Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2009

Ôi, ngôn ngữ!

Ôi, ngôn ngữ!

Tiếng Việt đang ở trong thời kỳ thoái trào, rất cần sự trợ giúp của các nhà ngôn ngữ học để tìm lại sự trong sáng, tinh tế vốn có của nó. Nhưng đọc vào cái tiêu đề của cuộc hội thảo mới được tổ chức ở Hà Nội, tôi nghĩ khó lòng trông chờ nhiều vào sự trợ giúp như thế.

Cái tiêu đề như thế này: “Chính sách của Ðảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Đây là một hội thảo quốc gia do Viện Ngôn ngữ học tổ chức.

Trong cái tiêu đề dài 26 chữ, chỉ có hai chữ liên quan đến ngôn ngữ và rất dễ bị bỏ sót nếu người đọc theo quán tính đọc nhanh những cụm từ đã quá quen thuộc như “thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “hội nhập quốc tế”. Lẽ ra những người tổ chức hội thảo nên bắt đầu từ trong nhà, mạnh dạn vượt ra cách dùng từ sáo ngữ, bị dùng nhiều quá hóa mòn để đặt một tiêu đề sát với nội dung của hội thảo hơn.

Điều đáng nói đây là cuộc hội thảo quốc gia đầu tiên sau hàng chục năm vắng bóng loại hội thảo này. Năm 1979 có một hội nghị khoa học toàn quốc mang tên ““Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ” và năm 1993 có hội thảo “Ngôn ngữ dân tộc, ngôn ngữ quốc gia và phát triển”. Nếu chú ý chúng ta thấy tiêu đề hội thảo đi từ chỗ ngắn gọn, súc tích và chính xác đến chỗ chung chung, mơ hồ và dài dòng.

Còn nói về định hướng nội dung hội thảo, thiết nghĩ vai trò định hình ngôn ngữ chuẩn mực trong cuộc sống là do các tổ chức như Viện Ngôn ngữ học chứ không phải là chính sách của nhà nước; càng không thể nào trông chờ nhà nước ban hành một bộ luật về ngôn ngữ được.

Lấy ví dụ một chuyện đơn giản mà không ai có thẩm quyền (thẩm quyền về mặt chuyên môn chứ không phải thẩm quyền hành chính) đứng ra giải quyết. Người ta lúng túng, người ta tranh cãi nên phát âm các mẫu tự ABC là a-bờ-cờ hay a, bê, xê. Chuyện này chắc bất kỳ nhà ngôn ngữ học nào cũng có thể giải thích dễ dàng: khi phát âm để ghép vần thì phải đọc a-bờ-cờ nhưng khi đọc tên mẫu tự thì phải nói a, bê, xê.

Không nhà nước nào đủ sức định ra những chính sách và “hướng dẫn thi hành chính sách” cho vô vàn biến thể của ngôn ngữ trong cuộc sống. Chính những nhà khoa học, thông qua báo chí, sẽ là người làm công việc này, bằng các công trình nghiên cứu của mình, nhưng trước tiên là phải bằng cách sử dụng ngôn ngữ chính xác, mẫu mực của chính họ.

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2009

Ôi, số liệu!

Ôi, số liệu!

Nghĩ mà thấy khó cho những người nghiên cứu kinh tế Việt Nam sau này. Bởi khi tiếp cận một con số dù từ nguồn chính thức phát ra mà không kiểm chứng, rất dễ bị sai. Từ con số sai, mọi phân tích hay bình luận sẽ sai theo. Các số liệu đưa ra hiện nay thường chỏi nhau, sự thiếu chính xác là do lý giải các con số theo mục tiêu phát ngôn.

Lấy ví dụ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết “Năm 2009, khi giá vàng thế giới vọt cao hơn trong nước, Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép xuất khẩu 32 tấn nhưng các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu 26,7 tấn.” (Trả lời báo chí ngày 11-11-2009 khi giá vàng tăng đột biến và Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập vàng trở lại).

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng quý 1-2009, Việt Nam đã xuất khẩu vàng lên đến 2,3 tỷ đô la Mỹ. Tạm lấy giá vàng bình quân quý 1-2009 là 850 đô-la/ounce thì con số 2,3 tỷ đô-la này tương đương với 2,7 triệu ounce, tức 84 tấn. Sao Thống đốc khi nói không đối chiếu với con số xuất vàng chính thức của Tổng cục Thống kê?

Một ví dụ khác, trong báo cáo kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhận định: “Chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40% giá trị GDP, tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu và 28,8% tổng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu).

Với nhận định khối doanh nghiệp nhà nước đóng góp trên 50% kim ngạch xuất khẩu, xin lấy số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê để đối chiếu. Báo cáo cuối năm 2008 của Tổng cục viết rất rõ ràng: “Tính chung cả năm 2008, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu ước tính đạt 62,9 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007, bao gồm khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,9 tỷ USD, tăng 25,7%, đóng góp 49,7% vào mức tăng chung của xuất khẩu; khu vực kinh tế trong nước đạt 28 tỷ USD, tăng 34,7%, đóng góp 50,3%”. Khu vực kinh tế trong nước đóng góp 50,3% mà theo báo cáo của Quốc hội, doanh nghiệp nhà nước cũng đóng góp trên 50% vậy khu vực kinh tế tư nhân trong nước hẳn không ai xuất khẩu gì cả!

(Chỉnh sửa: Xin đính chính: tính ra khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 44,5% vào kim ngạch xuất khẩu thôi - 50,3% ở trên là đóng góp vào mức tăng xuất khẩu. Vậy thì con số theo báo cáo của Quốc hội càng không chính xác).

Có lẽ sự khác biệt là do dầu thô. Tổng cục Thống kê thì đưa dầu thô vào kim ngạch của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn báo cáo giám sát thì tính cho doanh nghiệp nhà nước. Ở đây xin lưu ý sự lẫn lộn hay cố ý lẫn lộn này sẽ ngày càng tăng vì hiện nay nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã được cổ phần hóa, khi cần người ta có thể xếp chúng vào khu vực kinh tế tư nhân, khi khác thì lại xếp chúng vào khu vực kinh tế nhà nước – tùy theo mục đích sử dụng số liệu. Người nghiên cứu gặp tình huống này thì chỉ biết đầu hàng.

Còn câu “tạo ra 39,5% giá trị sản xuất công nghiệp”, thì số liệu cụ thể của Tổng cục Thống kê cho biết tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 (giá so sánh 1994) là 652.766 tỷ đồng, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 164.796 tỷ đồng, tức 25,2%, không biết ở đâu ra con số 39,5%?

Ví dụ loại này còn nhiều. Cho nên bất kỳ ai bình luận trên các con số xem ra có vẻ chính thức, xin cẩn trọng đối chiếu với các con số khác, các nguồn khác, trước khi đưa ra những kết luận không thôi dễ nhầm.

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2009

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đến thông cáo báo chí cũng phải xin phép

Đã có khá nhiều góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” từ các nhà báo và nhà quản lý. Tuy nhiên có một đối tượng bất ngờ nằm trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hành vi bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, theo dự thảo Nghị định, cũng bất ngờ không kém: Phát hành thông cáo báo chí mà không có giấy phép.

Bất ngờ là bởi hỏi thăm một vòng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhất là các công ty chuyên lo chuyện quan hệ đối ngoại cho các doanh nghiệp này, họ đều trả lời trước nay soạn, gởi các thông cáo báo chí họ đều không nghĩ phải xin phép. Tất cả đều ngạc nhiên, hỏi lại là xin phép ở đâu, thủ tục như thế nào, thời hạn ra sao… Hằng ngày có cả chục đến cả trăm thông cáo báo chí được phát ra, trong đó nhiều nhất vẫn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Từ chuyện thay đổi nhân sự, giới thiệu sản phẩm mới đến chuyện công bố kết quả khuyến mãi, giảm giá hay những vấn đề cấp bách hơn như giải thích một sự cố sản phẩm đang được dư luận quan tâm… Không lẽ tất cả những thông cáo báo chí này đều phải xin phép?

Nguyên văn dự thảo Nghị định ghi rõ chuyện phát hành thông cáo báo chí không có giấy phép bị phạt tiền là dành cho “cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”. Điều đó có nghĩa ngay cả những tổ chức như Ngân hàng Thế giới - WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc - UNDP… mỗi khi muốn công bố đều gì đó cho báo chí qua hình thức thông báo đều phải xin phép nếu không muốn bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.

Thật ra, quy định phát hành thông cáo báo chí đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài phải xin giấy phép nằm ở “Quy chế xuất bản bản tin, tài liệu, tờ rơi; phát hành thông cáo báo chí; đăng, phát bản tin trên màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức nước ngoài, pháp nhân có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam” do Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành vào tháng 11-2002. Quy chế này nói rõ hồ sơ xin phép phát hành thông cáo báo chí nộp ở Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Thông tin – Truyền thông), phải nộp hồ sơ “ít nhất trước 48 tiếng đồng hồ so với thời gian dự định phát hành thông cáo báo chí”…

Điều đáng nói là từ năm 2002 đến nay, Bộ là nơi nắm rõ nhất có bao nhiêu hồ sơ gởi đến để xin phát hành thông cáo báo chí, so với thực tế thì con số tuân thủ chiếm chừng bao nhiêu phần trăm. Bộ cũng là nơi hiểu rõ nhất quy chế xin phép này có mang tính thực tiễn không hay chỉ là quy định hình thức bởi thực tế ít ai phát hành một thông cáo báo chí đơn giản một trang giấy mà phải làm hồ sơ xin phép cả. Thông cáo báo chí là cầu nối cung cấp thông tin từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng – không có lý do gì phải ràng buộc bằng giấy phép. Còn nếu lo ngại nội dung thông cáo báo chí có những vấn đề gì nhạy cảm hay mang tính sai trái như vu khống đối thủ chẳng hạn thì cơ quan báo chí, nơi nhận thông báo, sẽ phải xử lý thông tin như một nguồn tin bình thường.

Quan trọng hơn, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chúng ta đã cam kết không phân biệt đối xử giữa công ty trong nước và công ty nước ngoài. Chắc chắn về mặt pháp lý quy chế đòi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải xin phép khi phát hành thông cáo báo chí trong khi doanh nghiệp trong nước thì không đã bị vô hiệu hóa bởi các văn bản triển khai việc gia nhập WTO.

Quy chế nói trên (phần liên quan đến thông cáo báo chí) có mặt trong đời sống doanh nghiệp từ năm 2002 nhưng không thấy triển khai thực thi. Nay dự thảo Nghị định nêu lại. Thiết nghĩ việc đầu tiên là nên cập nhật lại Quy chế và sau đó đưa nội dung xử phạt nói trên ra khỏi dự thảo Nghị định. Làm như thế chính là đem lại sự nghiêm minh cho pháp luật vì không nên để tồn tại một quy định mà không ai thực hiện cả.

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2009

Về báo cáo Koblitz

Về báo cáo Koblitz

Có nhiều cách đánh giá một bài viết. Với bài “A Second Opinion by an American on Higher Education Reform in Vietnam” của GS Neal Koblitz (xin gọi tắt là báo cáo Koblitz) phê phán một báo cáo về giáo dục đại học Việt Nam của hai ông Thomas Vallely và Ben Wilkinson (gọi tắt là báo cáo Vallely), cách hay nhất có lẽ là xét đến hiệu quả sau cùng bài viết mang đến cho người đọc.

Theo cảm nhận của tôi, hiệu quả rõ nhất của của báo cáo Koblitz là muốn người đọc đừng nghe theo những gì nói trong báo cáo Vallely. Đó cũng là ý muốn của tác giả. Đáng tiếc hiệu quả này không cao vì GS Koblitz đã sử dụng các chiêu thức “bàng môn tả đạo” để phê phán báo cáo Vallely. Chúng bao gồm những đòn “dưới thắt lưng” như nói ông Vallely từng là cựu binh Thủy quân lục chiến đánh nhau ở Việt Nam, rằng cả hai tác giả đều không có bằng cấp gì cao nên không xứng làm chuyên gia viết báo cáo về giáo dục. Chỗ này tôi không hiểu lắm cách suy nghĩ của GS Koblitz vì giả thử trường University of Washington của ông mời được Bill Gates đến nói chuyện về mã hóa (cryptography, chuyên môn chính của GS Koblitz) trong hệ điều hành Windows, không lẽ ông sẽ lớn tiếng bảo Bill Gates đâu có bằng cấp gì mà mời đến nói chuyện?

Lẽ ra để phản bác những lập luận của một bài viết, tác giả nên phân tích đúng sai của từng lập luận, để cuối cùng có nhận định tổng quát về bài viết đó. Đằng này báo cáo Koblitz dường như “chỉ thấy cây chứ không thấy rừng”. Chẳng hạn, báo cáo Vallely nêu một cách khái quát tầm vóc của cuộc khủng hoảng giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó chuyện Intel chỉ tuyển được một tỷ lệ nhỏ sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của họ là một ví dụ minh họa; báo cáo Koblitz lại dựa vào đó để tìm cách chứng minh báo cáo Vallely bóp méo sự thật.

Đọc xong báo cáo Koblitz có lẽ nhiều người cảm nhận nhiều hiệu quả khác nữa như hệ thống giáo dục Mỹ không có gì hay để bắt chước, đại đa số sinh viên Mỹ dốt lắm nhưng khổ nỗi chúng không liên quan gì đến mục đích bài viết.

Nhưng theo tôi hiệu ứng nguy hiểm nhất là làm cho nhiều người lầm tưởng nền giáo dục Việt Nam không có vấn đề gì trầm trọng, những “khó khăn” mà hệ thống giáo dục Việt Nam đang mắc phải cũng giống như ở các nước đang phát triển khác. Đây là điều đại nguy hiểm nếu báo cáo Koblitz làm nảy sinh suy nghĩ như thế ở những người có thẩm quyền trong ngành giáo dục. Suy nghĩ này sẽ bao gồm các lập luận khác có trong báo cáo Koblitz như 25% chương trình học dành cho các môn chính trị thì đã sao đâu, nếu sinh viên ra trường không xin được việc làm thì đó là lỗi của khu vực kinh tế tư nhân chưa đạt đến trình độ thu hút được nhân tài, việc Việt Nam không có bằng phát minh nào được cấp giấy chứng nhận cũng không phải lỗi ở các trường đại học mà do khu vực tư nhân đấy.

Có hay không hiệu ứng này? Tôi nghĩ là có. Và đó là điều nguy hiểm, nhất là khi mọi người đều hiểu nền giáo dục Việt Nam đang trải qua những thử thách nghiêm trọng, cần công sức của tất cả để tìm một lối ra khả dĩ nhất, nhanh nhất và ít tốn kém nhất.

Nguy hiểm hơn là trong 8 khuyến nghị báo cáo Koblitz đưa ra, hầu như tất cả đều dính đến chuyện tiền nong, như thể chỉ cần có tiền là giải quyết khó khăn cho giáo dục Việt Nam. Nó sẽ cổ xúy cho lối suy nghĩ cần vay tiền nhiều hơn nữa từ các định chế tài chính quốc tế như World Bank đổ cho ngành giáo dục hay nâng học phí lên cao nữa hay đẩy mạnh hơn nữa chuyện “xã hội hóa” giáo dục – xem đó như những biện pháp căn bản để giải quyết chuyện cải cách giáo dục.

Tôi không coi báo cáo Vallely như một công trình nghiên cứu đúng nghĩa bởi nó chỉ là một bản báo cáo nhanh (Memorandum) gởi cho các thành viên Mỹ trong Nhóm đặc nhiệm về giáo dục đại học như những ý kiến tham khảo. Chính các tác giả cũng nói đây là một phân tích chủ quan (opinionated analysis).

Cải cách giáo dục Việt Nam cần nhiều hơn thế. Nhưng cái cần nhất là một cách nhìn thẳng vào vấn đề, vào những yếu kém của chính chúng ta chứ đừng lẩn tránh dưới các lập luận quanh co kiểu báo cáo Koblitz.

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2009

Tiền lệ

Tiền lệ

Chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “giao UBND TP. Hà Nội chủ trì, cùng Bộ Khoa học và Công nghệ có hình thức xử lý thích hợp, đúng quy định của Đảng và Nhà nước đối với việc tự giải thể của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) và những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng của một số cá nhân thuộc IDS” đã vượt ra khuôn khổ Quyết định 97 vì đã tạo ra một tiền lệ mà các bộ phận khác trong bộ máy hành chính có khả năng bắt chước làm theo.

Ở đây tôi không đề cập đến Quyết định 97, chuyện IDS tự giải thể để phản đối.

Chỉ xin lưu ý đến khả năng lan tràn hiện tượng yêu cầu “xử lý thích hợp” mỗi khi có “những phát biểu thiếu tinh thần xây dựng”.

Lấy ví dụ báo chí mà một trong những chức năng quan trọng là tạo diễn đàn cho người dân nói lên tiếng nói của họ. Đã là diễn đàn, tức sẽ có những tiếng nói phê bình các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những trường hợp nhũng nhiễu của bộ máy hành chính, những câu chuyện bất công nơi này nơi khác. Với tiền lệ nói trên, rất dễ xảy ra chuyện người đứng đầu một địa phương, một ngành nào đó ra chỉ thị yêu cầu một cấp hành chính nào đó bên dưới “có hình thức xử lý” với những phát biểu mà họ cho là “thiếu tinh thần xây dựng” trên mặt báo. Trong quá khứ chuyện này đã xảy ra nhưng khá hiếm hoi và đa số các cấp lãnh đạo chọn con đường “im lặng là vàng” để lãnh tránh công luận. Nay, một khi họ thấy có thể xử dụng bộ máy hành chính để buộc các ý kiến “thiếu tinh thần xây dựng” phải im tiếng, khả năng họ sẽ sử dụng tiền lệ này, công cụ mới này là rất cao.

“Thiếu tinh thần xây dựng” làm một cảm nhận mang tính chủ quan vì không thể lượng định bằng các tiêu chí cụ thể. Phát biểu của học sinh với thầy hiệu trưởng về chuyện trường không có phòng vệ sinh đúng tiêu chuẩn, với người thầy chăm lo cho học sinh thì bình thường nhưng với một ông vừa nhận tiền “lại quả” từ nhà thầu xây dựng phòng học chắc chắn sẽ bị nhìn nhận như mũi dùi chỉa thẳng vào ông – thế là “thiếu tinh thần xây dựng”, phải giao cho giáo viên chủ nhiệm “xử lý”.

Tiền lệ này cũng có khả năng triệt tiêu mọi nỗ lực chống tham nhũng trong từng đơn vị, cơ quan nhà nước bởi nhãn “thiếu tinh thần xây dựng” sẽ được người đứng đầu chuẩn bị sẵn để dán cho bất kỳ ai phát biểu chống đối. Nó cũng làm nản lòng những phát biểu cải tiến quy trình làm việc, những sáng kiến tại các công sở…

Viết đến đây, tôi phải đọc lại thật kỹ những gì đã viết, xem nó có “thiếu tinh thần xây dựng” không! Thấy nó phản ánh đúng suy nghĩ của mình là góp ý xây dựng bộ máy hành chính của nước nhà, sao cho đừng để tạo ra một tiền lệ có thể bị hiểu nhầm từ một chỉ thị mà cấp dưới có thể lợi dụng. Như vậy, nó hoàn toàn mang tính xây dựng đấy chứ.

Hóa ra một tác dụng khác của chỉ thị này và những chủ trương tương tự là đẩy con người vào thế phải “nhìn trước trông sau” mỗi khi muốn nói lên tiếng nói của mình trước những vấn đề của xã hội – và chắc chắn dần dà mọi người sẽ chọn con đường im lặng cho khỏe thân – và đó là dấu chấm hết cho một xã hội bình thường, một đất nước bình thường.

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2009

Không có lề phải, cũng chẳng có lề trái

Không có “lề phải”, cũng chẳng có “lề trái”

Từ dạo một quan chức buột miệng đẻ ra khái niệm báo chí “lề phải”, tự dưng nảy sinh ra khái niệm ngược lại để đối ứng là dư luận “lề trái”. Thật đáng tiếc bởi báo chí nói riêng, công luận nói chung không hề có “lề phải” hay “lề trái”. Báo chí đúng nghĩa phải ngay ngắn đường đường chính chính ở giữa mà đi, tức là tôn trọng sự thật, công bằng, khách quan, mỗi vấn đề đều phải lắng nghe và đưa ý kiến cả từ hai phía.

Cái tạm gọi là báo chí “lề phải” như cách hiểu của quan chức nói trên hiện đang bị nhiều ràng buộc, o ép, không còn được đề cập một cách thẳng thắn những vấn đề quan trọng của đất nước. Ở hướng ngược lại, khá nhiều dư luận “lề trái” thể hiện qua các diễn đàn trên mạng Internet cũng rơi vào chỗ cực đoan, quy chụp, cũng “độc quyền chân lý”, cũng bị tác động bởi tâm lý đám đông. Dĩ nhiên, nói khái quát một cách sơ lược như vậy là không chính xác vì có nhiều bài viết trên các diễn đàn rất hay, rất xác đáng, có tác dụng rất to lớn trong việc hướng dẫn dư luận. Đành phải nêu ví dụ để minh họa cho nhận xét này.

Sau khi bài viết “Việt Nam sẽ vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới” xuất hiện, ngay lập tức nhiều ý kiến trên mạng Internet đã gán cho ông Nguyễn Xuân Kiên, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và Đông Nam Á, những từ ngữ khá nặng nề. Ông này nói: “… chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới” và đối lại, thiên hạ nói ông này “siêu tưởng”, “đại ngôn”, “lòe thiên hạ”…

Nếu bình tĩnh một chút, chắc nhiều người sẽ nhận ra đây không phải là “phát kiến” gì vĩ đại của ông Kiên cả. Nó là một trong những kết luận của một nghiên cứu cách đây mấy năm của Goldman Sachs (có thể tham khảo ở đây). Thậm chí, Goldman Sachs còn nói ghê hơn kia: GDP của Việt Nam vào năm 2025 dự báo đứng thứ 17 và năm 2050 đứng thứ 15 trên toàn thế giới. Tôi nhớ lúc đó báo chí Việt Nam cũng bàn tán nhiều về chuyện này ví dụ như ở đây.

Lỗi của ông Kiên là (1) nói mà không trích nguồn; (2) đưa ra một nhận định không ăn nhập gì đến nội dung được phỏng vấn; (3) không cập nhật thông tin về các phản bác nghiên cứu của Goldman Sachs.

Điều đáng lo là tôi tin chắc không ít người nhớ chuyện Goldman Sachs mà hầu như không ai lên tiếng và các diễn đàn thì cứ thế “phang đại” đủ kiểu nhận xét rất cực đoan. Tôi không bênh vực gì ông Kiên vì trong bài phỏng vấn ông này nói mà không phân biệt được giữa văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp nhưng chuyện gì phải ra chuyện nấy.

Một ví dụ khác là vụ án ông Huỳnh Ngọc Sỹ. Với những gì ông này bị cáo buộc tại tòa (tức là cáo trạng công khai) và với bản án đã tuyên, phải nói ông ta bị án 3 năm tù là quá nặng. Chuyện các cơ quan nhà nước cho thuê trụ sở lấy tiền chia nhau trong nội bộ (dù quy định đã cấm) là khá phổ biến ở nhiều hình thức khác nhau, sao không xử tù hết thảy những cán bộ loại này đi.

Lẽ ra dư luận phải tập trung vào chuyện vì sao Nhà nước không đếm xỉa gì đến chứng cứ của nhân viên của PCI từng khai đã hối lộ cho ông Sỹ với những khoản tiền rất cụ thể; vì sao cáo trạng không một dòng nào nói chuyện này; còn nếu đây là một vụ án khác, thì bao giờ đem ra xử; có gọi nhân chứng từ Nhật sang không; việc dịch các tài liệu do Nhật cung cấp đến đâu rồi, nội dung có làm sáng tỏ được vấn đề gì không… Nếu không làm rõ những chuyện đó mà chỉ bàn tán bản án hiện tại của ông Sỹ là quá nhẹ, thì quá lắm là có kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân TPHCM tăng án với ông Sỹ là cùng – chẳng giải quyết được mấu chốt của vụ này.

Đây là một giai đoạn đáng buồn vì nạn phân biệt “lề phải”, “lề trái” mà lỗi xét cho cùng do các cán bộ quản lý nhà nước với tầm nhìn hạn hẹp đã đẩy nhiều người ra thành hai phía. Theo tôi, không nên dùng khái niệm “lề phải”, “lề trái” nữa vì như thế hóa ra chúng ta tiếp tay cho cái sai. Một ý kiến đúng đắn sẽ được mọi người chấp nhận chứ không phải vì nó nằm bên lề nào.

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Tìm biện pháp mới

Tìm biện pháp mới

Không chỉ riêng ở Việt Nam, hiện nay nhiều nước cũng đang cân nhắc hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế trước khi tiếp tục sử dụng chúng trong năm tới. Mặc dù ý kiến của các nhà kinh tế còn khác nhau, những kết luận ban đầu của họ rất đáng tham khảo.

Hiệu quả còn tùy

Để đánh giá tác dụng của gói “kích cầu”, người ta thường dùng khái niệm “số nhân tài khóa” để tính xem những biện pháp cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu chính phủ sẽ làm tăng tổng sản lượng bao nhiêu lần. Nếu số nhân này bằng 1, có nghĩa một đồng chi thêm sẽ làm tăng GDP thêm một đồng. Theo tờ Economist, số nhân tài khóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố kinh tế khác nhau. Ví dụ, với nền kinh tế đang vận hành hết công suất, số nhân tài khóa sẽ bằng 0 vì lúc đó mức tăng cầu của chính phủ sẽ làm giảm chi tiêu ở khu vực khác. Còn ở thời điểm kinh tế suy giảm, tăng chi tiêu tài khóa có thể làm tăng cầu nói chung. Nếu vốn kích cầu khởi động một hiệu ứng chi tiêu khác, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng thì số nhân sẽ lớn hơn 1.

Cách “kích cầu” cũng sẽ tạo hiệu ứng khác nhau. Miễn giảm thuế có thể không hiệu quả bằng việc chính phủ bỏ tiền ra xây một cây cầu, chẳng hạn vì tiền thuế được miễn giảm có thể biến thành tiền để dành chứ không được đưa vào lưu thông. Miễn giảm thuế cho người thu nhập thấp hiệu quả hơn miễn giảm thuế cho người giàu vì người ít tiền sẽ phải chi tiêu ngay số tiền được nhà nước “thối lại” cho các nhu cầu trước mắt.

Quan trọng hơn, yếu tố tâm lý và kỳ vọng của người dân đóng vai trò then chốt trong việc “kích cầu” sao cho có hiệu quả cao nhất. Chính phủ chi tiêu cho “kích cầu” ắt lãi suất phải tăng, nếu đúng thế thì đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ giảm; còn nếu người ta tin vào tác động tích cực của các gói kích thích kinh tế, tiêu dùng và đầu tư sẽ tăng để đưa nền kinh tế vượt qua suy thoái.

Cũng theo tờ Economist, quan sát số liệu thống kê cho thấy “kích cầu” tỏ ra hiệu quả ở những nước có nền kinh tế đóng nhiều hơn những nước có nền kinh tế mở vì tiền kích cầu ít rơi vãi ra bên ngoài thông qua hàng nhập khẩu. Đóng và mở ở đây được đo lường bằng quy mô xuất nhập khẩu của nền kinh tế đó so với GDP. “Kích cầu” cũng tạo ra hiệu ứng lớn hơn ở những nước có quy mô kinh tế lớn vì ở nước nhỏ, nhà đầu tư dễ bỏ cuộc hơn và vì thế lãi suất dễ tăng nhanh hơn.

Còn theo GS Willem Buiter viết trên tờ Financial Times, để các biện pháp kích thích kinh tế thông qua chính sách tài khóa có hiệu quả, cần đáp ứng một số điều kiện. Thứ nhất, nền kinh tế phải đang dư thừa công suất, tức công nhân đang thiếu việc làm, nhà máy tạm ngưng hoạt động. Thứ hai, đã sử dụng hết các biện pháp kích cầu khác, thông qua chính sách tiền tệ, như đã hạ lãi suất đến hết mức. Thứ ba, chính sách tài khóa không được làm tăng lãi suất. Thứ tư, các biện pháp áp dụng không chèn ép các khu vực khác, tức chi tiêu của nhà nước không thế chỗ cho chi tiêu của người dân hay doanh nghiệp.

Với Việt Nam thì sao?

Cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá chính thức mang tính định lượng hiệu quả của các biện pháp kích cầu mà Việt Nam đã áp dụng từ đầu năm đến nay ngoài số dư các khoản vay có hỗ trợ lãi suất (theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đến ngày 24-9-2009 là 404.256,10 tỷ đồng). Thật ra đây là điều khó bởi không ai có thể tính toán được mức tăng trưởng GDP hiện nay có bao nhiêu phần trăm là nhờ “kích cầu”; hay nói cách khác, nếu không có các gói kích cầu, liệu GDP có tăng trưởng như bây giờ và thất nghiệp liệu có giữ như mức hiện nay.

Tuy nhiên, đối chiếu những kết luận ban đầu nói trên với tình hình kinh tế Việt Nam, có thể thấy các điều kiện để tiếp tục “kích cầu” chưa thật sự chín muồi. Lãi suất hiện đang có xu hướng tăng bởi nỗi lo lạm phát quay trở lại vẫn còn đó. Chỉ số tiêu dùng tháng 9-2009 so với đầu năm lên đến 4,11% và chỉ số này của cả chín tháng đầu năm nay so với chín tháng đầu năm ngoái đã là 7,64%. Hơn nữa, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng sẽ phải tăng nếu muốn các đợt phát hành sắp tới thành công và như thế sẽ đẩy mặt bằng lãi suất lên một mức mới. Việt Nam là một nền kinh tế mở vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện ở mức tương đương 173% GDP, nếu kích cầu mà xuất khẩu vẫn tiếp tục suy giảm, lượng hàng tồn kho ắt sẽ tiếp tục tăng hơn mức hiện nay trong khi hàng nhập khẩu sẽ làm cho tiền kích cầu rò rỉ ra bên ngoài.

Cái khó là không thể triển khai các biện pháp tiền tệ vì nới lỏng tín dụng hay giảm lãi suất cơ bản sẽ càng làm cho lạm phát nhanh chóng bùng phát trở lại.

Vì thế, thay cho một gói kích cầu thứ hai ở dạng hỗ trợ lãi suất, dù ở mức 4% hay chỉ là 2% mà hiệu quả chưa rõ ràng, nên thay bằng một số biện pháp khác. Đầu tiên là mạnh dạn cắt giảm thuế VAT cho nhiều mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Đây là cách kích cầu trực tiếp nhất, lại có lợi cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Việc cắt giảm thuế VAT phải hạn định vào một khoảng thời gian ngắn, cụ thể để người dân buộc lòng phải chi tiêu để hưởng lợi từ chính sách và doanh nghiệp bán được hàng tồn kho. Nếu không hạn định thời gian, người tiêu dùng có thể sẽ trì hoãn việc chi tiêu vào lúc khác. Tương tự với doanh nghiệp, nên miễn giảm thuế cho những khoản đầu tư hiện tại để kích thích đầu tư tư nhân.

Trong các gói kích cầu đã công bố có những khoản dành cho đầu tư hạ tầng nhưng mức độ triển khai không đạt kế hoạch. Tập trung vào các khoản chi tiêu vào các công trình hạ tầng vừa có tác dụng kích thích kinh tế, tạo công ăn việc làm, vừa giúp tháo gỡ những nút thắt cổ chai như tắt nghẽn giao thông, thiếu cầu. Một gợi ý của GS Willem Buiter có thể áp dụng cho Việt Nam: đó là phát hành trái phiếu chính phủ với lãi suất gắn với mức tăng trưởng GDP cộng thêm một số điểm phần trăm nào đó.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2009

Nên sửa lại chức năng

Nên sửa lại chức năng của

website đảng Cộng sản

Trong tiếng Việt, từ “cơ quan” ngoài những nghĩa thông thường như chúng ta đều biết còn có một nghĩa nữa là “tờ báo chính thức” của một tổ chức nào đó. Ví dụ khi khi đọc thấy “Sài Gòn Giải Phóng – cơ quan của đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam TP Hồ Chí Minh”, người ta hiểu ngay từ “cơ quan” trong cụm từ trên có nghĩa là “cơ quan ngôn luận chính thức” hay “tiếng nói chính thức”. Tương tự, chúng ta có “Báo Lao Động - Cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, “Báo Tiền Phong, Cơ quan Trung ương của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”....

Nay website của đảng Cộng sản Việt Nam với tên chính thức: “Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam – Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” hóa ra tự nhận mình là tờ báo chính thức của đảng là không ổn. Bởi báo Nhân dân cũng ghi “Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam”; nếu website đảng Cộng sản không sửa lại thì đảng Cộng sản Việt Nam hóa ra có hai cơ quan ngôn luận chính thức.

Trong phần giới thiệu chức năng của mình, website đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: “Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân trên mạng điện tử internet, đồng thời là kho thông tin điện tử của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”. Vì thế, ở ngoài nên sửa lại cho danh chính ngôn thuận là “cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương”.

Thứ nữa, website này nên tự hạn chế mình vào chức năng “là kho thông tin điện tử” với một tên gọi đại khái như “văn khố điện tử chính thức” thì hợp tình hợp lý hơn nhiều. Làm như thế, website này không phải lo chuyện thông tin thời sự cho vất vả lại dễ gây ra sai sót mà lại trùng lắp với chức năng của báo Nhân Dân, kể cả báo Nhân Dân online.

Ví dụ, cùng một tin mà hai nơi đưa tin khác nhau. Báo Nhân Dân online đưa “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Công thương và Du lịch Ðông Ti-mo”; còn website đảng Cộng Sản đưa “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Timor-Leste”. Năm 2002, Đông Timor chính thức trở thành một quốc gia độc lập với tên nước là Cộng hòa Dân chủ Timor-Leste. Nước này yêu cầu sử dụng tên Timor-Leste và theo nguyên tắc ngoại giao, gọi Timor-Leste thì chính xác hơn. (Đáng tiếc là về chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hungary cả hai nơi đều đưa một chi tiết sai khi viết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Quốc hội Hungary là Szili Katalin trong khi bà đã từ chức trước đó mấy ngày và người tiếp là Chủ tịch mới – ông Bela Katona).

Cập nhật: Đến chiều hôm nay (24-9), kiểm tra lại thì thấy báo Nhân dân online đã sửa lại đúng tên Chủ tịch Quốc hội mới của Hungary còn website của đảng Cộng sản Việt Nam thì vẫn chưa sửa.

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

IDS tự giải thể

IDS tự giải thể

Một ngày trước khi Quyết định 97 có hiệu lực, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS tuyên bố tự giải thể hôm nay (14-9-2009).

Sau khi phân tích những điều mà IDS cho là “sai phạm nghiêm trọng” của Quyết định 97, trong đó có quy định cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vưc thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”, tuyên bố của IDS cho rằng IDS “không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình” cũng như “không thể làm tròn trách nhiệm công dân và nghĩa vụ người trí thức của mình”.

