Không thể làm suy yếu báo chí
Một trong những mục tiêu được xác định rõ của Việt Nam là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Dân chủ vừa là mục tiêu vừa là công cụ để đạt được những mục tiêu khác. Để có một xã hội công bằng, chính quyền sẽ phải thiết kế các chính sách sao cho đem lại cơ hội công bằng cho mọi người. Nhưng người lãnh đạo chính quyền không thể bao quát hết toàn bộ bộ máy của mình để bảo đảm họ đang làm đúng các chính sách đó. Vì thế, báo chí, ở bất kỳ nước nào, bên cạnh nhiều chức năng khác, cũng được xem là “công cụ” giúp Nhà nước hiểu được chuyện gì đang xảy ra trên đất nước mình, công chức của mình đang làm tốt chức trách được giao hay không, người dân có thật sự hưởng lợi từ chính sách không, chính sách có thật sự được thiết kế tốt chưa…
Chỉ nói riêng góc cạnh gián tiếp giúp chính quyền giám sát bộ máy thừa hành, báo chí là phương tiện không thể thiếu vì báo chí là tai mắt và là miệng của người dân, rất cần cho nhà lãnh đạo muốn lắng nghe những diễn biến xã hội đang sôi động và biến chuyển từng ngày. Không ai làm yếu đi một công cụ quan trọng như thế. Và chính chức năng này buộc những viên chức làm sai phải nhìn trước ngó sau, buộc các quan tham chùn tay, buộc các cường hào bớt đi sự nhũng nhiễu.
Trong năm nay, làng báo Việt Nam gặp nhiều sự cố, như vụ xét xử hai nhà báo trong tuần này. Nhưng bản thân từng vụ việc, xét trên bình diện chung, không quan trọng bằng chuyện làng báo Việt Nam liệu có bị nhụt đi, không làm được chức năng nói trên. Và dĩ nhiên, khi làng báo thụt lùi, các con sâu trong bộ máy hành chính, kể cả các con sâu ở bên ngoài dựa vào thế lực của bộ máy hành chính, sẽ lấn tới. Chuyện hành hung, nhục mạ nhà báo, chuyện đòi can thiệp đăng hay không đăng tin này, tin kia của một số địa phương, ngành hay tổng công ty là hậu quả hiển nhiên.
Đến đây, một câu hỏi không thể không đặt ra là lấy gì bảo đảm báo chí làm đúng chức năng của mình, từng nhà báo tự nguyện làm người quan sát vô tư cho xã hội hay chính họ cũng tham gia vào việc làm nhiễu quá trình giám sát của xã hội.
Thực tế cho thấy đây là mối quan tâm xác đáng, nhưng thực tế cũng cho thấy nhiều biện pháp giải quyết rất hữu hiệu để phòng ngừa sự lạm dụng như thế. Đó là hệ thống pháp luật dân sự buộc người viết báo phải chịu trách nhiệm cho những thông tin mình đưa ra. Đó là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các báo để cuối cùng thông tin trung thực, khách quan nhất sẽ vượt thắng. Đó là sự giám sát giữa các báo với nhau bởi đạo đức nghề nghiệp, những biện pháp kiểm chứng nguồn tin...
Nhà báo cũng là công dân như bất kỳ người nào khác nhưng khi xét đoán hành vi của họ, cần tách bạch vai trò họ gánh vác khi hành nghề, là đại diện cho tai mắt miệng của người dân, là đại diện cho mong muốn giám sát bộ máy của lãnh đạo chính quyền. Nếu hành xử cách nào đó, để xã hội hiểu sai hay giới quan chức hư hỏng hiểu sai sẽ làm suy yếu làng báo, một điều nguy hại cho xã hội mà không ai muốn xảy ra. Lúc đó quá trình xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam sẽ bị thụt lùi khó lòng vực lại.
Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét