Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Playboy và Paul Krugman

Playboy và Paul Krugman

Tạp chí Playboy thì có lẽ ai cũng từng nghe danh, dù chỉ xem một hai hình “mát mẻ” cắt ra từ thuở nào. Paul Krugman là nhân vật nổi tiếng nhưng ở hướng hoàn toàn khác, ông là nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2008 và là cây bút bình luận ăn khách của tờ New York Times. Vậy mà Playboy, tờ báo chuyên đăng hình các cô ăn mặc kiểu Eva lại đi phỏng vấn Paul Krugman về những vấn đề kinh tế của Mỹ và thế giới!

Thật ra, bởi hình ảnh trên Playboy bắt mắt quá nên nhiều người không biết chứ tờ tạp chí này vẫn đăng những tác phẩm rất nghiêm túc của những nhà văn tên tuổi, những bài phỏng vấn nhiều nhân vật “mũ cao, áo rộng”, kể cả Jimmy Carter lúc ông này ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Tuy vậy, cách Playboy dẫn dắt câu chuyện và lối Paul Krugman trả lời một tờ báo không chuyên về kinh tế rất đáng để nghiên cứu, học hỏi. Tác giả bài phỏng vấn là Jonathan Tasini, cũng là một nhân vật đặc biệt, chuyên viết về các vấn đề lao động, kinh tế, từng ra tranh cử ghế Thượng nghị sĩ, từng làm chủ tịch Liên đoàn Nhà văn quốc gia. Từ nhiều giờ trò chuyện với Krugman ở nhiều địa điểm, Tasini mới viết lại thành bài phỏng vấn với văn phong cố ý đơn giản, dùng từ phổ thông, lập luận dễ hiểu để phù hợp với độc giả rất đa dạng của Playboy.

Chẳng hạn, mở đầu, người phỏng vấn “giả vờ” hỏi: “Dường như tháng nào cũng có người tranh cãi nhau chúng ta đang ở trong cơn suy thoái (recession) hay cuộc khủng hoảng (depression). Thế chúng ta đang suy thoái hay khủng hoảng? Hay là một thứ gì khác?

Hỏi như thế là để chẩn đoán tình hình thực tế của kinh tế Mỹ, chứ không phải nhằm đi vào thêm một cuộc tranh cãi khác về hai từ “suy thoái” (GDP sụt giảm hai quý liên tục hay thất nghiệp tăng 1,5% trong vòng 12 tháng) hay “khủng hoảng” (GDP giảm trên 10% hay suy thoái quá 3 năm). Cho nên Krugman trả lời, bất kể những loại định nghĩa nói trên, rằng suy thoái đã chính thức chấm dứt vào tháng 6-2009 lúc nhiều thứ như sản xuất công nghiệp, GDP bắt đầu hồi phục nhưng nước Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Lý do ông đưa ra cũng là những hình ảnh người đọc Playboy có thể kiểm chứng: đã bốn năm nay nước Mỹ chịu cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, khó kiếm việc làm, tính ra cứ 7 người thì có 1 người thất nghiệp, sinh viên giỏi mới ra trường không kiếm được việc làm...

Dễ thấy là sau phần này, cả người hỏi lẫn người trả lời ắt phải đi tới kết luận, dân Mỹ đang gánh chịu cảnh khổ mà lẽ ra không cần phải gánh nếu nhà làm chính sách chịu làm đúng theo bài bản. Bài bản đó, theo cách ví von dễ hiểu của Krugman, là giả thử có người ngoài hành tinh xuống tấn công nước Mỹ, dân Mỹ phải tập trung chống cự, thì chỉ trong vòng 18 tháng, nạn thất nghiệp sẽ biến mất. Chủ trương của Krugman là chính quyền đổ tiền vào các công trình hạ tầng để kích cầu việc làm, những việc còn lại tự chúng sẽ được giải quyết.

Cũng vì để phục vụ một loại độc giả đa dạng, người hỏi nhảy từ đề tài này sang đề tài khác miễn sao các câu hỏi cũng là thắc mắc của nhiều độc giả Playboy. Từ câu: “Có phải nước Mỹ đang trở thành một nền cộng hòa chuối?” (để nói về tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập, sự bất lực của hệ thống chính trị khi đi tìm sự đồng thuận trong chính sách kinh tế…) đến câu “Thế còn vai trò của Wall Street?” (để nói về lòng tham, sự lừa dối của giới tài chính). Ở đây, Krugman cũng là bậc thầy dùng hình ảnh ví von để thuyết phục người đọc. Ông nói, tình hình cũng tương tự chuyện cá cược theo kiểu dân tài chính thuyết phục người dân, ngửa tôi ăn, còn sấp thì người khác thua nhé. Cách ví von đó xuất hiện khá thường xuyên, chẳng hạn, khi được hỏi về vai trò của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” vì nhiều người chê trách rằng phong trào này không có một thông điệp rõ ràng, Paul Krugman nói ngắn gọn, “Chiếm lấy Phố Wall” đã đóng đẹp vai trò của nó vì chúng ta không cần những bản đề xuất gồm 10 điểm, chúng ta cần có ai đó tuyên bố hoàng đế đang ở truồng!

