Chọn lựa
Đọc các phân tích, bình luận, tuyên bố trên báo chí khắp nơi về những diễn biến trong hai tuần gần đây tại Ai Cập không làm chúng ta hiểu thêm vấn đề. Đó là bởi những quyền lợi phức tạp đan xen nhau đằng sau hậu trường.
Lấy ví dụ Mỹ. Sở dĩ Mubarak tồn tại suốt 5 nhiệm kỳ, cai trị Ai Cập trong 28 năm qua là vì Mỹ thấy ở ông ta một đồng minh tin cậy được để duy trì các lợi ích của Mỹ tại khu vực này, như ngăn chận làn sóng Hồi Giáo cực đoan, chủ trương hòa hoãn với Israel… Bởi thế, Mỹ từng bỏ lơ yếu tố độc tài, tham nhũng, lạm quyền của Mubarak để đổi lại cái gọi là ổn định tình hình.
Một khi làn sóng dân chủ dậy lên, người dân tràn xuống đường, đòi Mubarak ra đi, thoạt tiên Mỹ nương theo làn sóng này với những tuyên bố đại loại Mubarak phải từ chức ngay đúng theo bài bản ủng hộ dân chủ. Nhưng chỉ vài ngày sau, Mỹ thay đổi thái độ, không còn thúc bách như trước. Đọc các bình luận trên báo chí bảo thủ ở Mỹ chúng ta sẽ hiểu ngay lý do. Nhiều ý kiến bình luận kiểu đó cho rằng nếu Mỹ bỏ rơi Mubarak, Ai Cập sẽ rơi vào vòng kiểm soát của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, là phe phái được cho là có mối quan hệ mật thiết với Hamas, Iran và các phe phái cực đoan khác. Nói tóm lại họ lo sợ Ai Cập sẽ trở thành một nhà nước Hồi Giáo thần quyền như
Thế nhưng có lẽ cũng không cần quan tâm lắm đến chuyện chính trị phức tạp này. Điều mà ai cũng thấy qua vụ Ai Cập là: 1/Các chính thể độc tài không phải không hiểu được nguyện vọng của người dân nước họ; 2/Họ có hai chọn lựa, một là nghe theo nguyện vọng này để xây dựng một xã hội dân chủ bền vững, hai là đợi đến khi người dân lên tiếng, lúc đó có thể đã muộn.
Những tuyên bố mang tính nhượng bộ của chính quyền Ai Cập chứng minh cho điều đầu tiên. Ngay từ những ngày đầu khi người dân Ai Cập xuống đường, Mubarak tuyên bố không ra tranh cử nữa, cũng không còn chuyện Mubarak “nhường ngôi” cho con. Sau đó, lần lượt các nhân nhượng khác được đưa ra: tự do báo chí, sửa đổi Hiến pháp để bầu cử tự do, bỏ luật khẩn cấp, từng bị giới mật vụ lạm dụng để bắt bớ người vô cớ, không ngăn chận kiểm soát Internet nữa…
Dĩ nhiên, giới cầm quyền biết rõ đây là nguyện vọng bình thường và chính đáng của người dân Ai Cập nhưng chỉ khi chịu áp lực của cả triệu người dân giận dữ họ mới nhượng bộ.
Điểm chung của các chính thể độc tài ở Libya, Syria, Ai Cập, Yemen, Algeria và Tunisia và các nước lớn đứng đằng sau họ là không thèm đếm xỉa đến số phận người dân, coi việc người dân phải thuần phục họ là chuyện đương nhiên. Cho nên phần lớn đã chọn cách bỏ qua nguyện vọng của người dân nước họ.
Tusinia là trường hợp khi giới cầm quyền chịu nghe theo thì đã muộn. Và ở Ai Cập, dù tình hình có chuyển biến như thế nào thì cũng đã muộn cho giới cầm quyền vì không đời nào người dân chịu quay về với xiềng xích nô lệ như trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét