Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Ôi, ngôn ngữ!

Ôi, ngôn ngữ!

Tiếng Việt đang ở trong thời kỳ thoái trào, rất cần sự trợ giúp của các nhà ngôn ngữ học để tìm lại sự trong sáng, tinh tế vốn có của nó. Nhưng đọc vào cái tiêu đề của cuộc hội thảo mới được tổ chức ở Hà Nội, tôi nghĩ khó lòng trông chờ nhiều vào sự trợ giúp như thế.

Cái tiêu đề như thế này: “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là một hội thảo quốc gia do Viện Ngôn ngữ học tổ chức.

Trong cái tiêu đề dài 26 chữ, chỉ có hai chữ liên quan đến ngôn ngữ và rất dễ bị bỏ sót nếu người đọc theo quán tính đọc nhanh những cụm từ đã quá quen thuộc như “thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “hội nhập quốc tế”. Lẽ ra những người tổ chức hội thảo nên bắt đầu từ trong nhà, mạnh dạn vượt ra cách dùng từ sáo ngữ, bị dùng nhiều quá hóa mòn để đặt một tiêu đề sát với nội dung của hội thảo hơn.

Điều đáng nói đây là cuộc hội thảo quốc gia đầu tiên sau hàng chục năm vắng bóng loại hội thảo này. Năm 1979 có một hội nghị khoa học toàn quốc mang tên ““Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” và năm 1993 có hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển”. Nếu chú ý chúng ta thấy tiêu đề hội thảo đi từ chỗ ngắn gọn, súc tích và chính xác đến chỗ chung chung, mơ hồ và dài dòng.

Còn nói về định hướng nội dung hội thảo, thiết nghĩ vai trò định hình ngôn ngữ chuẩn mực trong cuộc sống là do các tổ chức như Viện Ngôn ngữ học chứ không phải là chính sách của nhà nước; càng không thể nào trông chờ nhà nước ban hành một bộ luật về ngôn ngữ được.

Lấy ví dụ một chuyện đơn giản mà không ai có thẩm quyền (thẩm quyền về mặt chuyên môn chứ không phải thẩm quyền hành chính) đứng ra giải quyết. Người ta lúng túng, người ta tranh cãi nên phát âm các mẫu tự ABC là a-bờ-cờ hay a, bê, xê. Chuyện này chắc bất kỳ nhà ngôn ngữ học nào cũng có thể giải thích dễ dàng: khi phát âm để ghép vần thì phải đọc a-bờ-cờ nhưng khi đọc tên mẫu tự thì phải nói a, bê, xê.

Không nhà nước nào đủ sức định ra những chính sách và “hướng dẫn thi hành chính sách” cho vô vàn biến thể của ngôn ngữ trong cuộc sống. Chính những nhà khoa học, thông qua báo chí, sẽ là người làm công việc này, bằng các công trình nghiên cứu của mình, nhưng trước tiên là phải bằng cách sử dụng ngôn ngữ chính xác, mẫu mực của chính họ.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Ôi, số liệu!

Ôi, số liệu!

Nghĩ mà thấy khó cho những người nghiên cứu kinh tế Việt Nam sau này. Bởi khi tiếp cận một con số dù từ nguồn chính thức phát ra mà không kiểm chứng, rất dễ bị sai. Từ con số sai, mọi phân tích hay bình luận sẽ sai theo. Các số liệu đưa ra hiện nay thường chỏi nhau, sự thiếu chính xác là do lý giải các con số theo mục tiêu phát ngôn.

Lấy ví dụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết “Năm 2009, khi giá vàng thế giới vọt cao hơn trong nước, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép xuất khẩu 32 tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 26,7 tấn.” (Trả lời báo chí ngày 11-11-2009 khi giá vàng tăng đột biến và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập vàng trở lại).

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý 1-2009, Việt Nam đã xuất khẩu vàng lên đến 2,3 tỷ đô la Mỹ. Tạm lấy giá vàng bình quân quý 1-2009 là 850 đô-la/ounce thì con số 2,3 tỷ đô-la này tương đương với 2,7 triệu ounce, tức 84 tấn. Sao Thống đốc khi nói không đối chiếu với con số xuất vàng chính thức của Tổng cục Thống kê?

Một ví dụ khác, trong báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận định: “Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Với nhận định khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu, xin lấy số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê để đối chiếu. Báo cáo cuối năm 2008 của Tổng cục viết rất rõ ràng: “Tính chung cả năm 2008, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007, bao gồm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,9 tỷ USD, tăng 25,7%, đóng góp 49,7% vào mức tăng chung của xuất khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 28 tỷ USD, tăng 34,7%, đóng góp 50,3%”. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 50,3% mà theo báo cáo của Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp trên 50% vậy khu vực kinh tế tư nhân trong nước hẳn không ai xuất khẩu gì cả!

(Chỉnh sửa: Xin đính chính: tính ra khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 44,5% vào kim ngạch xuất khẩu thôi - 50,3% ở trên là đóng góp vào mức tăng xuất khẩu. Vậy thì con số theo báo cáo của Quốc hội càng không chính xác).

Có lẽ sự khác biệt là do dầu thô. Tổng cục Thống kê thì đưa dầu thô vào kim ngạch của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn báo cáo giám sát thì tính cho doanh nghiệp nhà nước. Ở đây xin lưu ý sự lẫn lộn hay cố ý lẫn lộn này sẽ ngày càng tăng vì hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã được cổ phần hóa, khi cần người ta có thể xếp chúng vào khu vực kinh tế tư nhân, khi khác thì lại xếp chúng vào khu vực kinh tế nhà nước – tùy theo mục đích sử dụng số liệu. Người nghiên cứu gặp tình huống này thì chỉ biết đầu hàng.

Còn câu “tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp”, thì số liệu cụ thể của Tổng cục Thống kê cho biết tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 (giá so sánh 1994) là 652.766 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 164.796 tỷ đồng, tức 25,2%, không biết ở đâu ra con số 39,5%?

Ví dụ loại này còn nhiều. Cho nên bất kỳ ai bình luận trên các con số xem ra có vẻ chính thức, xin cẩn trọng đối chiếu với các con số khác, các nguồn khác, trước khi đưa ra những kết luận không thôi dễ nhầm.

Bài đăng phổ biến