Khoản nào ra khoản đó
Liệu có thể ra lệnh cho các ngân hàng thương mại khoanh nợ, dãn nợ cho Vinashin được chăng?
Công việc đầu tiên mỗi khi bắt tay giải cứu một công ty lớn trên đường phá sản là khoanh gọn vụ việc để ngăn ngừa khả năng lây lan ra các doanh nghiệp khác.
Nhìn lại những vụ chính phủ các nước ra tay “tái cơ cấu” những doanh nghiệp khổng lồ bị lâm nguy của nước họ trong hai năm gần đây, có thể thấy một điểm chung là việc nhanh chóng thành lập một ủy ban đánh giá tình hình, vạch kế hoạch giải cứu, tính trọn gói chi phí, tìm nguồn tài chính (có thể phải thông qua quốc hội nước họ), và đưa ra lộ trình cùng kết quả kỳ vọng sẽ đạt được. Trong đó, quan trọng nhất là chi phí tính toán chính xác để vực dậy doanh nghiệp cũng như cách thu hồi lại những khoản tiền rót vào - bởi khi đụng đến ngân sách là đụng đến tiền đóng thuế của người dân.
Với Vinashin, Chính phủ đã có những bước đi tương tự nhưng phần chi phí giải cứu Vinashin không được tính toán chính xác, chỉ dựa vào những mệnh lệnh hành chính, có thể làm gánh nặng Vinashin chuyển thành gánh nặng của nhiều doanh nghiệp khác.
Trong các văn bản liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, chỉ có một khoản tài chính cụ thể là “tạm ứng vốn điều lệ cấp bù cho Vinashin” nhưng đây chỉ là một khoản rất nhỏ so với những gánh nặng tài chính của tập đoàn này. Vốn điều lệ của Vinashin trước đây là 9.000 tỷ đồng, nay theo quyết định chuyển tập đoàn này thành công ty TNHH một thành viên thì vốn điều lệ được nâng lên thành 14.655 tỷ đồng. Trong khi đó Vinashin hiện đang có các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính lên đến 86.000 tỷ đồng.
Trong kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin, có đoạn: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo việc rà soát, đối chiếu công nợ của Tập đoàn tại các ngân hàng thương mại; khoanh nợ, dãn nợ đến hết năm 2011 cho Tập đoàn, cân đối nguồn vốn để tiếp tục cho Tập đoàn vay vốn lưu động hoàn thành các hợp đồng đã ký kết, báo cáo Ban Chỉ đạo.”
Đây có lẽ cũng là một bước trước sau gì cũng phải làm nhưng chỉ có thể tiến hành sau khi bức tranh nợ nần của Vinashin đã được làm rõ. Nợ đến hạn của Vinashin trong năm nay và năm sau là bao nhiêu, điều kiện của các khoản vay đó như thế nào, có phải là vay theo chỉ định của Chính phủ hay vay thương mại, nếu vay thương mại thì trách nhiệm thẩm định các khoản vay của bản thân các ngân hàng là như thế nào?
Còn nhớ những năm chuẩn bị vào WTO, Việt
Tất cả phải lượng định bằng tiền và, đáng tiếc phải nói thẳng, tiền này phải do từ ngân sách chi ra chứ không thể bắt ai khác gánh chịu. Chính vì thế mới có yêu cầu tính toán chính xác tổng khoản tiền phải bỏ ra để “tái cơ cấu” Vinashin và nếu cần trình ra Quốc hội để được thông qua một cách chính thức.
Trong tuần trước, báo chí đưa tin đậm về việc hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings công bố xếp hạng cho bốn ngân hàng trong nước. Ba trong bốn ngân hàng này được Fitch Ratings cho là có ảnh hưởng bởi những khoản vay đối với Vinashin. Loại thông tin “khoanh nợ, dãn nợ” nói trên không giúp gì cho các ngân hàng này cả mà lẽ ra nên sòng phẳng, nói rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho các khoản vay này để không chuyển khó khăn cho các ngân hàng hay doanh nghiệp khác.
Cũng tuần rồi, bốn cán bộ cao cấp của Vinashin bị bắt giữ, sai phạm của họ được cơ quan điều tra công bố rộng rãi. Dư luận hoan nghênh việc này và đòi hỏi những công bố cụ thể hơn nữa những sai phạm của Vinashin. Những, cũng theo tinh thần “việc gì ra việc nấy”, nên tách bạch hai chuyện: xử lý sai phạm tại Vinashin (phải làm mạnh và nghiêm khắc) và “tái cơ cấu” Vinashin (phải làm nhanh và chính xác). Trong chuyện tái cơ cấu, cũng nên tách bạch hai mảng: xử lý nợ thông qua một công ty nhận nợ và xây dựng một Vinashin mới như bài “Tái cơ cấu Vinashin: những vấn đề cụ thể” trên TBKTSG số ra tuần trước đã đề nghị.
Cập nhật: Trong bối cảnh đó, một trong những công việc được xem là quan trọng, được đưa vào ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại là “giao Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) giúp Vinashin thiết lập mạng trực tuyến giữa Vinashin với các đơn vị thành viên chủ chốt để công tác điều hành của tập đoàn có hiệu quả, thường xuyên hơn”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét