Nóng lạnh Bitcoin
(Một ấn bản có biên tập của bài này đã đăng trên Tuổi Trẻ)
Dù dè dặt cảnh giác hay hăm hở tìm cách tận dụng một xu hướng mới, người ta phải tìm hiểu về đồng tiền ảo Bitcoin trước khi có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.
Nói gì thì nói cựu chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan vẫn là người có những phát biểu làm chao đảo thị trường. Tuần trước ông tuyên bố đồng tiền ảo Bitcoin chỉ là một dạng bong bóng vì bản thân nó không có một giá trị nội tại nào cả. Tuyên bố này (kèm với lệnh cấm của ngân hàng trung ương Trung Quốc không cho hệ thống ngân hàng nước này giao dịch bằng Bitcoin) đã làm giá đồng tiền này lao dốc không phanh, từ đỉnh cao 1.216 USD/1 Bitcoin xuống còn 576 USD/1 Bitcoin vào ngày 7-12-2013. Nhưng Bitcoin là gì, ai đẻ ra nó, nó hoạt động ra sao, tương lai nó như thế nào?
Nhu cầu phải có đồng tiền ảo
Nhu cầu có một đồng tiền để giao dịch trên Internet là không thể tránh được. Trong thế giới thật, người ta chỉ cần cầm tờ giấy bạc ra chợ mua bất kỳ món gì mình cần mà đâu phải tiết lộ danh tính hay nhờ một bên thứ ba làm trung gian. Thế nhưng trong khi thế giới chuyển dần sang giao dịch qua mạng, việc thanh toán qua Internet không dễ như trong thế giới thật: phải dùng các phương tiện trung gian như thẻ tín dụng, chuyển khoản, Paypal... tức thế giới ảo đi sau thế giới thật trong phương diện thanh toán. Nếu so sánh việc gởi email trong thế giới ảo và gởi thư bằng đường bưu điện trong thế giới thật khác nhau ra sao thì mới thấy đáng ngạc nhiên là việc thanh toán điện tử vẫn chưa được một phần dễ dàng như trong đời sống thật. Vì thế trước sau gì cũng phải có đồng tiền ảo, không Bitcoin thì đồng tiền khác.
Ngoài ra còn có những nhu cầu đa dạng khác cho một đồng tiền như Bitcoin. Với giới tham gia phong trào chống đối Phố Wall, họ nghĩ một đồng tiền ảo, không phụ thuộc vào một ngân hàng trung ương nào, không phải qua trung gian của hệ thống tài chính-ngân hàng mà họ cho là đã quá tham lam, chính là phương tiện giúp họ triệt tiêu ảnh hưởng của giới tài phiệt lên cuộc sống của người dân bình thường.
Với giới nhà giàu mới nổi ở Trung Quốc nhu cầu chuyển dịch tài sản ra nước ngoài mà không chịu sự kiểm soát của nhà nước là rất lớn. Ngoài ra nhu cầu tiền ảo, tức là loại tiền mà khi giao dịch không để lại dấu vết cũng rất lớn đối với dân làm ăn phi pháp như buôn bán ma túy, tân dược trái phép, cờ bạc, rửa tiền... Đồng Bitcoin ra đời và phát triển nhanh chóng cũng do cái nhu cầu đa dạng này cộng với bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu trong năm năm nay làm lòng tin vào hệ thống tài chính truyền thống đang bị bào mòn.
Cơ chế hoạt động
Đầu tiên người dùng phải có chiếc ví Bitcoin (Bitcoin Wallet), bằng cách tải những phần mềm tạo ra nó từ một số trang web chuyên làm dịch vụ này. Mỗi ví Bitcoin có một địa chỉ riêng là một chuỗi số và chữ (ví dụ: 13vxz4E7ieSRdjT5Z12hv4UYWd6PQ3MRVh). Đồng Bitcoin sẽ được gởi vào ví theo địa chỉ này. Có hai dạng phần mềm tạo ra ví Bitcoin: loại tải hết về máy tính để bàn và loại ví để trên mạng. Loại đầu thì rất mất thời gian để tải về máy (có khi phải cả ngày) như chương trình Bitcoin QT. Loại sau thì nhẹ hơn, đăng ký thì có liền (như đăng ký tại Blockchain.info) nhưng nên nhớ lúc đó tiền Bitcoin của bạn sẽ lơ lửng trên mạng, cũng có thể mất như chơi. Hiện nay cũng đã có loại ví cho máy điện thoại di động như iPhone hay Android tải về như một app.
Sau khi có ví rồi thì bạn có thể vào các trang giao dịch Bitcoin để mua bitcoin đem về bỏ vào ví và như thế bạn được xem là đã tham gia vào cộng đồng Bitcoin. Thường thì mua Bitcoin bằng chuyển khoản, thẻ tín dụng hay trả trực tiếp bằng tiền mặt. Sau đó bạn cứ giao dịch mua bán hàng hóa hay dịch vụ và thanh toán bằng Bitcoin. Thoạt tiên giao dịch được xem là chưa xác nhận. Cứ mỗi 10 phút mọi giao dịch sẽ được cập nhật vào sổ cái và lúc đó mới được dán nhãn là đã xác nhận.
Có người thắc mắc, 1 Bitcoin nay đã có giá trên 1.000 đô-la Mỹ, vậy làm sao dùng nó để giao dịch mua bán những món hàng nhỏ? Cũng giống tiền thật, 1 Bitcoin được chia thành 100 decibitcoin, rồi centibitcoin, millibitcoin... và đơn vị nhỏ nhất là 1 satoshi (= 0,00000001). Nếu đồng đô-la Mỹ được ký hiệu thành USD, đồng tiền Việt thành VND thì Bitcoin được ký hiệu thành BTC.
Ví dụ nhân vật A (có ví với địa chỉ AAAAA) muốn trả cho nhân vật B (có ví với địa chỉ BBBBB) 0,005 Bitcoin để mua một món gì đó. A sẽ bấm trả cho B qua phần mềm, hệ thống sẽ xác nhận và “sổ cái” ghi nhận nay ví A giảm đi 0,005 Bitcoin, B có thêm 0,005 Bitcoin. B hoàn toàn có thể không biết A là ai vì A có khả năng tạo ra rất nhiều địa chỉ để giao nhận Bitcoin.
Bộ máy đằng sau
Câu hỏi đặt ra: nếu Bitcoin chỉ là một dãy chữ và số như thế, lấy gì đảm bảo cho các giao dịch, lấy gì đảm bảo một người nào đó cứ lấy cái dãy chữ và số đó, đi mua hàng khắp nơi, bất kể số tiền có trong ví đã tiêu hết?
Trả lời câu hỏi này chính là hiểu được cơ chế hoạt động của Bitcoin. Mỗi khi có giao dịch xảy ra, thay vì dựa vào một bên thứ ba làm trung gian như một ngân hàng hay nơi phát hành thẻ tín dụng ghi lại giao dịch, cộng đồng Bitcoin quy định, thông tin về giao dịch đó sẽ được ghi vào một cuốn sổ cái mà bất kỳ ai trong cộng đồng này đều phải giữ một bản. Thông tin đó cũng được gán vào phần cuối của dãy chữ và số nói trên, cho biết chủ nhân nó đã tiêu bao nhiêu Bitcoin, giờ còn lại bao nhiêu, tất cả đều công khai cho mọi người biết.
Ghi như thế thì chẳng mấy chốc cuốn sổ cái (mà từ chuyên môn gọi là block chain) sẽ lớn dần lên (hiện nay đã lên đến 11GB, lần đầu tải về máy mất cả ngày trời). Nhưng câu hỏi tiếp theo là ai được phân công ghi sổ cái bởi không lẽ ai cũng ghi hết thì thông tin sẽ rất lộn xộn. Trả lời câu này chính là hiểu được cơ chế sinh ra Bitcoin. Người ta quy định, cộng đồng Bitcoin sẽ đua nhau giành lấy quyền được ghi các giao dịch vào sổ cái, cứ 10 phút cập nhật một lần. Để cái quyền này không phải ai cũng giành được, người ta sẽ gán với việc cập nhật sổ cái những thuật toán ngày càng phức tạp, muốn giải nó phải dùng những máy tính ngày càng mạnh. Các bài toán này liên tục được nâng độ khó, sao cho việc giải cần thời gian chừng 10 phút đúng như quy định về thời gian cập nhật. Ai giành được quyền cập nhật thì sẽ được thưởng, thời điểm hiện nay là 25 Bitcoin. Quá trình này được ví von là “khai mỏ” (hay “đào” – mining) Bitcoin.