Việc tuyên bố tự giải thể, theo IDS, là “để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97”.

Các thành viên Hội đồng IDS đồng ký tên vào tuyên bố này cũng hứa hẹn “giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp”. Tuyên bố không nói rõ đó là biện pháp gì nhưng thông thường khi nói đến việc "sử dụng các công cụ pháp lý" là nói đến khả năng kiện ra tòa án và "bảo vệ sự trong sáng của luật pháp" tức là nhắm đến mục đích tòa phải tuyên hủy Quyết định 97 nói trên.

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Lời nguyền của Forbes

Lời nguyền của Forbes

Tờ Economistmột bài báo thú vị về chuyện nhiều tỷ phú Trung Quốc sau khi được đưa vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc do tạp chí Forbes bình chọn thường rơi vào số phận nghiệt ngã.

Một nghiên cứu điểm lại cuộc đời của khoảng 1.300 nhân vật lọt vào danh sách này trong vòng 10 năm qua cho biết: Hai người đang chờ ra tòa, 10 người đang bị điều tra, bảy người đã bị điều tra nhưng thoát tội, bảy người bỏ trốn khỏi Trung Quốc, sáu người đã chết (gồm cả hai vụ tự tử, một vụ giết người), 18 người vào nằm nhà giam. Có cả một cuốn sách viết về chuyện này mang nhan đề “Lời nguyền của Forbes”!

Thật ra, tỷ lệ như vậy là không cao nhưng nhiều người cho rằng sự giàu có của một số cá nhân ở Trung Quốc thường gắn với tội phạm hay tham nhũng.

Tốt nhất đừng cho Forbes lập một danh sách tương tự cho những người giàu nhất Việt Nam!!!

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Nghiệp vụ kém???

Nghiệp vụ kém hay vô cảm trầm trọng?

Người ta thường rao giảng về bản lĩnh chính trị của nhà báo, về sự nhạy cảm chính trị của cơ quan báo chí. Nhưng thử đối chiếu những lời rao giảng ấy với bản tin sau, đăng trên website của Đảng Cộng sản Việt Nam thì người đọc phải lý giải sao đây? Phải chăng những người làm tin này quá yếu kém về nghiệp vụ (xử lý tin dịch trên báo nước ngoài) hay không hiểu gì hết về tình hình chính trị hiện nay?

Càng suy nghĩ càng thấy bực; bực giùm cho các tờ báo từng bị phạt vì có đăng quảng cáo mà người quảng cáo có sử dụng bản đồ Việt Nam nhưng quên vẽ thêm hai cụm đảo Hoàng Sa va Trường Sa cho dù bản đồ chỉ nhỏ xi1u bằng hai ngón tay hay chỉ là lô gô cách điệu của doanh nghiệp. Hãy thử đợi đến bao giờ tin này mới được gỡ bỏ.

Cập nhật: Tin này cuối cùng cũng đã được gỡ xuống.

Nhân đây cũng xin bàn sơ qua về việc đính chính trên các báo điện tử. Cách làm hiện đang được nhiều ấn bản điện tử có uy tín trên thế giới áp dụng là mỗi khi phải đính chính một chi tiết nào đó trong bản tin đã đăng, họ sẽ cập nhật ngay phần đính chính ở đầu hay cuối tin (kèm theo giải thích) và vẫn giữ nguyên bản tin gốc ở dưới. Một cách khác (nhất là đối với các đính chính nhỏ) là gạch ngang từ muốn xóa và chêm từ mới vào. Ít thấy ai lột bài, xóa bài như các báo điện tử ở Việt Nam.

--------------------------------------------------
Hải quân Trung Quốc diễn tập tại biển Đông

(ĐCSVN) - Ngày 16.8.2009, đội tàu hộ tống của Trung Quốc sau khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống hàng hải đã đi vào khu vực biển Đông và tiến hành diễn tập với khoa mục tiếp tế theo đội hình hàng ngang. Theo tinh thần hoạt động ''đi một bước, luyện tập một bước, nghiên cứu một bước''. Đội tàu hộ tống trên đường quay trở về căn cứ đã tiến hành các cuộc diễn tập và nghiên cứu đấu pháp quân sự, tập trung thử nghiệm và nâng cao khả năng chỉ huy tác chiến, khoảng cách bảo đảm, phòng vệ cơ động.

Ngày 18.8.2009, đội tàu hộ tống gồm hơn 100 sĩ quan và binh lính đã cập bến bãi đá Vĩnh Thử (đảo Chữ Thập) thuộc quần đảo Trường Sa để tiến hành tiếp tế, hậu cần, thăm quan cơ sở công tác và sinh hoạt của binh lính trên đảo, đồng thời đưa 2 tàu chở trực thăng là ''Thâm Quyến'' và ''Hoàng Sơn'' cập đảo, tiến hành diễn tập cho trực thăng lên xuống và lực lượng đặc nhiệm đổ bộ đường không.

Phát biểu với binh lính trên đảo, chỉ huy đội tàu hộ tống Phó Tư lệnh Hạm đội Nam Hải nhấn mạnh: ''Bất kể là binh sĩ hộ tống hàng hay binh sĩ bảo vệ đảo, đều có chung một sứ mệnh đó là bảo vệ lợi ích quốc gia, hy vọng các binh sĩ tập luyện để bảo vệ tốt biên cương trên biển phía nam Tổ quốc”. Đến 9 giờ 30' ngày 18.8.2009, đội tàu đã rời đảo, tiếp tục hành trình quay trở về căn cứ.

Ngày 24.8.2009, lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt đầu giai đoạn huấn luyện nhảy dù kéo dài 2 tháng, các hoạt động huấn luyện này được bắt đầu từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa. Đây được coi là một hoạt động tập dượt kịch bản đổ bộ bằng đường không của Hải quân Trung Quốc. Một trong những nội dung mới đáng lưu ý trong các hoạt động huấn luyện quân sự năm 2009 là hoạt động huấn luyện nhảy dù từ máy bay trực thăng và từ một sân bay ở quần đảo Hoàng Sa.

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Dịch sai

Dịch sai!

Vietnamnet có bài giới thiệu “10 đại học 'đỉnh' nhất nước Mỹ năm 2009” nhưng dịch sai khá nhiều mà lại ở ngay những chỗ quan trọng. May mà bài viết có ghi nguồn Tạp chí Forbes nên chỉ cần đối chiếu với bản gốc là biết sai những chỗ nào.

Ví dụ, câu “Tỉ lệ sinh viên/khoa là 7/1” (West Point) dịch từ “Student to Faculty Ratio: 7 to 1”, tức là tỷ lệ sinh viên trên mỗi giảng viên; ở West Point cứ 7 sinh viên thì có một giảng viên. Ai lại dùng từ “khoa” ở trường hợp này. Vì dùng sai như thế nên bài dịch mới có câu: “Trung bình 1 khoa có 3 sinh viên” (Học viện Công nghệ California). Lẽ ra người dịch phải nghĩ làm gì có trường nào một khoa chỉ có 3 sinh viên để kiểm tra lại nghĩa từ Faculty và chỉnh lại chứ.

Câu “Một lớp học thường bao gồm 1263 sinh viên” cũng thuộc dạng này, lẽ ra dịch xong đọc thấy phi lý thì nên kiểm tra lại. Nguyên văn là “Freshman class size” là lượng sinh viên năm nhất tuyển vào hằng năm.

Hoặc câu “hàng năm có 4981 sinh viên tốt nghiệp” (Princeton) là sai nặng vì nguyên văn ghi “total undergrads”. Sinh viên đại học gọi là undergraduates hay gọn lại là undergrads – 4.981 là con số toàn bộ sinh viên đại học ở Princeton, chứ không phải lượng sinh viên tốt nghiệp. Đến trường Wellesley, câu này được đổi thành “hàng năm cấp bằng cho 2344 sinh viên” cũng sai như thế.

Dịch sai là chuyện thường gặp nhưng điều muốn nói ở đây là khi dịch xong thấy câu vô nghĩa hay phi lý thì nên cẩn thận tra cứu lại. Vietnamnet nên cho sửa mấy chỗ đó, không thì kỳ cục lắm.

Cập nhật: Vietnamnet đã cho sửa gần hết các lỗi này.

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Mở ra... để khép lại

Mở ra… để khép lại

Nếu đọc lướt qua Quyết định 97/2009/QĐ-TTg ngày 24/7/2009, người ta có thể nghĩ cánh cửa đã mở ra cho những cá nhân muốn thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học, kể cả cung cấp dịch vụ khoa học. Danh mục ban hành kèm theo Quyết định liệt kê đầy đủ hầu như mọi ngành nghề khoa học tự nhiên và xã hội, kể cả nghiên cứu kinh tế, kinh doanh, giáo dục, xã hội học, lịch sử, triết học…

Thế nhưng cánh cửa này đã đóng sập ở ngay điều 2 khi quy định: “… Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gởi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ”.

Hiện nay trên thực tế đã có nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học của cá nhân thành lập, thường dưới tên gọi viện nghiên cứu khoa học – công nghệ, phần lớn do các nhà khoa học thành lập để cung cấp dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, đào tạo… Có thể đa phần công việc của các tổ chức nghiên cứu khoa học này là thực hiện hợp đồng ký trực tiếp với khách hàng, không liên quan gì đến đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước. Nhưng sự đời không bao giờ đơn giản như vậy. Ví dụ một viện thực hiện một nghiên cứu cho một doanh nghiệp cách thức tiết kiệm năng lượng; trong kết quả báo cáo dày cộp ắt sẽ có những đoạn nêu thực trạng chính sách của Nhà nước về năng lượng và những phân tích đúng sai của chính sách này. Thế là không được công bố công khai.

Giám đốc một viện nghiên cứu tư nhân khác, giả dụ được báo chí phỏng vấn về một chính sách mới ban hành thuộc thẩm quyền chuyên môn của ông, sẽ vi phạm luật pháp nếu trả lời mang tính phản biện dưới danh nghĩa giám đốc viện. Một tổ chức nghiên cứu nông nghiệp cũng không thể nào công khai những kết quả nghiên cứu của họ về chính sách nông nghiệp của Nhà nước nếu không muốn bị đóng cửa vì dù có khen mười điều thì ắt cũng có vài điều “phản biện”. Hàng loạt hoạt động mang tính xã hội của các viện nghiên cứu (tức là những nghiên cứu không do doanh nghiệp đặt hàng mà là để đóng góp vào “sự nghiệp phát triển đất nước” như cách nói thường thấy) sẽ bị thui chột vì không ai muốn dây vào chuyện luật pháp đã cấm. Thiệt không hiểu nổi tư duy của người soạn quyết định này trong khi chủ trương thường được nhắc tới lâu nay là khuyến khích sự phản biện của người dân, đặc biệt là của các nhà khoa học.

Nên nhớ bộ máy công quyền lớn lắm, không ai quản cho hết. Cơ chế kiểm soát hữu hiệu nhất là thông qua công luận để giám sát, để soát xét, để lên tiếng mỗi khi một bộ phận trong bộ máy làm sai. Lẽ ra người đứng đầu Nhà nước phải mừng khi có tiếng nói phản biện được công khai về đường lối, chủ trương, chính sách của mình, nhờ thế mà biết được ý nguyện của người dân, biết bộ máy ở dưới có làm đúng hay không. Nay với một quyết định như thế, có thể giải quyết được một vấn đề gai góc nào đó trước mắt, nhưng lại có hại lâu dài cho cơ chế kiểm soát nói trên. Lẽ nào người ta không hiểu được, gởi cho cơ quan có thẩm quyền đồng nghĩa với dìm lấp mọi ý kiến, không ý kiến nào đến được tai người muốn nghe thực tế xã hội.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2009

Không nên cười cợt bài làm của học sinh

Không nên cười cợt bài làm của học sinh

Sau mỗi kỳ thi, thường thấy có những bài trích các câu văn ngây ngô của thí sinh để dè bỉu, cười cợt, hay để cảm thán trình độ của học sinh ngày nay tệ hại như thế, như thế.

