Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Vì sao “Bổ đề Cơ bản”?

Vì sao “Bổ đề Cơ bản”?

Ngay sau khi GS Ngô Bảo Châu được chính thức trao giải toán học Fields, tôi gởi thư cho một giáo sư quen biết đang giảng dạy môn Toán tại một đại học hàng đầu ở Úc, mời ông viết bài cho TBKTSG, giới thiệu nội dung, ý nghĩa của công trình nghiên cứu mà nhờ đó GS Châu được trao giải.

Người giáo sư trả lời: “Đây là chuyện rất khó, có thể nói là "đội đá vá trời". Một trong ba người cùng được giải thưởng với Ngô Bảo Châu cũng nói rằng họ không thể hiểu hết công trình của nhau. Nếu tôi muốn viết một bài 1.500 từ để người “ngoại đạo” có thể đọc hiểu và hứng thú thì có lẽ tôi phải bỏ ra một năm dành toàn thời gian tìm hiểu công trình đó trước khi có thể viết. Viết như thế nào để người chuyên môn không cười mình dốt, và người không chuyên môn không thấy mình "khoe chữ" mà thấy thích thú! - chuyện không thể làm được trong một hai ngày cuối tuần đâu”.

Đây là một sự khiêm tốn và cẩn trọng mà chúng tôi phải tôn trọng.

Thế nhưng trong nhiều ngày vào tuần trước, những ai muốn tìm thông tin nói trên hầu như khó tìm thấy chúng trên báo chí trong nước. Có cảm giác chúng ta nói đến việc GS Châu được trao Huy chương Fields giống như lúc ông dành được huy chương vàng thi toán quốc tế cách đây hơn 20 năm với quy mô lớn hơn nhiều lần mà thôi. Tức là chúng ta xem đây như một cuộc ganh đua và cuối cùng ăn mừng kết quả. Trong khi thật ra Huy chương Fields là một ghi nhận đến sau những thành tựu trong nghiên cứu toán học của GS Châu, cũng như đa số các giải Nobel, được trao cho những thành tựu trước đó, có khi hàng chục năm, của người đoạt giải.

Cũng may, với từng người đoạt Huy chương Fields, Ban tổ chức Hội nghị toán học thế giới 2010 đều có hai tài liệu giới thiệu, một là bản tuyên dương chính thức, dành cho giới chuyên môn và một bản giới thiệu công trình dành cho công chúng rộng rãi hơn. Người viết bản giới thiệu công trình là nhà báo nữ Julie Rehmeyer, phụ trách chuyên mục Toán cho bán nguyệt san Science News. Ở đây xin mở ngoặc, mong sao có ngày ở Việt Nam, cũng sẽ có nhà báo chuyên về văn học viết lời giới thiệu cho một tác phẩm văn học đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn hay một nhà báo chuyên về điện ảnh được Hội Điện ảnh mời viết lời tuyên dương cho một bộ phim đoạt giải Cánh diều vàng với tính chuyên nghiệp cao như thế.

Bài viết của bà Rehmeyer chỉ dài hai trang nhưng giúp người đọc hiểu được tầm mức công trình của GS Châu. Nếu tóm tắt hai trang này, lượt bỏ hết những khái niệm chuyên môn, chúng ta sẽ có một bức tranh như sau: Năm 1967, nhà toán học Robert Langlands đưa ra một loạt các giả thuyết táo bạo mà đa số cho đến nay vẫn chưa được chứng minh và sẽ là đề tài nghiên cứu cho nhiều thế hệ các nhà toán học trong tương lai. Tuy nhiên các giả thuyết này, được xây dựng thành một chương trình đầy tham vọng, nếu được chứng minh sẽ thống nhất nhiều lãnh vực toán học hiện đại lại thành một thể thống nhất, ví dụ giữa hình học, đại số và số học.

Một trong những công cụ được phát triển từ chương trình Langlands là “công thức vết Arthur-Selberg”, một phương trình cho thấy có thể dùng thông tin hình học để tính toán thông tin số học. Nhưng Langlands gặp một trở ngại lớn khi sử dụng công thức này, vì cứ xuất hiện những tổng số phức tạp. Theo Langlands các tổng số này bằng nhau nhưng ông không thể nào chứng minh được điều đó. Ông xem đây là một bài toán đơn giản nên gọi nó là “bổ đề” (lemma – một kết quả phụ được dùng để chứng minh những kết quả quan trọng hơn) và giao cho một nghiên cứu sinh giải quyết. Thế nhưng không một nghiên cứu sinh nào chứng minh được nó nên Langlands tự mình, rồi nhờ các nhà toán học khác vào cuộc. Đến khi không ai chứng minh được nó, người ta mới gọi nó bằng cái tên quan trọng hơn: “Bổ đề Cơ bản”.

Trong hơn ba mươi năm, vì không ai chứng minh được Bổ đề Cơ bản nên nhiều nhà toán học cứ giả định là nó đúng và xây dựng những công trình dựa trên giả định này. Giả thử nó sai, hàng loạt lý thuyết toán học mà nhiều người dày công xây dựng sẽ sụp đổ.

Cuối cùng, Ngô Bảo Châu là người chứng minh được nó bằng một cách tiếp cận hoàn toàn bất ngờ và mới mẻ. Và khi đưa ra cách tiếp cận này, ông đã giúp mọi người nhìn lại Bổ đề Cơ bản với cách hiểu hoàn toàn mới. Chính nhờ đó, năm 2004, cùng với người thầy của mình là GS Gerard Laumon, ông chứng minh những trường hợp đặt biệt của Bổ đề Cơ bản, và năm 2008 đã giải quyết được toàn bộ bài toán trong trường hợp tổng quát. Phương pháp của ông được kỳ vọng sẽ là công cụ giúp giải quyết những bài toán khác trong chương trình Langlands, thậm chí toàn bộ các giả thuyết làm nên tầm nhìn của Langlands vì cho dù ai làm được việc này cũng sẽ phải dựa vào những ý tưởng Ngô Bảo Châu đưa ra.

Như vậy, thiết tưởng phải đánh giá công trình của GS Ngô Bảo Châu như một bước tiến lớn của ngành toán thế giới chứ không phải của riêng nước nào. Ngoài lãnh vực chuyên ngành của ông, cũng như những nhân vật từng đoạt giải lớn như Nobel, những ý kiến của ông sau này trong nhiều lãnh vực khác, đặc biệt trong giáo dục, khoa học, sẽ mang theo nó một trọng lượng uy tín đáng kể. Đó là kỳ vọng của chúng ta về đóng góp của ông trong tương lai cho nhiều vấn đề của Việt Nam cần có ý kiến của những người như GS Ngô Bảo Châu.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Chuyên gia, ODA và Vinashin

Chuyên gia, ODA và Vinashin

+ Kết luận của cơ quan điều tra được báo chí đăng tải vào cuối tuần trước về việc đề nghị truy tố ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông - Tây TP.HCM có hành vi nhận hối lộ 262.000 đô-la của Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI Nhật Bản) có một chi tiết đáng lưu ý. Đó là việc ông Sĩ, theo điều tra, đã nâng mức lương của chuyên gia nước ngoài lên cao hơn so với dự toán được duyệt, có lẽ nhằm giúp PCI hợp thức hóa các khoản tiền hối lộ cho ông Sĩ.

Kết luận của cơ quan điều tra sẽ được tòa án xem xét nhưng trước mắt nó đã khẳng định những điều mà công luận từng lên tiếng trước đó. Rõ ràng, khoản tiền thù lao cho chuyên gia nước ngoài trong các dự án ODA thường cao ngất ngưỡng so với chi phí thuê chuyên gia trên thị trường lao động quốc tế, chưa kể các chi phí khác như nhà cửa, xe cộ. Trong khi đó các dự án ODA, nhất là loại dự án tư vấn, hợp tác kỹ thuật, việc thuê chuyên gia từ nước cấp vốn ODA là yêu cầu bắt buộc và chi phí thuê chuyên gia chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số vốn vay ODA. Chúng ta lại có quy định cho các chuyên gia nước ngoài thực hiện dự án ODA tại Việt Nam được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập, được chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương thực hiện dự án ODA hoặc các khoản thu hợp pháp khác. Đây chính là chỗ dựa cho các công ty như PCI khai khống lương chuyên gia, nâng giá hợp đồng và thiệt hại cuối cùng là do nơi tiếp nhận vốn ODA gánh chịu.

Trước đây, lập luận chứng minh vốn vay ODA không phải là “tiền chùa” chỉ tập trung vào các điểm như nước đi vay phải sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của nước cho vay. Sâu hơn chút nữa thì có ý kiến rằng nước tiếp nhận vốn phải miễn thuế nhập khẩu cho hàng hóa phải mua từ nước cho vay, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật nhập từ nước cho vay, phải chịu sự biến động của tỷ giá… Nay nếu đúng như thông tin trong kết luận của cơ quan điều tra, cứ mỗi dự án phải trích 10-11% tổng chi phí để “lại quả” thì hóa ra các dự án thực hiện bằng vốn vay ODA càng không rẻ chút nào. Công ty nào đã sẵn sàng hối lộ để được trúng thầu sẽ tìm cách “ăn gian” chất lượng nhằm bù đắp được chi phí bôi trơn mà vẫn có lãi. Đó chính là những thông tin còn quan trọng hơn bản thân vụ án của ông Huỳnh Ngọc Sĩ, buộc chúng ta phải lưu tâm và hy vọng qua vụ án này, quan niệm cho rằng vốn vay ODA là tiền chùa, cứ xài thoải mái sẽ phần nào giảm bớt…

* * *

+ Cũng là chuyện chuyên gia nhưng nhìn từ góc độ tái cơ cấu Vinashin lại là vấn đề khác. Đúng là cần phải có biện pháp, không để Vinashin “vỡ nợ, sụp đổ, gây tác động xấu đến sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu, mức độ tín nhiệm vay, trả nợ quốc tế và môi trường đầu tư của đất nước” như kết luận của Bộ Chính trị. Triển khai kết luận này, cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin do Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đứng đầu với Phó trưởng ban là Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Và đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 1479/CT-TTg, trong đó có đặt ra yêu cầu: “Phương án cơ cấu lại tổ chức tập đoàn sẽ phải được hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý 4-2010”.

Thiết nghĩ với một khối lượng công việc đồ sộ và phức tạp, liên quan đến nhiều ngành chuyên môn hẹp, Ban chỉ đạo nên tuyển dụng ngay một số chuyên gia hàng đầu, nhất là chuyên gia tài chính và chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp. Thậm chí, cũng không loại trừ khả năng mời các công ty chuyên lo chuyện tái cấu trúc ở nước ngoài vào giúp một tay. Chi phí dù lên đến vài triệu đô-la cũng không đáng là bao so với món nợ khổng lồ trên 4,5 tỷ đô-la của Vinashin. Trên thương trường quốc tế, chuyện tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp là một nghiệp vụ được nhiều nơi cung ứng với chất lượng cao, đã trở thành một ngành dịch vụ có bề dày kinh nghiệm.

Việc tái cơ cấu Vinashin không thể dựa vào cảm tính, cũng không thể chỉ là những lời kêu gọi động viên chung chung. Những quyết định tái cơ cấu cụ thể sẽ là những quyết định khó khăn, phải cân đong đo đếm từng khía cạnh riêng lẻ vì, như kết luận của Bộ Chính trị, “trong quá trình giải quyết phải đảm bảo hài hoà quan hệ lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn, đổ vỡ cho các tập đoàn, tổng công ty khác cũng như các tổ chức tín dụng”. Nếu chuyển khó khăn của Vinashin sang cho doanh nghiệp khác, nếu buộc ngân hàng gánh thêm trách nhiệm cấp tín dụng mới cho Vinashin khi chưa rõ hiệu quả thì việc tái cơ cấu sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Bên cạnh đó, nhiệm vụ thương thảo lại các khoản nợ nước ngoài rõ ràng cần các chuyên gia am hiểu luật lệ tài chính quốc tế.

Vì vậy, Ban chỉ đạo cần được sự tư vấn khách quan, không bị lợi ích nào chi phối để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt, đúng đắn. Chính yêu cầu “các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, tuyên truyền khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các chủ trương, biện pháp xử lý đối với tập đoàn” sẽ là biện pháp dùng công luận để đánh giá tính hiệu quả của việc tái cơ cấu dưới sự giúp sức của các chuyên gia do chúng ta chủ động sử dụng.

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

Vẫn còn những thỏa thuận khác!

Vẫn còn những thỏa thuận khác!

+ Cuối tuần trước, Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương đã chính thức thông báo phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 1,7 tỷ đồng do đã thỏa thuận ấn định giá dịch vụ bảo hiểm xe ô-tô trái phép.

Trong vụ điều tra này, Cục Quản lý Cạnh tranh gặp may vì các doanh nghiệp bảo hiểm này đã có những hành động “lạy ông tôi ở bụi này”: tại hội nghị các tổng giám đốc bảo hiểm phi nhân thọ ngày 15-9-2008, có đến 19 trên 25 doanh nghiệp đồng lòng ký kết “Bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới” và “Điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô-tô”. Thỏa thuận này nâng mức phí tiêu chuẩn bảo hiểm vật chất ô tô (mức phí tối thiểu) từ 1,3% lên 1,56%/năm (chưa tính 10% thuế VAT) nhưng chỉ mới thực hiện khoảng 50 ngày thì bị Cục Quản lý Cạnh tranh thổi còi.

Đây là bằng chứng rõ ràng nhất để khép các doanh nghiệp này vào “hành vi thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ” một cách trực tiếp. Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần kết hợp vượt quá 30% bị cấm không được có các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh như ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ… Mười chín doanh nghiệp này lại có thị phần kết hợp lên đến 99,79%.

Lẽ ra mức phạt còn có thể cao hơn 1,7 tỷ đồng vì con số này chỉ bằng 0,025% tổng doanh thu của năm 2007 trong khi Cục Quản lý Cạnh tranh từng đề nghị mức phạt 0,1% và luật cho phép phạt đến 10% tổng doanh thu của năm liền kề trước đó.

Điều đáng nói là từ khi Luật Cạnh tranh ra đời từ năm 2005 đến nay, có rất ít vụ việc điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí độc quyền như thế. Có vẻ như cơ quan quản lý vẫn còn e dè trong nhiều trường hợp do chưa thể “cân đong” lợi hại giữa chuyện thượng tôn pháp luật và lợi ích nhóm dưới danh nghĩa lợi ích chung của nền kinh tế.

Hiệp hội Ngân hàng, chẳng hạn, đã nhiều lần kêu gọi các thành viên là các ngân hàng thương mại cùng nhau hạ mức lãi suất huy động. Văn bản của hiệp hội viết rất khéo như nêu lý do là theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như dùng từ chung chung là “thống nhất hành động” nhưng nhìn dưới cặp mắt cạnh tranh, những thỏa thuận như thế là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Cũng là một sự trùng hợp khi cuối tuần trước, TBKTSG nhận được thư bạn đọc, trong đó có đoạn: “Hiện tại những người dân lao động chúng tôi có một ít tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng để cải thiện thêm thu nhập hạn chế phần nào khó khăn trong cuộc sống lúc này. Nhưng tôi được biết là hiện tại các ngân hàng đang thỏa thuận với nhau để hạ lãi suất tiền gửi và xem đây là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Như vậy hành vi này là đúng hay sai?” Một khi cộng đồng các ngân hàng có thỏa thuận như thế thì phần thiệt hại sẽ rơi vào người dân gởi tiền tiết kiệm và họ có quyền sử dụng Luật Cạnh tranh để phản đối.

Nhìn rộng ra, chính ngành ngân hàng cũng chịu cái tác hại của những thỏa thuận về lãi suất cho vay và lãi suất huy động như thế. Ngân hàng nhỏ, tiềm lực yếu cũng không lo lắng gì về chuyện cạnh tranh với ngân hàng lớn, tiềm lực mạnh; ngân hàng cho vay tràn lan cũng được đối xử như ngân hàng cẩn trọng trong kinh doanh. Một môi trường thiếu vắng sự cạnh tranh lành mạnh sẽ chẳng giúp gì giới ngân hàng chuyên tâm cải thiện hoạt động của mình.

* * *

+ Như thường thấy trước đây, sau khi Fitch Ratings giảm một bậc định mức tín nhiệm phát hành nợ của Việt Nam từ BB- xuống B+, đã có nhiều ý kiến phản bác cách đánh giá này. Đáng chú ý có phát biểu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bày tỏ sự ngạc nhiên về việc giảm bậc này vì họ rất lạc quan về tình hình vĩ mô của kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered Bank ở Singapore cho rằng việc hạ mức tín nhiệm này không phù hợp với những gì họ quan sát được trong thời gian qua vì những vấn đề Fitch nêu ra đều là vấn đề dài hạn, nhưng gần đây lại có nhiều cải thiện.

Có lẽ điều quan trọng không phải là những nhận định về chuyện đã qua; quan trọng hơn nhiều là điều kiện phát hành nợ trong thời gian tới.

Trong một số báo gần đây, TBKTSG đưa tin một số tập đoàn kinh tế nhà nước đang lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong quý 4-2010, mỗi tập đoàn định vay chừng 1 tỷ đô-la Mỹ. Mới tuần trước, hãng Bloomberg đưa tin tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thương lượng với một nhóm ngân hàng nước ngoài để vay chừng 300 triệu đô-la Mỹ với thời hạn 5 năm. Đồng thời EVN cũng định phát hành thêm 1 tỷ đô-la trái phiếu.

Dù đồng tình hay không với nhận định của Fitch, việc hạ mức tín nhiệm nói trên sẽ làm tăng chi phí vay vốn của doanh nghiệp trong nước. Không rõ việc thương lượng đã tính đến định mức mới chưa, nhưng khoảng vay 300 triệu đô-la của EVN được Bloomberg cho biết có mức lãi bằng lãi suất Libor cộng thêm 4 điểm phần trăm. Lần phát hành trái phiếu 1 tỷ đô-la hồi đầu năm, lãi suất theo tờ Financial Times bằng lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cộng 3,33 điểm phần trăm (trong khi Philippines chỉ phải trả thêm 1,84 điểm phần trăm và Indonesia – 2,28 điểm phần trăm khi phát hành loại trái phiếu tương tự). Chính đó mới là điều đáng quan tâm.

Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Bằng dỏm, rồi sao nữa?

Bằng dỏm, rồi sao nữa?

Vụ phát hiện các loại bằng dỏm vừa qua nói cho cùng cũng có những tác dụng rất tốt. Ý thức của người chọn trường để học được nâng cao, ai cũng cảnh giác xem trường mình muốn học có phải là trường thật, không còn chuyện mê tín bằng cấp của nước ngoài nữa một cách mù quáng nữa.

Có lẽ nay không cần phải tập trung vào những trường hợp riêng lẻ vì đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cá nhân bị trao phải bằng dỏm, nếu mỗi trường hợp đăng tải thành một tin, biết đăng bao giờ cho hết. Điều đáng buồn là không ngờ chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành vùng trũng cho các loại lừa đảo bằng cấp nước ngoài nhảy vô làm ăn. Trừ trường hợp lợi dụng bằng dỏm dù biết rõ bằng của mình không có thực chất để thăng quan tiến chức, phải xem người học phải những chương trình này là nạn nhân. Chắc chắn một điều hàng trăm, hàng ngàn người nhận các loại bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường bị vạch mặt chỉ tên ắt không còn dám khoe bằng cấp của mình nữa. Các nạn nhân này sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, dấu biến luôn cái bằng của mình.

