Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Giải thích số liệu của Hội đồng Vàng


Giải thích số liệu của Hội đồng Vàng
Báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng trong cả năm 2012” của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu tiêu thụ vàng thỏi của Việt Nam trong năm 2012 là 65,6 tấn, bên cạnh đó còn có 11,4 tấn vàng nữ trang (tổng cộng 77 tấn). Con số này của năm 2011 lần lượt là 87,8 tấn và 13 tấn (tổng cộng 100,8 tấn).
“Nhu cầu tiêu thụ vàng” này thực chất là gì mà đã gây khó cho phóng viên báo Thanh Niên?
Định nghĩa đi kèm với báo cáo cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ [vàng] là tổng lượng vàng nữ trang và vàng thỏi tiêu thụ trong một nước hay nói cách khác, đó là tổng lượng vàng các cá nhân mua trực tiếp”.
Nghe cũng rõ ràng rồi.
Nhưng ở các nước khác, người tiêu dùng thường mua vàng, chủ yếu là vàng nữ trang và giữ lâu dài. Còn ở Việt Nam, người dân có thể mua bán vàng nhiều lần với cùng số vàng đó. Ví dụ, trước đây một người có thể lấy tiền mặt mua 100 lượng vàng để thanh toán tiền mua nhà. Sau đó chủ nhà lại bán 100 lượng vàng này ngay, cứ thế 100 lượng vàng này có thể xoay vòng nhiều lần tạo ra một doanh thu lớn cho các công ty kinh doanh vàng bạc. Vì thế, câu hỏi đặt ra là khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới đã tính đến yếu tố này chưa khi nói về nhu cầu vàng của Việt Nam? Liệu có khả năng tính trùng lắp không?
Tôi liên lạc với Hội đồng Vàng Thế giới ở Luân Đôn và nhận được câu trả lời: Dữ liệu và thông tin trong báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng trong cả năm 2012” là do bộ phận nghiên cứu Thomson Reuters GFMS cung cấp.
Liên lạc tiếp với Thomson Reuters GFMS ở Luân Đôn thì được chuyển về chi nhánh của họ tại Úc và một chuyên viên phân tích cao cấp của GFMS tại Úc cho biết xét về mặt tiêu thụ, họ đã cố gắng tính toán để có được con số “ròng”, tức là đã loại trừ yếu tố mua đi bán lại sau khi thu thập số liệu thông qua các hãng vàng lớn.
Chuyên viên này, bà Cameron Alexander, chuyên trách nghiên cứu thị trường Việt Namvà các nước Đông Nam Á khác, cho biết thêm “Một số lượng lớn vàng nhập vào Việt Namlà theo cách phi chính thức. Trước đây khi có một vài công ty sản xuất vàng miếng, hầu hết hàng nhập khẩu được dập thành vàng mang tính đầu tư. Tuy nhiên, ngày nay khi chỉ có SJC được quyền sản xuất vàng miếng thì vàng nhập được dùng để chế tác nữ trang”.
Bà Alexander không muốn đưa ra con số phỏng đoán là bao nhiêu phần trăm nhu cầu tiêu thụ vàng được đáp ứng bằng vàng nhập theo con đường phi chính thức nhưng nói rõ: “Các bằng chứng riêng lẻ cho thấy vàng vẫn đang được nhập không chính thức vào Việt Nam”. Bà nói thêm là do tiến hành nghiên cứu các thị trường lân cận nên biết rõ chuyện mua bán xuyên biên giới này.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Chuyện không đơn giản


Chuyện không đơn giản
Mới nghe qua, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%, thậm chí còn 20% là đáng hoan nghênh vì đây sẽ là một động lực cho giới doanh nhân bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.
Thế nhưng câu chuyện sẽ không còn đơn giản như thế nếu phân tích kỹ hơn, sâu hơn một chút. Trong dự toán ngân sách năm 2013, thu thuế thu nhập doanh nghiệp ước chừng trên 220.000 tỷ đồng, cỡ bằng chi cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề và chi cho y tế. Dự toán này được tính toán trên thuế suất phổ biến là 25% (dĩ nhiên có rất nhiều dự án được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20%). Nay thuế suất giảm xuống 23% hay 22% thì chắc chắn con số không còn là 220.000 tỷ đồng nữa mà phải giảm xuống, giảm bao nhiêu thì Bộ Tài chính đã được ra con số ước lượng cho năm tới khi bắt đầu áp dụng thuế suất mới.
Vì thế những ý kiến nói, do doanh nghiệp đang lỗ, không có lợi nhuận nên con số thu thuế không giảm, không mất đi đâu cả là không chính xác. Có lẽ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế” thì đây chỉ là “cách nói khéo” để “động viên” Chính phủ tìm cách giảm thuế nhanh cho doanh nghiệp hòng vượt qua khó khăn hiện nay!
Điều đáng nói, một khi ngân sách giảm, chi tiêu sẽ bị ảnh hưởng. Chi tiêu đó có thể cho những dự án lãng phí nhưng cũng có thể là cho các dự án xóa đói giảm nghèo, các dự án xã hội. Chính vì vậy, chính phủ các nước thường rất cân nhắc mỗi khi giảm thuế cho giới kinh doanh bởi người dân sẽ phản đối do các chương trình an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng.
Cân nhắc giữa hiệu ứng lan tỏa lâu dài của một môi trường kinh doanh hấp dẫn nhờ có thuế suất thấp với hiệu ứng trước mắt khi phải cắt giảm chi tiêu ngân sách là một cân nhắc khó chứ không phải là chuyện đơn giản.
Chúng ta hãy lấy thêm một ví dụ cụ thể để thấy nếu làm không khéo sẽ dẫn đến bức tranh nghịch lý không mong muốn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho báo in, kể cả quảng cáo trên báo được đề xuất giảm xuống còn 10%. Mới nhìn qua thì đây là chính sách rất hợp tình hợp lý, giúp báo chí vượt qua một giai đoạn đang rất khó khăn hiện nay. Nhiều lập luận cho rằng báo chí hoạt động không mang tính thương mại, chủ yếu để chuyển tải thông tin mọi mặt đến với xã hội…
Nhưng liệu có ổn không khi giảm thuế xuống còn 10% cho cả các tờ mang tính giải trí, mua bản quyền của nước ngoài, đang mang măng-sét tiếng Anh như các tờ “Her World”, “Cosmopolitan”, “Esquire”, “Women’s Health”, “Elle”, “Bazaar”… Các sạp báo bây giờ tràn ngập các loại báo này trong khi các tờ tạp chí khác dần dần biến mất. Các tờ mang tính nghiên cứu thì càng khó ra sạp hơn nữa. Nhưng nếu đặt ra các tiêu chí để được hưởng thuế suất thấp cũng khó vì sẽ mang nặng tính xin-cho như trước. Đặt ra yêu cầu không giảm thuế đối với những tờ nhượng quyền từ nước ngoài cũng khó vì sẽ có những tờ nhượng quyền mang tính khoa học – công nghệ cần khuyến khích lại bị ảnh hưởng.
Thật ra có những cách giúp báo in thiết thực hơn đã không được chú ý. Đó là bãi bỏ trần khống chế chi phí khuyến mãi, quảng cáo được xem là hợp lý để được khấu trừ cho doanh nghiệp. Hiện nay mức trần là 10% và đang được xem xét nới lỏng đến 15%. Tại sao không bỏ hẳn quy định rất “đặc thù” chỉ có ở Việt Nam này bởi nó vừa giúp doanh nghiệp được rộng tay quảng bá hình ảnh, vừa giúp mở rộng thị phần quảng cáo cho báo chí. Một công đôi việc – vì sao vẫn còn ngần ngại?

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả


Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng mạnh bài ‘Rửa’ vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống, hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.
Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) “cùng xử lý thông tin rửa vàng”, tạo một tiền lệ chưa từng có.
Bình tĩnh đọc lại bài báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra các con số nhập lậu vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá 4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm 2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012 thêm 12,5 tấn nữa.
Cái sai về mặt kỹ thuật ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm “gold demand”, tức nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là “tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng tiêu thụ trong cả nước”. Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm để ước tính ra “demand” (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.
Ví dụ theo thông tin trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011 là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán? Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.
Vậy nếu bài báo nói những con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.
Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất là câu “hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để ‘rửa’ số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam”. Chỉ cần biên tập bỏ chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính sách là nhằm rửa vàng lậu?
Tôi đã từng phê phán chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể ít) mà NHNN không biết.
Nếu NHNN là nơi muốn lắng nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.
Chính sách liên quan đến vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báo Thanh Niên có đính chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài “Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!” (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?); báo Tuổi Trẻ thì có bài “Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?”đặt vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.
Đâu có thể “méc” bên Bộ Công an hết được!

hình ảnh hài hước

Dưới đây là một số câu chuyện cười và hình ảnh hài hước mà mình sưu tập được, mình hi vọng sẽ mang lại những tiếng cười sảng khoái cho các bạn.






Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Từ một góc nhìn khác


Từ một góc nhìn khác
Vì sao không thể viết “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”?
Ý nghĩa của việc thay đổi từ “theo quy định của pháp luật” thành “theo quy định của luật” là gì?
1. Một trong những góp ý của Chính phủ với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp là bỏ một từ “pháp” trong cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khi đề cập đến các quyền cơ bản quan trọng của công dân như tự do đi lại, cư trú, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình đều có ghi thêm câu “theo quy định của pháp luật”. Nay Chính phủ đề nghị chỉ ghi “theo quy định của luật”. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đang tập hợp ý kiến góp ý của người dân vào bản dự thảo mới, trong đó với những quyền cụ thể, cũng thay đuôi “theo quy định của pháp luật” thành “theo luật định”.
Chỉ một từ vì sao lại tạo ra sự khác biệt?
Nếu xem Hiến pháp là một khế ước xã hội nơi người dân trao quyền cho Nhà nước thay mặt họ trong một số trường hợp để quản lý xã hội nhưng cũng khẳng định một số quyền cơ bản không thể tước bỏ của người dân thì viết như kiểu cũ là không đúng với tinh thần Hiến pháp. “Theo quy định của pháp luật” có nghĩa những quyền hiến định sẽ bị các đạo luật dưới Hiến pháp ràng buộc, hạn chế một bước rồi sau đó các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư lại ràng buộc, hạn chế thêm nhiều bước khác.
Còn nếu hiểu một cách đúng đắn, luật là công cụ người dân thông qua đại biểu dân cử làm ra để bảo vệ các quyền hiến định của mình thì luật chỉ nhằm mục đích giúp người dân thực hiện quyền của họ một cách hợp lý nhất. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do cư trú thì luật trước tiên phải khẳng định quyền này, phải ràng buộc Nhà nước làm sao để quyền này không bị tước bỏ. Luật chỉ được quyền cụ thể hóa sự tự do cư trú ấy như thế nào mà thôi, bằng không sẽ bị tuyên là vi hiến. Viết như kiểu cũ, quyền tự do cư trú sẽ bị hạn chế bằng các điều kiện mà luật pháp đặt ra như có nhà, có nghề nghiệp...
Góc nhìn cũ là tìm cách quản lý quyền của công dân; góc nhìn mới là bảo vệ quyền của công dân. Vì thế, vẫn có ý kiến, tốt nhất là Hiến pháp bỏ luôn cụm từ “theo quy định...” để không còn cơ hội nào cho sự diễn giải sai, dù vô tình hay cố ý.
*                      *                      *
2. Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp viết: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân...”.
Sau khi tổng hợp góp ý của đông đảo người dân, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cuối tuần trước cho biết đang có hai luồng ý kiến muốn sửa đổi điều này (và dường như không có luồng nào muốn giữ nguyên văn như trên cả).
Luồng thứ nhất dừng ở mức độ chuyện chữ nghĩa, trật tự của câu văn. Nhiều người lập luận Tổ quốc và nhân dân là đã bao gồm cả Đảng cộng sản Việt Nam. Trong việc bảo vệ đất nước thì Tổ quốc và nhân dân là trên hết, không thể nào xếp Đảng đứng đầu như một ưu tiên phải được bảo vệ đầu tiên.
Ý kiến loại này được ngay cả các vị quan  chức đã về hưu như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nêu lên. Tại hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp của Bộ Tư pháp, tất cả ý kiến góp ý đều đề nghị đổi vị trí và cách diễn đạt điều 70 thành: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam...”.
Thật ra ngay chính Cương lĩnh 2011 của Đảng cũng ghi rõ theo trật tự đó: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân...”.
Luồng ý kiến thứ hai muốn giữ nguyên như Hiến pháp 1992, tức là không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”.
Mặc dù không có chi tiết thêm về lập luận đằng sau luồng ý kiến thứ hai này, thiết nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng điều này chưa được luật hóa thành những văn bản luật cụ thể nên sự lãnh đạo thường thông qua các nghị quyết, đường lối, chính sách và nhất là thông qua con người cụ thể được phân công những nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Vì thế mọi hoạt động liên quan đến lực lượng vũ trang, về mặt chính thức mà nói, đều thông qua bộ máy nhà nước. Việc phong hàm cấp tướng chẳng hạn cho các sĩ quan quân đội hay cảnh sát là do Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ; hay một ví dụ khác, việc điều động quân đội đi chống lũ, cứu dân... là do bên chính quyền điều động. Đó là cơ chế bình thường nay ghi thêm dòng “tuyệt đối trung thành với Đảng”, không lẽ sẽ có những cơ chế khác, một hệ thống chỉ huy khác? Chắc chắn không có chuyện đó - thì ghi như dự thảo vừa thừa vừa gây sự lúng túng không đáng có.
Hơn nữa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn có điều 93: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:... Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh... Nếu Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, tức các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước. Viết như dự thảo sẽ gây ra sự lúng túng, bối rối không phân định rõ của bộ máy chỉ huy quân đội.
Tổ quốc và nhân dân là những khái niệm thiêng liêng - trở về với cách viết như cũ là thể hiện sự tôn trọng với Tổ quốc và nhân dân, nhất là tôn trọng tính trung thành tuyệt đối của Đảng đối với Tổ quốc và nhân dân.

Phần viết thêm:
Ý nghĩa đằng sau những thay đổi mới nhất trong chuyện sửa đổi Hiến pháp là gì? Nên có thái độ như thế nào? Có phải chúng ta đang bị lừa cho những chiêu trò hậu trường chăng? Đây là băn khoăn của nhiều người. Riêng tôi, tôi suy nghĩ đơn giản: Đây là điều tốt về nhiều mặt, cần thúc đẩy.
- Cách đây chỉ mới mấy tuần, hàng loạt bài báo tràn ngập báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và đài truyền hình, lớn tiếng phê phán những ý kiến khác với ý kiến chính thống là phản động, suy thoái, là bị thế lực thù địch nước ngoài giật dây… Nay chính các tờ này phải im tiếng. Và sau này những cây bút từng viết những bài đầy chủ quan và quy chụp như thế ắt phải chùn tay để khỏi bị hố to. Đấy không phải là điều hay hay sao?
- Cũng trong thời gian đó báo chí truyền thống khác phần đông là im tiếng. Chỉ có các diễn đàn trên các mạng xã hội là phân tích nêu lên những điểm nay đã được tích hợp vào bản dự thảo mới. Điều đó cho thấy đặc điểm lan tỏa của ý kiến cá nhân, không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông cổ điển nữa. Đó cũng là một điểm đáng khích lệ khác.
- Có người cho rằng sự thay đổi mới xuất hiện chỉ là một cách mua chuộc lòng dân. Thế thì đã sao? Muốn mua thì cũng phải trả giá và đó chính là quá trình thỏa hiệp sao cho lợi ích của đa số được tôn trọng. Muốn mua chuộc có nghĩa lòng dân đã có giá, được chú trọng – và đó chính là khởi điểm của dân chủ, tức tiếng nói của người dân được lắng nghe. Nếu không có những phản ứng của người dân khi bị trục đuổi khỏi mảnh đất của họ thì sẽ không có tranh luận về thu mua hay trưng mua, sẽ không có việc đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế…
- Những ý kiến đại loại đổi tên nước là âm mưu đổi tiền đấy, là ý kiến phá đám, không nên lưu tâm. Riêng đề xuất đổi tên nước, tôi nghĩ đây vừa là chuyện quan trọng nhưng vừa không mang tính thực tiễn cho lắm. Tạm thời không nên tập trung vào đó dễ bị lạc hướng.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Nói mãi mà không nhàm


Nói mãi mà không nhàm
Paul Krugman, nhà kinh tế nổi tiếng, chuyên viết cho tờ New York Times, vừa có một bài viết trên tờ BusinessWeek mang nhan đề “How to Beat a Dead Horse”.
Thành ngữ to beat a dead horse là làm chuyện vô ích, thường chỉ một chuyện đã qua rồi, bàn thêm hay cố gắng thêm chẳng được chi (ví dụ Do you think it's worth sending my manuscript to other publishers or I am just beating a dead horse?) Vì sao nhà kinh tế đoạt giải Nobel lại bày chúng ta beat a dead horse?
Ấy là ông này đang nói về nghề tay trái của ổng – viết báo. Với các đề tài người ta và ngay chính ông đã bàn nát nước rồi thì làm sao để viết [cho hay, cho hấp dẫn].
Krugman bày: “It kind of helps to use various people as foils”. Foil là một kỹ thuật trong viết tiểu thuyết – dùng một nhân vật để làm nổi bật tính cách của một nhân vật khác. Ông nói thêm cho rõ: “If someone has said something that’s demonstrably at odds with experience or just demonstrably stupid, I use it” (at odds with là trái ngược với; demonstablyở đây là rõ ràng).
Chiêu thứ nhì là “Metaphors, if you can find good ones, are helpful”. Ngay sau đó Krugman cho ví dụ về những ẩn dụ hữu ích: “Confidence fairy” has been a good friend to me. That one just came out of the blue in 2010. Krugman từng đẻ ra và dùng cụm từ “confidence fairy” trong khá nhiều bài (một từ ông cho là đắc ý – a good friend), ý nói đến niềm tin rằng chính quyền càng ít can thiệp, nền kinh tế sẽ càng chóng phục hồi, tức là chỉ cần tin mọi việc sẽ ổn là nó sẽ ổn – một ý tưởng ông này cho là ảo tưởng. To come out of the blue là xuất hiện bất chợt.
Chiêu tiếp theo là “More on the blog than in the column, I follow research”. Ông này vừa viết báo vừa viết blog. Và phát triển cái ý “follow research” ông nói: “I wasn’t thinking much about the importance of having your own currency at first”. Currency ở đây là sự thừa nhận [rộng rãi ý tưởng của ông]. “I learned about that a couple of years into this Don Quixote role—some mixture of Don Quixote and Cassandra”. Tức là khi đóng vai Don Quixote chọc ngoáy vào những vấn đề “cái cối xay” của kinh tế, ổng nghĩ mình cũng đồng thời phải là một Cassandra, là nữ thần chuyên tiên đoán hậu vận một cách chính xác. Kết quả là “This having-been-right thing helps sustain me in pounding on the issues”. Đó, pounding on the issuebeat the dead horsemà vẫn có người nghe nhờ cái “having-been-right thing”.
Chiêu cuối cùng là “In any kind of communications profession, the point is above all to have something to say” – cái này thì rõ rồi, nên thôi, không nói nữa.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Mua máy bay đi dự festival


Mua máy bay đi dự festival
Giả dụ có một liên hoan thanh niên toàn thế giới được tổ chức ở một nước Nam Mỹ. Ban tổ chức và các đoàn tham dự có bao giờ lo chuyện kiếm đủ tiền để mua nhiều chiếc máy bay chở mọi người đến dự liên hoan? Không hề, họ chỉ cần mua vé máy bay của các hãng và lo nội dung liên hoan sao cho thiết thực, hấp dẫn và đúng nhu cầu của thanh niên.
Cái ví dụ khá kỳ quặc nói trên là nhằm so sánh với chuyện Đoàn Thanh niên đang có kế hoạch xây dựng một mạng xã hội cho riêng mình, một hành động tương tự việc xoay tiền mua nguyên các chiếc máy bay, thay vì tập trung vào nội dung, hình thức, các yếu tố lôi cuốn thanh niên đến với mạng này.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An cho biết mục tiêu của việc xây dựng mạng xã hội là “mong muốn sẽ có thêm công cụ truyền thông để chuyển tải thông tin từ trên xuống dưới xuyên suốt hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin, giao lưu trên mạng của thanh niên, làm cho những thanh niên trên các vùng miền, địa bàn gần nhau hơn”. Một mục tiêu khác là “thông qua mạng, thanh niên, các cơ sở Đoàn có thể học hỏi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để phát triển phong trào hiệu quả. Đoàn cũng mong muốn sẽ thông qua mạng xã hội xây dựng các hệ thống quản lý đoàn viên, cán bộ Đoàn, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác Đoàn...”
Internet là một phương tiện giúp mọi người kết nối với nhau chứ bản thân nó không phải là cứu cánh. Trên nền phương tiện khổng lồ này hiện đã có rất nhiều công cụ giúp việc kết nối dễ dàng hơn, thuận lợi hơn tùy vào mục đích của người dùng, tương tự như các chuyến bay của các hãng hàng không. Ví dụ để chuyển thông tin từ trên xuống dưới xuyên suốt thì điều mà Đoàn Thanh niên cần không phải là một công cụ mạng xã hội mà là một trang web thông tin, tương tự như hệ thống 11 cơ quan báo chí của Trương ương Đoàn. Muốn các cơ sở Đoàn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thì chỉ cần chọn một mạng xã hội đang có sẵn rồi dùng nền tảng đó để giao lưu như hàng triệu người đang giao lưu trên các mạng xã hội này. Muốn xây dựng hệ thống quản lý đoàn viên thì cái mà Đoàn Thanh niên nhắm tới là một cơ sở dữ liệu, cũng xây dựng dễ dàng trên nền tảng các phần mềm thương mại có sẵn. Muốn tổ chức thi online thì làm một trang web tương tác… Nói tóm lại, tùy từng mục đích cụ thể, Đoàn có thể chọn các công cụ có sẵn để phục vụ cho mình một cách tiết kiệm nhất. Vấn đề quan trọng hơn là nội dung chuyển tải bằng các công cụ đó, chứ không phải bản thân cái công cụ mà nghe đâu dự kiến phải tốn đến 200 triệu đô-la để xây dựng.
Các yếu tố cạnh tranh để thu hút thanh niên đến với mạng xã hội của Đoàn, yếu tố kiểm soát thông tin, yếu tố dùng mạng xã hội để tạo sự sôi nổi, lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn đến với đông đảo thanh niên đều không phụ thuộc vào việc Đoàn có mạng riêng của mình hay không mà phụ thuộc vào chất lượng thông tin chuyển tải.
Ngay cả kỹ thuật xây dựng sự tương tác, cơ sở dữ liệu, quản trị người dùng sao cho có hiệu quả nhất cũng nên được Đoàn gọi thầu bên ngoài (outsource), vừa chuyên nghiệp, được giá tốt nhất, vừa tận dụng được chất xám của xã hội.
Việc xây dựng mạng xã hội cho Đoàn Thanh niên hiện mới chỉ dừng ở chủ trương; một bộ phận sẽ được giao việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp gồm các yếu tố nội dung, công nghệ, cách thức tổ chức thực hiện, con người, kinh phí... Rất mong Trung ương Đoàn phân biệt được giữa phương tiện và mục đích để tập trung vào chuyện cần tập trung và không tiêu tốn tiền, “mua nguyên chiếc máy bay trong khi nhu cầu chỉ là đi dự liên hoan quốc tế”.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Về chuyện ngôn ngữ và dịch thuật


Về chuyện ngôn ngữ và dịch thuật
Tôi có một số suy nghĩ về vấn đề ngôn ngữ nói chung và dịch thuật nói riêng nhu thế này.
  1. Không nên cứng nhắc, cầu toàn khi nói về ngôn ngữ vì miễn sao có sự giao tiếp giữa hai người trở lên thì ngôn ngữ đã đóng trọn vai trò của nó. Chẳng hạn, ngày xưa, xưa lắm rồi, có người cứ khăng khăng đòi phải dùng từ “chúng cư” thay vì “chung cư”. Nhưng cái thông điệp phát ra từ câu văn có dùng từ “chúng cư” là sự sân si, khoe chữ chứ không giúp gì cho việc giao tiếp cả.
Tương tự, ngày nay đôi lúc tôi rất dị ứng với những ai dùng sai từ “cứu cánh” theo nghĩa “cứu tinh, cứu viện” (Bất động sản là cứu cánh của nền kinh tế; Bệnh tâm thần là cứu cánh cho tội danh hối lộ…) trong khi nghĩa đúng của từ này là “mục đích sau cùng”. Nhưng lại nghĩ nếu đa phần các bạn trẻ dùng sai như thế thì chính các bạn ấy tạo ra một nghĩa mới cho từ này và lâu dần, tự điển phải ghi nhận thêm nghĩa này cho nó thì sao!
Vì thế từ “công sở” (cái này là tranh luận trên một diễn đàn) ngày xưa chỉ dùng cho nơi làm việc của cơ quan công quyền nhưng ngày nay có bạn dùng nó để chỉ nơi làm việc nói chung (không phân biệt công tư) như trong câu “thời trang công sở” thì cũng được, miễn sao mục đích giao tiếp được thỏa mãn.
Nói thế nhưng cũng phải chú ý đến chuẩn mực của ngôn ngữ. Một mặt chấp nhận sự tiến hóa của ngôn ngữ nhưng mặt khác phải duy trì cái chuẩn mực để mọi người hướng đến. Điều đáng tiếc là ngày nay ở Việt Nam rất ít nơi, ít nhân vật tạo ra và duy trì cái chuẩn mực ấy như các nhà văn nhà trí thức nhà báo ở các nước khác. Vai trò của người biên tập, của báo chí là duy trì cái chuẩn mực ấy để sửa sang và điều chỉnh để làm sao ngôn ngữ thỏa mãn vai trò giao tiếp đến với số đông nhất.
  1. Dịch thuật là một nghệ thuật đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn chuyện hiểu, sử dụng thành thạo một ngoại ngữ. Lạ một điều là bất kỳ ai có chút kiến thức về ngoại ngữ cũng có thể tham gia tranh luận vào cách dịch thuật, mà tranh luận rất hăm hở nữa là đằng khác. Theo tôi cái chuẩn mực trong dịch thuật là làm sao để đến khi thuật ngược lại cho tác gia văn bản gốc nghe, họ sẽ bảo, nó không hoàn toàn là những điều tôi viết nhưng ý tôi đúng là như thế đấy – vậy là đạt.
Lấy ví dụ cuốn “Bố già” của Ngọc Thứ Lang dịch từ cuốn “The Godfather” của Mario Puzo.  Đây là một dịch phẩm xuất sắc nhưng nếu có ai rảnh đối chiếu bản tiếng Việt và bản tiếng Anh sẽ thấy hàng loạt lỗi dịch sai, dịch sót. Nói vậy chứ bất kỳ ai đã đọc nguyên tác rồi đọc bản dịch của Ngọc Thứ Lang đều phải thừa nhận dịch giả đã chuyển tải được tinh thần, văn phong, bút pháp của Puzo qua bản dịch thần tình này. Vậy là đạt ở mức xuất sắc.
Một ví dụ khác, tờ Slatevừa có bài “Is Sherlock Holmes in the Public Domain?”, nói về chuyện quyền tác giả. Thông thường người ta quy định quyền tác giả sẽ được bảo hộ trong suốt cuộc đời tác giả và sau đó thêm 50 năm nữa. Hết thời hạn này thì tác phẩm sẽ là “của chung” (public domain), ai muốn xài thì cứ thoải mái. Vì thế nhan đề bài báo nên dịch thành “Bản quyền Sherlock Holmes đã hết hạn chưa?” là rất đạt. Nhưng cũng sẽ có người cãi vậy đã dịch được chữ public domain đâu mà bảo là đạt!!!
Ở đây cũng là câu chuyện chuẩn mực. Điều đáng tiếc là người dịch giỏi ngày càng hiếm bởi họ không có động lực để dịch. Lại không có người san định để thống nhất từ ngữ. Ví dụ từ “private equity” đến giờ tranh luận miết vẫn chưa ai đưa ra cách dịch hay và chính xác.
  1. Trở lại với tựa sách “Nice Girls Don’t Get the Corner Office” của Thái Hà Books là nguyên do cái note này. Tôi ít khi dám chê ai dịch sai bởi lý do như đã nói ở trên. Gần đây nhất là chuyện thấy báo Thanh Niên chơi một lần hai ba bài về chuyện sai tiếng Anh (rất hữu ích) nhưng báo cũng chê quá đà, chê viết ticketing counter là sai, phải viết ticket counter mới đúng. Hai từ này được dùng như nhau thôi, chê sai một cách nặng nề làm gì.
Nhưng khi thấy tựa sách được dịch thành “Phụ nữ thông minh không ở góc văn phòng” in to đùng ngoài bìa thì phải lên tiếng vì dịch như thế chẳng khác nào bảo phụ nữ thông minh phải xông xáo, phải xung phong ra tuyến đầu lửa đạn!!! Nếu người dịch cứ chân phương mà nói “Phụ nữ dễ bảo thì khó tiến thân” thì có ai phê phán gì đâu (bởi câu này rất bình thường không có gì phải tranh luận). Còn dịch cho hay lại là chuyện khác.
Cuối cùng, dịch sai cũng còn châm chước được vì ai cũng có lúc sai sót. Nhưng biết mà cố ý dịch ẩu như vụ các báo dịch lại bài về ba nữdoanh nhân Việt Namtrên tờ Guardian rồi thêm bớt, xào nấu phục vụ cho ý đồ của mình là điều đại kỵ trong nghề báo, nghề dịch, nghề viết lách. Rất đáng lên án.


Bài đăng phổ biến