Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh

Lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh

Tôi nhận được một số phản hồi từ bài phỏng vấn GS Porter. Đa phần tỏ ra không đồng ý với câu trả lời của ông về khái niệm “cái bẫy trào lưu mậu dịch tự do” và tỏ ý chờ đợi xem Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam có đưa ra được gì mới không.

Có một số bạn nhân đó hỏi vì sao có lúc nói lợi thế so sánh, có lúc nói lợi thế cạnh tranh. Về điểm này, tôi từng viết một bài (bài “Đi tìm lợi thế cạnh tranh” – đăng trên TTCT từ năm 2004 khi Việt Nam chưa vào WTO).

Xin trích lại ở đây để lưu trên blog này luôn thể:

Đi tìm lợi thế cạnh tranh

Trước những thất bại thấy rõ của những chương trình như mía đường, ximăng lò đứng..., nhiều người tự hỏi nên chăng chúng ta chỉ làm những gì chúng ta có ưu thế, còn lại thà nhập khẩu hơn là sản xuất ra hàng hóa bán không ai mua vì giá thành quá cao? Vấn đề càng cấp bách khi VN trước sau gì cũng gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và phải gỡ bỏ hầu hết mọi rào cản thương mại, đầu tư, cân nhắc đầu tư vào đâu cho có lợi nhất là một bài toán khó.

Câu hỏi này thật ra được thế giới đặt ra từ lâu và lần hồi qua chiêm nghiệm và kinh nghiệm thực tiễn đã hình thành nên những lý thuyết làm nền tảng cho thương mại quốc tế. Đầu tiên, từ thời Adam Smith đã nổi lên lý thuyết lợi thế tuyệt đối, lập luận đúng y như câu hỏi ở trên. Người ta còn khẳng định nhờ chuyên biệt hóa, mỗi nước sẽ hình thành kinh nghiệm, tay nghề sẽ ngày càng tinh xảo và nhờ thế sẽ cạnh tranh dễ dàng với nước khác. Lợi thế tuyệt đối của mỗi nước sẽ được củng cố bằng lợi thế tự nhiên như giàu tài nguyên thiên nhiên, nhân công dồi dào, giá rẻ... cũng như những lợi thế có được nhờ tiến bộ trong khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý để bù đắp những thiếu hụt về tài nguyên, chẳng hạn.

Nếu chỉ cân nhắc đến lợi thế tuyệt đối như vậy, rõ ràng chúng ta chỉ nên sản xuất và xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, hạt điều... mà không nên tốn công sức thử gắng tiến thêm một bước chế biến các sản phẩm này để kiếm thêm tiền nhờ giá trị gia tăng. Theo dòng suy nghĩ này, chúng ta cũng không nên tính đến chuyện xa vời như sản xuất linh kiện máy vi tính hay tivi vì người ta đã làm giỏi hơn, rẻ hơn ta nhiều.

Sự đời không đơn giản như thế. Xin lấy một ví dụ từ cuộc sống bình thường để dễ hình dung. Giả thử có ông bác sĩ tay nghề chuyên môn giỏi mà công việc quản lý sổ sách văn phòng cũng giỏi luôn. Như thế ông này có nên áp dụng lý thuyết lợi thế tuyệt đối để tự mình làm hết mọi chuyện, từ khám chữa bệnh đến quản lý phòng khám? Chắc chắn là không; ông ta sẽ thuê cô thư ký để lo chuyện sổ sách mặc dù cô này làm chậm hơn ông - để ông tận dụng hết thời giờ khám chữa bệnh, vừa cứu được nhiều người vừa thu tiền nhiều hơn chứ.

Với lập luận tương tự, David Ricardo triển khai lý thuyết lợi thế tuyệt đối thành lợi thế so sánh, khi các nước phải nhường bớt những công đoạn dù đang chiếm lợi thế tuyệt đối cho nước khác để tập trung làm những gì đem lại lợi ích nhiều nhất cho họ, để tận dụng tác động của chi phí cơ hội. Giả thử trước nay Singapore chuyên nhập hạt điều của VN về chế biến để xuất khẩu đi khắp thế giới vì họ có lợi thế tuyệt đối hơn hẳn VN trong kỹ thuật chế biến và quan hệ bạn hàng, kinh nghiệm buôn bán...

Nhưng bỗng chốc họ nhận ra để đồng vốn đó, nhân công đó đi chế biến món khác thì có lời hơn, đầu tiên họ sẽ tìm cách đầu tư vào VN để vẫn tiếp tục tận dụng các lợi thế nói trên thêm một thời gian nữa. Và có thể sau đó họ bỏ hẳn thị trường cho các công ty VN làm. Như vậy Singapore, trong giả định này, vẫn có lợi thế tuyệt đối so với VN nhưng VN dần dần tạo ra lợi thế so sánh hơn hẳn Singapore.

Đến đây chúng ta đã thấy sự nhanh nhạy của giới kinh doanh, đầu tư là làm sao nhận ra được lợi thế so sánh của mình, chớp thời cơ để vươn lên, vượt qua mặc cảm thua thiệt “tuyệt đối”. Điều này cũng giải thích nguyên nhân của các dòng chảy vốn đầu tư, như Cannon vào VN để sản xuất máy in cho nhiều thị trường khác; hay lý do đằng sau nhiều dự án khác vì lợi thế cạnh tranh tùy thuộc rất nhiều yếu tố, kể cả có hay không rào cản thương mại.

Tuy nhiên, lý thuyết lợi thế so sánh xem chừng cũng chỉ gán cho mỗi nước một công việc một cách khiên cưỡng, trong cái gọi là phân công lao động toàn cầu. Không lẽ các nước không đóng vai trò gì để cải thiện số phận đã được phân công cho mình? Cho dù toàn cầu hóa đã đạt đến qui mô chưa từng có, vẫn còn đó những rào cản rất lớn như khác biệt văn hóa, cách trở địa lý, quyền lợi dân tộc, nhất là sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và nỗ lực chống khủng bố hiện nay.

Nhìn lại chính sách bảo hộ nông nghiệp của nhiều nước, chúng ta thấy ngay quyền lợi người dân gắn liền với sinh mệnh chính trị của các đảng phái làm cho lý thuyết lợi thế so sánh không phải lúc nào cũng đúng. Sản xuất gạo ở Nhật đắt gấp chục lần nhập khẩu gạo từ nước khác, thế mà Chính phủ Nhật vẫn phải bỏ tiền trợ cấp cho nông dân Nhật trồng lúa và dùng thuế cao cản trở hàng nhập khẩu. Tình hình cũng tương tự trong sản xuất đường ở châu Âu hay nhiều loại nông sản khác ở Mỹ.

Nói vậy để thấy trong đàm phán gia nhập WTO, chúng ta đòi hỏi một lộ trình là để kéo dài và nâng cao lợi thế so sánh của một số ngành nghề trong nước trước khi phải tháo dỡ hoàn toàn mọi biện pháp bảo hộ, để doanh nghiệp tự tạo lợi thế so sánh của chính mình.

Thực tế phát triển kinh tế ở nhiều nước đã giúp hình thành các lý thuyết khác, mà gần đây nhất là lý thuyết về lợi thế cạnh tranh của Michael Porter. Để đạt được lợi thế cạnh tranh, các nước và doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các yếu tố, trong đó có một yếu tố gần gũi với chủ đề chúng ta đang đề cập – các nền công nghiệp phụ trợ.

Từ việc nhận ra nhu cầu của thị trường, trước tiên là thị trường trong nước, kết hợp với các lợi thế trong lao động, tài nguyên, vốn liếng, kỹ thuật, một ngành công nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh nếu có thêm những ngành công nghiệp liên quan hỗ trợ. Lợi thế cạnh tranh này càng củng cố nếu được sự hỗ trợ của chính quyền trong việc tháo bỏ những rào cản hành chính, xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, tiên liệu được để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện mình qua cạnh tranh, nâng cao năng suất tổng thể.

Dĩ nhiên, toàn cầu hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các yếu tố này; chẳng hạn, nhu cầu thị trường không nhất thiết đến từ trong nước mà từ xuất khẩu, vốn hay công nghệ vẫn có thể mua hay thu hút từ nhà đầu tư nước ngoài và công nghiệp phụ trợ phải hiểu trên qui mô toàn khu vực hay toàn cầu – linh kiện có thể nhập dễ dàng để cung ứng cho sản xuất trong nước. Các tập đoàn đa quốc gia chọn nơi để làm căn cứ sản xuất cho thị trường toàn cầu của họ cũng dựa vào toan tính trên những yếu tố cạnh tranh này.

Quay trở lại câu hỏi ở đầu bài, câu trả lời không đơn giản như chúng ta nghĩ – xác định đâu là lợi thế so sánh của chúng ta, chúng ta có thể làm gì để tạo lợi thế cạnh tranh – là bài toán doanh nghiệp nào cũng phải cân nhắc trước khi bắt tay vào một dự án nào đó cụ thể dựa vào những yếu tố nói trên qua những nghiên cứu thị trường bài bản.

Điều chúng ta có thể khẳng định vai trò của Nhà nước trong quá trình này là làm sao tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, tạo lợi thế cạnh tranh cho họ. Chính sách của Nhà nước sẽ phát ra tín hiệu cho thị trường và thị trường, trong nỗ lực tối ưu hóa nguồn lực của mình trên bình diện quốc gia và toàn cầu, sẽ nhanh chóng đáp ứng – nếu tín hiệu tiêu cực, không tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhà đầu tư sẽ không bỏ tiền ra hay chuyển đồng tiền của mình đi nơi khác; còn nếu tín hiệu tích cực, Nhà nước không cần kêu gọi nhiều, người ta cũng sẽ nhanh chóng lập dự án, tận dụng thời cơ. Ngược lại, mọi nỗ lực như đổ tiền thuế của người dân vào dự án xây dựng công nghiệp xe hơi nội địa như ở Malaysia chỉ làm méo mó thị trường một thời gian rồi kết thúc trong thất bại.

Xét cho cùng, lợi thế cạnh tranh sẽ không có ý nghĩa gì nếu chỉ dựa vào việc tạo ra những ưu thế giả tạo, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn hay những ưu thế bất lợi cho người dân như giá công nhân rẻ hay tận dụng tài nguyên bất kể hậu quả môi trường.

Nếu đọc bài trên, các bạn sẽ thấy câu hỏi về “cái bẫy trào lưu mậu dịch tự do” chỉ là một cách để GS Porter nói thêm về lý thuyết “lợi thế cạnh tranh” của ông như một giải pháp vượt ra “lời nguyền” lợi thế so sánh.

Bởi lý thuyết lợi thế cạnh tranh cho rằng một nước không thể cứ cạnh tranh mãi dựa trên nguồn lao động rẻ, tài nguyên dồi dào mà phải từng bước trèo lên các bậc thang chuỗi giá trị, sản xuất hàng ngày càng có chất lượng cao hơn để hưởng phần lớn hơn. Động lực thúc đẩy cho quá trình này là tăng năng suất, tận dụng nguồn lực, tạo ra sự khác biệt để từ đó hình thành lợi thế cạnh tranh về giá hay về sự khác biệt. Và vai trò của Nhà nước là làm bà đỡ cho quá trình như thế được diễn ra một cách thuận lợi nhất.

Chính vì thế một bạn đã nhận xét:

Tôi đọc bài phỏng vấn GS Porter (cả bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt) và có cảm giác ông không hiểu lắm câu hỏi thứ 2. Thật ra quan điểm của GS Thọ về bẫy xu hướng mậu dịch tự do hình như đâu mâu thuẫn với lý thuyết lợi thế cạnh tranh - chính vì "static comparative advantage" dẫn tới việc phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên nên mới cần "dynamic comparative advantage" (ở đây là những ngành có giá trị gia tăng cao mà lý thuyết về lợi thế cạnh tranh của GS Porter hình như có đề cập đến).

Chắc do sợ GS Thọ kêu gọi VN quay về thời kì bế quan tỏa cảng (chắc là không!) nên GS Porter mới gọi nó là "serious mistake", chứ tôi thấy chuyện chuyển từ "free trade" sang "managed trade" là xu hướng chung rồi. Đó cũng là lí do người ta chuyển từ đồng thuận Washington (Washington consensus, nhấn mạnh đến tự do hóa tài chính, thương mại,...) sang đồng thuận Santiago (Santiago consensus, không nhấn mạnh đến tự do thương mại hay dân chủ, mà chú trọng đến đầu tư nhân lực, giảm nghèo,...).

Một nhận xét khác:

Tôi có cảm giác nhiều bài báo kinh tế ở Việt Nam dùng "lợi thế so sánh" với "lợi thế cạnh tranh" khá tùy hứng, nên bản thân tôi (vốn không hiểu rõ về lý thuyết của GS Porter lắm) cũng thấy bối rối khi đọc. Đôi khi tôi không rõ khi nhà báo viết "lợi thế cạnh tranh", họ đang dùng theo nghĩa mà GS Porter nói hay chỉ xài theo thói quen và trực giác (kiểu, muốn thành công thì phải có lợi thế, mà vì đây là nền kinh tế thị trường nên mình gọi là "lợi thế cạnh tranh", chứ cũng không biết rõ "policy implications" của cụm từ này).

Đôi khi tôi thắc mắc: ở VN, những ngành thâm dụng lao động giá rẻ là lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, hay cả hai? Hai cụm từ này khác nhau và giống nhau ra sao?

Vì thế mới có entry này.

Đáng tiếc là thực tế ở Việt Nam mấy năm qua, từ khi gia nhập WTO, không những không tạo ra cho mình lợi thế cạnh tranh mà còn để mất nhiều lợi thế so sánh khác hay không tạo ra cho mình lợi thế so sánh mới. Việc phải nhập khẩu cả tăm tre, rồi các doanh nghiệp nước ngoài như Sony, từ bỏ định hướng sản xuất chuyển sang làm công ty thương mại nhập hàng vào Việt Nam để bán (ngay cả Coca-Cola cũng nhập nước giải khát vào bán vì lãi nhiều hơn) cho thấy điều đó. Hệ quả là nhập siêu ngày càng lớn. Đó chính là cái bẫy của trào lưu mậu dịch tự do khi các lợi thế so sánh của Việt Nam bị cố định hóa, số phận gia công đã bị an bày.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Phải tự mình thiết kế chiến lược

Phải tự mình thiết kế chiến lược

Giáo sư Michael Porter, người được mệnh danh là cha đẻ chiến lược cạnh tranh, sẽ trở lại Việt Nam chủ trì hội thảo “Cạnh tranh và chiến lược doanh nghiệp ngày nay” sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 29-10. Ông cũng sẽ đồng chủ trì buổi công bố Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010 vào ngày hôm sau cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. TBKTSG được ông dành riêng cuộc phỏng vấn qua thư trước chuyến đi.

TBKTSG: So với chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2008, lần này Giáo sư sẽ đưa ra những điểm gì mới?

GS Michael Porter: Việt Nam đang ở vào một thời điểm quan trọng về mặt phát triển và tôi hy vọng những doanh nhân tham dự hội thảo sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về chiến lược để đưa doanh nghiệp đạt được những thành công bền vững trong giai đoạn đầy biến động này. Ngoài ra, Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam mà tôi có vinh dự trình bày tại Hà Nội vào ngày 30-10 trước lãnh đạo Chính phủ sẽ cung cấp một phân tích sâu về vị thế hiện nay của Việt Nam và đưa ra những giải pháp cụ thể cho con đường phía trước.

TBKTSG: Nói về vị thế hiện nay của Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bẫy trào lưu mậu dịch tự do” (GS Trần Văn Thọ). Điều chuyên gia này muốn nói là với sự trỗi dậy của Trung Quốc như một nền kinh tế mạnh, lợi thế so sánh của các nước Đông Á đang phải chuyển dịch nhanh để thích ứng. Trong khi đó, lợi thế so sánh của Việt Nam vẫn là nguyên liệu, nông lâm thủy sản và hàng công nghiệp dùng nhiều lao động giản đơn. Nguy cơ của cái bẫy này là cơ cấu lợi thế so sánh của Việt Nam có thể sẽ bị cố định hóa, không thể chuyển dịch lên cao hơn.

- Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hai thập niên vừa qua, với những cải cách rộng lớn trong nước và mở cửa cho bên ngoài thông qua việc gia nhập WTO và các biện pháp khác. Từ chỗ là nền kinh tế khép kín, quản lý tập trung, Việt Nam đã trở thành một bộ phận sinh động của nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này đã đem lại những lợi ích to lớn cho nhiều người dân Việt Nam. Thu nhập bình quân đã tăng lên và tỷ lệ nghèo đã giảm đáng kể.

Trong khi mô hình kinh tế này vẫn còn một ít tiềm năng, ngày càng có dấu hiệu cho thấy nó không còn nhiều động lực nữa. Tuy nhiên, xem những thử thách đang xuất hiện này là dấu hiệu của một cái “bẫy mậu dịch tự do” là sai lầm lớn. Cho đến nay, mở cửa nền kinh tế là yếu tố then chốt cho thành công của Việt Nam. Và mở cửa vẫn còn là sự cần thiết để đạt được sự thịnh vượng trong tương lai. Nhưng như vậy là chưa đủ - và đây là điểm rất quan trọng,

Đến giai đoạn phát triển này, Việt Nam đang đối diện một loạt những thách thức quan trọng rất khác với trước. Việt Nam phải vượt lên cách cạnh tranh chỉ dựa vào những thuận lợi được thừa hưởng từ trước – chủ yếu là lực lượng lao động dồi dào, chăm chỉ - và bắt đầu xây dựng những thế mạnh và năng lực riêng của mình cũng như một môi trường kinh doanh chất lượng cao hơn nhiều. Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam cung cấp câu trả lời đầy đủ hơn.

TBKTSG: Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong bối cảnh các nước đang phải đối phó với nhiều vấn đề mới, chiến tranh tiền tệ là một ví dụ, trong đó lợi thế cạnh tranh có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bằng sự tăng giảm một vài phần trăm trong tỷ giá hối đoái. Giáo sư có nghĩ mô hình cạnh tranh vẫn còn có thể phát huy tác dụng trong một bối cảnh như thế?

- Như mọi quốc gia tham dự vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần quan tâm đến những mất cân đối toàn cầu quan trọng. Việc rơi trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cho đến nay đã không xảy ra nhưng biến động tỷ giá lớn rõ ràng là một quan ngại. Việt Nam ít có ảnh hưởng đến việc tiến đến một cấu trúc kinh tế toàn cầu bền vững hơn bởi các quyết định lớn như thế được đưa ra ở Bắc Kinh, Washington hay tại cuộc họp G-20 ở Seoul. Cách bảo vệ hay nhất của Việt Nam trước những xu hướng kinh tế toàn cầu là nhắm đến tính cạnh tranh dài hạn của mình.

Cạnh tranh là động lực thúc đẩy tăng trưởng thịnh vượng dài hạn, chứ không phải là tỷ giá ngắn hạn. Đất nước càng cạnh tranh cao, thì nền kinh tế càng ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá. Chỉ cần nhìn vào Đức và Thụy Điển, hai nước này vẫn rất giàu có và đang thặng dư mậu dịch bất kể tỷ giá tăng lên.

TBKTSG: Doanh nghiệp trên thế giới đang thay đổi mô hình hoạt động, họ định nghĩa lại năng lực cạnh tranh khi năng suất không còn quan trọng bằng cải tiến công nghệ như trường hợp Apple chẳng hạn. Trong hai năm qua, quan điểm của Giáo sư về lý thuyết cạnh tranh có thay đổi theo chăng?

- Với doanh nghiệp bất kỳ đâu, những năm vừa qua là một thử thách khắc nghiệt. Đơn hàng giảm mạnh, tín dụng hạn chế, nhiều công ty phải điều chỉnh giảm mạnh quy mô hoạt động. Công ty nào nổi lên là doanh nghiệp mạnh nhất là công ty có chiến lược rõ ràng và bám theo chiến lược này. Định vị một cách khác biệt trên thương trường, tập trung vào đó giúp họ biết nên cắt giảm lãnh vực nào trong khi duy trì những hoạt động thiết yếu cho giá trị công ty. Những công ty như thế đang tăng thị phần, chiếm được từ đối thủ chỉ biết cắt giảm tùy tiện.

Tại những nước như Việt Nam, doanh nghiệp còn phải làm nhiều trong khía cạnh học hỏi những tập quán tốt nhất trong quản trị, công nghệ và hoạt động. Toàn cầu hóa giúp việc tiếp cận những tập quán này dễ dàng hơn nhiều. Những công ty nào tiếp thu thành công những tập quán tốt theo đúng tình hình riêng của đất nước mình, của ngành mình sẽ thu lượm nhiều lợi ích đáng kể, sẽ nâng được năng suất và lợi nhuận. Công ty nào khéo léo ứng dụng tập quán toàn cầu vào những tập quán địa phương sẽ cạnh tranh hơn hẳn không những các đối thủ trong nước mà ngay cả các tập đoàn đa quốc gia nữa. Đây là loại cải tiến, tiếp nhận và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ rất quan trọng ở Việt Nam trong nhiều năm tới.

TBKTSG: Dĩ nhiên doanh nghiệp trong nước không thể và không nên trông chờ Giáo sư trao cho họ phương thuốc cạnh tranh nhiệm màu có thể giúp họ trở nên cạnh tranh tốt trong chốc lát. Nhưng họ kỳ vọng Giáo sư sẽ cụ thể hóa lý thuyết của Giáo sư với những đặc điểm địa phương thành một dạng lý thuyết giúp họ có thể nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh Việt Nam.

- Suy cho cùng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng cho mình các chiến lược đúng đắn. Thành công hôm nay vẫn dựa vào việc tận dụng những cơ hội ngắn hạn thay vì phát triển trên nền tảng lợi thế cạnh tranh bền vững. Nền kinh tế như Việt Nam càng phát triển, cách tiếp cận này càng khó thành công. Các hiểu biết cơ bản về chiến lược là bất biến. Tuy nhiên, các chọn lựa chiến lược cụ thể có thể và thật sự thay đổi khi công nghệ và thị trường thay đổi. Lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu các quy luật cơ bản của chiến lược thay vì trở thành nạn nhân của các trào lưu thời thượng trong quản trị. Những nhà quản trị nào hiểu được những nguyên tắc này sẽ có cơ hội to lớn để phát triển các chiến lược độc đáo phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

NVP thực hiện

Box

Học viện Năng lực Cạnh tranh châu Á (ACI) Singapore đã phối hợp với Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) xây dựng Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010 với sự chỉ đạo về chuyên môn của Giáo sư Michael Porter.

Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam là báo cáo quốc gia đầu tiên được xây dựng nhằm đánh giá toàn diện và sâu sắc năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên các khía cạnh, đồng thời để xuất một chương trình hành động tổng thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì đà tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế.

Ngày 30-11 tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với hai viện nghiên cứu này tổ chức hội thảo công bố báo cáo. Hội thảo do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Giáo sư Michael Porter đồng chủ trì.

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Phỏng vấn Michael Porter


(Đây là bài tôi phỏng vấn GS Michael Porter - bản tiếng Việt xin đón đọc trên TBKTSG Online)

Define your own strategy

Professor Michael Porter, probably the most well-known authority on modern management and competitive strategy, is coming back to Vietnam to talk about “Today’s Competitiveness and Corporate Strategy” to the business community next Monday. He is also scheduled to present the Vietnam Competitiveness Report the next day to the Vietnamese government. TBKTSG’s Managing Editor Nguyen Van Phu had a chance to exchange letters with him before his trip.

TBKTSG: What do you have to offer to Vietnam this time that you did not during the 2008 trip?

-Vietnam is at a crucial time in terms of development and I hope that those business leaders who attend my talk will be able to better understand strategy and drive their companies forward to increased, sustainable success in these turbulent times. Besides, I will have the honor of presenting the Vietnam Competitiveness Report in Hanoi in the presence of the government leaders, provides an in-depth analysis of where Vietnam currently stands and makes concrete proposals for a path forward.

TBKTSG: Talking about where Vietnam stands these days, an economics researcher has warned that Vietnam might fall into the trap of free trade trends. What he means is that with the emergence of China as an economic power, the comparative advantages of East Asian countries are changing fast to adapt. Meanwhile, Vietnam might get stuck with its traditional comparative advantages of exporting raw materials and resources, fisheries and forestry products and industrial goods that use intensive labor supply.

- Vietnam has made great strides over the last two decades, with wide-ranging domestic reforms and external opening through WTO accession and other steps. From being closed and centrally controlled, the country has become a vibrant part of the global economy. This process has brought significant benefits to many Vietnamese citizens. Average prosperity has risen and poverty rates have dropped significantly.

While this economic model still has some potential, there are increasing signs that it is losing steam. Characterizing these emerging challenges as indications of a “free-trade trap” is, however, a serious mistake. Opening the economy has been crucial to Vietnam’s success so far. It remains a necessity for future gains in prosperity. But it is, and this is the key point, no longer sufficient.

At this stage of its development, Vietnam is facing a set of significant challenges quite different from before. The country must move beyond competing on its inherited assets - mainly a large, hard-working labor force – and start building unique strengths and capabilities and a much higher quality business environment. The Vietnam Competitiveness Report provides a detailed answer.

TBKTSG: The problem is, given the currency wars countries are waging against one another, the competitive edge can easily be eroded by some percentage points increase in a country’s foreign exchange rate. Do you think the competitive model still works under such circumstances?

- Like all countries participating in the global economy, Vietnam needs to be concerned about the significant global imbalances. A descent into protectionism has so far been avoided, but the large exchange rate movements are clearly a concern. Vietnam has little influence on the move to a more sustainable global architecture, with key decisions taken in Beijing, Washington, or at the G-20 meeting in Seoul. Vietnam’s best defense against global economic trends is to work on its long-term competitiveness.

Competitiveness is the driver of long-term prosperity growth, not short-term exchange rates. The more competitive a country is, the less the economy is affected by exchange rate movements. Just look at Germany and Sweden, two countries with high prosperity and a significant trade surplus despite rising exchange rates.

TBKTSG: It seems businesses around the world are changing their operation models, their competitiveness re-defined, productivity is no longer as important as innovation. Have you changed your view of the world economy during the last two years?

- For companies everywhere, the last few years have been a harsh test. With demand plummeting and access to finance suddenly restricted, many companies had to dramatically adjust the size and scope of their activities. Those companies who are emerging as the strongest are those that had a clear strategy and stuck with it. Having a distinctive positioning in the market, and focusing on it, guided them on areas to cut while preserving activities critical in the value proposition. Such companies are now gaining market share from competitors that cut back indiscriminately.

In countries like Vietnam, companies still have much to do in terms of adopting best practices in management, technology, and operations. Globalization makes accessing these best practices far easier. Those companies that successfully assimilate best practices in the unique context of their countries and industries reap significant benefits, becoming more productive and profitable. Companies that skillfully adapt global practices into local ones can outcompete not only their domestic rivals but even foreign multinationals. This is the kind of innovation, assimilating and adopting information technology, that will be most important in Vietnam for many years to come.

TBKTSG: Local businesspeople cannot and should not expect you to give them a panacea that might help them become competitive overnight. But they expect you to tailor your theory to the local characteristics and give them a localized version of how to compete from within Vietnam.

- Over time, Vietnamese companies will need to define true strategies. Today’s success is still often based on exploiting short-term opportunities rather than on building sustainable competitive advantages. The more an economy like Vietnam develops, the less this will be a winning approach. The fundamental insights on strategy are timeless. The specific strategy choices, however, can and do change as technologies and markets evolve. Vietnamese business leaders need to understand the fundamental rules of strategy, rather than falling prey to the latest fad in management. Those executives that understand these principles will have a huge opportunity to develop unique strategies that fit the Vietnamese context.

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Ai đứng ra tái cơ cấu Vinashin?

Ai đứng ra tái cơ cấu Vinashin?

Vinashin lại trở thành tâm điểm của các phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội đầu tuần này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận trước Quốc hội: “Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém [tại Vinashin]. Thủ tướng, Phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm”*. Tuy nhiên, quan trọng hơn, người dân rất quan tâm muốn biết đề án tái cơ cấu tập đoàn này sẽ được triển khai như thế nào, hiệu quả đến đâu.

Đề án tái cơ cấu Vinashin là một bước đi đúng hướng để giải quyết triệt để gánh nặng nợ nần ở tập đoàn này. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, thẩm quyền tái cơ cấu Vinashin nên giao cho ai? Bởi nếu nói như Thủ tướng “nội dung trả nợ như thế nào, hội đồng quản trị [Vinashin] sẽ trình bày rõ ràng để [đại biểu Quốc hội] hiểu” thì rất có thể việc tái cơ cấu sẽ rơi vào cách làm cũ**.

Sở dĩ có vấn đề này là vì, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Vinashin đã chủ trì một cuộc họp báo, tại đó, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, đã có những phát biểu chưa chính xác so với tinh thần đề án tái cơ cấu này.

Lấy ví dụ, ông Sự nói: “Dự kiến mô hình tổ chức của tập đoàn sau tái cơ cấu (đợt 2) được sắp xếp như sau: Số doanh nghiệp còn lại là 43 công ty; tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người; tổng tài sản: 68.234 tỉ đồng; tổng số nợ phải trả là: 53.054 tỉ đồng” (nguồn: website Chính phủ). Điều đó có nghĩa khi tái cơ cấu, Vinashin sẽ cắt giảm hơn 200 công ty, nhờ đó cắt giảm được khoản nợ trên 23.000 tỉ đồng, tài sản cũng giảm đi tương ứng. Hơn 200 công ty này, vẫn mang khoản nợ 23.000 tỉ đồng, sau đó dù được “cổ phần hóa, bán doanh nghiệp, bán nợ, chuyển nợ thành vốn góp, chuyển nhượng phần vốn góp, giải thể, phá sản” như đề án yêu cầu thì số tiền thu được phải dành để trả nợ cho chính họ. Vì theo Bộ GTVT, tổng vốn của 216 doanh nghiệp này chỉ là 192 tỉ đồng.

Vậy mà tại buổi họp báo ông Sự lại lý giải: “Cứ cho rằng chỉ bán được bằng giá đầu tư thì chúng tôi sẽ thu được 23.000 tỉ đồng, như vậy tổng số nợ xuống còn hơn 40.000 tỉ đồng”! Nói như vậy là tính trùng lắp thành hai lần.

Quan trọng hơn, 200 công ty này chỉ có thể cổ phần hóa, bán, chuyển nợ thành vốn nếu chúng hoàn toàn được tách rời Vinashin và do một cơ quan khác quản lý. Chúng phải được làm minh bạch sổ sách, xốc lại công nợ, vạch được con đường phát triển mới - tức từng công ty cũng phải trải qua quá trình tái cấu trúc - lúc đó mới hy vọng việc cổ phần hóa hay bán chúng thành công. Quá trình này chắc chắn không thể giao cho Vinashin.

Đề án tái cơ cấu do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định rõ ràng: “Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam sau khi tái cơ cấu là tổ hợp các doanh nghiệp”, cũng như: “Công ty mẹ và các đơn vị thành viên có tư cách pháp nhân, có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn”. Như vậy đề án đã làm đúng theo quy định pháp luật hiện nay, tập đoàn chỉ là một tổ hợp các doanh nghiệp, không có tư cách pháp nhân, chỉ có công ty mẹ (cùng tên) và các đơn vị thành viên là có tư cách pháp nhân.

Vì lẽ đó, cũng nên xác định rõ, ví dụ, ông Nguyễn Ngọc Sự là chủ tịch hội đồng thành viên công ty mẹ Vinashin chứ không phải là chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn Vinashin chung chung. Dĩ nhiên, công ty mẹ có đầy đủ quyền hạn đối với công ty con theo luật định nhưng cần phải xác định rõ mối quan hệ này chỉ là “quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với phần vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác”.

Thứ ba, đề án tái cơ cấu nhấn mạnh Vinashin chỉ còn hoạt động trong ba lĩnh vực: đóng tàu, sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ hỗ trợ lãnh vực trước và đào tạo nhân lực cho ngành đóng tàu. Vậy thì phải đăng ký lại Vinashin vì trong quyết định chuyển Vinashin thành công ty TNHH một thành viên vẫn còn ghi những ngành nghề như sản xuất rượu bia, xi măng, ô tô, đủ cả. Có ý kiến cho rằng việc đăng ký lại này sẽ kéo dài đến năm 2013 theo kế hoạch tái cơ cấu. Thật ra, không cần phải chờ một thời gian dài như thế vì việc đăng ký lại doanh nghiệp là dành riêng cho công ty mẹ (là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân) để từ đó định hướng phát triển đúng đắn cho Vinashin. Từng công ty con mà giấy đăng ký kinh doanh có những ngành nghề vượt ngoài ba lãnh vực chính vẫn phải giữ nguyên để còn cổ phần hóa, bán, khoán hay cho thuê theo luật định.

Vì vậy việc tái cơ cấu Vinashin phải giao hẳn cho một đầu mối với những cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm chứ không thể giao từng phần việc cho các bộ, ngành hay hội đồng thành viên Vinashin như ghi trong đề án. Chính việc giao cho nhiều nơi chịu trách nhiệm như thế là một trong những nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ Vinashin mà cuối cùng chưa có ai chịu trách nhiệm cụ thể cả.

-----------------------------------------------

* Về chuyện trách nhiệm, lạ một điều là đâu thấy có ai nói Vinashin thua lỗ 86.000 tỷ đồng để hai ông bộ trưởng Tài chính và Giao thông-Vận tải cứ nhiều lần lớn tiếng không có chuyện đó. Tôi nhớ mọi người đều nói chính xác đây là khoản nợ của Vinashin. Có thể có một hai ý kiến đâu đó dùng nhầm hai khái niệm này nhưng nó đâu thay đổi bản chất sự việc là Vinashin lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn, trên bờ vực phá sản.

Cũng về chuyện trách nhiệm, hầu như các quan chức Chính phủ không phân biệt được trách nhiệm của mình trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước (tức là kiểm tra, giám sát Vinashin hoạt động đúng các quy định nhà nước như phải làm với mọi doanh nghiệp) và trách nhiệm trong vai trò là chủ sở hữu (tức là thành bại của Vinashin phải được xem là thành bại của chính bản thân những người được phân công nhiệm vụ chủ sở hữu). Nhiệm vụ này ghi rõ trong quyết định thành lập Vinashin, trong các nghị định về quản lý doanh nghiệp nhà nước, thí điểm tập đoàn – cứ chiếu theo đó mà quy trách nhiệm chứ khó gì mà phải đợi kiểm điểm xong.

** Bài học đầu tiên mà ai cũng thừa nhận phải rút ra từ vụ Vinashin là cơ chế quản lý nhà nước với đầu tư, sử dụng vốn, rồi giám sát, thanh tra, kiểm tra các tập đoàn còn nhiều bất cập, lúng túng, còn nhiều kẽ hở. Vậy thì đề án tái cơ cấu mà triển khai khi chưa hoàn thiện cơ chế quản lý, rồi giao cho nhiều bộ, mỗi bộ một việc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Lường trước khả năng này, Thủ tướng thì kiêm tốn thừa nhận việc thực hiện đề án rất khó khăn và kêu gọi đại biểu Quốc hội giám sát góp ý. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cứ lạc quan một cách không căn cứ: Vinashin đến năm 2013-2014 sẽ bắt đầu có lãi!!! Chính trong giải trình của Thủ tướng có cho biết nợ đến hạn phải trả của Vinashin là trên 14.000 tỷ đồng. Trên 14.000 tỷ đồng, tức là trên 700 triệu USD phải trả ngay, lấy đâu ra để trả mà nói vài ba năm nữa Vinashin sẽ bắt đầu có lãi?

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Sai biệt quá lớn

Sai biệt quá lớn

Đọc bản tin “Vinashin cần 2 năm để phục hồi” trên báo Tuổi Trẻ, thấy các con số sao không khớp nhau mà không thấy ai giải thích.

Ví dụ, trong ô “Tình hình tài chính của Vinashin”, báo viết theo nguồn báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải như thế này:

* Đến 30-6-2010:

- Tập đoàn có 289 công ty.
- Tổng tài sản: 104.649 tỉ đồng.
- Tổng nợ phải trả: 86.565 tỉ đồng.
- Vốn chủ sở hữu: 8.034 tỉ đồng.

* Sau tái cấu trúc đợt 1 (đến 30-8-2010):

- Tập đoàn còn lại 259 công ty.
- Tổng tài sản: 95.672 tỉ đồng.
- Tổng nợ phải trả: 76.241 tỉ đồng.
- Vốn chủ sở hữu: 9.615 tỉ đồng (trong đó tính cả phần cấp bổ sung tháng 10-2010 là 2.500 tỉ đồng).

* Sau tái cấu trúc tổng thể (bước 2):

- Tổng số doanh nghiệp còn lại là 43 công ty.
- Tổng tài sản: 68.234 tỉ đồng.
- Tổng nợ phải trả: 53.054 tỉ đồng.
- Vốn chủ sở hữu thực có: 9.615 tỉ đồng (theo đăng ký kinh doanh hiện tại là 14.655 tỉ đồng).

Theo nguyên tắc, tài sản bằng nợ cộng với vốn. Nhưng ở phần đầu (đoạn đến 30-6-2010), nợ cộng với vốn mới bằng 94.599 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản là 104.649 tỷ đồng, không biết còn 10.050 tỷ đồng biến đâu mất?

Sau tái cấu trúc đợt 1 (đoạn đến 30-8-2010), một lần nữa, nợ cộng với vốn, kể cả phần cấp vốn bổ sung, là 85.856 tỷ đồng, cũng còn gần 10.000 tỷ đồng không thấy liệt kê ra vào khoản mục nào.

Lại nữa, Chủ tịch HĐTV Vinashin Nguyễn Ngọc Sự nói: “Sau khi chúng tôi bàn giao một số đơn vị cho bên dầu khí và hàng hải thì tổng số nợ chúng tôi giảm xuống. Theo lộ trình nợ sẽ giảm từ hơn 83.000 tỉ đồng xuống hơn 63.000 tỉ đồng”. Ở trên chúng ta đều thấy sau tái cấu trúc đợt 1, tổng nợ phải trả là 76.241 tỷ đồng, ở đây ông Sự nói còn 63.000 tỷ đồng. Vì sao có sự chênh lệch này?

Chính Tuổi Trẻ cũng đặt câu hỏi: “Theo báo cáo của Vinashin, sau khi chuyển giao tài sản cho Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Vinalines, tổng tài sản và tổng nợ Vinashin đều giảm cỡ 10.000 tỉ đồng. Chẳng lẽ toàn bộ các dự án bàn giao, cộng tàu Hoa Sen chỉ đáng 10.000 tỉ đồng?” Ông Sự khi trả lời câu hỏi này cũng không đính chính con số 10.000 tỷ đồng. Vậy sao trước đó ông nói việc chuyển giao như thế giảm 20.000 tỷ đồng nợ?

Tổng số nợ sau khi tái cấu trúc đợt 2 là 53.054 tỷ đồng, sao ông Sự nói “tổng số nợ xuống còn hơn 40 .000 tỉ đồng” và cũng không thấy các báo hỏi cho rõ.

Tôi dò lại trên trang web của Chính phủ, cũng thấy ghi: “Ông Nguyễn Ngọc Sự cho biết thêm, dự kiến mô hình tổ chức của Tập đoàn sau tái cơ cấu được sắp xếp như sau: Số DN còn lại là 43 công ty; tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người; tổng tài sản: 68.234 tỷ đồng; tổng số nợ phải trả là: 53.054 tỷ đồng.” Xuống dưới cũng ông Sự cho biết: “Đồng thời, sau khi sắp xếp 216 DN hiệu quả thì tổng số nợ tiếp tục giảm xuống còn trên 40.000 tỷ đồng”. Lạ quá, không hiểu nổi.

Còn thêm điều này nữa. Ông Sự nói: “Chúng tôi sẽ sắp xếp 216 doanh nghiệp nữa, giá các dự án của các doanh nghiệp này như đất đai, khu công nghiệp... là hơn 23.000 tỉ đồng, trong đó nhiều dự án hiện rất có tiềm năng. Nếu thị trường tốt thì tôi nghĩ rằng Vinashin sẽ bán được các dự án này ít nhất bằng giá đầu tư ban đầu.

Cứ cho rằng chỉ bán được bằng giá đầu tư thì chúng tôi sẽ thu được 23.000 tỉ đồng, như vậy tổng số nợ xuống còn hơn 40.000 tỉ đồng”.

Lập luận này quá lạ. Bởi vì khi chuyển đi 216 doanh nghiệp ở đợt 2 thì Vinashin đã giảm được 23.000 tỷ đồng tiền nợ, tức là số nợ này do 216 doanh nghiệp này gánh. Giả thử bán được 216 doanh nghiệp này thu về đúng 23.000 tỷ đồng thì vừa đủ để trả nợ của 216 doanh nghiệp mà Vinashin đã dứt gánh sau đợt 2. Lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng để trừ nợ chung cho Vinashin thêm một lần nữa xuống còn 40.000 tỷ đồng?

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

Ứng xử như thế nào với vàng?

Ứng xử như thế nào với vàng?

Tạm thời để qua một bên những biến động đầy kịch tính của giá vàng trong hai ngày đầu tuần này, giá vàng ở Việt Nam có những đặc điểm khác các nước khác.

Khi chứng khoán lên giá vùn vụt, không ngừng nghỉ, có hiện tượng người sở hữu chứng khoán mạnh tay tiêu xài vì thấy tài sản của họ tăng nhanh, qua đêm họ biến thành triệu phú. Chuyện này đã từng xảy ra như đợt bùng nổ giá cổ phiếu các công ty Internet (gọi là đợt bùng nổ dot.com) ở Mỹ hay ở Việt Nam lúc chỉ số Vn-Index vượt quá con số 1.000.

Chưa thấy ai nghiên cứu, khảo sát nhưng có lẽ cũng đang có tâm lý tương tự với những ai đang sở hữu vàng. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, người dân Việt Nam đang sở hữu 1.000 tấn vàng trị giá trên 45 tỉ đô la Mỹ! Một tấn vàng bằng chừng 32.150 ounce vàng. Giả dụ mới đây 1 ounce vàng có giá 1.000 đô la, tài sản bằng vàng của dân Việt Nam là 32 tỉ đô la, nay 1 ounce có giá 1.400 đô la, khối tài sản này tự nhiên tăng thêm 13 tỉ đô la nữa.

Nhìn vào những con số này, có thể rút ra một số kết luận. Sở hữu vàng nhiều như thế cho nên không lạ gì khi tin tức về giá vàng luôn được đăng tải nhanh, đầy đủ trên báo như thể nó là giá của một cổ phiếu nóng mà rất nhiều người đang nắm giữ. Tin tức ở các nước khác, không hề có chuyện dồn dập, liên tục nói về giá vàng như thế. Tin tức dồn dập đã kích thích tâm lý đầu cơ nhỏ lẻ theo đúng kịch bản giới đầu cơ chuyên nghiệp mong muốn.

Thứ hai, giá vàng tăng là điều đáng mừng cho những ai nắm giữ vàng chứ không có gì đáng lo ngại cả, ngay cả với người dân chỉ có một hai chỉ vàng lận lưng. Vàng chủ yếu trở thành phương tiện cất giữ tài sản chứ không còn là phương tiện thanh toán nữa. Giá vàng tăng từng giờ, mang vẻ kịch tính trên báo chí, là câu chuyện đầu môi khi mọi người gặp nhau nhưng thật sự việc mua bán vàng trên thị trường chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ.

Ở Việt Nam còn có một đặc thù khác nhiều nước khác khi người dân có thể gửi vàng vào ngân hàng, hưởng một lãi suất khá cao. Chuyện này cũng có ở Ấn Độ, xứ sở của vàng, nhưng với quy mô rất nhỏ. Một khi vàng đi vào ngân hàng như thế, sẽ có chuyện cho vay bằng vàng, chuyển vàng thành tiền cho vay… Mà như vậy thì rất có khả năng vàng góp phần làm tăng lượng cung tiền trong nền kinh tế. Cung tiền tăng, lại không nằm trong vòng kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước như thế ắt sẽ góp phần tạo ra lạm phát.

Chính vì thế Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước, không cho phép ngân hàng chuyển đổi vàng huy động được thành tiền đồng hay các hình thức tiền khác, là một quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, một chính sách mới ra đời lúc nào cũng có những hiệu ứng phụ. Với Thông tư 22, chắc chắn trước sau gì, các ngân hàng sẽ giảm dần lãi suất huy động vàng, người dân cũng sẽ không mặn mà chuyện gửi vàng vào ngân hàng nữa. Thời điểm xảy ra chuyện này nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng con số 92,6 tấn vàng (tương đương 73.000 tỷ đồng) được huy động, rồi 60% con số này đã được cho vay, 30% được chuyển đổi thành tiền… đã và đang là áp lực làm tăng giá vàng trong ngắn hạn khi ngân hàng phải làm động tác ngược lại để chuẩn bị trả vàng cho người gửi.

So sánh mức tăng, giảm của giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế sẽ cho thấy điều này. Ở thời điểm giá vàng trong nước tăng vọt vào sáng thứ Ba, lên đến 38,2 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế đến 2 triệu đồng/lượng, còn nếu tính theo tỷ giá chính thức, mức chênh lệch này còn cao hơn nữa.

Rõ ràng giới đầu cơ đã nhận ra một cơ hội thao túng giá vàng để hưởng lợi và thực tế giá vàng đã có lúc bị đẩy tới mức kỷ lục như thế. Có thể kết luận giá vàng bị giới đầu cơ thao túng vì ngay sau đó, khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố cho nhập vàng “với khối lượng phù hợp”, giá vàng xì bong bóng, giảm ngay trên 1 triệu đồng/lượng. Điều nguy hiểm là giá vàng tăng như thế đã tác động mạnh lên tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ, là điều mà Chính phủ đang nỗ lực để can thiệp.

Để triệt tiêu nạn đầu cơ, không thể dựa vào mệnh lệnh hành chính mà phải triệt tiêu những cơ hội không để giới đầu cơ tận dụng một chiều hay nói cách khác, phải làm cho việc đầu cơ là hoạt động mang tính rủi ro cao nhất, làm giới đầu cơ chùn tay. Trên thị trường một khi có xu hướng đầu cơ giá lên thì cũng sẽ xuất hiện xu hướng đầu cơ giá xuống. Giả thử các ngân hàng vẫn còn có thể cho vay vàng, sẽ có người khi thấy giá vàng lên cao bất thường, sẽ vay vàng và bán ra. Hai lực trái chiều nhau này sẽ giúp thị trường đi vào cân bằng và ổn định.

Thế nhưng Thông tư 22 đã khóa chặt cửa cho vay vàng và trước đó, ngân hàng cũng không còn được quyền phòng tránh rủi ro thông qua hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài. Thiết nghĩ, dự trữ ngoại tệ không thể đem ra nhập vàng trong bối cảnh thâm hụt cán cân thanh toán như hiện nay. Việc nhập vàng vật chất cũng không hề cần thiết trong thời đại ngày nay. Thay vào đó nên điều chỉnh Thông tư 22 và cho phép ngân hàng sử dụng các công cụ phòng tránh rủi ro và từ đó mới có thể nghĩ đến chuyện ổn định tỷ giá. Phát biểu của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu với báo chí chiều thứ Ba cho thấy có khả năng điều chỉnh này khi ông cho biết sẽ đề xuất xây dựng đề án quản lý vàng theo hướng phát huy giá trị của vàng đối với nền kinh tế. Còn một khi giá vàng trong nước đã ngang bằng với giá thế giới, có lẽ các cơ quan quản lý cũng không nhất thiết phải quá quan tâm đến giá vàng theo kiểu cố gắng ổn định giá làm gì. Và người dân, qua những bài học “mua lúc đắt, bán lúc rẻ” đã từng xảy ra, cần tỉnh táo không để rơi vào vòng xoáy của giới đầu cơ tạo ra, chịu nhận phần thua thiệt về mình.

Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Đi tìm góc nhìn hợp lý

Đi tìm góc nhìn hợp lý

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hai tuần vừa rồi, có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia được đăng tải, ý nào nghe cũng hay, cũng hợp lý. Dường như kinh tế và giáo dục là hai lãnh vực ai cũng có thể nêu ý kiến của mình như một chuyên gia trong cuộc!

Với tình hình hiện nay, thật khó bình luận gì nhiều từ góc độ một người làm báo kinh tế, ngoại trừ một ý: trước một hiện tượng kinh tế, có rất nhiều góc nhìn lý giải, tùy thuộc vào chỗ đứng của người quan sát và lợi ích của họ.

Lấy ví dụ chuyện lãi suất. Với giới kinh doanh, lãi suất càng thấp càng tốt vì lúc đó chi phí sử dụng đồng vốn sẽ giảm. Vì thế không lạ gì khi họ đòi hỏi, vận động, yêu cầu, phân tích, lập luận… theo hướng sao cho lãi suất càng giảm, họ càng có lợi. Giới ngân hàng cũng vậy. Nhưng từ góc độ đại đa số người dân, có ít tiền gởi ngân hàng, lãi suất càng cao, họ càng khoái và một khi nó không cao như kỳ vọng của người dân thì họ tìm cách khác để bảo toàn tài sản của mình.

Cho nên mỗi khi đọc một phân tích nào của các chuyên gia, điều đầu tiên phải xem chỗ đứng của họ là ở đâu, họ đang đại diện cho lợi ích nào, chúng ta sẽ hiểu phân tích của họ rõ hơn.

Nói gì thì nói, cho dù giới kinh tế gia thế giới có đang tranh cãi về một số vấn đề của kinh tế học sau khủng hoảng, tất cả vẫn thừa nhận những nguyên lý cơ bản của nó chứ không ai nói ngược lại cả.

Vì thế cần phải bác bỏ những ý kiến “không đâu vào đâu”, đừng để chúng làm hoang mang thêm dư luận. Ví dụ, câu “không phải lưu lượng tiền tệ gây ra lạm phát mà do lãi suất cao đã đẩy lạm phát lên” (giải thích bên dưới). Hay câu này: “có người nói là vàng tương đương 45% GDP. Nếu đúng như vậy thì dân ta quá giàu, GDP đầu người khi đó không phải là 1.200 mà phải tới 1.600 USD” (tiền dành dụm của người dân mà tính vô GDP thì… bó tay!).

Hơn thế, xã hội thì ý kiến có thể đa dạng nhưng từ Chính phủ, mọi ý kiến phải nhất quán khi đó thị trường mới biết đường mà vận hành. Không thể chấp nhận một nguồn tin từ cơ quan này lại bị phản bác bởi cơ quan khác, một chủ trương từ cơ quan này tuyên bố lại bị phủ định bởi phát biểu của một cơ quan khác, những con số của một quan chức này đưa ra bị một quan chức khác cho là không chính xác và báo chí chịu tiếng là đăng thông tin sai!

Thật ra những vấn đề chính yếu của nền kinh tế hiện nay đang xoay quanh những yếu tố sau đây.

Lãi suất

Bài học mà Việt Nam đã rút ra nhiều lần là: để chống lạm phát, phải nâng lãi suất. Nếu mục đích của chúng ta là kiềm chế lạm phát, đừng để người nghèo chịu thêm gánh nặng giá cả thì phải cương quyết đi theo con đường đó, chứ khi thì nói tăng lãi suất khi thì nói đồng thuận giữ ở một mức nào đó, thị trường sẽ bối rối và phản ứng theo kiểu bối rối. Lãi suất cơ bản đã tăng lên 9% thì cho dù áp dụng quy định cũ thì lãi suất vẫn có thể lên đến 13,5% sao lại cứ kềm nó ở mức 12% làm gì? Người làm chính sách đang vì lợi ích của giới ngân hàng hay vì lợi ích của đại đa số người dân?

Tỷ giá

Rất nhiều yếu tố tác động tới tỷ giá và ngược lại tỷ giá cũng tác động rất phức tạp lên nền kinh tế nên không thể nói một cách dứt khoát tỷ giá phải như thế này, tỷ giá phải như thế khác, nên cố định hay thả nổi... Chỉ có điều lạm phát là yếu tố quan trọng nhất. Lấy ví dụ năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng đến 22,97% trong khi giá đô-la Mỹ bình quân năm 2008 chỉ tăng 2,35% so với bình quân năm 2007 (số liệu của Tổng cục Thống kê). Vậy việc tỷ giá gần như cố định như thế có lợi cho ai?

Chúng ta hãy dùng một ví dụ làm tròn số cho dễ hình dung. Đầu năm 2008, nhập một món hàng về bán giá 100 đồng, cuối năm cũng món hàng đó phải bán 130 đồng mới theo đúng đà tăng giá chung. Nhưng người nhập nếu tiếp cận được nguồn ngoại tệ chính thức của nhà nước, đầu năm bỏ ra 1 đô-la nhập hàng về bán, lãi chừng đó thì cuối năm bỏ ra 1 đô-la sẽ lãi nhiều hơn vì hàng bán với giá cao hơn (dĩ nhiên còn có nhiều yếu tố giá khác nữa nhưng cứ đơn giản hóa như thế để dễ hình dung).

Tỷ giá như thế chẳng lạ gì nhập siêu của nước ta ngày càng tăng.

Nhập siêu

Nói thẳng ra, tỷ giá như hiện nay là có lợi cho những ai tiếp cận được nguồn ngoại tệ chính thức và không khuyến khích sản xuất trong nước. Sáng nay báo Tuổi Trẻ đưa tin người ta tiếp tục nhập tăm tre và cà rốt về bán. Trước đó là tin nhiều doanh nghiệp FDI bây giờ chuyển sang nhập hàng về bán chứ không sản xuất nữa, ngay cả Coca-Cola cũng nhập nước giải khát về bán vì có lời nhiều hơn sản xuất.

Không thể giảm nhập siêu nếu không giải quyết vấn đề tỷ giá nói trên. Việc bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá chính là gián tiếp làm lợi cho những người được quyền mua, và có hại cho người dân nói chung.

Giá vàng

Riêng về giá vàng, tôi sẽ post bài “Ứng xử như thế nào với giá vàng?” sau khi TBKTSG đăng tải. Ở đây tôi chỉ có nhận xét là giá vàng tăng nếu tăng theo giá thế giới thì kệ nó, không có gì phải làm ầm ĩ. Vấn đề là khơi thông các kênh để giá vàng trong nước ngang bằng với giá vàng thế giới. Và để chống đầu cơ thì phải cho thị trường đầu cơ vì đầu cơ luôn có hai hướng đối nghịch nhau – chính đầu cơ sẽ triệt tiêu đầu cơ.

Cho phép nhập vàng, ắt là Ngân hàng Nhà nước sẽ bán đô-la cho các nơi nhập vàng (chủ yếu là các ngân hàng) để có tiền mà nhập và giá ắt là theo giá chính thức. Giá vàng hiện nay đã cao hơn giá thế giới còn tính theo giá chính thức còn cao hơn nữa. Vậy là trước mắt các nơi nhập vàng thấy đã lãi ngay mỗi đô-la các khoản chênh lệch giữa giá chính thức và giá tự do. Một lần nữa tỷ giá làm lợi cho giới ngân hàng và người dân, bị kích thích bởi tâm lý, sẽ là người chịu thiệt hại.

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Mỹ in tiền – nhưng in như thế nào?

Mỹ in tiền – nhưng in như thế nào?

Trong tuần này, báo chí đồng loạt đưa tin về chuyện ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) quyết định tung ra thêm 600 tỷ đô-la để kích thích kinh tế. Nhiều tờ báo của Mỹ dùng từ “in tiền” để chỉ chuyện này. Nhiều bài báo, khi giải thích khái niệm “nới lỏng định lượng” hay “nới lỏng số lượng” (Quantitative Easing), cũng giải thích đó là quy trình Fed “in tiền” để mua trái phiếu Chính phủ.

Dùng từ “in tiền” như thế nhiều người sẽ hiểu nhầm là động tác in thật sự, cho máy in chạy rầm rập, in ra những tờ 50, 100 đô-la để xài thoải mái. Thực tế không phải vậy, từ “in tiền” ở đây được dùng theo nghĩa bóng.

Thông thường khi nói đến tiền, chúng ta chỉ nghĩ đến các tờ giấy bạc, xanh xanh, đỏ đỏ - tức là tiền mặt. Lượng tiền mặt này thật ra rất ít so với hình dung của chúng ta. Ví dụ, theo thông tin trên trang web của Federal Reserve Bank of New York, tổng lượng tiền mặt là đô-la Mỹ (tiền giấy, tiền xu) đang lưu hành khắp nơi chỉ vào khoảng 829 tỷ đô-la, đa phần đang lưu hành bên ngoài nước Mỹ (số liệu năm 2008). Ở Mỹ, tiền mặt do Bộ Tài chính in ở những nhà máy in tiền của bộ này; việc phân phối tiền vào lưu thông giao cho Fed.

Trong thực tế, tiền còn là các khoản tiền gởi trong ngân hàng, có kỳ hạn, không có kỳ hạn… Để khỏi đi sâu vào chi tiết phức tạp, có thể hiểu cách Fed tung 600 tỷ đô-la vào nền kinh tế như thế này. Theo một lịch trình định trước, Fed tuyên bố mua vào trái phiếu chính phủ. Các ngân hàng lớn, có trái phiếu này, sẽ tranh nhau đấu thầu để bán cho Fed. Fed không đem tiền mặt trả cho các ngân hàng này mà chỉ ghi trong bảng cân đối của Fed là ngân hàng này, ngân hàng kia có thêm chừng đó tiền trong tài khoản. Vậy thôi.

* * *

Đến đây sẽ có người thắc mắc, làm vậy để làm gì, đâu có đưa tiền thật vào nền kinh tế thật đâu mà kích thích sản xuất?

Chính xác. Logic thông thường cho thấy, nếu người ta đang giữ trái phiếu, nay thấy được giá, có lời thì bán, nhưng chắc gì bán xong họ đem tiền ra tiêu đâu. Không có gì bảo đảm họ không lấy tiền đó mua tiếp trái phiếu hay các công cụ tài chính khác.

Chính sách “nới lỏng” của Fed, vì vậy, có mục đích chính yếu là nâng giá trái phiếu chính phủ lên, để từ đó giảm lợi suất của trái phiếu. Lợi suất trái phiếu giảm được kỳ vọng sẽ kéo lãi suất chung giảm xuống.

Trước đây khi lãi suất còn cao, Fed cứ tuyên bố giảm lãi suất cho khỏe, không cần dùng biện pháp “nới lỏng” này. Nay lãi suất đã giảm về gần đến 0% nên Fed hết cách, phải áp dụng cách này.

Một hệ lụy là các ngân hàng hay các nhà đầu tư tự nhiên có thêm tiền trong tài khoản, ắt sẽ đi lùng khắp thế giới để mua tài sản, kiểu như trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu hay vàng, nhằm hưởng lợi. Đó chính là nỗi lo dòng tiền nóng sẽ chảy vào các nước châu Á. Đó là ý nghĩa đằng sau những bản tin tài chính chúng ta đọc trong tuần này.

(Có tham khảo blog của Felix Salmon, nhà báo Reuters)

Thứ Năm, 4 tháng 11, 2010

Những hiểu nhầm thường gặp

Những hiểu nhầm thường gặp

Thế nào là phá sản?

Chỉ một khái niệm đơn giản như thế, sao các chuyên gia kinh tế cứ nói khi thế này, khi thế khác?

Theo Luật Phá sản của Việt Nam, “doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.