Vậy làm sao để nhân cơ hội này, triệt hạ luôn các loại trường dỏm vẫn đang còn hoạt động tại Việt Nam, dù dưới dạng liên kết đào tạo hay tuyển sinh từ xa?

Đối với người học, động tác cơ bản nhất là kiểm tra xem trường đó, chương trình đó đã được kiểm định chưa. Chuyện này có lẽ nhiều người đã biết nhưng kiểm định cũng năm ba đường. Với các trường của Mỹ nên dùng cơ sở dữ liệu của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) (www.chea.org) vì nó tổng hợp các cơ sở giáo dục được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định được công nhận. Nhưng có tên trong cơ sở dữ liệu này chưa hẳn đã là trường tốt (còn những trường không có tên, tốt nhất là nên tránh xa, cho dù họ đang trong quá trình xin kiểm định và công nhận).

Người ta thường phân loại kiểm định thành kiểm định quốc gia (national accreditation), kiểm định vùng (regional accreditation) và kiểm định chuyên ngành (specialized accreditation). Kiểm định vùng được xem là tốt hơn kiểm định quốc gia (từ quốc gia ở đây dễ gây hiểu nhầm). Trong khi chỉ có 6 tổ chức kiểm định vùng, hiện nay Mỹ có đến 52 tổ chức kiểm định quốc gia. Trường được kiểm định quốc gia đa phần là loại trường vì lợi nhuận, thường hướng đến dạy nghề, dạy các kỹ năng làm việc cụ thể. Tín chỉ, bằng cấp nhận được từ trường được kiểm định quốc gia chưa chắc đã được các trường đại học khác (loại được kiểm định vùng, đa phần là phi lợi nhuận, mang tính học thuận cao) công nhận. Đã từng có nhiều vụ kiện cáo vì sinh viên tốt nghiệp từ trường loại đầu khi xin học thạc sĩ quản trị kinh doanh hay cao học nói chung ở trường loại sau bị từ chối. Loại trường được kiểm định quốc gia đang có mặt ở Việt Nam cũng khá nhiều, trường California Southern University, trường Columbia Southern University hay trường Lincoln University là những ví dụ.

Đối với các cơ quan muốn mở các lớp liên kết đào tạo, việc kiểm tra là bắt buộc và dễ thực hiện hơn nhiều. Các tổ chức như Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hay thậm chí Bộ Giáo dục các bang đều sẵn lòng cung cấp thông tin. Ở đây xin mở ngoặc, cách nhận diện trường dỏm với địa chỉ website có đuôi là .edu hay không cũng khá chính xác vì từ năm 2001 trường chưa được kiểm định không được cấp địa chỉ có đuôi là .edu. Nhưng cần lưu ý với trường chưa kiểm định được cấp địa chỉ trước năm 2001 vẫn có quyền duy trì tên miền này. Với các công ty muốn xác minh xem bằng cấp của ứng viên muốn tuyển dụng có phải là loại dỏm, ứng viên có thật sự có bằng thạc sĩ, tiến sĩ như kê khai hay không, có thể sử dụng dịch vụ xác minh bằng cấp của tổ chức National Student Clearinghouse (www.studentclearinghouse.org).

Với Bộ Giáo dục & Đào tạo, rõ ràng nhiệm vụ gác cổng, chặn không cho trường dỏm vào Việt Nam đã không hoàn thành. Nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trường thật, trường dỏm cho người học, tổ chức cử người đi học cũng không chu toàn. Cũng nên nhân cơ hội này rà soát lại các giấy phép đã cấp để có biện pháp bảo vệ người học và bảo vệ uy tín của chính mình.

Bài đăng phổ biến