Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

TPHCM xây đường sắt cao tốc?

TPHCM xây đường sắt cao tốc?

Hai hôm nay nhiều tờ báo đưa tin Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ 1,1 tỷ USD cho hai dự án đường sắt cao tốc tại TPHCM. Dù cách rút tít khác nhau nhưng hầu như bản tin các báo đều có câu này: “ADB sẽ cung cấp 540 triệu đô-la cho một dự án trị giá 1,4 tỉ đô-la để xây dựng đường sắt cao tốc thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh, và một khoản bổ sung trị giá 636 triệu đô-la cho một dự án có giá trị 1,6 tỉ đô-la để xây dựng đường cao tốc tới phía nam của thành phố.”

Trời đất! TPHCM xây đường sắt cao tốc từ bao giờ mà mình không biết, nay có thêm đường sắt cao tốc thứ hai nữa.

Bởi nhiều báo cùng viết như thế nên tốt nhất là kiểm tra thông tin chính thức từ ADB và chẳng cần mất nhiều công sức cũng phát hiện ngay thủ phạm đưa tin sai chính là ADB hay chính xác hơn là người dịch bản tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt cho ADB.

Nguyên văn câu trích ở trên trong bản tin tiếng Anh như sau: “ADB will provide $540 million towards a $1.4 billion project to construct a second mass transit line in Ho Chi Minh City, and an additional $636 million for a $1.6 billion project to construct a modern expressway to the south of the city”.

Hóa ra ADB tham gia cho vay vốn đối với hai dự án giao thông tại TPHCM, một là dự án tuyến metro thứ hai và một là dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Cái “mass transit line” ở đây thường được báo chí trong nước gọi bằng nhiều tên khác nhau như tuyến đường sắt đô thị, tuyến tàu điện ngầm nhưng thường dùng nhất là tuyến metro. Tuyến thứ nhất là Bến Thành-Suối Tiên do Nhật Bản cho vay tiền để làm. Tuyến thứ nhì là Bến Thành-Tham Lương, trị giá 1,4 tỷ đô-la, lần này ADB cho vay 540 triệu đô-la để làm.

Dịch thành “đường sắt cao tốc” nghe mệt tim quá.

Cái thông cáo báo chí này của ADB còn nhiều đoạn kinh khủng hơn nữa: “Hệ thống đường tàu điện ngầm dài 11,3 km sẽ kéo dài từ Bến Thành tới trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, gần siêu thị lớn nhất của thành phố, đi qua Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất tới Tham Lương. 9,3 km đường cao tốc sẽ chạy ngầm và 2 km đường kết nối từ đường ngầm lên trên mặt đất”.

Đọc đoạn này thì không cần đối chiếu với bản tiếng Anh, ai từng đến TPHCM đều biết là nó sai một cách ngớ ngẩn, kiểu “từ Bến Thành tới trung tâm thành phố, gần siêu thị lớn nhất của thành phố”. (Tiếng Anh là from Ben Thanh in central Ho Chi Minh City, near the city's largest market).

Ở đây có hai chuyện đáng nói. Tính chuyên nghiệp của các tổ chức quốc tế như ADB hay WB dạo này giảm sút, ít nhất ở khâu dịch thuật hay văn bản bằng tiếng Việt. Đây là điều đáng báo động vì biết bao nhiêu dự án, đánh giá, thẩm định, tư vấn chuyển từ Anh sang Việt sẽ tam sao thất bản, có khả năng gây tai hại lớn. Thử tưởng tượng một khuyến nghị đúng đắn bị dịch sai và triển khai sai thì tác hại sẽ như thế nào?

Cái thứ hai là phóng viên của chúng ta. Người ta đưa bản thông báo sai như thế thì phải tự mình tìm hiểu và sửa lại đi chứ, sao lại cứ thế đăng lên nguyên xi. Ngay cả cái câu tôi vừa trích dẫn ở trên vẫn được một số báo trích đăng nguyên vẹn. Lỡ có ai ở xa đọc xong, cất công đi tìm siêu thị lớn nhất thành phố ở trung tâm Sài Gòn thì tìm đâu ra!

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Lý giải các thách thức

Lý giải các thách thức

Như thông lệ, cùng với Hội nghị thường niên nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra đầu tuần này tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam. Báo cáo năm nay cho thấy bên cạnh mức độ tăng trưởng khá cao, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

Những thách thức này thật ra đã được các chuyên gia kinh tế trong nước nhận diện từ lâu. Tuy nhiên lý giải nguyên nhân của WB có nhiều điểm đáng lưu ý.Những bất ổn vĩ mô của Việt Nam hiện nay, theo WB, là đã khởi phát từ năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn bên ngoài đổ vào nhiều chưa từng thấy, đã tạo nên sự bùng nổ tín dụng và bong bóng tài sản.

Cộng với những cú sốc từ bên ngoài như giá cả tăng vọt năm 2008, khủng hoảng tài chính năm 2009 và nợ công châu Âu năm 2010, Việt Nam hiện đang gánh chịu mức độ lạm phát cao nhất trong vùng Đông Á - Thái Bình Dương, tỷ giá chịu áp lực mạnh, dự trữ ngoại hối giảm, thị trường chứng khoán sụt giảm, trái phiếu chính phủ phải chịu lãi suất cao, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.

Về ngoại thương, báo cáo nhận định, trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vẫn là các nước phát triển, nguồn nhập khẩu lại chủ yếu đến từ Trung Quốc và Đông Á. Điều này giải thích vì sao Việt Nam đang xuất siêu với các nước phát triển nhưng lại nhập siêu với các bạn hàng láng giềng.

Lý do đằng sau, báo cáo nhận định, có thể là vì Việt Nam chưa kết nối được các mạng lưới sản xuất toàn cầu được triển khai tại Đông Á - Thái Bình Dương/ASEAN hoặc là vì các mạng lưới này, đặc biệt loại sản xuất hàng cần nhiều nhân công giá rẻ như may mặc, giày dép, lại kết thúc ở Việt Nam.

Mặc dù nhận định thâm hụt mậu dịch, sau khi tăng vọt ở thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, đang có chiều hướng giảm dần, kéo theo mức giảm thâm hụt tài khoản vãng lai, báo cáo cho rằng mức thâm hụt cao kéo dài cho thấy có vấn đề về cấu trúc. Thứ nhất, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức khó lòng tăng nhanh như trong quá khứ; thứ hai, sản xuất dầu thô trong nước đã lên đỉnh và sẽ giảm trong những năm tới; thứ ba, dòng tiền đầu tư trực tiếp chuyển lợi nhuận về nước sẽ tăng cao trong những năm tới.

Về áp lực lên tỷ giá, WB nhận xét trong một thời gian dài, mỗi khi có chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do sau một thời gian, giới quản lý giải quyết bằng cách điều chỉnh tỷ giá hay nâng biên độ giao dịch. Cách làm đó đã tạo ra sự kỳ vọng các lần điều chỉnh trong tương lai nên tạo ra sự bất ổn trên thị trường.

Đặt câu hỏi “Vì sao tiền đồng chịu nhiều áp lực như thế?”, báo cáo không cho rằng đó là do tiền đồng được định giá quá cao so với các nước láng giềng. Thực tế, tiền đồng đã mất giá so với đô la Mỹ đến 9-10% trong năm nay và đến 15-25% so với đồng tiền các nước khác trong ASEAN. “Vì thế rõ ràng là chỉ phá giá tiền đồng mà không giải quyết các nguyên nhân gốc rễ thì cũng không phải là giải pháp hữu hiệu”, báo cáo nhận xét. Thâm hụt tài khoản vãng lai cũng không phải là nguyên nhân vì thâm hụt này về nguyên tắc đã được bù đắp bởi thặng dư tài khoản vốn.

Báo cáo cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ thặng dư tài khoản vốn lại không được dùng để tài trợ cho thâm hụt tài khoản vãng lai vì tình trạng đô la hóa. Một lượng lớn ngoại tệ được doanh nghiệp cất giữ ở tài khoản ngoài nước hay bên ngoài hệ thống ngân hàng và vì thế, vấn đề tỷ giá không chỉ do lạm phát cao, dự trữ ngoại hối thấp, thâm hụt mậu dịch... mà còn bởi sự suy giảm niềm tin của thị trường vào khả năng giải quyết những yếu kém này.

Về lạm phát, báo cáo cho rằng nên nhìn nhận ở góc độ lịch sử vì Việt Nam trong suốt thập niên qua đã duy trì mức lạm phát bình quân lên đến 8,8%. Điều đó phản ánh xu hướng người làm chính sách muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn là chú trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Đó cũng là mâu thuẫn mà giới điều hành chính sách tiền tệ phải đối diện khi phải nhận lãnh hai nhiệm vụ trái ngược nhau: hỗ trợ kinh tế phục hồi và ổn định giá cả. Dĩ nhiên, khi buộc phải điều chỉnh chính sách liên tục như thế, kết quả ắt là một lập trường tiền tệ thất thường mà nhiều người đã phê phán là lúc thế này, lúc thế khác.

Ví dụ, sau khi kinh tế hồi phục vào cuối năm 2009, Chính phủ chủ trương thắt chặt tiền tệ; tháng 11-2009, lãi suất cơ bản được nâng 1 điểm phần trăm, tỷ giá được điều chỉnh 5,5%, việc bù lãi suất dần dần được chấm dứt. Nhưng đến quí 1-2010, khi tốc độ tăng GDP chỉ còn 5,8% và dưới áp lực của giới kinh doanh về lãi suất cao, chính sách lại được điều chỉnh vào giữa năm 2010 để hỗ trợ cho tăng trưởng, giới ngân hàng chịu áp lực phải giảm lãi suất. Đến nay, để chống lạm phát, lãi suất cơ bản được nâng lên 1 điểm phần trăm vào đầu tháng 11 nhưng khi lãi suất liên ngân hàng tăng vọt lên 18-20%, Ngân hàng Nhà nước lại can thiệp để giảm áp lực lên tính thanh khoản...

Vì thế, báo cáo cho rằng để chống lạm phát và ổn định tỷ giá, Chính phủ cần phát tín hiệu rõ ràng về cam kết tạo ra và duy trì sự ổn định vĩ mô trong ngắn hạn. Đi kèm theo đó là các chính sách cần thiết và thường xuyên cung cấp thông tin cho thị trường để tạo dựng niềm tin. Cũng cần bảo đảm sự nhất quán giữa các mục tiêu như lãi suất, hạn mức tín dụng, cung tiền... để tránh quán tính thay đổi chính sách liên tục.

Đáng tiếc là ngoài phần khuyến cáo ngắn nói trên, báo cáo hầu như không đưa ra được giải pháp nào khác cho những thách thức vĩ mô mà báo cáo đã dùng phần lớn nội dung để phân tích. Và đó thật ra cũng là mục đích của các tác giả bản báo cáo khi họ nhấn mạnh việc phân tích chủ yếu là để nhìn lại, điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm qua.

(Về đánh giá bản báo cáo, xem bài “Là hệ quả khó biện giải” của Vũ Thành Tự Anh trên TBKTSG)


Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

Cứng rắn trước sức ép

Cứng rắn trước sức ép

Sự đời không đơn giản.

Trước đây chúng ta thường nghe phương Tây rao giảng về kinh tế thị trường, về quản trị công ty, về việc nhà nước phải tránh xa việc kinh doanh, để cho thị trường tự điều tiết và tự quyết định.

Thế nhưng, mới đây, Standard & Poor’s hạ điểm xếp hạng tín dụng dài hạn của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam chỉ vì Chính phủ Việt Nam theo họ, dường như không còn đứng ra giải cứu các tập đoàn kinh tế nhà nước nếu chúng lâm vào cảnh nợ nần.

Haha. Đúng là cháy nhà ra mặt chuột.

Như vậy trước đây các khoản vay của các tập đoàn nhà nước với các định chế tài chính nước ngoài được ký kết dễ dàng là do giới đầu tư nước ngoài yên chí có Chính phủ đứng đằng sau, lỡ có bề gì, khoản cho vay của họ cũng không sao. Đấy là nói về các khoản vay không có Chính phủ đứng ra bảo lãnh. Còn khoản phát hành trái phiếu quốc tế về cho Vinashin vay lại thì đương nhiên Chính phủ phải chịu trách nhiệm trả nợ.

Vì tâm lý ỷ lại đó, đã có những khoản tiền từ nước ngoài cho Vinashin vay vô tội vạ, không cần đếm xỉa gì đến quy trình thẩm định dự án vay một cách bình thường.

Thôi, chuyện đó không nói nữa. Vấn đề là với Vinashin, chắc chắn sức ép từ bên ngoài bắt tập đoàn này trả nợ đúng hạn trong thời gian tới sẽ rất cao.

Tháng trước Vinashin nói là sẽ đề nghị các chủ nợ hoãn phần thanh toán 60 triệu đô-la đến hạn vào cuối tháng 12 này thêm một năm. Nói vậy là không hiểu gì về quy trình làm ăn của các chủ nợ - họ đâu dễ dàng gì cho hoãn khơi khơi vậy vì còn phải giải trình với cổ đông, với giới điều hành thị trường, với cấp trên. Và tiền của họ, khoản nào ra khoản đó, làm gì có chuyện ưa hoãn là hoãn.

Khả năng họ không đồng ý là cao. Và hệ quả sẽ rất phức tạp, không chỉ với Vinashin.

Trong tuần tới chúng ta sẽ nghe biết bao phân tích, rằng từ nay doanh nghiệp Việt Nam đi vay nước ngoài sẽ khó khăn gấp bội lần, vay được thì cũng phải chịu chênh lệch lãi suất cao hơn trước nhiều. Rồi nhà đầu tư sẽ phát biểu theo kiểu, một lần bất tín vạn lần bất tin. Tất cả đều nhắm vào gây sức ép để Chính phủ đứng ra giải quyết nợ cho Vinashin lần này.

Nếu nhìn ngắn hạn, chắc chắn sẽ có những ý kiến khuyên Việt Nam nên giải quyết khoản nợ này chứ không thôi hậu quả lan ra sẽ rất đắt đỏ.

Nhưng theo tôi, nên cứng rắn trước mọi sức ép. Vinashin vay không có sự bảo lãnh của Chính phủ thì cứ để Vinashin chịu trách nhiệm. Nếu chủ nợ tuyên bố Vinashin default (mất khả năng chi trả), ảnh hưởng là có và sẽ rất lớn. Nhưng chẳng thà chịu đau lần này, nhân đó thắt lưng buộc bụng để vượt qua các thử thách còn hơn vì lợi ích ngắn hạn mà nhượng bộ sức ép.

Bài đăng phổ biến