Theo tôi, đây là việc không hay ho gì cả và không nên làm. Nếu bài làm của thí sinh dở tệ, đấy chính là sản phẩm của nền giáo dục mà các thầy cô cũng phải phần nào chịu trách nhiệm. Ai lại đi cười cợt chính sản phẩm của mình, dù đó là thứ phẩm.

Nếu bài viết được thực hiện nghiêm túc, phân tích các lỗi sai để rút ra những kết luận gì đó, phục vụ cho việc cải thiện chuyện dạy chuyện học, trích dẫn bài làm của học sinh còn khả dĩ chấp nhận được. Chứ như các bài dạng này hiện nay chỉ là những tiểu phẩm nhàm, viết vội theo kiểu chắp nhặt.

Điều tệ hại nhất là những câu trích đôi lúc lại cho thấy học sinh viết chân thật, có ý tưởng riêng, suy nghĩ độc lập, dù cách diễn đạt có thể lủng củng hay ngây ngô. Đem những câu này ra phê phán chính các thầy cô được giao nhiệm vụ giáo dục làm sai chức năng của mình, tầm nhìn còn thiển cận hơn cả em học sinh bị phê phán. Ví dụ, câu trích mở đầu một bài viết trên tờ VnExpress: “Em cũng không hiểu tại sao trong cái đói quay quắt như vậy, người ta vẫn lấy chồng lấy vợ làm gì. Phải chăng bà cụ Tứ muốn có cháu bế cho đỡ buồn, đỡ khổ vì đói?” (một thí sinh tại Vinh (Nghệ An) cảm nhận về tác phẩm Vợ nhặt). Hay một câu khác trong bài này: “Nhận xét về bút pháp lãng mạn của Thạch Lam, một thí sinh đã viết: "Nếu như Vũ Trọng Phụng là bậc thầy trong phóng sự, Xuân Diệu là bậc thầy trong thơ ca, Thạch Lam lại là người xuất sắc nhất Việt Nam về nghệ thuật miêu tả, từ một phố huyện bình thường như những làng quê khác nhưng Thạch Lam đã tưởng tượng ra một phố huyện chỉ có trong ... truyện ngắn của ông”. Tại sao lại đem những câu này ra để minh họa cho chuyện “cán bộ chấm thi cười ra nước mắt”.

Đi kèm với bài này là ảnh của một thí sinh đang làm bài thi. Tại sao những người làm báo cứ cho mình cái quyền sử dụng ảnh của bất kỳ ai vào bất kỳ nội dung gì, miễn sao có ghi thêm dòng chữ “ảnh minh họa”, là nghĩ mình được miễn trừ trách nhiệm với thí sinh bị minh họa. Người viết, người làm tòa soạn cứ nghĩ nếu ảnh đó là của em mình, con mình, liệu họ có chịu đăng kèm với bài viết phê phán sự ngô nghê trong bài làm của thí sinh?

Một chuyện nữa là công khai điểm thi của từng thí sinh trên báo, trên mạng. Điểm thi phải được xem là bí mật cá nhân, tại sao lại đăng công khai một cách thoải mái như vậy? Ở nước khác, mỗi lần thầy cô phát bài, họ đều tế nhị lật sấp bài làm, trao tận tay cho học sinh để ngay trong lớp không ai biết điểm của ai. Cái hay của cách làm này là học sinh không học vì điểm, học sinh kém không bị mặc cảm, học sinh giỏi cũng không ngại mình bị chê là “mọt sách”… Học thực chất, dạy thực chất nên bắt đầu từ những việc như thế.

Không phải là chuyện nhỏ

Không phải là chuyện nhỏ!

Một nền thương mại điện tử cần những cơ sở hạ tầng cơ bản như hệ thống thanh toán điện tử, kết nối Internet, hệ thống vận chuyển hàng hóa… Thế nhưng quan trọng hơn thế là một môi trường mua bán trong tin cậy, tin tưởng lẫn nhau giữa những người tham gia. Đáng tiếc là nền thương mại điện tử Việt Nam chưa phát triển bao nhiêu đã bị ảnh hưởng xấu bởi một số cá nhân sử dụng nhiều phương thức khác nhau để lừa đảo, gian lận khắp nơi trên thế giới thương mại ảo.

Nếu thử tìm kiếm thông tin về lừa đảo trong thương mại điện tử (bằng tiếng Anh), chúng ta sẽ thấy nhiều công ty cung cấp dịch vụ bảo mật và nhiều hãng lớn xếp Việt Nam cùng nhóm các nước có nhiều trường hợp lừa đảo nhất thế giới như Nigeria, Ghana… Phổ biến là dùng thẻ tín dụng đánh cắp để mua hàng, trả tiền dịch vụ và thậm chí người sử dụng thẻ trái phép còn rao chia sẻ cho người khác một cách công khai. Đối với trong nước, đã xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo khi mua bán qua mạng dưới đủ hình thức. Ở đây, câu nói “con sâu làm rầu nồi canh” phản ánh chính xác tình hình khi hậu quả việc làm của một số cá nhân đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng những người tham gia thương mại điện tử bình thường: hàng loạt website từ chối giao dịch với máy tính có địa chỉ IP từ Việt Nam; nhiều trang mua bán điện tử không chấp nhận đơn đặt hàng từ Việt Nam và nhiều hãng lớn khóa nhiều dịch vụ tiện ích đối với người sử dụng từ Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, báo cáo của hãng Anchor Intelligence vào tuần trước cho biết Việt Nam đứng đầu thế giới về gian lận trong quảng cáo trực tuyến là một mối lo ngại khác. Hình thức quảng cáo trực tuyến phổ biến hiện nay là người chủ website chèn quảng cáo lên trang của mình, quảng cáo này do một công ty dịch vụ quản lý, dựa vào nội dung do nơi quảng cáo cung cấp. Mỗi khi có ai nhấp chuột vào quảng cáo này, nơi quảng cáo trả tiền cho công ty dịch vụ và nơi này chia cho chủ website theo một tỷ lệ thỏa thuận. Gian lận xảy ra khi có người (có thể là chủ website hay công ty dịch vụ) cố tình nhấp chuột liên tục bằng nhân công hay bằng phần mềm để tăng số lượng người xem quảng cáo, bắt nơi quảng cáo trả nhiều tiền. Lý do gần một nửa số lần nhấp chuột như thế từ Việt Nam được xem là gian lận có thể do tập quán sử dụng chung máy tính ở các tiệm café Internet nhưng một tỷ lệ cao như thế chắc chắn sẽ ngán trở con đường phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và ngành quảng cáo trực tuyến nói riêng.

Xây dựng lại uy tín cho cộng đồng thương mại điện tử Việt Nam là một chuyện khó, cần sự phối hợp của nhiều bên, kể cả ngành giáo dục và quản lý nhà nước. Trong tình hình này, rất cần sự ra đời của các công ty trung gian có uy tín, làm nơi xác nhận giao dịch thật cho người dùng trong nước với các hãng thương mại điện tử bên ngoài làm bước khởi đầu cho quá trình xây dựng ấy. Nếu không chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ bị “ngăn sông, cấm chợ” trên Internet với thế giới và thương mại điện tử nội địa cũng khó lòng phát triển.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

Nhiều hiểu nhầm tai hại

Chuyện thỏa thuận tác quyền với Google

Nhiều hiểu nhầm tai hại

Thông tin về việc Google sẽ bồi thường hàng trăm triệu đô-la tiền tác quyền cho các tác giả Việt Nam được nhiều báo đăng tải trong tuần trước gây ra nhiều hiểu nhầm tai hại. Thật ra có thể vào trang web chính thức, có cả tiếng Việt, để tìm hiểu. Đây không phải là trang web của Google mà là của Ban Điều hành vụ hòa giải – Google chỉ là nơi cung cấp kỹ thuật nên có thể tin tưởng vào sự khách quan của thông tin.

Hiểu nhầm đầu tiên là không phân biệt được dịch vụ tìm kiếm thông tin bình thường của Google và dịch vụ tìm sách. Giả dụ gõ vào ô tìm kiếm của Google cụm từ “Nguyễn Huy Thiệp”, sẽ hiện lên rất nhiều trang web cho phép đọc hay tải về các tiểu thuyết của ông ở các định dạng như pdf. Chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến Google và vụ kiện bản quyền sách họ đang phải đối mặt bởi với dịch vụ này Google chỉ tìm kiếm để trả về thông tin chúng ta tìm. Không hiểu sao lại có tuyên bố “tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google… nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4-9-2009”.

Có lẽ phải nhắc lại ngắn gọn đầu đuôi câu chuyện (chi tiết xin xem trên trang web nói trên). Năm 2004, Google giới thiệu dịch vụ Book Search và đến cuối năm 2008 đã quét để số hóa khoảng 7 triệu cuốn sách nhờ vào thỏa thuận hợp tác với một số thư viện lớn của Mỹ. Một khi đã số hóa nội dung, Google có thể giúp người dùng tìm kiếm thông tin về cuốn sách họ đang cần (tại trang books.google.com), cho xem trước vài ba trang rồi hướng dẫn họ mượn hay mua từ các nguồn khác. Google chỉ cho phép đọc toàn bộ các cuốn sách đã hết thời hạn bảo vệ bản quyền. Mặc dù vậy, Hiệp hội tác giả Mỹ vẫn kiện Google vào năm 2005 vì cho rằng Google vi phạm bản quyền; Google phản bác, cho rằng chuyện giới thiệu một số chi tiết cuốn sách hay vài ba trang xem trước trên mạng không vi phạm bản quyền. Sau nhiều năm tranh cãi, đến tháng 10-2008 hai bên đạt được thỏa thuận, trong đó Google đồng ý trả 125 triệu đô-la cho những tác giả các cuốn sách họ đã quét. Thỏa thuận này còn phải được tòa án phê chuẩn mới có hiệu lực, dự kiến vào ngày 7-10-2009.

Thế vì sao có sách của Việt Nam dính vào đây. Trong số trên 7 triệu cuốn sách đã được số hóa có sách của Việt Nam, viết bằng tiếng Việt, do các nhà xuất bản trong nước ấn hành. Đó là do các thư viện hợp tác với Google nói trên có các cuốn sách này trong thư viện. Muốn biết sách của mình có nằm trong số đó không, các tác giả có thể vào trang web nói ở đầu bài, sau một vài thao tác đăng ký đơn giản, sẽ được dẫn đến trang tìm cơ sở dữ liệu để gõ vào tựa sách hay tên tác giả hay nhà xuất bản và sẽ biết ngay kết quả. Ví dụ, gõ vào từ “Trẻ” ở ô nhà xuất bản, kết quả tìm kiếm cho thấy có trên 500 cuốn sách của nhà xuất bản này đã được Google số hóa.

Nếu thấy có sách mình bị Google số hóa, tác giả hay bên nắm bản quyền có thể điền vào mẫu yêu cầu bồi thường trên trang web trước ngày 5-1-2010 để được trả ít nhất là 60 đô-la mỗi cuốn. Sau đó Google sẽ thương mại hóa cuốn sách bằng nhiều cách như bán ở dạng sách điện tử hay quảng cáo kèm nội dung và tác giả sẽ được chia 63% doanh thu. Ở đây, đâu cần có một tổ chức như Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam đứng ra làm trung gian và nhận 20% hoa hồng!

