thể nói được. Ví dụ, đến giờ còn ai nhớ bảy kỳ quan thế giới mới mà nơi này bầu chọn vào tháng 7 năm ngoái không? Chúng ta tham gia cũng tốt vì đây là dịp để quảng bá hình ảnh một số thắng cảnh của Việt Nam nhưng có lẽ không nên quan trọng hóa nó quá, không nên mất thì giờ vì nó quá và chắc chắn không nên biến nó thành chuyện mang tầm cỡ quốc gia.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Nguoi do thi

Chuyện rất nhỏ

Hằng ngày có chừng 150 xe hơi mới tham gia lưu thông; điều đó có nghĩa hằng ngày có ít nhất 150 “người đô thị” chuyển từ phương tiện di chuyển khác, chủ yếu là xe gắn máy, sang chạy xe hơi. Không hiếm người trong số này đem theo cùng họ tâm lý và cách hành xử chạy xe gắn máy sang điều khiển ô tô cho nên không có gì lạ khi đường phố có nhiều cảnh chướng mắt do người lái xe hơi gây ra mà trước đây vài năm không hề có. Nào là chen lấn chạy hàng đôi, hàng ba, dồn thành dòng lấn sang làn đường dành cho xe gắn máy; nào là vội vàng ôm cua rẽ trái bất kể dòng xe cùng đường đang được quyền ưu tiên chạy thẳng, rồi bóp còi inh ỏi bất kỳ lúc nào thấy thích. Ngày xưa, lái xe hơi chủ yếu là người được đào tạo chuyên làm tài xế nên các bác tài lúc đó chạy xe rất nghiêm chỉnh, chấp hành luật lệ giao thông như một phản xạ nghề nghiệp. Nay có nhiều người học vội, lấy bằng nhanh và lái xe của chính họ như thể họ đang chạy xe gắn máy trên đường làng.

Xin nêu một chuyện rất nhỏ như thế để nói rằng: quản lý trật tự đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị phải đi từng điểm tưởng chừng nhỏ nhặt như phải nghiêm khắc trong việc thi và cấp bằng lái xe hơi mới mong ngăn chận sự hỗn loạn trong giao thông đô thị mà chắc chắn sẽ diễn ra cùng với con số “người đô thị” chuyển từ xe gắn máy sang xe hơi ngày càng tăng. Phải phạt thật nặng những người lái xe cố tình vi phạm luật giao thông, như kiểu thòi xe ra khỏi dòng xe đang nối đuôi thành hàng một, lấn lên chạy song song một đoạn, rồi chen ngang, thụt xe vào khi gần tới ngã tư vì sợ có cảnh sát giao thông!

Quản lý đô thị cũng phải được làm một cách khoa học từ những chuyện vặt vãnh khác: Đường phố đang được kẻ vạch bất kể quy luật. Rất nhiều con đường có vạch phân luồng cho xe gắn máy chút xíu, vạch cho xe hơi rộng thênh thang. Dĩ nhiên, người lái xe gắn máy, với nhiều tật xấu cố hữu, sẽ đời nào chịu khuôn phép bởi lằn vạch này. Vì sao không nghiên cứu kẻ vạch cho hợp lý hơn, để người chạy xe gắn máy vẫn chạy được trong luồng của mình và tự dưng thấy hình như mình đang chấp hành luật giao thông một cách tự nguyện, lâu ngày trở thành thói quen. Nhiều người hồ nghi rằng các biện pháp quản lý giao thông đô thị được nhập nguyên xi từ nước ngoài, nơi chủ yếu chỉ có xe hơi nên không phù hợp với các thành phố của Việt Nam. Rồi không biết hệ thống đèn xanh đèn đỏ có được điều khiển theo một nghiên cứu nào không hay chỉ ước đoán lưu lượng xe để cài đặt một cách võ đoán. Cứ thử quan sát mà xem, lúc nào ở ngã tư nào có anh cảnh sát giao thông một hôm tự bật tắc đèn xanh, đèn đỏ, dòng xe ứ lại sẽ dài hơn vì sự chủ quan của con người.

Giải quyết vấn đề tai nạn giao thông ắt sẽ phải tốn chi phí; vấn đề là chi tiêu tiền ngân sách vào đâu cho có hiệu quả nhất. Cũng tương tự như các câu chuyện nhỏ ở trên, thiết nghĩ nên tiêu tiền vào những chuyện rất sơ đẳng, tưởng chừng rất nhỏ. Chiến dịch buộc người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm xem như đã thành công về mặt chấp hành. Vì sao không tiếp tục tiêu tiền ngân sách vào các chiến dịch tuyên truyền (bằng quảng cáo, bằng pano, áp phích, tài liệu…) cách đội mũ bảo hiểm đúng, chỉ rõ đội mũ như thế nào là sai, hình ảnh các vụ tai nạn do đội mũ sai… Vì sao không kiểm tra, xử phạt và công bố thật rộng rãi tên nhà sản xuất loại mũ không đảm bảo chất lượng. Con số tai nạn giao thông những tháng đầu năm, những cảnh báo trong mấy tuần gần đây cho thấy đội mũ bảo hiểm chưa giải quyết được vấn đề. Không lẽ chính quyền chỉ hài lòng thấy ai ai chạy xe ngoài đường đều có đội mũ bảo hiểm – còn họ đội mũ dỏm, đội mũ sai cách thì mặc kệ người dân?

Nguyễn Vạn Phú

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2008

Diem phim

August Rush – cổ tích hiện đại

Có thể rất nhiều người sẽ nhận xét August Rush là một phim rất “sến” vì dựa theo một cốt truyện lâm li theo kiểu “Mùa thu lá bay” của Quỳnh Dao. Nhưng vượt qua sự phi lý của nội dung, cái tầm thường của những môtif quen thuộc, diễn xuất của cậu bé vai chính (Freddie Highmore đóng) và âm nhạc tuyệt vời trong phim có thể làm các cô chảy nước mắt và các chàng trai phải ôm chiếc đàn guitar đã bỏ quên trong góc phòng, mơ màng về một thời mọi chuyện tưởng đơn giản như câu chuyện cổ tích.

Evan Taylor là một cậu bé mồ côi sống “giữa” âm nhạc, cậu nghe tiếng nhạc từ bất kỳ âm thanh nào quanh cậu và cậu tin âm nhạc sẽ giúp cậu tìm lại bố mẹ. Hơn 11 năm trước Louis (do Jonathan Rhys Meyers đóng), một ca sĩ nhạc rock và Lyla (do Keri Russell thủ vai), một nghệ sĩ cello tình cờ gặp nhau và có cuộc tình một đêm, sau đó hai người phải chia tay vì người bố đầy tham vọng cho tương lai cô con gái tài năng của mình. Đúng như môtip thường thấy gần chín tháng sau, Lyla đang mang thai bị tai nạn xe hơi, phải sinh non và ông bố đem Evan đi cho, nói dối con đứa bé đã chết. Louis, Lyla mỗi người một phương, đã bỏ âm nhạc nhưng vẫn không thể có cuộc sống bình thường như thể họ phải đi tìm gặp nhau và tìm lại đứa con chưa biết mặt của họ.

Lúc này Evan bỏ trại mồ côi lên New York, lại rơi vào tay một gã chuyên lợi dụng tài năng của bọn trẻ đường phố để kiếm sống. Câu chuyện cổ tích bắt đầu khi Evan sau mấy giờ học, đã đàn guitar thành thạo, soạn nhạc dễ dàng như thở và sau sáu tháng học tại nhạc viện đã sáng tác một bản giao hưởng đồ sộ mà cậu tin sẽ giúp cậu tìm ra bố mẹ mình. Cậu bé trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, nhiều biến cố nhưng, đúng như nhiều người xem phim có thể đoán ngay từ đầu – sẽ có một kết thúc có hậu.

Câu chuyện chỉ có thế và đầy tình tiết phi lý như thế nhưng người xem hầu như không thể dứt mắt, ngoảnh tai trước màn hình. Họ như bị điện giật khi lần đầu tiên cậu bé Evan tiếp xúc với cây đàn guitar, không ôm đàn như bình thường mà để nó nằm dài dưới đất, không gảy đàn như mọi người mà “vỗ” dây đàn tạo ra tiếng nhạc làm say đắm lòng người.

Trong khi hàng loạt phim khác với những tình tiết phi lý theo kiểu rượt đuổi bằng xe bằng máy bay hay chạy tuốt vào lòng quả đất thì không ai nói gì, tại sao một phim như August Rush lại bị nhiều nhà điểm phim ở Mỹ chê là “một Oliver Twist” sướt mướt hiện đại. Để xem phim, tốt nhất bạn thả lỏng người ra, và cùng cậu bé Evan được đặt nghệ danh là August Rush lắng nghe tiếng nhạc trong dòng xe hối hả, trong tiếng tàu điện rầm rập và cả trong tiếng phong linh…, nghe tiếng nhạc cổ điển hòa quyện tài tình vào dòng nhạc rock cuồng nhiệt. Thế giới từng có thiên tài âm nhạc Mozart, tại sao không thể có một thiên tài như thế xuất hiện trong phim để nuôi dưỡng lòng yêu âm nhạc trong con người, để tin rằng thế giới “ở hiền gặp lành” vẫn tồn tại. Cảm động nhất là trường đoạn Evan gặp cha nhưng cả hai không nhận ra nhau, chỉ cùng nhau song tấu một bài guitar ngẫu hứng tuyệt vời.

Mặc dù nhìn chung August Rush bị giới phê bình phim ở Mỹ chê nhưng theo thông tin từ nhiều diễn đàn điện ảnh, khán giả trong rạp đã đồng loạt đứng lên vỗ tay khi phim kết thúc – một loại lời bình đáng giá và thật hơn nhiều.

Vân Cầm

Bài đăng phổ biến