Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Thị trường và phi thị trường


Thị trường và phi thị trường
* Vì sao những biện pháp phi thị trường lại được dư luận trông chờ và không bị doanh nghiệp phản ứng mạnh? Vì sao hiện tượng này sẽ có những hệ quả xấu về lâu về dài?
Nếu đứng về lý, rất dễ bác bỏ yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho những khoản vay cũ về dưới 15%. Luật các tổ chức tín dụng quy định tại điều 91: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. NHNN không có cơ sở pháp lý nào để yêu cầu các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho những khoản đã cho vay bình thường. Đây là giao kết dân sự giữa hai bên, không liên quan gì đến NHNN. Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn dài hạn với lãi suất cao thì cũng phải cho vay cao tương ứng nếu không muốn thua lỗ.
Thế nhưng trên thực tế, hầu như không có sự phản đối công khai nào từ phía các ngân hàng thương mại. Họ chỉ đối phó bằng các chiêu thức thường thấy như trì hoãn, chọc lọc người vay để giảm lãi suất, đặt ra những điều kiện bổ sung… Công khai chỉ thấy các lời trần tình, cần thêm thời gian, cần sự đồng thuận của hội đồng quản trị, cần cân nhắc rủi ro… Trong khi đó, không ít phương tiện thông tin đứng về phía doanh nghiệp đi vay để chất vấn giới ngân hàng: “Hạ lãi suất, không lẽ là chuyện đùa?” Quan chức NHNN cũng khẳng định sẽ xử lý các ngân hàng không chịu giảm lãi suất cho các khoản vay cũ.
Không lẽ tinh thần tôn trọng nguyên tắc thị trường trong lãnh vực ngân hàng đã lụi tàn? Nguyên do chính là vì giới ngân hàng từng bỏ lơ nguyên tắc thị trường để được hưởng lợi từ lâu nay khó lòng nói khác.
Nếu áp dụng đúng nguyên tắc và tôn trọng luật lệ một cách đằng thẳng, nhiều ngân hàng không thể nào vượt qua yêu cầu tăng vốn điều lệ mấy năm trước, không thể nào cho nhiều dự án “sân sau” vay vượt quá tỷ lệ quy định, không thể nào cho vay vượt quá mức huy động… Tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng không dễ diễn ra. Quan trọng hơn cả, tình hình nợ xấu không thể che giấu và báo cáo sai lệch như thời gian qua được. Vì nỗi lo cho sự an toàn của cả hệ thống, NHNN từng đối xử với mọi ngân hàng, cả tốt lẫn xấu như nhau, không công khai sức khỏe của từng ngân hàng để khách hàng chọn lựa, không xử lý mạnh các sai phạm của một số ngân hàng khác…
Sự nương nhẹ của cả hai bên dẫn tới tình trạng như hiện nay khi NHNN điều hành thị trường bằng mệnh lệnh hành chính và hướng điều hành là tùy thuộc vào lợi ích hay mục tiêu ngắn hạn. Cứ mãi như thế, biết bao giờ mới khởi động quá trình tái cơ cấu thật sự hệ thống ngân hàng, làm cho nó lành mạnh và hoạt động đúng nguyên tắc thị trường?
*                      *                      *
* Thu nhập đầu người của Việt Nam tính trên cơ sở cân bằng sức mua (PPP) đang giảm mạnh. Để dễ hình dung, hãy lấy một ví dụ được đơn giản hóa: cách đây 5 năm, khi tỷ giá tiền đồng là khoảng 16.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, tiền công hớt tóc là 16.000 đồng. Lúc đó so với giá hớt tóc bên Mỹ đến 10 đô-la, dân Việt Namchỉ cần tốn chừng 1 đô-la. Nay giả thử giá hớt tóc bên Mỹ không thay đổi nhưng ở Việt Nam đã lên trên 40.000 đồng; với tỷ giá trên 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ, người ta phải bỏ ra chừng 2 đô-la mới đủ tiền hớt tóc.
Lạm phát cao trong nhiều năm liền trong khi tỷ giá thay đổi chậm hơn tốc độ lạm phát là nguyên nhân cho tình trạng nói trên. Việc thổi phồng giá trị tài sản các loại nói ở phần trước cũng là tác nhân quan trọng. Nếu trước đây mặt bằng giá cả tương đối rẻ ở Việt Nam là một lợi thế thì nay lợi thế đó đang dần biến mất.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài than, chi phí ở Việt Namtăng vọt trong khi doanh thu tính bằng tiền đô-la không tăng với mức tương ứng, làm hoạt động của họ ngày càng thêm khó khăn. Chi phí này gồm nhiều thứ, từ lương công nhân, tiền thuê đất, mua nhà xưởng, tiền điện, nước, xăng dầu, giá các nguyên liệu đầu vào mua ở Việt Nam. Lương công nhân đắt đỏ hơn một phần thì lương giới quản lý càng đắt đỏ bội phần vì đã tăng nhanh trong những năm qua.
Tình hình này càng gay gắt ở những doanh nghiệp xuất khẩu, làm hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thế là nhà xuất khẩu quay sang ép giá nông dân, làm giá đủ loại nông sản đang giảm mạnh.
Thu nhập đầu người tính theo PPP giảm là quá trình mà mọi nước đang phát triển phải đi qua nhưng ở Việt Namtrong những năm qua, quá trình nay diễn ra quá nhanh chóng. Hậu quả là mức sống của người dân, nhất là dân nghèo, đang giảm sút. Nếu trước kia họ tự an ủi, thu nhập của họ dù chỉ bằng 1 phần 10 thu nhập của một người bạn bên Mỹ nhưng hớt tóc cũng chỉ tốn ít hơn 10 lần; nay thì hết có chuyện so sánh như thế, không chỉ chuyện hớt tóc mà còn học phí cho con, tiền khám chữa bệnh, tiền đi lại...
Khổ nổi nhiều nơi không để ý đến yếu tố này mà chỉ khăng khăng so sánh với giá ở các nước khác mỗi khi muốn lập luận cho thuận tai việc tăng giá một mặt hàng hay dịch vụ nào đó.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Nợ xấu, biệt phái và lương


Nợ xấu, biệt phái và lương
+ Có lẽ còn rất lâu chúng ta mới biết con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam thực sự là bao nhiêu. Bởi mới chỉ cách đây mấy tuần, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) báo cáo trước Quốc hội là 10%, sau đó lại được chính thức công bố cũng bởi NHNN là 4,47% và gần đây nhất lại là 8,6%!
Tuy nhiên, quan trọng hơn, số nợ xấu đó từ đâu ra, của ai gây nên, thuộc khu vực nào thì chưa bao giờ được công khai. Biết nguyên nhân của nợ xấu mới mong tìm giải pháp giải quyết nợ xấu.
Khu vực chiếm tỷ trọng nợ xấu lớn nhất ắt phải là các doanh nghiệp nhà nước mà dẫn đầu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chính NHNN cũng thừa nhận nợ xấu cho vay bất động sản không lớn, chỉ chiếm khoảng 10% tổng nợ xấu). Trong tổng dư nợ của doanh nghiệp nhà nước là trên 1 triệu tỷ đồng, chỉ cần 10% số này là nợ xấu, con số tuyệt đối đã lên trên 100.000 tỷ đồng, bằng với con số nợ xấu mà NHNN vừa công bố vào cuối tuần trước. Chỉ tính riêng hai doanh nghiệp nhà nước từng gây nhiều tai tiếng trong những năm gần đây là Vinashin và Vinalines thì tổng nợ của chúng, trong đó đa phần là nợ xấu, đã là những con số khổng lồ. Trong những năm qua, mỗi năm con số nợ đến hạn phải trả ở các doanh nghiệp này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng và đã biến thành nợ xấu!
Không cải cách toàn diện khu vực kinh tế nhà nước để loại bỏ các “điển hình tiêu cực” như Vinashin hay Vinalines thì khoan vội nói đến giải quyết nợ xấu. Thành lập công ty mua bán nợ có thể giải quyết các khoản nợ cũ nhưng chưa bịt được lỗ hổng về quản lý các doanh nghiệp nhà nước thì sớm muộn gì cũng sẽ nảy sinh những khoản nợ xấu mới. Không lẽ lúc đó lại tính chuyện thành lập tiếp công ty mua bán nợ mới?
*                      *                      *
+ Liên quan đến việc giám sát doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề án thành lập tổng cục giám sát và quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Điểm nhấn của đề án này là Bộ Tài chính sẽ biệt phái chừng 80 cán bộ xuống các tập đoàn, tổng công ty. Đại diện của Bộ cho báo chí biết 80 người này vẫn là công chức của Bộ Tài chính, không ăn lương của doanh nghiệp, được kỳ vọng sẽ giúp Bộ phát hiện kịp thời những sai sót trong sử dụng vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Kỳ vọng như thế e rằng đặt không đúng chỗ.
Đầu tiên, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện nay đều do các bộ và Chính phủ cử xuống chứ không phải từ trên trời rơi xuống. Họ chính là người được cử để đại diện phần vốn sở hữu của Nhà nước; trong số họ có những người có hàm chức vụ cao cấp – 80 cán bộ của Bộ Tài chính làm sao sánh bằng. Tuy thế, một khi họ làm sai, như lãnh đạo Vinashin, Vinalines, thì vẫn cứ làm sai, không ai giám sát được.
Thứ đến, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty hiện đang dựa vào những quy chế được soạn thảo kỹ lưỡng, được ban hành bởi cấp cao nhất nên các bộ không can thiệp vào được – 80 cán bộ của Bộ Tài chính được kỳ vọng sẽ can thiệp bằng cách nào? Ví dụ, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính. Tức là một tập đoàn có thể tự quyết định đầu tư một dự án lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than phiền về quy định này để chứng minh sự bất lực của bộ, không thể kiểm soát các dự án đầu tư của các tập đoàn. 80 cán bộ của Bộ Tài chính liệu có thể có thẩm quyền mạnh hơn Bộ trưởng Phúc?
Đến tận phút chót mà Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng còn lầm về con người Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Vinalines với nhiều sai phạm, khi cử ông ta làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Làm sao kỳ vọng 80 cán bộ Bộ Tài chính có một sự sáng suốt hơn – chưa kể khả năng họ bị biến chất như Dương Chí Dũng trong môi trường mới.
*                      *                      *
+ Trong một dự thảo khác, mức lương cơ bản của chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty dự kiến được ấn định ở mức 36 triệu đồng/tháng, của tổng giám đốc là 34 triệu đồng/tháng…
Đối với nhiều người, đây là mức lương cao, thậm chí rất cao; đối với nhiều người khác, lương như thế là thấp, thậm chí quá thấp. Bởi một khi có con số tuyệt đối, sẽ luôn luôn có sự so sánh và kết luận cao thấp tùy kết quả so sánh. Nếu so với mức lương trên 240 triệu đồng/tháng của tổng giám đốc một công ty niêm yết hay mức lương phổ biến trên 100 triệu đồng/tháng của nhiều tổng giám đốc khác thì 36 triệu đồng là quá thấp. Nhưng nếu so với lương Bộ trưởng, Thủ tướng, Chủ tịch nước hay lương của công nhân thì nó lại khá cao. Không lẽ cán bộ dưới quyền Bộ trưởng được cử đi làm dưới doanh nghiệp, cuối cùng hưởng lương cao hơn lương Bộ trưởng?
Xét cho cùng, không nên quy định những mức lương cụ thể cho lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước mà phải gắn nó với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Lương của tổng giám đốc một công ty đại chúng được đại hội đồng cổ đông thông qua ở mức kỷ lục, đến hàng tỷ hay hàng chục tỷ đồng/năm là bởi người tổng giám đốc này sẽ đem về cho cổ đông những khoản lợi nhuận gấp thế hàng trăm lần. Lương một tổng giám đốc một tổng công ty nhà nước lớn bị chính người nhận đánh giá là quá thấp sẽ là động lực thúc đẩy người đó tư lợi, gây hại cho doanh nghiệp miễn sao đem lại lợi ích riêng cho mình.
Nhiệm vụ của dự thảo là xác định cho được sự tương quan giữa lương, thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước với thước đo, đo lường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ấy.

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Nóng vội!


Nóng vội!
Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm của ngành ngân hàng vào cuối tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình thúc giục các ngân hàng phải kéo lãi vay nợ cũ xuống dưới 15%/năm.
Trong bối cảnh dư luận xã hội đang bất bình ngành ngân hàng vẫn cứ lãi lớn bất kể khó khăn của doanh nghiệp, lời thúc giục này ắt sẽ được nhiều người ủng hộ. Các doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất cao, không tiếp cận được các khoản vay ưu tiên, sẽ càng tán thành quan điểm của Thống đốc.
Thế nhưng xét ở bình diện nguyên tắc thị trường, chỉ thị của Thống đốc NHNN có nhiều điểm đáng bàn.
NHNN tác động vào mặt bằng lãi suất trên thị trường thông qua các loại lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu. Một loạt các loại lãi suất này vừa được NHNN điều chỉnh giảm từ đầu tháng 7 như lãi suất tái cấp vốn giảm từ 11% xuống còn 10%, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 9% xuống còn 8%. Chính sách thường cần một thời gian để phát huy tác dụng, chứ không thể nóng vội sử dụng ý chí ra lệnh hành chính. Thật ra, từ đầu năm đến nay NHNN đã năm lần điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành; nếu thị trường không hồi đáp với chính sách điều chỉnh, chứng tỏ sự điều hành của NHNN chưa đủ liều lượng hoặc thị trường đang có những đặc điểm làm cho sự xoay chuyển của NHNN khó khăn hơn nhiều lần.
Đặc điểm thứ nhất là hệ thống ngân hàng hiện không có động lực để cạnh tranh lành mạnh trong khi lãi suất cho vay chỉ có thể giảm khi các ngân hàng cạnh tranh nhau để cho vay. Trong con mắt của công chúng, ngân hàng tốt cũng như ngân hàng yếu kém đều được sự bảo bọc, che chắn của NHNN trong khi cạnh tranh để cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều đem lại nhiều rủi ro cho ngân hàng. Chỉ khi nào NHNN loại bỏ yếu tố che chắn cho mối nguy đạo đức (moral hazard) thì mới mong khơi dậy yếu tố cạnh tranh ở các ngân hàng.
Đặc điểm thứ hai là nền kinh tế trong mấy năm gần đây đã trở thành con tin của hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp quá phụ thuộc vào vốn vay – mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính lên quá cao – không thể một sớm một chiều mà hóa giải ngay được. Theo chuyên gia kinh tế Jonathan Pincus trong một bài viết trên tờ Financial Times, tín dụng ngân hàng trên GDP đã tăng gấp đôi từ 62% vào năm 20005 lên đến 136% năm 2010. Tín dụng tăng vọt sau hai đợt: đợt đầu do dòng vốn bên ngoài chảy vào trong các năm 2007 và 2008; đợt sau do dòng vốn kích cầu chống suy thoái năm 2009 và đầu năm 2010. Bùng nổ tín dụng như thế đương nhiên dẫn tới nợ xấu. Ngân hàng hiện phải lo giải quyết nợ xấu cũng đã ngập đầu – làm sao trông mong họ giảm lãi suất để tăng cho vay? Ngược lại ở phía doanh nghiệp, làm sao để giảm bớt tỷ lệ vay nợ so với tỷ lệ vốn chủ sở hữu là xu hướng nên không thể trông mong họ hăm hở đi vay như những năm tín dụng dễ dãi trước đây.
Mới chỉ cách đây mấy tháng, báo chí liên tục đưa tin tăng lãi suất để chống lạm phát. Nay không thể đột ngột quay ngoắt 180 độ, thúc giục giảm lãi suất nếu không muốn lạm phát bùng nổ trở lại. Lãi suất tăng đã làm bộc lộ những yếu kém của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Một bên là đầu tư kém hiệu quả, bung ra tràn lan, nhất là sang lãnh vực địa ốc; một bên là khả năng quản lý rủi ro còn kém, lại ham chạy theo lợi nhuận, bất kể rủi ro. Những khó khăn vừa qua là bộ lọc, sàng lọc doanh nghiệp mạnh, làm ăn đàng hoàng, bền vững. Sao không hỗ trợ xu hướng đó mà lại vội vã thúc đẩy lòng tham của ngày trước bùng phát trở lại?

Bài đăng phổ biến