Thế còn những thông tin có vẻ cấp bách như phải quyết định tham gia vụ kiện hay không trước ngày 4-9-2009 là gì? Trong một vụ kiện tập thể, những người có liên quan dù không trực tiếp kiện thường vẫn được xem là thành viên của bên đi kiện và nếu có thỏa thuận hòa giải, mọi người đều phải được hỏi ý kiến. Nếu các tác giả Việt Nam không làm gì cả, điều đó có nghĩa họ vẫn đồng ý tham gia vào việc hòa giải. Cột mốc 4-9-2009 chỉ dành cho những ai phản đối, không muốn tham gia vào cách hòa giải như thế để sau này tự họ có thể kiện Google chơi. Làm gì có chuyện đấy là hạn chót để các tác giả đăng ký tham gia như nhiều phát biểu trong tuần qua!

Nói tóm lại các tác giả Việt Nam hầu như không cần phải làm gì cả, ngoài việc vào xem có sách của mình trong cơ sở dữ liệu của Google hay không để điền mẫu đòi bồi thường hay thậm chí yêu cầu xóa sách mình ra khỏi cơ sở dữ liệu của Google.

Những thông tin như “Google chào giá 400 triệu đô-la/năm bản quyền tác phẩm Việt Nam” là hoàn toàn vô căn cứ hay tuyên bố “Google đã gửi Thông báo pháp lý đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả văn học Việt Nam - tổ chức đại diện quản lý tập thể quyền tác giả, để thương thảo” là không chính xác, gây hiểu nhầm không đáng có. Buồn cười nhất là khẳng định các trang web trong nước có nguy cơ bị Google kiện ngược lại nếu trả thấp hơn mức 60 đô-la mỗi lần số hóa một tác phẩm. Như đã nói ở trên, vụ dàn xếp thỏa thuận này không mang tính độc quyền cho Google đối với các tác phẩm số hóa, khẳng định các chủ trang web khác không được đăng tải các tác phẩm đã “bán” cho Google là một chuyện hiểu nhầm nữa.

Cập nhật: Bài này post lên chậm vì còn đợi bản in trên TBKTSG phát hành sáng nay. Trước đó, tôi có gởi thư cho Ban Điều hành hòa giải, họ cho biết Google không hề liên lạc với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào ở Việt Nam cả. Cũng như các vụ kiện tập thể khác, liên lạc với những người có quyền lợi liên quan là bên Nguyên đơn (tức là những tác giả và nhà xuất bản đi kiện) chứ không phải Bị đơn (tức là Google, nơi bị kiện). Chính luật sư của Nguyên đơn đã liên lạc với các tổ chức ở Việt Nam bao gồm: Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học & kỹ thuật Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Phụ nữ Việt Nam. Họ cho biết họ đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại rất dài với Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam, giải thích mọi thắc mắc về chuyện hòa giải, không biết vì sao Trung tâm này vẫn cứ đưa ra nhiều thông tin sai lạc!

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2009

Vấn đề không nằm ở GDP

Vấn đề không nằm ở GDP

Một trong những nội dung tranh luận giữa đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM và chính quyền thành phố tại cuộc họp kết thúc vào giữa tuần trước là mức độ tăng trưởng GDP của TPHCM: giữ nguyên 10% như kế hoạch cũ hay điều chỉnh giảm xuống.

Khái niệm GDP địa phương là khái niệm dễ gây hiểu nhầm vì việc tính toán chồng lấn, thừa thiếu, rất khó tách bạch. Ví dụ xuất khẩu dầu thô hiện được tính vào kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Hay nhập khẩu thông qua các cảng ở TPHCM nhưng hàng hóa được tiêu thụ khắp cả nước.

Cho nên nếu GDP trên bình diện cả nước liệu có phải là một tiêu chí đánh giá về kinh tế chính xác hay không vẫn còn đang được tranh luận thì con số tăng trưởng GDP của TPHCM càng không có ý nghĩa gì nhiều.

Quan trọng hơn, chính quyền thành phố rất ít có khả năng tác động vào tăng trưởng GDP của thành phố. Khác với ngày xưa khi mỗi quận huyện đều có những doanh nghiệp trực thuộc và thành phố có trong tay hàng loạt doanh nghiệp nhà nước có thể huy động vào việc thực hiện các mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn, ngày nay loại hình doanh nghiệp quận huyện đã không còn tồn tại, các doanh nghiệp quốc doanh lớn phần đông là doanh nghiệp trung ương thì lấy gì để thành phố tác động lên tăng trưởng GDP?

Trong các thành phần cấu thành GDP, tiêu dùng của người dân cũng không nằm trong vòng ảnh hưởng của các chính sách mà thành phố có thể ban hành. Các đợt bán hàng khuyến mãi chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong tổng tiêu dùng. Chi tiêu của chính quyền cũng có giới hạn, không thể có chuyện sử dụng ngân sách thành phố để “kích cầu” như chính quyền trung ương. Đầu tư của doanh nghiệp hay tăng giảm kim ngạch xuất nhập khẩu cũng nằm ngoài vòng cương tỏa của thành phố. Vậy đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho riêng thành phố liệu có ý nghĩa gì chăng?

Thật ra, nêu một con số cụ thể GDP tăng 10% chẳng hạn cũng có ý nghĩa nếu cách tiếp cận vấn đề được nhìn nhận một cách khác hẳn.

Lấy ví dụ chuyện “lô cốt” do đào đường làm các dự án hạ tầng gây ắch tắc giao thông như thế nào, ai cũng đều đã trải nghiệm. Tìm biện pháp hạn chế “lô cốt”, làm cho giao thông thông thoáng chính là thành phố đã góp phần nâng cao mức tăng trưởng GDP một cách rất thiết thực. Hàng hóa có luân chuyển trôi chảy từ thành phố về các tỉnh hay ngược lại thì GDP thành phố mới tăng; cảng có thông quan nhanh, kim ngạch xuất nhập khẩu mới được cải thiện...

Hay ở góc độ doanh nghiệp, nếu thành phố tập trung cải tiến công tác hành chính liên quan đến cấp phép thành lập, triển khai dự án đầu tư, tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động thì đó chính là những nỗ lực làm tăng trưởng GDP hữu hiệu hơn cả.

Hiện nay tư duy về công tác quản lý đô thị đã khác trước nhưng quán tính làm theo cách cũ muốn bao quát mọi chuyện, lo hết mọi chuyện vẫn còn khá phổ biến. Thiết nghĩ chính quyền thành phố nên xác định nhiệm vụ chính yếu của mình là quản lý đô thị sao cho cuộc sống của người dân, trong đó có cả doanh nghiệp, ngày càng tốt lên chứ không phải lo chuyện GDP năm nay phải đạt bao nhiêu phần trăm tăng trưởng. Đó là hệ quả chứ không phải là cứu cánh. Cuộc sống tốt lên đó bao gồm chuyện đường sá, an ninh trật tự, chuyện rác thải, ngập nước, chuyện hành chính, giáo dục... Đến lượt mình, người dân và doanh nghiệp sẽ đóng đúng vai trò của mình trong một môi trường tốt hơn và GDP dù không ai đặt chỉ tiêu cho nó, cũng sẽ tăng trưởng bền vững hơn nhiều lần.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2009

Thong tin sai ve Google va tac quyen

Thông tin sai về vụ Google và tác quyền

Cả tuần qua, báo chí đưa thông tin, trích lời từ Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam với nhiều chi tiết sai lạc. Mọi người nên vào trang web chính thức của vụ kiện để tham khảo, nó có cả tiếng Việt và có phần tóm tắt, phần đầy đủ, phần các câu hỏi thường gặp cũng như hướng dẫn cặn kẽ việc kiểm tra xem tác phẩm của mình có bị số hóa hay không, phải làm gì để nhận bồi thường….

Giữa tuần tôi sẽ post bài về vụ này bởi thấy người ta nói sai một cách đáng buồn, kiểu như:

- Việc các tác giả Việt Nam muốn tìm hiểu tác phẩm của mình đã được Google số hóa hay chưa không phải là điều dễ dàng bởi việc này phải nhờ cậy vào những người giỏi chuyên môn vi tính.

- Google chào giá 400 triệu USD/năm bản quyền tác phẩm Việt Nam.

- Tất cả các xuất bản phẩm Việt Nam sẽ không tồn tại trên bất kỳ cơ sở dữ liệu tìm kiếm nào của Google - trang công cụ tìm kiếm có lượng truy cập lớn nhất thế giới. Đó là một trong số những điều sẽ xảy ra nếu Việt Nam không đạt được thỏa thuận bản quyền với Google sau ngày 4-9-2009.

- Nếu các trang web trong nước không dàn xếp được về bản quyền và không "phá giá" của Google, thì từ sau ngày thỏa thuận với Google có hiệu lực, chủ website sẽ không được phép đăng tải bất kỳ tác phẩm nào của hơn 4.000 tác giả đã bán cho Google.

Vì sao lại đưa thông tin sai lạc như thế trong khi chỉ cần một vài thao tác kiểm chứng là biết ngay người ta nói… chuyện trên trời.

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2009

De thi the la hay?

Đề thi thế là hay?

Cuối tuần rảnh rỗi mới có dịp đọc lại báo trong tuần những mục ngày thường không đủ thời gian để theo dõi và phát hiện các báo khen đề thi đại học môn Văn năm nay là hay và khơi gợi sự sáng tạo ở thí sinh. Tôi lại thấy đề thi môn Văn khối C đã triệt tiêu tính sáng tạo ở những sinh viên tương lai.

Đề thi này có một phần như sau:

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống.

Có thể viết được gì từ đề thi này? Quanh đi quẩn lại cũng là những ý như đáp án (được chia nhỏ ra rất chi ly như phần trong “trong khi thi”, phần “trong cuộc sống”, phần “bài học nhận thức và hành động”): Trung thực trong khi thi dù bị rớt vẫn vinh dự hơn đỗ đạt nhờ gian lận; Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người và là đức tính cần thiết cho cuộc sống, góp phần tích cực thúc đẩy tiến bộ xã hội…

Toàn là những lập luận có thể dự đoán trước – làm gì có chỗ cho sự sáng tạo ở đây. Giả thử một thí sinh mạnh dạn nêu suy nghĩ thật của mình rằng xã hội ngày nay khó sống cho trung thực, rằng các quan chức đang tiến thân nhờ vào bằng giả, học vị giả, nên em đang hoang mang không biết lời nói của Lincoln có ứng nghiệm ở Việt Nam, liệu em này có được điểm cao chăng? Một em khác đặt vấn đề trung thực và môi trường nuôi dưỡng lòng trung thực, liệu em này có lạc đề không?

Tôi nghĩ đề thi ở dạng như trên chỉ đáng dành cho các em thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Đề thi đại học, lại là khối C, cần phải “mở” hẳn, ít nhất là như thế này:

Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Anh/chị suy nghĩ gì về phát biểu này (viết không quá 600 từ).

Nếu đề thi ở dạng này, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để sáng tạo thật sự, có thể viết ở nhiều góc cạnh:

- một tuyên bố về sứ mệnh giáo dục;

- một kỳ vọng không chỉ của phụ huynh mà còn là của người đứng đầu chính phủ, tức là một cam kết về việc thực hiện sứ mệnh giáo dục và chắc chắc đi kèm là các cam kết lớn hơn để nền giáo dục như thế được phát huy;

- sự đánh đổi giữa việc tiến thân bằng mọi giá và lòng danh dự;

- cách hiểu những thông điệp ngầm gián tiếp trong vỏ bọc phát ngôn xoáy vào chuyện cụ thể; lối văn “biền ngẫu”…

Trở lại khả năng một thí sinh “sáng tạo” thật sự và viết ra ngoài các ý nêu trong đáp án nên không được điểm cao, chỉ xin nhắc các giảm khảo một chi tiết: đoạn tiếp theo trong thư của Lincoln ngay sau câu được trích là: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…”

Cập nhật: Nếu đề có một chút nào đó tạm gọi là “mở” thì đáp án do Bộ Giáo dục & Đào tạo đưa ra đã “đóng” hẳn mọi góc cạnh sáng tạo. Đáp án đã phân nhỏ câu hỏi 3 điểm này thành từng ý, mỗi ý 0,5 điểm, rất chi ly và giám khảo chắc sẽ dựa vào những gợi ý này để chấm.

Thiệt tình không thể hiểu nỗi tư duy chấm bài văn như thế. Tại sao lại chấm ý tưởng trong khi lẽ ra phải chấm các yếu tố khác liên quan đến môn Văn mà các em được học 12 năm ở trường. Lẽ ra Bộ chỉ cần đưa ra hướng dẫn chấm, ví dụ, 1 điểm cho ngữ pháp, chính tả, cách diễn đạt; 1 điểm cho tính lô-gích, cách lập luận, cách dẫn dắt và 1 điểm cho tính lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục.

Lấy ví dụ hướng dẫn chấm phần viết luận trong bài thi SAT (một dạng tương tự bài thi tuyển sinh đại học ở Mỹ), không bao giờ người ta chấm ý tưởng (đồng tình hay phản đối một luận đề đưa ra không phải là điều bắt buộc). Người ta chỉ xem thí sinh phát triển một quan điểm có hiệu quả không, có dùng ví dụ minh họa sống động không, cách tổ chức bài viết có chặt chẽ không, bài văn có mạch lạc, ý tưởng có được kết nối thông suốt không, cách dùng từ có sáng tạo không, vốn từ có phong phú không, bài có lỗi ngữ pháp hay chính tả nào không…


Thứ Hai, 6 tháng 7, 2009

Danh gia cua Fitch

Đánh giá của Fitch

Tuần trước, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã giảm mức đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam từ mức BB xuống mức BB-, tín dụng ngoại tệ giữ nguyên mức BB- và triển vọng của cả hai được nâng từ “tiêu cực” lên “ổn định”. Tuy nhiên những phân tích cụ thể của Fitch có một số điểm đáng tham khảo.

Theo Fitch, những vấn đề cấu trúc trong tài chính công của Việt Nam như quy mô nguồn thu ngân sách nhỏ hơn quy mô các khoản chi, nỗ lực của Chính phủ giảm thuế để nâng tính cạnh tranh, nguồn thu ngân sách tương đối phụ thuộc vào giá dầu đang biến động không lường được, đang ảnh hưởng đến việc hãng này đánh giá uy tín tín dụng nội tệ của Việt Nam. Hãng này dự báo tổng thu ngân sách sẽ giảm từ mức 27,6% GDP xuống còn 25,4% và vì thế, thâm hụt ngân sách sẽ tăng mạnh trong năm 2009 lên 9,3% GDP và sẽ ở mức 7,8% GDP trong năm 2010.

Chính vì thế những nỗ lực bán trái phiếu bằng tiền đồng của Việt Nam từ đầu năm đến nay hầu hết đều thất bại. Việc phát hành trái phiếu bằng đô-la tuy sẽ giảm gánh nặng lãi suất trong ngắn hạn nhưng hàm chứa những rủi ro về tỷ giá trong trung hạn.

Fitch dự báo thâm hụt thương mại của Việt Nam giảm đáng kể trong năm 2009, chủ yếu do nền kinh tế nội địa suy giảm và mua sắm của các dự án FDI cũng giảm và do đó, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ giảm mạnh, còn 2,5% GDP. Fitch cho rằng mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên trong năm nay nhưng sẽ ổn định ở mức 24 tỷ đô-la vào cuối năm do Chính phủ phải sử dụng nhiều tiền cho các chương trình kích cầu kinh tế.

Trong phần phân tích tính cạnh tranh, Fitch cho rằng chính sách vĩ mô của Việt Nam nhắm đến tăng trưởng qua việc đặt ra một số chỉ tiêu kinh tế hằng năm có thể làm “trói tay” các chính sách ứng phó mỗi khi có sự mất cân đối, dù từ bên trong hay bên ngoài. Cụ thể hơn, khi đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể thì Ngân hàng Nhà nước khó lòng tiến hành các chính sách tiền tệ phù hợp mang tính đón đầu mà kinh nghiệm phát triển nóng trong năm 2008 là một minh họa.

Cơ chế gắn tiền đồng với đô-la Mỹ cũng gây ra những hạn chế mỗi khi cần điều chỉnh những mất cân đối giữa Việt Nam và nước ngoài. Tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế dù đã giảm mạnh so với mức 41% vào năm 2001 vẫn còn phổ biến. Vì thế bảng cân đối của các ngân hàng chịu rủi ro khi tiền đồng mất giá. Các khoản vay bằng ngoại tệ, chủ yếu phục vụ cho các hoạt động ngoại thương hiện chiếm khoản 20% tổng dư nợ tín dụng.

Về nợ nước ngoài, Fitch cho rằng tổng nợ nước ngoài của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của các nước trong mức xếp hạng BB. Hơn nữa, nợ ngắn hạn chỉ chiếm 7,4% tổng nợ nước ngoài và khu vực nhà nước chiếm đến 77% tổng nợ nước ngoài. Hầu hết nợ nước ngoài của khu vực nhà nước là nợ dài hạn của chính phủ có mức ưu đãi, như thời hạn trả nợ dài, trung bình đến 29 năm và lãi suất thấp, chừng 1,2%.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Chinh sach phai linh hoat

Chính sách phải linh hoạt

Cuối cùng hàng loạt ý kiến lo ngại về chuyện các dự án sân golf tràn lan đang ăn vào những khoảng đất trồng lúa của nông dân đã có kết quả bước đầu. Tại buổi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, cả Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên lẫn Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc đều khẳng định đã kiến nghị với Chính phủ giảm mạnh số lượng dự án đầu tư vào sân golf trên khắp cả nước.

Nói đây chỉ là kết quả bước đầu vì quá trình rút giấy phép các dự án sân golf đã cấp không phải là chuyện đơn giản. Hiện nay Việt Nam có 166 dự án xây dựng sân golf, trong đó 145 dự án đã được cấp đất. Nay, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch-Đầu tư, sẽ chỉ đưa vào quy hoạch 116 sân golf, giảm 50 dự án. Và cũng theo bộ này, tiêu chỉ để xét giữ lại các sân golf là diện tích mỗi dự án không quá 110 hecta, diện tích chiếm đất trồng lúa chất lượng xấu không quá 10 hecta.

Lẽ ra trong vai trò tham mưu cho Chính phủ về quy hoạch đầu tư, Bộ đã phải lên tiếng từ sau tháng 7-2006 khi các tỉnh bắt đầu đua nhau cấp phép cho các dự án sân golf, mà theo nhận định của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phần lớn là trá hình để xây dựng khu dân cư. Phân cấp cho các địa phương cấp phép các dự án đầu tư không có nghĩa Bộ Kế hoạch – Đầu tư không còn nhiệm vụ giám sát, theo dõi xem việc phân cấp như thế dẫn đến những hệ quả xấu như thế nào, cần làm gì để sửa đổi. Thời gian gần ba năm qua là đủ dài để Bộ phải nhiều lần lên tiếng, chứ không cần đợi các đại biểu Quốc hội chất vấn, nhằm cảnh báo về tình hình cấp phép cho các dự án sân golf ở địa phương và kèm theo đó là những kiến nghị sửa đổi quy định sao cho một khe hở của luật pháp không còn bị lợi dụng. Hiện nay đa phần luật lệ là do các bộ ngành soạn thảo, trình Chính phủ để sau đó đưa ra Quốc hội thảo luận, thông qua. Vì thế các bộ ngành cũng phải gánh phần trách nhiệm trình chỉnh sửa ngay chính những luật lệ ấy một khi nhận ra thiếu sót. Bộ Tài nguyên-Môi trường lẽ ra hoàn toàn đủ thẩm quyền để soạn thảo và đề nghị thông qua những quy chế nhằm hạn chế sân golf như cấm chuyển đổi đất trồng lúa nước thành sân golf, chẳng hạn. Suy cho cùng, vấn đề cũng là sự thiếu phối hợp giữa các bộ và tầm nhìn rất hạn hẹp của nhiều địa phương.

Nay thì đã muộn. Thử hình dung, mọi việc sẽ rối đến đâu khi nhà đầu tư đã được địa phương cấp phép, đã được cấp đất – tức bất kể họ có thực sự muốn xây dựng sân golf để kinh doanh hay lợi dụng nó để sử dụng vào việc kinh doanh địa ốc – thì họ cũng đã phát sinh chi phí. Muốn rút giấy phép của họ, Nhà nước ắt phải bồi thường. Lúc đó tiền đóng thuế của người dân lại một lần nữa được sử dụng để khắc phục sai sót của chính quyền địa phương và sự thiếu vắng trách nhiệm của các bộ ngành khác. Và một lần nữa sự hay thay đổi quy định, chính sách của nước ta lại trở thành đề tài than phiền tại các diễn đàn doanh nghiệp!

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2009

Chua ro rang

Chưa rõ ràng

Quốc hội vừa quyết định “miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009 đã giãn cho các đối tượng”. Đây là điều có thể đoán trước vì không còn phương án nào tốt hơn. Xem thêm bài “Miễn hay không miễn” ở đây.

Dù không ở trong ngành thuế nhưng tôi nghĩ nghị quyết của Quốc hội viết như thế là chưa rõ ràng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân có nói rõ, kỳ tính thuế được quy định là kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ kinh doanh; thu nhập từ tiền công, tiền lương…

Nói kỳ tính thuế theo năm là nhằm phân biệt rõ, việc kê khai và nộp thuế theo tháng chỉ là tạm thời, lúc nào người nộp thuế cũng phải kê khai và nộp thuế chính thức theo năm, chứ không phải tính theo tháng. Luật cũng quy định rõ “Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số thu nhập… mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế” (tức là trong năm).

Nay Quốc hội quyết định “miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1-2009 đến hết tháng 6-2009” thì giả thử nơi chi trả thu nhập dồn hết tiền thưởng vào sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm không trả đồng tiền thưởng nào thì cơ quan thuế cũng chịu, không thu được số thuế này. Hoặc giả thử người ta sử dụng cách thức tránh thuế bằng cách hạch toán sao đó cho tiền công, tiền lương chi trả trong sáu tháng đầu năm thật cao; sáu tháng cuối năm thật ít thì cơ quan thuế cũng đành bó tay.

Lẽ ra, để chặt chẽ, nghị quyết Quốc hội phải viết “miễn một nửa số thuế thu nhập cá nhân trong kỳ thuế năm 2009 đã giãn cho các đối tượng” mới chính xác.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, văn bản dưới nghị quyết, dưới luật không chỉ nhằm giải thích mà còn có thể “chỉnh sửa” nghị quyết, luật nên chắc Bộ Tài chính sẽ ra thông tư hướng dẫn theo hướng nói trên. Và như thế có lẽ sẽ có tranh cãi, kiện cáo và sẽ có chuyện soi lại từng chữ Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Khyen mua chung khoan

Khuyên mua chứng khoán?

Tại phiên chất vấn vào cuối tuần trước, có một chi tiết thú vị liên quan đến chứng khoán. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhắc đến lời khuyên mua chứng khoán của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng vào khoảng đầu năm ngoái và nhận xét sau khi Phó Thủ tướng đưa ra lời khuyên như thế thì thị trường chứng khoán xuống “thủng mấy lần đáy”. Ý ông Thuyết muốn nói đến tính chính xác của các dự báo.

Trong phần trả lời, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Tôi mà mua cổ phần là bây giờ tôi thắng rồi”, “Nếu năm ngoái mua thì bây giờ khá đấy, nhưng không có tiền để mua thôi”.

Nếu đưa tin về chuyện này, có thể tra cứu ngày Phó Thủ tướng khuyên mua chứng khoán. Đó là ngày 6/3/2008, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Hùng nói: “Nếu là nhà đầu tư chứng khoán thì lúc này tôi sẽ mua cổ phiếu”.

Chỉ số VNI-Index ngày 6/3/2008 ở mức 611,17 điểm. Ông Hùng trả lời chất vấn vào ngày thứ Bảy, phiên giao dịch sau đó vào ngày thứ Hai 15/6/2009, VN-Index nằm ở mức 493,52 điểm. Không biết với sự chênh lệch của hai con số này thì người mua chứng khoán theo lời khuyên của ông Hùng “thắng” bằng cách nào?

Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề không phải là thắng thua, không phải là dự báo chính xác hay không chính xác. Vấn đề là ở chỗ quan chức nhà nước không nên khuyên người dân theo kiểu đã đến lúc mua vào cổ phiếu. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng từng khuyên “Nếu có tiền tôi cũng mua cổ phiếu vào lúc này” vào cuối tháng 3 năm ngoái. Những lời gợi ý như thế sẽ làm méo mó thị trường vì sẽ tạo ra những tác động gián tiếp lên thị trường. Đó không phải là chức năng của quan chức nhà nước.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Trích nguồn đầy đủ

Trích nguồn đầy đủ

Tin luật sư Lê Công Định bị bắt khẩn cấp lần lượt được các báo đưa lên mạng vào chiều tối thứ Bảy, ngày 13-6. Điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.

Ví dụ, một tin mở đầu như thế này: “Với bí danh "chị Tư", Lê Công Định là một trong những thành viên chủ chốt trong nhóm đối tượng phản động, chống đối hoạt động với mục tiêu lật đổ chế độ trong nước”. Đã đành câu mở tin phải ngắn gọn và tóm lược được nội dung tin nhưng không vì thế mà không trích dẫn nguồn. Tin đó là của ai, ai đưa ra kết luận như thế? Vì sao không thêm một dòng thôi (theo Cơ quan An ninh Điều tra) để làm cho đúng vai trò người đưa tin?

Đây là sai sót nghiệp vụ từng dẫn tới những vụ việc đáng tiếc trong quá khứ, vì sao các bạn phóng viên vẫn mắc phải?

Một bản tin rút tít: “Những hành vi chống chính quyền của Lê Công Định”. Ông Định mới bị bắt có mấy giờ thôi, tòa đã xử đâu mà báo này đã vội kết luận như thế. Nên ghi rõ đó là kết luận của cơ quan điều tra thì người phóng viên mới làm đúng bài bản chứ. Một bản tin khác có tít “Chống phá Nhà nước, chồng cựu hoa hậu Ngọc Khánh bị bắt” vừa mắc phải lỗi trên, vừa mang tính câu khách rẻ tiền.

Một số bản tin thể hiện sự chuyên nghiệp khi từ đầu đến cuối luôn luôn dùng từ “ông Lê Công Định” hay “luật sư Lê Công Định” trong khi nhiều bản tin khác cứ nói trống không “Lê Công Định” “Định” hay “y”… Tại sao người phóng viên cứ phải luôn bị nguồn tin chi phối, thậm chí đến cách xưng hô như vậy?

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Kích cầu dưới góc nhìn WB

Nhằm cung cấp thêm thông tin để các bạn dễ theo dõi bài của Jonathan Pincus ở dưới, xin giới thiệu bài tóm tắt báo cáo của WB.

Kích cầu ở Việt Nam dưới góc nhìn của WB

Trong báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mang tên “Điểm lại” do Ngân hàng Thế giới (WB) biên soạn nhằm phục vụ cho Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tổ chức vào đầu tuần này tại Buôn Ma Thuột, số liệu chỉ được cập nhật đến hết quí 1-2009. Vì thế trong bài này, chúng tôi tập trung nhiều hơn vào các dự báo và khuyến nghị chính sách cho thời gian tới của báo cáo.

Sau khi đánh giá cao những phản ứng nhanh lẹ của Chính phủ trước hai cú sốc kinh tế: tình trạng phát triển quá nóng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và sự suy giảm kinh tế sáu tháng cuối năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, báo cáo đã nêu lên những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đương đầu trong năm 2009 này.

Đầu tiên là tình trạng thất nghiệp mà theo báo cáo “có thể không cao tới mức như nhiều người lo ngại nhưng thực tế mất việc làm đã trở nên phổ biến đối với lao động phổ thông và mang tính thời vụ, trong khi nhiều người lao động tuy có việc làm nhưng thu nhập giảm và không có thu nhập thêm ngoài giờ”.

Báo cáo cho rằng: “Cắt giảm việc làm là tình trạng phổ biến ở các khu công nghiệp giai đoạn cuối năm 2008, đầu năm 2009, song ít khi diễn ra dưới hình thức cho nghỉ việc công khai. Phổ biến hơn là không ký lại hợp đồng và khuyến khích tự nghỉ việc. Lao động thời vụ và lao động có hợp đồng ngắn hạn bị mất việc nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp đã lưu ý những khó khăn trong việc tuân thủ chính sách bảo hiểm xã hội và hệ thống bảo hiểm thất nghiệp mới được áp dụng. Kể cả tại những doanh nghiệp được ghi nhận là đã phục hồi sản xuất, công nhân cũng thường chỉ được tính giờ làm việc bình thường và làm ca, không có làm thêm giờ.

Không có lương làm ngoài giờ khiến công nhân phải cắt giảm chi tiêu, đặc biệt ở TPHCM và các vùng lân cận, do chi phí sinh hoạt cao. Cũng vì lý do này mà tiền gửi về quê cho gia đình cũng bị ảnh hưởng”.

Về cán cân thanh toán, báo cáo nhận định “Kinh tế phục hồi cũng là thời điểm gây áp lực lên cán cân thương mại trong những tháng còn lại của năm khi nhập khẩu ước sẽ gia tăng”. Các tác giả sau khi đưa ra những kịch bản dự báo cho tình hình xuất nhập khẩu, kiều hối và giải ngân FDI đã viết: “Những thông tin về kiều hối, luồng vốn FDI và các biến động về nguồn gốc quốc tế khác không đầy đủ nên rất khó đưa ra được một dự báo đáng tin cậy về cán cân thanh toán.

Tuy nhiên, dựa trên những thông tin đã có, mức thâm hụt tài khoản vãng lai vào khoảng 5% GDP không phải là không có cơ sở. Về tài khoản vốn, bên cạnh dự báo sụt giảm luồng vốn FDI cũng cần nhắc tới dự báo về việc luồng vốn ồ ạt chảy ra cho cả năm. Phần lớn, nếu không phải tất cả luồng vốn chảy ra này đã diễn ra vào đầu năm 2009, khi các nhà đầu tư nước ngoài bán trái phiếu chính phủ và cố gắng chuyển thành tiền các cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán. Với quy mô thị trường tài chính “mỏng manh” của Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cuối cùng đã bán tài sản của họ với giá thấp hơn giá mà họ mua vào ban đầu”.

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, báo cáo nhận xét: “Do chính sách hỗ trợ lãi xuất giai đoạn 1 chủ yếu đi kèm với việc tái cơ cấu nợ nên tổng tín dụng không tăng trưởng nhiều trong quí 1-2009. Các khoản vay theo chính sách này lên đến gần 200.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 3-2009, song tổng nợ xấu của ngân hàng chỉ tăng 6% kể từ cuối năm 2008”.

Báo cáo cho rằng tháng 4-2009, chương trình hỗ trợ lãi suất mở rộng đối tượng vay từ vốn lưu động sang vốn đầu tư và thời hạn dài hơn, từ chín tháng tăng lên hai năm. Tính hợp lý của chương trình hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2 này làm nhiều người băn khoăn hơn. Tín dụng ngân hàng đến lúc đó vẫn luân chuyển tốt.

Điều quan trọng hơn là hỗ trợ lãi suất có nhiều điểm giống như chức năng “cho vay chính sách” vốn đã bị các ngân hàng thương mại hủy bỏ và chuyển sang những ngân hàng chuyên biệt cách đây vài năm, như một phần trong nỗ lực cải cách ngành tài chính ngân hàng.

Cho vay chính sách rất dễ bị thiên vị, có thể làm cho việc phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả và cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng danh mục đầu tư của ngân hàng. Vì thế, báo cáo kết luận: “Cơ chế hỗ trợ lãi xuất vay vốn tín dụng dù đã có tác dụng thiết thực trong giai đoạn đầu của chính sách kích cầu nhưng giờ đây cũng gây nhiều quan ngại khi cơ chế này có thể làm nảy sinh tình trạng thiếu hiệu quả cho vay chính sách trong điều kiện lưu chuyển tín dụng của hệ thống ngân hàng đã được khai thông trở lại”.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2 cho đến nay đã làm cho tổng phương tiện thanh toán tăng nhanh. Các tác giả dự báo, “Vì tổng phương tiện thanh toán lại tăng trở lại, và giá cả hàng hóa hầu như cũng đã chạm đáy, nên lạm phát sẽ có thể tăng trở lại vào sáu tháng cuối năm 2009”.

Phần có nhiều thông tin nhất của báo cáo tập trung vào chính sách kích cầu của Việt Nam với quy mô hàng đầu so với các nước trong khu vực.

“Do 143.000 tỉ đồng lên đến gần 8,7% GDP dự kiến đạt được trong năm 2009, kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm cho nhiều người băn khoăn. Cộng thêm 8,7% GDP này vào với mức thâm hụt ngân sách tổng thể 8,3% đồng nghĩa với việc kế hoạch ngân sách đã phê duyệt trong năm 2008 sẽ bị thâm hụt 17% GDP.

Nếu điều này xảy ra, gói kích cầu của Việt Nam sẽ khác hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy cần phải làm rõ những nội dung nào đã được phê chuẩn, những gì còn đang được các bộ, ngành và Quốc hội cân nhắc, và hàm ý về nhu cầu tài chính của các quyết sách sẽ được đưa ra trong vài tuần tới là gì”.

Báo cáo nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý về gói kích cầu này: “Thứ nhất, “kế hoạch 143.000 tỉ đồng” có nhiều nội dung trùng lắp. Một số mục được liệt kê cả trong gói kích cầu đợt 1; một số biện pháp khác xuất hiện cả trong kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt vào cuối năm 2008. Thứ hai, “kế hoạch 143.000 tỉ đồng” đã trộn lẫn các biện pháp làm giảm số thu thuế với các biện pháp nhằm huy động thêm nguồn lực.

Mặc dù tính hai nhóm biện pháp đầu vào thâm hụt ngân sách là hợp lý, song nhóm biện pháp thứ ba lại là một mục cấp tài chính chứ không phải là nguyên nhân gây tăng thâm hụt. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là một số biện pháp đưa vào trong kế hoạch 143.000 tỉ đồng chắc chắn sẽ gây tổn thất cho xã hội, song việc chi phí đó rơi vào ngân sách lại hoàn toàn không rõ ràng”.

Vì thế, báo cáo cho rằng: “Gói kích cầu 143.000 tỉ đồng hiện đang được xin ý kiến Quốc hội có thể đẩy thâm hụt ngân sách tới mức không đủ đáp ứng về nguồn vốn trong bối cảnh hiện nay”.Vấn đề thực sự cần giải quyết tại thời điểm này là: gói kích cầu bao nhiêu là đủ, và làm thế nào để có nguồn lực cho nó. Đây không phải là chuyện nhỏ.

Vào thời điểm đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt, và giai đoạn lạm phát thấp và thị trường tiền tệ suy thoái sắp chấm dứt, thì một mức thâm hụt ngân sách quá lớn là không thể biện hộ được. Khi thị trường còn chưa có gì chắc chắn, một gói kích cầu thiếu nguồn tài chính đầy đủ có thể mang lại kết quả ngược với mong đợi. Vì tất cả những lý do đó, các biện pháp được đề xuất trong “kế hoạch 143.000 tỉ đồng” vẫn đang chờ phê duyệt cần phải được cân nhắc một cách thận trọng, các tác giả khuyến cáo.

Bài đăng phổ biến