Giá của đồng vốn
Hôm qua, tình cờ đọc cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới” của Đặng Phong. Không thể tin được có thời giá thu mua thóc của nông dân chỉ là 2 hào/kg – kéo dài trong nhiều năm trời, bất kể giá thực tế có cao hơn gấp mấy chục lần. Cũng không thể tin được lập luận của Ủy ban Vật giá Nhà nước, bảo vệ cho cơ chế ấn định giá này, lên án bất kỳ ai phản đối bằng những lời lẽ nặng nề như “trái với phương châm chính sách giá cả đã đề ra trong Nghị quyết của Đại hội lần thứ III của Đảng”, “trái với quy luật kinh tế cơ bản của CNXH”. Thậm chí có người còn xem ổn định giá có nghĩa là đấu tranh chống những lực lượng phi XHCN, và hạ bút viết: "Đây là một cuộc đấu tranh có tính chất giai cấp."
Đặng Phong viết: “Vào những năm của thập kỷ 60, người ta thường phủ nhận mọi tìm tòi trong khoa học bằng những loại “vũ khí thô sơ” như: “Trái với quan điểm của Đảng”, “mất lập trường giai cấp”, “trái với những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội”... Ở thời điểm này nhìn lại, có lẽ ai cũng thấy rõ chuyện đúng sai nhưng lúc đó lại không dễ!
Nay câu chuyện trần lãi suất cũng là một dạng ấn định giá – giá sử dụng đồng vốn.
Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định rõ (Điều 91): Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức lãi suất huy động vốn; Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất. Ngân hàng Nhà nước chỉ có quyền quy định “cơ chế xác định phí, lãi suất” trong trường hợp hoạt động ngân hàng “có diễn biến bất thường” mà thôi.
Chính vì luật lệ quy định rất rõ như thế nên trước nay Ngân hàng Nhà nước thường phải thông qua Hiệp hội Ngân hàng để tìm cách đưa ra một trần lãi suất thỏa thuận giữa các ngân hàng với nhau. Chỉ đến đầu năm nay, NHNN mới ban hành Thông tư 02, quy định lãi suất huy động vốn tối đa bằng tiền đồng Việt
Và tuần trước với Chỉ thị 02, NHNN nhắc lại mức trần này, đồng thời đe dọa sẽ cách chức lãnh đạo ngân hàng nào vi phạm, nâng lãi suất huy động lên quá 14% dưới bất kỳ hình thức nào.
Ở đây, mở ngoặc nói thêm: Nhiều người thắc mắc liệu NHNN có quyền “đình chỉ hoặc miễn nhiệm chức vụ của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng” như công bố tại Chỉ thị 02 với những ai lách trần lãi suất?.
Nhiều chuyên gia cho rằng NHNN chỉ có thể đình chỉ, miễn nhiệm với người quản lý các ngân hàng thương mại nhà nước, chứ tại ngân hàng cổ phần việc quản lý nhân sự là do hội đồng quản trị và cổ đông quyết định, làm sao NHNN can thiệp được.
Thật ra, Luật các tổ chức tín dụng 2010 có quy định tại điều 37 rằng NHNN có quyền đình chỉ, tạm đình chỉ các lãnh đạo (như chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc) mọi ngân hàng, kể cả ngân hàng cổ phần “vi phạm… quy định khác của pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao”.
Ngoài ra, Chỉ thị 02 của NHNN khi nói về biện pháp xử lý các ngân hàng vi phạm trần lãi suất cũng căn cứ vào Khoản 12, Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010. Khoản 12 này cho phép NHNN đình chỉ, tạm đình chỉ, miễn nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi “tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng”.
Dễ nhận thấy nhất là trong khi lãi suất cho vay không còn trần nào nữa cả và lãi suất huy động tối đa là 14% thì lợi ích của người dân gửi tiền và doanh nghiệp vay tiền đã bị xâm phạm một cách rõ rệt. Được lợi nhất trong tình hình này là các ngân hàng một khi chênh lệch hai loại lãi suất này giãn ra mà không theo quy luật cung cầu.
Thế thì vì sao không để các ngân hàng cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng lãi suất? Thực tế không thể để các ngân hàng thoải mái nâng lãi suất huy động lên được vì nếu một ngân hàng dù nhỏ, dù không có uy tín, nâng lãi suất lên 17% chẳng hạn thì lập tức người gửi tiền sẽ rút tiền gửi ở các ngân hàng khác, đổ xô đến gửi tại ngân hàng này. Điều đó sẽ kích động một cuộc đua lãi suất mà thực tế đã nhiều lần xảy ra. Sẽ có ngân hàng lâm vào cảnh thanh khoản cạn kiệt, và lãi suất sẽ bị đẩy lên cao không có điểm dừng.
Vì thế, một mặt, có thể hiểu được tính logic của Thông tư 02 nhưng mặt khác, không thể để tình trạng “phản cạnh tranh” này kéo dài. Những biện pháp hành chính này sẽ tạo ra tình huống “rủi ro về đạo đức”, tạo điều kiện để các ngân hàng hoạt động bất kể rủi ro. Mấu chốt của vấn đề là do quan niệm cho rằng không thể để bất kỳ ngân hàng nào trong hệ thống lâm vào khó khăn. Nhưng giả sử cứ áp dụng luật pháp thật nghiêm minh, cứ để một hai ngân hàng yếu kém thua lỗ đến mức phải bán lại hay sáp nhập vào ngân hàng khác, biết đâu sẽ phá bỏ được mâu thuẫn nói trên.
Giả sử không còn trần lãi suất huy động vốn, chắc chắn sẽ có ngân hàng nâng lãi suất này lên cao. Lúc đó, NHNN sẽ phải tuyên truyền thật mạnh về khái niệm “lợi nhuận cao đi liền với rủi ro cao” để người dân cân nhắc giữa cái lợi trước mắt và tính an toàn cho đồng tiền của họ. Kèm theo đó là những quy định phạt đối với những khoản tiền gửi rút trước thời hạn để chi phí chạy theo lãi suất cao không còn hấp dẫn với người gửi tiền nữa. Ngân hàng huy động vốn lãi suất cao ắt phải cho vay với lãi suất cao tương ứng. Không một ngân hàng nào có thể chịu mức lãi suất huy động vốn quá cao trong một thời gian dài trong khi ngân hàng khác vẫn giữ mức lãi suất huy động thấp. Chỉ một thời gian ngắn, họ sẽ phải giảm lãi suất quay về với mức chung của thị trường.
Chính lúc này vai trò giám sát của NHNN phải phát huy tác dụng để ngăn chặn những hoạt động rủi ro của ngân hàng. Hạn chế tín dụng cho những ngành sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao cũng giúp giảm áp lực chạy đua theo lãi suất như cho vay kinh doanh chứng khoán.
Nếu ngân hàng nào gặp khó khăn trong thanh khoản, phải huy động vốn bằng mọi giá, nên công khai tên tuổi ngân hàng đó ra để người dân biết và không chạy theo lợi nhuận từ lãi suất hấp dẫn. Và NHNN phải sẵn sàng đưa áp dụng tình trạng kiểm soát đặc biệt như từng làm trước đây với một số ngân hàng. Tất cả những biện pháp này, áp dụng đồng thời và cương quyết, sẽ hạn chế tình trạng chạy đua nâng lãi suất vô tội vạ.
(Bài này viết lại từ một bài đã đăng trên TBKTSG hồi tháng Ba nhưng chưa đưa lên đây).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét