Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Thuyết âm mưu và Facebook

Thuyết âm mưu và Facebook

Thuyết âm mưu (conspiracy theories) là cách lý giải những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội theo hướng gán cho chúng những âm mưu bí mật của các thế lực ngầm đứng đằng sau. Ví dụ, giới theo thuyết âm mưu cho rằng Tổng thống Kennedy bị ám sát là do có bàn tay của CIA hay Mafia Mỹ đứng đằng sau. Danh sách những thuyết âm mưu hấp dẫn rất dài, như phi thuyền Apollo không hề đáp cánh trên Mặt trăng, căn bệnh AIDS là do con người chế tạo ra, người ngoài hành tinh từng đến thăm Trái đất nhưng Chính phủ Mỹ giấu biệt…

Thuyết âm mưu nghe qua rất hấp dẫn, ly kỳ nên được nhiều người tin theo, bàn tán, thêm mắm thêm muối. Đáp ứng nhu cầu tò mò, phức tạp hóa vấn đề của người dân, báo chí lá cải thường xuyên đăng các câu chuyện do giới theo thuyết âm mưu kể hay phân tích. Còn giới nghiên cứu học thuật nghiêm túc thì tránh xa, ít ai muốn dây vào vì rất khó cãi lý lẽ với những người theo thuyết âm mưu.

Riêng về chuyện Facebook được cho là công cụ của CIA thì đầy ở trên mạng từ nhiều năm nay. Đây là loại chuyện theo thuyết âm mưu nên nó chỉ lưu truyền trong giới thích các âm mưu ly kỳ, ít khi xuất hiện trên báo chí chính thống. Thỉnh thoảng nó lại được báo chí nghiêm túc đề cập, theo kiểu tường thuật những dư luận âm ỉ trên mạng, chứ không phải họ cổ súy cho lối biện giải này.

Bài “Facebook – the CIA Conspiracy” trên tờ New Zealand Herald là thuộc loại đó, viết từ năm 2007. Đây là thời điểm thiên hạ đang quan tâm đến chuyện hai anh em Winklevoss kiện Mark Zuckerberg vì cho rằng anh chàng sinh viên Harvard này ăn cắp ý tưởng Facebook của họ. (Xem thêm bài “Kiện tụng quanh việc ra đời Facebook” tôi viết vào năm ngoái). Khai thác quanh chuyện kiện thì hết chi tiết mới rồi nên New Zealand Herald mới quay qua khai thác thuyết âm mưu về Facebook và CIA, viết theo kiểu nửa đùa nửa thật, cho ly kỳ, theo đúng phong cách thuyết âm mưu.

Vậy mà Tạp chí Cộng sản lại trích dịch bài này như một chuyện sự thật hiển nhiên với cái tít “Facebook-Công cụ bí mật của Cục tình báo trung ương Mỹ”. Chỉ mấy ngày sau, bài báo này đã bị gỡ xuống, chắc Tạp chí Cộng sản đã thấy sự vội vàng (dân gian gọi là nhanh nhẩu đoản) trong xử lý thông tin rồi.

Chủ Nhật, 27 tháng 2, 2011

Sex training tour?

Sex training tour?

Sáng thứ Hai đầu tuần, đọc được mẩu tin trên báo Thanh Niên “Khởi động Sex Training Tour 2011” thiệt là giúp đỡ căng thẳng đầu óc. Tin này thật ra được nhiều báo đăng, nói về Chương trình giáo dục giới tính do Đoàn trường Cao đẳng Thương mại TP Đà Nẵng phối hợp với công ty cổ phần du lịch Việt Đà tổ chức.

Haha. Sao hết cách đặt lại đặt cho chương trình một cái tên như thế?

“Sex training” hàm ý huấn luyện kỹ năng làm tình, nghệ thuật làm tình!

Còn giáo dục giới tính phải gọi là “sex education”.

Bên Mỹ người ta cũng tranh cãi về hai khái niệm “training” và “education” và câu nói thường được đem ra để minh họa cho sự khác nhau giữa hai khái niệm này là câu: “Do you want your 14 year old daughter to attend a sex EDUCATION class, or a sex TRAINING class?”

Tức là cho dù có nghĩ “training” với “education” giống nhau đi nữa thì người ta cũng không thể bỏ qua yếu tố khác nhau giữa chúng khi dùng trong ngữ cảnh “sex training” và “sex education”.

Thôi, tốt nhất là đổi tên chương trình và tốt hơn cả là dùng tiếng Việt cho khỏe.

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Những hiểu nhầm về CPI

Những hiểu nhầm về CPI

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) coi bộ rất đơn giản nhưng vẫn có nhiều người bị nhầm. Giới viết báo thì khỏe vì chỉ cần dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mà đưa tin nhưng nếu không cẩn thận nhiều lúc sẽ nhận định sai.

Ví dụ, giả thử CPI tháng 1, tháng 2, tháng 3 đều tăng 1%, các bạn đoán thử CPI quý 1 tăng bao nhiêu? Chắc rất nhiều bạn sẽ nói tăng 3%. Không đúng rồi.

Giả thử CPI kỳ gốc là 100, tháng 1 tăng 1% tức bằng 101 nhưng tháng 2 tăng 1% là tăng trên con số 101 chứ không còn là 100 nữa nên hai tháng CPI sẽ tăng 2,01% (chứ không phải là 2%) và CPI cộng dồn 3 tháng sẽ tăng 3,03%.

Chính vì vậy nên CPI tháng 1-2011 là 1,74%, CPI tháng 2-2011 là 2,09% mà CPI hai tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố là tăng 3,87% (chứ không phải lấy 1,74% cộng 2,09% ra thành 3,83).

* * *

Nhiều bạn cũng thắc mắc vì sao báo chí nước ngoài, mỗi khi đưa tin chỉ số giá Việt Nam lại dùng con số khác báo chí trong nước. Ví dụ, một bản tin viết: The country's inflation rate reached 12.17 per cent in January, according to figures released by the General Statistics Office in Hanoi.

Đó là bởi thông lệ quốc tế, mỗi khi nói mức tăng chỉ số giá, họ thường dùng con số so sánh với cùng kỳ năm ngoái, tức là tính mức tăng CPI trong 12 tháng gần nhất. Vì thế họ viết chỉ số giá Việt Nam tháng 1-2011 tăng 12,17%, tháng 2-2011 tăng lên 12,31%. Vì sao tháng 2, CPI tăng 2,09% mà báo chí nước ngoài đưa tin chỉ tăng lên thêm chút xíu vậy? Vì đã tính chu kỳ 12 tháng, thêm tháng 2-2011 thì phải trừ đi tháng 2-2010 (lúc đó CPI tăng 1,96%) đi chớ.

Theo tôi, báo chí và các cơ quan trong nước cũng nên công bố và nhấn mạnh con số cùng kỳ này bởi nó loại trừ được yếu tố thời vụ (những tháng gần Tết giá tăng mạnh, từ tháng 4 đến tháng 8 giá tăng ít hơn nhiều). Nhờ vậy cũng giảm bớt yếu tố tâm lý trong những tháng giá tăng nhiều (bởi trừ đi tháng cùng kỳ năm trước cũng tăng mạnh không kém).

Công bố theo cách này cũng loại trừ cách tính ngược của nhiều người (đại khái nói chỉ còn tăng được chừng này, chừng này là vượt mức chỉ tiêu…) vì nói ngược như thế nhiều lúc không chính xác.

Ngoài ra, làm quen với cách công bố theo thông lệ quốc tế, phóng viên cũng không dịch sai khi đọc những bản tin lạm phát các nước. Ví dụ, đọc những câu này: “Singapore’s inflation rate rose to a two-year high of 5.5 percent in January, after climbing 4.6 percent in December”; “Malaysia’s inflation rate rose to 2.4 percent in January”; “India’s food inflation accelerated for the first time in three weeks to 11.49 percent in the week ended Feb. 12”… rất dễ hiểu nhầm lạm phát tháng Giêng của Singapore là 5,5%, tháng 12-2010 là 4,6%... rồi nghĩ lạm phát mấy nước láng giềng cũng cao ngất ngưỡng thì mệt.

* * *

Cuối cùng một điều rất đáng lưu ý trong mức tăng chỉ số giá ở Việt Nam nhưng chưa thấy ai phân tích gì nhiều. Đó là trong khi CPI các thành phố lớn tăng mạnh (CPI của TPHCM tăng 1,61%; Hà Nội tăng 1,98% trong tháng 2 so với tháng 1) nhưng CPI cả nước còn tăng mạnh hơn (2,09%), trong đó tăng mạnh nhất là vùng Tây Bắc (đến 2,61%). Điều đó cho thấy mức sống của người dân nông thôn ngày càng khó khăn, người nghèo lại càng vất vả hơn.

Lý do chỉ số giá vùng nông thôn cao hơn ở các thành phố lớn có thể vì chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn, hệ thống phân phối chưa tốt nhưng cũng có thể do ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có các chương trình bình ổn giá. Nếu vậy, có thể kết luận các chương trình bình ổn giá đang tạo ra sự bất bình đẳng cho người dân cả nước, người nghèo ở nông thôn không tiếp cận được sự hỗ trợ này nên lạm phát càng tạo thêm gánh nặng cho họ.

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Tỷ giá

Tỷ giá

Bài "Làm thế nào để chặn đà tăng tỷ giá?" đã đăng trên TBKTSG. Có thể đọc ở đây.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Đủ loại lãi suất

Đủ loại lãi suất

Cuối cùng Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã bày tỏ thái độ dứt khoát, không chịu chìu theo những ý kiến khuyên ngược đời “giảm mạnh lãi suất để chống lạm phát”. Thông điệp chính thức đã được phát ra: không đặt mục tiêu giảm lãi suất trong ngắn hạn nữa. Thay vào đó là áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công, giảm chi ngân sách, để tập trung giảm lạm phát là ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, người bình thường như chúng ta nghe các cụm từ như “lãi suất tái cấp vốn”, “lãi suất tái chiết khấu” chắc cũng lùng bùng lỗ tai, không hiểu chúng là gì, chúng tác động đến túi tiền của chúng ta như thế nào.

Các quan chức khi trả lời cho giới báo chí, không chịu dùng những từ ngữ dễ hiểu để chuyển tải thông điệp cần chuyển tải đến người dân vì họ quen với các khái niệm này rồi cũng như đã quen nhìn các vấn đề dưới góc độ người quản lý. Giới báo chí nghe sao viết vậy chứ cũng ít khi chịu khó viết tin bài từ góc độ người dân tiếp cận thông tin để diễn giải sao cho dễ hiểu.

Thôi chúng ta đành tự tìm hiểu với nhau vậy. Quan trọng là để xem tác động của các chính sách sắp tới sẽ như thế nào.

Để chống lạm phát, cần phải rút bớt tiền trong lưu thông về. Muốn rút tiền về thì phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất có nhiều loại.

Cách đây một tuần Ngân hàng Nhà nước tuyên bố nâng “lãi suất tái cấp vốn” lên 11% từ mức cũ là 9%.

Nghe cụm từ “tái cấp vốn”, ắt chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện trước đó cấp vốn rồi, bây giờ vì sao đó nên cấp vốn lại. Thêm nữa, nghe “lãi suất tái cấp vốn” áp dụng cho giới ngân hàng, chắc ai cũng tin cách hiểu trên là đúng. Thật ra không phải.

Ngân hàng A cho doanh nghiệp vay 1 tỷ đồng để kinh doanh, chưa đến hạn nhưng ngân hàng A gặp khó khăn trong thanh khoản thì có thể lấy bộ hồ sơ cho vay nói trên đến Ngân hàng Nhà nước vay tiền, thế chấp bằng bộ hồ sơ này. Lãi suất phải trả cho Ngân hàng Nhà nước là “lãi suất tái cấp vốn” (refinancing rate).

Cũng vay tương tự như vậy nhưng đem trái phiếu chính phủ đã mua trước đó, thế chấp để vay vốn Ngân hàng Nhà nước thì phải áp dụng “lãi suất tái chiết khấu”. Lãi suất tái chiết khấu này vẫn giữ nguyên là 7%.

TS Phạm Thế Anh đã bình luận trên tờ SGTT rằng “quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn”.

Như thế, có lẽ chúng ta đã hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước nâng “lãi suất tái cấp vốn” trong khi vẫn giữ nguyên “lãi suất tái chiết khấu”. Ngoài ra, dư luận hiện chưa phải đã đồng tình chuyện tăng lãi suất nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải thận trọng tăng lãi suất từ từ, tăng loại lãi suất ít có tác dụng lên thị trường trước, các loại khác tính sau.

Hôm qua, Ngân hàng Nhà nước lại tăng lãi suất chào mua các loại giấy tờ có giá (như trái phiếu chính phủ, chẳng hạn) trên thị trường mở lên 12% cho loại có kỳ hạn 7 ngày (báo chí nước ngoài gọi đây là lãi suất repo ngược, gọi tắt là lãi suất nghiệp vụ thị trường mở). Theo TS Lê Hồng Giang (trên blog của anh) thì đây chính là lãi suất chủ yếu để các ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ. Hai loại lãi suất trên (tái cấp vốn với tái chiết khấu) chỉ có chức năng trợ giúp thanh khoản cho các ngân hàng riêng lẻ.

Thế còn “lãi suất cơ bản”? Sao không thấy động chạm gì đến loại lãi suất chúng ta thường nghe nhắc đến trong những năm trước?

Về loại lãi suất này, tôi đã có viết trong bài “Lại chuyện lãi suất cơ bản”. Xin trích lại mấy đoạn có liên quan:

Nước nào cũng phải sử dụng một số công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được những mục tiêu nào đó, như kiềm chế lạm phát chẳng hạn. Lãi suất là một công cụ như thế bên cạnh công cụ tăng giảm dự trữ bắt buộc. Thông thường ngân hàng trung ương một nước tác động lên lãi suất bằng con đường gián tiếp, có nghĩa thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tăng hay giảm tổng phương tiện thanh toán. Ví dụ, ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ, tức làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông thì lãi suất thị trường sẽ giảm. Cũng có thể tác động trực tiếp bằng cách tăng hay giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu – là những loại lãi suất ngân hàng trung ương ấn định trong quan hệ mua bán các loại giấy tờ có giá với ngân hàng thương mại.

Nói cách khác, lãi suất cơ bản như đang được định nghĩa (là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh) hoàn toàn không phải là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đúng nghĩa như thông lệ quốc tế.

Chính vì thế mà thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã giảm nhẹ tầm quan trọng của loại lãi suất này.

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Mọi đề xuất phải từ thực tế

Mọi đề xuất phải từ thực tế

Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2011 lên đến 1,74% so với tháng trước đó hay 12,17% so với cùng kỳ năm ngoái, đã có nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế đề xuất các biện pháp kiềm chế mức tăng giá cả.

Đáng chú ý là ý kiến của một “chuyên gia kinh tế cao cấp”: Ngân hàng Nhà nước nên chiết khấu cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3 – 4%, thậm chí đề nghị Chính phủ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%.

Cơ sở để chuyên gia này đưa ra kiến nghị này là bởi “trong nền kinh tế thiếu thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước là tổ chức có quyền phát hành tín dụng mà không cần huy động vốn từ nhân dân, không cần phải trả bất kỳ 1% tỷ lệ lãi suất nào cho ai và Ngân hàng Nhà nước có thể quyết định cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất hợp lý theo quy định mới của luật ngân hàng”.

Nói tóm lại, chuyên gia này phản đối cách suy nghĩ “Mỗi khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thì các nhà hoạch định chính sách thường cho là lạm phát và phản ứng bằng cách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát” nên đề nghị làm ngược lại: giảm lãi suất để hạ chỉ số giá tiêu dùng và việc giảm lãi suất như thế nằm trong tay Nhà nước.

Đến đây thì bất kỳ một sinh viên kinh tế nào cũng có thể phản bác lập luận trên bằng những quy luật kinh tế học sơ đẳng: Giá hàng hóa tăng vì có sự mất cân đối giữa lượng tiền và hàng hóa lưu thông trong nền kinh tế, nếu bơm thêm tiền ra thì giá cả càng tăng chứ làm sao giảm được. Bởi thế cho nên một trong những công cụ chủ yếu để kiểm soát lạm phát là lãi suất – các nước thường nâng lãi suất để ngăn chận lạm phát.

Tuy nhiên, đúng là trong thời gian gần đây, cũng có nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của việc nâng lãi suất nhằm chặn đà lạm phát, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái, sản xuất chưa đạt mức cân bằng với nhu cầu, thất nghiệp còn cao. Họ lập luận lãi suất cao càng làm giảm lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nên giá cả càng tăng.

Thế nhưng ý kiến loại này cũng chỉ tỏ ra hoài nghi về tác dụng của việc nâng lãi suất đối với lạm phát, tức là, chẳng hạn, họ cho rằng, tăng 1 điểm phần trăm lãi suất trong một năm chỉ làm lạm phát giảm 0,2%. Hơn nữa cái gọi là lãi suất cao được đề cập ở trên là lãi suất thật (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát); nếu lãi suất danh nghĩa là 15% trong khi lạm phát lên đến 10% thì lãi suất thật (5%) không thể gọi là cao được.

Khi nói mọi đề xuất phải từ thực tế, tức là chúng ta phải xem thực trạng nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu, từ đó mới có thể nhận định đúng đắn đề xuất nào là hợp lý, đề xuất nào sẽ làm tình hình xấu hơn.

Có phải hàng hóa trên thị trường đang khan hiếm, là tác nhân gây tăng giá không? Câu trả lời là không. Số liệu thống kê chính thức cho thấy GDP năm ngoái 6,78%, sản lượng lúa cả nước năm 2010 là 40 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14%, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,5% (nếu loại trừ yếu tố giá thì cũng tăng đến 14%).

Ngược lại, chính việc tung tiền ra đầu tư tràn lan là tác nhân gây lạm phát hiện nay. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam năm 2010 lên đến 41,9% GDP, tăng 17,1% so với năm trước. Và mặc dù lãi suất cao, tổng tín dụng cho nền kinh tế đến cuối năm 2010 vẫn tăng 29,81% so với cuối năm 2009, tổng phương tiện thanh toán tăng 25,3%.

Đúng là lãi suất cao như hiện nay đang gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Vấn đề là tìm một điểm cân bằng để việc đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát không quá đắt giá. Nếu doanh nghiệp khó khăn vì lãi suất cao thì người dân khó khăn gấp bội lần vì lạm phát. Người có thu nhập càng thấp thì khó khăn do lạm phát gây ra chịu sức khuếch tán càng lớn. Và như thế mọi nỗ lực xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua rất có thể bị xóa bỏ trong một sớm một chiều.

Nói như vị chuyên gia kinh tế nêu trên là đứng trên lợi ích của giới kinh doanh mà không đếm xỉa đến sự an nguy của nền kinh tế và sự bảo toàn tài sản của người dân trong dài hạn. Làm gì có chuyện Ngân hàng Nhà nước có quyền phát hành tín dụng mà “không cần phải trả bất kỳ 1% tỷ lệ lãi suất nào cho ai”. Ngân hàng Nhà nước muốn cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 3-4% như chuyên gia này đề nghị thì phải mua lại trái phiếu chính phủ từ ngân hàng thương mại. Khi lãi suất trái phiếu khoảng 10%, nếu cho ngân hàng vay với lãi suất thấp như thế, mọi lợi nhuận sẽ rơi vào tay ngân hàng như từng xảy ra trong năm 2010. Nếu chính phủ cho vay với lãi suất 0% như chuyên gia này đề nghị, ngay lập tức sẽ có làn sóng đầu tư bất chấp hiệu quả, bong bóng đủ loại tài sản như nhà đất, cổ phiếu sẽ phình to và nổ tung bất kỳ lúc nào. Đó chính là mối nguy tiềm ẩn của những kiến nghị không đếm xỉa gì đến thực tế.

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Hỏi thêm vài câu nữa

Hỏi thêm vài câu nữa

VnExpress hôm nay có bài phỏng vấn ông Lê Đức Thúy với cái tít rất ấn tượng: Ông Lê Đức Thúy: 'Tỷ giá không tác động mạnh tới lạm phát'.

Ông Thúy là Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nên phát biểu của ông thuộc loại có thẩm quyền, ông nói tỷ giá không tác động mạnh đến lạm phát thì chúng ta phải tin thôi. Với lại VnExpress cũng ghi giải thích của ông khá đầy đủ và rõ ràng: “Tác động trong lần này không nhiều bởi mức tỷ giá được điều chỉnh thực chất đã tồn tại cách đây khá lâu rồi. Và mức tỷ giá đó đã được tính vào các yếu tố kinh doanh nên nó không gây đột biến gì về lạm phát. Sự điều chỉnh này chỉ là thừa nhận một thực tế của tỷ giá đã tồn tại trước đây mấy tháng”.

Nhưng tiếc là để liền cái mạch đó lẽ ra phóng viên hỏi thêm vài câu nữa thì hay biết mấy.

Ví dụ, hỏi ông Thúy ngay sau khi ông giải thích như trên, rằng hóa ra bấy lâu nay tỷ giá chính thức mà Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ là hình thức hay sao? Hóa ra hiện tượng hai giá trong hệ thống ngân hàng là có thật? Vậy cái tỷ giá chính thức đó để làm gì?

Sau đó hỏi thêm, không lẽ toàn bộ giao dịch ngoại tệ trong thời gian qua tính theo giá chợ đen? Trong khi sổ sách chính thức vẫn ghi theo tỷ giá liên ngân hàng, thế thì hàng đống tiền chênh lệch vào túi ai? Không lẽ không có ai mua được đô-la theo tỷ giá chính thức? Họ được lợi như thế nào? Vì sao họ được lợi như thế? Không lẽ những tuyên bố trước đây là có đủ ngoại tệ (chắc chắn theo nghĩa đúng theo tỷ giá chính thức) cho các nhu cầu nhập khẩu thiết yếu là không chính xác?

Còn nếu phóng viên có chuẩn bị kỹ, có thể hỏi, dù sao khi tính thuế nhập khẩu thì lúc nào cũng tính theo tỷ giá chính thức. Nay tỷ giá điều chỉnh lên 9,3% vậy ít nhất toàn bộ tiền thuế nhập khẩu, thuế VAT nộp bằng tiền đồng cũng tăng chừng đó, vì sao ông nói không ảnh hưởng đến giá cả?

Và cuối cùng nếu còn thì giờ, hỏi thêm ông Thúy, liệu trong thời gian tới lại tái diễn tình trạng hai giá không? Và nếu có thì mức tỷ giá “được tính vào các yếu tố kinh doanh” là tỷ giá nào vậy, thưa ông? Để coi ông Thúy trả lời như thế nào về tác động của tỷ giá vào lạm phát – trong thời gian tới chứ không phải ngay bây giờ.

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Các nhà kinh tế Việt Nam đi đâu cả rồi?

Các nhà kinh tế Việt Nam đi đâu cả rồi?

Việt Nam có bao nhiêu giáo sư, phó giáo sư kinh tế? Có lẽ rất nhiều. Thế nhưng lúc nền kinh tế trải qua những biến chuyển lớn như lần phá giá tiền đồng cuối tuần rồi, chẳng thấy ai đưa ra những phân tích, bình luận ra đầu ra đũa.

Công việc của các giáo sư, phó giáo sư là nghiên cứu bên cạnh giảng dạy. Nền kinh tế Việt Nam là một mảng đất màu mỡ cho nhiều nghiên cứu có giá trị trên bình diện quốc tế và những dịp như cuối tuần rồi là lúc các giáo sư kinh tế ứng dụng các công trình nghiên cứu của mình vào thực tế. Hầu như tất cả đều im lặng. Họ không có công trình nghiên cứu hay họ chưa thể công bố nghiên cứu của mình?

Tôi xin đưa ra một ví dụ. Khi Việt Nam điều chỉnh tỷ giá, nhiều ý kiến từ các nhà phân tích nước ngoài lo ngại tác động của việc điều chỉnh này lên lạm phát nhưng họ chỉ nói chung chung theo lý thuyết chứ không ai nghiên cứu sâu để đưa ra nhận định chính xác.

Mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát đã được nghiên cứu kỹ ở nước ngoài (gõ cụm từ exchange rate pass-through sẽ tìm thấy nhiều bài viết công phu). Dựa vào các nghiên cứu này, các nhà kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể lập công thức tính toán tỷ lệ ảnh hưởng từ tỷ giá được điều chỉnh lên lạm phát một cách dễ dàng. Tại sao không ai làm cả?

Một ví dụ khác. Suốt cả tháng nay trên bốn năm tờ báo khác nhau, “chuyên gia kinh tế cao cấp” Bùi Kiến Thành đưa ra những kiến nghị động trời như phải giảm lãi suất để chống lạm phát; Ngân hàng Nhà nước vì không vay của ai, không phải huy động vốn nên chi phí huy động vốn bằng 0, cho nên phải cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất chừng 3%-4%, Nhà nước nên cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0%.... Thế mà các nhà kinh tế trong nước im lặng hoàn toàn, không một ai lên tiếng chỉ ra cái nguy hiểm của lập luận này.

Hay câu nói của Thomas Friedman lại ứng nghiệm trong trường hợp này: “No one has ever washed a rented car”?

Cập nhật:

Đã có bài của anh Nguyễn Quang A - "Cẩn trọng với lời khuyên của cố vấn".

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Bao nhiêu phần trăm?

Bao nhiêu phần trăm?

Sáng nay Ngân hàng Nhà nước tuyên bố điều chỉnh tỷ giá. Mấy tiếng sau, các hãng tin và báo chí nước ngoài đưa tin đầy đủ nhưng lạ một điều mỗi báo đưa một con số phần trăm khác nhau.

Financial Times nói là 9,3% (The State Bank of Vietnam, the central bank, said on its website that it was cutting the official dong-dollar exchange rate from 20,693 to 18,932, a reduction of 9.3 per cent). (Câu này thì Financial Times viết nhầm rồi – lẽ ra phải là to 20,693 from 18,932 hay đảo ngược hai con số lại).

Reuters nói 8,5% (The State Bank of Vietnam dropped the dong's reference rate by 8.5 percent against the dollar and narrowed the currency's trading band to 1 percent from 3 percent on either side of that midpoint rate).

Sau đó bổ sung thêm con số 7% (The combined effect pulled the weak limit of the band down about 7 percent to 20,900 from 19,500, and brought official and black market exchange rates closer to alignment).

Bloomberg nói 7% ngay trong tít (Vietnam Devalues Dong by a Record 7%, Seeking to Curb Deficit).

Con số nào mới đúng?

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng trước 1 USD ăn 18.932 đồng sau điều chỉnh thành 1 USD ăn 20.693 đồng thì đó là một mức điều chỉnh tăng 9,3% cho những người nắm đồng đô-la.

Hãng Reuters ngược đời nhìn từ phía người nắm tiền đồng, trước 18.932 đồng đổi được 1 USD nay phải 20.693 đồng mới đổi được 1 USD thì đó là một mức giảm 8,5% giá trị tiền đồng so với đô-la Mỹ.

Còn 7% là so sánh tỷ giá niêm yết của ngân hàng (đã cộng biên độ giao dịch) trước và sau điều chỉnh.

Theo tôi, không có con số nào đúng cả vì trong thực tế, đã lâu rồi, làm gì có chuyện 18.932 đồng hay 20.693 đồng hay thậm chí 20.900 đồng đổi được 1 USD! Nói đùa vậy thôi chứ coi bộ Reuters nói chính xác nhất. Ví dụ, tỷ giá từ 20.000 đồng/1 USD lên 40.000 đồng/1 USD thì chúng ta sẽ nói tiền đồng mất giá một nửa (50%) chứ đâu nói tiền đồng mất giá 100% (mất 100% là mất sạch rồi còn gì)! Hơn nữa, với những người chỉ có tiền đồng thì thấy nó giảm giá 8,5% so với đô-la Mỹ chứ làm gì có đô-la để nói nó tăng 9,3% như báo chí trong nước.


Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Chọn lựa

Chọn lựa

Đọc các phân tích, bình luận, tuyên bố trên báo chí khắp nơi về những diễn biến trong hai tuần gần đây tại Ai Cập không làm chúng ta hiểu thêm vấn đề. Đó là bởi những quyền lợi phức tạp đan xen nhau đằng sau hậu trường.

Lấy ví dụ Mỹ. Sở dĩ Mubarak tồn tại suốt 5 nhiệm kỳ, cai trị Ai Cập trong 28 năm qua là vì Mỹ thấy ở ông ta một đồng minh tin cậy được để duy trì các lợi ích của Mỹ tại khu vực này, như ngăn chận làn sóng Hồi Giáo cực đoan, chủ trương hòa hoãn với Israel… Bởi thế, Mỹ từng bỏ lơ yếu tố độc tài, tham nhũng, lạm quyền của Mubarak để đổi lại cái gọi là ổn định tình hình.

Một khi làn sóng dân chủ dậy lên, người dân tràn xuống đường, đòi Mubarak ra đi, thoạt tiên Mỹ nương theo làn sóng này với những tuyên bố đại loại Mubarak phải từ chức ngay đúng theo bài bản ủng hộ dân chủ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Mỹ thay đổi thái độ, không còn thúc bách như trước. Đọc các bình luận trên báo chí bảo thủ ở Mỹ chúng ta sẽ hiểu ngay lý do. Nhiều ý kiến bình luận kiểu đó cho rằng nếu Mỹ bỏ rơi Mubarak, Ai Cập sẽ rơi vào vòng kiểm soát của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, là phe phái được cho là có mối quan hệ mật thiết với Hamas, Iran và các phe phái cực đoan khác. Nói tóm lại họ lo sợ Ai Cập sẽ trở thành một nhà nước Hồi Giáo thần quyền như Iran.

Thế nhưng có lẽ cũng không cần quan tâm lắm đến chuyện chính trị phức tạp này. Điều mà ai cũng thấy qua vụ Ai Cập là: 1/Các chính thể độc tài không phải không hiểu được nguyện vọng của người dân nước họ; 2/Họ có hai chọn lựa, một là nghe theo nguyện vọng này để xây dựng một xã hội dân chủ bền vững, hai là đợi đến khi người dân lên tiếng, lúc đó có thể đã muộn.

Những tuyên bố mang tính nhượng bộ của chính quyền Ai Cập chứng minh cho điều đầu tiên. Ngay từ những ngày đầu khi người dân Ai Cập xuống đường, Mubarak tuyên bố không ra tranh cử nữa, cũng không còn chuyện Mubarak “nhường ngôi” cho con. Sau đó, lần lượt các nhân nhượng khác được đưa ra: tự do báo chí, sửa đổi Hiến pháp để bầu cử tự do, bỏ luật khẩn cấp, từng bị giới mật vụ lạm dụng để bắt bớ người vô cớ, không ngăn chận kiểm soát Internet nữa…

Dĩ nhiên, giới cầm quyền biết rõ đây là nguyện vọng bình thường và chính đáng của người dân Ai Cập nhưng chỉ khi chịu áp lực của cả triệu người dân giận dữ họ mới nhượng bộ.

Điểm chung của các chính thể độc tài ở Libya, Syria, Ai Cập, Yemen, Algeria và Tunisia và các nước lớn đứng đằng sau họ là không thèm đếm xỉa đến số phận người dân, coi việc người dân phải thuần phục họ là chuyện đương nhiên. Cho nên phần lớn đã chọn cách bỏ qua nguyện vọng của người dân nước họ.

Tusinia là trường hợp khi giới cầm quyền chịu nghe theo thì đã muộn. Và ở Ai Cập, dù tình hình có chuyển biến như thế nào thì cũng đã muộn cho giới cầm quyền vì không đời nào người dân chịu quay về với xiềng xích nô lệ như trước.

Bài đăng phổ biến