Ai có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố doanh nghiệp phá sản? Đó là chủ nợ, người lao động, chủ doanh nghiệp, đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước, cổ đông công ty cổ phần, thành viên công ty hợp danh.

Lấy một ví dụ được đơn giản hóa, một doanh nghiệp A, có vốn 50 đồng, vay thêm ngân hàng 50 đồng để mua một chiếc xe ba gác về chở hàng thuê. Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp này (thì cứ gọi như vậy cho trang trọng) sẽ như sau:

Tài sản

Nợ + Vốn

Xe ba gác: 100 đồng

Nợ ngân hàng: 50 đồng

Vốn: 50 đồng

Cộng: 100 đồng

Cộng: 100 đồng

Hai cột này luôn luôn bằng nhau, chứ không phải như một vị chuyên gia nói: “Tổng tài sản hiện đang có lớn hơn tài sản nợ, cộng với vốn chủ sở hữu thì nó vẫn còn số dư”!

Nay không được sử dụng xe ba gác để chở hàng nữa, xe bán lại, người ta chỉ mua với giá 30 đồng thì ngay lập tức ngân hàng có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục tuyên bố doanh nghiệp này phá sản.

Vì vậy với Vinashin, để biết tập đoàn này đã lâm vào tình trạng phá sản chưa, chỉ cần hỏi hai câu: 1/ Trong thời gian tới, chẳng hạn, 6 tháng tới, nợ tới hạn phải trả là bao nhiêu? 2/ Dòng tiền của Vinashin trong thời gian đó có đủ để trả số nợ này không?

GDP và lạm phát

“GDP tăng trên 6,5% nhưng lạm phát cũng tăng khoảng 8%, hoặc hơn thế nữa thì cuộc sống của xã hội không khá hơn bao nhiêu”.

Câu nói này có thể dẫn đến cách hiểu nhầm nhưng cũng có thể nói đúng thực chất tăng trưởng ở Việt Nam.

Tăng trưởng GDP là tính theo giá so sánh, tức là đã khử yếu tố lạm phát đi rồi.

GDP hằng năm được Tổng cục Thống kê công bố theo hai con số, giá thực tếgiá so sánh (với giá năm 1994). Ví dụ GDP năm 2008 so với GDP năm 2007 theo giá thực tế tăng đến 29,6% nhưng theo giá thực tế chỉ tăng 6,3%. Cái chúng ta thường nghe về tăng trưởng GDP là theo giá so sánh nên để cạnh lạm phát e rằng có người hiểu nhầm lạm phát mà cao hơn tăng trưởng GDP tức tăng trưởng âm!!!

Nhưng GDP đầu người lại tính theo giá thực tế, cho nên mới nghe mỗi người chúng ta nay đã có thu nhập trên 1.000/năm. Và vì thế đối với đại đa số người làm công ăn lương, thu nhập đâu có tăng theo lạm phát nên cho dù các ông thống kê nói thu nhập đầu người tăng, lạm phát thật sự đang ăn vào thu nhập của mỗi người.

Nói thêm về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất

So với báo cáo cũ, báo cáo của Chính phủ về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc trước Quốc hội vào hôm qua đã có một số thay đổi. Không còn thấy nhắc gì đến khoản tổng thu ngân sách của dự án lên đến 27,8 tỷ đô-la nữa. Cũng không còn khoản giá trị quyết toán chỉ là 43,8 ngàn tỷ đồng, giảm đến 8 ngàn tỷ đồng (tương đương giảm gần 500 triệu đô-la) mà chỉ ghi chung chung “Hiện nay với giá trị quyết toán vốn đầu tư dự kiến thấp hơn tổng mức đầu tư được duyệt, dự án có thể sẽ hiệu quả hơn nữa”.

Với người lạc quan, có thể nhận định báo cáo Chính phủ đã tiếp thu những góp ý trước đó khi báo cáo được đưa ra thảo luận vào ngày 18-10. Nhưng thực chất vấn đề không mất đi, chỉ là sự trì hoãn, vì báo cáo hứa phần này chủ đầu tư sẽ có báo cáo cụ thể sau khi hoàn thành việc quyết toán công trình, dự kiến vào tháng 12 tới. Thôi đành chờ vậy.

Thí điểm nay đã 5 năm

Thí điểm nay đã 5 năm

Chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước ra đời từ năm 2005 đến nay đã năm năm trôi qua nhưng vẫn chưa có một tổng kết chính thức nào về mô hình này.

Chưa sơ kết lấy đâu ra tổng kết

Còn nhớ đầu năm nay, Chính phủ đề ra một chương trình hành động rất cụ thể, với những cột mốc rõ ràng: Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế trong tháng 9-2010, nơi chủ trì là Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, nơi phối hợp là Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính. Một đầu việc khác, được giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì là “Rà soát, phân tích, đánh giá một cách toàn diện về hiệu quả của mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước”, cũng phải làm xong trong tháng 9-2010. Cụ thể hơn, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ “Đánh giá lại giá trị vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, hoàn tất trong quý 2-2010.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thấy kết quả gì từ những phần việc mà Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành. Giả thử các cơ quan này làm xong phần việc được giao thì cũng đã quá muộn so với thời gian năm năm các tập đoàn hoạt động theo dạng thí điểm. Trước đó, cũng đã có nhiều yêu cầu sơ kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhưng cũng không có một kết luận nào cụ thể.

Trong thực tế, cho đến nay đã có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập (xem bảng). Trong suốt thời gian đó, các tập đoàn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước bởi mãi đến cuối năm 2009, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế. Đến nay khi Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, mọi doanh nghiệp phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 thì cơ sở pháp lý của việc thành lập các tập đoàn càng mơ hồ hơn nữa.

Điều khiến nhiều người thắc mắc nhất là chuyện tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân. Nghị định 102 vừa mới ban hành và Nghị định 139 năm 2007 đều quy định như nhau, gần với thông lệ quốc tế, cụ thể:

1. Tập đoàn kinh tế bao gồm nhóm các công ty có tư cách pháp nhân độc lập, được hình thành trên cơ sở tập hợp, liên kết thông qua đầu tư, góp vốn, sáp nhập, mua lại, tổ chức lại hoặc các hình thức liên kết khác; gắn bó lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác tạo thành tổ hợp kinh doanh có từ hai cấp doanh nghiệp trở lên dưới hình thức công ty mẹ - công ty con.

2. Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.

Vì sao không có tư cách pháp nhân?

Trước khi phân tích các tập đoàn kinh tế ở nước ta, hãy xem thông lệ quốc tế về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn như thế nào. Lấy ví dụ Google rõ ràng là một tập đoàn lớn trong ngành công nghệ thông tin. Nay Google mua lại một hãng XYZ nào đó (như khi mua YouTube), tất nhiên về mặt danh nghĩa XYZ nay thuộc tập đoàn Google nhưng về mặt pháp lý, XYZ vẫn là một pháp nhân độc lập, chỉ có chủ sở hữu là Google mà thôi, nó không liên quan gì đến Google về mặt luật pháp cả. Chỉ khi Google làm báo cáo tài chính tổng hợp thì mới tích hợp kết quả kinh doanh của XYZ vào.

Hay lấy một công ty khác. Sony Vietnam là một pháp nhân độc lập, nó liên quan đến tập đoàn Sony ở góc độ vốn hay công nghệ hay nhân sự… tức toàn chuyện nội bộ. Tập đoàn Sony (Sony Corporation) là công ty mẹ, chuyên về điện tử và đóng vai trò đầu tư vào các công ty Sony khác như Sony Music hay Sony Ericsson. Tất cả làm nên Sony Group (không có tư cách pháp nhân vì không do ai đứng ra thành lập cả).

Ở Việt Nam cũng vậy. Lấy ví dụ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, theo giới thiệu của trang web của Chính phủ, gồm 10 đơn vị hạch toán phụ thuộc và 69 công ty con, công ty liên kết. Các công ty con của tập đoàn này như công ty Dệt Nam Định, Công ty Dệt Việt Thắng mặc dù do Tập đoàn Dệt May nắm giữ 100% vốn điều lệ vẫn là các công ty TNHH một thành viên, tức là những pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi mặt cho hoạt động của mình.

Hay Công ty Len Việt Nam, cũng được xem là thành viên của Tập đoàn Dệt May nhưng thuộc loại doanh nghiệp mà tập đoàn này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, còn Công ty cổ phần May Thời trang thuộc loại doanh nghiệp mà tập đoàn chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Thậm chí các đơn vị sự nghiệp như Viện Mẫu thời trang cũng là thành viên của tập đoàn.

Việc tập hợp các doanh nghiệp khác nhau như thế vào một nhóm các công ty (tức là tập đoàn) chỉ là việc họ tự thỏa thuận với nhau chứ làm sao hình thành từ một quyết định hành chính được.

Đang có sự nhầm lẫn rất lớn

Ở đây cần phân biệt Tập đoàn Dệt May Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) với công ty mẹ - cũng mang tên Tập đoàn Dệt May Việt Nam (có tư cách pháp nhân, được thành lập trên cơ sở Tổng công ty Dệt May Việt Nam). Lẫn lộn giữa hai thực thể này đã và sẽ là đầu mối cho muôn vàn trục trặc trong thực tế.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (không có tư cách pháp nhân) không ký kết hợp đồng được với ai cả (không có tư cách pháp nhân, không có con dấu làm sao ký); không được đứng ra vay nợ cho ai; nói tóm lại là không làm được gì trong thực tế cả. Không thể nào ra quyết định thành lập một thực thể như thế được.

Rõ ràng sự nhầm lẫn giữa công ty mẹ và cái gọi là tập đoàn bao trùm vì cả hai được đặt tên giống nhau đang gây khó khăn cho việc tổng kết mô hình tập đoàn. Đã không có tư cách pháp nhân thì liệu có có hội đồng thành viên hay hội đồng quản trị được không? Cũng tương tự, làm gì có chức danh chủ tịch hay tổng giám đốc một thực thể không có tư cách pháp nhân. Và lấy ví dụ Vinashin, không có tư cách pháp nhân thì làm gì có chuyện phá sản. Tất cả những điều này là do không phân biệt rạch ròi giữa Vinashin là công ty mẹ và Vinashin (là tập hợp trên 400 công ty lớn nhỏ). Hay lấy ví dụ hàng chục công ty mà Vinashin từng “góp vốn bằng thương hiệu”. Nếu tính cho cả tập đoàn, xem ra phải cộng tài sản của các công ty này vào nhưng đối với công ty mẹ Vinashin, chúng không làm tăng một chút tài sản nào cả.

Như vậy, giải pháp rõ ràng nhất là quay về với cách làm theo thông lệ quốc tế. Trước mắt phải yêu cầu các công ty mẹ trong các tập đoàn không được sử dụng từ tập đoàn trong tên gọi của mình để tránh nhầm lẫn. Gọi tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam thì phải hiểu đó là tập hợp nhiều công ty; còn công ty mẹ gọi bằng một tên khác như Tổng công ty Bưu chính Viễn Thông hay một danh xưng nào đó. Đọc lại các quyết định thành lập các tập đoàn, chúng ta sẽ thấy nếu không xác định rõ chuyện này, các nội dung quyết định sẽ bị vô hiệu hóa. Chẳng hạn, hội đồng quản trị được thành lập phải là hội đồng quản trị của công ty mẹ chứ không phải là hội đồng quản trị của tập đoàn.

Lúc đó, các tập đoàn là tập hợp các doanh nghiệp trên cơ sở tự thỏa thuận với nhau chứ không thể hình thành từ một quyết định hành chính. Công ty mẹ sẽ có quan hệ với các công ty con, công ty liên kết bằng vốn, bằng con người… Có như vậy mới hy vọng các bộ, ngành sẽ tổng kết được mô hình tập đoàn của Việt Nam.

------

Bảng

Các tập đoàn kinh tế nhà nước

  1. Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam
  2. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
  3. Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam
  4. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản
  5. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam
  6. Tập đoàn Dệt- May Việt Nam
  7. Tập đoàn Điện lực Việt Nam
  8. Tập đoàn Bảo Việt
  9. Tập đoàn Viễn thông quân đội
  10. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
  11. Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam
  12. Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Sòng phẳng

Sòng phẳng

Khi đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu con số nợ của Vinashin là không dưới 100.000 tỷ đồng hay khi đại biểu Lê Quang Bình đặt nghi vấn nợ của Vinashin có thể lên đến 120.000 tỷ đồng, họ có cái lý của họ bởi họ đang nói đến thực thể Vinashin lâm vào khủng hoảng, phát lộ vào khoảng đầu tháng 7 năm nay.

Nhưng khi Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đăng đàn để nói về Vinashin thì ông không thể dùng những con số này được nữa vì nó không chính xác. Theo báo VnExpress, ông Ninh nói: “Căn cứ vào số liệu báo cáo của Hội đồng quản trị Tập đoàn, tổng tài sản hiện có trên sổ sách của Vinashin là 103.774 tỷ” và khẳng định: “Như vậy là toàn bộ số tiền vay của Vinashin vẫn nằm trong các dự án”.

Cách nói này không chính xác vì những điểm sau:

Lúc có quyết định tái cơ cấu Vinashin, hàng loạt công ty con của Vinashin được điều chuyển sang cho Vinalines và PVN.

(Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tách nhỏ Vinashin

Vinashin sẽ điều chuyển về PVN nguyên trạng các doanh nghiệp, dự án: Khu công nghiệp tàu thủy Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy đóng tàu đặc chủng và sản xuất trang thiết bị tàu thủy Nhơn Trạch (Đồng Nai), phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong Công ty CP công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Nam Định), Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp (Tiền Giang), Khu công nghiệp tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), gồm cả Công ty công nghiệp tàu thủy Lai Vu.

Vinashin cũng phải điều chuyển về Vinalines Khu công nghiệp và nhà máy đóng tàu Hậu Giang, cảng và nhà máy đóng tàu Năm Căn (Cà Mau), Công ty vận tải Biển Đông, Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, phần vốn góp của Tập đoàn Vinashin trong các doanh nghiệp vận tải biển khác.

Thời gian bàn giao từ ngày 1-7 đến hết quý 3-2010).

Như vậy, cả tài sản và nợ của Vinashin đã giảm đáng kể chứ không thể dùng các con số cũ nữa. Thời điểm này cũng là đã hết quý 3, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng vừa mới khoe cuối tháng 10 hay đầu tháng 11 sẽ có một Vinashin mới, sao Bộ trưởng Tài chính không cập nhật số liệu và thực trạng Vinashin cho đến giờ này cho các đại biểu? Hay không lẽ các quan chức cho đến giờ này cũng không nắm được tình hình sau “tái cơ cấu”?

Dĩ nhiên việc giảm nợ này không thực chất vì nó chỉ chuyển khó khăn từ một doanh nghiệp nhà nước này sang doanh nghiệp nhà nước khác, chưa kể đến chuyện PVN phải trả cho Vinashin một khoản tiền đáng kể để ôm mớ tài sản và nợ kia.

Thứ hai, chuyện tiền vay nằm trong tài sản là chuyện sơ đẳng trong kế toán, vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là liệu tài sản của Vinashin có tạo ra được dòng tiền để trả nợ không, bởi một doanh nghiệp không trả được các khoản nợ đến hạn xem như đã phá sản. Và tài sản đó nếu không sử dụng hiệu quả lại là tác nhân tạo ra những khoản nợ mới.

Chẳng hạn, trong tài sản cố định của Vinashin tính đến cuối năm 2009 là 42.500 tỷ đồng (lấy số tròn) thì có gần một nửa (20.000 tỷ đồng) là đang xây dựng dở dang. Thử hỏi để các tài sản đang xây dựng dở dang này thành tài sản có thể khai thác được, cần phải vay nợ thêm bao nhiêu tiền? Trong tài sản ngắn hạn cũng chừng 50.000 tỷ đồng, có đến hơn một nửa (26.000 tỷ đồng) là các khoản phải thu. Biết bao nhiêu trong số đó là các con tàu mà người thuê đóng đã bỏ hợp đồng, và biến khoản phải thu thành không thu được? Hàng tồn kho của Vinashin đến cuối năm 2009 là 18.000 tỷ đồng, biết bao nhiêu trong số đó là tàu đóng xong không bán được? Tất cả đều là tài sản của Vinashin đấy!

Như tôi đã viết trước đây, vấn đề không phải là Vinashin nợ bao nhiêu (dù tính cho ra con số chính xác cũng rất quan trọng), vấn đề là làm sao trả những khoản nợ đến hạn. Nếu ngân sách phải đứng ra trả thì phải báo cáo một cách sòng phẳng cho Quốc hội, cho mọi người dân.


Bổ sung: Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm để xảy ra vụ đổ vỡ Vinashin, thiết nghĩ cũng cần phải yêu cầu Chính phủ giải trình rõ việc dọn dẹp hậu quả cú đổ vỡ này như thế nào. Không thể tin được vào những lời lạc quan tếu như kiểu hai ba năm nữa Vinashin sẽ bắt đầu làm ăn có lãi.

Nếu Vinashin là một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán ở một nước nào đó, giờ đây giá cổ phiếu của nó ắt đã bốc hơi gần hết. Lúc đó, nếu nó thuộc loại không thể không cứu, chính phủ nước này ắt sẽ quốc hữu hóa nó, biến những khoản tiền rót vào giải cứu thành equity (vốn). Đến lúc vực dậy được rồi, chính phủ sẽ bán lại để thu hồi tiền của người dân đóng thuế.

Vinashin đã là công ty quốc doanh nên không thể quốc hữu hóa được nữa. Con đường duy nhất là tách nó ra, không phải tách thành ba phần như đã làm, mà tách công ty mẹ ra và để các công ty con thành những công ty riêng lẻ. Chuyện này cũng không khó vì thực chất cái gọi là tập đoàn Vinashin chỉ là hữu danh vô thực, đâu có tư cách pháp nhân. Chỉ có cái thực thể công ty mẹ là có tư cách pháp nhân, nên việc tách ra như vậy chỉ là trả lại đúng thực chất. Từng công ty, là những tư cách pháp nhân riêng lẻ, phải thương lượng với chủ nợ để thuyết phục họ chuyển nợ thành vốn, bán nợ… Rủi ro mất trắng khi từng công ty riêng lẻ phá sản sẽ buộc chủ nợ ngồi vào bàn đàm phán. Những khoản giải cứu rót từ ngân sách, nếu có, cũng phải chuyển thành vốn chủ sở hữu, để sau này còn tính đường thu hồi nhờ cổ phần hóa hay bán lại doanh nghiệp.

Bổ sung: Bộ trưởng Võ Hồng Phúc hôm qua cũng phân bua, rằng các tập đoàn thường hay dở luật ra để đối phó khi Bộ đến kiểm tra về các dự án đầu tư. Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003 có quy định cho phép Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng quản trị ủy quyền cho Tổng giám đốc được phép quyết định đầu tư vốn của một dự án có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính. Vì thế, ông Phúc giả định, Vinashin có tài sản 113.000 tỷ đồng theo sổ sách thì họ có thể quyết định đầu tư đến 55.000 – 57.000 tỷ đồng tức là hơn cả dự án đặc biệt quan trọng phải trình Quốc hội.

Ông Phúc nói vậy là chưa đầy đủ.

Luật Doanh nghiệp có quy định như vậy. Nhưng ngay sau đó, Nghị định 199/2004 như một nghị định hướng dẫn thi hành luật này, nói rõ: “Hội đồng quản trị quyết định các dự án đầu tư có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 50% tổng giá trị tài sản ghi trên báo cáo tài chính của công ty được công bố tại quý gần nhất, nhưng không quá mức cao nhất của dự án nhóm B theo quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư, xây dựng”.

Mức cao nhất của dự án nhóm B là 600 tỷ đồng.

Quy chế quản lý tài chính các công ty nhà nước ban hành năm 2009 cũng có quy định rõ như thế. Làm gì có chuyện luật cho phép Vinashin tự quyết các dự án lên đến 55.000 tỷ đồng!


Bài đăng phổ biến