Giao tiếp là cách tiếp cận
Có lẽ tác giả Phạm Toàn (Bài Về “chất lượng” giáo viên tiếng Anh ở trường phổ thông: Nàng tiên hay bóng ma? – Tuổi Trẻ Cuối Tuần 27-9) bức xúc với nền giáo dục nước nhà và chuyện dạy tiếng Anh nên mới ví von “đường lối giao tiếp” là “nàng tiên”, rồi là “bóng ma”. Chứ tôi nghĩ chắc tác giả cũng biết giao tiếp không phải là phương pháp, cũng chẳng phải là “đường lối”. Nó là cách tiếp cận trong việc giảng dạy ngoại ngữ.
Mặc dù vẫn còn một ít tranh cãi về cách tiếp cận này, cho đến nay giao tiếp là cách tiếp cận hợp lý nhất, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi nhất khi dạy và học một ngoại ngữ. Gọi là cách tiếp cận bởi người ta xem giao tiếp vừa là mục tiêu vừa là biện pháp để đạt đến mục tiêu này. Còn không xem nó là phương pháp bởi có thể sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau của các phương pháp trước đó miễn sao đạt tới mục tiêu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.
Đã có thời mọi người ai nấy đều sử dụng bộ sách giáo khoa Streamline English, là một bộ sách biên soạn theo trường phái cấu trúc; khổ nổi rất nhiều người mua kèm bộ sách dịch tất tần tật ra tiếng Việt để học. Kết quả là khả năng giao tiếp không tiến được gì mà tiếng Việt cũng bị hỏng theo. Nói thế để thấy sách chỉ là công cụ, sử dụng nó như thế nào mới là quan trọng. Vì thế đừng thấy các cuốn sách, như cách tác giả Phạm Toàn mô tả, “mở đầu là hê-lố, hê-lồ, sau đó là lê tấm thân đi “giao tiếp” ở các cửa, từ cơ quan công an đến bệnh viện, từ bưu điện tới nhà hàng” mà vội kết luận đó là sách giao tiếp. In thành song ngữ như ngày xưa hay lấy một mẩu đối thoại ra, thầy đọc, gõ thước để học sinh lập lại nghe rất nhịp nhàng đều không phải là giao tiếp. Lấy một cặp câu trong đó ra, như “What’s this? – This is a book” cho đơn giản, giả định một bối cảnh người không biết tiếng Anh đang hỏi tên những đồ vật thông thường nhất quanh mình để luyện tập thì đó chính là giao tiếp. Và khi đó, nếu người thầy, để cho nhanh, dịch hết mọi từ mới thì cũng chỉ là áp dụng phương pháp dịch cho cách tiếp cận giao tiếp. Dĩ nhiên đây chỉ là một ví dụ nói quá lên cho dễ thấy mà thôi. Giao tiếp cũng không có nghĩa phí phạm tiền bạc, xây dựng những phòng nghe-nhìn có máy lạnh chỉ để làm kiểng.
Không nói đến những tình huống mà bộ sách nào cũng sử dụng như đi mua sắm, đi xem phim, bây giờ chúng ta thử nhìn vào những tình huống sử dụng ngôn ngữ phức tạp hơn như một sinh viên ngành chế tạo máy học tiếng Anh, hay một nhà xã hội học đọc những tác phẩm kinh điển bằng tiếng Anh. Giao tiếp ở đây đâu còn là chuyện “hê-lô, hê-lồ”. Giao tiếp có nghĩa người học tương tác với nhau trên nền kiến thức đã có bằng một thứ tiếng khác để tranh luận hay giải thích, mở rộng ý hay tiếp nhận kiến thức mới dưới vỏ bọc ngôn ngữ mới. Người dạy đứng lui ra đằng sau, để hỗ trợ, để chỉ giải thích những vấn đề ngôn ngữ gây trở ngại cho giao tiếp. Ở đây mà dạy cách dùng thì, cách đổi câu từ chủ động sang bị động, hay tìm lỗi sai trong câu coi như là hỏng.
Nói tóm lại, giao tiếp là cái đích mà việc dạy và học phải hướng đến; còn thực tế làm được tới đâu lại là chuyện khác. Hiện nay việc dạy và học tiếng Anh ở nhà trường không theo cách tiếp cận đó, chủ yếu là sử dụng phương pháp nghe-nói, có nơi vẫn còn dùng phương pháp ngữ pháp-dịch, với mục tiêu học để lấy điểm, học để thi, để lấy bằng là chính. Nguồn lực nhà trường cũng không đủ để hỗ trợ cách tiếp cận giao tiếp vì lớp quá đông, phương tiện thiếu thốn, giáo viên được đào tạo theo cách cũ.
Nhưng không phải vì thế mà đòi phải “tìm ra cuốn sách phù hợp với các giáo viên đó” và cũng không có việc gì phải xem các thầy giáo, cô giáo đang cố gắng áp dụng cách tiếp cận giao tiếp trên lớp là “những con rối múa may với trẻ em nhiều hơn là dạy các em một ngôn ngữ văn hóa”.
Riêng về vấn đề không đủ giáo viên đạt chuẩn để triển khai thí điểm chương trình dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học, thiết nghĩ không việc gì phải vội vàng đòi dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 khi nguồn lực của chúng ta thiếu thốn đến như vậy. Chẳng thà để các em lên lớp 6 bắt đầu học tiếng Anh cho đàng hoàng còn hơn cho các em học sai phương pháp, sai phát âm từ nhỏ, sẽ gây hại lâu dài cho các em. Cái này cũng không khác gì chuyện nhiều phụ huynh đang phá hỏng khả năng tiếng Anh tương lai của con em mình khi dạy các em vài ba từ để khoe với khách!