Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Tu bo tu duy duoi kip

Từ bỏ tư duy đuổi kịp

Nguyễn Vạn Phú

Một khung (box) trong báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới vào đầu tháng 12-2008 đặt vấn đề đề “Mất bao nhiêu năm để đuổi kịp”. Mặc dù các tác giả đã nhấn mạnh đây chỉ là giả thuyết, rằng dự báo xu hướng tăng trưởng lâu dài là chuyện khó đối với các nhà kinh tế, rằng việc dự báo xem Việt Nam sẽ mất bao nhiêu năm để đuổi kịp các nước láng giềng là một công việc mạo hiểm, hầu như người ta chỉ chú ý đến các số năm dài dằng dặc mà báo cáo đưa ra: mất 51 năm để theo kịp Indonesia, 95 năm để theo kịp Thái Lan, và 158 năm đối với Singapore.

Mặc dù cảnh báo khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các nước láng giềng có tác dụng tích cực, nhất là để phòng ngừa sự lạc quan quá đáng ở những nhà lãnh đạo cứ luôn nhấn mạnh con số tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lối tư duy đuổi kịp này có nhiều điều bất cập cần phân tích.

Thứ nhất, ngay chính báo cáo nói trên cũng nhận định khoảng cách hàng chục hay hàng trăm năm đó là khi dùng giá cố định của từng nước để tính toán. Còn nếu chuyển sang tính tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người bằng đô-la thì số năm để Việt Nam bắt kịp ba nước Indonesia, Thái Lan và Singapore lần lượt rút ngắn còn 15, 22 và 63 năm.

TS Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc về thống kê từng viết khá kỹ về vấn đề này: “Vì hiểu GDP một cách đơn giản, đã có nhiều người lập luận rằng vào năm 2003 GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng đô-la trên thị trường chỉ là 471 đô-la, tức là chưa bằng 1/5 Thái Lan. Như vậy, dù đạt tốc độ phát triển kinh tế 8% một năm thì 20 năm nữa Việt Nam cũng chỉ bằng Thái Lan hiện nay. Trong thời gian đó, tất nhiên Thái Lan không đứng yên một chỗ, họ sẽ cắm cổ chạy khỏi nơi hiện tại. Như vậy có hy vọng gì mà đuổi kịp Thái Lan?
Tình hình “bấn” như vậy thì người ta mách là nhà nước hiện nay phải bằng mọi cách tăng tốc độ tăng GDP trên 10% một năm, đồng thời thầm ước là Thái Lan chỉ đạt 5% một năm. Song như thế thì cũng 33 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan, lúc đó mỗi nước sẽ có GDP đầu người là 12.000 đô-la tính theo giá hiện nay. Suy nghĩ kiểu số học này hoàn toàn là sai lầm”.

Ông giải thích: “Thứ nhất là giá trị tiền Việt Nam so với đô-la không cố định ở thời điểm 2003. Khi nền kinh tế ở mức thu nhập đầu người thấp, đồng nội địa tính bằng đô-la theo hối suất thị trường không phản ánh sức mua. Do đó dựa trên hối suất thị trường GDP bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, chẳng hạn như năm 2003, chỉ là 471 đô-la. Số tiền này chỉ cho phép sống dù cùng khổ cũng không quá một tháng ở Mỹ. Nếu tính bằng sức mua, 471 đô-la có giá trị tương đương gấp 5,2 lần, tức là bằng khoảng 2,500 đô-la. Thứ hai, giá trị của đồng nội địa theo đô-la sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng, và do đó về dài lâu dù kinh tế theo giá cố định không tăng nhanh, và dù lạm phát không tăng, GDP bằng đồng đô-la sẽ tăng nhanh hơn tốc độ phát triển”.

TS Vũ Quang Việt kết luận: “Điều này cho thấy là khi nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, đồng nội địa được thị trường đánh giá cao so với đồng đô-la, khoảng cách thu nhập tính bằng đô-la sẽ giảm nhanh chóng. Cuộc chạy đua chỉ nhằm đạt tốc độ phát triển cao không thể là chỉ tiêu duy nhất một nền kinh tế cần đạt được”.

Theo chúng tôi, tư duy đuổi kịp sẽ khiến mọi người quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, cứ chăm bẵm đầu tư để GDP năm sau tăng cao hơn năm trước mà không đếm xỉa gì đến các vấn đề khác như hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống và nhất là các vấn đề môi trường, cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

GDP có thể duy trì ở mức cao nhưng đi kèm cũng có thể là những mầm mống gây bất ổn sau thời gian tăng trưởng như thâm hụt ngân sách cao, đầu tư bất kể hiệu quả, nợ nước ngoài cao, mất cân đối cán cân thanh toán, lạm phát… Bài học tăng trưởng nóng của năm 2007 vẫn đang còn in hằn trong tâm trí nhiều người.

Tư duy đuổi kịp cũng gắn với suy nghĩ ganh đua bằng mọi giá trong khi thế giới ngày nay là một thế giới liên lập. Chúng ta không thể trông mong láng giềng tăng trưởng chậm để chúng ta đuổi kịp mà ngược lại, còn muốn họ tăng trưởng mạnh lên mới có nhu cầu mua hàng hóa hay dịch vụ của chúng ta. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không được ai xem là cơ hội để nước họ vượt lên phía trước mà tất cả đều phải chung tay giải quyết bởi GDP của Trung Quốc giảm chẳng hạn sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc như Úc hay Hàn Quốc.

Thay cho tư duy đuổi kịp, điều quan trọng là xem chúng ta có tiến đối với chính chúng ta hay không, nếu GDP tăng mạnh nhưng chất lượng cuộc sống giảm sút vì ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, tức chúng ta đã tụt hậu so với chính mình. Nếu khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan rút còn 10 năm, chẳng hạn, nhưng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta càng lớn, giáo dục càng mất phương hướng, tham nhũng càng tràn lan, sẽ không ai muốn đuổi kịp theo con đường đó cả.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Se ra sao, nam 2009?

Sẽ ra sao, năm 2009?

Nguyễn Vạn Phú

Nếu thử đọc lại các bài báo trên số đầu ra năm 2008, không một tác giả nào có thể dự đoán được một phần những gì thực sự diễn ra trong năm. Không ai thấy được quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tên tuổi đã đứng vững qua nhiều biến động trước đây. Có lẽ thế nên tờ Economist, trong số báo đặc biệt “Thế giới năm 2009” tập hợp các tiên đoán cho năm tới đã phải đăng bài “Năm 2008, chúng tôi xin lỗi”, vừa thú nhận họ không dự báo được những sự kiện chính trong năm vừa qua, vừa phân bua tiên đoán sai hay đúng, không quan trọng. Vấn đề là chụp bắt được những xu hướng chính sẽ định hình cho năm tới.

Điều có thể nói chắc chắn cho năm 2009 là khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước vẫn diễn biến khó lường. Chẳng hạn, nhiều nhà phân tích cho rằng đồng đô-la Mỹ trước sau gì cũng sẽ mất giá mạnh so với đồng tiền nhiều nước khác vì hiện nay chính phủ Mỹ tung hàng ngàn tỷ đô-la để vừa cứu các tập đoàn tài chính, vừa để kích thích nền kinh tế. Tiền không phải là tài sản nên sẽ đến lúc các nhà đầu tư phải quay lưng với đồng đô-la, nhất là khi lãi suất đồng tiền này quá thấp như hiện nay. Lẽ ra nước Mỹ phải gánh chịu mức lạm phát cao nhưng nhờ giá dầu và các hàng hóa khác đang xuống thấp nên áp lực lạm phát chưa cao. Lạm phát cũng là lối thoát cho gánh nặng nợ nần của Mỹ nhưng sẽ tạo gánh nặng mới cho người dân Mỹ. Có lẽ năm 2009, đây là hai lực kéo chi phối nền kinh tế nước này và sẽ có những tác động sâu rộng lên kinh tế thế giới.

Nỗ lực thoát khủng hoảng tại nhiều nước cũng sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản hơn của hệ thống tài chính nhiều khiếm khuyết. Trước mắt, các diễn giải cổ vũ đơn thuần cho toàn cầu hóa theo kiểu “Thế giới phẳng” sẽ gặp phải sự hoài nghi gấp nhiều lần trước đây. Mặc dù lãnh đạo nhiều nước cam kết không lập nên rào cản thương mại thế giới, xu hướng tự do hóa thương mại, vì những lý do khách quan như bế tắc trong thanh toán quốc tế, sẽ chững lại. Các nước sẽ quay về nhiều hơn với thị trường nội địa, giảm bớt chuyện gia công bên ngoài (outsourcing), giảm bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự tắc nghẽn tín dụng trong những tháng cuối năm 2008 sẽ tác động mạnh lên sản xuất và đến lượt mình, khách hàng truyền thống của ngành ngân hàng, tức các khoản vay để sản xuất, sẽ tạo một đợt khó khăn mới cho hệ thống tài chính, chứ không còn là tín dụng địa ốc dưới chuẩn và các sản phẩm phái sinh độc hại như năm 2008 nữa.

Với doanh nghiệp, mục tiêu của năm 2009 là tồn tại chứ không phải là tìm cách phát triển hay bành trướng như những năm trước. Trong bối cảnh đó, các công ty trước đây bị chê trách là giữ tiền mặt quá nhiều trên bảng cân đối kế toán sẽ có lợi thế hơn các công ty áp dụng cách thức “lúc cần mới có”, các doanh nghiệp đã định hình sẽ ổn định hơn loại doanh nghiệp mới hình thành và trên đà phát triển. Vì thế những khái niệm một thời thịnh hành như “just-in-time” (giữ mức nguyên vật liệu đúng theo nhu cầu sản xuất) sẽ nhường bước cho quan điểm “tiền mặt là vua”. Các tập đoàn lớn vì cũng không thể dựa vào thị trường của các nền kinh tế mới nổi để bù đắp cho thị trường các nước giàu nên có lẽ sẽ phải vẽ lại kế hoạch kinh doanh toàn cầu của họ. Sẽ có một xu hướng khá rõ từ cuối năm 2008 là các công ty chuyên về hạ tầng đang chuẩn bị cho một đợt làm ăn rầm rộ một khi chính phủ các nước triển khai các kế hoạch kích thích nền kinh tế, bắt đầu từ các dự án hạ tầng cơ sở.

Với người tiêu dùng, cũng trong ấn bản “Thế giới năm 2009”, tờ Economist tiên đoán các thương hiệu ăn chắc mặt bền sẽ đứng vững, kiểu như hãng xúp đóng hộp Campbell’s, các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton sẽ gặp khó, không những chỉ vì khách hàng hết tiền tiêu hoang mà còn vì mua sắm một cái ví Louis Vuitton giá hàng ngàn đô-la trong thời buổi khó khăn này chẳng khác gì cười nhạo vào mũi những đồng loại đang thất nghiệp. Xếp hạng thương hiệu của Interbrand năm 2008 đánh giá tổng giá trị bốn thương hiệu hàng đầu trong lãnh vực tài chính – Merrill Lynch, AIG, Morgan Stanley và Goldman Sachs vào khoảng 37 tỷ đô-la. Tất cả đều chao đảo trong năm 2008. Sẽ rất thú vị đón chờ Interbrand đánh giá chúng năm 2009 còn lại bao nhiêu.

Với các dự báo cụ thể hơn, trường đại học Michigan trong hội thảo Triển vọng kinh tế 2009 cho rằng giá dầu sẽ xoay quanh mức 60 đô-la/thùng trong suốt năm 2009 bởi sự đình trệ kinh tế khắp nơi kéo theo nhu cầu dầu thô giảm, OPEC khó lòng nâng giá dầu lên dù cố gắng cắt giảm sản lượng. Riêng Merrill Lynch trước đây tiên đoán giá dầu 2009 ở mức 90 đô-la/thùng đến đầu tháng 12-2008 lại giảm còn 50 đô-la/thùng.

Với Việt Nam, xu hướng chính của năm 2009 là nỗ lực tìm cách kích thích nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao (chỉ tiêu của Quốc hội thông qua là CPI tăng dưới 15%). Các cột trụ thu hút ngoại tệ về cho Việt Nam sẽ khó khăn nhiều hơn trong năm 2009 như tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại (mức dự báo chính thức là 13%), giải ngân các dự án FDI thấp, doanh thu ngành du lịch giảm… Vì thế những vấn đề của năm 2008 như mất cân đối trong cán cân thanh toán, lạm phát, tỷ giá… vẫn có thể xảy ra nếu không có sự điều chỉnh kịp thời từ chính sách vĩ mô. Chính sách kinh tế trong năm 2009 vì vậy sẽ là sự cân nhắc giữa “kích cầu” và ổn định kinh tế, giữa tạo công ăn việc làm và thâm hụt ngân sách do phải khởi động nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, cơ hội và thách thức sẽ khác hẳn năm 2008 vì không còn loại cơ hội làm giàu qua đêm nhờ vào thị trường chứng khoán, tăng vốn chủ sở hữu nhờ phát hành cổ phiếu bất kể giá trị sổ sách. Cơ hội sẽ đến cho những ai tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu mới của thị trường thế giới và thách thức càng lớn cho những doanh nghiệp còn mắc kẹt một phần trong các dự án địa ốc không thể triển khai. Việc giới quản lý nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác để hưởng mức lương hay mức chia cổ phiếu cao hơn sẽ lắng lại trong năm 2009 khi duy trì việc làm ổn định, gắn bó số phận nghề nghiệp của mình với tương lai doanh nghiệp là xu hướng chủ đạo.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Khuyen nghi chinh sach: khong de

Khuyến nghị chính sách: Không dễ

Nguyễn Vạn Phú

Phân tích, đánh giá tình hình là một chuyện; đưa ra những lời khuyên cho việc định hình chính sách kinh tế vĩ mô không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như chưa có lời giải.

Báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành nhân Hội nghị các nhà tài trợ vào đầu tháng 12 tại Hà Nội xác định ngắn gọn nguyên nhân chính của các khó khăn nổi lên trong nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm 2008. Lúc đó, dòng vốn dồi dào đổ vào làm tiền đồng lên giá, chống lại sức ép đó có nghĩa phải bơm một lượng tiền khả dụng rất lớn cho nền kinh tế. Kết quả là sự bùng nổ tín dụng ngân hàng, lạm phát tăng cao, và hiện tượng bong bóng bất động sản. Báo cáo cũng dự báo khó khăn của năm 2009 có thể ở hướng ngược lại: luồng vốn đổ vào sẽ giảm đi do các nguồn FDI, xuất khẩu, kiều hối đều giảm.

Tuy nhiên, giải pháp mà báo cáo đưa ra để giải quyết vấn nạn này lại được chính các tác giả cho là không áp dụng được. Báo cáo viết: “Đối với các cơ chế bình ổn ngắn hạn, khuyến nghị chuẩn mực là để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do”. Ngay sau đó là những phân tích ngược lại khuyến cáo này: “Những biến động lớn về tỷ giá hối đoái danh nghĩa có thể dẫn đến những hiệu ứng quan trọng liên quan đến dư nợ và có thể dẫn đến phá sản”. Các tác giả còn triển khai ý này bằng các ví dụ rất sống động như để tự giải thích vì sao Việt Nam không thể đi theo lời khuyên này. Không hiểu vì sao có sự tự mâu thuẫn này, phải chăng giữa các tổ chức đóng góp ý kiến cho báo cáo cũng còn khác biệt trong giải pháp khuyến nghị? Bởi không thể nào lý giải sự đối chọi giữa câu trước và câu sau như trong báo cáo: “Một tỷ giá linh hoạt có thể giúp xử lý tình huống và hành động của Việt Nam theo hướng này là rất đáng hoan nghênh” và “Sự linh hoạt về tỷ giá cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn định khi có những luồng vốn lớn ngắn hạn đổ vào hoặc chảy ra”!

Thật ra, các nhà kinh tế trong nước đã từng bàn đến vấn đề này sâu hơn ở góc độ đề nghị điều hành theo tỷ giá thực chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2008, giá đô-la Mỹ tăng 5,11% so với tiền đồng trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong 11 tháng đó đã tăng tới 20,71%. Như vậy trong thực tế tiền đồng đang lên giá mạnh so với đô-la Mỹ chứ đâu có mất giá. Còn nếu so với cả một rổ tiền tệ của nhiều nước nữa thì tiền đồng đang lên giá mạnh hơn nhiều.

Nhập siêu là nỗi lo lớn của Việt Nam, nhất là vào khoảng giữa năm 2008 khi con số này tăng vọt. Thế nhưng báo cáo của WB nhận định: “Trong các cuộc tranh luận gần đây, dòng vốn chảy vào đã bị quy kết là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu cao. Song, chừng nào nguồn vốn còn được đầu tư vào và đầu tư đúng chỗ thì nhập siêu không còn là vấn đề đáng quan ngại.” Đây là nhận định chính xác nhưng với điều kiện tuân thủ các cụm từ “còn được đầu tư vào” và “đầu tư đúng chỗ”. Nó nguy hiểm ở chỗ người ta chỉ nghĩ WB nói nhập siêu không đáng lo ngại mà không nhớ lại dòng vốn đổ vào lúc đó chủ yếu là vốn nóng dễ quay đầu đi ra và dòng vốn này lại kích thích nhập siêu toàn những loại hàng xa xỉ như ô tô đắt tiền. Nó cũng không tính đến yếu tố nhập siêu lúc đó chủ yếu do giá dầu thô và các loại hàng hóa đều tăng cao ở mức kỷ lục – nếu thế là sao đầu vào đó có thể “chuyển đổi thành mức cung hàng hóa và dịch vụ cao hơn, từ đó dẫn đến xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu ít đi” như nhận định của báo cáo?

Trong bối cảnh không thể để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do, báo cáo nhấn mạnh đến hai cơ chế bình ổn khác là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ thì báo cáo cũng cho là khó có hiệu quả trong điều kiện tỷ giá không linh hoạt; Việt Nam chưa làm xong công cuộc cải cách tài chính. Chính sách tài khóa trở thành công cụ điều tiết vĩ mô chủ chốt nhưng báo cáo cũng nói “các thiếu sót mang tính thể chế trong lĩnh vực quản lý tài chính công, đặc biệt đầu tư công, làm hạn chế hiệu quả của công cụ này”.

Có lẽ những biến động trong cán cân thanh toán của nhiều nước trên thế giới dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm những định chế như WB hay IMF vẫn đang lúng túng tìm lời giải. Do vậy họ khó lòng đưa ra những giải pháp cho những nền kinh tế như Việt Nam nhằm tránh hay giảm bớt những biến động lớn trong ngắn hạn.

Tuy thế, những khuyến nghị mang tính dài hạn của báo cáo lại đáng hoan nghênh vì chúng tô đậm những gì các nhà nghiên cứu trong nước từng đề cập: cải cách hệ thống ngân hàng, trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền tự chủ về mặt kỹ thuật để thực hiện các chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho thị trường, kiểm soát tốt các dự án đầu tư công, không để các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển hướng sang ngành nghề khác xa với ngành nghề kinh doanh chính của họ…

Không thấy ở báo cáo những dạng đề xuất chính sách rất phi chính thống nhưng có thể cần thiết trong giai đoạn hiện nay như các đề xuất của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn Nhóm Công tác về Sản xuất và Phân phối đề nghị Việt Nam cần xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn bởi họ lập luận đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chịu kiểm soát trong khi đầu tư gián tiếp lại không. Bởi vậy họ phát biểu: “Các nhà sản xuất và phân phối ở Việt Nam sẽ không phản đối việc áp dụng kiểm soát vốn hạn chế đối với đầu tư danh mục qua biên giới, như những gì Peru và Chile đã làm”.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Nhung cau noi hay trong thang

Những câu nói “hay” trong tháng

Nguyễn Vạn Phú

Nếu có cuộc bình chọn câu nói “hay” nhất trong tháng, tôi sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho phát biểu của một số doanh nghiệp địa ốc được sự hậu thuẫn của một vài “chuyên gia kinh tế” trong tháng 11-2008 rằng “hiện nay có các quỹ: bình ổn giá cả, dự phòng thiên tai, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... chẳng dùng vào việc gì, nên huy động để có nguồn tài chính ứng cứu thị trường bất động sản”.

Một mặt, đây là phát biểu rất “thành thật”, cho thấy thị trường kinh doanh bất động sản hiện đang lâm vào tình thế rất khó khăn, có thể tác động xấu đến nhiều lãnh vực khác. Mặt khác, phát biểu này cho thấy rõ một cách suy nghĩ vừa phi thị trường, phi lô-gích, bất kể quy luật, một tâm lý méo mó đằng sau sự phát triển bất thường của ngành kinh doanh nhà đất trong nhiều năm qua.

Có thể nói, kích cho thị trường địa ốc nóng sốt trong một thời gian dài, kéo theo sự tăng giá nhà đất một cách chóng mặt là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm 2008. Thời điểm đó, thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ, cả hai bơm phồng cho nhau, tạo ra những bong bóng ảo. Sự đông cứng thị trường hiện nay là quá trình trở về bình thường, dĩ nhiên sẽ gây khó khăn cho những ai còn kẹt lại nhưng sao lại đòi chính phủ giải cứu bằng các quỹ, thậm chí còn nêu cụ thể là quỹ… dự phòng thiên tai!

Thị trường địa ốc ở nước ta là một thị trường méo mó vì đầu cơ, vì các mối quan hệ giữa tiền bạc và quyền lực, nơi người ta thi nhau đẩy giá lên rồi tìm đường rút ra, hưởng lợi, ai chạy sau cùng thua lỗ ráng chịu.

Chỉ khi nào nhà phát triển địa ốc tính toán giá bán một căn hộ trung bình bằng khoảng một phần ba thu nhập của một gia đình trung bình trả góp trong vòng 25-30 năm, lúc đó thị trường mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh, không cần lấy quỹ… bảo hiểm y tế ra cứu.

Trong tháng qua, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng tuyên bố với báo chí rằng đã chỉ đạo cho các ngân hàng tiếp tục cho vay địa ốc. Tách biệt nhiệm vụ kinh doanh với nghĩa vụ cung ứng vốn cho các dự án theo chỉ đạo của nhà nước là một bước tiến rất lớn của ngành ngân hàng trong mấy năm qua. Cũng từ đó mới sự ra đời của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách… để làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng theo yêu cầu của nhà nước. Các ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng thương mại quốc doanh không còn phải làm công việc này nữa. Nay không biết sao lại có một phát biểu “ngược đời” và không thực tế như vậy.

Một câu nói khác, cũng “hay” không kém trong tháng qua là lời “nói dỗi” của lãnh đạo một tập đoàn: “Tôi thấy các tập đoàn cũng của Nhà nước, báo chí cũng của Nhà nước, tại sao báo chí lại đi nói xấu các tập đoàn?”. Ô hay, nói thế chẳng khác nào một cán bộ nhà nước bị thổi phạt vì vi phạm luật giao thông phân bua với cảnh sát giao thông: “Tôi là cán bộ nhà nước, anh cũng là cán bộ nhà nước, sao lại thổi phạt tôi?”.

Báo chí, trong vai trò phản biện xã hội, đã đăng tải những ý kiến của giới nghiên cứu chỉ ra những bất cận trong mô hình tập đoàn kinh tế, đặc biệt là khi những tập đoàn này không lo chuyện sản xuất kinh doanh ngành nghề cốt lõi của mình mà bung ra đầu tư trái ngành vào chứng khoán, địa ốc… Đó là những cảnh báo cần thiết, giúp khối kinh tế nhà nước mạnh lên, sao lại nghĩ đơn giản theo kiểu “nói xấu tập đoàn”.

Những phát biểu như trên cho thấy suy nghĩ dựa vào nhà nước cho mọi quan hệ kinh tế như thời bao cấp vẫn còn phổ biến ở nước ta. Suy nghĩ này càng được củng cố bởi diễn biến khủng hoảng kinh tế toàn cầu đòi hỏi chính phủ các nước phải liên tục đưa ra các chính sách can thiệp mạnh vào thị trường, nhiều lúc trực tiếp đứng ra giải cứu các doanh nghiệp cụ thể. Đúng là tình hình ngày nay làm đảo lộn mọi lô-gích kinh tế thông thường nhưng bản chất của các biện pháp giải cứu ở các nước là khác: họ không phân biệt quốc doanh hay tư nhân, tiền bỏ ra đều phải tính khả năng thu về (như vụ giải cứu tập đoàn tài chính Citigroup, Bộ Tài chính Mỹ có khả năng sau này sẽ lãi to), cứu ngân hàng có nghĩa bảo vệ tiền gởi của người dân, chứ cổ đông ngân hàng và ban lãnh đạo phải chịu thua thiệt nặng… Mục đích sau cùng là ổn định nền kinh tế và không sớm thì muộn sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ, làm giàu bất kể hậu quả xã hội. Không ở đâu có lối suy nghĩ lấy tiền của nơi này ứng cứu nơi kia.

Cuối cùng, xin trích một câu phát biểu tại một buổi tọa đàm được báo chí tường thuật: “Nếu điều hành không tốt, Việt Nam sẽ có nguy cơ vừa giảm phát, vừa lạm phát”. Câu này có nghĩa giá cả nói chung sẽ… vừa tăng vừa giảm, thiệt tình là một hình ảnh khó hình dung nên chẳng biết có nên xếp nó vào loại câu “hay” trong tháng được không.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

Le phai va dam duong dau

“Lề phải” và “dám đương đầu”

Quốc Học

Trong khi Bộ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Lê Doãn Hợp từng nói báo chí nên đi đúng “lề đường bên phải” thì tuần trước Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lại yêu cầu báo chí khi tham gia phòng chống tham nhũng “phải dám đương đầu”.

Để báo chí làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, cần xác định điều quan trọng nhất là báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải làm đúng theo Hiếp pháp và pháp luật, xem đó là cơ sở vững chắc nhất để hoạt động chứ không phải là chuyện “lề phải” hay “dám đương đầu”.

Thật ra, phát biểu của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với báo chí khi ông vừa nhậm chức nằm trong bối cảnh xác định cách quản lý báo chí với một bộ vừa mới được thành lập. Lúc đó ông cho rằng quản lý bằng mệnh lệnh thì báo chí sẽ mất tự do và cho rằng báo chí sẽ hoàn toàn tự do nếu đi đúng lề đường bên phải.

Vấn đề là trong một thế giới biến đổi từng ngày, thế nào là “phải”, thế nào là “trái” không thể dựa vào ý kiến chủ quan của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nhà nước nào. Giả thử đầu năm còn ưu tiên phát triển kinh tế, giữa năm ưu tiên chống lạm phát và cuối năm tập trung kích cầu cho nền kinh tế, vậy “phải” hay “trái” ở đây sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Cái mà báo chí cần tuân thủ là pháp luật, cụ thể là các bộ Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật báo chí… còn lại nhà báo sẽ phải chịu trách nhiệm cho những điều mình viết ra và công bố trên báo chí. Từ đó, báo chí mới có thể đăng tải những ý kiến phản biện chính sách, ngỏ hầu tìm ra các giải pháp tốt nhất cho nước nhà trong từng thời điểm cụ thể.

Phát biểu của Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng nằm trong bối cảnh việc đưa tin chống tham nhũng được dư luận đánh giá là có chững lại, chính ông cũng nhận xét: “Không thể phủ nhận hiện nay tâm lý một số phóng viên có phần lo ngại”. Thế nhưng để thay đổi tình hình đó, không phải chỉ có thể kêu gọi phóng viên dám đương đầu là đủ. Các cơ quan phòng chống tham nhũng nước ta phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí và phải có trách nhiệm trả lời báo chí khi có yêu cầu.

Lấy ví dụ vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM, được cho là có liên quan trong vụ án công ty tư vấn PCI của Nhật khai có hối lộ cho ông này để được trúng thầu nhiều dự án. Giả thử báo chí làm theo cách cũ của nhiều năm trước, khi ông Sĩ chưa bị tòa kết luận có tội hay không, mà đã viết bài cáo buộc theo hướng ông này có nhận hối lộ là chuyện hoàn toàn đáng chê trách vì không chuyên nghiệp. Nhưng im lặng trong một thời gian dài vì thiếu thông tin như mấy tháng trước cũng là biểu hiện báo chí thiếu tin tưởng vào quyền được thông tin của báo chí hay do những ràng buộc khác. Báo chí hoàn toàn có thể và phải được phép điều tra về tài sản công khai của ông Sĩ hay viết quá trình làm việc của ông Sĩ khi cũng đã để xảy ra các sai sót ở những công trình khác. Báo chí phải được quyền tiếp cận với cơ quan quản lý ông Sĩ trực tiếp để truy vấn về quá trình kiểm tra cách gọi thầu, cách giao thầu xem có sơ hở gì có khả năng bị lợi dụng không. Báo chí cũng phải được quyền tiếp cận thông tin để xem chất lượng tư vấn của PCI ảnh hưởng như thế thế nào đến chất lượng công trình. Và theo luật, các quan chức liên quan phải trả lời báo chí vì họ là đại diện cho một nhu cầu của người dân – nhu cầu được thông tin. Cuộc sống của họ đang ngày đêm bị tác động bởi những dự án có sự tham gia của PCI, một hãng có nhân viên bị chính ngay nước họ điều tra, truy tố vì tội hối lộ.

Một nền báo chí chuyên nghiệp không cần được chỉ đâu là lề đường phải đi cũng như không cần phải được khuyến khích “mạnh dạn chống tham nhũng”.

Bài đăng phổ biến