Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

Tu bo tu duy duoi kip

Từ bỏ tư duy đuổi kịp

Nguyễn Vạn Phú

Một khung (box) trong báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới vào đầu tháng 12-2008 đặt vấn đề đề “Mất bao nhiêu năm để đuổi kịp”. Mặc dù các tác giả đã nhấn mạnh đây chỉ là giả thuyết, rằng dự báo xu hướng tăng trưởng lâu dài là chuyện khó đối với các nhà kinh tế, rằng việc dự báo xem Việt Nam sẽ mất bao nhiêu năm để đuổi kịp các nước láng giềng là một công việc mạo hiểm, hầu như người ta chỉ chú ý đến các số năm dài dằng dặc mà báo cáo đưa ra: mất 51 năm để theo kịp Indonesia, 95 năm để theo kịp Thái Lan, và 158 năm đối với Singapore.

Mặc dù cảnh báo khoảng cách tụt hậu của Việt Nam so với các nước láng giềng có tác dụng tích cực, nhất là để phòng ngừa sự lạc quan quá đáng ở những nhà lãnh đạo cứ luôn nhấn mạnh con số tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới, lối tư duy đuổi kịp này có nhiều điều bất cập cần phân tích.

Thứ nhất, ngay chính báo cáo nói trên cũng nhận định khoảng cách hàng chục hay hàng trăm năm đó là khi dùng giá cố định của từng nước để tính toán. Còn nếu chuyển sang tính tốc độ tăng trưởng thu nhập đầu người bằng đô-la thì số năm để Việt Nam bắt kịp ba nước Indonesia, Thái Lan và Singapore lần lượt rút ngắn còn 15, 22 và 63 năm.

TS Vũ Quang Việt, nguyên là chuyên gia cao cấp của Liên hiệp quốc về thống kê từng viết khá kỹ về vấn đề này: “Vì hiểu GDP một cách đơn giản, đã có nhiều người lập luận rằng vào năm 2003 GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính bằng đô-la trên thị trường chỉ là 471 đô-la, tức là chưa bằng 1/5 Thái Lan. Như vậy, dù đạt tốc độ phát triển kinh tế 8% một năm thì 20 năm nữa Việt Nam cũng chỉ bằng Thái Lan hiện nay. Trong thời gian đó, tất nhiên Thái Lan không đứng yên một chỗ, họ sẽ cắm cổ chạy khỏi nơi hiện tại. Như vậy có hy vọng gì mà đuổi kịp Thái Lan?
Tình hình “bấn” như vậy thì người ta mách là nhà nước hiện nay phải bằng mọi cách tăng tốc độ tăng GDP trên 10% một năm, đồng thời thầm ước là Thái Lan chỉ đạt 5% một năm. Song như thế thì cũng 33 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan, lúc đó mỗi nước sẽ có GDP đầu người là 12.000 đô-la tính theo giá hiện nay. Suy nghĩ kiểu số học này hoàn toàn là sai lầm”.

Ông giải thích: “Thứ nhất là giá trị tiền Việt Nam so với đô-la không cố định ở thời điểm 2003. Khi nền kinh tế ở mức thu nhập đầu người thấp, đồng nội địa tính bằng đô-la theo hối suất thị trường không phản ánh sức mua. Do đó dựa trên hối suất thị trường GDP bình quân đầu người của Việt Nam rất thấp, chẳng hạn như năm 2003, chỉ là 471 đô-la. Số tiền này chỉ cho phép sống dù cùng khổ cũng không quá một tháng ở Mỹ. Nếu tính bằng sức mua, 471 đô-la có giá trị tương đương gấp 5,2 lần, tức là bằng khoảng 2,500 đô-la. Thứ hai, giá trị của đồng nội địa theo đô-la sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng, và do đó về dài lâu dù kinh tế theo giá cố định không tăng nhanh, và dù lạm phát không tăng, GDP bằng đồng đô-la sẽ tăng nhanh hơn tốc độ phát triển”.

TS Vũ Quang Việt kết luận: “Điều này cho thấy là khi nền kinh tế tăng trưởng có chất lượng, đồng nội địa được thị trường đánh giá cao so với đồng đô-la, khoảng cách thu nhập tính bằng đô-la sẽ giảm nhanh chóng. Cuộc chạy đua chỉ nhằm đạt tốc độ phát triển cao không thể là chỉ tiêu duy nhất một nền kinh tế cần đạt được”.

Theo chúng tôi, tư duy đuổi kịp sẽ khiến mọi người quá chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, cứ chăm bẵm đầu tư để GDP năm sau tăng cao hơn năm trước mà không đếm xỉa gì đến các vấn đề khác như hiệu quả, chất lượng tăng trưởng, chất lượng cuộc sống và nhất là các vấn đề môi trường, cách sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

GDP có thể duy trì ở mức cao nhưng đi kèm cũng có thể là những mầm mống gây bất ổn sau thời gian tăng trưởng như thâm hụt ngân sách cao, đầu tư bất kể hiệu quả, nợ nước ngoài cao, mất cân đối cán cân thanh toán, lạm phát… Bài học tăng trưởng nóng của năm 2007 vẫn đang còn in hằn trong tâm trí nhiều người.

Tư duy đuổi kịp cũng gắn với suy nghĩ ganh đua bằng mọi giá trong khi thế giới ngày nay là một thế giới liên lập. Chúng ta không thể trông mong láng giềng tăng trưởng chậm để chúng ta đuổi kịp mà ngược lại, còn muốn họ tăng trưởng mạnh lên mới có nhu cầu mua hàng hóa hay dịch vụ của chúng ta. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không được ai xem là cơ hội để nước họ vượt lên phía trước mà tất cả đều phải chung tay giải quyết bởi GDP của Trung Quốc giảm chẳng hạn sẽ kéo theo nhiều khó khăn cho các nước phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc như Úc hay Hàn Quốc.

Thay cho tư duy đuổi kịp, điều quan trọng là xem chúng ta có tiến đối với chính chúng ta hay không, nếu GDP tăng mạnh nhưng chất lượng cuộc sống giảm sút vì ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, tức chúng ta đã tụt hậu so với chính mình. Nếu khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan rút còn 10 năm, chẳng hạn, nhưng khoảng cách giàu nghèo ở nước ta càng lớn, giáo dục càng mất phương hướng, tham nhũng càng tràn lan, sẽ không ai muốn đuổi kịp theo con đường đó cả.

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Se ra sao, nam 2009?

Sẽ ra sao, năm 2009?

Nguyễn Vạn Phú

Nếu thử đọc lại các bài báo trên số đầu ra năm 2008, không một tác giả nào có thể dự đoán được một phần những gì thực sự diễn ra trong năm. Không ai thấy được quy mô của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, dẫn đến sự sụp đổ của nhiều tên tuổi đã đứng vững qua nhiều biến động trước đây. Có lẽ thế nên tờ Economist, trong số báo đặc biệt “Thế giới năm 2009” tập hợp các tiên đoán cho năm tới đã phải đăng bài “Năm 2008, chúng tôi xin lỗi”, vừa thú nhận họ không dự báo được những sự kiện chính trong năm vừa qua, vừa phân bua tiên đoán sai hay đúng, không quan trọng. Vấn đề là chụp bắt được những xu hướng chính sẽ định hình cho năm tới.

Điều có thể nói chắc chắn cho năm 2009 là khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước vẫn diễn biến khó lường. Chẳng hạn, nhiều nhà phân tích cho rằng đồng đô-la Mỹ trước sau gì cũng sẽ mất giá mạnh so với đồng tiền nhiều nước khác vì hiện nay chính phủ Mỹ tung hàng ngàn tỷ đô-la để vừa cứu các tập đoàn tài chính, vừa để kích thích nền kinh tế. Tiền không phải là tài sản nên sẽ đến lúc các nhà đầu tư phải quay lưng với đồng đô-la, nhất là khi lãi suất đồng tiền này quá thấp như hiện nay. Lẽ ra nước Mỹ phải gánh chịu mức lạm phát cao nhưng nhờ giá dầu và các hàng hóa khác đang xuống thấp nên áp lực lạm phát chưa cao. Lạm phát cũng là lối thoát cho gánh nặng nợ nần của Mỹ nhưng sẽ tạo gánh nặng mới cho người dân Mỹ. Có lẽ năm 2009, đây là hai lực kéo chi phối nền kinh tế nước này và sẽ có những tác động sâu rộng lên kinh tế thế giới.

Nỗ lực thoát khủng hoảng tại nhiều nước cũng sẽ tập trung vào các vấn đề cơ bản hơn của hệ thống tài chính nhiều khiếm khuyết. Trước mắt, các diễn giải cổ vũ đơn thuần cho toàn cầu hóa theo kiểu “Thế giới phẳng” sẽ gặp phải sự hoài nghi gấp nhiều lần trước đây. Mặc dù lãnh đạo nhiều nước cam kết không lập nên rào cản thương mại thế giới, xu hướng tự do hóa thương mại, vì những lý do khách quan như bế tắc trong thanh toán quốc tế, sẽ chững lại. Các nước sẽ quay về nhiều hơn với thị trường nội địa, giảm bớt chuyện gia công bên ngoài (outsourcing), giảm bớt phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự tắc nghẽn tín dụng trong những tháng cuối năm 2008 sẽ tác động mạnh lên sản xuất và đến lượt mình, khách hàng truyền thống của ngành ngân hàng, tức các khoản vay để sản xuất, sẽ tạo một đợt khó khăn mới cho hệ thống tài chính, chứ không còn là tín dụng địa ốc dưới chuẩn và các sản phẩm phái sinh độc hại như năm 2008 nữa.

Với doanh nghiệp, mục tiêu của năm 2009 là tồn tại chứ không phải là tìm cách phát triển hay bành trướng như những năm trước. Trong bối cảnh đó, các công ty trước đây bị chê trách là giữ tiền mặt quá nhiều trên bảng cân đối kế toán sẽ có lợi thế hơn các công ty áp dụng cách thức “lúc cần mới có”, các doanh nghiệp đã định hình sẽ ổn định hơn loại doanh nghiệp mới hình thành và trên đà phát triển. Vì thế những khái niệm một thời thịnh hành như “just-in-time” (giữ mức nguyên vật liệu đúng theo nhu cầu sản xuất) sẽ nhường bước cho quan điểm “tiền mặt là vua”. Các tập đoàn lớn vì cũng không thể dựa vào thị trường của các nền kinh tế mới nổi để bù đắp cho thị trường các nước giàu nên có lẽ sẽ phải vẽ lại kế hoạch kinh doanh toàn cầu của họ. Sẽ có một xu hướng khá rõ từ cuối năm 2008 là các công ty chuyên về hạ tầng đang chuẩn bị cho một đợt làm ăn rầm rộ một khi chính phủ các nước triển khai các kế hoạch kích thích nền kinh tế, bắt đầu từ các dự án hạ tầng cơ sở.

Với người tiêu dùng, cũng trong ấn bản “Thế giới năm 2009”, tờ Economist tiên đoán các thương hiệu ăn chắc mặt bền sẽ đứng vững, kiểu như hãng xúp đóng hộp Campbell’s, các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton sẽ gặp khó, không những chỉ vì khách hàng hết tiền tiêu hoang mà còn vì mua sắm một cái ví Louis Vuitton giá hàng ngàn đô-la trong thời buổi khó khăn này chẳng khác gì cười nhạo vào mũi những đồng loại đang thất nghiệp. Xếp hạng thương hiệu của Interbrand năm 2008 đánh giá tổng giá trị bốn thương hiệu hàng đầu trong lãnh vực tài chính – Merrill Lynch, AIG, Morgan Stanley và Goldman Sachs vào khoảng 37 tỷ đô-la. Tất cả đều chao đảo trong năm 2008. Sẽ rất thú vị đón chờ Interbrand đánh giá chúng năm 2009 còn lại bao nhiêu.

Với các dự báo cụ thể hơn, trường đại học Michigan trong hội thảo Triển vọng kinh tế 2009 cho rằng giá dầu sẽ xoay quanh mức 60 đô-la/thùng trong suốt năm 2009 bởi sự đình trệ kinh tế khắp nơi kéo theo nhu cầu dầu thô giảm, OPEC khó lòng nâng giá dầu lên dù cố gắng cắt giảm sản lượng. Riêng Merrill Lynch trước đây tiên đoán giá dầu 2009 ở mức 90 đô-la/thùng đến đầu tháng 12-2008 lại giảm còn 50 đô-la/thùng.

Với Việt Nam, xu hướng chính của năm 2009 là nỗ lực tìm cách kích thích nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao (chỉ tiêu của Quốc hội thông qua là CPI tăng dưới 15%). Các cột trụ thu hút ngoại tệ về cho Việt Nam sẽ khó khăn nhiều hơn trong năm 2009 như tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại (mức dự báo chính thức là 13%), giải ngân các dự án FDI thấp, doanh thu ngành du lịch giảm… Vì thế những vấn đề của năm 2008 như mất cân đối trong cán cân thanh toán, lạm phát, tỷ giá… vẫn có thể xảy ra nếu không có sự điều chỉnh kịp thời từ chính sách vĩ mô. Chính sách kinh tế trong năm 2009 vì vậy sẽ là sự cân nhắc giữa “kích cầu” và ổn định kinh tế, giữa tạo công ăn việc làm và thâm hụt ngân sách do phải khởi động nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp, cơ hội và thách thức sẽ khác hẳn năm 2008 vì không còn loại cơ hội làm giàu qua đêm nhờ vào thị trường chứng khoán, tăng vốn chủ sở hữu nhờ phát hành cổ phiếu bất kể giá trị sổ sách. Cơ hội sẽ đến cho những ai tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu mới của thị trường thế giới và thách thức càng lớn cho những doanh nghiệp còn mắc kẹt một phần trong các dự án địa ốc không thể triển khai. Việc giới quản lý nhảy từ chỗ làm này sang chỗ làm khác để hưởng mức lương hay mức chia cổ phiếu cao hơn sẽ lắng lại trong năm 2009 khi duy trì việc làm ổn định, gắn bó số phận nghề nghiệp của mình với tương lai doanh nghiệp là xu hướng chủ đạo.

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Khuyen nghi chinh sach: khong de

Khuyến nghị chính sách: Không dễ

Nguyễn Vạn Phú

Phân tích, đánh giá tình hình là một chuyện; đưa ra những lời khuyên cho việc định hình chính sách kinh tế vĩ mô không phải là chuyện đơn giản, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như chưa có lời giải.

Báo cáo “Huy động và sử dụng vốn” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành nhân Hội nghị các nhà tài trợ vào đầu tháng 12 tại Hà Nội xác định ngắn gọn nguyên nhân chính của các khó khăn nổi lên trong nền kinh tế Việt Nam vào đầu năm 2008. Lúc đó, dòng vốn dồi dào đổ vào làm tiền đồng lên giá, chống lại sức ép đó có nghĩa phải bơm một lượng tiền khả dụng rất lớn cho nền kinh tế. Kết quả là sự bùng nổ tín dụng ngân hàng, lạm phát tăng cao, và hiện tượng bong bóng bất động sản. Báo cáo cũng dự báo khó khăn của năm 2009 có thể ở hướng ngược lại: luồng vốn đổ vào sẽ giảm đi do các nguồn FDI, xuất khẩu, kiều hối đều giảm.

Tuy nhiên, giải pháp mà báo cáo đưa ra để giải quyết vấn nạn này lại được chính các tác giả cho là không áp dụng được. Báo cáo viết: “Đối với các cơ chế bình ổn ngắn hạn, khuyến nghị chuẩn mực là để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do”. Ngay sau đó là những phân tích ngược lại khuyến cáo này: “Những biến động lớn về tỷ giá hối đoái danh nghĩa có thể dẫn đến những hiệu ứng quan trọng liên quan đến dư nợ và có thể dẫn đến phá sản”. Các tác giả còn triển khai ý này bằng các ví dụ rất sống động như để tự giải thích vì sao Việt Nam không thể đi theo lời khuyên này. Không hiểu vì sao có sự tự mâu thuẫn này, phải chăng giữa các tổ chức đóng góp ý kiến cho báo cáo cũng còn khác biệt trong giải pháp khuyến nghị? Bởi không thể nào lý giải sự đối chọi giữa câu trước và câu sau như trong báo cáo: “Một tỷ giá linh hoạt có thể giúp xử lý tình huống và hành động của Việt Nam theo hướng này là rất đáng hoan nghênh” và “Sự linh hoạt về tỷ giá cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn định khi có những luồng vốn lớn ngắn hạn đổ vào hoặc chảy ra”!

Thật ra, các nhà kinh tế trong nước đã từng bàn đến vấn đề này sâu hơn ở góc độ đề nghị điều hành theo tỷ giá thực chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Chẳng hạn, theo Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2008, giá đô-la Mỹ tăng 5,11% so với tiền đồng trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong 11 tháng đó đã tăng tới 20,71%. Như vậy trong thực tế tiền đồng đang lên giá mạnh so với đô-la Mỹ chứ đâu có mất giá. Còn nếu so với cả một rổ tiền tệ của nhiều nước nữa thì tiền đồng đang lên giá mạnh hơn nhiều.

Nhập siêu là nỗi lo lớn của Việt Nam, nhất là vào khoảng giữa năm 2008 khi con số này tăng vọt. Thế nhưng báo cáo của WB nhận định: “Trong các cuộc tranh luận gần đây, dòng vốn chảy vào đã bị quy kết là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu cao. Song, chừng nào nguồn vốn còn được đầu tư vào và đầu tư đúng chỗ thì nhập siêu không còn là vấn đề đáng quan ngại.” Đây là nhận định chính xác nhưng với điều kiện tuân thủ các cụm từ “còn được đầu tư vào” và “đầu tư đúng chỗ”. Nó nguy hiểm ở chỗ người ta chỉ nghĩ WB nói nhập siêu không đáng lo ngại mà không nhớ lại dòng vốn đổ vào lúc đó chủ yếu là vốn nóng dễ quay đầu đi ra và dòng vốn này lại kích thích nhập siêu toàn những loại hàng xa xỉ như ô tô đắt tiền. Nó cũng không tính đến yếu tố nhập siêu lúc đó chủ yếu do giá dầu thô và các loại hàng hóa đều tăng cao ở mức kỷ lục – nếu thế là sao đầu vào đó có thể “chuyển đổi thành mức cung hàng hóa và dịch vụ cao hơn, từ đó dẫn đến xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu ít đi” như nhận định của báo cáo?

Trong bối cảnh không thể để tỷ giá danh nghĩa dao động tự do, báo cáo nhấn mạnh đến hai cơ chế bình ổn khác là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ thì báo cáo cũng cho là khó có hiệu quả trong điều kiện tỷ giá không linh hoạt; Việt Nam chưa làm xong công cuộc cải cách tài chính. Chính sách tài khóa trở thành công cụ điều tiết vĩ mô chủ chốt nhưng báo cáo cũng nói “các thiếu sót mang tính thể chế trong lĩnh vực quản lý tài chính công, đặc biệt đầu tư công, làm hạn chế hiệu quả của công cụ này”.

Có lẽ những biến động trong cán cân thanh toán của nhiều nước trên thế giới dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm những định chế như WB hay IMF vẫn đang lúng túng tìm lời giải. Do vậy họ khó lòng đưa ra những giải pháp cho những nền kinh tế như Việt Nam nhằm tránh hay giảm bớt những biến động lớn trong ngắn hạn.

Tuy thế, những khuyến nghị mang tính dài hạn của báo cáo lại đáng hoan nghênh vì chúng tô đậm những gì các nhà nghiên cứu trong nước từng đề cập: cải cách hệ thống ngân hàng, trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền tự chủ về mặt kỹ thuật để thực hiện các chính sách tiền tệ, xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm tín dụng, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho thị trường, kiểm soát tốt các dự án đầu tư công, không để các tập đoàn kinh tế nhà nước chuyển hướng sang ngành nghề khác xa với ngành nghề kinh doanh chính của họ…

Không thấy ở báo cáo những dạng đề xuất chính sách rất phi chính thống nhưng có thể cần thiết trong giai đoạn hiện nay như các đề xuất của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam. Chẳng hạn Nhóm Công tác về Sản xuất và Phân phối đề nghị Việt Nam cần xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát tài khoản vốn bởi họ lập luận đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chịu kiểm soát trong khi đầu tư gián tiếp lại không. Bởi vậy họ phát biểu: “Các nhà sản xuất và phân phối ở Việt Nam sẽ không phản đối việc áp dụng kiểm soát vốn hạn chế đối với đầu tư danh mục qua biên giới, như những gì Peru và Chile đã làm”.

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Nhung cau noi hay trong thang

Những câu nói “hay” trong tháng

Nguyễn Vạn Phú

Nếu có cuộc bình chọn câu nói “hay” nhất trong tháng, tôi sẽ sẵn sàng bỏ phiếu cho phát biểu của một số doanh nghiệp địa ốc được sự hậu thuẫn của một vài “chuyên gia kinh tế” trong tháng 11-2008 rằng “hiện nay có các quỹ: bình ổn giá cả, dự phòng thiên tai, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... chẳng dùng vào việc gì, nên huy động để có nguồn tài chính ứng cứu thị trường bất động sản”.

Một mặt, đây là phát biểu rất “thành thật”, cho thấy thị trường kinh doanh bất động sản hiện đang lâm vào tình thế rất khó khăn, có thể tác động xấu đến nhiều lãnh vực khác. Mặt khác, phát biểu này cho thấy rõ một cách suy nghĩ vừa phi thị trường, phi lô-gích, bất kể quy luật, một tâm lý méo mó đằng sau sự phát triển bất thường của ngành kinh doanh nhà đất trong nhiều năm qua.

Có thể nói, kích cho thị trường địa ốc nóng sốt trong một thời gian dài, kéo theo sự tăng giá nhà đất một cách chóng mặt là một trong những nguyên nhân gây bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm 2008. Thời điểm đó, thị trường địa ốc và thị trường chứng khoán có mối liên hệ chặt chẽ, cả hai bơm phồng cho nhau, tạo ra những bong bóng ảo. Sự đông cứng thị trường hiện nay là quá trình trở về bình thường, dĩ nhiên sẽ gây khó khăn cho những ai còn kẹt lại nhưng sao lại đòi chính phủ giải cứu bằng các quỹ, thậm chí còn nêu cụ thể là quỹ… dự phòng thiên tai!

Thị trường địa ốc ở nước ta là một thị trường méo mó vì đầu cơ, vì các mối quan hệ giữa tiền bạc và quyền lực, nơi người ta thi nhau đẩy giá lên rồi tìm đường rút ra, hưởng lợi, ai chạy sau cùng thua lỗ ráng chịu.

Chỉ khi nào nhà phát triển địa ốc tính toán giá bán một căn hộ trung bình bằng khoảng một phần ba thu nhập của một gia đình trung bình trả góp trong vòng 25-30 năm, lúc đó thị trường mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh, không cần lấy quỹ… bảo hiểm y tế ra cứu.

Trong tháng qua, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng tuyên bố với báo chí rằng đã chỉ đạo cho các ngân hàng tiếp tục cho vay địa ốc. Tách biệt nhiệm vụ kinh doanh với nghĩa vụ cung ứng vốn cho các dự án theo chỉ đạo của nhà nước là một bước tiến rất lớn của ngành ngân hàng trong mấy năm qua. Cũng từ đó mới sự ra đời của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách… để làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng theo yêu cầu của nhà nước. Các ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng thương mại quốc doanh không còn phải làm công việc này nữa. Nay không biết sao lại có một phát biểu “ngược đời” và không thực tế như vậy.

Một câu nói khác, cũng “hay” không kém trong tháng qua là lời “nói dỗi” của lãnh đạo một tập đoàn: “Tôi thấy các tập đoàn cũng của Nhà nước, báo chí cũng của Nhà nước, tại sao báo chí lại đi nói xấu các tập đoàn?”. Ô hay, nói thế chẳng khác nào một cán bộ nhà nước bị thổi phạt vì vi phạm luật giao thông phân bua với cảnh sát giao thông: “Tôi là cán bộ nhà nước, anh cũng là cán bộ nhà nước, sao lại thổi phạt tôi?”.

Báo chí, trong vai trò phản biện xã hội, đã đăng tải những ý kiến của giới nghiên cứu chỉ ra những bất cận trong mô hình tập đoàn kinh tế, đặc biệt là khi những tập đoàn này không lo chuyện sản xuất kinh doanh ngành nghề cốt lõi của mình mà bung ra đầu tư trái ngành vào chứng khoán, địa ốc… Đó là những cảnh báo cần thiết, giúp khối kinh tế nhà nước mạnh lên, sao lại nghĩ đơn giản theo kiểu “nói xấu tập đoàn”.

Những phát biểu như trên cho thấy suy nghĩ dựa vào nhà nước cho mọi quan hệ kinh tế như thời bao cấp vẫn còn phổ biến ở nước ta. Suy nghĩ này càng được củng cố bởi diễn biến khủng hoảng kinh tế toàn cầu đòi hỏi chính phủ các nước phải liên tục đưa ra các chính sách can thiệp mạnh vào thị trường, nhiều lúc trực tiếp đứng ra giải cứu các doanh nghiệp cụ thể. Đúng là tình hình ngày nay làm đảo lộn mọi lô-gích kinh tế thông thường nhưng bản chất của các biện pháp giải cứu ở các nước là khác: họ không phân biệt quốc doanh hay tư nhân, tiền bỏ ra đều phải tính khả năng thu về (như vụ giải cứu tập đoàn tài chính Citigroup, Bộ Tài chính Mỹ có khả năng sau này sẽ lãi to), cứu ngân hàng có nghĩa bảo vệ tiền gởi của người dân, chứ cổ đông ngân hàng và ban lãnh đạo phải chịu thua thiệt nặng… Mục đích sau cùng là ổn định nền kinh tế và không sớm thì muộn sẽ trừng phạt những kẻ đầu cơ, làm giàu bất kể hậu quả xã hội. Không ở đâu có lối suy nghĩ lấy tiền của nơi này ứng cứu nơi kia.

Cuối cùng, xin trích một câu phát biểu tại một buổi tọa đàm được báo chí tường thuật: “Nếu điều hành không tốt, Việt Nam sẽ có nguy cơ vừa giảm phát, vừa lạm phát”. Câu này có nghĩa giá cả nói chung sẽ… vừa tăng vừa giảm, thiệt tình là một hình ảnh khó hình dung nên chẳng biết có nên xếp nó vào loại câu “hay” trong tháng được không.

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2008

Le phai va dam duong dau

“Lề phải” và “dám đương đầu”

Quốc Học

Trong khi Bộ trưởng Bộ Truyền thông Thông tin Lê Doãn Hợp từng nói báo chí nên đi đúng “lề đường bên phải” thì tuần trước Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền lại yêu cầu báo chí khi tham gia phòng chống tham nhũng “phải dám đương đầu”.

Để báo chí làm đúng tôn chỉ mục đích của mình, cần xác định điều quan trọng nhất là báo chí và các cơ quan quản lý báo chí phải làm đúng theo Hiếp pháp và pháp luật, xem đó là cơ sở vững chắc nhất để hoạt động chứ không phải là chuyện “lề phải” hay “dám đương đầu”.

Thật ra, phát biểu của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với báo chí khi ông vừa nhậm chức nằm trong bối cảnh xác định cách quản lý báo chí với một bộ vừa mới được thành lập. Lúc đó ông cho rằng quản lý bằng mệnh lệnh thì báo chí sẽ mất tự do và cho rằng báo chí sẽ hoàn toàn tự do nếu đi đúng lề đường bên phải.

Vấn đề là trong một thế giới biến đổi từng ngày, thế nào là “phải”, thế nào là “trái” không thể dựa vào ý kiến chủ quan của bất kỳ cá nhân hay cơ quan nhà nước nào. Giả thử đầu năm còn ưu tiên phát triển kinh tế, giữa năm ưu tiên chống lạm phát và cuối năm tập trung kích cầu cho nền kinh tế, vậy “phải” hay “trái” ở đây sẽ thay đổi theo từng thời kỳ. Cái mà báo chí cần tuân thủ là pháp luật, cụ thể là các bộ Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật báo chí… còn lại nhà báo sẽ phải chịu trách nhiệm cho những điều mình viết ra và công bố trên báo chí. Từ đó, báo chí mới có thể đăng tải những ý kiến phản biện chính sách, ngỏ hầu tìm ra các giải pháp tốt nhất cho nước nhà trong từng thời điểm cụ thể.

Phát biểu của Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền cũng nằm trong bối cảnh việc đưa tin chống tham nhũng được dư luận đánh giá là có chững lại, chính ông cũng nhận xét: “Không thể phủ nhận hiện nay tâm lý một số phóng viên có phần lo ngại”. Thế nhưng để thay đổi tình hình đó, không phải chỉ có thể kêu gọi phóng viên dám đương đầu là đủ. Các cơ quan phòng chống tham nhũng nước ta phải cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí và phải có trách nhiệm trả lời báo chí khi có yêu cầu.

Lấy ví dụ vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, Giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP.HCM, được cho là có liên quan trong vụ án công ty tư vấn PCI của Nhật khai có hối lộ cho ông này để được trúng thầu nhiều dự án. Giả thử báo chí làm theo cách cũ của nhiều năm trước, khi ông Sĩ chưa bị tòa kết luận có tội hay không, mà đã viết bài cáo buộc theo hướng ông này có nhận hối lộ là chuyện hoàn toàn đáng chê trách vì không chuyên nghiệp. Nhưng im lặng trong một thời gian dài vì thiếu thông tin như mấy tháng trước cũng là biểu hiện báo chí thiếu tin tưởng vào quyền được thông tin của báo chí hay do những ràng buộc khác. Báo chí hoàn toàn có thể và phải được phép điều tra về tài sản công khai của ông Sĩ hay viết quá trình làm việc của ông Sĩ khi cũng đã để xảy ra các sai sót ở những công trình khác. Báo chí phải được quyền tiếp cận với cơ quan quản lý ông Sĩ trực tiếp để truy vấn về quá trình kiểm tra cách gọi thầu, cách giao thầu xem có sơ hở gì có khả năng bị lợi dụng không. Báo chí cũng phải được quyền tiếp cận thông tin để xem chất lượng tư vấn của PCI ảnh hưởng như thế thế nào đến chất lượng công trình. Và theo luật, các quan chức liên quan phải trả lời báo chí vì họ là đại diện cho một nhu cầu của người dân – nhu cầu được thông tin. Cuộc sống của họ đang ngày đêm bị tác động bởi những dự án có sự tham gia của PCI, một hãng có nhân viên bị chính ngay nước họ điều tra, truy tố vì tội hối lộ.

Một nền báo chí chuyên nghiệp không cần được chỉ đâu là lề đường phải đi cũng như không cần phải được khuyến khích “mạnh dạn chống tham nhũng”.

Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Tan man chuyen giao duc

Tản mạn chuyện giáo dục

Nguyễn Vạn Phú

+ Đôi lúc lẩn thẩn tự hỏi, giả dụ mình phỏng vấn một người Anh đến Việt Nam xin việc làm, nghe nói rất giỏi tiếng Việt, mình sẽ phỏng vấn như thế nào nhỉ? Chắc sẽ bày đặt ra một vài tình huống để anh này ứng xử bằng tiếng Việt xem sao. Còn kiểm tra bằng giấy, chắc cũng yêu cầu anh này viết một thư ngắn trả lời cho một khiếu nại của khách hàng hay cùng lắm là bắt trả lời một số câu hỏi dựa vào một bài báo tiếng Việt để xem anh ta đọc có hiểu chính xác không.

Trong một tình huống như vậy, có lẽ không ai trong chúng ta nghĩ đến việc bắt người được phỏng vấn xác định đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ trong một câu tiếng Việt. Không ai bắt anh ta phân tích câu đơn, câu phức hay đổi câu “Tôi đang đói bụng” sang thì quá khứ!

Ấy vậy mà chúng ta đã có thời ra đề kiểm tra trình độ ngoại ngữ của học sinh theo kiểu đó. Hết “chủ động” qua “bị động”, hết “quá khứ hoàn thành” qua “tương lai tiếp diễn”. Nay mặc dù việc soạn đề thi có khá hơn nhưng tâm lý người ra đề, nhất là các đề thi trình độ cao cao một chút, vẫn xoay quanh các kỹ năng về một ngôn ngữ mà ngay chính người bản ngữ cũng chưa biết rành rẽ.

Đề thi nào cũng quanh quẩn các hình thức nhằm bẫy cho thí sinh bị sai hơn là nhằm kiểm tra được khả năng sử dụng ngoại ngữ của họ. Việc dạy và học cũng không khá hơn khi ai nấy chăm chăm vào cái vỏ bọc ngôn ngữ mà không chịu chú ý đến thông tin được chuyển tải. Chẳng lạ gì có một quảng cáo cứ khẳng định “Muốn học giỏi tiếng Anh phải giỏi văn phạm”.

Trong tình huống phỏng vấn nói ở trên, điều chúng ta cần biết là khả năng giao tiếp của anh chàng người Anh khi sử dụng tiếng Việt còn vỏ bọc ngôn ngữ, đặc biệt là cách phát âm, sẽ được chính chúng ta coi là thứ yếu. Chúng ta sẽ thán phục nếu anh này hiểu được những khái niệm mới nảy sinh như “lô-cốt”, biết miêu tả tình huống mới như “kẹt xe, ngập nước” hơn là khi anh chàng này nói thao thao bất tuyệt về vẻ đẹp Vịnh Hạ Long nhờ học thuộc lòng trước một bài văn mẫu nào đó.

Nếu không sớm thay đổi cách nhìn về chuyện dạy, học và kiểm tra các môn ngoại ngữ, trình độ sử dụng ngoại ngữ nói chung của xã hội sẽ tụt hậu và đến một lúc nào đó, người Việt Nam sẽ sử dụng một thứ ngoại ngữ mà chỉ có thế hệ những người lớn tuổi của nước có ngoại ngữ đó hiểu mà thôi.

* * *

+ Một dịp tình cờ, người viết chứng kiến học sinh mẫu giáo ở một nước nói tiếng Anh học về các giác quan. Cô giáo trò chuyện với học sinh, hỏi những câu rất bình thường như nhà em có nuôi chó không, em có thường vuốt ve nó không và kết thúc bằng câu hỏi, vậy đó là giác quan gì. Các em học sinh không những trả lời nhanh chóng dễ dàng mà sau đó còn tự nghĩ ra các tình huống tương tự để đố nhau về các giác quan. Toàn là những từ quen thuộc với lứa tuổi các em.

Bây giờ giả thử chuyển lớp học này sang Việt Nam, ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Việt. Các em sẽ bị “choáng váng” vì những từ như “xúc giác, vị giác, khứu giác, thích giác, thị giác”. Các em sẽ không dễ dàng gì liên tưởng chuyện sờ, nếm, ngửi, nghe, thấy với những khái niệm xa lạ này nên khó lòng nhớ và sử dụng chúng cho chính xác.

Và từ đây, người viết cũng lẩn thẩn nghĩ, không biết các khái niệm trong tiếng Việt kiểu như thế có là trở ngại cho việc giảng dạy kiến thức tại nhà trường phổ thông. Chắc là có. Ngay cả các mẫu tự trong các công thức cũng không dính líu gì đến kiến thức đã học trong khi học sinh học bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng hiểu và nhớ T là time; V là velocity; S là size… Ví dụ với môn quản trị kinh doanh, sinh viên phải vật lộn với hàng loạt từ mới chưa từng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như “hiện giá”, “tỷ suất hoàn vốn nội bộ”… trong khi ở ngôn ngữ khác như tiếng Anh, chúng là những từ thông dụng hằng ngày.

Chuyện này khó thay đổi. Nhưng điều có thể thay đổi được và cũng là xu hướng truyền đạt kiến thức ở các nước là chú trọng mỗi bài học, nên rút ra, in đậm, nhấn mạnh, giải thích, tập sử dụng một số khái niệm cơ bản để hiểu bài. Hiện nay sách giáo khoa được soạn theo cách trình bày có đầu có đuôi, nói hết mọi điều người soạn sách nghĩ học sinh cần biết nhưng hầu như không có điểm nhấn. Sách trình bày rất đơn điệu, theo kiểu tiết kiệm giấy, không tận dụng các kỹ thuật trình bày đã là chuẩn mực của sách giáo khoa nhằm giúp người học dễ theo dõi, dễ hiểu, dễ nhớ… Thiết nghĩ chuyện cải cách giáo dục cũng phải tính đến các yếu tố này.

* * *

+ Việc phân bổ các môn học trong chương trình phổ thông ở các nước cũng đáng tham khảo. Một học sinh có thể đăng ký học môn Vật lý lúc học lớp 10, đến lớp 11 chuyển qua học Hóa học, năm 12 học Sinh vật, tức là năm nào học xong hết chương trình trung học cho môn ấy, những năm sau khỏi cần học lại. Các môn xã hội cũng vậy, Lịch sử một năm, Địa lý một năm. Với các phân bổ này, học sinh bỗng dư ra một lượng thời gian khá lớn để đăng ký học những môn mà các em thích chọn như Tâm lý học đại cương, Kinh tế học thường thức, Chính trị các nước hay thậm chí những môn nghe có vẽ “ăn chơi” như Tranh luận, Kỹ năng sống, Thời sự, Nấu ăn, Nhiếp ảnh…

Chắc có người sẽ chê, toàn bộ Vật lý cấp ba mà học trong một năm làm sao hết được, chỉ là kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Thú thiệt đây là nhận xét, người viết không biết đúng sai nhưng chỉ có điều ở những nước phân môn theo kiểu đó, học sinh có thiên hướng thích học kỹ môn nào đều có thể ghi danh lớp đặc biệt, dành riêng cho những học sinh giỏi, kiểu lớp chọn ở nước ta. Mà suy cho cùng, phân môn kiểu đó như một dạng phân ban không chính thức, học sinh sau này đi theo ngành Kinh tế chẳng hạn, đâu cần học kỹ môn Sinh vật như học sinh sẽ theo ngành Y. Trong bối cảnh chúng ta đang loay hoay giảm tải, loay hoay thí điểm chuyện phân ban, nên nghiên cứu xem cách các nước đang áp dụng có khả thi ở nước ta hay không, sẽ đem lại lợi ích gì và cần cân nhắc những gì – với mục tiêu đào tạo ra những con người biết thích nghi với thời đại đang thay đổi hiện nay.

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Kich cau, nhung kich nhu the nao

Kích cầu – nhưng kích như thế nào?

Nguyễn Vạn Phú

Mỗi khi hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào chỗ đình trệ người ta liền nghĩ đến chuyện kích thích kinh tế mà ở Việt Nam thường được gọi một cách hình tượng “kích cầu”.

Kích thích hoạt động kinh tế thường từ được xem xét từ hai góc độ cung và cầu; biện pháp cũng thường được tính đến từ hai nguồn tài khóa và tiền tệ. Với Việt Nam hiện nay tìm cách kích thích nền kinh tế mà không gây ra lạm phát là một bài toán khó, cần cân nhắc thấu đáo.

Từ tặng tiền đến miễn thuế

Cách kích cầu có tác dụng nhanh nhất là đưa tiền do người dân chi tiêu. Nghe qua tưởng chuyện đùa nhưng đã có nhiều nơi trên thế giới áp dụng cách đó. Tuần trước gói giải pháp kích thích kinh tế của Đài Loan có cả biện pháp cấp phiếu mua hàng cho dân Đài Loan trước Tết Nguyên Đán năm nay, mỗi người được chừng 3.600 Đài tệ (gần 2 triệu đồng). Nếu tất cả mọi người dùng phiếu để mua hàng thì GDP Đài Loan nhờ đó sẽ tăng chừng 0,64% trong năm 2009. Hồi đầu năm Mỹ cũng quyết định “thối lại” tiền thuế cho dân Mỹ, đa số được chừng 600 đô-la mỗi người. Người dân có chi tiêu thì hàng hóa sản xuất ra mới bán được và nhờ đó doanh nghiệp mới hoạt động, công nhân có việc làm và nhà nước lại thu được thuế.
Việt Nam chắc không có chuyện trao tiền mặt như thế nhưng vẫn có thể có những biện pháp gần tương đương như giảm hay miễn thuế VAT trong một thời gian nhất định hay với một số mặt hàng nhất định (nếu miễn thuế VAT trong một thời gian ngắn, rất có thể kích thích người ta đi mua hàng để được giảm giá ngay lúc đó vì sau thời gian miễn thuế giá hàng sẽ trở về như cũ).

Một trong những biện pháp kích thích như thế nhưng có hiệu quả lan tỏa rộng là giảm giá xăng, kể cả giảm thuế nhập khẩu xăng để buộc các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá hơn nữa. Theo tính toán của tờ Wall Street Journal, khi giá xăng giảm từ 147 đô-la/thùng còn 50 đô-la/thùng, toàn bộ nền kinh tế Mỹ nhận được một khoản “trên trời rơi xuống” chừng 250-300 tỷ đô-la mà không cần chi xu nào từ ngân sách. Vấn đề là làm sao thúc đẩy các công ty kinh doanh xăng dầu giảm giá cho đúng với mức giá thực tế của thế giới, đừng để họ lập luận rất trái với quy luật kinh doanh như mua xăng lúc giá cao nên phải bán cho hết mới giảm giá được!

Ở góc độ tăng cung, các biện pháp thường được tiến hành gồm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cho khấu trừ chi phí rộng rãi hơn, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp khác với mục đích là làm sao doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa hay dịch vụ hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm từ 28% còn 25% bắt đầu từ năm 2009 là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, các biện pháp nên hướng đến hỗ trợ tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế, vừa thu ngoại tệ về nhằm bảo đảm cán cân thanh toán và tạo nhiều công ăn việc làm. Ở đây việc xác định một tỷ giá hối đoán hợp lý là điều cần cân nhắc sớm. Lấy ví dụ ngành du lịch, một dạng xuất khẩu tại chỗ, hiện đang gặp nhiều khó khăn vì khách du lịch chê đến Việt Nam chịu giá phòng, giá tour quá đắt so với các nước khác. Giá phòng khách sạn ở Hàn Quốc chẳng hạn có thể vẫn được giữ nguyên như đầu năm khi tính bằng đồng won nhưng nếu chuyển sang trả bằng đô-la thì giảm đi rất nhiều, cùng với sự sụt giá của đồng won so với đô-la Mỹ, chẳng lạ gì khách sẽ cho là rẻ. Việc xuất khẩu các mặt hàng cũng vậy – một tỷ giá gắn với đồng đô-la đang lên giá mạnh so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực đang làm cho hàng Việt Nam mất tính cạnh tranh. Số liệu xuất khẩu trong chiều hướng giảm của mấy tháng gần đây cho thấy điều đó.

Kích cầu đầu tư

Tuy nhiên, tin tức rộ lên khắp các nước liên quan đến các gói giải pháp kích thích nền kinh tế tập trung quanh chuyện kích cầu đầu tư. Trung Quốc gây ngạc nhiên cho toàn thế giới khi công bố gói kích thích tài chính trị giá đến 586 tỷ đô-la đến năm 2010. Cho dù có nhiều phân tích tỏ ý nghi ngờ con số chi tiêu thật sự từ ngân sách nhà nước là bao nhiêu, tuyên bố của Trung Quốc phải chăng là màn PR cho hội nghị G-20 diễn ra sau đó, chắc chắn sẽ có những khoản tiền lớn Trung Quốc sẽ đổ vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, trường học, sân bay… nhằm, trước hết tạo công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân thất nghiệp sau khi hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

Tổng thống đắc cử Obama cũng cho rằng ưu tiên của ông ngay sau khi nhậm chức là làm sao thông qua gói kích thích kinh tế, trong đó có những dự án hạ tầng như sửa sang hệ thống đường sá, cầu cống đã xuống cấp của Mỹ và xây dựng các cơ sở sản xuất năng lượng thay thế. Bản thân các dự án hạ tầng có độ trễ về hiệu quả nên Obama chú trọng đến loại dự án chỉnh trang, sửa chữa nhằm tạo công ăn việc làm là chính và tăng nhanh thời gian phát huy hiệu quả của dự án. Trong khi Trung Quốc nhấn mạnh đến con số 586 tỷ đô-la, Obama nhấn mạnh con số 2,5 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong hai năm tới nhờ gói kích thích này.

Nói đến biện pháp này, nhiều người Việt Nam lo ngại nếu chính sách tài khóa mở rộng, sẽ có khả năng nền kinh tế rơi vào chỗ mất ổn định như những tháng đầu năm. Vấn đề là nếu nóng vội kích cầu đầu tư thông qua các tập đoàn kinh tế nhà nước vì đây là nơi dễ triển khai nhất, dễ dùng mệnh lệnh hành chính nhất, chúng ta sẽ rơi vào bế tắc cũ vì đầu tư thông qua các tập đoàn và tổng công ty đã được chứng minh là kém hiệu quả nhất. Có thể giải quyết mâu thuẩn này, trước hết, bằng cách thúc đẩy giải ngân những dự án ODA đang trì trệ. Đây là những khoản vay đã có sẵn, lãi suất thấp, dự án cũng đã sẵn sàng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc mang tính thủ tục, hành chính hay tệ quan liêu bàn giấy chính là cách kích cầu đầu tư hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.

Đây cũng là dịp triển khai các dự án đầu tư công bị đình trệ vì giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng vọt trong những tháng đầu năm. Tận dụng cơ hội giá cả đang giảm, chúng ta có thể khởi động lại hàng loạt dự án để tạo thêm công ăn việc làm. Vấn đề là thúc đẩy quá trình cải cách để mở rộng cơ hội tham gia cho nhiều công ty từ thành phần kinh tế tư nhân, là nơi có độ linh hoạt cao trong việc tuyển dụng và tính toán chi phí.

Dù sao chuyện được nhiều người quan tâm hiện nay là lãi suất hay nói rộng ra là chính sách tiền tệ hướng đến kích thích kinh tế. Theo chúng tôi, vấn đề không nằm ở lãi suất, nhất là ở Việt Nam khi chi phí cho lãi suất cao hay thấp chưa hẳn đã tác động đến quyết định vay hay không vay của doanh nghiệp. Nếu không có cơ hội, lãi suất thấp chưa hẳn đã kích thích doanh nghiệp vay tiền làm ăn. Vấn đề là khơi thông dòng chảy của đồng vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp. Phải giúp một số ngân hàng lành mạnh hóa tình hình tài chính, tách rời các khoản vay địa ốc, xem chúng như những tài sản xấu cần giải quyết riêng mới mong ngân hàng tiếp tục cho vay sản xuất kinh doanh. Cho đến nay mà Ngân hàng Nhà nước còn phải buộc các ngân hàng thương mại báo cáo lại các con số cho vay địa ốc thì giải pháp chưa thể nào có nhanh được. Nếu hạ lãi suất cơ bản và giảm dự trữ bắt buộc khi chưa làm được chuyện tách bạch này, rất có khả năng ngân hàng sẽ lại đảo nợ địa ốc và bơm lại chiếc bong bóng nguy hiểm này.

Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2008

Kinh te... phi thi truong

Kinh tế… phi thị trường

Nguyễn Vạn Phú

Trong khi Việt Nam đi theo nền kinh tế thị trường đã khá lâu, cách suy nghĩ của nhiều nhà quản lý, nhiều chuyên gia kinh tế và thậm chí của một số doanh nhân lại không theo quy luật thị trường chút nào mà chủ yếu theo trực giác bị tác động bởi tư duy kinh tế thời bao cấp.

Lấy ví dụ chuyện lãi suất. Nhiều người cứ nhầm cắt giảm lãi suất cơ bản ở Việt Nam cũng giống kiểu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Thật ra, lãi suất Fed thường tuyên bố cắt là lãi suất qua đêm (Fed Fund rate), tức là lãi suất các ngân hàng tính cho nhau khi vay mượn qua đêm các khoản tiền gởi ở Fed để bảo đảm mức dự trữ bắt buộc. Nói chính xác hơn nữa, Fed cũng không quyết định lãi suất mà chỉ đưa ra mức lãi suất muốn hướng đến; sau đó dùng thị trường mở để tác động sao cho lãi suất qua đêm ứng với lãi suất muốn có.

Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản là “lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Nói nôm na, đây là lãi suất tốt nhất do ngân hàng tốt nhất cho khách hàng vay. Bỗng nhiên, sau lần tranh cãi xem có nên sửa đổi Bộ Luật dân sự (“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”), lãi suất này tự dưng trở thành mốc để suy ra lãi suất trần. Ví dụ, lãi suất cơ bản vừa được cắt giảm còn 12%, người ta suy ra lãi suất cho vay tối đa sẽ ở mức 18%! Tức là một điều luật nhằm ngăn chận hiện tượng cho vay nặng lãi ngoài xã hội bỗng trở thành yếu tố điều tiết lãi suất của hệ thống ngân hàng chính thống!

Lẽ ra, để giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải dùng các công cụ khác như thị trường mở, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu… còn lãi suất cơ bản chỉ là kết quả hướng đến sau cùng, làm định hướng cho các ngân hàng thấy xu hướng của lãi suất. Lấy lãi suất cơ bản để ấn định trần lãi suất là việc làm trái quy luật thị trường.

Chưa hết, khi lập luận lãi suất cao hay thấp, nhiều người dùng chỉ số lạm phát của tháng 10 hay chỉ số lạm phát từ đầu năm đến nay. Nếu lấy chỉ số tháng 10 (âm 0,19%) ai cũng nói lãi suất quá cao; còn lấy mức từ đầu năm đến nay (23,15%), ai cũng thấy chưa nên giảm lãi suất. Trong khi đó chỉ cần nhớ lại lãi suất thực dương là lãi suất cao hơn mức lạm phát kỳ vọng trong tương lai, việc phải làm trước khi nói lãi suất cao hay thấp là dự đoán cho được mức lạm phát kỳ vọng chứ không phải dùng số liệu đã qua. Quốc hội vừa mới thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009, trong đó chỉ số giá tiêu dùng cho năm 2009 dưới 15%. Đấy chính là một trong những mốc có thể lấy để suy xét lãi suất nên ở mức nào để “thực dương”. Và đấy cũng là một chỉ dấu để giải quyết cuộc tranh luận liệu Việt Nam đã rơi vào tình trạng giảm phát, một tranh luận không đáng có bởi những người vội vàng nhìn vào con số âm 0,19% nói trên.

Chính vì không nhìn sự vận hành của nền kinh tế theo quy luật thị trường nên giới quản lý thường muốn phát biểu mang tính trấn an thị trường chứ không phân tích thấu đáo, cặn kẽ rồi để tự thị trường quyết định. Ví dụ, khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nới biên độ giao dịch giữa tiền đồng và đô-la Mỹ lên cộng trừ 3% từ mức cộng trừ 2% trước đó, chắc chắn đô-la sẽ lên giá so với tiền đồng. Lẽ ra phải nhấn mạnh đây là bước đi hoàn toàn bình thường trong bối cảnh đô-la Mỹ lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác, một số người lại trấn an một cách không cần thiết rằng tỷ giá không vượt qua mức 17.000 đồng/đô-la. Đến khi tỷ giá lên mức này, lại có người giải thích ấy là do dân buôn lậu vàng gom đô-la! Nếu đứng tách ra một chút người ta dễ thấy rằng tiền đồng, khi gắn với giá trị đồng đô-la, đang lên giá mạnh so với đa số đồng tiền trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới mà chúng ta có quan hệ thương mại và cần phải điều chỉnh ngay để duy trì sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của nước ta. Tính thị trường ở đây là đặt tương quan tiền đồng với một rỗ ngoại tệ chứ không chỉ đô-la Mỹ và cần giải thích một cách sòng phẳng như thế.

Các phát biểu phi thị trường xuất hiện nhiều nhất từ các công ty quốc doanh, từ ngành kinh doanh xăng dầu (chuyện lời lỗ), kinh doanh điện lực (chuyện đầu tư) đến các doanh nghiệp địa ốc (chuyện bơm vốn). Nếu chúng chỉ dừng ở mức phát biểu thì không sao vì người dân họ rất nhạy bén để hiểu đâu là phát biểu có thể làm lạc hướng dư luận. Nhưng nếu chúng trở thành áp lực “vận động hành lang” để tác động lên chính sách thì đó là điều nguy hiểm cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và dần bén rễ.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Dien toan dam may

Điện toán đám mây

Vân Cầm

Nền công nghệ thông tin sẽ sang trang mới cùng với khái niệm “điện toán đám mây” (cloud computing). Đây là khái niệm có tầm ý nghĩa ngang với việc chuyển đổi từ điện toán trên máy mainframe của IBM ngày trước sang máy tính cá nhân kéo theo sự hưng thịnh của Microsoft. Nay có lẽ là thời “lên mây” của Google?

Điện toán đám mây là gì

Vào giữa thập niên 1990, người viết bài này phải loay hoay dùng các phần mềm dạng dBase để lưu từng tấm danh thiếp của bạn bè, đối tác… Cái cơ sở dữ liệu thô sơ ấy đã từng tỏ ra đắc dụng khi chỉ cần một vài thao tác, người viết tìm ra ngay số điện thoại hay địa chỉ của một công ty. Nay không ai làm theo cách này nữa. Trên Internet đã có sẵn hàng chục trang chuyên cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin trên danh bạ công ty, có thể truy cập được từ máy tính cơ quan, máy xách tay ở ngoài, điện thoại di động hay thậm chí một máy nghe nhạc có wifi như iPod Touch. Như vậy, trong lãnh vực này, có thể nói điện toán đám mây đã hiện diện – công nghệ thông tin chuyển từ máy tính để bàn với phần mềm cài trên máy, dữ liệu lưu trong máy, người sử dụng ngồi trước máy bây giờ đã “lên các đám mây trên trời” vì dữ liệu nằm đâu đâu trong không gian ảo, phần mềm cũng vậy, còn máy để truy cập chúng có thể là bất kỳ loại gì chứ không nhất thiết là máy tính cá nhân nữa.

Đây là một minh họa đơn giản hóa khái niệm “điện toán đám mây”. Tùy người sử dụng hay mục đích sử dụng, khái niệm này sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Đơn giản nhất là việc chuyển từ một phần mềm email cài trong máy như Outlook Express sang một dịch vụ email trên mạng như Gmail hay Hotmail. Có lẽ ai từng dùng Gmail cũng từng xem nó là nơi lưu trữ tài liệu cần dùng. Họ không còn phụ thuộc vào chiếc máy tính để bàn nữa mà đưa hết mọi thứ lên Gmail, lúc nào cần cứ dùng bất kỳ thiết bị nào để lấy xuống. Ngày càng có nhiều người sử dụng các dịch vụ khác của Google như soạn thảo văn bản bằng phần mềm trực tuyến hay hoạch định lịch làm việc cũng qua mạng.

Từ “điện toán đám mây” chỉ mới xuất hiện vào năm ngoái nhưng đã lan nhanh khắp cộng đồng công nghệ thông tin. Đây là xu hướng kết hợp ba yếu tố: các trung tâm dữ liệu với hàng ngàn hay hàng chục ngàn máy chủ đóng vai trò nhà máy cung cấp các dịch vụ điện toán trên quy mô lớn; phần mềm ngày càng được cung ứng như một dịch vụ qua mạng; và các mạng không dây kết nối ngày càng nhiều loại thiết bị làm nơi tiếp nhận các dịch vụ ấy.

Trung tâm dữ liệu

Có lẽ Amazon là nơi thương mại hóa các trung tâm dữ liệu đầu tiên mặc dù kỹ thuật này đã được sử dụng từ lâu. Năm 2006, Amazon chào mời dịch vụ mang tên Amazon Web Services (AWS). Bất kỳ ai có thẻ tín dụng cũng có thể vào đây thuê một máy ảo trên hệ thống máy tính khổng lồ của Amazon để chạy ứng dụng. Các nhà điều hành AWS có thể nhanh chóng bổ sung máy chủ khi nhu cầu tăng hay tắt bớt khi nhu cầu giảm. Dịch vụ này có giá rất rẻ, chẳng hạn tiền thuê một máy ảo như thế chỉ từ 10 xu một giờ.

Amazon không phải là công ty trực tuyến duy nhất xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Người ta đồn đoán rằng Google đang điều hành một mạng lưới toàn cầu mấy chục trung tâm dữ liệu với hơn 2 triệu máy chủ. Microsoft đang đầu tư tiền tỷ để bổ sung chừng 35.000 máy chủ mỗi tháng. Yahoo cũng đang bận rộn xây dựng các nhà máy điện toán kiểu như thế.
Hãy xem tờ Economist miêu tả cách người ta xây dựng một trung tâm dữ liệu như thế nào: Trong một container chở hàng loại 40 feet, người ta lắp đặt 2.500 máy chủ. Một xe tải đưa container này vào một tòa nhà bê-tông cốt thép; thợ máy nhanh chóng nối nó vào hệ thống điện, hệ thống mạng và hệ thống nước làm mát. Các phần mềm cần thiết được cài đặt tự động và trong vòng 4 ngày mọi máy chủ trong container đã sẵn sàng để xử lý thông tin của khách hàng theo đúng yêu cầu.

Đấy là bên trong trung tâm dữ liệu mới của Microsoft ở Northlake, ngoại ô Chicago, được xây dựng trên khu đất 46.000 mét vuông, chi phí lên đến 500 triệu đô-la. Khi hoàn thành, trung tâm sẽ chứa đến 400.000 máy chủ và toàn bộ tầng trệt sẽ chứa chừng 200 container như trên. Dùng container giúp việc vận chuyển máy chủ rẻ đi, lúc nào cần thì kết nối vào hệ thống chung, lúc nào không có thể di chuyển đến nơi khác ngay.

Người ta chọn địa điểm xây dựng các trung tâm dữ liệu dựa vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn ở một vùng nông thôn giữa tiểu bang Washington lại có 6 trung tâm đang được xây dựng gần sông Columbia, ấy là vì gần đấy có một đập thủy điện cung cấp điện giá rẻ. Những yếu tố khác như kết nối Internet, lực lượng nhân sự, ngay cả chất lượng không khí được cân nhắc để quyết định xem nên chọn nơi nào. Riêng Google dường như đang muốn đưa ra nước ngoài, thậm chí ra biển. Tháng 8-2008, Google nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một loại trung tâm dữ liệu trên nước. Sáng chế này cho rằng trung tâm điện toán đặt trên tàu, neo ngoài khơi có thể tận dụng năng lượng chuyển động của nước làm điện năng và dùng nước để làm mát.

Như vậy, xu hướng sắp tới là các doanh nghiệp có trung tâm dữ liệu riêng lẻ sẽ củng cố chúng theo hướng cắt giảm (vì các trung tâm loại này có hiệu năng rất thấp – chỉ chừng 6% năng lực xử lý) tập trung vào một ít trung tâm thật sự có hiệu quả. Còn các doanh nghiệp kinh doanh trung tâm dữ liệu sẽ phát triển mạnh, rồi cho doanh nghiệp bên ngoài thuê. Trước mắt các doanh nghiệp vừa và nhỏ là khách hàng chính vì doanh nghiệp lớn chưa chắc đã an tâm giao phó dữ liệu của mình cho người khác quản lý. Cũng có thể họ sẽ chuyển giao dần dần các loại dữ liệu không quan trọng, ví dụ NASDAQ thuê AWS để cung cấp dịch vụ tìm thông tin giao dịch cũ, gọi là Market Replay.

Phần mềm đám mây

Xu hướng phần mềm trở thành một dạng dịch vụ được cung cấp qua mạng Internet ngày càng rõ nét. Quan trọng hơn, các ứng dụng, dù có qua mạng hay không, sẽ không còn là một gói phần mềm ngày càng cồng kềnh – chúng sẽ bao gồm nhiều bộ phận cấu thành để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Để dễ hình dung, tờ Economist dùng hình ảnh tiệm ăn để so sánh với cách xây dựng ứng dụng theo kiểu này, tên trong ngành gọi là “kiến trúc hướng dịch vụ -SOA”. Nếu phần mềm theo kiểu cũ là một bữa ăn đóng gói sẵn, chỉ cần bỏ vào lò nấu là dùng được ngay, kiến trúc mới trông giống một nhà hàng, bản thân cũng là dịch vụ nhưng bao gồm nhiều dịch vụ nhỏ khác nhau. Khi người hầu bàn nhận lệnh từ thực khách, lệnh sẽ chuyển cho nhà bếp, rồi có người nấu, dọn ra…
SOA thoạt tiên xuất hiện trong các ứng dụng mã nguồn mở nhưng sau đó các hãng lớn cũng chuyển sang hướng này vì các ứng dụng của họ ngày càng cồng kềnh, không đáp ứng nổi sự linh hoạt mà khách hàng cần. Hãng SAP của Đức là một trong những công ty đầu tiên đưa kiến trúc hướng dịch vụ vào thương mại. Thay vì cung ứng cho khách hàng những phần mềm chuyên biệt như quản lý tài chính hay quản lý khách hàng, SAP giới thiệu các cụm phần mềm có thể kết hợp tùy ý để làm ra loại phần mềm mới, ứng với nhu cầu của từng khách hàng.

IBM dù cũng rất mặn mà với SOA nhưng đi theo hướng khác. Họ dùng SOA để giúp các doanh nghiệp tích hợp hệ thống công nghệ thông tin ngày càng phức tạp bằng cách biến chúng thành tập hợp các dịch vụ để đan xen chúng vào các quy trình kinh doanh.

Ở đây, việc thương mại hóa SOA cho giới doanh nghiệp vẫn còn rất sơ khai nhưng ngược lại, ứng dụng chạy trên web cho người tiêu dùng thì phát triển mạnh. Ví dụ, tận dụng Google Map kết hợp với danh sách nhà bán, nhà cho thuê từ Craglist, người ta làm ra Housingmaps.com, chuyên đáp ứng nhu cầu tìm nhà thuê, nhà bán nhanh chóng, có cả bản đồ chi tiết. Hàng loạt dịch vụ kết hợp như thế đã ra đời, người dùng có thể tự mình kết hợp các mô-đun lại với nhau để tạo ra ứng dụng cho mình như tin tức kèm hình ảnh, âm thanh hay kết nối…. Hồi tháng 4-2008, Salesforce.com và Google tuyên bố tích hợp dịch vụ online của họ, qua đó người dùng Salesforce (hỗ trợ quản lý khách hàng) có thể chuyển dữ liệu qua các ứng dụng trên mạng của Google.

Sắp tới các ứng dụng trên máy tính để bàn không sớm lụi tàn và các doanh nghiệp vẫn còn cần ứng dụng độc lập nhưng xu hướng là sẽ có sự kết hợp giữa phần mềm kiểu cũ và ứng dụng kiểu mới.

Các nhà tiên phong sẽ tranh nhau xây dựng cho bằng được nền tảng cho ứng dụng thật phổ biến để dần dần thay cho khái niệm hệ điều hành như kiểu Microsoft Windows hiện nay.

Thiết bị kết nối

Khi Amazon giới thiệu thiết bị đọc sách Kindle vào tháng 11 năm ngoái, ít ai nghĩ nó sẽ thành công vì thay đổi thói quen đọc sách trên giấy đã từng tồn tại hàng ngàn năm không phải là chuyện dễ.

Tuy thế, đến cuối năm nay Amazon tính ra sẽ bán được 380.000 Kindle, một loại sách điện tử chứa được 200 cuốn sách. Có thể Kindle đang trở thành một iPod trong thế giới sách báo mà chưa ai hình dung hết được.

Chắc phải cần một thời gian nữa và nhiều cải tiến khác, Kindle mới thu hút thêm nhiều khách hàng nhưng thiết bị này đang bán khá chạy là do nó kết nối dễ dàng để tải sách về máy. Mỗi Kindle có một modem và khách hàng chỉ cần vài thao tác là có sách mới để đọc ngay trên máy. Tham vọng của Amazon là mọi sách từng được in sẽ có sẵn cho người dùng mua tải về trong vòng 60 giây. Nếu Kindle mở sang lãnh vực báo chí, chưa biết tương lai báo in sẽ như thế nào.

Dù Kindle có thành công hay không, rõ ràng xu hướng các thiết bị kết nối không dây sẽ ngày càng phổ biến để người dùng có thể mua nhạc, mua phim hay truy cập các dịch vụ qua mạng từ chúng.

Máy chụp ảnh chẳng hạn sẽ tự động chuyển ảnh lên mạng, chia sẻ với mọi người, đồng hồ điện thông minh tự động báo số điện tiêu thụ trong tháng, hay tủ lạnh báo hết sữa cho nhà cung cấp…

Như thế, nếu các trung tâm dữ liệu và phần mềm ứng dụng là bản thân “đám mây”, các thiết bị sẽ kéo chúng về thế giới thật nơi con người sẽ thông qua đó tương tác trở lại với các “đám mây”. Sự ra đời của các thiết bị như điện thoại di động G1 của Google hay trình duyệt Chrome là nhằm phục vụ cho mục đích kết nối đó. Xu hướng sản xuất loại máy tính xách tay bé xíu – các netbook – cũng không nằm ngoài nỗ lực này. Máy đầu cuối không cần mạnh, chỉ cần có tính di động cao và kết nối tốt. Mọi chuyện còn lại do “đám mây” xử lý.

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

Tuong phan

Tương phản

Nguyễn Vạn Phú

* Nếu có dịp đi qua các con đường như Trần Quốc Thảo, Lý Chính Thắng, có lẽ ai cũng chia sẻ nhận xét thành phố của chúng ta hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Các lô cốt không chỉ băm nát những con đường ở phần chúng chiếm chỗ, chúng còn làm không gian quanh chúng tan nát vì chịu lượng xe lớn gấp mấy lần bình thường cày xé, lề đường bị băm vụn, không khí đặc quánh bụi bẩn. Tệ hại hơn, các lô cốt này còn góp phần hủy hoại “bản tính thiện” của con người khi ai ai cũng phải chen lấn tranh đường thoát thân. Nó làm xói mòn tinh thần tôn trọng luật lệ đi đường của người dân cho dù không ai muốn thế.

Nhiệm vụ của bộ máy chính quyền một thành phố, suy cho cùng là tổ chức một cuộc sống đô thị ngày càng nền nếp, văn minh, lịch sự hơn. Thành phố đã không làm được điều này. Các công trình chỉnh trang đô thị chắc chắn muốn hướng đến lợi ích về sau; có lẽ người dân đang chịu đựng các lô cốt giăng khắp các nẻo đường thành phố vì hy vọng chúng sẽ giúp giải quyết các vấn nạn lâu năm. Thế nhưng có ai đứng ra giải thích một cách rõ ràng, dễ hiểu cho người dân, hệ thống lô cốt đó nhằm phục vụ công trình nào, cách thức đào đường ra sao, có biện pháp gì hạn chế những trở ngại cho chúng gây ra trong thời gian thi công, bao giờ thì xong, khi xong người dân có thể kỳ vọng được gì, mặt đường sẽ được tái lập như thế nào… Hoàn toàn vắng bóng một sự chủ động như thế và thông tin có chăng là từ các thắc mắc của người dân hay chất vấn của đại biểu dân cử và được các quan chức trả lời nhằm giải trừ trách nhiệm trên báo chí.

Sự tương phản ở đây là trong khi đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các quy định sẽ tác động lớn đến cuộc sống của nhiều người dân nghèo như cấm xe ba bốn bánh tự chế trong nội đô. Đành rằng các biện pháp này đúng là nhằm chỉnh trang bộ mặt đô thị nhưng một khi chuyện lớn chưa làm được (chấn chỉnh việc đào đường, lập lô cốt) thì chuyện cấm đoán này sẽ khó lòng tìm được sự đồng thuận của người dân.

* * *

* Một điều ngẫu nhiên là sự tương phản kiểu như thế lại xuất hiện từ các phát biểu khá ấn tượng trong tuần trước. Tại một cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến đòi hỏi nhà nước phải điều chỉnh chính sách tín dụng cho bất động sản theo hướng kích thích sự phát triển của thị trường này trở lại, không để nó đóng băng. Có những ý kiến cho rằng cần giảm lãi suất, thậm chí Ngân hàng Nhà nước nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giúp ngân hàng có thêm vốn cho vay mua bất động sản!

Chỉ mới một thời gian rất ngắn trước đây, các phân tích từ chính phủ, các chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước, đều thấy sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản là một trong những nguyên nhân gây nên bất ổn kinh tế trong những tháng đầu năm. Nay tuy tình hình đã tương đối ổn định ở nhiều lãnh vực, tín dụng bất động sản vẫn còn là một ẩn số lớn, chưa lường hết tác động một khi các khoản vay đáo hạn.

Quan trọng hơn, những khoản đầu tư bất động sản lớn nhất, liên quan đến hệ thống ngân hàng nhiều hơn, lại đến từ các tập đoàn và tổng công ty nhà nước và một số cá nhân có quan hệ với các chủ thể này. Từ tháng 4-2008, Bộ Chính trị đã nhận định: “Việc vay vốn của các tổ chức tín dụng và sự tham gia vào đầu tư bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khá lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ.” Vấn đề của thị trường bất động sản nước ta nằm ở một số ít chủ thể này chứ không phải lãi suất gì cả.

Nhiều người nhận xét Việt Nam còn may mắn khi thị trường bất động sản đã xì hơi và xì hơi từ từ. Thật khó hiểu khi vẫn có những người muốn bơm hơi trở lại vào chiếc bong bóng nguy hiểm này.

* * *

* Cũng tuần trước, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi trả lời phỏng vấn báo chí đã nói: “[Việc phòng chống tham nhũng trong thời gian qua có ‘chùng’ xuống không] cũng liên quan đến hoạt động của báo chí, nhất là sau khi một số nhà báo bị khởi tố, xử lý thì thông tin báo chí có ‘chùng’ xuống” (SGGP). Trên báo Tuổi Trẻ, ông nói: “Việc ‘chùng’ xuống là do cách thông tin… nếu ‘chùng’ xuống thì chỉ có báo chí ‘chùng’, còn các cơ quan chống tham nhũng khác không ‘chùng’.”

Đây là một tác động đương nhiên khi một số nhà báo bị khởi tố, một số khác bị rút thẻ hành nghề hay điều chuyển công tác khác. Không nói đến việc đúng sai, các nhà báo chắc chắn sẽ phải dè dặt cân nhắc kỹ hơn khi đưa tin tham nhũng, dù từ nguồn tin có thẩm quyền. Việc chủ động điều tra chống tham nhũng từ báo chí càng khó hơn nữa.

Một mặt, việc báo chí phải phối kiểm nguồn tin kỹ lưỡng hơn trước, dù sao, cũng làm cho tính chuyên nghiệp của báo chí được nâng lên. Nhưng mặt khác, cơ quan phòng chống tham nhũng phải thấy được trách nhiệm đưa thông tin chính thức đến với công luận qua báo chí.

Sự bức xúc của công luận chỉ có thể được giải quyết bằng một sự minh bạch và kịp thời trong thông tin. Chính ông Trần Văn Truyền cũng thừa nhận có những vụ việc đã diễn ra rồi, đã giải quyết xong nhưng vì chưa công bố nên dư luận không biết. Suy cho cùng, chính người dân là nơi đánh giá quan trọng nhất việc phòng chống tham nhũng của nước ta có đang có hiệu quả hay không chứ không phải đã giải quyết “nghiêm khắc” trong nội bộ là yên tâm chống tham nhũng thành công. Và trong khía cạnh đó, báo chí có “chùng” xuống thì đó cũng là sự đình trệ trong nỗ lực chống tham nhũng, ít nhất là trong cảm nhận của người dân.

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Khong the khu tru

Không thể khu trú để tránh bão

Nguyễn Vạn Phú

Hiện nay tình hình kinh tế thế giới đang chuyển biến từng ngày, từng giờ. Không chỉ là tin tức lên xuống thất thường của các chỉ số chứng khoán mà còn là giá cả hàng hóa biến động, tỷ giá thay đổi, sức mua tăng giảm…

Hơn ai hết doanh nghiệp là nơi tiếp nhận, xử lý thông tin và liên tục tìm cách ứng phó. Giả định một nhà nhập khẩu nếu chọn nhập hàng từ Nhật Bản sẽ phải mua hàng với giá cao hơn trước nhiều vì đồng yên đang lên giá; còn nếu quay sang nhập từ Hàn Quốc, khả năng mua được hàng với giá rẻ do đồng won đang tụt dốc không phanh, chắc hẳn họ phải cân nhắc, suy tính và liên tục dọ hỏi, tìm nguồn hàng mới. Một nhà xuất khẩu khác, nhìn thấy dấu hiệu thắt lưng buộc bụng ở người tiêu dùng các nước đang bị khủng hoảng, bèn thay đổi dòng hàng, chọn loại hàng mà sức cầu ít chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế nhất, loại ra các dòng hàng thuộc loại xa xỉ… Ban điều hành các doanh nghiệp lớn đang cật lực tìm lời giải tối ưu để đối phó với giai đoạn khó khăn này.

Thế nhưng, những định hướng lớn như thế từ các bộ, ngành ở cấp quốc gia hầu như đang thiếu vắng. Thay vào đó là những thông tin mang tính trấn an dễ dẫn đến sự chủ quan rất nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay. Thay vì khẳng định tỷ giá tiền đồng sẽ ổn định ở một mức nào đó, tại sao không nhìn rộng ra các nước trong khu vực để thấy hầu như đồng tiền của nước nào cũng đang sụt giá so với đô-la Mỹ. Dù xu hướng này là ngắn hạn hay dài hạn, cũng phải có những chiến lược phòng tránh rủi ro: làm sao hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể cạnh tranh nổi khi hàng của nước khác giảm giá đến 20%-30%; nên định hướng như thế nào để hạn chế nhập khẩu nhằm tiết kiệm ngoại tệ đang rất cần để ổn định kinh tế; hỗ trợ các nhà xuất khẩu như thế nào khi các kênh thanh toán quốc tế đang biến động, người mua vẫn có nhưng hàng không bán được vì ngân hàng bên mua không thể mở tín dụng thư…

Ở góc độ đầu tư, chẳng hạn, cũng có vô số thông tin mới cần xử lý và thông báo cho các địa phương hay đối tác trong nước để chủ động ứng xử. Đầu tư vào địa ốc với những dự án hàng tỷ đô-la chắc chắn sẽ không thể triển khai như đăng ký vì hiện nay cả thế giới đang thiếu vốn lưu động, nhất là những nước như Hàn Quốc. Các địa phương phải vạch ra nhiều phương án để tránh cảnh dồn sức giải tỏa dân rồi phải nhìn dự án đóng băng như những năm cuối thập niên 1990. Chúng ta thường nói phải sản xuất cái gì thế giới cần chứ không phải cái gì chúng ta đang có. Thế nhưng nhu cầu của thế giới đang thay đổi – liệu chúng ta đã biết rõ, đã nghiên cứu kỹ nhu cầu ngắn hạn và trung hạn của thế giới hay chưa. Có rất nhiều lãnh vực cần nghiên cứu như thế, từ du lịch đến nông sản, từ lương thực, thực phẩm đến quản lý dòng vốn tài chính… Ngay cả những động thái mới như Singapore vừa ký Hiệp định Thương mại Tự do với Trung Quốc cũng cần được phân tích để thấy cơ hội hay thách thức mới, trực tiếp hay gián tiếp, từ hiệp định này.

Mỉa mai thay, trong bối cảnh đó có bộ lại lao vào những chuyện không đâu vào đâu như Bộ Y tế với các quy định thiếu căn cứ khoa học về chuyện tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng, vòng ngực… trong cấp phép lái xe. Theo dõi nhưng có biện pháp ứng phó chưa cũng là một yêu cầu cấp bách chưa được đáp ứng như quản lý giá xăng dầu, giá thuốc, xuất khẩu khoáng sản…

Thứ Tư, 15 tháng 10, 2008

Khong the lam suy yeu bao chi

Không thể làm suy yếu báo chí

Một trong những mục tiêu được xác định rõ của Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là công cụ để đạt được những mục tiêu khác. Để có một xã hội công bằng, chính quyền sẽ phải thiết kế các chính sách sao cho đem lại cơ hội công bằng cho mọi người. Nhưng người lãnh đạo chính quyền không thể bao quát hết toàn bộ bộ máy của mình để bảo đảm họ đang làm đúng các chính sách đó. Vì thế, báo chí, ở bất kỳ nước nào, bên cạnh nhiều chức năng khác, cũng được xem là “công cụ” giúp Nhà nước hiểu được chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình, công chức của mình đang làm tốt chức trách được giao hay không, người dân có thật sự hưởng lợi từ chính sách không, chính sách có thật sự được thiết kế tốt chưa…

Chỉ nói riêng góc cạnh gián tiếp giúp chính quyền giám sát bộ máy thừa hành, báo chí là phương tiện không thể thiếu vì báo chí là tai mắt và là miệng của người dân, rất cần cho nhà lãnh đạo muốn lắng nghe những diễn biến xã hội đang sôi động và biến chuyển từng ngày. Không ai làm yếu đi một công cụ quan trọng như thế. Và chính chức năng này buộc những viên chức làm sai phải nhìn trước ngó sau, buộc các quan tham chùn tay, buộc các cường hào bớt đi sự nhũng nhiễu.

Trong năm nay, làng báo Việt Nam gặp nhiều sự cố, như vụ xét xử hai nhà báo trong tuần này. Nhưng bản thân từng vụ việc, xét trên bình diện chung, không quan trọng bằng chuyện làng báo Việt Nam liệu có bị nhụt đi, không làm được chức năng nói trên. Và dĩ nhiên, khi làng báo thụt lùi, các con sâu trong bộ máy hành chính, kể cả các con sâu ở bên ngoài dựa vào thế lực của bộ máy hành chính, sẽ lấn tới. Chuyện hành hung, nhục mạ nhà báo, chuyện đòi can thiệp đăng hay không đăng tin này, tin kia của một số địa phương, ngành hay tổng công ty là hậu quả hiển nhiên.

Đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là lấy gì bảo đảm báo chí làm đúng chức năng của mình, từng nhà báo tự nguyện làm người quan sát vô tư cho xã hội hay chính họ cũng tham gia vào việc làm nhiễu quá trình giám sát của xã hội.

Thực tế cho thấy đây là mối quan tâm xác đáng, nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều biện pháp giải quyết rất hữu hiệu để phòng ngừa sự lạm dụng như thế. Đó là hệ thống pháp luật dân sự buộc người viết báo phải chịu trách nhiệm cho những thông tin mình đưa ra. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các báo để cuối cùng thông tin trung thực, khách quan nhất sẽ vượt thắng. Đó là sự giám sát giữa các báo với nhau bởi đạo đức nghề nghiệp, những biện pháp kiểm chứng nguồn tin...

Nhà báo cũng là công dân như bất kỳ người nào khác nhưng khi xét đoán hành vi của họ, cần tách bạch vai trò họ gánh vác khi hành nghề, là đại diện cho tai mắt miệng của người dân, là đại diện cho mong muốn giám sát bộ máy của lãnh đạo chính quyền. Nếu hành xử cách nào đó, để xã hội hiểu sai hay giới quan chức hư hỏng hiểu sai sẽ làm suy yếu làng báo, một điều nguy hại cho xã hội mà không ai muốn xảy ra. Lúc đó quá trình xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam sẽ bị thụt lùi khó lòng vực lại.

Nguyễn

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2008

Giai Nobel Kinh te 2008

Giải Nobel Kinh tế 2008: Quay về thế giới thật

Nguyễn Vạn Phú

Tin Paul Krugman, giáo sư kinh tế đại học Princeton nhưng được biết đến nhiều hơn trong vai trò là cây bút bình luận kinh tế sắc sảo của tờ New York Times, được chọn trao giải Nobel Kinh tế năm nay có lẽ vừa gây ngạc nhiên vừa là một chọn lựa hoàn toàn hợp lý. Ngạc nhiên là vì trước đó, trong hàng loạt nhân vật có khả năng đoạt giải năm nay, thấy không ai, hay đúng hơn là ít ai nhắc đến tên Krugman. Còn hợp lý chính là do bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Trước hết xin nhắc lại hai trường phái kinh tế đối chọi nhau: Trường phái Keynes, xuất hiện sau cuộc đại suy thoái vào thập niên 1930, cho rằng “không thể trông đợi vào thị trường tự do để cung cấp đầy đủ việc làm, từ đó tạo ra cơ sở mới cho sự can thiệp sâu rộng hơn của chính phủ vào nền kinh tế”*. Trước đó lý thuyết kinh tế học cổ điển cứ khăng khăng “tuyên bố rằng lời giải cho hầu hết các vấn đề là cứ để mặc mọi việc dưới các tác động của cung cầu”*. Ngược lại, trường phái trọng tiền mà người cổ xúy mạnh mẽ nhất là Milton Friedman chủ trương để mặc thị trường tự lo liệu, nhà nước càng ít can thiệp càng tốt.

Trong bài viết dài giới thiệu Milton Friedman (các câu trong ngoặc ở trên là được trích từ bài này), mặc dù Paul Krugman đánh giá rất cao những đóng góp của Friedman, ông đã thẳng thắn phê phán chủ nghĩa độc tôn thị trường tự do. Ông viết: “Rất khó khăn để tìm ra những trường hợp mà Friedman thừa nhận khả năng thị trường có thể sai lầm, hay sự can thiệp của chính phủ có thể phục vụ mục đích có ích”. Ngay ở bài này Krugman, một nhà kinh tế được cho là theo trường phái Tân-Keynes đã viết: “Các nước đang phát triển đua nhau mở cửa thị trường vốn, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể đặt họ vào tình trạng khủng hoảng tài chính; rồi khi khủng hoảng nổ ra, nhiều nhà quan sát đổ lỗi cho chính phủ của các nước này, chứ không phải cho sự thiếu ổn định của dòng vốn quốc tế.”

Câu kết của bài viết nói trên nhận định: “Khi Friedman bắt đầu sự nghiệp của mình như một trí thức công, thời gian đã chín muốn cho một cuộc cải cách ngược chống lại chủ nghĩa Keynes và tất cả những gì đi cùng nó. Nhưng, tôi cho rằng điều thế giới đang cần là một cuộc cải cách chống lại cuộc cải cách ngược ấy.” Có lẽ Krugman không ngờ điều ông viết đã diễn ra nhanh hơn – rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay đang trông chờ một lý thuyết kinh tế mới và có lẽ những người như Krugman đã và đang khởi xướng cho một công cuộc tìm kiếm như thế.

Trở lại với giải Nobel Kinh tế năm nay (trị giá 1,4 triệu đô-la), chính thức mà nói Paul Krugman được giải là do các công trình nghiên cứu về thương mại quốc tế và địa kinh tế. Trước ông, người ta thường lý giải vì sao nước này nhập khẩu hàng này và nhập khẩu hàng khác theo các lý thuyết đã định hình từ lâu như lý thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo nhưng thực tế cho thấy chúng bất lực trong nhiều trường hợp. Năm 1979, Paul Krugman đề xuất một mô hình mới giải thích tốt hơn các xu hướng thương mại và các công trình sau đó của ông ứng dụng mô hình này để giải thích các vấn đề liên quan đến địa kinh tế - hay nói đơn giản nhất – là để trả lời câu hỏi hàng hóa gì được sản xuất ở đâu.

Ví dụ dùng lý thuyết lợi thế so sánh, người ta không thể giải thích vì sao Thụy Điển vừa xuất khẩu xe hơi vừa nhập khẩu xe hơi. Với một bài dài chỉ 10 trang, Krugman khái quát hóa mô hình thương mại nội ngành với giả định quy mô sản xuất lớn sẽ làm giảm giá thành đơn vị hàng hóa được sản xuất. Ngày nay chúng ta không thấy lạ gì chuyện Việt Nam xuất khẩu máy in (của Cannon) và nhập khẩu máy in (của các hãng khác, như HP chẳng hạn) nhưng vào lúc đó, từ những manh nha ban đầu để xây dựng một lý thuyết chặt chẽ là một thành tựu đáng kể. Lý thuyết của Krugman còn dựa vào giả định rằng người tiêu dùng thích sự đa dạng, cho nên người Việt Nam cũng có thể nhập gạo Thái Lan hay cũng chuyện kem đánh răng mà có đến hàng chục nhãn hiệu là chuyện bình thường. Như vậy thương mại giữa hai nước không chỉ nhắm đến các sản phẩm khác nhau mà còn bao gồm các sản phẩm giống nhau về chức năng nữa. Sau này Krugman phát triển lý thuyết của ông thêm một bước nữa để bao quát mối quan hệ giữa quy mô kinh tế và chi phí vận tải tác động như thế nào đến quá trình tập trung hay phân tán các cộng đồng dân cư. Ông đã xuất bản 20 cuốn sách, hơn 200 công trình nghiên cứu. Năm 1991 ông được Hội Kinh tế Hoa Kỳ tặng huy chương John Bates Clark cho nhà kinh tế dưới 40 tuổi có đóng góp lớn cho kiến thức kinh tế.

Nhưng nói gì thì nói, nhắc đến Paul Krugman, nhiều người sẽ nhớ đến các bài bình luận ngắn gọn, dễ hiểu và sắc bén mà ông viết cho tờ New York Times từ năm 1999. Trong những bài gần đây, ông phê phán gay gắt chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ hiện thời cũng như những nỗ lực giải cứu thị trường đầy lúng túng ban đầu. Những bài viết này hoàn toàn không dùng các khái niệm kinh tế đao to búa lớn mà lại rất thời sự, đi sát bình luận, nhận định những diễn biến ngay trước đó nên rất hữu ích cho những ai muốn có cái nhìn tỉnh táo về tình hình kinh tế hiện nay. Có lẽ chúng ta sẽ còn nghe nhắc nhiều đến tên tuổi của Paul Krugman trong thời gian tới.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

Thuc va Ao

Thực và ảo

Nguyễn Vạn Phú

Thử hình dung hai thế giới, một bên là những công nhân kiên trì cho ra đời các sản phẩm như xe hơi, máy điện thoại di động, là thợ xây dựng nhẫn nại xây nhà, các cô đổ mồ hôi may quần áo – toàn là những sản phẩm cụ thể, có thể sờ mó được. Thế giới bên kia gồm những nhà buôn bán cũng đủ loại sản phẩm nhưng không có mặt mũi, được đặt những cái tên rất kêu nhưng rất xa lạ - những sản phẩm “phái sinh”! Xây nhà thì phải có tiền mới xây được, nên mới có chuyện vay tiền. Từ cái hợp đồng vay ấy, người ta cho sinh ra đủ loại giấy tờ, gán cho chúng một giá trị dựa trên cái nhà trong thế giới thật, chỉ có điều trong thế giới ảo, trị giá của các loại giấy tờ được bơm phồng nhiều lần, được mua qua bán lại như chong chóng, thậm chí được bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm ấy lại được mua bán tiếp. Nay cái thế giới ảo ấy đang gặp vấn đề - đầu tiên là ở Mỹ và có khả năng lan rộng ra các nước khác.

Nhiều người lập luận, sao không thể tách bạch hai thế giới ấy ra, sản phẩm vật chất đủ để nuôi sống nhân loại; còn chuyện tài chính, chứng khoán phức tạp, cứ để cho chúng tự xoay xở với nhau. Sự đời không đơn giản vì chính cái thế giới ảo đang cung ứng tiền cho thế giới thật hoạt động, nó vừa là chủ nợ vừa là khách hàng kích thích sản xuất kinh doanh. Một anh chàng làm ở một tập đoàn tài chính, giỏi “đánh bạc”, biết liều lĩnh nên thắng đậm trong một thương vụ mua bán chứng khoán cho công ty và được thưởng một khoản tiền hậu hĩnh. Anh này có tiền mới mua được xe, mua nhà, đổi điện thoại di động và sắm quần áo. Sản phẩm vật chất tăng lên, giá trị các chứng khoán dựa trên nó cũng được mua bán sôi động, tiền lại đổ vào các dự án mở rộng sản xuất… cứ thế hai thế giới đan chéo vào nhau, không dễ dàng gì tách bạch chúng ra.

Vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ hiện nay chắc chắn sẽ là tiền đề cho một cuộc cải tổ tận gốc rễ vai trò của hệ thống tài chính trong nền kinh tế, không thể để cho các nhà tài phiệt tiếp tục “đánh bạc” trên hoạt động của nền sản xuất kinh doanh một cách vô căn cứ như thời gian qua. Những điều chúng ta đọc được trên báo chí mấy tuần qua là sự rạn nứt (có nơi, có lúc là sự sụp đổ) của hệ thống ấy và những dấu hiệu ban đầu về một trật tự mới. Không còn loại ngân hàng đầu tư thuần túy, tức là chỉ hoạt động bên thế giới ảo; tạm thời không còn bán khống chứng khoán (ảo đến hai lần). Giữa năm nay chúng ta từng chứng kiến giá gạo thế giới tăng vọt chưa từng thấy, ấy là vì bên thế giới ảo thò tay qua định “đánh cược” nhau dựa trên giá gạo của thế giới thật. Bị phản đối kịch liệt, giới đầu cơ bên thế giới kia rụt tay lui và giá gạo trở về bình thường. Giá vàng, giá dầu hiện nay cũng vậy thôi.

Chưa thể nào hình dung quan hệ tài chính mới sẽ như thế nào nhưng có thể thấy nhiệm vụ điều hành nền kinh tế nước ta trong thời gian tới sẽ rất nặng nề. Không những chỉ phải hạn chế những tác động xấu của cuộc khủng hoảng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, Việt Nam còn phải lường trước mô hình quản lý hoạt động tài chính để có những ứng xử cho thích hợp.

Dễ thấy nhất là nên khuyến khích hết cỡ cho những hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính “thật” như một dự án sản xuất linh kiện cho một sản phẩm được phân phối toàn cầu và hạn chế triệt để các loại hình “dịch vụ” của thế giới ảo đang trải qua những biến động chưa ai lường hết hậu quả. Nhưng cũng như đã nói ở trên, hai thế giới này đang quyện chặt vào nhau nên thật khó tách bạch – một dự án địa ốc khổng lồ vừa được cấp phép biết đâu là sản phẩm nền cho những canh bạc của thế giới ảo tận đâu đâu. Biết đâu, canh bạc đã tàn nên giờ đây dự án sẽ chết theo, mãi mãi không triển khai được. Với lại, cái hấp lực của thế giới ảo nó lớn lắm, gặp hên, tiền đẻ ra tiền như trong truyện cổ tích; tiền bôi trơn cũng nhiều hơn và các con số cũng ấn tượng hơn. Cái thế giới thật còn bị nhiều vấn nạn như ô nhiễm môi trường, như đình công, như tắc nghẽn hạ tầng…

Dù sao các đợt sóng xô đẩy con tàu kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm là một loại tập dượt đem lại những trải nghiệm quý báu để chúng ta tìm con đường đúng đắn nhất trong thế giới nhiều biến động hiện nay.

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

Khung hoang tai chinh

Lòng tham là thủ phạm

Nguyễn Vạn Phú

Câu hỏi đầu tiên của nhiều người khi những chứng kiến biến động sâu sắc trên thị trường tài chính nước Mỹ trong suốt tuần qua là vì sao mọi việc diễn ra nhanh chóng đến thế.

Chực chờ ngoài ngõ

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ, xuất phát từ chuyện cho vay dưới chuẩn trên thị trường địa ốc diễn ra ngấm ngầm từ năm ngoái. Thế nhưng thủ phạm chính cho hàng loạt cuộc sụp đổ các đại công ty tài chính và ngân hàng đầu tư trong hai tuần qua là giới đầu cơ với công cụ mua bán khống. Một khi giới này tin chắc cổ phiếu của những tập đoàn dính líu đến cho vay dưới chuẩn sẽ sụt giảm, họ ồ ạt vay những cổ phiếu này rồi ồ ạt bán ra, tạo nên một áp lực giảm giá lớn không gì cứu vãn nổi. Sau khi giá giảm đến một mức nào đó, họ sẽ mua và trả lại nơi cho vay cộng thêm một ít phí, còn bao nhiêu tiền chênh lệch họ sẽ hưởng trọn. Thời gian qua, họ còn áp dụng cách thức mua bán khống đến hai lần (naked short sale), tức là thậm chí không thèm vay chứng khoán nữa mà cứ ra lệnh bán theo kiểu “đánh xuống” vì lợi dụng khe hở, mua bán ba ngày sau mới giao cổ phiếu. Bộ trưởng Tư pháp bang New York, Andrew Cuomo than: “Họ giống như kẻ hôi của sau một cơn bão”. Ngay cả ứng cử viên tổng thống John McCain cũng cho rằng Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã duy trì các quy định cho phép những kẻ đầu cơ biến thị trường chứng khoán thành canh bạc lớn và tuyên bố: “Nếu tôi là tổng thống, tôi đã sa thải ngay [Christopher Cox, chủ tịch SEC]”.

Trước nay quan niệm của giới quản lý thị trường chứng khoán cho rằng bán khống là một phần tất yếu của hoạt động giao dịch, nhờ nó mà giá chứng khoán không bị đẩy lên cao một cách giả tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều tập đoàn rõ ràng phải chờ đến bàn tay cứu vớt của chính phủ Mỹ, xu hướng giảm giá cổ phiếu của họ là quá rõ, giới đầu cơ không thể nào bỏ qua cơ hội “đánh hôi” kiếm lời. Ví dụ, cổ phiếu của Morgan Stanley trong ngày thứ Tư (17-9) giảm đến 24% và tổng giám đốc John Mack cáo buộc giới bán khống chịu trách nhiệm phần lớn cho sự sụt giá nhanh chóng này bởi mới ngày hôm trước Morgan Stanley công bố tình hình tài chính với kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.

Đến gần cuối tuần trước, SEC phải theo chân Anh và một số nước khác, tạm thời cấm bán khống đối với 799 loại chứng khoán. Các quỹ hưu trí, nơi thường giữ cổ phiếu lâu dài và là nơi cho vay để giới đầu cơ bán khống tuyên bố sẽ hạn chế cho vay theo kiểu cũ. Lệnh cấm này mở đường cho những cải cách sâu rộng mà giới quản lý thị trường tài chính các nước sẽ phải tiến hành trong thời gian tới nếu không muốn tình trạng khủng hoảng tái diễn.

Thủ phạm trong nhà

Thế nhưng để cho giới đầu cơ có cơ hội ngàn vàng như thế, lỗi chính là ở các tập đoàn tài chính quá tham lam và vô trách nhiệm. Đây là kết luận của hầu hết các nhà phân tích khi nhìn lại nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay. TBKTSG đã có khá nhiều bài viết về chuyện “chứng khoán hóa” các khoản vay dưới chuẩn để mua đi bán lại kiếm lời. Cho đến tuần trước các con số cụ thể lần lượt được tiết lộ. Ví dụ, từ năm 2004 đến 2007, bảng cân đối kế toán của Lehman Brothers tăng thêm 300 tỷ đô-la nhờ mua chứng khoán có nguồn gốc là các khoản vay địa ốc trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ tăng 6 tỷ đô-la. Cái gọi là đòn bẩy tài chính được tận dụng khi chứng khoán mua vào được sử dụng làm vật thế chấp để vay mua chứng khoán khác, cứ thế một đồng đô-la tài sản thật sẽ được biến hóa thành hàng trăm đồng đô-la tài sản ảo chỉ hiện diện trên sổ sách. Chừng nào lãi suất còn ở mức thấp thì Lehman Brothers vẫn còn báo lãi nhưng một khi lãi tiền vay cao hơn chênh lệch mua bán thì họ bắt đầu chuỗi ngày dài lỗ nặng. Trong trường hợp của Lehman, giá trị tài sản gấp 31 lần vốn chủ sở hữu cho nên nếu giá trị tài sản chỉ cần giảm 3% thì toàn bộ vốn chủ sở hữu sẽ mất tiêu!

Các tập đoàn tài chính này có biết rủi ro rất dễ thấy này không? Đương nhiên là biết nhưng chính vì những khoản tiền thưởng hậu hĩ cho những ai mua bán, giao dịch nhiều càng làm các giới quản lý bất chấp trách nhiệm, liều lĩnh lao vào vòng xoáy mua bán chứng khoán. Dù sao, họ vững tin, nếu có chuyện gì, chính phủ sẽ phải cứu để toàn bộ thị trường khỏi sụp đổ và quan trọng hơn hết, nếu phá sản, chỉ có giới đầu tư chịu còn họ đã yên tâm với khoản lương thưởng hàng trăm triệu đô-la hàng năm. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz cho rằng nếu lột bỏ hết mọi từ ngữ rất kêu về các công cụ tài chính mới, cuộc khủng hoảng hiện nay cũng chỉ là một dạng lạm dụng quá đáng “đòn bẩy tài chính” và âm mưu lừa đảo theo kiểu dùng tiền của người sau trả cho người trước. Ông cũng nhận định FED đã thất bại ở cả hai mặt: áp dụng lãi suất thấp trong thời gian dài để mọi người thỏa sức vay mượn và quản lý lỏng lẻo dẫn tới bong bóng địa ốc, là nguồn cơn của khủng hoảng hiện nay.

Đi tìm mô hình tài chính mới?

Cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang diễn ra nên chưa ai bàn gì sâu về một mô hình tài chính tương lai nhưng tất cả mọi nhận định đều cho rằng sẽ có những thay đổi tận gốc rễ. Đầu tiên, giới đầu tư châu Á sẽ phải cân nhắc lại chiến lược đổ tiền vào thị trường Mỹ mua chứng khoán tính bằng tiền đô-la. Đã nhiều năm nay, tiền để dành của dân châu Á đổ vào Mỹ ở nhiều dạng, từ trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để cổ phiếu đủ loại. Khoản tiền này là dầu bôi trơn vận hành bộ máy tài chính tinh vi và phức tạp của Mỹ. Nay với sự tàn phá nặng nề của cơn bão tài chính hai tuần qua, chắc chắn trong tương lai gần, giới đầu tư châu Á và các châu khác sẽ phải tính toán lại chiến lược. Đây là điểm gây lo lắng cho nhiều nhà phân tích vì, một khi xu hướng này diễn ra, khủng hoảng tài chính ở Mỹ sẽ kéo dài, khó tìm lối thoát dài hạn. Thật ra xu hướng này đã bắt đầu – số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố đầu tuần trước cho thấy, tính chênh lệch ròng thì nhà đầu tư rút 92,9 tỷ đô-la khỏi thị trường Mỹ vào tháng 7-2008 dù tháng trước đó, chênh lệch vẫn nghiêng theo hướng đổ vào, vẫn còn dương lên đến 46,8 tỷ đô-la. Ngân hàng trung ương các nước châu Á vẫn còn mua trái phiếu chính phủ Mỹ nhưng với mức ngày càng thấp dần – chỉ còn 18,2 tỷ đô-la vào tháng 7 trong khi mức bình quân sáu tháng đầu năm nay là 22,3 tỷ mỗi tháng.

Cái quan trọng là tính minh bạch, được các tập đoàn tài chính toàn cầu nhấn mạnh như một trong những điểm then chốt để thu hút đầu tư, lại không được chính họ coi trọng trong thời gian qua. Không ai biết đích xác tài sản nằm trong bản cân đối kế toán của một tập đoàn có nguồn gốc từ đâu vì chúng đã được sang tay, mua bán qua lại rất nhiều lần. Vì thế, sau cơn bão, dọn dẹp đống đổ nát đòi hỏi những tập đoàn còn trụ lại phải minh bạch hóa mọi khoản đầu tư mới mong chiếm lại phần nào lòng tin của giới đầu tư. Lấy ví dụ, trong thời kỳ bùng nổ thế chấp bất động sản, Merrill Lynch nhận hàng tỷ đô-la nghĩa vụ nợ với hồ sơ rất mơ hồ. Để giảm thiểu rủi ro, Merrill Lynch mua bảo hiểm ở AIG dưới dạng “trao đổi vỡ nợ tín dụng”, chỉ tính riêng ở hãng bảo hiểm này đã lên tới 5 tỷ đô-la. Tổng cộng AIG bảo hiểm đến 441 tỷ đô-la loại này, trong đó 58 tỷ liên quan đến tín dụng dưới chuẩn địa ốc. Chưa biết AIG bán lại loại bảo hiểm này cho ai nhưng chắc chắn nhiều ngân hàng châu Âu có dính vào.

Điều chắc chắn nữa là chính phủ nhiệm kỳ tới của Mỹ sẽ đảo ngược quá trình “nới lỏng quản lý” (deregulation) đối với hoạt động trên thị trường tài chính – chứng khoán và sẽ áp dụng nhiều quy định mới. Cấm bán khống là một minh họa diễn ra sớm nhất và những biện pháp can thiệp của chính phủ Mỹ chính là quá trình siết chặt quản lý chứ không để thị trường “tự quyết định” như trước. Ứng cử viên tổng thống Barack Obama, người từng chủ trương đẩy mạnh quản lý, càng có dịp thúc đẩy nhanh quá trình này còn John McCain, trước còn cổ súy cho việc nới lỏng quản lý để thúc đẩy tăng trưởng, nay phải quay ngoắc 180 độ để hứa hẹn: “Dưới những cải cách của tôi, người dân Mỹ sẽ được bảo vệ bởi các quy định quản lý toàn diện”.

Trước đây, cựu chủ tịch FED, Alan Greenspan chủ trương các định chế tài chính sẽ quản lý lẫn nhau, có nghĩa các tập đoàn tài chính, vì lợi ích của chính họ, sẽ canh chừng đối thủ để thổi còi nếu làm sai. Thế nhưng một khi tất cả đều làm sai thì ai đứng ra canh chừng họ?

Những cộc mốc chính
2004-2006: Lãi suất ở Mỹ tăng từ 1% lên 5,35%, thị trường địa ốc Mỹ bắt đầu xuống giá. Các khoản vay địa ốc dưới chuẩn không trả được tăng vọt đến mức báo động.
2007: Các ngân hàng lớn lần lượt báo cáo lỗ do dính vào các khoản vay loại này.
17-3-2008: Bear Stearns ngân hàng lớn thứ năm ở Wall Street, mới năm ngoái có giá khoảng 18 tỷ đô-la phải bán mình cho JP Morgan Chase với giá 2 đô-la/cổ phiếu so với giá 172 đô-la/cổ phiếu đầu năm 2007. Fed (New York) đứng đằng sau cho vay 29 tỷ đô-la để bảo lãnh các khoản nợ khó đòi.
11-7-2008: Ngân hàng IndyMac bị đặt dưới quyền kiểm soát của Fed và sau đó tuyên bố phá sản.
6-9-2008: Fed nắm quyền kiểm soát Fannie Mae và Freddie Mac, hai tập đoàn bảo lãnh tín dụng địa ốc lớn nhất Mỹ.
14-9-2008: Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers tuyên bố phá sản.
15-9-2008: Merrill Lynch, lo sợ số phận tương tự Lehman Brothers, phải bán mình cho Bank of America với giá 50 tỷ đô-la.
16-9-2008: Fed đồng ý cho AIG vay 85 tỷ đô-la đổi lại quyền nắm giữ 80% cổ phiếu của hãng bảo hiểm này.
18-9-2008: Fed và ngân hàng trung ương các nước khác bơm 180 tỷ đô-la để tháo băng tín dụng ngân hàng.
19-9-2008: Chính phủ Mỹ tuyên bố một kế hoạch tổng thể để cứu hệ thống tài chính, gồm một chương trình mua lại các khoản vay thế chấp xấu với chi phí ước tính lên đến 700 tỷ đô-la.

Cập nhật
Canh bạc sau cùng

Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của chính phủ Mỹ là một canh bạc khổng lồ với những khoản đặt cược to lớn – là sự sống còn của không chỉ nhiều tập đoàn tài chính mà còn của cả nền kinh tế Mỹ và, cách nào đó, là nền kinh tế toàn cầu.

Chấm dứt những ngày chọn lựa, cân nhắc cứu tập đoàn này bằng những khoản tiền khổng lồ, bỏ mặt tập đoàn khác cho phá sản, cuối tuần trước chính phủ Mỹ đã vạch ra một kế hoạch toàn diện hơn nhằm ngăn chận cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng. Bản kế hoạch chỉ vỏn vẹn ba trang giấy nhưng có trị giá đến 700 tỷ USD yêu cầu trao cho Bộ Tài chính Mỹ, phối hợp với Cục Dự trữ Liên bang toàn quyền xử lý mua lại những món tài sản xấu của các ngân hàng và tập đoàn tài chính nhằm làm lành mạnh hóa sổ sách của chúng và từ đó hy vọng đem lại niềm tin vào thị trường tài chính.

Ngay lập tức, hàng loạt câu hỏi được đặt ra – những câu hỏi rất hữu ích cho các cuộc “giải cứu chứng khoán” tương tự. Đối tượng được giải cứu đã được xác định đúng chưa vì bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay là những món vay dưới chuẩn mua nhà trả góp, nếu không giúp người mua nhà trả được nợ thì chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Nhiều nhà phân tích cho rằng giải cứu như thế chỉ có lợi cho những nhà tài phiệt – thủ phạm chính gây ra khủng hoảng – nên sẽ làm cho họ lờn mặt, sẽ cứ tiếp tục kinh doanh liều lĩnh như trước vì yên trí sẽ có chính phủ ra tay cứu giúp.

Câu hỏi quan trọng tiếp theo là mua với giá nào? Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ mua với “giá thị trường” nhưng với những biến động giá chứng khoán trong hai tuần qua, không ai biết giá thị trường là giá nào nữa. Chỉ cần nghe đến kế hoạch giải cứu, giá chứng khoán của các ngân hàng và tập đoàn tài chính, sau khi tụt giảm thê thảm, đã tăng vọt trở lại, có lẽ vì yếu tố chờ “giá thị trường” này. Nếu mua với giá quá cao thì sẽ là gánh nặng cho người dân đóng thuế của Mỹ nhưng mua giá quá thấp thì kế hoạch sẽ không có tác dụng ngăn chận khủng hoảng lan rộng.

Với các nhà kinh tế, câu hỏi họ thắc mắc là mua tài sản loại gì. Kế hoạch dùng từ chung chung là “tài sản liên quan đến vay thế chấp” nhưng từ một khoản vay thế chấp mua nhà bình thường, người ta đã biến báo ra đủ loại sản phẩm “phái sinh” sau khi “chứng khoán hóa” chúng. Chẳng hạn, AIG gần sụp đổ là vì họ bán bảo hiểm cho các ngân hàng đầu tư phòng ngừa trường hợp vỡ nợ. Nay các loại hợp đồng bảo hiểm này, bản thân chúng cũng được mua qua bán lại như một tài sản, có được đưa vào diện “giải cứu” chăng? Các tài sản của các quỹ đầu cơ chắc chắn không được chính phủ Mỹ mua rồi nhưng giả thử họ bán các loại tài sản này cho các ngân hàng đầu tư thì sao?

Mặc dù bản kế hoạch không nói nhưng trong những giải thích sau đó, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson cho biết sẽ mua tài sản của cả các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Mỹ có liên quan đến nợ xấu địa ốc. Thế thì các ngân hàng hay tập đoàn tài chính ở nước ngoài thì sao? Trước đó đã có hàng loạt ngân hàng sụp đổ vì dính líu đến các khoản vay này.

Chính vì những câu hỏi này mà ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Obama đã phê phán kế hoạch của chính phủ Mỹ chỉ là “một khái niệm với bảng giá quá cao, chứ không phải là một kế hoạch”. Theo ông, kế hoạch cuối cùng phải bao gồm những ràng buộc bắt các tập đoàn được nó hỗ trợ chia sẻ một phần chi phí, giúp người mua nhà trả góp khỏi bị tịch biên tài sản và phải phối hợp với chính phủ các nước khác. Thông thường một khi chính phủ can thiệp, con đường phải đi là chiếm quyền kiểm soát tập đoàn nào gần phá sản, tuyên bố bảo đảm trả hết nợ, cơ cấu lại tài sản rồi bán nó cho thị trường. Nợ xấu thường được chuyển cho một công ty xử lý nợ quốc gia khoanh lại. Vì thế, người ta nhận xét, kế hoạch của chính phủ Mỹ có mục đích tạo dựng lại niềm tin thị trường hơn là giải quyết gốc rễ vấn đề.

Nhìn xa hơn, kế hoạch giải cứu sẽ tạo ra những tác động khó lường hết được. Ví dụ, chắc chắn thâm hụt ngân sách của Mỹ sẽ gia tăng mạnh do chi phí thực hiện kế hoạch, vậy, lạm phát sẽ như thế nào, thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ ra sao, tương lai đồng đô-la mạnh yếu như thế nào – chưa ai rõ.

Tuy nhiên, hầu như mọi nhà phân tích, dù đặt ra hàng loạt nghi vấn như thế, vẫn cho rằng chính phủ Mỹ không còn lựa chọn nào khác. Nếu không mạnh tay “giải cứu” thị trường, hàng loạt vụ sụp đổ khác sẽ khiến nền kinh tế lao vào vòng xoáy phá sản. Tuần trước, các ngân hàng không còn thiết tha gì việc cho vay, họ bám chặt vào các loại tài sản tương đương tiền mặt để phòng thân, làm nền kinh tế đi vào chỗ tắt nghẽn. Con số 700 tỷ USD không phải là mất hẳn – sau khi mua lại, kinh tế ổn định, chính phủ Mỹ sẽ lại bán ra, biết đâu thậm chí còn lãi một khoản đáng kể nữa. Có lẽ phát biểu của Tổng thống Bush tóm gọn được tình hình: “Nguy cơ không làm gì cả cao hơn nhiều rủi ro của kế hoạch này”.

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2008

Khong the chu quan

Kinh tế 6 tháng đầu năm

Không thể chủ quan

Nguyễn Vạn Phú

Nền kinh tế Việt Nam bước vào năm 2008 với những triệu chứng lâm trọng bệnh. Nhờ những biện pháp tích cực, các triệu chứng này đã được đẩy lùi trong ngắn hạn nhưng về dài hạn các nguyên nhân gây bệnh phải được giải quyết rốt ráo mới mong trị hẳn căn bệnh hiện nay.

Điều chỉnh chính sách

Từ thời điểm tháng 7-2008 này nhìn lại 6 tháng qua, có thể thấy một trong những đặc điểm của việc điều hành kinh tế vĩ mô là sự điều chỉnh chính sách – một sự điều chỉnh cần thiết và diễn ra khá nhanh ở lãnh đạo Chính phủ nhưng lại dùng dằng, không nhất quán ở cấp bộ, ngành và địa phương.

Cho đến gần hết quý 1-2008, quan điểm chỉ đạo điều hành kinh tế vẫn là nỗ lực chống lạm phát nhưng không hy sinh mục tiêu tăng trưởng; song song với các giải pháp thắt chặt tiền tệ, chi tiêu công lại khẳng định ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục cho vay chứng khoán, bất động sản. Lúc đó, vẫn còn ý định “cứu chứng khoán” bằng các biện pháp hành chính như chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước mua cổ phiếu… Bước sang quý 2-2008, tình hình lạm phát, nhập siêu cao đã buộc Chính phủ điều chỉnh chính sách, đặt lại ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát với những biện pháp đúng theo bài bản chống lạm phát kinh điển như thắt chặt đầu tư công để giảm cung tiền, áp dụng cơ chế lãi suất thực dương, giảm nhập siêu, giảm mức tăng GDP…

Đáng tiếc là trong suốt những tháng đầu năm nay, nhiều bộ, ngành vẫn còn sự lúng túng đã để trôi qua nhiều cơ hội, nhất là cơ hội về mặt thời gian. Có lẽ chúng ta vẫn còn nhớ mức trần lãi suất 12% mà Hiệp hội ngân hàng ấn định với sự đồng tình của Ngân hàng Nhà nước kéo dài trong nhiều tháng. Lẽ ra nếu Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn và thực thi sớm hơn việc dùng lãi suất cơ bản làm công cụ để tác động lên thị trường tiền tệ, việc ổn định hệ thống ngân hàng có lẽ đã diễn ra nhanh hơn. Nay nhìn lại mới thấy đề xuất của Ngân hàng Nhà nước với Quốc hội đòi nâng tỷ lệ tính mức cho vay nặng lãi trong Bộ Luật Dân sự thay vì tự mình điều chỉnh lãi suất cơ bản là một đề xuất lúng túng đến mức nào. Ngân hàng Nhà nước cũng đã bỏ qua cơ hội điều chỉnh tỷ giá linh hoạt khi đô-la Mỹ mất giá trên thị trường Việt Nam và lại lúng túng một thời gian dài (mãi cho đến tuần trước) khi xuất hiện chênh lệch tỷ giá quá lớn giữa thị trường chính thức và thị trường tự do.

Sự biến chuyển ở lãnh đạo Chính phủ trong việc xác định ưu tiên chính sách vẫn chưa thể hiện ở cấp thấp hơn, việc xác định các dự án đầu tư công cần cắt giảm, hoãn vẫn chưa xong, các địa phương vẫn còn tìm cách nâng mức đầu tư này lên nữa để đạt con số tăng trưởng GDP mang tính thành tích. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước vẫn chưa có động thái gì giải quyết việc đầu tư dàn trải, ra khỏi ngành nghề chính (trừ Vinashin với một tỷ lệ cắt giảm ít ỏi).

Nhìn một cách tổng quát, ba triệu chứng nổi bật của kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm nay là lạm phát cao, nhập siêu tăng, tỷ giá không ổn định đã phần nào được giải quyết nhờ một loạt các giải pháp cụ thể thực hiện 8 biện pháp mà Chính phủ đã đưa ra trước đó (xem các biểu đồ số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm). Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đã xuất hiện một tâm lý cho rằng khó khăn của nền kinh tế Việt Nam chỉ mang tính ngắn hạn, giải quyết được triệu chứng, nền kinh tế sẽ tiếp tục đi lên như năm ngoái. Các thông tin mang tính lạc quan cũng dễ làm mọi người chủ quan, không muốn tiếp tục các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do chúng đang gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách… Những biểu hiện này sẽ làm cuộc chiến chống lạm phát gay go hơn trong những tháng cuối năm.

Vượt qua khó khăn trong trung hạn

GS. David Dapice, một trong những tác giả chính của báo cáo nghiên cứu “Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam” trở lại thăm Việt Nam vào giữa tháng 6-2008. Trong một dịp tiếp xúc với TBKTSG, ông nhận xét: Vấn đề chính của Việt Nam là đã quá thành công! Ý ông cho rằng khó khăn kinh tế hiện nay xuất phát từ việc năm ngoái Việt Nam thu hút quá nhiều vốn từ bên ngoài trong khi tỷ giá vẫn được duy trì ở mức ổn định trong thời gian dài. Tiền đổ vào nhiều đã tạo ra những mức tăng kỷ lục, cả về tốc độ tăng trưởng tín dụng, nhập khẩu, lạm phát, giá cả trên thị trường chứng khoán và địa ốc.

Nay với những giải pháp đã đề ra, không chỉ riêng GS Dapice mà nhiều ý kiến khác của các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để giải quyết khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là những liều thuốc này sẽ có những tác dụng phụ, bắt đầu thể hiện và sẽ thể hiện mạnh trong trung hạn. Đó là nền kinh tế sẽ thiếu vốn, vốn ngày càng đắt vì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó, nhiều doanh nghiệp khác sẽ phải giảm quy mô sản xuất nên chẳng lạ gì cựu Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Alan Greenspan nhận định khi gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng Việt Nam cần phải chấp nhận mức giảm tăng trưởng nhiều hơn nữa.

Một khó khăn khác trong trung hạn là tình hình kinh tế thế giới vẫn biến động theo chiều hướng xấu. Giá dầu thô vẫn tăng, vượt hết mốc kỷ lục này đến mốc kỷ lục khác. Tình hình này sẽ tạo ra áp lực lạm phát ngoại nhập mạnh hơn 6 tháng đầu năm, làm xuất khẩu khó tăng như mong muốn và không hỗ trợ nổi thị trường chứng khoán trong nước, ít nhất là về mặt tâm lý.

Việc cắt giảm đầu tư công hay việc các tổng công ty, tập đoàn nhà nước sẽ phải đình hoãn các dự án đầu tư theo lệnh của Chính phủ, dù là biện pháp đúng, phải tiến hành mạnh mẽ, nhưng cũng sẽ gây khó khăn cho công ăn việc làm địa phương, cho các doanh nghiệp đối tác liên quan.

Cái khó nhất là các giải pháp hiện nay đều mang tính đánh đổi và tạo tâm lý khác nhau ở các nhóm dân cư khác nhau. Lấy ví dụ chuyện tỷ giá: ổn định tỷ giá là điều cần thiết nhưng vấn đề là ở mức nào. Nếu quá thấp, người ta sẽ tiếp tục nhập hàng về bán, kể cả hàng xa xỉ, làm nhập siêu tiếp tục gia tăng và giảm lượng dự trữ ngoại tệ; nếu quá cao, dù có tác dụng kích thích xuất khẩu nhưng sẽ tạo áp lực lên lạm phát, gây tâm lý đồng tiền mất giá. Hay chuyện lãi suất: lãi suất ắt phải còn tăng thêm để chống lạm phát, hút tiền vào ngân hàng nhưng đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp khi vay vốn. Tình hình đó đòi hỏi Chính phủ phải linh hoạt trong chính sách nhưng đồng thời phải thông tin kịp thời, công khai cho người dân và doanh nghiệp biết định hướng để ổn định tâm lý và điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Đồng thời nó đòi hỏi sự nhất quán trong chính sách vì chắc chắn sẽ có những tiếng nói yêu cầu bơm thêm tiền vào lưu thông để giúp nền kinh tế vận hành với tốc độ như cũ, giảm dự trữ bắt buộc để giảm khó khăn cho ngân hàng… Hiện vẫn còn tâm lý “nghiện” đồng tiền dễ, một hiện tượng phổ biến trong năm 2007.

Chiến lược dài hạn

Có lẽ không phải là quá sớm khi nêu yêu cầu cần có một chiến lược dài hạn cấu trúc lại cơ cấu nền kinh tế để Việt Nam tránh được những khó khăn phải đương đầu trong năm nay. Lấy ví dụ chuyện nhập siêu, nếu vẫn chủ trương sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu thì khó lòng giảm nhập siêu bởi những nghiên cứu gần đây cho thấy các lĩnh vực công nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu đã duy trì được mức tăng trưởng cao sau khi Việt Nam vào WTO trong khi các lĩnh vực thay thế nhập khẩu lại có mức tăng trưởng thấp (xem thêm bài “…..” của Phạm Chi Lan, trang….).

Một điểm mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đồng tình là phải xem xét lại hiệu quả của các dự án đầu tư công mà chúng ta từng có nhiều bài học thất bại. GS Dapice nêu dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc mà Việt Nam đang nghiên cứu thực hiện như một dẫn chứng về sự lãng phí, thiếu hiệu quả. Chưa kể hiệu quả của một tuyến đường sắt như thế, chỉ riêng chi phí lên đến 30-35 triệu đô-la cho mỗi cây số đường sắt cao tốc cũng đã quá lãng phí so với mức chi phí 3 triệu đô-la mỗi cây số mà các nước đang xây dựng. Ông cho rằng nếu không thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ chi tiêu công thì nền kinh tế sẽ đi đến chỗ tín dụng bị thu hẹp, khu vực kinh tế tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn vì không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Thời gian sắp tới Việt Nam cần tiếp tục cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, không để chúng trở thành những “con voi trắng” nặng nề tạo sức ỳ cho cả nền kinh tế. Cũng may là khó khăn kinh tế hiện nay đã kịp thời ngăn lại một xu hướng nhà nước đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài, hoặc trực tiếp hoặc thông qua con đường phát hành trái phiếu quốc tế. Những món nợ như thế chính là ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Cuối cùng, một bài học chúng ta có thể rút ra sau 6 tháng đầu năm 2008 là vấn đề minh bạch trong thông tin. Đây vừa là bài học trước mắt mà tác dụng đã được minh chứng trong tháng 6-2008 vừa phải là một cơ chế được xây dựng dài hạn và bài bản vì một khi thông tin được cung cấp đầy đủ, thị trường sẽ không còn phải dựa vào những thông tin mang tính đồn đoán, phân tích dựa vào dữ liệu thiếu thốn hay do những người không nắm rõ tình hình trong nước đưa ra.

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2008

Di tim buc tranh tong the

Đi tìm bức tranh tổng thể

Nguyễn Vạn Phú

Với người dân bình thường, câu hỏi đặt ra là họ không “chơi” chứng khoán, không đầu cơ địa ốc, không nhập ô-tô đắt tiền, tại sao họ phải gánh chịu khó khăn hiện nay của nền kinh tế do lòng tham của người khác gây ra? Khi các phân tích kinh tế của các tổ chức tài chính nước ngoài cũng đều nhận định tình hình trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, là thân chủ của họ, liệu có ai phân tích triển vọng kinh tế vì lợi ích chung của đất nước, của những người dân bình thường, trong tay không có đồng đô-la hay tờ cổ phiếu nào?

Có lẽ khi đặt vấn đề như thế, chúng ta sẽ dễ tiếp nhận các thông tin trái chiều hiện đang tạo ra những hiệu ứng tâm lý khác nhau. Trong khi nội dung chính của các báo cáo từ nước ngoài tập trung vào chuyện tài chính, điều chúng ta cần hiện nay là một bức tranh tổng thể của nền kinh tế, dựa vào các yếu tố căn bản hơn. Điều đáng nói là phân tích của các chuyên gia nước ngoài, cả ở các định chế quốc tế và các hãng tư vấn đầu tư đã có sự đảo chiều, chừng mực hơn, sâu hơn vì dựa vào nhiều thông tin hơn trong tuần trước so với thời gian trước đó.

Về nhập siêu, sau khi đạt mức kỷ lục 14,4 tỷ đô-la sau năm tháng đầu năm 2008, tình trạng nhập siêu đang ở xu hướng giảm do nhiều yếu tố khác nhau. Với ảo tưởng giàu có nhờ cổ phiếu lên giá mạnh trong năm ngoái, nhiều người đã chi tiêu mạnh tay thể hiện qua các con số nhập khẩu xe hơi, hàng tiêu dùng đắt tiền… Nay ảo tưởng đã biến mất, tiền bạc khan hiếm, chắc chắn người ta sẽ không còn ồn ạt nhập hàng như những tháng đầu năm. Thị trường địa ốc trầm lắng cũng sẽ giảm cầu vật liệu xây dựng. Đã có những tin tức rải rác cho thấy điều đó như ô-tô nhập về không bán được, thép nhập về nay lại chuẩn bị xuất ngược trở lại. Ngay cả số lượng ô tô lắp ráp trong nước bán trong tháng Năm giảm gần 1.800 chiếc so với tháng trước, sẽ làm giảm linh kiện nhập khẩu. Với tỷ giá đang biến động theo hướng đô-la Mỹ lên giá so với tiền đồng, nhà nhập khẩu sẽ khó mua đô-la hơn và hàng nhập sẽ đắt hơn nên xu hướng chung là nhập khẩu sẽ giảm.

Vấn đề ở chỗ làm sao để khuyến khích mạnh hơn nữa xuất khẩu để giảm nhập siêu khi nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng đang phụ thuộc đầu vào là nguyên liệu nhập khẩu. Sự linh hoạt trong tỷ giá chính là cách giúp nâng tính cạnh tranh của hàng Việt Nam ở nước ngoài – một sự linh hoạt định giá tiền đồng dựa vào cả rổ tiền các ngoại tệ là bạn hàng của Việt Nam chứ không chỉ đồng đô-la Mỹ. Chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính công nếu thực thi nghiêm chỉnh và kiên quyết cũng sẽ giúp giảm áp lực nhập siêu trong những tháng cuối năm. Thực tế, nhập siêu đang giảm: tháng 3 là 3,3 tỷ đô-la, tháng 4 còn 2,8 tỷ đô-la và tháng 5-2008 giảm tiếp còn 2,6 tỷ đô-la. Mức giảm này cần phải đẩy mạnh hơn nữa để tạo ra tác động tích cực lên các chỉ tiêu khác, nhất là lên cân đối cán cân thanh toán.

Về lạm phát, thật khó lòng cho Việt Nam khi đưa ra các biện pháp kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá xăng dầu và giá lương thực tăng cao ở khắp thế giới, cũng tạo ra nỗi lo lạm phát cho nhiều nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, như nhiều người đã từng nói trước đây, lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều do chính sách tiền tệ nới lỏng trong những năm trước. Nay khi tín dụng bị thắt chặt, cung tiền tăng không đáng kể thì lạm phát sẽ có xu hướng dịu xuống trong những tháng tới khi chính sách này bắt đầu có tác dụng. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy cung tiền đã giảm 10% so với cùng kỳ, phù hợp với mức tăng nhập khẩu đang chậm lại tương ứng. Theo báo cáo “Taking Stock” của WB tại hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ, nếu loại trừ yếu tố lương thực, tốc độ tăng giá đang giảm dần từ tháng Ba.

Điều cần lưu ý là kỳ vọng về lạm phát của người dân đóng vai trò quan trọng quyết định xu hướng giá cả. Vì thế, phải gắn chính sách lãi suất với việc kiềm chế lạm phát – lãi suất phải được nâng mức thực dương lên để người dân yên tâm gởi tiền vào ngân hàng, từ đó chính sách tiền tệ mới có tác dụng nhanh.
Về các chỉ số khác, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, dường như Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội giá lương thực, thực phẩm trên thế giới đang tăng cao nên người nông dân chưa hưởng lợi bao nhiêu, lại đang chịu khó khăn do doanh nghiệp không có vốn mua hàng của họ để xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng của năm ngoái (16,4% cho năm tháng đầu năm) trừ ngành xây dựng.

Điểm đáng lưu ý là WB trong tài liệu nói trên nhấn mạnh cho dù Việt Nam cố tình giảm tốc độ tăng trưởng GDP năm nay còn 7%, với quán tính tăng trưởng mạnh đến 8,4% trong năm ngoái, GDP năm 2008 vẫn sẽ tăng cao hơn con số Việt Nam mong muốn. “Cho dù tốc độ phát triển ngành xây dựng giảm còn 0% trong những tháng còn lại trong năm và các ngành khác duy trì tốc độ tăng của quý 1, tăng trưởng GDP sẽ vào khoảng 7,5% trong năm 2008” – báo cáo viết. Nhấn mạnh điều này là để nói cho dù cuộc chiến kiềm chế lạm phát phải trả giá, về ngắn hạn, cái giá cũng không đến nỗi quá cao và Chính phủ cần phải cương quyết nói không với áp lực duy trì tăng trưởng từ các ngành và nhất là các địa phương.

Vì tâm lý đang đóng vai trò quan trọng trong ổn định thị trường, chúng ta cũng nên điểm lại một số yếu tố tài chính, tiền tệ để có cái nhìn khách quan đến mức có thể được.

Về cán cân thanh toán, theo thông tin từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi nói chuyện với ông David Fernandez, kinh tế trưởng JP Morgan Chase, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là 20 tỷ đô-la tính đến năm 2007, cộng thêm gần 1 tỷ đô-la sau năm tháng đầu năm nay. Cũng theo Thủ tướng, cán cân thanh toán năm 2008 sẽ thặng dư từ 2 đến 3 tỷ đô-la. Nên nhớ chỉ tính riêng giải ngân các dự án FDI hiện nay cũng đã trên 1 tỷ đô-la mỗi tháng.
Báo cáo của WB cũng cho thấy những con số tương tự: thâm hụt tài khoản vãng lai trong năm 2008 ước tính khoảng 11,3 tỷ đô-la sẽ được bù đắp bởi thặng dư tài khoản vốn chừng 14,8 tỷ, để cán cân thanh toán sẽ thặng dư dưới dạng dự trữ ngoại tệ khoảng 3,4 tỷ đô-la. Đây chính là những con số mà thị trường đang cần để bác bỏ những đồn đoán về khủng khoảng cán cân thanh toán của Việt Nam (xem bảng). Tuy nhiên, ở góc độ này, thị trường đang cần sự điều hành linh hoạt về tỷ giá để góp phần vào việc giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, nâng thu nhập cho công nhân khối FDI mà mức lương tối thiểu đang được tính theo tiền đô-la và tước bỏ những vũ khí đầu cơ của giới tài chính nước ngoài. Tỷ lệ lạm phát cũng phải được tính đến khi điều hành tỷ giá, không chỉ với đô-la Mỹ mà còn với các ngoại tệ khác nữa.

Cán cân thanh toán của Việt Nam (triệu đô-la Mỹ)
2007 2008 (dự báo)
A. Cân đối tài khoản vãng lai -6.992 -11.346
Cân đối thương mại (giá FOB) -10.360 -16.207
Chuyên chở, bảo hiểm, dịch vụ -894 -908
Chuyển lợi nhuận FDI về nước -2.168 -2.432
Kiều hối 6.430 8.200
B. Cân đối tài khoản vốn 17.541 14.847
FDI (giải ngân) 6.550 5.800
Vay trung và dài hạn 2.045 2.468
Vay ngắn hạn 79 94
Đầu tư tài chính 6.243 1.985
Tiền gởi 2624 4500
C. Sai số -381 0
D. Cân đối tổng thể (=A+B+C) 10.168 3.501
Trong đó. tăng dự trữ ngoại hối 10.144 3.475
Nguồn: NHNN năm 2007 và dự báo của WB cho năm 2008.

Về tác động tới người dân, các nhóm lợi ích liên quan đến tài chính có tiếng nói khá mạnh, dù công khai hay không công khai trong khi các nhóm lợi ích đại diện cho người dân nghèo, nhất là nông dân, hầu như không tồn tại. Vì thế, thực thi chính sách cần lưu ý để không bị tác động trước mắt hay áp lực của nhà đầu tư nước ngoài. Tuyên bố không phá giá tiền đồng đột ngột là theo hướng đó vì phá giá tiền đồng sẽ tác động mạnh lên lạm phát, làm chính sách thắt chặt tiền tệ khó thực thi hơn và nạn nhân chịu tác động lớn nhất vẫn là người nghèo sống bằng thu nhập tính từng tháng hay từng vụ mùa. Đến 73% dân số đang sinh sống ở nông thôn. Nếu chính sách quay về với cơ bản nâng cao sức mua của nông dân, chính thị trường trong nước sẽ là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuối cùng, về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, hiện nay nhà đầu tư nước ngoài chỉ nắm khoảng 25% cổ phần của các công ty niêm yết, cả thị trường chính thức và thị trường OTC. Như vậy tổng cộng dòng vốn gián tiếp khoảng 7-8 tỷ đô-la và đa số là loại vốn của các quỹ đóng, không thể rút đi được. Chỉ còn khoảng 2,5 tỷ đô-la vốn nóng cộng với khoảng 5 tỷ đô-la trái phiếu mà người nước ngoài đang nắm giữ. Dragon Capital nhận xét: “Dự trữ ngoại tệ bằng 360% các món nợ nóng nước ngoài”. Các loại thông tin về tỷ giá tiền đồng/đô-la Mỹ dạng NDF tăng cao không liên quan gì đến tỷ giá thực vì chúng chỉ là dạng hợp đồng triển kỳ, mang tính cá cược, đến hạn không thanh toán mà chỉ chung chi phần chênh lệch thiệt-hơn. Hàng loạt thông tin như thế cần giải thích cặn kẽ với người dân bởi biến động trên thị trường chứng khoán, ngoại hối chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Điều quan trọng nhất là một khi chúng ta đã xác định nguyên nhân của tình hình hiện nay là do chính sách tiền tệ, tài khóa và đầu tư của các tập đoàn nhà nước, cần nhất quán và kiên định với các giải pháp đưa ra. Cũng cần lưu ý làm sao để giảm tác động của các hoạt động tài chính lên hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Hai bên có mối quan hệ mật thiết nhưng dù sao ở Việt Nam, hoạt động tài chính chỉ mới nổi lên một hai năm gần đây. Giải tỏa vấn đề tâm lý chính là ở chỗ phân định đâu là ưu tiên cần làm với hai lãnh vực này.

Box
16 tỷ đô-la bay hơi đi đâu
Tính toán của WB cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất đi 16 tỷ đô-la so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng cách nói này. Lấy ví dụ công X, lúc mới lên sàn giá trị sổ sách là 100 đồng, giá trị vốn hóa là 1.000 đồng. Sau một thời gian, vì giá cổ phiếu X sụt giảm nên giá trị vốn hóa chỉ còn 200 đồng. Chúng ta có thể nói 800 đồng đã bay hơi nhưng 800 đồng đó chỉ là vốn ảo. Đầu tiên, hầu hết các công ty niêm yết ở Việt Nam vẫn cổ đông lớn nhất là Nhà nước, số cổ phiếu này hầu như không được giao dịch. Với nhiều cổ đông khác, cổ phiếu cũng được nắm giữ dài hạn ngay từ đầu nên cho dù có lúc tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam lên đến gần 29 tỷ đô-la thì chỉ có một lượng nhỏ cổ phiếu được đưa ra giao dịch. Với từng nhà đầu tư thứ cấp thì rõ ràng tiền mất ở người này đã chạy sang túi của người khác.
Dù vậy, cách nói 16 tỷ đô-la không cách mà bay cũng giúp chúng ta hình dung được cái ảo tưởng giàu có của nhiều người trong năm qua. Ảo tưởng này có cả từ những cổ đông là tập đoàn nhà nước có đầu tư tài chính ở công ty khác – dù vốn trên sổ sách vẫn giữ nguyên nhưng vốn tính theo giá thị trường bỗng tăng nhiều lần. Sự giàu có bất ngờ này đã thúc đẩy họ vay vốn và đầu tư tràn lan. Ở nhà đầu tư cá nhân cũng vậy, khi thấy mình bỗng giàu lên nhanh chóng, họ rất dễ có xu hướng chuyển sang đầu tư địa ốc và mua sắm đồ dùng đắt tiền. Sự ảo tưởng này đã góp phần gây ra những khó khăn của nền kinh tế hiện nay.

Bài đăng phổ biến