Thứ Hai, 2 tháng 8, 2010

Bằng dỏm, rồi sao nữa?

Bằng dỏm, rồi sao nữa?

Vụ phát hiện các loại bằng dỏm vừa qua nói cho cùng cũng có những tác dụng rất tốt. Ý thức của người chọn trường để học được nâng cao, ai cũng cảnh giác xem trường mình muốn học có phải là trường thật, không còn chuyện mê tín bằng cấp của nước ngoài nữa một cách mù quáng nữa.

Có lẽ nay không cần phải tập trung vào những trường hợp riêng lẻ vì đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cá nhân bị trao phải bằng dỏm, nếu mỗi trường hợp đăng tải thành một tin, biết đăng bao giờ cho hết. Điều đáng buồn là không ngờ chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành vùng trũng cho các loại lừa đảo bằng cấp nước ngoài nhảy vô làm ăn. Trừ trường hợp lợi dụng bằng dỏm dù biết rõ bằng của mình không có thực chất để thăng quan tiến chức, phải xem người học phải những chương trình này là nạn nhân. Chắc chắn một điều hàng trăm, hàng ngàn người nhận các loại bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ các trường bị vạch mặt chỉ tên ắt không còn dám khoe bằng cấp của mình nữa. Các nạn nhân này sẽ ngậm bồ hòn làm ngọt, dấu biến luôn cái bằng của mình.

Vậy làm sao để nhân cơ hội này, triệt hạ luôn các loại trường dỏm vẫn đang còn hoạt động tại Việt Nam, dù dưới dạng liên kết đào tạo hay tuyển sinh từ xa?

Đối với người học, động tác cơ bản nhất là kiểm tra xem trường đó, chương trình đó đã được kiểm định chưa. Chuyện này có lẽ nhiều người đã biết nhưng kiểm định cũng năm ba đường. Với các trường của Mỹ nên dùng cơ sở dữ liệu của Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA) (www.chea.org) vì nó tổng hợp các cơ sở giáo dục được kiểm định bởi những tổ chức kiểm định được công nhận. Nhưng có tên trong cơ sở dữ liệu này chưa hẳn đã là trường tốt (còn những trường không có tên, tốt nhất là nên tránh xa, cho dù họ đang trong quá trình xin kiểm định và công nhận).

Người ta thường phân loại kiểm định thành kiểm định quốc gia (national accreditation), kiểm định vùng (regional accreditation) và kiểm định chuyên ngành (specialized accreditation). Kiểm định vùng được xem là tốt hơn kiểm định quốc gia (từ quốc gia ở đây dễ gây hiểu nhầm). Trong khi chỉ có 6 tổ chức kiểm định vùng, hiện nay Mỹ có đến 52 tổ chức kiểm định quốc gia. Trường được kiểm định quốc gia đa phần là loại trường vì lợi nhuận, thường hướng đến dạy nghề, dạy các kỹ năng làm việc cụ thể. Tín chỉ, bằng cấp nhận được từ trường được kiểm định quốc gia chưa chắc đã được các trường đại học khác (loại được kiểm định vùng, đa phần là phi lợi nhuận, mang tính học thuận cao) công nhận. Đã từng có nhiều vụ kiện cáo vì sinh viên tốt nghiệp từ trường loại đầu khi xin học thạc sĩ quản trị kinh doanh hay cao học nói chung ở trường loại sau bị từ chối. Loại trường được kiểm định quốc gia đang có mặt ở Việt Nam cũng khá nhiều, trường California Southern University, trường Columbia Southern University hay trường Lincoln University là những ví dụ.

Đối với các cơ quan muốn mở các lớp liên kết đào tạo, việc kiểm tra là bắt buộc và dễ thực hiện hơn nhiều. Các tổ chức như Bộ Giáo dục Hoa Kỳ hay thậm chí Bộ Giáo dục các bang đều sẵn lòng cung cấp thông tin. Ở đây xin mở ngoặc, cách nhận diện trường dỏm với địa chỉ website có đuôi là .edu hay không cũng khá chính xác vì từ năm 2001 trường chưa được kiểm định không được cấp địa chỉ có đuôi là .edu. Nhưng cần lưu ý với trường chưa kiểm định được cấp địa chỉ trước năm 2001 vẫn có quyền duy trì tên miền này. Với các công ty muốn xác minh xem bằng cấp của ứng viên muốn tuyển dụng có phải là loại dỏm, ứng viên có thật sự có bằng thạc sĩ, tiến sĩ như kê khai hay không, có thể sử dụng dịch vụ xác minh bằng cấp của tổ chức National Student Clearinghouse (www.studentclearinghouse.org).

Với Bộ Giáo dục & Đào tạo, rõ ràng nhiệm vụ gác cổng, chặn không cho trường dỏm vào Việt Nam đã không hoàn thành. Nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trường thật, trường dỏm cho người học, tổ chức cử người đi học cũng không chu toàn. Cũng nên nhân cơ hội này rà soát lại các giấy phép đã cấp để có biện pháp bảo vệ người học và bảo vệ uy tín của chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến