Thực và ảo
Nguyễn Vạn Phú
Cách đây đúng 10 năm, bộ phim Matrix được trình chiếu và làm nhiều người sững sờ, không phải vì các màn kung fu hấp dẫn chẳng kém phim Hồng Kông, cũng không phải vì các kỹ xảo điện ảnh giúp nhân vật chính bay lượn như siêu nhân. Matrix gây sững sờ vì nó đặt vấn đề liệu thế giới chúng ta đang sống có phải là thế giới thật hay chỉ là một ảo ảnh, một dạng mô phỏng bằng máy tính; còn con người thật sự đang bị cầm tù trên một trái đất hoang tàn, sống thoi thóp như một dạng thực vật.
Dĩ nhiên, ai nấy đều biết chuyện bộ phim Matrix bày ra trong đó con người bị lũ máy tính thông minh cầm tù làm nguồn nhiên liệu “sinh học” và các nhân vật trong phim vô ra thế giới ảo bằng đường dây điện thoại là nhảm nhí. Nhưng sức hấp dẫn của cốt truyện này nằm ở chỗ nó có thể là minh họa sinh động nhất, một ẩn dụ trực quan nhất cho rất nhiều luận thuyết tôn giáo, triết lý từ xa xưa cho đến hiện đại.
Con người cảm nhận thế giới bên ngoài thông qua các giác quan, đó là thế giới thật của họ. Nhưng thế giới càng hiện đại, các giác quan trực tiếp ấy càng bị thay thế bởi hình ảnh, âm thanh gián tiếp truyền tải qua các phương tiện truyền thông, kể cả lời kể, báo chí, phim ảnh… Rất nhiều người trong chúng ta chưa từng đặt chân Israel, chẳng hạn, nhưng đủ loại thông tin tràn ngập và dần dần hình thành trong đầu óc chúng ta một Israel ảo nhưng rất thật, trong đó con người sống, sợ hãi, vui sướng theo cách nghĩ của chúng ta. Và như thế, thế giới thật ngày càng xa vời, mỗi con người đều phóng chiếu cho mình một thế giới họ tưởng là thật – nhưng chỉ thật đối với họ và có thể xa lạ với người khác. Cái thế giới trong tâm trí của từng cá nhân không ai giống ai nên xung đột nảy sinh. Bởi thế giới ảo đó không chỉ dừng lại ở hình ảnh cụ thể như ví dụ
Thế nhưng, có một điều chung nhất mà nhân loại đang chia sẻ - họ đang tàn phá thế giới thật họ đang sống. Trở lại bộ phim Matrix, nhân vật người máy Smith nhận xét: Ta chợt hiểu khi cố gắng phân loại loài người, rằng con người không phải là động vật có vú vì mọi động vật có vú trên trái đất này đều sống hài hòa với môi trường chung quanh. Con người thì không. Bọn ngươi đến một nơi, sinh sôi cho đến khi cạn kiệt mọi nguồn tài nguyên rồi bỏ đi nơi khác. Chỉ có một sinh vật trên trái đất này có cùng kiểu mẫu tồn tại như thế. Ngươi có biết là gì không? Là virus. Con người là khối ung thư của trái đất này.
Mười năm trôi qua và đến nay thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng mới mà IMF đã đặt tên – “Cuộc Đại suy thoái”. Thử nghĩ xem, với mức độ tăng trưởng bình thường trong nhiều năm nay, nguồn lực và tài nguyên của trái đất chắc cũng đủ để nuôi sống nhân loại, không để ai phải chết đói hay sống vật vờ dưới ngưỡng nghèo đói. Nhưng tại sao con người không thể tỉnh táo để cùng nhau chia sẻ nguồn lực và tài nguyên ấy? Tại sao con người phải dùng đủ trăm mưu ngàn kế để làm giàu cho mình hơn một chút, đẩy đồng loại nghèo thêm một chút và cuối cùng lôi nhau xuống đáy khủng hoảng? Tại sao sản xuất của cải ngày càng dư thừa mà con người vẫn tìm cách bán thêm một món hàng, dù món hàng ấy chẳng khác gì giật từ tay của người đang thiếu nó.
Nhưng có thật là đang xảy ra một cuộc đại suy thoái hay những gì tưởng chừng đang diễn ra trên thế giới chỉ là hình ảnh phóng chiếu của những cá nhân bị tác động mạnh nhất của một sự tự điều chỉnh khi thế giới thật rủ bỏ các ảo tưởng để tìm cách sống hài hòa trở lại với môi trường xung quanh? Có người cho rằng cơn khủng hoảng hiện nay chỉ là nỗi đau trong quá trình điều chỉnh đó, khi hàng loạt thế giới ảo vỡ tung, không còn tài sản, không còn quyền lực và không còn những tiện nghi để con người tự giam hãm mình. Chịu tác động mạnh nhất là những trung tâm quyền lực tài chính – sự rúng động của chúng được phóng chiếu mạnh nhất lên phương tiện truyền thông. Chắc chắn có rất nhiều số phận con người gắn chặt với mô hình phát triển thế giới ngày trước và thế giới thật của họ sẽ bị ảnh hưởng – sẽ có thất nghiệp, nghèo đói khi đối diện với thực tế khắc nghiệt của từng cá nhân.
Có lẽ đã đến lúc phải như nhân vật chính Neo trong bộ phim Matrix, phải từ bỏ cái thế giới ảo, bắt đầu bằng cách nhìn cái thế giới thật chung quanh mình một cách tỉnh táo hơn. Dứt bỏ khỏi những ràng buộc như tiền tài, quyền lực, tham vọng để chọn cách nhìn nhận thế giới bằng con đường trực tiếp, không chịu ảnh hưởng của những hình ảnh gián tiếp. Từng người chọc thủng cái thế giới ảo của họ đi và nhân loại lúc đó mới hy vọng cùng sống trong sự hài hòa với nhau và với trái đất mong manh này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét