Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Luật để cho ai?

Luật để cho ai?

Nếu như nỗ lực đưa ra dự thảo Luật Nhà văn dẫn đến câu hỏi “Luật để làm gì?” thì những cố gắng loại bỏ dự thảo Luật Biểu tình của một đại biểu Quốc hội vào tuần trước đưa chúng ta đến với câu hỏi “Luật để cho ai?”

Nếu thường xem phim hình sự Mỹ, chắc người xem sẽ nhớ ngay đến chuyện lúc nào trước khi bắt ai, cảnh sát đều đọc như máy: “Anh có quyền giữ im lặng. [Nhưng nếu anh từ bỏ quyền này] Bất kỳ điều gì anh nói hay làm có thể sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa…”. Có lẽ ai cũng từng có lúc thắc mắc vì sao cảnh sát nói thế làm gì cho thêm rắc rối, không lẽ họ không muốn kẻ tình nghi nhanh chóng khai hết mọi sự? Vì sao lại tự trói buộc mình vào một tình huống gây khó cho chính họ?

Đó là bởi luật lệ nước Mỹ (và luật của nhiều nước khác) quy định như thế, cảnh sát phải làm theo. Còn vì sao phải quy định như thế là bởi một trong nhũng tu chính án của Hiến pháp Hoa Kỳ không cho phép ép buộc một người tự khai để chống lại mình. Ép buộc thì không được (để tránh trường hợp bức cung, tra tấn buộc tù nhân nhận tội) nhưng tự thú thì đương nhiên là chuyện bình thường.

Đến đây, chắc mọi người cũng thấy rõ luật, đặc biệt là bộ luật gốc, tức Hiến pháp, không phải dành cho chính quyền – luật nhằm bảo vệ công lý, tạo ra sự công bằng xã hội và luật là công cụ để người dân bảo vệ các quyền hiến định của họ. Một số ít người vẫn nhầm tưởng luật nhằm kiểm soát xã hội.

Vì vậy, trước khi trả lời câu hỏi, Luật Biểu tình có cần thiết không trong ý nghĩa bảo vệ công lý, chúng ta nên đặt câu hỏi vì sao các bản Hiến pháp nước ta - cho đến bản Hiến pháp mới nhất đều ghi rõ công dân có quyền biểu tình (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật – Điều 69, Hiến pháp 1992)?

Có thể trả lời câu hỏi này bằng nhiều cách. Đơn giản nhất thì cho rằng đó là các quyền cơ bản của con người trong một xã hội văn minh. Ở một mức cao hơn thì giải thích biểu tình đâu phải đơn thuần là chống lại Chính phủ như một số ít người hiểu nhầm, biểu tình là để người dân bày tỏ thái độ và thái độ đó có thể là phản đối, có thể là ủng hộ, có thể là nhắm đến Chính quyền nhưng cũng có thể nhắm tới hàng loạt đối tượng khác.

Nhưng thực chất vấn đề không nằm ở đó, không dừng lại ở những khái niệm nhất thời. Hiến pháp được xem là một khế ước cao nhất của tất cả mọi người trong một đất nước, cùng thỏa thuận cách thức sống chung với nhau như một xã hội thống nhất nên Hiến pháp cũng là công cụ để giúp kiểm soát, ngăn chận sự lạm quyền trong mọi thời điểm tương lai.

Người dân trao cho những người cầm quyền nhiều quyền lực để thực thi nhiệm vụ nhưng đồng thời họ cũng giữ cho mình những công cụ để tước đi quyền lực ấy nếu người cầm quyền lạm dụng quyền lực để làm điều xấu có hại cho người dân. Những công cụ ấy rất đa dạng, ở góc độ cá nhân là những luật lệ chặt chẽ mà ý nghĩa là nhằm bảo vệ công lý cho từng cá nhân như nói ở trên, ở góc độ xã hội là sự phân công quyền lực để dùng quyền lực giám sát quyền lực. Và ở góc độ tập thể chính là quyền biểu tình như quy định trong Hiến pháp.

Nếu nhìn từ góc độ người lãnh đạo, với một bộ máy nhà nước khổng lồ, nhu cầu có những cơ chế, những thủ tục, những quy trình để kiểm soát cấp dưới khỏi làm bậy, khỏi lạm quyền, khỏi đi chệnh những đường lối chính sách mà mình vạch ra là rất lớn. Trao cho xã hội những công cụ như luật lệ, trong đó có Luật Biểu tình, là nhằm mục đích đó. Giả định một tình huống, lãnh đạo một địa phương nào đó lạm dụng quyền lực chiếm đất của người dân trái phép, lại có đủ thủ đoạn để chặn đứng những nỗ lực đương đầu của người dân như khiếu nại, tố cáo, kiện ra tòa… Lúc đó, biểu tình là cách tốt nhất để người dân ở nơi đó gởi thông điệp của họ đến thẳng chính quyền cấp cao hơn để biết và giải quyết triệt để.

Thật ra, để trả lời cho vị đại biểu tuần trước ra trước Quốc hội phát biểu bác bỏ nhu cầu cần có dự luật biểu tình thì đơn giản hơn nhiều. Biểu tình là một trong những quyền của công dân ghi trong Hiến pháp. Chừng nào Hiến pháp còn ghi điều đó thì nhiệm vụ của các đại biểu lập pháp như ông là phải cụ thể hóa quyền đó thành một đạo luật cụ thể. Nói chờ dân trí cao hơn mới có thể ban hành Luật Biểu tình là một cách nói vi hiến không thể chấp nhận ở một đại biểu Quốc hội.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Tỷ giá nhìn từ lương

Tỷ giá nhìn từ lương

Trước hết xin nói qua về chuyện tưởng chừng không liên quan đến đề tài tỷ giá.

Đó là câu “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010” như một trong những chỉ tiêu trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 mà Quốc hội vừa mới thông qua ngày 8-11. Đối chiếu với chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,5 - 7%, nhiều người cho rằng tăng gấp đôi thu nhập người dân là chuyện không khả thi, bởi lúc đó tăng trưởng GDP phải lên đến 15-20%, chưa kể đến mức tăng dân số hàng năm.

Thật ra, thu nhập của người dân tính theo GDP danh nghĩa nên nếu mức tăng GDP danh nghĩa cao như mấy năm qua (vì lạm phát) thì chuyện “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010” cũng có khả năng xảy ra. Chẳng hạn nếu GDP hàng năm tăng chừng 7%, cộng thêm lạm phát hàng năm chừng 7% thì GDP danh nghĩa đến năm 2015 sẽ tăng chừng gấp đôi, còn nếu tính cả yếu tố tăng dân số thì thu nhập của người dân cũng tăng khoảng 1,85 lần.

Nhưng để đạt mức tăng 2,5 lần, lạm phát hàng năm phải đâu khoảng chừng 13-14% hay cao hơn trong mấy năm đầu. Lạ một điều là các văn bản khác đều nói ưu tiên kiềm chế lạm phát, thậm chí Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 xác định “chỉ số tiêu dùng tăng dưới 10%” và Nghị quyết trích dẫn đầu bài nói “chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5- 7% vào năm 2015”.

Dù sao cứ tạm thời tin rằng trong năm năm tới thu nhập của mỗi một chúng ta sẽ tăng gấp 2 đến 2,5 lần, để chuyển qua nói chuyện chính là tỷ giá.

Giả thử mức lương sống được của người công nhân may mặc ở TPHCM hiện nay là 6 triệu đồng/tháng (kể cả mọi thứ bảo hiểm, tiền thưởng tết… một con số trích dẫn theo ông Lê Quốc Ân, trưởng ban cố vấn Hiệp hội dệt may). Với tỷ giá hiện nay, mức lương đó tương đương 285 đô-la. Giả thử tiếp đến năm 2015 mức lương này tăng 2 lần lên 12 triệu đồng/tháng hay 2,5 lần lên 15 triệu đồng/tháng theo chỉ tiêu ghi trong Nghị quyết của Quốc hội. Chuyện này có thể xảy ra lắm chứ nếu lạm phát cứ cao như năm 2008 hay năm nay thì lương phải cao đủ để công nhân xoay xở sống được.

Vấn đề ở chỗ tỷ giá đang được giữ theo mức ổn định, như cam kết của Ngân hàng Nhà nước cụ thể cho năm nay là tăng không quá 1%. Giả thử tỷ giá neo lại, thay đổi không đáng kể, lúc đó, vào năm 2015, lương công nhân may mặc ở TPHCM sẽ vào khoảng gần 550 đô-la đến gần 700 đô-la. Thử tưởng tượng coi làm sao ngành may mặc TPHCM cạnh tranh nổi với nơi khác khi lương công nhân may mặc lên đến 700 đô-la. Thử nghĩ mà coi có nước nào tiền lương danh nghĩa tăng nhanh đến như thế (tính theo đô-la Mỹ, nơi lạm phát không đáng kể, chứ tính theo tiền đồng thì lạm phát ăn lạm vào hết rồi). Nói cách khác, nếu tính theo tiền đồng, có thể mặt bằng giá cả sẽ cùng tăng lên một mức mới và mọi người dần làm quen với chúng (cách đây vài năm, có ai nghĩ mỗi lần gởi xe tốn gấp 2 đến 2,5 lần – tức từ 2.000 giờ lên đến 4.000-5.000 đồng) nhưng với tiền đô-la khi làm ăn, cạnh tranh với nước ngoài thì đâu có chuyện mặt bằng giá mới như thế.

Thử hình dung tiếp, lúc đó, mặt bằng giá cả trong nước tăng nhưng nếu tỷ giá thay đổi không bao nhiêu thì hàng ngoại nhập sẽ ngày càng rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Lương công nhân tính bằng tiền đồng sẽ gần như trước nhưng tính theo đô-la sẽ có giá trị cao hơn và giá trị đó sẽ thể hiện qua hàng nhập khẩu. Chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ điêu đứng vì làm sao cạnh tranh nổi khi giá hàng của mình mỗi năm phải tăng chừng 15-20% còn hàng ngoại tăng không đáng kể?

Đến đây chúng ta đã thấy lẽ ra tỷ giá phải thay đổi phụ thuộc vào lạm phát, lãi suất giữa đồng tiền của hai nước chứ ai lại cứng nhắc theo kiểu “tăng không quá 1%”. Nếu điều hành tỷ giá theo kiểu cứng nhắc như thế, chẳng bao lâu, lợi thế cạnh tranh về giá công nhân sẽ biến mất mà người dân cũng thật sự chẳng hưởng được lợi lộc gì.


Bổ sung: TBKTSG tuần này có hai bài liên quan đến Vinashin:

- Bài "Món nợ Vinashin"

- Bài "Những chọn lựa khó khăn"


Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Luật để làm gì?

Luật để làm gì?

Tuần qua, dư luận chê cười một đề xuất xây dựng Luật Nhà văn với hầu như tất cả ý kiến cho rằng một dự luật như thế là không cần thiết trong bối cảnh có rất nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần luật hóa hơn nhiều. Thật ra, đằng sau một đề xuất như thế còn nổi lên một vấn đề quan trọng khác: chúng ta xây dựng luật là để điều chỉnh các mối lợi ích để tiến đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hay luật nhằm mục đích phục vụ lợi ích nhóm?

Để dễ hình dung, chúng ta hãy lấy vấn đề xã hội hóa các dịch vụ y tế và bảo hiểm y tế để minh họa. TBKTSG số ra tuần rồi (ngày 3-11-2011) có hai bài về đề tài này, trong đó bài “Người nghèo ít được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế” cung cấp nhiều con số cho thấy đã có sự chênh lệch rất lớn giữa việc thụ hưởng quyền lợi từ bảo hiểm y tế giữa người nghèo và người giàu, giữa nông thôn và thành thị. Người dân vùng khó khăn chỉ được đi khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở và được chi trả khoảng vài trăm ngàn đồng cho những lần khám chữa bệnh. Trong khi đó, tại các thành phố, số tiền chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế có thể lên tới vài trăm triệu đồng, chẳng khác nào “nhà nghèo đóng tiền khám bệnh cho nhà giàu”.

Bài “Mất quyền kiểm soát dịch vụ y tế” còn cho thấy một bức tranh đáng ngại hơn khi cho thấy chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế (kêu gọi đầu tư tư nhân vào trang thiết bị y tế tại bệnh viện) đến nay đã bộc lộ những mặt trái: lạm dụng kỹ thuật, bắt chẹt bệnh nhân. Ví dụ, tại bệnh viện Đa khoa Bình Định, 100% bệnh nhân vào khám bệnh đều bị buộc phải chụp cộng hưởng bất kể khám bệnh gì.

Đó là một thực tế. Nếu một đại biểu Quốc hội nào đó thấy không thể kéo dài tình trạng trên bèn suy nghĩ phải xây dựng một đạo luật mới hay chỉnh sửa đạo luật cũ sao cho việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế được công bằng hơn, bệnh nhân không bị bắt buộc làm các xét nghiệm không cần thiết. Các chuyên gia luật pháp sẽ giúp soạn thảo đề án luật thể hiện được tinh thần này – một việc không dễ dàng gì. Dự luật được đưa ra thảo luận, các đại biểu gần gũi với quyền lợi của nơi đã bỏ tiền ra đầu tư trang thiết bị máy móc vẫn còn cần thu hồi vốn ắt sẽ phản đối nhưng đa số đại biểu vì quyền lợi của cử tri sẽ thông qua dự luật. Một vấn đề xã hội được giải quyết. Xã hội tiến gần hơn mục tiêu công bằng thêm một chút nữa.

Tinh thần làm luật là như vậy chứ luật không phải được làm ra để tạo điều kiện cho bất kỳ một ai hưởng được những ưu đãi, những đặc quyền hay một nhóm người nào đó sự thuận tiện so với nhóm người khác. Nếu luật nhằm tạo sự thuận tiện cho chính quyền trong việc quản lý cũng không đúng với tinh thần luật là nhằm ngăn ngừa sự bất công.

Trong bối cảnh đó, dự án Luật Nhà văn nên bị bác bỏ khỏi chương trình làm luật của Quốc hội vì lý do gì (tức là nói làm cho cho người đề xuất cũng thấy bị thuyết phục, chứ không đơn giản chê cười họ)? Nếu luật được dùng để điều chỉnh lợi ích của nhà văn thì đã có những sắc luật khác chi phối như Luật Sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, các quy định về hợp đồng… Ngược lại, nếu nó được dùng để chi phối hoạt động sáng tác của nhà văn thì đúng là nó phục vụ cho lợi ích của Hội Nhà văn trong công việc của họ nên đáng bị phê phán, châm biếm. Nếu chỉ vì muốn kiểm soát việc nhà văn viết hồi ký, tránh chuyện gây tranh cãi nhà văn này bóp méo sự thật, nhà văn kia bịa chuyện, xuyên tạc mà cất công trình dự án luật thì đúng là chuyện tầm phào.

Nhìn rộng hơn một chút, chúng ta sẽ thấy những sáng kiến đề xuất xây dựng luật theo kiểu đó ngày càng xuất hiện nhiều. Chúng sẽ không dễ bị phản bác như Luật Nhà văn đâu – bởi chúng cũng sẽ xuất phát từ lợi ích nhưng lợi ích của nhóm đông hơn, tiếng nói mạnh hơn. Từ chuyện sát sườn như hạn chế ô tô hay hạn chế xe máy đến chuyện khó thấy hơn như ưu tiên cho thủy điện hay ưu tiên cho bảo vệ rừng. Người đại biểu sẽ bị đặt vào những tình huống khó xử hơn khi phải cân nhắc hài hòa lợi ích của các nhóm dân cư. Nhưng sự phân vân của họ sẽ chấm dứt khi họ quyết định dựa trên nền tảng: luật pháp là nhằm phục vụ cho sự công bằng của xã hội khi loại trừ được sự bất công và lạm quyền.

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Cơ hội xuyên biên giới

Cơ hội xuyên biên giới

Hôm qua, sau khi viết xong entry “Thu hồi được không?”, tôi chợt nghĩ, việc phát hành sách qua Amazon là một cơ hội làm ăn lớn, sao các nhà xuất bản trong nước không chộp lấy nhỉ.

Chỉ nói riêng về thị trường đọc sách tiếng Việt ở nước ngoài, số lượng độc giả tiềm năng cũng đã rất lớn. Nhiều người Việt ở nước ngoài khi về thăm quê đều mua một ít sách về cho mình hoặc làm quà tặng bạn bè. Nhiều người ở nước ngoài nhờ người trong nước mua sách gởi qua. Chi phí chuyên chở và sự nhiêu khê là một trở ngại lớn.

Nay thế giới in ấn xuất bản sách đang trải qua những thay đổi to lớn. Sách điện tử đang lấn lướt sách in, vào tháng 2 năm nay, số lượng sách điện tử bán ra ở Mỹ đã vượt sách in, cả bản bìa cứng cộng bản bìa mềm. Sách điện tử giúp dẹp bỏ rào cản địa lý, không còn mất công, mất tiền chuyên chở, chờ đợi. Bấm vài cái, sách chạy ngay vào máy của mình, ai mà không thích. Trước, đọc sách trên máy tính nhiều người chê mỏi mắt, ngồi đau lưng; nay đã có nhiều loại máy đọc sách chuyên dụng như Kindle, Nook, Sony Reader… đọc trên đó như đọc trên giấy in bình thường.

Giả thử nhà xuất bản hợp tác với Amazon, đưa sách của mình lên mạng; ấn bản điện tử bán với giá rẻ thôi, chừng 2 đô-la, chắc chắc trong hàng triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài cũng có vài ngàn người mua, còn cao hơn số lượng in thường thấy hiện nay đối với sách in trong nước.

Chuyện đó không khó gì cả bởi đã có người làm rồi.

Thị trường trong nước to lớn hơn nhiều nhưng ngược lại, không hy vọng được gì nhiều lắm. Không phải vì người trong nước không đọc sách trên máy. Theo chỗ tôi biết đã có hàng ngàn máy Kindle được bán ở Việt Nam. Nếu cộng cả các loại máy tính bảng như iPad mà đọc sách cũng là một trong những chức năng chính thì con số khách hàng tiềm năng cho loại sách điện tử ở Việt Nam khá lớn.

Nhưng thị trường này đã hỏng vì tệ ăn cắp bản quyền. Hàng chục ngàn cuốn sách đã được đưa lên mạng dưới dạng ebook. Bất kỳ cuốn sách nào hay, bán chạy, ra đời chưa bao lâu sẽ có ấn bản ebook “miễn phí” trên mạng. Cuốn Steve Jobs vừa mới ra mắt bên Mỹ được một ngày, hôm sau đã thấy cho tải về miễn phí trên một diễn đàn ở Việt Nam. Sách mua trên Amazon, thường chỉ đọc được trên tối đa 6 thiết bị mà người mua đã đăng ký nhưng người ta vẫn có đồ nghề bẻ khóa và chia sẻ cho toàn thiên hạ. Tạm thời chưa thể trông chờ thị trường ebook có bản quyền ở Việt Nam cất cánh nhưng vẫn sẽ có người bỏ tiền mua sách điện tử có bản quyền, nhất là nếu sách có giá phải chăng, việc thanh toán thuận tiện.

Trở lại với thị trường nước ngoài, không những chỉ có sách mà cũng nên nghĩ đến chuyện phát hành báo, tạp chí qua mạng như Amazon. Họ đang cung ứng dịch vụ này cho những tờ báo nổi tiếng như New York Times (báo ngày) hay Time (tuần báo). Đăng ký mua kiểu này rẻ hơn, hàng sáng hay hàng tuần nội dung báo được gởi tự động vào máy đọc sách của người đăng ký. Chi phí phát hành xem như không đáng kể - tại sao không thử làm nhỉ?

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Thu hồi được không?


Thu hồi được không?

Thời đại kỹ thuật số, nếu không thay đổi cách suy nghĩ và cách hành xử, người ta dễ bị hố.

Chuyện cuốn “Sát thủ đầu mưng mủ” bị thu hồi thì ai cũng biết nhưng có lẽ ít người biết sách đang được chào bán qua Amazon (đây là đường dẫn). Điều đó có nghĩa, bất kỳ ai có thẻ tín dụng đều có thể mua sách và tùy cách thức nhận sách, có thể lấy về máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng iPad và đặc biệt là máy đọc sách Kindle trong nháy mắt.

Mà cũng lạ nhỉ, thu hồi sách là do Nhà xuất bản Mỹ thuật thế thì ai ký hợp đồng với Amazon để đưa sách lên bán? Không lẽ là Indochine, nơi quảng bá là đơn vị độc quyền phát hành cuốn sách này (chắc là ở nước ngoài)?

Với những nhà sách trực tuyến như Amazon, có lẽ sẽ đến ngày nhà xuất bản trung gian biến mất, tác giả làm việc thẳng với Amazon để đưa sách trực tiếp đến người đọc. Chuyện này đã xảy ra rồi và đang có chiều hướng bùng nổ. Trong khi đó chúng ta vẫn đang loay hoay nay thu hồi cuốn này, mai thu hồi cuốn khác. Amazon có phần phản hồi của độc giả rất phong phú. Hãy đợi vài hôm xem độc giả phê bình cuốn sách này như thế nào. Nếu ai cũng chê nó "nhảm nhí" và khuyên người khác đừng mua uổng tiền thì đâu cần lệnh thu hồi nào, tự nó cũng dần biến mất trên kệ sách.


Thứ Tư, 2 tháng 11, 2011

Nợ và trả nợ

Nợ có thể chưa lo nhưng trả nợ thì phải lo

Nhiều quan chức tuần trước đã trấn an nợ công Việt Nam không có gì đáng lo. Đi kèm là những con số dùng để chứng minh, có thể lời trấn an này đã làm nhiều người yên tâm.

Thế nhưng, cần phải biết hiện nay Việt Nam phải sử dụng khoảng 14-16% ngân sách để chi trả nợ. Điều đó có nghĩa số tiền bỏ ra trả nợ hàng năm bằng toàn bộ số tiền chi cho giáo dục và đào tạo; nó cũng gấp đôi số tiền chi cho y tế; bằng gần 20 lần chi cho khoa học công nghệ.

Nói trên con số cụ thể, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, năm 2012, số tiền trả nợ tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng. Để hình dung con số này lớn bao nhiêu, chúng ta hãy so sánh nó với vài con số thu về cho ngân sách. Theo dự toán ngân sách năm 2011 do Bộ Tài chính công bố, toàn bộ thu thuế thu nhập cá nhân chỉ vào khoảng 29.000 tỷ đồng, có nghĩa phải tăng số tiền thu thuế thu nhập cá nhân lên hơn ba lần mới đủ trả nợ. Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 154.000 tỷ đồng, chỉ đủ để trả nợ hằng năm cộng với chi cho y tế là gần hết.

Khoảng tiền trả nợ hằng năm, tính theo đô-la Mỹ là vào khoảng 4,8 tỷ đô-la. Cam kết cho vay theo hình thức ODA năm 2011 là 7,88 tỷ đô-la nhưng đó chỉ là con số cam kết; con số giải ngân thấp hơn rất nhiều. Tổng giải ngân ODA năm 2010 chỉ đạt 3,5 tỷ đô-la (trong khi con số cam kết cho vay là 7,9 tỷ đô-la). Như vậy tiền trả nợ còn cao hơn cả tiền vay mới theo dạng ODA (cho dù không phải tất cả các khoản trả nợ là để trả nợ ODA)!

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Xuống dốc

Xuống dốc

Giả thử, người đứng đầu một địa phương một hôm đẹp trời đi vi hành khắp các quán cà phê. Ông nổi giận khi thấy thanh niên không chịu đi làm việc mà cứ mải mê trong khói thuốc bên ly cà phê; bèn ra về và ban lệnh cấm khách ngồi uống cà phê quá hai tiếng! Xin nói ngay đây là một chuyện giả tưởng để bàn chuyện khác chứ không có địa phương nào ra lệnh kỳ quái như thế.

Cách “trị dân” của ông này chính là hình ảnh trái ngược của khái niệm Nhà nước pháp quyền và gọi cho đúng bản chất sự việc thì đây là “độc tài”, “độc đoán” dù thiện ý của nhà lãnh đạo này cũng đã rõ.

Một xã hội dân chủ sẽ giải quyết lợi ích cá nhân trong tương quan với lợi ích xã hội bằng một dạng hợp đồng, trong đó cá nhân chịu hy sinh một số quyền tự do nhất định, chịu bị ràng buộc bởi các quy ước chung để mọi người có thể chia sẻ nguồn lực xã hội một cách công bằng nhất.

Nếu thay cà phê trong ví dụ trên bằng ma túy chẳng hạn, rất dễ thấy mọi người trong cộng đồng sẽ đồng tình với điều luật cấm mua bán, sử dụng ma túy, ai vi phạm sẽ bị trừng phạt đích đáng. Nhưng tất cả phải được thể hiện trước tiên bằng ý muốn của cả cộng đồng thông qua các điều luật làm nền tảng cho việc điều hành của cơ quan công quyền. Lúc đó, luật pháp đứng trên tất cả, kể cả ông lãnh đạo địa phương vì nếu con ông vi phạm, cũng sẽ bị trừng phạt như một người dân thường.

Phần ở trên là trích từ một bài tôi viết và đã đăng trên TBKTSG từ năm ngoái (nhưng không đưa lên blog). Tình huống tưởng như giả tưởng nói trên nay đang diễn ra dưới nhiều dạng khác nhau và sự suy xét đúng sai cũng không hề đơn giản như tôi từng lập luận. Điều đáng ngạc nhiên là, nói một cách ví von, trước những tình huống như thế, dường như đa số ý kiến muốn có lệnh cấm uống café quá hai tiếng ngay chứ không cần đợi có luật lệ gì cả. Chắc mọi người nhớ ngay đến những ví dụ thời sự trong mấy tuần gần đây (từ việc cấm chơi golf, phân biệt sinh viên dân lập đến việc thu hồi sách thành ngữ kiểu mới).

Sự đồng tình đó nói lên cái gì?

Thứ nhất, nó cho thấy hệ thống luật pháp ở nước ta hầu như đã mất tác dụng, người tôn trọng pháp luật một cách ngây thơ sẽ chịu thiệt thòi so với người lách luật. Người ta không còn tin vào sự công minh của pháp luật, sự tuân thủ luật lệ của giới có quyền hay có tiền. Chẳng hạn chuyện tuyển dụng công chức sẽ trở nên bình thường nếu việc thi tuyển thật sự công bằng, dựa vào năng lực của người dự tuyển, chứ không cần dựa vào loại trường tốt nghiệp. Nhưng thực tế đâu có như vậy, việc chạy chọt để kiếm một chân làm việc ở cơ quan nhà nước hầu như đã trở thành chuyện bình thường. Vì vậy, trong tâm lý con người, thôi thì nơi nào tạo dựng được sự công bằng tương đối nào đó cũng tốt hơn là không có, nơi nào tạo ra những rào cản để bớt kẻ chạy chọt cũng là chuyện đáng chấp nhận.

Thứ hai, người dân đang phẫn nộ trước những bất công trong xã hội và ai, điều gì giảm được chút bất công đó, dù bằng con đường không chính thống, đều đáng được hoan nghênh. Sự phẫn nộ của xã hội tạo ra những làn sóng dư luận và các quan chức, các cơ quan công quyền đôi lúc ứng xử dựa vào làn sóng dư luận này, chứ không hẳn dựa vào luật lệ. Người ta cố ý nhầm lẫn giữa nguyên tắc và sự việc cụ thể. Một số tờ báo cũng ứng xử theo cách đó.

Thứ ba, tình hình như thế là một điều đáng buồn chứ không có gì đáng “phấn khởi” cả. Như thể chúng ta tự đánh tụt hạng mình trên con đường xây dựng một xã hội văn minh. Chuyện truy bắt phù thủy chỉ xảy ra từ thời Trung Cổ và từ đó đến nay thế giới đã tiến những bước rất xa. Nếu đồng tình với cách ứng xử như thế, đồng nghĩa với một sự thụt lùi rất xa về nhận thức về một nhà nước pháp quyền, một sự chấp nhận giải quyết mọi việc dựa vào cảm tính và sức mạnh của đám đông.

Thứ tư, hậu quả của nó, nếu nhà nước không nhảy vào để giải quyết một cách dứt khoát chứ không phải là những phát biểu chung chung là rất lớn. Như con đường phát triển của hệ thống đại học ngoài công lập trong tương lai sẽ như thế nào đây khi xã hội, dưới sự “đầu têu” của một số cơ quan chính quyền, từ bỏ nó ngay trong trứng nước?

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Steve Jobs (2)

Steve Jobs (2)

Cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson nhiều chi tiết quá. Chi tiết làm nên câu chuyện và chi tiết đắt sẽ tô đậm, khắc họa ấn tượng tác giả muốn tạo ra. Sách tràn đầy chi tiết giúp làm nổi bật tính cách cả tốt lẫn xấu của Steve Jobs nhưng những chi tiết khác dễ làm độc giả rơi vào một cánh rừng mà không thấy được toàn cảnh.

Tôi có cảm giác mặc dù tác giả đã phỏng vấn Steve Jobs hơn 40 cuộc trong suốt hai năm, cuốn sách vẫn miêu tả Steve Jobs từ bên ngoài. Có lẽ việc gặp hơn 100 người gồm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, đối thủ của Jobs đã làm tác giả nghiêng nhiều hơn về cách nhìn từ bên ngoài vào. Chúng ta sẽ có cảm giác như đang đọc một bài báo thật dài về Steve Jobs hay đúng hơn là hàng trăm bài báo về Steve Jobs theo những chặng đường trên cuộc đời của ông. Tác giả không giúp cho người đọc thấy được vì sao Jobs hành động, quyết định hay ứng xử như Jobs từng ứng xử ngoại trừ một số đoạn nói về tác động tâm lý của một người con bị bố mẹ đẻ bỏ rơi.

Cuộc đời của Steve Jobs gắn liền với sự sôi động của nền công nghệ thông tin, sự thăng trầm của nhiều số phận, nhiều ý tưởng và sự biến đổi lối sống của tất cả mọi chúng ta dưới tác động của công nghệ thông tin. Nhưng cuốn sách, bị nhấn chìm dưới nhiều chi tiết, chẳng hạn những trang miêu tả dài dòng cách Steve Jobs cho ra mắt một sản phẩm nào đó, nên không phản ánh đầy đủ được sự sôi động này. Phần nói về sự ra đời của chiếc iPhone là một ngoại lệ.

Dĩ nhiên, chi tiết nào thuộc loại mới, lạ đều gây tò mò thích thú ở độc giả. Chẳng lạ gì báo chí Mỹ tràn ngập các tin trích những chi tiết ấy khi sách ra mắt chứ ít thấy những bài điểm sách như thông lệ.

Tuy nhiên, phần cuối sách, khi nói về bệnh tình Steve Jobs, ngòi bút tác giả lại vẽ lên những hình ảnh rất cảm động.

Chẳng hạn, gần cuối sách, tác giả kể một hôm Jobs gởi email mời Ann Bowers đến thăm. Bà từng là giám đốc nhân sự của Apple thời đầu thập niên 1980 và là một trong rất ít người kiềm chế được tính tình nóng nảy của Steve Jobs, là người duy nhất la mắng Jobs sau khi ông nguội cơn thịnh nộ. Lúc bà đến nhà Jobs, ông trở bệnh nặng, đang đau đớn nhưng vẫn hăm hở khoe bà bản vẽ trụ sở mà Apple sẽ xây dựng, như một con tàu vũ trụ – một công trình vĩ đại theo kiểu của ông. Thế rồi ông nhìn bà và hỏi, một câu hỏi suýt làm bà sụm xuống: “Nói cho tôi biết, tôi là con người như thế nào khi còn trẻ?” Bà cố gắng trả lời thành thật: “Cậu thật nóng nảy và thật khó khăn. Nhưng tầm nhìn của cậu thật sự lôi cuốn. Cậu bảo chúng tôi, ‘Cuộc hành trình chính là phần thưởng’. Điều đó hóa ra lại đúng. Jobs trả lời: “Vâng. Tôi học được vài điều trên con đường đó.” Một ít phút sau, ông nhắc lại như thể trấn an bà và cả chính ông: “Tôi thật sự học được vài điều.”

….

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Chuyện giàu nghèo – chưa có lối ra

Chuyện giàu nghèo – chưa có lối ra

Biểu tình phản kháng luôn luôn là cách thức để lôi kéo sự chú ý của công chúng vào một vấn đề gì đó và tìm kiếm sự ủng hộ cho những giải pháp đưa ra. Phong trào “Chiếm lấy phố Wall” làm được điều thứ nhất nhưng thất bại ở điều thứ hai.

Đến nay ai cũng biết “Chiếm phố Wall” là một cách nói, một cách hành động để biểu lộ sự bất mãn sâu sắc tình trạng phân hóa giàu nghèo, giữa 1% dân số giàu nhất và 99% số người còn lại. Theo nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz trong một bài báo mang tựa đề “Của 1%, Do 1%, Vì 1%”, một phần trăm dân số giàu nhất nước Mỹ đang sở hữu đến 40% tài sản nước này. Tệ hại hơn, người giàu ngày càng giàu hơn và dĩ nhiên khi tổng thu nhập quốc dân thay đổi không đáng kể thì người nghèo buộc phải càng nghèo đi. Năm 1980, 1% người giàu nhất chiếm 9% có tổng thu nhập nước Mỹ thì đến năm 2006, họ chiếm gần đến 19%.

Phong trào “Chiếm phố Wall” lan ra khắp thế giới, chứng tỏ chuyện phân hóa giàu nghèo không chỉ giới hạn vào nước Mỹ và sự bất mãn của người dân không chỉ tập trung vào phố Wall.

Sự phẫn nộ của người dân có lẽ bùng phát từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ năm 2008, lúc hàng ngàn tỷ tiền đóng thuế của người dân được tung ra để cứu lấy hệ thống ngân hàng và các tập đoàn tài chính. Những tưởng sau đó, kinh tế phục hồi, mọi chuyện đâu vào đó nhưng nước Mỹ và nhiều nước khác vẫn đang đối diện nạn thất nghiệp cao ngất, kinh tế vẫn đình trệ và giới ngân hàng vẫn tự thưởng cho mình hàng chục triệu đô-la mỗi người. Thử hỏi không ai không bất mãn trước tình thế đó.

Nhưng vấn đề là làm gì để giải quyết nạn bất bình đẳng trong thu nhập thì không ai có thể đưa ra câu trả lời hoàn hảo. Lấy ví dụ chuyện trả thu nhập cho giới đứng đầu các tập đoàn tài chính. Chính các khoản lương thưởng cao ngất cho một số ít người đứng đầu là động lực thúc đẩy sự hoạt động với hiệu quả cao nhất của các tập đoàn này, là thanh nam châm thu hút người tài vào khu vực này và là củ cà rốt đòi hỏi mọi người ganh đua nhau làm việc tận lực với hy vọng ngày nào đó họ sẽ đến đích, bỏ túi được những khoản thưởng hậu hĩ. Nếu bỏ cơ chế trả lương thưởng cao trong nền kinh tế thị trường, chúng ta xóa đi một động lực rất lớn và trong bối cảnh kinh tế ngày càng tệ hại, không ai dám và không ai muốn làm chuyện đó cả.

Tuần trước báo chí mới tiết lộ Steve Jobs, nhà doanh nhân huyền thoại vừa mới qua đời, khi gặp Tổng thống Obama vào năm ngoái, đã tiên đoán thẳng, Obama sẽ chỉ là tổng thống một nhiệm kỳ. Đó là bởi Jobs phản đối những biện pháp kiểm soát thị trường mà Obama đang cố gắng áp dụng. Một con người từng được xem là cấp tiến như Stev Jobs mà khi quyền lợi doanh nghiệp bị đe dọa vẫn lên tiếng phản ứng thì làm sao các chính trị gia, những người phụ thuộc rất nhiều vào nguồn quỹ vận động từ doanh nghiệp, dám áp dụng biện pháp gì để xóa bớt sự bất bình đẳng trong thu nhập.

Thật ra thủ phạm sâu xa của hố sâu giàu nghèo ở các nước chính là lòng tham của giới tài phiệt lợi dụng quá trình toàn cầu hóa diễn ra trong những thập niên qua. Thoạt tiên, toàn cầu hóa được xem là con đường tối ưu hóa sản xuất trên bình diện toàn cầu, là sự phân công lại nguồn lực lao động và sự phân bổ vai trò cho các nước. Các khâu sản xuất cần nhiều công nhân được chuyển dần sang các nước nghèo; nước giàu chỉ còn giữ các khâu dịch vụ, được định giá cao hơn nhiều lần. Nhìn ở góc độ tích cực, toàn cầu hóa đã nâng cao mức sống của hàng trăm triệu con người ở những nước đang phát triển nhưng ngược lại, nhìn từ các nước phương Tây, hàng loạt ngành công nghiệp lần lượt bị dẹp bỏ, công nhân thất nghiệp tràn lan, nhiều thành phố công nghiệp bị bỏ hoang, nhiều kỹ năng biến mất. Và dĩ nhiên trong quá trình chuyển biến này, giới tư bản hưởng lợi nhiều nhất vì đã tối đa hóa được lợi nhuận, bất kể biên giới địa lý.

Để có thể dễ hình dung, chúng ta cứ tưởng tượng toàn trái đất này là một ngôi làng, mọi người được quyền di chuyển dễ dàng để sống ở bất kỳ nơi đâu như trong một câu chuyện khoa học viễn tưởng. Toàn cầu hóa như vừa qua ắt, trên lý thuyết, sẽ dẫn đến chỗ nhiều công nhân các nước giàu sẽ phải di cư sang những nước nghèo để kiếm việc làm thích hợp với họ và chịu một mức sống giảm sút. Nhưng chính ở những nước nghèo, toàn cầu hóa cũng làm trình trạng chênh lệch giàu nghèo nhanh chóng nảy sinh; những người thợ luôn phải chịu đồng lương thấp còn giới chủ vẫn hưởng thu nhập trên trời. Những năm trước khủng hoảng, tình trạng bất bình đẳng còn chịu đựng được vì phương Tây định giá trị các khâu dịch vụ trong chuỗi sản xuất toàn cầu rất cao. Chúng ta đều biết giá trị gia công giày Nike hay quần áo thời trang rất thấp so với giá bán cao ngất của chúng vì đa phần chạy vào chi phí thiết kế, quảng cáo, tiếp thị… Nhưng dần dần phương Tây mới hiểu ra năng suất trong dịch vụ không thể tăng bằng tốc độ tăng của sản xuất – chênh lệch này vì cạnh tranh sẽ giảm và cuối cùng thu nhập, định đoạn bởi năng suất sau cùng, giảm trên chung cuộc.

Ai cũng muốn nền kinh tế nước mình đi vào công nghệ cao, làm chuyện to lớn chứ không mắc kẹt vào dây chuyền sản xuất cổ lỗ. Nhưng nếu nhìn vào sự phát triển của nước Mỹ trong những năm qua chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy một bức tranh méo mó. Theo số liệu của tờ Economist, tổng cộng các hãng danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay gồm Apple, Google, Facebook và Amazon chỉ có 113.000 nhân viên, bằng một phần ba lượng nhân viên của hãng GM vào năm 1980. Người Mỹ thường đem những tên tuổi này ra để trấn an mọi người rằng nước Mỹ hiện vẫn dẫn đầu trong thế giới kinh doanh, với những sáng kiến làm ăn không ai vượt qua, với những sản phẩm cả thế giới phải trầm trồ. Sự thật là giá trị các hãng này đem lại cho nước Mỹ không lớn như các đại gia thời trước như GM, Ford, Caterpillar, General Electric hay Kodak. Họ không tạo ra sự thịnh vượng cho cả một cộng đồng mà chỉ đem lại tiền tỷ cho một số ít người đứng đầu các tập đoàn này.

Thế nhưng, cả thế giới đã lậm sâu vào con đường phân công theo mô hình toàn cầu hóa, không thể một sớm một chiều mà thay đổi gì được. Đó là lý do vì sao Phong trào “Chiếm Phố Wall” cho đến nay vẫn chưa đưa ra được một giải pháp gì cho sự phản kháng của họ.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Steve Jobs (1)

Steve Jobs (1)

Tôi đang đọc cuốn Steve Jobs của Walter Isaacson, một cuốn sách hấp dẫn vì nhiều lý do. Có lẽ sách đang bán chạy bởi nó tiết lộ những bí mật về cuộc đời của Jobs, một nhân vật đã trở thành huyền thoại mà tên tuổi gắn liền với các sản phẩm nổi tiếng như iPhone, iPad, iPod…

Nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất đối với tôi, ít nhất sau khi đọc phần đầu cuốn sách, là tác giả đã vẽ ra một con người Steve Jobs với nhiều, rất nhiều tính cách xấu. Tôi chỉ mới đọc đến đoạn Steve Jobs sắp sửa rồi bỏ Apple vào năm 1985 nhưng dưới ngòi bút cặn kẽ, chi ly của tác giả, Steve Jobs hiện ra như một con người có tài nhưng cũng lắm tật: kiêu ngạo, hung hăn với cấp dưới, độc đoán, vô tâm, không chung thủy, không chơi đẹp với bạn bè… Tác giả phỏng vấn hàng trăm người và ai lần đầu tiếp xúc với Jobs dạo đó đều khựng người vì… Steve Jobs ở dơ quá mức, mỗi tuần tắm một lần đã là chuyện hiếm, chuyên đi chân trần. Jobs bị cha mẹ ruột bỏ rơi ngay từ lúc mới sinh nhưng đến năm 23 tuổi cũng bỏ mặc đứa con gái của mình, thậm chí khi đã có kết quả xét nghiệm DNA còn chưa chịu nhận đó là con mình.

Chưa biết đây có phải là thủ thuật của tác giả hay không để phần sau vẽ một chân dung khác nhưng phải thừa nhận một cuốn tiểu sử được chính Steve Jobs tham gia mà tác giả vẫn giữ quyền quyết định đưa hay không đưa chi tiết nào vào, kể cả chuyện Steve Jobs có một thời gian dài hút cần sa và LSD, đã là chuyện hiếm thấy.

Ở đoạn đầu sách tôi có ấn tượng mạnh về những năm học tiểu học của Steve Jobs.

Trước khi Steve Jobs bắt đầu đi học, mẹ của ông đã dạy ông trước ở nhà. Đây là một sai lầm lớn vì Jobs thấy không có gì đáng học ở lớp nên bắt đầu quậy phá (cũng là tính cách chống lại mọi loại thẩm quyền ép buộc ở Steve Jobs suốt cuộc đời ông). Cùng với một người bạn, ông làm giả thông báo tổ chức ngày thú nuôi cho cả trường để học sinh đem thú nuôi vô lớp. Thế là khắp trường hỗn loạn cảnh chó đuổi mèo, mèo phá lớp. Một lần khác ông dụ dỗ bạn bè tiết lộ mã số ổ khóa xe đạp, rồi ra đổi lấy khóa xe này bỏ vào xe khác. Bạn bè phải loay hoay đến nửa đêm cũng không mở xong khóa xe. Một lần khác, lúc mới học lớp 3, ông đốt pháo dưới ghế cô giáo. Chẳng lạ gì chưa học hết lớp 3, ông bị đuổi về nhà mấy lần.

Một điều lạ nữa là cha ông, khi được mời vào gặp nhà trường đã tuyên bố: “Này, không phải lỗi của nó. Nếu các ông không làm cho nó quan tâm [đến chuyện học] thì đó là lỗi của các ông.

May mắn cho ông là khi lên lớp bốn, ông được học với cô giáo mà sau này Jobs miêu tả “là một trong những thiên thần của đời tôi”. Sau khi quan sát Jobs vài tuần, cô giáo thấy cách giải quyết tốt nhất là hối lộ cậu học trò thông minh nhưng quậy phá này. Cô trao cho ông một cuốn sách bài tập toán, nói làm xong hết sách sẽ được thưởng kẹo và năm đô-la. Chỉ hai ngày sau ông trả lại cho cô giáo cuốn bài tập đã giải hết. Sau đó thì ông không cần kẹo hối lộ, ông chỉ muốn học những điều mới trong sách cô giáo trao cho. Steve Jobs hồi tưởng: “Tôi học được từ cô nhiều hơn bất kỳ thầy cô giáo nào khác và nếu không nhờ có cô, chắc tôi đã vào tù rồi”.

Cuối năm lớp bốn, cô giáo cho Jobs làm bài tập kiểm tra năng lực, điểm của ông tương đương học sinh lớp 10 trung học nên trường của ông quyết định cho ông học vượt hai lớp lên thẳng lớp bảy.

Nhưng một lần nữa, chuyện lạ xảy ra: gia đình Jobs chỉ đồng ý cho ông nhảy một lớp và đó lại là một quyết định đúng đắn.

….

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Cảm tính

Cảm tính

Hồi hôm mới đọc qua mấy chương đầu cuốn truyện hấp dẫn “Cobra” của Frederick Forsyth, loại truyện đọc nhanh để giải trí. Mở đầu truyện là cảnh Tổng thống Mỹ vì một lý do cá nhân đã yêu cầu một cựu nhân viên CIA dày dạn kinh nghiệm trả lời câu hỏi – liệu có thể tiêu diệt đường dây buôn lậu cocaine vào nước Mỹ? Tôi cứ tưởng tác giả sẽ để nhân vật phân tích ngay tại chỗ, dựa vào kinh nghiệm hay quan hệ của anh ta từ thời làm cho CIA. Có thể tốc độ truyện mới nhanh, mới hấp dẫn và lôi cuốn.

Không dè anh này yêu cầu cho anh 2 tuần và một giấy giới thiệu do Tổng thống ký, bắt buộc mọi cơ quan khắp nước Mỹ phải hỗ trợ thông tin cho anh vô điều kiện. Thực tế 4 tuần sau anh mới hoàn tất báo cáo ngắn hai trang để trả lời câu hỏi ban đầu.

Nói chuyện đó để làm gì?

Ấy là bởi tôi thấy mọi người bàn tán các chuyện thời sự như ủng hộ hay phản đối quyết định của Nam Định không cho người tốt nghiệp đại học dân lập được dự thi tuyển vào làm công chức nhà nước và một loạt chuyện khác mà tôi không muốn nhắc đến. Bàn thì nhiều nhưng không ai đặt câu hỏi, liệu Nam Định trước khi đưa ra quyết định đó đã có điều tra hay nghiên cứu gì chưa. Bản thân việc điều tra hay nghiên cứu chuyện gì cũng cần có thời gian để suy nghĩ nhưng ít nhất cũng phải trả lời cho được các câu hỏi: chất lượng sinh viên dân lập thấp hơn sinh viên công lập như thế nào, định lượng ra sao, bao nhiêu công chức từng là sinh viên dân lập không hoàn thành nhiệm vụ so với sinh viên công lập, việc thi tuyển có thu hút được sinh viên công lập không, tỷ lệ so với sinh viên dân lập là bao nhiêu. Việc nghiên cứu cũng phải trả lời cho được câu hỏi, phân biệt trong tuyển dụng như thế vi phạm luật nào, sẽ bị xử lý ra sao, khả năng bị kiện cao không.

Nếu ai cũng như Nam Định, giải quyết công việc dựa vào cảm tính (tôi đi tôi thấy) thì sẽ còn nhiều vụ như Nam Định diễn ra, và không chỉ giới hạn vào chuyện tuyển dụng.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Lại những con số

Lại những con số

Chính phủ đã điều chỉnh con số tăng trưởng GDP cho năm 2012 xuống mức thực tế hơn: 6-6,5%.

Thế nhưng trên TBKTSG số ra tuần này có bài “Dàn nhạc lỗi nhịp”, trong đó tác giả cho biết hầu hết các địa phương, kể cả những tỉnh nghèo đều đặt mục tiêu tăng trưởng với mức cao “giật mình”. Chẳng hạn: Đồng Tháp: 13,5%; Đồng Nai: 12-13%; Sóc Trăng: 12,5%; Hà Tĩnh: trên 13%; Điện Biên: 12,8%Thanh Hóa: từ 13,5% trở lên; Nam Định:13%...

Cũng trên số báo này, có những con số gây ấn tượng khác. Đó là mặc dù chúng ta cứ liên tục nghe chuyện cắt giảm đầu tư công nhưng bài “Tái cấu trúc đầu tư, cần siết kỷ cương trước” cho biết theo báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình Chính phủ vào đầu tháng 10, số dự án sử dụng vốn nhà nước mới khởi công trong nửa đầu năm nay chẳng những không giảm, mà còn tăng mạnh. Cụ thể, có đến 6.731 dự án mới khởi công trong 6 tháng đầu năm và tăng gần 1.000 dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bài “Nhiệm vụ khó khăn”, có một con số kỷ lục. “Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá cho biết, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã gửi danh mục dự án đầu tư công trong năm tới ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng số tiền 300 tỉ đô la Mỹ. Ông nói: “Với một nền kinh tế quy mô 105 tỉ đô la Mỹ hiện nay, thì chúng ta không được ăn gì, tiêu gì trong 3 năm mới đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư chỉ trong 1 năm”.

Toàn là những con số gây nhức đầu.

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Hiểu nhầm

Hiểu nhầm

Có một hiểu nhầm tương đối phổ biến, chắc phải nói để mọi người tránh cách hiểu như thế.

Ấy là lập luận: nếu lãi vay ngân hàng là 20%/năm thì doanh nghiệp đi vay phải làm ra lợi nhuận trên 20%/năm còn không xem như lỗ.

Không đúng. Lợi nhuận là phần lãi còn lại sau khi đã trừ mọi thứ chi phí như lãi vay ngân hàng, khấu hao, thuế… nên chi một doanh nghiệp tuyên bố có lãi sau thuế chỉ 5% trong khi trước đó phải trả lãi vay ngân hàng đến 25%, thì họ vẫn lãi 5% chứ có suy suyễn gì đâu (vì đã trả lãi rồi mới ra lợi nhuận 5%).

Một lập luận cũng rất sai, thường thấy ở diễn đàn Quốc hội: phải kéo lạm phát xuống dưới mức tăng trưởng kinh tế, còn không GDP tăng bao nhiêu thì lạm phát ăn hết cả rồi.

GDP thường được tính theo hai con số: GDP theo giá thực tế và GDP theo giá so sánh. Vì lạm phát cao, mức tăng GDP theo giá thực tế hằng năm rất cao, ví dụ nếu tính theo giá thực tế GDP năm 2010 tăng 19,4% so với năm 2009.

Còn tính theo giá so sánh, tức là đã khử lạm phát đi rồi thì mức tăng này chỉ còn 6,78% như đã công bố. Nói cách khác, mức tăng GDP như chúng ta thường thấy là đã khử lạm phát đi rồi.

Nhưng ngược lại, khi thấy báo đưa tin số thuế thu được trong 9 tháng đầu năm, giả dụ, tăng 15% thì đây không phải là tin mừng. Vì lạm phát đã lên trên 18% nên số thuế thu được chỉ tăng 15% chứng tỏ doanh nghiệp làm ăn kém hơn năm ngoái, số thuế nộp thực chất thấp hơn năm ngoái.

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Nobel Kinh tế 2011

Nobel Kinh tế 2011

Có thể đọc bài về giải Nobel Kinh tế năm nay của anh Vũ Quang Việt, đăng trên TBKTSG. Đây là bài, theo tôi, dễ đọc nhất trong số các bài báo, kể cả báo nước ngoài mà tôi đọc được. Đây là đường link.

(trích)

Nhận giải Nobel Kinh tế năm nay, Thomas J. Sargent có một đóng góp về mặt vừa lý thuyết vừa kỹ thuật, mà chủ yếu là kỹ thuật. Sargent cho rằng sự liên hệ mà Friedman nói tới còn tùy vào kỳ vọng (expectation) của người sản xuất và người tiêu dùng. Kinh tế lượng, một bộ môn thống kê học, dùng để tìm sự liên hệ giữa các biến kinh tế và rồi dùng kết quả để dự báo tương lai, đã được Sargent biến đổi để có thể xử lý vấn đề kỳ vọng. Như vậy, kỳ vọng có thể đưa đến tình trạng hoàn toàn không có đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát và cũng có thể có một chút đánh đổi, nhưng nói chung là có sự đánh đổi trong ngắn hạn còn trong dài hạn thì không.

Trong khi đó, người đồng nhận giải năm nay, Christopher A. Sims, lại đi từ một góc nhìn khác, hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Trước Sims, khi đi tìm kiếm phương trình liên hệ giữa cung hay cầu, cả hai đều là phương trình của giá thì người ta gặp vấn đề là làm sao xác định ra đường cung và đường cầu, khi chỉ có hai biến số là giá và lượng (cung = cầu). Vì vậy mà phải đưa vào một biến số thứ ba thí dụ như thời tiết được coi là chỉ ảnh hưởng đến cung mà không liên quan đến cầu để xác định ra đường cầu chẳng hạn. Sims cho rằng cách làm thế có vấn đề vì gần như mọi cái đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau, thời tiết xấu có thể làm cho người dùng phải tăng mua để có dự trữ. Sims vì thế cho rằng các thông số của chính nó trong quá khứ có thể liên hệ với hiện tại vì thế phải tính chúng, và như thế phần còn lại có thể được dùng để tìm ra vai trò của các quyết định biết trước.

(hết trích)

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng; những vấn đề kinh tế gay gắt nổi lên như nợ công ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, tỷ giá ở Trung Quốc, dường như giải Nobel Kinh tế bị lạc lõng. Các nhà kinh tế hiện đang bó tay với các vấn đề thời sự - nên càng không thể trông mong những công trình nghiên cứu đã 30, 40 năm qua có tác dụng gì cho hành động hôm nay.

Tờ Time đã làm một cuộc so sánh như thế khi đối chiếu quan điểm của hai nhà kinh tế nhận giải Nobel năm nay với các vấn đề thời sự kinh tế. Và tờ báo này kết luận: Dường như Sargent rốt cuộc muốn nói rằng có nhiều công trình nghiên cứu kinh tế tốt chưa hẳn luôn dẫn đến chính sách kinh tế tốt. Có lẽ vì thế khi được yêu cầu giải thích vì sao nền kinh tế đang tệ hại đến thế, Sargent đã “chuyển giao trách nhiệm”: “Xét cho cùng, đấy là câu hỏi về chính trị, một lãnh vực tôi không rành cho lắm. Nhưng xét về mặt thuần túy kinh tế học, mọi việc lẽ ra đã phải khác đi”. Còn Sims? Theo Wall Street Journal, Sims từ chối không bình luận về những gợi ý nào công trình nghiên cứu đoạt giải của ông có thể đem lại cho chính sách hiện nay.

Tờ Time kết luận khá đau: Nếu nền kinh tế toàn cầu có khựng lại trong vài tuần tới, đừng trông mong các nhà kinh tế mới đoạt giải Nobel của chúng ta cho chúng ta biết nguyên nhân sai lầm nằm ở đâu.

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Cần làm, bớt nói

Cần làm, bớt nói

Nhắc đến giáo dục, hầu như ai cũng thấy mình có thẩm quyền để lên tiếng. Điều đáng tiếc là ngay cả các chuyên gia giáo dục, tại nhiều diễn đàn góp ý cho ngành giáo dục, chỉ nhắc đi nhắc lại các cụm từ quá quen thuộc như “chấn hưng giáo dục”, “triết lý giáo dục”, “đổi mới giáo dục” chứ ít khi đi vào các vấn đề cụ thể. Ngành giáo dục lại thiếu vắng những công trình nghiên cứu làm nền tảng cho những cải cách cần thiết.

Hiện đang nổi lên một suy nghĩ khá phổ biến rằng, tìm ra được, định ra được cái “triết lý giáo dục” cho Việt Nam ắt sẽ giải quyết mọi vấn nạn của nền giáo dục nước nhà. Cứ như thể “triết lý giáo dục” là liều thuốc nhiệm mầu mà nền giáo dục đang thiếu.

Thiết nghĩ công cuộc cải cách giáo dục nước nhà chỉ có thể thành công nếu chúng ta tiến hành song song nhiều việc – những công việc rất cụ thể - chứ không thể trông chờ vào một sự đột phá nào đó xuất phát từ việc “ngộ ra” triết lý giáo dục của riêng ta. Những công việc đó có thể bao gồm các nghiên cứu, các khảo sát để xác định chính xác các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam; những cải tổ nhỏ có thể thực hiện ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất; và việc soạn thảo một chiến lược cải cách giáo dục tổng thể, trong đó, tính thực tiễn được nhấn mạnh thay cho những tranh luận về khái niệm.

Nói ngành giáo dục không có nghiên cứu nào về thực trạng giáo dục Việt Nam có thể là võ đoán nhưng nếu có đi nữa, kết quả những nghiên cứu này không đến được với công chúng. Đã có ai khảo sát tâm lý giáo viên hiện nay ra sao khi xã hội đang dần nghiêng về việc phê phán, lên án giáo viên phạt đòn học sinh, chẳng hạn. Có ai nghiên cứu xem học sinh phải học thêm mỗi tuần bao nhiêu giờ, cụ thể cho từng khối lớp, từng vùng nông thôn, thành thị, lý do vì sao và chi phí như thế nào. Đã có nhà tâm lý học nào thử tìm hiểu xem vì sao học sinh ngày càng thụ động hay nhà ngôn ngữ học nào đi hỏi cho ra lẽ vì sao học sinh viết ngày càng sai chính tả.

Tất cả những phát biểu, những nhận định về tình hình giáo dục phải dựa trên số liệu cụ thể, những quan sát hay những thí nghiệm thực tế mà các câu hỏi ở trên chỉ là những ví dụ minh họa. Sai lầm lớn nhất của nhiều phát biểu về giáo dục là khái quát hóa tình hình dựa trên cảm nhận cá nhân hay thực tế hẹp quanh mình.

Ở bình diện lớn hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có những dự án nghiên cứu để trả lời cho được những câu hỏi cần giải đáp ngay, chẳng hạn, vì sao ngày càng ít sinh viên chọn các ngành khoa học xã hội, phải làm gì để đảo ngược xu hướng này; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay là bao nhiêu, tỷ lệ này tăng hay giảm qua từng năm, tác động của nó lên xu hướng chọn ngành học của sinh viên, có hay không tình trạng bạo lực học đường, nguyên nhân từ đâu… Người ta thường nói hệ thống đại học Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp chê sinh viên ra trường phải đào tạo lại nhưng cũng chỉ là những phát biểu cảm tính dựa vào một hai trường hợp cụ thể nào đó. Mọi trích dẫn hầu như chỉ quy về một phát biểu dạo nào của đại diện hãng Intel!

Những vấn đề lớn như dạy tiếng Anh ở cấp tiểu học cũng được quyết định không dựa trên một khảo sát chuyên nghiệp nào cả. Chẳng trách gì nhiều người hoài nghi dạy tiếng Anh tăng cường kiểu như thế chỉ để giúp ai đó bán được sách giá cao ngất ngưởng.

Ngành giáo dục có lợi thế là có cả hàng trăm ngàn con người đang ngày đêm cọ xát với những vấn đề thiết thân với họ. Nếu chỉ cần phát huy dân chủ thật sự, để các thầy cô, các nhà sư phạm lên tiếng nói về các vấn đề họ đang băn khoăn, trăn trở, những giải pháp họ đề ra, những thử nghiệm họ đã tiến hành, chắc chắn ngành giáo dục sẽ giải quyết được vô số vấn đề nhỏ, đang cản trở quá trình cải cách toàn diện. Đó cũng là một cách “Khoán 10” trong giáo dục và ắt cũng tạo nhanh một diện mạo mới cho ngành như Khoán 10 từng tạo cho nông nghiệp.

Chúng ta thử đọc những công trình nói về công cuộc cải cách giáo dục ở các nước sẽ thấy họ bàn những chuyện rất cụ thể. Tờ The Economist số ra ngày 17/9/2011 có hai bài tổng hợp các công trình như thế. Để cải thiện thành tích học tập của học sinh, các nước nghiên cứu ứng dụng Internet vào giảng dạy và học tập như thế nào, bất bình đẳng trong thu nhập xã hội ảnh hưởng lên chất lượng học tập ra sao, giao quyền tự chủ cho nhà trường sẽ giúp cải thiện tình hình như thế nào… Đáng chú ý là một xu hướng quay về với những quy luật cơ bản: kỷ luật học đường, sự nghiêm khắc của giáo viên, đồng phục cho học sinh, sự nhất quán trong quan điểm giáo dục của lãnh đạo nhà trường…

Chúng ta cũng có thể tiến hành ngay những cải tổ nhỏ và phải có những đợt truyền thông rộng rãi để mọi phụ huynh biết và hỗ trợ, giáo viên hiểu và thực thi, ví dụ, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 nữa hay sửa đổi thế nào đó để một bản in sách giáo khoa có thể dùng được nhiều năm, tiết kiệm tiền của cho từng gia đình và toàn xã hội.

Riêng việc soạn thảo một chiến lược cải cách toàn diện nền giáo dục nước nhà là một nỗ lực chung của toàn xã hội. Bài học từ các nước trên thế giới cũng có rất nhiều. Vấn đề then chốt là đừng quá câu nệ vào từ ngữ hay khái niệm – hãy để thực tiễn chứng minh cái đúng, cái sai.

Lấy nghề báo để minh họa, dạy cho sinh viên ngành báo chí cách viết tin thì dễ lắm, chỉ cần ba tháng đến sáu tháng là đã có thể truyền đạt hết mọi kỹ thuật viết tin cho sinh viên. Nhưng nếu chỉ dừng ngang đó thì ngành báo chí sẽ chẳng bao giờ đào tạo được những nhà báo tương lai, biết hoài nghi trước mọi nguồn tin, biết sục sạo những đầu tin người ta muốn che giấu, biết phân biệt đúng sai, chính tà - những nhà báo yêu nghề với hoài bão đem lại công bằng cho cuộc sống.

Như vậy sứ mệnh của người thầy trong trường hợp này đâu phải chỉ là truyền đạt kiến thức, để trả lời cho một câu hỏi khác, học như thế nào? Người thầy phải trang bị cho sinh viên óc phê phán, lối tư duy lật tới lật lui một vấn đề, phương pháp đón nhận cái mới, cách phân biệt đâu là thông tin, đâu là ý tưởng. Thay đổi góc nhìn, lúc này là đòi hỏi của thực tế chứ đừng tự trói buộc vào những quan niệm cứng nhắc.

Nếu chúng ta còn cứ băn khoăn, cãi nhau là nên dùng từ “tự trị” hay “tự chủ” trong giáo dục đại học, nên có một bộ sách giáo khoa hay cho tự do soạn sách… thì sẽ không bao giờ soạn được chiến lược này.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Nước Mỹ không thể làm nổi chiếc máy Kindle

Nước Mỹ không thể làm nổi chiếc máy Kindle

Trong khi nhiều người vẫn tin toàn cầu hóa theo kiểu như miêu tả trong cuốn Thế giới phẳng của Thomas Friedman là xu hướng không thể đảo ngược, bài viết “Tại sao Amazon không thể làm chiếc máy Kindle tại Mỹ?” đăng trên tạp chí Forbes của Steve Denning như một gáo nước lạnh tạt vào mặt dân Mỹ.

Lâu nay người ta vẫn nghĩ Mỹ khôn, chuyển dần hết mọi khâu sản xuất cần lao động chân tay sang cho nước khác như Trung Quốc, họ chỉ làm những việc “cao cấp” như thiết kế, tiếp thị… mà vẫn hưởng phần lợi lớn nhất. Đó là “tinh túy” của chuyện toàn cầu hóa. Bài viết của Denning cũng bắt đầu bằng các con số tạo ra sự yên tâm như vậy.

Hai nhà kinh tế thuộc Fed chi nhánh San Francisco làm một cuộc nghiên cứu, cho thấy chỉ có 2,7% hàng hóa dân Mỹ tiêu dùng là có mang nhãn “Made in China”, hơn nữa chỉ có 1,2% thật sự phản ánh chi phí của loại hàng nhập khẩu như thế. Như vậy, với mỗi đô-la người Mỹ chi cho loại hàng “Made in China” thì 55 xu rơi vào các dịch vụ phát sinh tại Mỹ. Chuyện đâu có gì đáng lo, Denning đặt câu hỏi?

Sự thật thì không phải như thế. Đằng sau những con số vô hồn này là sự sụp đổ của nhiều ngành nghề và số phận bế tắc của nhiều người dân Mỹ.

Lấy ví dụ Dell, hãng sản xuất máy tính hàng đầu nước Mỹ. Thoạt tiên Dell thuê ASUSTeK, một công ty Đài Loan sản xuất giùm một số bảng mạch điện tử. Công việc trôi chảy, ASUSTeK bèn đến gạ Dell để cho họ sản xuất giùm cả bo mạch chiếc máy tính, với lập luận đây đâu phải là năng lực lỏi của Dell đâu mà phí thời gian vào, với lại giao cho bọn tôi, các ông sẽ giảm được thêm 20% chi phí. Dĩ nhiên Dell đồng ý vì doanh thu không bị ảnh hưởng trong khi lợi nhuận lại tăng. Cứ thế Dell dần dần nhả ra cho nhà thầu của mình từng công đoạn, đến nguyên khâu lắp ráp cả chiếc máy tính, cả khâu cung ứng vật tư và thiết kế sản phẩm. Lần cuối cùng ASUSTeK đến, không phải để thăm tổng hành dinh của Dell ở Mỹ nữa mà chuyển sang các siêu thị Best Buy và các hãng bán lẻ khác với lời chào mời hấp dẫn: cung cấp máy tính nhãn hiệu của họ, chất lượng như máy Dell mà giá thấp hơn 20%.

Thế là thêm một hãng biến mất hay sắp sửa biến mất, một tên tuổi khác thế chỗ. Chẳng có ai ngu dại gì trong chuyện này cả; ai cũng làm đúng theo bài bản quản trị kinh doanh: tập trung nâng lợi nhuận bằng cách tập trung vào những năng lực lỏi tạo ra lợi nhuận và từ bỏ những hoạt động không sinh lời! Toàn cầu hóa là như thế đấy.

Hàng thập kỷ thuê nước ngoài gia công sản xuất hàng hóa như thế nay đã để lại cho nước Mỹ một thực tế: không còn đủ năng lực, cơ sở hạ tầng, con người và thiết bị để sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, là chìa khóa để phục hồi nền kinh tế.

Lấy chiếc máy đọc sách Kindle của Amazon làm ví dụ, Denning khẳng định dù muốn Amazon cũng không thể sản xuất nó ở Mỹ được mọi bộ phận của máy đã được Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc từ lâu. Danh sách những ngành “biến mất” khỏi nước Mỹ thật dài và thật đáng ngại: sản xuất chip, màn hình LCD, điện thoại di động, pin sạc, máy tính để bàn, máy tính xách tay, ổ đĩa cứng…

Kết thúc bài viết, Steve Denning đưa ra một loại khuyến cáo cho các nhân vật chính trong nền kinh tế như lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư, người điều hành, chính phủ, nhà kinh tế… Nhưng dĩ nhiên một xu hướng đã và đang diễn ra từ nhiều thập niên đến nay không dễ gì giải quyết bằng một bài báo ngắn gọn. Cũng có người đặt vấn đề, Amazon không sản xuất nổi chiếc máy Kindle tại Mỹ thì đã sao nào? Nếu việc phân công lao động buộc dân Mỹ phải tập trung vào những công đoạn cao cấp như thiết kế, tiếp thị và bán hàng thì đã sao nào? Người đặt câu hỏi này không hiểu rằng việc nghiên cứu, thiết kế, tiếp thị nếu tách rời không gian sản xuất, không dựa vào một nền sản xuất thật với những vấn đề của nó thì sẽ đi vào chỗ bế tắc và thất bại.

Dù nước Mỹ cố tình bỏ rơi nhiều ngành sản xuất hay giờ đây đang sực tỉnh vì sự hụt chân của mình, bài báo của Denning cũng đã nêu một hiện tượng đáng suy nghĩ về toàn cầu hóa và cách thức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là một góc nhìn về những xáo động đang diễn ra trên bình diện kinh tế thế giới.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Nợ tư cao cũng đáng ngại không kém

Nợ tư cao cũng đáng ngại không kém

Lâu nay người ta chỉ cảnh báo về mức độ nợ công đang tăng cao mà quên đi một thực tế: một mức nợ tư cao so với GDP cũng là một chỉ dấu đáng lo ngại không kém.

Nói nợ tư là để dễ hình dung khi so với nợ công chứ khái niệm chính xác ở đây là tổng dư nợ tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam mà theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) là tương đương 125% GDP, một tỷ lệ thuộc loại cao nhất khu vực. Điều đáng nói là tỷ lệ này tăng rất nhanh trong những năm qua: từ 35%/GDP năm 2000 lên 71,2% năm 2006, 93,4%% năm 2007, 90,2% năm 2008, 112,7% năm 2009 và 125% năm 2010 (Nguồn: WB).

Cho đến nay vẫn chưa ai giải đáp thỏa đáng vì sao tỷ lệ này lại tăng nhanh trong mấy năm vừa qua. Có người cho rằng đó là do bong bóng bất động sản, giá đất tăng, tín dụng cho địa ốc tăng nên tổng tín dụng tăng theo. Có người cho rằng tỷ lệ này cao là do hoạt động tài trợ tín dụng cho xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhanh, hiện lên trên 150% GDP nên phần tín dụng hỗ trợ cho nó cũng tăng theo. Cũng có nguồn phân tích cho là vì số lượng các tổ chức tín dụng tăng nhanh, kéo theo mức tăng tổng tín dụng chung của nền kinh tế, nhất là tăng trưởng của Việt Nam trong những năm vừa qua chủ yếu dựa vào đầu tư. Và cũng có lẽ chính sách kích cầu, qua bù lỗ lãi suất trước đây cũng là lý do cho nợ tư tăng nhanh như vậy.

Nhưng một tỷ lệ tín dụng bằng 125% GDP cho thấy nhiều điều. Một là dư nợ tín dụng tăng không tương quan với mức tăng GDP, cần một lượng tăng tín dụng cao mới làm ra một mức tăng GDP nhất định (ví dụ, năm 2007 GDP tăng 8,6%, dư nợ tín dụng tăng đến 53,4%). Hai là các kênh tài trợ vốn cho nền kinh tế không phát huy hiệu quả. Trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được bao nhiêu; thị trường chứng khoán cũng không phải là nơi doanh nghiệp trông cậy để tìm vốn. Tất cả đều trông chờ vào tín dụng ngân hàng và từ đó dễ rơi vào những rủi ro.

Rủi ro thứ nhất là nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng nhanh do quy mô của tín dụng. Một phần trăm nợ xấu ở một nền kinh tế có tổng dư nợ tín dụng chỉ bằng 50% GDP sẽ khác với 1% nợ xấu của nền kinh tế mà tổng dư nợ tín dụng lên đến 125% GDP. Theo TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên gia cao cấp Liên hiệp quốc, điều đáng quan ngại là nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã tăng lên trên 3%; tuy nhiên do cách tính không hợp chuẩn quốc tế, các tổ chức quốc tế đã cho rằng tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% nhiều.

Thứ nữa, doanh nghiệp phụ thuộc vào nợ vay của ngân hàng nên một khi nền kinh tế rơi vào tình huống lãi suất ở mức cao như hiện nay, doanh nghiệp dễ rơi vào chỗ đình đốn, phá sản. Ngược lại, hệ thống ngân hàng phải chấp nhận cho “đảo nợ”, nhất là với các dự án bất động sản đang đóng băng như là giải pháp khả thi duy nhất.

Bức tranh nợ nần của các nước châu Âu hiện nay cũng cung cấp nhiều bài học mang tính thời sự, ông Việt nhận định. Trước đây người ta cũng chỉ chú tâm vào con số nợ công nhưng nay đã bắt đầu có nhiều phân tích cho thấy nguyên nhân sâu xa hơn của vấn đề nợ công bắt nguồn từ tỷ lệ tín dụng trên GDP quá cao. Trích dẫn một bài báo trên tờ New York Times, ông Việt đưa ra ví dụ về Ireland, vào năm 2007 là nước mẫu mực về nợ công – chỉ có 11% GDP. Thế nhưng khi khủng hoảng tài chính nổ ra vào năm 2008, Ireland trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên và hiện đang lâm vào cảnh nợ nần ngập đầu. Nguyên do là vì nợ tư (nợ của các hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính) lên đến 241% GDP, cao nhất trong khu vực.

Phần lớn các khoản nợ này liên quan đến sự bùng nổ giá bất động sản ở nước này và sự sụp đổ thị trường địa ốc sau đó. Lúc bất động sản lên ngôi, tín dụng tăng vọt, ngân hàng ăn nên làm ra. Khi bong bóng bất động sản nổ tung, ngân hàng rơi vào bờ vực phá sản, nhà nước phải ra tay cứu, chuyển nợ tư thành nợ công.

Tỷ lệ tổng tín dụng trên GDP cao đã là chỉ báo; chất lượng tín dụng còn là chỉ báo rõ hơn nữa nếu phần lớn tín dụng rơi vào bất động sản hay các lãnh vực khác không tạo ra doanh thu. Nếu không chú ý đến những chỉ báo này, vấn đề nợ tư và nợ công Việt Nam càng đáng báo động.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Chuyện chữ & nghĩa – 3

Dọn vườn chữ nghĩa

Có ít nhất hai bài báo nước ngoài chê chuyện công ty sản xuất giấy vệ sinh tại Việt Nam dùng nhãn hiệu kiss me tourism. Với chúng ta nhãn hiệu này khá quen thuộc và không mang hàm ý gì nhưng đối với người nước ngoài mời họ hôn giấy vệ sinh thì biểu sao họ không phê phán.

Đây chỉ là một trong hàng trăm ví dụ về những tình huống ngôn ngữ gây sốc ở một số người này và bình thường đối với những người khác. Tờ Far Eastern Economic Review (nay đã đình bản) mở hẳn một chuyên mục hàng tuần gọi là Travellers’ Tales để “dọn vườn” loại tiếng Anh “kỳ cục” tại các nước châu Á. Chúng tôi xin điểm qua một số lần “dọn vườn” khá ngoại mục của tờ báo này (đang nói về giai đoạn thập niên 1990).

Các tên công ty mang nghĩa buồn cười trong tiếng Anh thường được chú ý nhiều nhất. Ví dụ công ty Hairichest International Transportation and Godown Co. tại Hồng Kông. Hairichest làm người ta liên tưởng đến từ hairy-chested (người có nhiều lông ngực).

Một hãng hàng không danh tiếng bị chọc quê vì trong cuốn tạp chí quảng cáo của hãng, phần thông tin lịch bay quốc tế bị in sai thành International Fright Information. Trong khi flight là chuyến bay thì fright là nỗi sợ hãi! Một lỗi tương tự bị tác giả phát hiện ngay ngoài bìa báo của một hãng hàng không khác. Thay vì viết Inflight Magazine, báo in thành Infright Magazine. Đi máy bay của các hãng này đáng sợ thật.

Loại nhãn hiệu hàng hóa tiêu dùng gây sốc ở người nói tiếng Anh cũng được chiếu cố khá kỹ như một loại nước giải khát của Nhật: Pocari Sweat (sweat trong tiếng Anh là… mồ hôi); một loại nước tinh khiết khác cũng của Nhật được đặt tên Mucos! nghe giống như từ mucus (tốt nhất bạn đừng tìm hiểu mucusmucous tiếng Anh là gì, e bạn sẽ không dám dùng loại nước khoáng này đâu).

Có một điều lạ, các từ viết sai chính tả lại dễ gây hiểu nhầm như message (thông điệp, lời nhắn gởi) và massage (mát-xa, xoa bóp) xuất hiện khá nhiều. Một quảng cáo nhân dịp Giáng sinh ghi Father Christmas will give you a massage and X’mas present to your kids bị tác giả chọc quê là gợi nhớ đến vụ Michael Jackson dụ dỗ trai vị thành niên.

Một trường hợp viết sai chính tả khác được phát hiện trên tít báo Korea Herald: “Korean marital art is practised in over 100 countries.” Tác giả không bỏ qua dịp đùa cợt rằng ông là người không may mắn vì chưa biết đến nghệ thuật hôn nhân (marital art) của Hàn Quốc được quảng bá rộng rãi tại trên 100 nước. Thật ra tít báo phải viết đúng là martial art (võ thuật).

Một quảng cáo khác mắc phải lỗi chấm câu. Thay vì viết Islamabad (thủ đô của Pakistan), người chủ của nhà khách viết, Islama Bad Guest House. Tác giả “để” nhẹ một câu: “Thật là một thí dụ đáng khâm phục về loại quảng cáo trung thực.”

Tuy nhiên, đôi lúc tác giả cũng đùa quá đáng. Ví dụ như chuyện cà phê MIA. Hay chuyện một món ăn tại Thái Lan được ghi trên thực đơn: “Albino with coconut milk”. Đã đành albino trong tiếng Anh có nghĩa là bạch tạng nhưng biết đâu trong tiếng Thái nó có một nghĩa gì đó khác chăng. Cũng như MIA đối với người phương Tây gợi nhớ chuyện lính Mỹ bị mất tích trong chiến tranh (missing in action) nhưng đây là bảng hiệu tiếng Việt chỉ có nghĩa là nước mía!

Tuy nhiên, lý thú nhất trong loạt bài này là những câu trích từ các quảng cáo, dùng tiếng Anh chính xác, chính tả, ngữ pháp không có vấn đề gì mà chỉ… sai phần dùng từ. Sau khi miêu tả khu nhà nghỉ cao cấp của họ, một công ty bất động sản ở Jakarta mời: “Inspect our private parts today!” Công ty này chắc chưa biết trong tiếng Anh private parts là phần kín trong cơ thể người ta.

Một tờ báo tiếng Anh của Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị mục Travellers’ Tales chọc quê. Mục này dẫn lại bảng tỷ lệ số hộ gia đình có TV, đầu video… đăng trên báo nguyên văn như sau: “TV: 82.22%; Video head: 51%; Frigid: 36%.” Và sau đó bình luận: “This can only mean that 51% of homes have some poor couch potato who has become a complete video head, and 36% of householders are unable to enjoy conjugal relations.”

Chơi vậy ác quá. Dù sao tờ báo này cũng đã sai khi dịch đầu máy video thành video heads. Nói theo bài bản video head là các đường rãnh trên mặt trống của đầu máy video, càng nhiều head chừng nào máy càng tốt chừng đó. Nên (ngày xưa) các bạn mới thấy quảng cáo đầu máy này có 8 heads, đầu kia có 6 heads.

Còn muốn nói đầu máy video thì phải dùng video player cho loại thường hay VCR (video cassette recorder) cho loại ghi hình được.

Nhưng sai lầm lớn nhất là dịch từ tủ lạnh thành frigid. Khổ quá, frigid là lãnh đạm, lãnh cảm nên mục này mới chọc quê là không hưởng được hạnh phúc gia đình. Tủ lạnh ai cũng biết là refrigerator, viết gọn là fridge.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Đừng tính.. đại

Đừng tính.. đại

Báo Người lao động số ra hôm nay (21-9) có bài “Tiểu xảo lách lãi suất”, trong đó có đoạn:

Một trong những “chiêu” đang được nhiều NH áp dụng là tăng lãi suất huy động ngắn ngày (tính theo ngày hoặc tuần) chạm mức 14% để thu hút khách hàng. NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3, 4, 5, 6 ngày, lãi suất đều ở mức 13,8%/năm (0,0386%/ngày). Nhiều NH khác cũng áp dụng lãi suất 14%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tiền gửi thanh toán. Câu hỏi đặt ra liệu mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn ngày, tuần có vượt trần lãi suất 14%/năm?

Giả sử khách hàng gửi 100 triệu đồng theo kỳ hạn 1 ngày lãi suất 13,8%/năm thì ngày đầu tiên, người gửi nhận được số tiền lãi 38.600 đồng. Đến ngày thứ hai, số lãi này được cộng vào số tiền gửi ban đầu, cứ thế, “lãi mẹ đẻ lãi con” cho đến hết tháng thì lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm. Tương tự, người gửi tiết kiệm theo kỳ hạn tuần, các khoản tiền gửi thanh toán cũng hưởng được lãi suất thực tế cao hơn 14%/năm...

Phóng viên viết bài này đã tính toán… đại để ra con số “lãi suất thực tế sẽ lên tới 15%-16%/năm”.

Với lãi suất huy động 13,8%/năm kỳ hạn 1 ngày, tức là tính lãi suất kép, cứ sau mỗi ngày ghép tiền lãi vào vốn thì lãi suất thật sau 365 ngày chỉ là 14,79%.

Viết như bài báo nhiều người tưởng nhầm, gởi tiền cho ngân hàng đưa ra dịch vụ kỳ hạn 1 ngày ngon ăn hơn ngân hàng đưa ra lãi suất huy động 14% kỳ hạn 1 tuần. Bởi tính lãi suất kép ở trường hợp 14% kỳ hạn 1 tuần thì lãi suất thật sẽ lên đến 15% (cao hơn 14,79%!).

---

Mà sao dạo này các báo sai số liệu nhiều lắm. Có lẽ vì tin vào nguồn tin, thấy họ nói sao là đăng nguyên như thế. Ví dụ, báo Sài Gòn Tiếp Thị sáng nay cũng có tin "Chi 1 triệu USD mời cựu bộ trưởng ngân khố Mỹ đến Việt Nam", trong đó có đoạn:

Ông John W. Snow là bộ trưởng ngân khố thứ 73 của Mỹ hồi năm 2003. Hiện ông là chủ tịch quỹ đầu tư và quản trị tài chính Cerberus, được coi là tập đoàn lớn nhất thế giới, với tổng giá trị tài sản năm 2010 ước đạt 3.200 tỉ USD.

Quỹ Cerberus chỉ quản lý tổng tài sản chừng 24 tỷ USD, lại nói vống lên thành 3.200 tỷ USD - một con số khổng lồ. Nên nhớ toàn bộ các quỹ đầu tư tư nhân như Cerberus trên toàn thế giới cộng lại thì tổng tài sản của họ cũng chỉ mới 2.400 tỷ USD vào cuối năm 2010. Hoặc tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất nước Mỹ hiện nay là TPG cũng chỉ có tổng tài sản là 48 tỷ USD.


Cập nhật: Nếu bạn nào quan tâm muốn biết cách tính lãi suất kép, mời đọc bên blog của Phạm Vũ Lửa Hạ, cũng vừa nói tiếp chuyện này. Thật ra, trên mạng bây giờ có nhiều trang web đã nhúng máy tính đủ kiểu, chỉ cần tìm cho đúng loại máy tính mình cần, điền số liệu và bấm nút để tính. Ví dụ, trang này.

Cập nhật: Không hiểu sao báo Đầu tư Chứng khoán cũng mắc phải lỗi này trong bài “Câu vốn bằng lãi suất cộng dồn”, lần này là do một ông tiến sĩ chuyên gia ngân hàng tính toán. Báo viết:

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, cách thực hiện lãi suất không kỳ hạn với mức trần 14%/năm cũng tương tự với cách tính lãi suất kép tại Mỹ. Nghĩa là hôm nay khách hàng gửi 100 triệu đồng, qua đêm với lãi suất 14%/năm, được trả lãi khoảng 40.000 đồng. Ngày hôm sau, khách hàng sẽ được cộng dồn số tiền gửi tiếp qua đêm trên vốn và lãi của ngày hôm trước là 100.040.000 đồng với lãi suất 14%/năm. Như vậy, với hình thức gửi như trên, lãi suất thực không còn là 14%/năm mà có thể lên đến 16%/năm sau 365 ngày khách hàng gửi tiền trong ngân hàng.

Khổ quá, lãi suất thật trong trường hợp này cũng chỉ là 15,02% chứ không thể lên đến 16% được.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Chuyện chữ & nghĩa - 2

Chuyện chữ & nghĩa - 2

Khi tác giả chơi chữ

Khi viết về những vấn đề kinh tế, để tránh khô khan, nhiều tác giả áp dụng lối viết hình tượng, chơi chữ để nhấn mạnh ý chính và gây ấn tượng với người đọc. Với các trường hợp này người đang học tiếng Anh sẽ gặp khó khăn nhưng vượt qua được cửa ải này, chúng ta sẽ có dịp thưởng thức các bài viết về kinh tế như đang đọc một tác phẩm văn học.

Ví dụ, khi nói đến sự suy yếu của nền kinh tế Nhật Bản, có người viết: “Some people said Japan was down for the count, and that was obviously a distorted view.” Trong thi đấu quyền Anh, khi có một võ sĩ bị đánh ngã xuống sàn, trọng tài bắt đầu đếm. Nếu đếm đến 10 mà võ sĩ này không dậy được thì coi như bị nốc ao. Như vậy câu này buộc ta liên tưởng đến hình ảnh nước Nhật như một võ sĩ trên sàn đấu sắp bị thua đến nơi.

Một câu khác dùng từ rất hình tượng: “Japan’s banks were tallying bad loans of more than $300 billion, dwarfing America’s own housing-and-loan crisis.” Nếu tra từ điển bạn chỉ hiểu từ dwarf là người lùn, động từ dwarf là làm cho có vẻ nhỏ lại. Nhưng cả câu muốn nói những khoản nợ xấu của các ngân hàng Nhật Bản còn lớn hơn nhiều so với các khoản thiệt hại do xì căng đan cho vay tiền mua nhà ở Mỹ gây ra.

Loại từ này và các dùng này khá phổ biến, nếu không cảnh giác dễ hiểu sai. Câu “Honda was told to put brakes on new car prices” dễ bị hiểu nhầm là hãng Honda bị buộc phải gắn loại thắng (phanh) mới như brakes ở đây được dùng theo kiểu chơi chữ là tạm hoãn (tạm hoãn tăng giá xe).

Hay trong câu “It seemed Japan Inc. was a façade, the economic miracle was a myth and the Pacific Century would last a decade” – Japan Inc. là cách chơi chữ khá nhàm vì được dùng nhiều quá nên trở thành sáo ngữ. Có thời người ta xem cả nước Nhật như một doanh nghiệp khổng lồ, sản xuất hàng hóa và đưa chúng tràn ngập thế giới. Đến nỗi nhiều nhà kinh tế xem thế kỷ này là thế kỷ của [nền kinh tế] Thái Bình Dương. Nhưng vì năm năm qua, Nhật Bản gặp nhiều khó khăn nên hiện tượng đó đã bị phá vỡ như một huyền thoại chỉ kéo dài được một thập niên.

Gần đây kinh tế Nhật Bản đã có chiều hướng phục hồi nên tác giả viết tiếp: “Now the wounded samurai is showing sign of life.Samurai là võ sĩ đạo nhưng được dùng ở đây như kiểu nước Nhật là một cường quốc kinh tế. “Shoppers are on the prowl again.Prowl là đi lang thang, thường dùng để chỉ thú đi tìm mồi như cả thành ngữ on the prowl ở đây lại dùng với shoppers nên mang hình tượng đi mua sắm, đi săn hàng trong cửa hiệu.

Sau đó tác giả hỏi: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng thể so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng từ worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu xa thêm? Để diễn đạt ý “Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị phần nước Mỹ]” tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa. Thật ra, trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với thể so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.

Có khi việc chơi chữ thể hiện bằng ý chứ không bằng lời. Một bức tranh châm biếm vẽ cảnh Bob Dole, ứng cử viên chức tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, gọi điện cho Boris Yeltsin với lời chú thích duy nhất, “Could I borrow Lebed for a few days in November, Boris?” Nếu bạn biết bối cảnh vòng hai cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Nga khi Yeltsin thắng cử nhờ kéo tướng Lebed, người về ba trong vòng một về phe mình, bạn sẽ thấy tác giả chơi chữ với ý rất rõ là Dole cần một nhân vật như Lebed mới hy vọng thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào năm 1996.

Cập nhật: Các ví dụ trong bài trên được viết từ năm 1997 nay đọc thấy khá xa lạ. Nhưng việc các tác giả chơi chữ, làm khó người học tiếng Anh lúc nào cũng vậy. Ví dụ, một tít báo trên tờ Economist tuần này viết: “Banking regulation – Capital punishment”. Bình thường capital punishment là hình phạt tử hình nhưng trong câu này ý muốn nói đến những quy định mới mà giới ngân hàng sẽ phải tuân thủ, sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng nguồn vốn và lợi nhuận của họ.

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Gạo và dân chủ


Gạo và dân chủ
Chính phủ Thái Lan vừa tái khẳng định sẽ tiến hành chính sách mua gạo trực tiếp từ nông dân với giá cao hơn giá thị trường. Từ ngày 7-10, chính phủ Thái sẽ trợ giá, mua gạo thường với giá 15.000 baht/tấn, gạo thơm 20.000 baht/tấn, cao hơn mức giá tháng Tám khoảng 50% nhằm hỗ trợ nâng thu nhập cho nông dân, một lời hứa trong chiến dịch tranh cử của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.  
Có thể phân tích chuyện này từ rất nhiều góc cạnh, chẳng hạn, liệu Việt Nam có sẵn sàng tham gia một liên minh các nước xuất khẩu gạo nhằm nâng giá gạo thế giới; giới xuất khẩu gạo Việt Nam nên làm gì để tận dụng cơ hội này khi giá gạo thế giới chắc chắc sẽ tăng mạnh; liệu chính phủ Thái Lan có đủ tiềm lực tài chính để duy trì chiến lược này trong dài hạn; lạm phát của nước họ rồi sẽ ra sao; nâng giá gạo như thế trong bối cảnh cung cầu không khác năm ngoái thì làm sao bán được gạo…
Nhưng tôi muốn nhìn vấn đề gạo dưới góc cạnh dân chủ. Giả thử chúng ta cứ đơn giản hóa vấn đề theo cách này: Yingluck đưa ra một lời hứa hẹn rất hấp dẫn cho nông dân Thái Lan, hiện đang chiếm đa số trong tổng số cử tri – đến khi bầu cử, bà đắc cử và nay thực hiện lời hứa, bất kể chính sách đó có thể có hại cho người thành thị hay tính cạnh tranh của Thái Lan nói chung.
Giá gạo tăng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu lên thu nhập của những người không phải là nông dân, nhất là dân nghèo thành thị. Giá gạo tăng, Thái Lan khó lòng duy trì vị thế nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Để mua gạo giá cao mà chưa chắc đã bán được với giá đó, chính phủ Thái Lan phải lấy tiền từ ngân sách, tức lấy tiền đóng thuế của người dân nói chung để trợ cấp cho nông dân, là cử tri bầu cho bà Yingluck.
Câu hỏi đặt ra, liệu quy trình này có phải là dân chủ? Phải chăng cách làm như thế chính là nguyên nhân gây bất ổn, áo vàng áo đỏ tại Thái Lan trong những năm vừa qua? Dân chủ đa số có phải là dân chủ thật sự? Hay cái gọi là “tyranny of the majority” đang tồn tại trong tình huống này? Một trí thức thật sự băn khoăn cho tương lai ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ phải lên tiếng như thế nào? Liệu lập luận của ông ta là chân lý hay đám đông bỏ phiếu cho bà Yingluck, dẫn tới chính sách mua gạo giá cao là đúng?
Trả lời và chờ thời gian trả lời cho những câu hỏi như thế là điều đáng theo dõi.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Giá của đồng vốn

Giá của đồng vốn

Hôm qua, tình cờ đọc cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới” của Đặng Phong. Không thể tin được có thời giá thu mua thóc của nông dân chỉ là 2 hào/kg – kéo dài trong nhiều năm trời, bất kể giá thực tế có cao hơn gấp mấy chục lần. Cũng không thể tin được lập luận của Ủy ban Vật giá Nhà nước, bảo vệ cho cơ chế ấn định giá này, lên án bất kỳ ai phản đối bằng những lời lẽ nặng nề như “trái với phương châm chính sách giá cả đã đề ra trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng”, “trái với quy luật kinh tế cơ bản của CNXH”. Thậm chí có người còn xem ổn định giá có nghĩa là đấu tranh chống những lực lượng phi XHCN, và hạ bút viết: "Đây là một cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp."

Đặng Phong viết: “Vào những năm của thập kỷ 60, người ta thường phủ nhận mọi tìm tòi trong khoa học bằng những loại “vũ khí thô sơ” như: “Trái với quan điểm của Đảng”, “mất lập trường giai cấp”, “trái với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội”... Ở thời điểm này nhìn lại, có lẽ ai cũng thấy rõ chuyện đúng sai nhưng lúc đó lại không dễ!

Nay câu chuyện trần lãi suất cũng là một dạng ấn định giá – giá sử dụng đồng vốn.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định rõ (Điều 91): Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước chỉ có quyền quy định “cơ chế xác định phí, lãi suất” trong trường hợp hoạt động ngân hàng “có diễn biến bất thường” mà thôi.

Chính vì luật lệ quy định rất rõ như thế nên trước nay Ngân hàng Nhà nước thường phải thông qua Hiệp hội Ngân hàng để tìm cách đưa ra một trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng với nhau. Chỉ đến đầu năm nay, NHNN mới ban hành Thông tư 02, quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam của các ngân hàng, bao gồm cả khuyến mại dưới mọi hình thức, là 14%/năm.

Và tuần trước với Chỉ thị 02, NHNN nhắc lại mức trần này, đồng thời đe dọa sẽ cách chức lãnh đạo ngân hàng nào vi phạm, nâng lãi suất huy động lên quá 14% dưới bất kỳ hình thức nào.

Ở đây, mở ngoặc nói thêm: Nhiều người thắc mắc liệu NHNN có quyền “đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng” như công bố tại Chỉ thị 02 với những ai lách trần lãi suất?.

Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN chỉ có thể đình chỉ, miễn nhiệm với người quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước, chứ tại ngân hàng cổ phần việc quản lý nhân sự là do hội đồng quản trị và cổ đông quyết định, làm sao NHNN can thiệp được.

Thật ra, Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định tại điều 37 rằng NHNN có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ các lãnh đạo (như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc) mọi ngân hàng, kể cả ngân hàng cổ phần “vi phạm… quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao”.

Ngoài ra, Chỉ thị 02 của NHNN khi nói về biện pháp xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất cũng căn cứ vào Khoản 12, Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Khoản 12 này cho phép NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi “tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”.

Dễ nhận thấy nhất là trong khi lãi suất cho vay không còn trần nào nữa cả và lãi suất huy động tối đa là 14% thì lợi ích của người dân gửi tiền và doanh nghiệp vay tiền đã bị xâm phạm một cách rõ rệt. Được lợi nhất trong tình hình này là các ngân hàng một khi chênh lệch hai loại lãi suất này giãn ra mà không theo quy luật cung cầu.

Thế thì vì sao không để các ngân hàng cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng lãi suất? Thực tế không thể để các ngân hàng thoải mái nâng lãi suất huy động lên được vì nếu một ngân hàng dù nhỏ, dù không có uy tín, nâng lãi suất lên 17% chẳng hạn thì lập tức người gửi tiền sẽ rút tiền gửi ở các ngân hàng khác, đổ xô đến gửi tại ngân hàng này. Điều đó sẽ kích động một cuộc đua lãi suất mà thực tế đã nhiều lần xảy ra. Sẽ có ngân hàng lâm vào cảnh thanh khoản cạn kiệt, và lãi suất sẽ bị đẩy lên cao không có điểm dừng.

Vì thế, một mặt, có thể hiểu được tính logic của Thông tư 02 nhưng mặt khác, không thể để tình trạng “phản cạnh tranh” này kéo dài. Những biện pháp hành chính này sẽ tạo ra tình huống “rủi ro về đạo đức”, tạo điều kiện để các ngân hàng hoạt động bất kể rủi ro. Mấu chốt của vấn đề là do quan niệm cho rằng không thể để bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống lâm vào khó khăn. Nhưng giả sử cứ áp dụng luật pháp thật nghiêm minh, cứ để một hai ngân hàng yếu kém thua lỗ đến mức phải bán lại hay sáp nhập vào ngân hàng khác, biết đâu sẽ phá bỏ được mâu thuẫn nói trên.

Giả sử không còn trần lãi suất huy động vốn, chắc chắn sẽ có ngân hàng nâng lãi suất này lên cao. Lúc đó, NHNN sẽ phải tuyên truyền thật mạnh về khái niệm “lợi nhuận cao đi liền với rủi ro cao” để người dân cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và tính an toàn cho đồng tiền của họ. Kèm theo đó là những quy định phạt đối với những khoản tiền gửi rút trước thời hạn để chi phí chạy theo lãi suất cao không còn hấp dẫn với người gửi tiền nữa. Ngân hàng huy động vốn lãi suất cao ắt phải cho vay với lãi suất cao tương ứng. Không một ngân hàng nào có thể chịu mức lãi suất huy động vốn quá cao trong một thời gian dài trong khi ngân hàng khác vẫn giữ mức lãi suất huy động thấp. Chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ phải giảm lãi suất quay về với mức chung của thị trường.

Chính lúc này vai trò giám sát của NHNN phải phát huy tác dụng để ngăn chặn những hoạt động rủi ro của ngân hàng. Hạn chế tín dụng cho những ngành sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao cũng giúp giảm áp lực chạy đua theo lãi suất như cho vay kinh doanh chứng khoán.

Nếu ngân hàng nào gặp khó khăn trong thanh khoản, phải huy động vốn bằng mọi giá, nên công khai tên tuổi ngân hàng đó ra để người dân biết và không chạy theo lợi nhuận từ lãi suất hấp dẫn. Và NHNN phải sẵn sàng đưa áp dụng tình trạng kiểm soát đặc biệt như từng làm trước đây với một số ngân hàng. Tất cả những biện pháp này, áp dụng đồng thời và cương quyết, sẽ hạn chế tình trạng chạy đua nâng lãi suất vô tội vạ.

(Bài này viết lại từ một bài đã đăng trên TBKTSG hồi tháng Ba nhưng chưa đưa lên đây).

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Chuyện chữ & nghĩa - 1

Chuyện chữ & nghĩa - 1

Giới thiệu: Hiện nay trên mạng thấy có lưu truyền cuốn sách dạng ebook “Tiếng Anh theo dòng thời sự” của tôi. Rất tiếc đây là ấn bản ebook mà một người nào đó làm vội, chỉ lấy mấy chục bài từng đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn rồi gom lại thành sách. Thật ra, về tiếng Anh, tôi có viết ba cuốn: Chuyện chữ & nghĩa, NXB Trẻ năm 1997; Tiếng Anh lý thú, NXB TPHCM năm 2000 và Tiếng Anh theo dòng thời sự, NXB Trẻ năm 2008. Tất cả ba ấn bản này đã không còn ngoài nhà sách nữa, nhiều bạn bè đòi tặng cũng đành chịu. Nay tôi sẽ lần lượt đưa lên đây các bài trong ba cuốn này và hy vọng có lúc nào rảnh sẽ làm thành một cuốn ebook đàng hoàng, chính thức.

Cái gì khó nhất

Đối với câu hỏi, học tiếng Anh cái gì là khó nhất, phần lớn cho đó là cách đọc, cách phát âm. Một ít người nói ngữ pháp tiếng Anh rắc rối. Theo tôi, khó nhất với người Việt chúng ta khi học tiếng Anh là cách dùng từ.

Bạn thử nghĩ mà coi, ai đời từ company người nào đã học qua tiếng Anh đều biết là công ty. Thế nhưng xem phim, nhất là loại phim hình sự cảnh hai nhân vật ngồi trên xe bỗng một người nhìn vào kính chiếu hậu thốt lên: “We’ve got company” thì từ company qua cách dùng trong tình huống này buộc ta phải hiểu là cái đuôi (Có kẻ theo dõi chúng ta đấy). Rồi company trong câu We’re judged by the company we keep lại có nghĩa bạn bè – Người ta sẽ xét đoán bạn qua bạn bè mà bạn đang giao du.

Tuyệt nhất là một quảng cáo sử dụng lối chơi chữ, gán luôn cho company cả hai nghĩa trên. Một công ty sản xuất bao bì viết: We aren’t just known for our company. We’re known for the company we keep. Từ company đầu tiên có nghĩa là tên tuổi công ty còn company trong câu sau vừa có nghĩa khách hàng (sử dụng bao bì của mình) vừa là các công ty khác. Chúng tôi nổi tiếng không chỉ nhờ tên tuổi công ty. Người ta còn biết đến chúng tôi qua các công ty khách hàng của chúng tôi nữa.

Ở một mức độ khó hơn, ví dụ rather fairly đều dịch là khá nhưng khi dùng trong văn cảnh, chúng lại mang nghĩa khác xa nhau. We’re having rather cold weather for OctoberTháng 10 mà thời tiết như thế này thì hơi lạnh. Như vậy rather mang ý nghĩa chê, thất vọng. Trong khi đó fairly mang ý khen. Oh, yeah, he’s fairly tall for his age. Cho nên nếu một em học sinh đọc xong một bài tập và nói, “Oh, it’s fairly easy” sẽ khác với một em khác cho rằng bài tập đó rather easy. Có thể nói em đầu khiêm tốn hơn và em thứ nhì hơi chủ quan!

Phần lớn những trường hợp cách dùng từ ảnh hưởng đến nghĩa câu văn đều được giải thích rõ trong các cuốn sách ngữ pháp biên soạn nghiêm chỉnh. Như từ musthave to. Ở mức sơ cấp, sách giáo khoa sẽ cho hai từ này là đồng nghĩa; đến mức độ cao hơn, sách sẽ cho những ví dụ để cho người học thấy sự khác nhau giữa hai từ. Ví dụ dễ nhớ nhất là trường hợp một anh chàng đến nhà người yêu chơi, một lúc sau, nhìn đồng hồ và nói, “I’m afraid I have to go now.” (vì hoàn cảnh khách quan như bận việc mà phải đi chứ anh ta chưa muốn về chút nào). Ngược lại nếu anh ta nói, “I must go now.”là anh này muốn tỏ ý không muốn ở chơi nữa. Một cô thấy một kiểu áo mới đẹp quá nên nói, “I must save money to buy this” (quyết định phải để dành tiền là nảy sinh ngay lúc đó). Nhưng một cô khác khi có người hỏi vì sao phải tằn tiện đến thế mới giải thích: “I have to save money to go to university.” (quyết định dành dụm tiền để vào đại học là chuyện có chủ ý từ lâu.)

Các cuốn từ điển biên soạn công phu đều có một phần gọi là Usage để ghi rõ cách sử dụng từ đó, khác biệt với những từ tương tự như thế nào. Ví dụ hai từ đều có nghĩa là liên tục – continuouscontinual. Nhưng continual loss of power during the storm có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (cứ có điện rồi mất điện miết). Còn continuous loss of power during the storm là mất điện hẳn trong suốt trận bão.

Ngược lại có rất nhiều trường hợp sự tinh tế trong cách dùng phải qua thực tế mới phát hiện ra. Ví dụ ai cũng biết housewife là người nội trợ như đàn bà Anh, Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò của phụ nữ và thích dùng từ homemaker hơn. Hoặc có nhiều từ đổi nghĩa tùy văn cảnh được dùng. It’s an inside job là gì bạn có thể đoán được không? Một công ty bị mất trộm, nếu có người tuyên bố như trên, ý anh ta nói có tay trong đấy.

Một điều lạ là loại từ tiếng Anh đơn giản thường gây khó khăn cho người học hơn từ khó vì từ đơn giản đôi lúc được dùng theo nghĩa mới, làm người nghe chủ quan, cứ hiểu theo nghĩa thường gặp. Ai từng học qua tiếng Anh đều biết từ good. Nhưng khi nó được dùng trong câu sau thì phải dè chừng: “I’m moving to Europe for good”for good là thành ngữ mãi mãi, đi luôn. Ngay cả những cụm từ xem chừng vô hại như as good as tưởng đâu là thể so sánh bằng nhau như thật ra chúng mang nghĩa gần như, hầu như. The $2,000 motorbike is as good as new – chiếc mô tô 2.000 đô kia gần như là xe mới. Hay cũng từ good dùng trong câu này chỉ tương đương như very: I’ll do it when I’m good and ready.

Như vậy, người học hay sử dụng tiếng Anh cần tạo cho mình thói quen cảnh giác trước các từ đã học nhưng khi dùng trong câu không còn bóng dáng nghĩa quen thuộc nữa. Đọc câu: “A top-of-the-range Yamaha two-stroke will be yours for the best part of $6,000.” bạn phải mạnh dạn xem lại từ điển loại tốt tìm thử best còn có nghĩa gì khác để hiểu đúng cả câu. Bạn sẽ học được thêm nghĩa mới của cụm từ for the best part ofmost:Một chiếc xe Yamaha hai thì loại xịn nhất giá gần cả 6.000 đô.

Lấy một ví dụ đơn giản nhất: nghe một ai thốt lên câu “Way to go!” bạn sẽ nghĩ nó quá dễ và không cần quan tâm, rằng way là con đường, to go là đi, vậy way to go là đi theo đường này (!!!) hay khá hơn, bạn có thể gán cho nó một nghĩa đúng là có dùng trong thực tế: đường còn xa, còn lâu mới xong.

Nhưng thật ra, way to go ở đây là một câu tán thưởng, “Chà, giỏi quá!” Một nước cờ hay, một giải pháp tức thời, một cú banh tuyệt vời, tất cả đều có thể tán thưởng bằng câu “Way to go!”

Bài đăng phổ biến