Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2009

Khong the ap dat gia tri van hoa

Không thể áp đặt giá trị văn hóa

Nguyễn Vạn Phú

Thật bất ngờ khi đọc ý kiến của GS Lê Ngọc Trà rằng “Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa” nêu trong bài “Tuổi trẻ: Giàu thông tin, nhưng còn bản lĩnh?” đăng trên tạp chí Người Đô Thị số 45 (từ 25-3 đến 9-4).

Để tránh lỗi trích dẫn ngoài văn cảnh, xin nói rõ bối cảnh của tuyên bố này. Đây là một bài ở dạng trò chuyện giữa hai nhà văn hóa - Nhà văn Nguyên Ngọc và GS Lê Ngọc Trà, trong đó hai ông bày tỏ những suy tư, khắc khoải về bản lĩnh của thế hệ trẻ hôm nay. Câu trên nằm trong phần mang tiểu đề “Dân chủ, cần bản lĩnh từ cả hai phía” và GS Trà, sau khi trích dẫn lời nói của cựu tổng thống Nam Phi Mandela (Chúng ta mới giành được quyền để tự do. Các bệnh của dân tộc vẫn còn nguyên xi) đã khẳng định: “Suy nghĩ về dân tộc phải suy nghĩ tới mức như vậy. Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa. Bởi lớp trẻ có thể biết nhiều, thông minh, song, một khi phần con người nhân văn nó chông chênh, rất nguy hiểm”.

Như vậy ý của GS Trà là rất tốt đẹp, muốn dùng những điều được cho là cao đẹp nhất của văn hóa nước nhà để bổ sung cho giới trẻ những phẩm chất cần thiết bên cạnh tri thức như sự hướng thiện, khao khát lý tưởng để hình thành bản lĩnh…

Tuy nhiên, điều bất ngờ là một nhà nghiên cứu văn hóa lại muốn dùng cách thức áp đặt giá trị văn hóa lên một tầng lớp dân cư, cụ thể ở đây là giới trẻ.

Văn hóa, tự thân nó, không thể phân loại thành văn hóa xấu hay tốt, nó chỉ phù hợp hay không phù hợp với bối cảnh xã hội chung quanh, với con đường phát triển đang diễn ra của xã hội. Văn hóa thường được hiểu là những giá trị, thái độ và hành vi giao tiếp được đa số thành viên của một nhóm người cùng chia sẻ và phân định nhóm này với nhóm khác. Ngày xưa ông cha chúng ta nhuộm răng (có lẽ vì lý do thẩm mỹ) nên lúc đó nhuộm răng là một nét văn hóa phù hợp vào thời đại đó. Chắc chắc bây giờ không ai áp đặt chuyện nhuộm răng cho người khác được, đơn giản vì nó không được mọi người chung quanh chấp nhận và chia sẻ.

Xung đột văn hóa thường xảy ra vì con người có xu hướng xem những giá trị văn hóa của mình là phổ quát, là tốt đẹp nhất nên muốn áp đặt những giá trị này cho những nhóm người khác. Chuyện này đã quá rõ trên bình diện dân tộc hay địa phương và là đầu mối cho nhiều cuộc xung đột hiện đang diễn ra khắp thế giới nhưng chúng ta đừng quên nó cũng xảy ra trên bình diện tuổi tác và là hố sâu ngăn cách các thế hệ. Người lớn tuổi thường chia sẻ với nhau những giá trị mà họ cho là cần thiết và muốn giới trẻ phải tuân theo những giá trị này. Xung đột giá trị kiểu đó giữa các thế hệ xảy ra thường xuyên nhưng có lẽ chúng ta chỉ nghe chiều áp đặt từ người lớn lên tuổi trẻ, chứ hiếm khi nghe ngược lại. Đó cũng là một đặc tính văn hóa của người châu Á khi luôn phải tôn trọng ý kiến người lớn tuổi hơn mình.

Bây giờ chúng ta thử xem một loại giá trị thường được áp đặt lên giới trẻ coi chúng có phù hợp với mong muốn phát triển đất nước hay không. Người lớn thường muốn bọn trẻ gọi dạ bảo vâng, gặp người lớn phải khoanh tay cúi đầu chào. Chính cái cách khuôn rèn như thế càng tô đậm đặc tính trọng quyền ở người Á đông, làm thui chột sự chủ động sáng tạo, óc suy nghĩ độc lập, sự phản biện cần thiết từ trong gia đình, đến trường học và cả cuộc đời. Chính GS Trà cũng nói trong bài viết: “Tôi nghĩ, không phải cái gì người lớn áp đặt cũng được tuổi trẻ chấp nhận cả đâu”.

Thế nhưng câu nói “Phải có cuộc cải tạo dân tộc bằng văn hóa” lại đi ngược tinh thần đó, không chỉ áp đặt những điều người lớn cho là tốt đẹp lên giới trẻ mà hình như còn muốn dùng văn hóa làm vũ khí thay đổi cả dân tộc. Bởi không ai có thể xem giá trị văn hóa của mình là tốt nhất, cách suy nghĩ dùng cái mình nghĩ là chuẩn mực để áp lên cả cộng đồng là một sai lầm từng diễn ra trong quá khứ như cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.

Chẳng hạn, người dân Huế thường bị chê trách là không chịu tiêu tiền, thói quen dè xẻn tiện tặng vì cuộc sống gian khó của người dân đã làm cho kinh tế vùng này không phát triển được. Nhưng đố có ai áp đặt văn hóa tiêu dùng lên người dân ở đây. Trừ phi chỉ ra cho họ thấy cái thói quen tiêu dùng ấy đang cản trở họ như thế nào.

Đúng là có những giá trị văn hóa không phù hợp với xã hội, dần dần sẽ bị loại bỏ và vai trò của nhà văn hóa trong việc thúc đẩy sự sàng lọc này để nó diễn ra với tốc độ nhanh hơn là cần thiết. Nhưng chính môi trường xã hội mới là chất xúc tác tạo ra sự thay đổi nhanh chóng nhất, chứ không phải là ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Ví dụ, doanh nghiệp hiện chấp nhận hối lộ như một phần của công việc kinh doanh vì họ không thể nào làm khác. Phải tạo ra cơ chế trong đó việc hối lộ không đem lại lợi lộc gì cho doanh nghiệp mới phá bỏ được thói quen này. Hay giới trẻ ngày nay thụ động, không biết bày tỏ suy nghĩ. Phải tạo ra những chuẩn mực đánh giá giá trị mới trong đó sự chủ động được tôn trọng, được đánh giá cao, chứ không phải là sự nghe lời, dễ bảo, tự khắc sẽ có sự chuyển biến trong giới trẻ.

Hiểu theo nghĩa đó, GS Trà lại đi ngược quy luật khi nhận định: “Văn hóa chính là cái phanh. Đất nước đang tăng tốc phát triển, chính lúc này lại cần cái phanh văn hóa để xã hội không lệch lạc”. Xã hội phát triển, văn hóa phải thay đổi theo còn nếu không thay đổi, nó sẽ là cái phanh “kiềm hãm” sự phát triển này chứ không phải là ngược lại. Những thái độ như khó hợp tác, cạnh tranh bất chính, dựa vào quan hệ chính trị cần phải thay đổi mới mong phát triển đúng nghĩa và một khi phát triển theo đúng nghĩa của từ này, những giá trị được xem là tốt đẹp như sự hướng thiện, tính nhân văn vẫn còn đó chứ không mất đi đâu cả.

 

Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Mui ten ban nhieu con chim

Mũi tên bắn nhiều con chim

Nguyễn Vạn Phú

Chính sách kinh tế của Mỹ đã chuyển giai đoạn: từ chỗ chống khủng hoảng nay chuyển sang chống suy thoái và chuẩn bị cho việc phục hồi, kể cả giải quyết những vấn đề nan giải như thâm hụt mậu dịch và nợ nần.

Vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ là sau một năm khủng hoảng tài chính, hệ thống ngân hàng nước này không chịu cho vay ra nữa, nhất là trong bối cảnh lãi suất liên tục giảm mạnh. Khi nền kinh tế không có tiền để hoạt động, sản xuất sẽ bị thu hẹp, số lượng công nhân thất nghiệp ngày càng tăng cao. Mất việc hay đối diện với viễn cảnh thất nghiệp, người dân không chi tiêu nhiều như trước nữa và càng làm trầm trọng tình hình. Tất cả các số liệu về kinh tế Mỹ đều xoay quanh minh họa cho hiện tượng này.

Các gói kích cầu trị giá hàng trăm tỷ đô-la từ chính phủ Mỹ nhằm giải quyết hai vấn đề: ngăn ngừa khủng hoảng tài chính lan rộng bằng cách rót tiền vào các định chế tài chính (biện pháp mua lại khoảng 1.000 tỷ đô-la tài sản xấu từ các ngân hàng cũng nằm ở dạng này) và bơm tiền vào lưu thông để khởi động lại sản xuất hay tiêu dùng. Mặc dù những chính sách tài khóa như thế phải thông qua Quốc hội Mỹ đầy gian truân, chúng chỉ có tác dụng không làm các ngân hàng sụp đổ chứ các khoản tiền bơm vào lưu thông bị chính các ngân hàng giữ lại.

Vì thế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải áp dụng biện pháp mạnh vào giữa tuần trước: mua lại trái phiếu chính phủ. Thông thường chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng tín dụng sẽ được triển khai bằng biện pháp cắt giảm lãi suất; sau đó Fed thông qua thị trường mở sẽ chủ động đẩy lãi suất thương mại xuống đến mức mong muốn. Nay khi lãi suất cơ bản quay về mức gần bằng 0%, Fed không còn có thể cắt giảm lãi suất được nữa nên phải dùng biện pháp phi chính thống. Theo tính toán của Goldman Sachs, để đạt mức tương đương cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm (biện pháp chính thống) thì Fed phải mua vào chừng 1 ngàn đến 1,6 ngàn tỷ đô-la (biện pháp phi chính thống).

Các nhà phân tích cho rằng mua lại trái phiếu chính phủ là một chính sách có những phản ứng phụ khá nguy hiểm. Trước hết, nó xóa nhòa ranh giới giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vì trong tương lai Fed phải bán ra các trái phiếu định mua để thu tiền về. Giả thử bây giờ Fed mua trái phiếu với lãi suất 2,5%. Vài năm nữa nếu lãi suất tăng lên 5 hay 6% thì giá các trái phiếu sẽ giảm mạnh. Bán ra nhưng thu về không đủ thì Fed phải bán tài sản khác và có khả năng phải lấy tài sản của bên Bộ Tài chính – tức là thò tay qua bên tài khóa. Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm ngoái, tính toán và giả định nếu Fed mua 1.000 tỷ đô-la trái phiếu 10 năm với lãi suất 2,5% và sau này phải bán chúng khi lợi suất đáo hạn lên trên 5% thì sẽ lỗ chừng 200 tỷ đô-la.

Trong ngắn hạn, người ta hiểu mua trái phiếu có nghĩa Fed phải nâng gấp đôi trị giá bảng cân đối tài sản của mình, có nghĩa phải tạo ra tiền với tốc độ chóng mặt. Chắc chắn trị giá đồng đô-la vì thế sẽ giảm sút, trong thực tế đã giảm đến 5% chỉ trong một ngày. Các phản ứng khác của thị trường như giá vàng tăng là tác động đương nhiên trong tình hình đó.

Tuy nhiên, về dài hạn, các chính sách hiện nay của Mỹ lại có tác dụng giải quyết sự mất cân đối của nền kinh tế nước này. Nhiều năm nay Mỹ vay tiền của cả thế giới về tiêu, cái hay là vay chính bằng đồng đô-la. (Ở nước khác như Thái Lan trong năm 1997, khủng hoảng nổ ra, các khoản nợ vay bằng ngoại tệ bỗng tăng vọt vì đồng baht mất giá). Nay nếu đồng đô-la mất giá thì Mỹ nhẹ bớt gánh nặng nợ nần, mất giá bao nhiều phần trăm, nợ giảm bấy nhiêu phần trăm. Nó cũng buộc nước Mỹ phải giảm bớt thâm hụt mậu dịch nếu không muốn rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.

Dĩ nhiên, ở đây có nguy cơ cả thế giới bán tống bán tháo các khoản nợ tính bằng đô-la thì nước Mỹ sẽ phá sản hay ít nhất các khoản trái phiếu chính phủ sẽ phát hành không ai chịu mua, trừ phi lãi suất thật cao. Chính vì thế, động thái mua lại trái phiếu của Fed trước mắt làm giá trái phiếu tăng trên thị trường, làm an tâm những người đầu tư vào trái phiếu và trấn an những chính phủ có dự trữ ngoại hối lớn ở dạng trái phiếu chính phủ Mỹ như Trung Quốc. Và trong thời gian tới Fed sẽ phải cân đối giữa hai lực kéo này: giảm giá đồng đô-la nhưng không đến mức tác động lên lạm phát.