Lúc Bitcoin mới ra đời vào ngày 3-1-2009, phần thưởng là 50 Bitcoin. Và để thị trường khỏi lạm phát Bitcoin, người ta cũng quy định cứ sau 210.000 lần cập nhật sổ cái thì số Bitcoin được thưởng sẽ cắt còn một nửa nên bây giờ chỉ còn 25 đơn vị. Dự tính đến năm 2017, số Bitcoin phát sinh mỗi 10 phút chỉ còn 12,5 và đến năm 2140 con số thưởng sẽ bằng không, lúc đó số lượng Bitcoin đạt đỉnh của nó là 21 triệu đơn vị. Cho đến nay đã có khoảng 12 triệu Bitcoin ra đời theo kiểu này.
Nhưng ai quy định như thế?
Câu hỏi tiếp theo mà chắc chắn sẽ nảy sinh khi đọc đến đây là ai đưa ra những quy định nói ở trên. Một nhân vật bí ẩn tên là Satoshi Nakamoto chính là người đầu tiên đưa ra những quy tắc chi phối hoạt động của đồng tiền ảo Bitcoin trong một công trình nghiên cứu công bố ngày 1-11-2008. Mặc dù sau này cộng đồng sử dụng Bitcoin đã cùng thống nhất thêm nhiều lớp quy định mới, công trình của Satoshi đặt nền tảng cho Bitcoin nên ông được xem là cha đẻ của đồng tiền ảo này.
Và như để thêm sự ly kỳ cho đồng tiền ảo, số phận của nhân vật Satoshi này cũng biến ảo không kém. Trước hết chưa ai từng gặp mặt ông này cho nên nhiều người nay cho rằng đây chỉ là một cái tên ảo, đại diện cho cả một nhóm người, có thể thuộc một tập đoàn nào đó hay thậm chí của cơ quan tình báo một nước nào đó. Theo thông tin của trang Bitcoin Wiki, Satoshi tự miêu tả mình 37 tuổi (năm 2008), độc thân, sống ở Nhật Bản. Phân tích các bài viết của nhân vật này, người ta cho rằng đây là một người gốc Anh (vì dùng tiếng Anh của người Anh) nhưng sống ở Mỹ (vì cách đánh vần lại theo kiểu Mỹ và giờ ngưng hoạt động trùng khớp với giờ đi ngủ của dân miền Đông nước Mỹ). Phân tích phần mềm Satoshi viết, nhiều người cho rằng đây là một nhân vật trong giới nghiên cứu học thuật nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Động cơ của Satoshi khi cho ra đời Bitcoin rõ ràng không phải vì lợi nhuận (bởi vì sau đó vào cuối năm 2010 ông đã biến mất hoàn toàn, không để lại một dấu vết nào); động cơ của ông là chống lại việc kiểm soát Internet, kiểm soát hệ thống ngân hàng, phản đối việc dùng tiền đóng thuế của dân để cứu ngân hàng...
Đã có nhiều tờ báo cất công điều tra xem nhân vật này thật sự là ai; cũng có nhiều bài báo công phu ra đời, chỉ đích danh người này người kia. Nhưng cho đến nay chưa có ai thành công trong việc xác định danh tính thật của Satoshi. Có lẽ sự bí ẩn của cha đẻ Bitcoin đã tô điểm thêm cho sự lôi cuốn của đồng tiền ảo này. Dù sao Satoshi cũng đã được vinh danh khi tên ông được dùng để đặt cho đơn vị Bitcoin nhỏ nhất: 1 satoshi bằng 0.00000001 BTC.
Tiền điện trong khai thác Bitcoin
Như đã nói ở trên, cộng đồng tin học sử dụng những dàn máy ngày càng mạnh để “khai mỏ” Bitcoin, tức tham gia quá trình cập nhật thông tin giao dịch của Bitcoin vào sổ cái và giải các bài toán đặt ra để được thưởng Bitcoin. Chính vì sự nóng sốt của đồng tiền ảo này mà ngày càng có nhiều người tham gia, với máy móc ngày càng mạnh. Năng lực tính toán của tất cả các máy tham gia chuyện này nay đã gấp 100 lần 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Từ đó một vấn đề đặt ra là liệu tiền điện chạy máy có khi nào cao hơn tiền thu về? Theo số liệu thống kê trên trang BlockChain.info, vào tháng 4-2013 khi mỗi Bitcoin có giá chừng 100 đô-la, toàn bộ lượng điện tiêu thụ bởi các máy khai thác Bitcoin đã lên đến 1.000 megawatts giờ/ngày, đủ điện cho 31.000 hộ gia đình ở Mỹ xài, trị giá lên đến 150.000 đô-la. Ngày 4-12, con số này lên đến 105.000 megawatt giờ/ngày, tức tốn chừng 15,8 triệu đô-la tiền điện. Vậy 24 tiếng vừa qua, người ta “đào” được 4.800 bitcoin, hóa ra mỗi đồng bitcoin tốn đến gần 3.300 đô-la tiền điện? So với giá Bitcoin ngày đó là 1.146 đô-la thì “khai thác”mỗi đồng Bitcoin, dân đào mỏ lỗ trên 2.000 đô-la! Thật ra con số này chia đều cho hàng trăm ngàn người tham gia khai mỏ, nhiều người xem nó như trò tiêu khiển, nhiều nơi chạy máy chủ yếu dùng vào mục đích khác nên dân đào mỏ chuyên nghiệp vẫn còn lãi nên vẫn tiếp tục khai mỏ Bitcoin. Nhưng dù sao nhìn vào các con số thống kê này chúng ta sẽ hiểu vì sao đã có nhiều nhận định khác nhau đến thế về đồng tiền này – không ai chịu lỗ như thế để “đào” một đồng tiền có khả năng mất giá sâu hơn nữa!
Những nhận định trái ngược
Cùng thời điểm Alan Greenspan đưa ra nhận định Bitcoin là bong bóng đầu cơ, ngân hàng Bank of America lại tung ra một báo cáo dài 14 trang, tiên đoán một tương lai rực rỡ cho đồng tiền ảo này. Đây là hai thái cực thường thấy mỗi khi có ai đó bàn về Bitcoin.
Trong khi đương kim chủ tịch Fed, Ben Bernanke cho rằng Bitcoin có tiềm năng là đồng tiền ảo của tương lai thì ngân hàng trung ương Pháp lại có những nhận xét không hay ho gì về nó khi cho rằng giao dịch bằng Bitcoin không đáng tin cậy, đầy rủi ro. “Hệ thống này có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào nếu nhà đầu tư muốn thoát khỏi thị trường nhưng vẫn phải ôm nó vì thiếu thanh khoản” – ngân hàng này nhận định. Ngược lại, báo cáo của Bank of America viết: “Chúng tôi tin rằng Bitcoin có thể trở thành một phương tiện thanh toán cho thương mại điện tử, cạnh tranh ngang ngữa với các phương cách chuyển tiền khác”. Ngân hàng này tính toán và cho rằng giá thị trường của 1 Bitcoin đúng ra là chừng 1.300 USD/ 1BTC.
Báo chí cũng chia thành hai phe, ủng hộ và chê bai Bitcoin, cả hai đều sôi nổi chẳng ai kém ai. Có tờ thì đăng tải cả hai dạng ý kiến. Một bên cho rằng Bitcoin là đồng tiền của tương lai, dù bây giờ người ta chưa hiểu hết nhưng cũng giống như ngày xưa người ta đâu đã hiểu hết Internet hay cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Phe này chủ trương nghe ngóng và quan sát chứ không lên án nó vội bởi ngày xưa chính chủ tịch IBM từng nói thị trường thế giới chỉ cần khoảng năm cái máy tính hay một ông khác nghi ngờ vì sao các gia đình lại phải trang bị máy tính trong nhà làm gì!!! Bên kia cho rằng Bitcoin là cơn sốt đầu cơ chẳng khác gì cơn sốt hoa Tulip ở Hà Lan vào thế kỷ 17. Thiên hạ đang nhảy vào Bitcoin vì lòng tham nên giá của nó là giá ảo.
Tờ New York Timesđăng một loạt bài về Bitcoin, chủ yếu để chứng minh đồng tiền này trước sau gì cũng sụp đổ, rằng cơn sốt Bitcoin được nuôi dưỡng bởi giới đầu cơ muốn tạo ra một phong trào như kiểu săn vàng miền Viễn Tây nước Mỹ ngày xưa. Ai cũng hiểu như thế nhưng ai cũng nghĩ mình là kẻ khôn ngoan, cứ nắm Bitcoin đợi giá lên thêm một chút và bán tống cho kẻ khờ đến sau. Vấn đề ở chỗ bạn có thể chính là kẻ khờ đó mà không hề hay biết.
Ngược lại tờ Business Insider lại đăng một bài trong đó tác giả kể quá trình anh ta thay đổi suy nghĩ về Bitcoin như thế nào. Từ chỗ hoài nghi, chê bai và chế giễu, tác giả nay đã tin vào đồng tiền có sức sống tự thân này và tiên đoán chẳng bao lâu người ta sẽ xài Bitcoin thay cho các loại ngoại tệ mạnh khác.
Bitcoin là bong bóng đầu cơ hay là đồng tiền của tương lai?
Thoạt tiên, rõ ràng Bitcoin là sản phẩm của giới tin học, muốn tháo gỡ những ràng buộc truyền thống theo đúng tinh thần chống lại Phố Wall. Nó được xây dựng trên những thuật toán tinh vi, có tiềm năng tự phát triển thành một loại tiền ảo điện tử thành công. Nhưng như chính bản thân tác giả Satoshi đã cảnh báo, dự án Bitcoin phải được phát triển dần dần để hoàn thiện phần mềm và các quy tắc chi phối nó chứ làm người ta chú ý quá thì sẽ sớm giết chết nó.
Bitcoin nổi tiếng quá sớm khi các nơi chấp nhận nó trong giao dịch còn đếm trên đầu ngón tay. Phóng viên báo Time được tòa soạn giao cho 1 Bitcoin với nhiệm vụ đi mua sắm đủ thứ quà cho mùa Giáng sinh bằng đồng tiền này. Xoay sở cũng mua được, ví dụ một sợi dây chuyền (0,0998 BTC); một đôi vớ (0,0206 BTC); một chai rượu vang (0,0402 BTC) và một máy chiếu hình lên trần nhà (0,09537 BTC)... Mua trên mạng còn xoay xở tìm ra nơi bán, mua ngoài đời thật thì hầu như bất khả thi. Kết luận của phóng viên báo Time: Có lý do để cho rằng Bitcoin là đồng tiền của tương lai nhưng tạm thời tôi vẫn thích tiền mặt sờ mó được hơn – trừ phi, sếp chi tiền như vụ mua quà!
Bitcoin cũng nổi tiếng quá sớm khi chưa làm sạch tên tuổi quá khứ của mình. Trong lịch sử hình thành của mình, Bitcoin thường bị gắng với những hành vi mờ ám như dùng tiền để mua ma túy, là phương tiện cho giới mafia rửa tiền. Lẽ ra phải có thời gian để người ta xóa đi cái ấn tượng này khi Bitcoin được dùng mua bán những mặt hàng bình thường trong cuộc sống (như đã diễn ra gần đây).
Hiện nay Bitcoin đã không còn là sản phẩm của cộng đồng tin học nữa; nó đã trở thành miếng mồi ngon cho giới đầu cơ, giới tài phiệt. Đây là một điều rất mỉa mai vì cha đẻ của nó muốn Bitcoin ra đời để thoát khỏi bàn tay kiểm soát của giới tài phiệt! Điển hình là anh em nhà Winklevoss, nổi tiếng nhờ vụ tranh chấp với Mark Zuckerberg về chuyện ai đẻ ra ý tưởng làm Facebook, nay là dân đầu cơ bitcoin chuyên nghiệp. Họ cho rằng giá Bitcoin còn tăng cả trăm lần nữa và đã nộp đơn xin phép thành lập quỹ tín thác Bitcoin đầu tiên của thế giới. Họ đã bỏ ra 11 triệu đô-la mua Bitcoin khi giá còn ở dưới mức 200 đô-la.
Hơn thế nữa, cơn sốt Bitcoin đã thúc đẩy sự ra đời hàng loạt các trang web dụ dỗ người ta vào mua Bitcoin để kiếm lời. Hoạt động này mờ mờ ẩn ẩn, là môi trường lý tưởng cho giới lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người ngây thơ muốn đổi đời nhờ đầu cơ vào Bitcoin. Dĩ nhiên vẫn có những sàn giao dịch có uy tín, làm ăn đàng hoàng nhưng người bình thường làm sao phân biệt được đâu là nơi có thể vào mua, đâu là nơi phải tránh xa. Bitcoin lại không được chính phủ nào thừa nhận chính thức nên mọi tranh cãi, kiện tụng sẽ không được xử lý.
Có lẽ đồng tiền này còn trải qua nhiều biến động thăng trầm mãnh liệt hơn nữa rồi mới dần dần tìm ra vị thế thích hợp trong tương lai. Cứ nghĩ sau này mỗi khi muốn đọc bài báo nào, người ta phải gõ vào một dãy số (tức trừ một khoản tiền trong ví Bitcoin) để trả cho tòa soạn thì sẽ thấy tương lai chắc chắn phải có một dạng Bitcoin nào đó.
Bitcoin và dân Trung Quốc
Trung Quốc là một yếu tố rất lạ đối với Bitcoin. Những tưởng nhà nước Trung Quốc sẽ cấm đoán hay ít nhất tìm cách quản lý đồng tiền ảo này nhưng thực tế chính sách của Trung Quốc là một mặt cho rằng khó lòng thừa nhận Bitcoin như một loại công cụ tài chính hợp pháp trong tương lai gần, mặt khác lại để cho người dân mua bán Bitcoin thoải mái miễn sao phải tự chịu rủi ro. Chỉ mới đến giữa tuần trước ngân hàng trung ương Trung Quốc mới bắt đầu cấm các ngân hàng giao dịch Bitcoin vì cho rằng Bitcoin gắn với nhiều rủi ro, mang tính đầu cơ và dễ bị kẻ gian trục lợi. Sau đó trang mạng Baidu (một dạng Google của Trung Quốc) cũng ra thông báo ngưng nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán tiền mua nhạc từ trang này. Hiện nay dân Trung Quốc chiếm 62% khối lượng giao dịch Bitcoin toàn cầu (bằng nhân dân tệ), mà nhiều nguồn tin cho rằng chủ yếu để tìm phương tiện chuyển tiền lậu ra khỏi Trung Quốc. Chính yếu tố này đã đẩy giá Bitcoin lên cao trong tháng 11-2013.
Trước tiên phải nói về cái bẫy mà Trung Quốc tự đâm đầu vào, về mặt phát triển kinh tế trong mấy chục năm qua. Nhìn một cách nào đó, Trung Quốc tự nguyện đóng vai trò công xưởng khổng lồ, sản xuất đủ loại hàng hóa cho cả thế giới, tiêu tốn nhân lực, vật lực và phá hủy môi trường. Lẽ ra đổi lại, Trung Quốc phải nhập hàng hóa từ các nước trên thế giới để người dân tiêu dùng trong một nền thương mại cân bằng. Nhưng không, Trung Quốc hiện đang xuất siêu với nhiều nước, nhất là Mỹ. Điều đó có nghĩa Trung Quốc bán hàng cho Mỹ và ôm một đống đô-la Mỹ về, không biết xài vào việc gì trừ cất giữ làm dự trữ ngoại hối! Dân Trung Quốc lao động cực nhọc để sản xuất hàng hóa cho thế giới tiêu dùng còn bản thân họ dường như giàu có hẳn lên nhưng thật ra chỉ giàu trên giấy tờ.
Nhưng ngày nay người dân Trung Quốc, đặc biệt là giới nhà giàu, không còn chịu cảnh giàu trên giấy tờ như thế nữa. Họ đang tìm mọi cách để chuyển tài sản ra nước ngoài, để “hiện thực hóa” cái thịnh vượng của họ thành những món họ có thể sờ mó được. Bitcoin đang đóng vai trò đồng tiền ảo lý tưởng giúp họ thực hiện quá trình chuyển dịch này. Trong giao dịch chuyển đổi Bitcoin ra ngoại tệ khác thì nhân dân tệ luôn đứng đầu, chiếm 62% trong khi đô-la Mỹ chỉ chiếm 37% và euro thì chưa đến 2%, theo số liệu của BitcoinAverage.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc rất “cay” việc Mỹ cứ in tiền thoải mái làm họ ôm một đống đô-la Mỹ mà cứ lo nó mất giá. Tự nhiên có một đồng tiền giúp họ khỏi lệ thuộc vào đồng đô-la thì chắc chắn họ sẽ không chống đối mà sẽ nghiên cứu, quan sát nó để tận dụng cơ hội. Một lý do khác nữa là dân Trung Quốc tham gia “khai mỏ” Bitcoin ngày càng nhiều, kể cả những cơ sở chuyên nghiệp ở Hồng Kông.
Bitcoin và dân Việt Nam
Mặc dù báo chí Việt Nam chưa nói gì nhiều đến đồng tiền ảo Bitcoin, hoạt động liên quan đến Bitcoin ở Việt Nam có cả hai mảng: “khai mỏ” và mua bán. Về mua bán thì ngay cả trang web giao dịch Bitcoin lớn của quốc tế là blockchain.info cũng đã có phần tiếng Việt dành cho dân Việt Nam muốn mua bán Bitcoin qua mạng. Các trang toàn bằng tiếng Việt hoạt động từ nước ngoài hay từ bên trong Việt Nam cũng đã có. Giá cả cũng bất chừng, thường cao hơn ở nước ngoài, có lẽ do độ rủi ro cao hơn; chênh lệch mua bán cũng cao, ví dụ giá mua 21,5 triệu đồng một Bitcoin thì giá bán lên đến 25,3 triệu đồng. Theo quảng cáo trên các trang này, người mua có thể chuyển khoản tiền vào các tài khoản ngân hàng trong nước như Vietcombank hay Đông Á để mua Bitcoin. Đặc biệt trang web mua bán Bitcoin trực tiếp bằng tiền mặt cũng có phần dành cho các địa điểm trong Việt Nam như TPHCM hay Hà Nội. Thử chọn TPHCM thì thấy ba nhân vật sẵn sàng bán Bitcoin bằng tiền mặt, hẹn nhau giao dịch ở quận 1 và quận 3. Không có gì bất ngờ nếu thời gian tới nở rộ các đại lý mua bán Bitcoin cho các trang web nước ngoài và cũng có thể xảy ra chuyện lừa đảo như từng xảy ra ở nhiều nước khác.
Về mảng “khai mỏ” Bitcoin thì có vài ba diễn đàn chuyên về đề tài này. Dân “khai mỏ” bày nhau cách mua máy mạnh nhất, cách lắp đặt máy sao cho có hiệu quả nhất, kể cả việc dùng quạt để tản nhiệt... Điều này có vẻ dân Việt Nam đi sau các nước lân cận như ở Hồng Kông Trung Quốc có những trung tâm chuyên khai mỏ, dùng máy chuyên nghiệp. Đa phần dân khai mỏ Việt Nam đăng ký góp sức (pool) với các nhóm khai mỏ chuyên nghiệp nước ngoài chứ không ai đứng ra khai mỏ một mình.
Có lẽ quyết định đúng đắn nhất với Bitcoin cho đến thời điểm này là chờ để xem diễn biến ra sao chứ không bị cuốn vào cơn sốt đầu cơ Bitcoin đầy rủi ro.
Box:
Chúng ta đều đã biết Bitcoin là một loại tiền ảo, thế nhưng bất cứ lúc nào báo chí đăng tin bài về đồng tiền này đều thấy dùng hình minh họa là một đống tiền xu, ghi rõ Bitcoin, nhìn rất đẹp và rất thật. Chúng là gì, đồ thật hay đồ giả?
Loại đồng xu Bitcoin này do anh chàng Mike Caldwell làm ra và chào bán trên trang web Casascius. Cách làm là yêu cầu bất kỳ ai có tiền Bitcoin trong ví ảo, cứ gởi cho Caldwell, anh này sẽ đúc đồng xu, bên trong khắc dãy mã số bí mật dùng để mở ví mà xài. Dãy mã số này nằm đằng sau một băng giấy bảo mật gỡ ra xem coi như không còn “gin” nữa. Đồng tiền xu Bitcoin như trong hình vì vậy chủ yếu là để làm kỷ niệm vì chỉ cần xài một lần coi như mất gin rồi thì không còn giá trị gì nữa.
Anh chàng này tính tiền công đúc Bitcoin chừng 50 đô-la mỗi đồng. Mệnh giá mỗi đồng thì tùy, từ 1 Bitcoin đến 10, 25, 100, và 1000 Bitcoin. Trước nay anh ta đúc được 90.000 đồng thì bị chính quyền Mỹ buộc dừng vì họ cho là anh chàng này đang chuyển ngân mà không có giấy phép.