Cập nhật: Tôi gõ nhầm 1.000 tỷ thành 1 tỷ (đã sửa).  

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2009

Ke dot chay pho Wall

Kẻ đốt cháy phố Wall

Quốc Học

Nói cho chính xác, David Li không đốt cháy phố Wall – anh ta chỉ cung cấp diêm cho người khác đốt.

Cách đây một năm, viễn tượng David Li có ngày sẽ nhận được giải Nobel kinh tế không phải là chuyện hoang đường. Một chuyên gia toán kinh tế với bằng tiến sĩ trong lãnh vực thống kê, David Li nổi tiếng trong giới tài chính nhờ một công thức giúp lập mô hình tính toán rủi ro và định giá chứng khoán. Công thức của anh được phổ biến rộng rãi, là chỗ dựa cho giới tài chính nhào nặn đủ loại chứng khoán phái sinh và là đầu mối gây nên sự sụp đổ của thị trường tài chính thế giới trong thời gian qua. Tuy nhiên Harry Panjer, giáo sư cũ của David Li tại Đại học Waterloo nhận xét: “Nói David làm sụp đổ thị trường thì cũng chẳng khác nào trách Einstein gây ra thảm họa Hiroshima. Anh ta không chịu trách nhiệm cho thế giới tài chính. Anh ta chỉ viết một bài báo”.

*                      *                      *

David Li sinh trưởng ở một vùng quê Trung Quốc, tên thật là Xiang Lin Li. Lúc nhỏ anh học giỏi toán và sau khi lấy bằng thạc sĩ kinh tế ở trường đại học Nankai, anh dành được học bổng đi du học ở Canada. Đầu tiên anh lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở Đại học Laval vào năm 1991 rồi sau đó thêm một bằng thạc sĩ về định giá trong ngành bảo hiểm và bằng tiến sĩ thống kê tại Đại học Waterloo. Năm 1997 anh vào làm cho Ngân hàng Thương mại Hoàng Gia Canada và sau đó chuyển sang làm cho Barclays Capital, với nhiệm vụ xây dựng lại nhóm chuyên gia phân tích định lượng.

Đó cũng là thời điểm bùng nổ xu hướng tuyển dụng các chuyên gia toán học, xác suất thống kê và vật lý vào phân tích, xây dựng mô hình định giá tại các công ty tài chính, chứng khoán. Giới học thuật không thể cưỡng nổi mức lương hàng triệu đô-la nên đổ dồn về Wall Street làm việc.

Năm 2000, khi đang làm cho JPMorgan Chase, David Li cho đăng một bài báo trên tạp chí chuyên ngành mang tựa đề: “Về tương quan vi ước: Cách tiếp cận hàm phối ngẫu”. Mọi chuyện bắt đầu từ đó.

*                      *                      *

 

Trái phiếu về bản chất là một tờ giấy nợ. Nhưng để sẵn lòng mua tờ giấy nợ như thế, người ta phải đánh giá được rủi ro người phát hành “chạy làng” xù nợ - tức là vi ước. Dân đầu tư không sợ rủi ro vì gắn với độ rủi ro cao thì mức lãi phải lớn tương ứng. Họ rất khoái khái niệm xác suất; ví dụ nếu trái phiếu có 1% xác suất vi ước, họ chỉ cần tăng lãi suất lên thêm 2% thì vẫn yên tâm. Từng trái phiếu riêng rẽ, việc tính toán rủi ro tương đối không có gì phức tạp lắm. Nhưng nếu trong danh mục đầu tư có hàng trăm hay hàng ngàn trái phiếu đủ loại, từ thế chấp mua nhà, mua xe đến trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ phải tìm cách đánh giá rủi ro trong tương quan giữa các loại trái phiếu như thế.

Để hiểu được quy mô vấn đề, hãy hình dung tình huống sau: Có một em bé tiểu học tên Alice. Xác suất cha mẹ em sẽ ly dị là 5%; rủi ro em bị chấy trên đầu là 5%; khả năng em chứng kiến một cô giáo bị trượt vỏ chuối cũng 5% và cuối cùng chuyện em thắng giải nhất trong cuộc thi đố vui để học cũng là 5%. Giả dụ nhà đầu tư mua bán trái phiếu dựa vào các xác suất này thì họ sẽ định giá chúng gần gần như nhau.

Nhưng giả định tiếp ngồi cạnh Alice là Britney. Nếu cha mẹ Britney ly dị thì xác suất cha mẹ Alice ly dị là bao nhiêu – vẫn 5% như trước. Mối tương quan giữa hai chuyện này là gần bằng không. Nhưng nếu Britney bị chấy, rủi ro Alice cũng bị chấy tăng cao hơn nhiều, khoảng 50% - có nghĩa mối tương quan đã tăng lên mức 0,5. Nếu Britney chứng kiến cô giáo bị trượt vỏ chuối thì khả năng Alice cũng thấy chuyện đó tăng lên rất cao vì hai em ngồi gần nhau, có thể lên đến 95% - tức tương quan gần bằng 1. Còn nếu Britney đã thắng giải nhất rồi, Alice hầu như khó lòng được giải duy nhất này nữa và ở đây tương quan là -1.

Thử tưởng tượng nhà đầu tư mua bán trái phiếu với hàng triệu thông số, hàng triệu khả năng xảy ra hay không xảy ra, hàng loạt tương quan chằng chịt, họ sẽ bó tay không thể nào định giá chính xác.

*                      *                      *

Bài báo “Về tương quan vi ước: Cách tiếp cận hàm phối ngẫu” của David Li xuất hiện như một vị cứu tinh. Bằng cách sử dụng những phép toán đơn giản (đơn giản theo nghĩa phố Wall!), David Li đã tìm ra công thức tính toán tương quan vi ước và nhờ đó lập được mô hình định giá cho mọi trái phiếu mua bán trên thị trường. Cho dù nó được khen ngợi là đơn giản đến tuyệt vời, người thường như chúng ta khó lòng hiểu hết công thức của Li. Chỉ biết rằng nó dựa vào công cụ gọi là “Hoán đổi vi ước tín dụng” và đẩy mạnh sự sinh sôi của công cụ tài chính này (gọi tắt là CDS). Cái này thì tương đối dễ hiểu.

Nhà đầu tư có hai lựa chọn: hoặc là cho vay trực tiếp (tức mua trái phiếu) hay bán “Hoán đổi vi ước tín dụng” (tức là bán bảo hiểm phòng ngừa những người đi vay xù nợ). Cả hai cách đều đem lại dòng tiền đều đặn: hoặc lãi suất từ trái phiếu hay bảo phí từ hợp đồng bảo hiểm chúng. Cả hai đều sẽ gây thua lỗ nặng nề nếu người vay phá sản. Nhưng khác với trái phiếu chỉ phát hành theo nhu cầu, loại hợp đồng hoán đổi vi ước tín dụng có thể sản sinh bao nhiêu cũng được, miễn sao chúng dựa vào trái phiếu theo kiểu cá cược.

Trang bị công thức của David Li, thị trường tài chính hăm hở lao vào sản xuất đại trà các CDS. Cuối năm 2001, dư nợ CDS chỉ ở mức 920 tỷ đô-la; đến cuối năm 2007, con số này nở rộ lên mức kinh khủng: 62 ngàn tỷ đô-la, một mức tăng 6.700% chỉ trong vòng 6 năm Bên trong cơn bùng nổ này chính là công thức “Hàm phối ngẫu Gaussian” của Li vì áp dụng nó vào đâu cũng được. Điều đáng ghi nhận là bản thân Li không nhận đồng xu nào từ công thức được sử dụng rộng rãi của mình mà chỉ là danh tiếng như cồn trong giới tài chính.

*                      *                      *

Mọi chuyện ổn thỏa khi thị trường phát triển theo đúng mô hình mà David Li hình dung. Và đó chính là gót chân Asin của công thức này. Cách tiếp cận của anh không dành chỗ cho những biến cố bất thường. Mối tương quan tưởng đâu có thể tính toán được lại hoàn toàn sụp đổ khi thị trường địa ốc của Mỹ đóng băng. Khi càng có nhiều người vay tiền mua nhà bội ước, không trả nợ được nữa, thị trường CDS bùng cháy và tiêu tan trong nháy mắt. Mọi chuyện sau đó diễn ra như những gì chúng ta đã chứng kiến.

Bây giờ nhìn lại, đã có không hiếm lời cảnh báo từ giới học thuật về chuyện áp dụng công thức của David Li một cách mù quáng. Nhưng lúc đó, không ai chịu nghe vì giới quản lý không đủ kiến thức toán học để hiểu hết ý nghĩa của công thức, lại không đủ can đảm từ chối những món lời khổng lồ. Ở đây chính lời tiên đoán của Nassim Taleb, tác giả cuốn Thiên Nga Đen là chính xác hơn hết. Công thức của Li đã triệt tiêu rủi ro trong 99% nhưng vẫn còn 1% ở đó. Chính 1% này đã phá vỡ bức màn toán học phô bày lòng tham của giới tài chính muốn tự đánh lừa mình bằng công thức. Taleb nói: “Người ta cứ hăm hở về hàm phối ngẫu Gaussian bởi sự tinh tế toán học của nó. Nhưng bất cứ thứ gì dựa vào tương quan [trong xác suất để định giá trái phiếu] là đồ lang băm”. Ngay chính David Li, trong một bài trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal năm 2005 đã cảnh báo: “Rất ít người hiểu được cái tinh túy của mô hình này”, “Thật là nguy hiểm khi người ta hoàn toàn tin vào kết quả từ nó”.

Thật ra David Li không đáng trách. Anh ta chỉ phát minh ra một mô hình tính toán. Cái đánh trách là người sử dụng nó một cách mù quáng để kiếm tiền. David Li hầu như không lên tiếng sau khi khủng hoảng tài chính bùng nổ. Anh cũng không còn ở Mỹ. Năm ngoái anh đã dọn về Bắc Kinh, Trung Quốc, làm trưởng phòng quản lý rủi ro cho tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Hoa và cho đến nay vẫn giữ im lặng.

(Theo tạp chí Wired và báo chí Canada)

 

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Thieu thong tin

Thiếu thông tin

Nguyễn Vạn Phú

Chỉ tính từ đầu năm 2009 đến nay, lãnh đạo các nước đã liên tục gởi nhiều thông điệp tới người dân nước họ để nhận định tình hình, giải thích chính sách, bày tỏ suy nghĩ hay đơn thuần là cung cấp thông tin trực tiếp cho người dân.

Lấy ví dụ gần đây nhất, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuần trước cho biết Trung Quốc đang theo dõi tình hình kinh tế của Mỹ rất sát sao vì hiện nay Mỹ là con nợ lớn nhất của Trung Quốc.   “Tổng thống Obama và chính phủ của ông đã thông qua một loạt các biện pháp để đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính. Chúng tôi kỳ vọng vào hiệu quả của những biện pháp này. Chúng tôi đã cho Hoa Kỳ vay một khoản tiền lớn. Dĩ nhiên chúng tôi quan ngại về sự an toàn cho tài sản của chúng tôi. Thiệt tình mà nói là tôi hơi lo”.

Có thể tổng hợp liệt kê hàng loạt phát biểu như thế của lãnh đạo nhiều nước trong vòng hơn hai tháng qua, những phát biểu mà người dân nước họ cần nghe, cần biết trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang lan rộng và tác động sâu sắc đến mọi người. Dĩ nhiên, không phải đây là những diễn văn đọc trước toàn dân; nó là những phát biểu tại các cuộc họp báo, trả lời phỏng vấn hay thậm chí nằm trong diễn văn đọc tại một dịp lễ nào đó chỉ liên quan đến một ngành, một địa phương cụ thể. Với sức lan tỏa của truyền thông, các chính khách luôn biết biến những dịp như thế để gởi thông điệp cần gởi đến người dân.

Ở Việt Nam, những thông tin như thế còn rất thiếu vắng, nếu có thì cũng không đầy đủ, không trở thành một phần của kế hoạch truyền thông công chúng.

Từ góc độ người dân sống trong thời khủng hoảng kinh tế, chúng ta đang rất muốn biết những gì Chính phủ đang làm và sẽ làm để đưa đất nước vượt qua khó khăn. Giả dụ, chúng ta muốn biết Quốc hội sẽ quyết định như thế nào về việc giãn thu thuế thu nhập cá nhân trong năm tháng đầu năm. Dĩ nhiên, Quốc hội chưa họp thì không thể quyết định nhưng Chính phủ, trong vai trò điều hành kinh tế, phải nói rõ chủ kiến của mình, sẽ trình phương án nào cho Quốc hội, sẽ thuyết phục đại biểu Quốc hội bỏ phiếu theo hướng nào.  Là người làm công ăn lương, chúng ta cũng rất muốn biết bên cạnh các khoản tiền rót trực tiếp cho doanh nghiệp nhằm kích thích kinh tế, Chính phủ sẽ làm gì đối với hướng kích cầu thật sự, tức là nâng sức mua của người dân. Năm ngoái quyết định giãn, giảm đầu tư công để chống lạm phát thế thì năm nay sẽ như thế nào.

Ở bình diện ngành hay địa phương người dân cũng cần những thông điệp cụ thể, rõ ràng từ người lãnh đạo; như ngành giáo dục sẽ được cải tổ theo hướng nào chứ không phải những thông tin “trái tai” như bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi! Người dân TP Hồ Chí Minh chẳng hạn, rất muốn biết lãnh đạo thành phố sẽ làm gì để tổ chức việc thi công tại các “lô cốt” khoa học hơn, nhanh hơn và ít bầy hầy hơn.

Truyền thông giữa bộ máy công quyền và người dân là một khoa học, cần sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia về nhiều lãnh vực. Và dường như trong dòng xoáy họp hành, chỉ đạo, lãnh đạo các cấp ở nước ta bỏ quên hoạt động này. Những năm trước, báo chí còn đăng tải khá nhiều phỏng vấn các lãnh đạo đương chức, thỉnh thoảng xuất hiện và tạo được mối dây liên hệ giữa bộ máy hành chính và người dân. Hai năm gần đây, loại hình phỏng vấn này hầu như vắng bóng. Dường như hoạt động này chỉ còn giới hạn vào buổi họp báo của Chính phủ sau mỗi phiên họp thường kỳ hằng tháng.

Đó là nói về sự chủ động đưa thông tin đến người dân như một trong những biện pháp điều hành bộ máy nhà nước – sử dụng chính người dân đã được trang bị thông tin để giúp giám sát hoạt động của bộ máy hành chính bên dưới. Lợi ích của sự chủ động này là rất rõ - ví dụ nếu trước khi Chính phủ triển khai chương trình hỗ trợ tiền cho người nghèo nhân dịp tết, một thành viên Chính phủ công khai chương trình, hướng dẫn rõ ràng tiêu chí, số tiền, ý nghĩa, mục đích… chắc chắn số trường hợp ăn chặn tiền này đã giảm bớt được nhiều.

Còn nói về nghĩa vụ công khai thông tin như một yêu cầu của một bộ máy hành chính minh bạch, có tính giải trình, người dân có quyền biết hiện nay ngân sách đang được chi tiêu như thế nào cho những chương trình kích cầu trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng. Khi báo chí đặt vấn đề trên 93.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân trong tháng 2-2009, nhưng dư nợ tháng này chỉ tăng 0,23% thì Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm giải trình cho người dân biết vì sao như thế, liệu tiền hỗ trợ bù lãi suất từ ngân sách, tức từ tiền đóng thuế của người dân có đang bị lợi dụng vào những mục đích khác, không phục vụ cho chính sách kích cầu.

Xét cho cùng, hoạt động của nhà nước phải dựa vào việc người dân muốn gì chứ không phải nhà nước muốn gì và chiến lược thực hiện ý muốn của người dân như thế phải được phản hồi trở lại mới thực hiện được nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.

 

   

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Vu khi moi cua FED

Vũ khí mới của FED

Khi lãi suất cơ bản giảm gần 0%, có cách nào để giảm thêm nữa không?

Đó là bài toán đặt ra cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi lãi suất cơ bản của Mỹ hiện ở mức 0%-0,25% và họ phải tìm cách hạ thêm chi phí vay vốn nhằm giúp phục hồi kinh tế. Vũ khí giảm lãi suất hiện đã hết tác dụng. Vì vậy, kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày vào giữa tuần này, FED đã làm thị trường ngạc nhiên bằng một vũ khí mới: mua trái phiếu dài hạn. FED cho biết trong sáu tháng tới họ sẽ mua về khoản 300 tỷ đô-la trái phiếu chính phủ đã phát hành kèm thêm việc mua vào khoảng 750 tỷ chứng khoán được bảo chứng bằng địa ốc.

Ngay lập tức, giá trái phiếu trên thị trường tăng và lợi suất (yield) của chúng giảm mạnh. Bình thường khi FED giảm lãi suất, giá trái phiếu sẽ tăng; nay không giảm lãi suất mà giá trái phiếu vẫn tăng, tức là vũ khí mới của FED đã có tác dụng. Tác động của tuyên bố này cũng làm đồng đô-la sụt giá so với các đồng tiền khác và giá vàng tăng vọt trong khi chỉ số chứng khoán tăng nhẹ.

Mục đích của FED là khi lợi suất trái phiếu giảm, nhà đầu tư sẽ phải chuyển sang tìm lợi nhuận ở các công cụ đầu tư khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, địa ốc. Các loại trái phiếu sẽ phát hành, nhờ vậy, sẽ có lãi suất thấp nhưng vẫn thu hút người mua. Và vì lãi suất trái phiếu chính phủ là mốc để thị trường dựa vào đó định ra lãi suất thương mại nên FED hy vọng nhờ vậy lãi suất thương mại sẽ giảm nữa mặc dù lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên. Nên nhớ lãi suất vay mua nhà ở Mỹ vẫn còn trên 5%. Trong bối cảnh chính phủ Mỹ phải phát hành thêm trái phiếu để tài trợ cho các chương trình kích cầu và Trung Quốc lại bày tỏ lo ngại không muốn mua thêm nợ Mỹ nữa thì động thái mua vào trái phiếu của FED sẽ làm nhà đầu tư yên tâm, tiếp tục theo chân FED mua trái phiếu.

Vũ khí này của FED với tên chính thức là chính sách “nới lỏng định lượng” (quantitative easing) về bản chất là in thêm tiền để đưa vào thị trường tài chính nhằm tăng khả năng hệ thống ngân hàng cho vay ra bên ngoài. Đây là một chính sách có nhiều rủi ro, cả mấy chục năm nay FED chưa bao giờ đem ra áp dụng. Tiền đổ vào thị trường tài chính sẽ thẩm thấu ra thị trường thật bên ngoài và sẽ gây ra lạm phát. Đồng đô-la mất giá và vàng tăng giá là do nỗi lo này.

Quốc Học 

Cập nhật:

+ Theo tính toán của Goldman Sachs do Paul Krugman trích dẫn, để đạt mức tương đương như cắt giảm lãi suất 1 điểm phần trăm thì FED phải mua vào từ 1 ngàn tỷ đến 1,6 ngàn tỷ đô-la khi áp dụng chính sách nới lỏng định lượng.

+ Cũng theo Paul Krugman, việc sử dụng chính sách nới lỏng định lượng này đã xóa nhòa ranh giới giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Xin nhắc lại một chút, khi Chính quyền Obama dùng ngân sách (tức phải thông qua Quốc Hội Mỹ) kích cầu cho nền kinh tế mấy trăm tỷ chẳng hạn thì đó là chính sách tài khóa; còn khi FED cắt lãi suất thì đó là chính sách tiền tệ.

Còn vì sao ranh giới giữa tài khóa và tiền tệ bị xóa nhòa là do trong tương lai FED phải bán ra các trái phiếu định mua để thu tiền về. Giả thử bây giờ FED mua trái phiếu với lãi suất 2,5%. Vài năm nữa nếu lãi suất tăng lên 5 hay 6% thì giá các trái phiếu sẽ giảm mạnh. Bán ra nhưng thu về không đủ thì FED phải bán tài sản khác và có khả năng phải lấy tài sản của bên Bộ Tài chính – tức là thò tay qua bên tài khóa. 

Krugman tính toán và giả định nếu FED mua 1 tỷ đô-la trái phiếu 10 năm với lãi suất 2,5% và sau này phải bán chúng khi lợi suất đáo hạn lên trên 5% thì sẽ lỗ chừng 200 tỷ đô-la.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2009

Thuc va ao (2)

Thực và ảo

Nguyễn Vạn Phú

Cách đây đúng 10 năm, bộ phim Matrix được trình chiếu và làm nhiều người sững sờ, không phải vì các màn kung fu hấp dẫn chẳng kém phim Hồng Kông, cũng không phải vì các kỹ xảo điện ảnh giúp nhân vật chính bay lượn như siêu nhân. Matrix gây sững sờ vì nó đặt vấn đề liệu thế giới chúng ta đang sống có phải là thế giới thật hay chỉ là một ảo ảnh, một dạng mô phỏng bằng máy tính; còn con người thật sự đang bị cầm tù trên một trái đất hoang tàn, sống thoi thóp như một dạng thực vật.

Dĩ nhiên, ai nấy đều biết chuyện bộ phim Matrix bày ra trong đó con người bị lũ máy tính thông minh cầm tù làm nguồn nhiên liệu “sinh học” và các nhân vật trong phim vô ra thế giới ảo bằng đường dây điện thoại là nhảm nhí. Nhưng sức hấp dẫn của cốt truyện này nằm ở chỗ nó có thể là minh họa sinh động nhất, một ẩn dụ trực quan nhất cho rất nhiều luận thuyết tôn giáo, triết lý từ xa xưa cho đến hiện đại.

Con người cảm nhận thế giới bên ngoài thông qua các giác quan, đó là thế giới thật của họ. Nhưng thế giới càng hiện đại, các giác quan trực tiếp ấy càng bị thay thế bởi hình ảnh, âm thanh gián tiếp truyền tải qua các phương tiện truyền thông, kể cả lời kể, báo chí, phim ảnh… Rất nhiều người trong chúng ta chưa từng đặt chân Israel, chẳng hạn, nhưng đủ loại thông tin tràn ngập và dần dần hình thành trong đầu óc chúng ta một Israel ảo nhưng rất thật, trong đó con người sống, sợ hãi, vui sướng theo cách nghĩ của chúng ta. Và như thế, thế giới thật ngày càng xa vời, mỗi con người đều phóng chiếu cho mình một thế giới họ tưởng là thật – nhưng chỉ thật đối với họ và có thể xa lạ với người khác. Cái thế giới trong tâm trí của từng cá nhân không ai giống ai nên xung đột nảy sinh. Bởi thế giới ảo đó không chỉ dừng lại ở hình ảnh cụ thể như ví dụ Israel ở trên mà còn là vô vàn khái niệm khác, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo… Có hàng triệu bin Laden, hàng triệu Obama khác nhau đang sống trong thế giới ảo của hàng triệu phóng chiếu cá nhân.

Thế nhưng, có một điều chung nhất mà nhân loại đang chia sẻ - họ đang tàn phá thế giới thật họ đang sống. Trở lại bộ phim Matrix, nhân vật người máy Smith nhận xét: Ta chợt hiểu khi cố gắng phân loại loài người, rằng con người không phải là động vật có vú vì mọi động vật có vú trên trái đất này đều sống hài hòa với môi trường chung quanh. Con người thì không. Bọn ngươi đến một nơi, sinh sôi cho đến khi cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên rồi bỏ đi nơi khác. Chỉ có một sinh vật trên trái đất này có cùng kiểu mẫu tồn tại như thế. Ngươi có biết là gì không? Là virus. Con người là khối ung thư của trái đất này.

Mười năm trôi qua và đến nay thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng mới mà IMF đã đặt tên – “Cuộc Đại suy thoái”. Thử nghĩ xem, với mức độ tăng trưởng bình thường trong nhiều năm nay, nguồn lực và tài nguyên của trái đất chắc cũng đủ để nuôi sống nhân loại, không để ai phải chết đói hay sống vật vờ dưới ngưỡng nghèo đói. Nhưng tại sao con người không thể tỉnh táo để cùng nhau chia sẻ nguồn lực và tài nguyên ấy? Tại sao con người phải dùng đủ trăm mưu ngàn kế để làm giàu cho mình hơn một chút, đẩy đồng loại nghèo thêm một chút và cuối cùng lôi nhau xuống đáy khủng hoảng? Tại sao sản xuất của cải ngày càng dư thừa mà con người vẫn tìm cách bán thêm một món hàng, dù món hàng ấy chẳng khác gì giật từ tay của người đang thiếu nó.

Nhưng có thật là đang xảy ra một cuộc đại suy thoái hay những gì tưởng chừng đang diễn ra trên thế giới chỉ là hình ảnh phóng chiếu của những cá nhân bị tác động mạnh nhất của một sự tự điều chỉnh khi thế giới thật rủ bỏ các ảo tưởng để tìm cách sống hài hòa trở lại với môi trường xung quanh? Có người cho rằng cơn khủng hoảng hiện nay chỉ là nỗi đau trong quá trình điều chỉnh đó, khi hàng loạt thế giới ảo vỡ tung, không còn tài sản, không còn quyền lực và không còn những tiện nghi để con người tự giam hãm mình. Chịu tác động mạnh nhất là những trung tâm quyền lực tài chính – sự rúng động của chúng được phóng chiếu mạnh nhất lên phương tiện truyền thông. Chắc chắn có rất nhiều số phận con người gắn chặt với mô hình phát triển thế giới ngày trước và thế giới thật của họ sẽ bị ảnh hưởng – sẽ có thất nghiệp, nghèo đói khi đối diện với thực tế khắc nghiệt của từng cá nhân.

Có lẽ đã đến lúc phải như nhân vật chính Neo trong bộ phim Matrix, phải từ bỏ cái thế giới ảo, bắt đầu bằng cách nhìn cái thế giới thật chung quanh mình một cách tỉnh táo hơn. Dứt bỏ khỏi những ràng buộc như tiền tài, quyền lực, tham vọng để chọn cách nhìn nhận thế giới bằng con đường trực tiếp, không chịu ảnh hưởng của những hình ảnh gián tiếp. Từng người chọc thủng cái thế giới ảo của họ đi và nhân loại lúc đó mới hy vọng cùng sống trong sự hài hòa với nhau và với trái đất mong manh này.

 

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2009

Noi luc nam o co che

Nội lực nằm ở cơ chế

Vân Cầm

Cụm từ “phát huy nội lực” lại được sử dụng nhiều trong thời gian qua khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm mọi biến số dựa vào các quan hệ đầu tư, ngoại thương với bên ngoài đang thay đổi khó lường. Tuy nhiên, thế nào là “phát huy nội lực” và làm thế nào để “phát huy nội lực” vẫn chưa được làm rõ.

Bấy lâu nay khi nói “phát huy nội lực” người ta thường nghĩ đến chuyện tận dụng các nguồn lực trong nước để so sánh với “ngoại lực” như vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực từ bên ngoài. Trong buổi nói chuyện với Trung tâm Kinh tế Việt Nam-châu Á Thái Bình Dương (VAPEC) và TBKTSG vào tuần trước, GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) đã ngẫu nhiên đề cập đến nội lực mà theo ông chính là năng lực xã hội của một quốc gia. Theo ông, ngoại lực là công nghệ, tư bản và tri thức.

Nên chăng có thể đẩy cách hiểu này thêm một bước nữa, rằng với tư bản chẳng hạn, dù đó là nguồn vốn của người dân trong nước hay từ đầu tư nước ngoài, đều được xem là ngoại lực. Dòng vốn này, nếu được sử dụng đúng đắn thì dù từ trong hay ngoài nước, đều có lợi cho nền kinh tế và, ngược lại, nếu đầu tư không đúng chỗ như dòng vốn chảy vào thị trường địa ốc hay chứng khoán như năm ngoái, đều gây tác hại như nhau. Nói cách khác, với công nghệ như một ví dụ khác, dù là công nghệ trong nước hay nước ngoài, nếu có môi trường thuận lợi chúng tự khắc đều sẽ được phát huy tác dụng như nhau (dĩ nhiên là với chi phí khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau).

Trở lại khái niệm “năng lực xã hội” với nghĩa “nội lực”, GS Trần Văn Thọ cho rằng chúng gồm các yếu tố cấu thành là lãnh đạo chính trị, quan chức, doanh nhân, lao động, và trí thức. Phát huy nội lực hiểu theo nghĩa tăng cường năng lực xã hội là làm sao tạo ra cơ chế để các yếu tố này kết thành một khối mạnh với mỗi thành tố làm đúng vai trò của mình.

Vai trò và phẩm chất cần thiết cho mỗi thành tố thì ai cũng rõ như trí thức chẳng hạn phải biết phản biện xã hội và đóng vai trò dẫn dắt xã hội; vấn đề là làm sao đạt được mục tiêu này. Đây chính là mấu chốt của vấn đề “phát huy nội lực” ở nước ta.

Lâu nay, nói “phát huy nội lực”, người ta chỉ dừng lại ở góc cạnh kinh tế như tạo môi trường kinh doanh sao cho người dân bỏ vốn ra làm ăn, thu hút người tài để tạo nguồn nhân lực mạnh từ trong nước… Nếu trước đây Việt Nam chú trọng đến xuất khẩu, coi đó là động lực chính để phát triển kinh tế thì “phát huy nội lực” chỉ nhắm đến chuyện trở về thị trường nội địa để tránh rủi ro. Khi thấy dòng vốn đầu tư gián tiếp từ bên ngoài chảy vào gây biến động trên thị trường tài chính, người ta nghĩ ngay đến “phát huy nội lực” theo nghĩa huy động vốn từ trong nước, thay chỗ cho dòng vốn này.

Nhưng nếu nhìn nội lực như yếu tố tổng hợp làm nên năng lực xã hội, rõ ràng không thể chỉ giới hạn trong các biện pháp kinh tế để phát huy chúng. Cần có một cuộc cải cách toàn diện, tạo một cơ chế trong đó doanh nhân không thể đi đêm với quan chức để hưởng lợi từ quan hệ mà phải bươn chải tìm cách cạnh tranh lành mạnh để làm ra lợi nhuận. Với giới quan chức, không thể trông đợi có một tầng lớp cán bộ ưu tú, có ý thức phục vụ cao nếu không thay đổi cơ chế tuyển chọn, chế độ lương bổng, thăng tiến. Lãnh đạo cũng khó lòng sử dụng người tài cho bộ máy hành chính nếu vẫn bị trói tay bằng các cơ chế lỗi thời, trùng lắp.

Từng thành tố này riêng rẽ cũng khó lòng tạo ra một năng lực xã hội mạnh nhưng để kết nối chúng, lại cần đặt ra những giá trị phổ quát, được chấp nhận rộng rãi để tạo ra sự đồng thuận xã hội. Ngày xưa, đó có thể là những tấm gương lãnh đạo đủ sức thu hút mọi tầng lớp dưới một mục tiêu chung. Ngày nay, đó phải là một xã hội thượng tôn pháp luật – một hệ thống pháp luật mà người dân cùng góp công xây dựng, một khế ước xã hội mà người dân trao cho nhà nước để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2009

Khung hoang - u thi khung hoang

Khủng hoảng, ừ thì khủng hoảng!

Nguyễn Vạn Phú

Đôi lúc vì ở ngay tâm của khủng hoảng, người trong cuộc bị cuốn vào dòng chảy thông tin tràn ngập mỗi ngày. Để đến lúc ra khỏi khủng hoảng mới thấy nhiều lúc người ta quá chú tâm đến điều không quan trọng và bỏ qua những yếu tố mang tính sống còn.

Vào khoảng thời điểm này năm ngoái, tâm điểm chú ý là thị trường chứng khoán với mối lo ngại chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh sẽ tác động xấu lên nền kinh tế. Nhiều quan chức nhà nước ra sức trấn an dư luận, lúc thì nói giá chứng khoán đã giảm đến đáy, nên mua vào sẽ có lời; lúc thì bàn tính chuyện dùng tiền ngân sách giải cứu chứng khoán.

Chắc chắn thị trường chứng khoán có mối quan hệ chặt chẽ với sức khỏe của nền kinh tế và việc thị trường sụt giảm để lại những hệ quả to lớn cho nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư mãi tận đến bây giờ. Nhưng khủng hoảng kinh tế đầu năm ngoái không có mối quan hệ nhân quả với giá cả trên thị trường chứng khoán – nó chỉ là biểu hiện ra bên ngoài của những căn bệnh sau đó được chẩn đoán đầy đủ: mức tăng quá nhanh của tổng phương tiện thanh toán và tín dụng dẫn đến lạm phát, đầu tư tràn lan, kể cả đầu tư tài chính, nhập siêu, biến động tỷ giá. Nửa cuối năm ngoái hầu như không còn ai nhắc đến thị trường chứng khoán trong mối quan hệ với các giải pháp vực dậy nền kinh tế nữa.

Nay cũng thế, có những mối quan tâm nghe qua tưởng chừng liên quan rất chặt chẽ với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang tác động lên Việt Nam nhưng cũng chỉ là chuyện triệu chứng bên ngoài. Giá vàng là một ví dụ. Giá vàng hiện đang biến động bất thường, chủ yếu là do giới đầu cơ tìm cách hưởng lợi từ khủng hoảng. Không cần quá quan trọng hóa những biến động này, làm cho người dân có thể chịu thiệt hại không cần thiết, trừ những người buôn bán vàng qua mạng – một dạng cờ bạc không hơn không kém đánh cược vào sự lên xuống giá vàng chẳng khác gì cược ngày mai trời mưa hay nắng.

Nếu không có cái nhìn tỉnh táo, vượt lên trên những triệu chứng khủng hoảng hiện nay, rất dễ lập lại những sai lầm về mặt chính sách và lúc đó, rất dễ xảy ra khả năng thế giới sẽ thoát cơn khủng hoảng còn chúng ta lại trở về đối diện với những khó khăn của nền kinh tế như năm ngoái.

Những triệu chứng nổi lên hiện nay là xuất khẩu giảm và có khả năng giảm mạnh hơn nữa, sản xuất công nghiệp tăng rất chậm, thậm chí còn giảm khá mạnh ở khu vực nhà nước, thất nghiệp cao, hàng hóa tiêu thụ chậm lại… Trong bối cảnh đó rất dễ đưa ra những chính sách mang tính giải quyết tình thế nhằm nâng năng lực sản xuất. Và khi thực hiện, rất dễ quay ngược trở lại, sử dụng những biện pháp tăng trưởng mà chúng ta từng phải mất khá nhiều công sức mới xác định chúng là thủ phạm gây khó khăn cho nền kinh tế trong năm ngoái. Đó là để tín dụng tăng quá nhanh, là sản xuất bất kể tiêu thụ, là rót tiền cho các tập đoàn kinh tế nhà nước, có thể bây giờ không phải để đầu tư tràn lan nữa mà là duy trì sự tồn tại của các dự án không hiệu quả…

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay đã làm thay đổi nhiều mô hình kinh doanh. Nếu không nhận ra sự dịch chuyển đó, chúng ta chỉ sẽ loay hoay với các biện pháp ngắn hạn. Thay vì chú trọng nhắm đến đối tượng doanh nghiệp làm nơi tháo gỡ khó khăn, hãy để chính họ cảm nhận những thay đổi đang diễn ra trên thị trường và tìm biện pháp thích nghi. Điểm mạnh của khối doanh nghiệp dân doanh ở Việt Nam là tính linh hoạt, xoay chuyển chiến thuật và chiến lược rất nhanh để đáp ứng tình hình mới. Sự thâm nhập thị trường Mỹ nhanh chóng và mạnh mẽ sau khi ký kết hiệp định thương mại song phương hay kể cả sự lợi dụng thị trường chứng khoán vào năm ngoái năm kia chứng tỏ điều đó. Trụ vững sau khủng hoảng sẽ là những doanh nghiệp trưởng thành, có tầm nhìn, có bản lĩnh; còn những doanh nghiệp chỉ biết dựa vào các mối quan hệ để làm giàu thì dù có phá sản cũng là điều đáng mừng cho nền kinh tế.

Vì vậy, chính sách khả dĩ nhất hiện nay là tập trung vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân vì họ sẽ là chỗ dựa cho cả nền kinh tế nếu khó khăn tiếp tục kéo dài. Dùng ngân sách rót vào các dự án thật sự cần thiết cho xã hội cũng là cách kích cầu trực tiếp nhất, lại sàng lọc doanh nghiệp có năng lực thật sự để nhận dự án và tạo công ăn việc làm cho công nhân mất việc từ các doanh nghiệp yếu kém. Điều đáng nói là năng lực hành chính của Việt Nam còn rất yếu cho nên kích cầu thông qua các tập đoàn nhà nước luôn là lựa chọn hàng đầu vì dễ thực hiện. Kích cầu trực tiếp cho người dân đòi hỏi một bộ máy linh động, năng nổ và công tâm hơn nhiều. Chính sách nông thôn hiệu quả trải dài trên cả nước cũng vậy, đòi hỏi quyết tâm lớn từ lãnh đạo và sự thống nhất của bộ máy hành chính để triển khai nhanh và đều khắp.

Bài đăng phổ biến