Nổi tiếng là người tấn công Bush liên tục trên báo New York Times, ngày nay Krugman lại xoay qua tấn công Obama. Với Playboy, ông nhận xét thẳng: “Obama là loại người phò chính thống”. Tức là nếu loại bỏ phong cách nói chuyện rất hấp dẫn của Obama, nếu không bị chinh phục bởi logich hình thức của Obama, cái đọng lại là những quan điểm rất ôn hòa, cẩn trọng, theo lối khôn ngoan của một chính khách lão luyện. Đó là bởi Krugman cho rằng để thoát khỏi khủng hoảng, cần chi tiêu nhiều hơn nữa: “Chúng ta đang có những công nhân ngồi không, có kỹ năng và sẵn sàng làm việc, chúng ta có nhà máy đang để không”. Cho nên không cần kêu gọi thắt lưng buộc bụng, chia sẻ sự hy sinh một cách hình thức. Krugman chủ trương chuyện bất bình đẳng trong thu nhập, cứ để đó giải quyết sau, bây giờ là lúc kích cầu bằng mọi cách để thoát khủng hoảng trước đã.

Rõ ràng những vấn đề kinh tế phức tạp vẫn có thể diễn đạt bằng từ ngữ đơn giản, những khái niệm dắt dây như công đoàn, lương thưởng giám đốc, thuế má vẫn có thể giải thích bằng những minh họa ai cũng có thể nhận ra. Chẳng lạ gì nhiều người cho rằng Paul Krugman là một trí thức công khi ra sức làm cho công chúng hiểu điều ông tin vào và muốn nói ra. Còn người ta có nghe theo ông hay không lại là điều khác nữa. Ví dụ, đối với Hy Lạp, Ý, ông cho rằng các nước này phải in thật nhiều tiền để giải quyết vấn đề trong ngắn hạn cho nên sự tan vỡ của khối sử dụng đồng euro, những nước như Hy Lạp phải chia tay với đồng euro là có khả năng xảy ra.

Góc nhìn của Krugman làm người phỏng vấn cuối cùng phải thốt lên: “Chẳng lạ gì người ta gạt ông sang bên là loại người quá bi quan”. Dù sao tháng Ba này sẽ có nhiều người mua Playboy mà không ngại ngùng che giấu vì họ sẽ bảo, tôi mua để đọc bài phỏng vấn Paul Krugman!

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Nghịch lý thuế chứng khoán

Nghịch lý thuế chứng khoán

Nhân dịp Facebook chuẩn bị lên sàn chứng khoán, giới phân tích Mỹ lại bàn tán về chuyện thuế đối với chứng khoán và những nghịch lý khó vượt qua.

Từ mức thuế kỷ lục

Nhiều báo đưa tin có khả năng người sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg phải chịu mức thuế kỷ lục lên đến 2 tỷ đô-la trong năm nay. Nhưng đó chỉ là giả định chứ chưa phải là chuyện chắn chắn. Nguyên do là vì Zuckerberg hiện sở hữu 414 triệu cổ phần Facebook, ngoài ra anh ta còn có quyền mua thêm 120 triệu cổ phần với giá rất rẻ là 6 xu/cổ phần. Nếu Zuckerberg quyết định thực hiện quyền mua này và sau đó cho dù vẫn nắm giữ chứ không bán chúng ra thị trường, anh ta phải chịu thuế trên khoản chênh lệch giữa giá 6 xu và giá thị trường vào ngày thực hiện quyền mua. Giả thử giá Facebook cũng bằng giá đang giao dịch trên thị trường không chính thức là 40 đô-la/cổ phiếu, khoảng cổ phiếu mà Zuckerberg được quyền mua thêm trị giá đến 5 tỷ đô-la và mức thuế phải trả lên đến chừng 2 tỷ đô-la!

Nhớ lại thời bùng nổ các công ty liên quan đến Internet vào những năm 2000, nhiều người trở thành triệu phú trong nháy mắt như kiểu Facebook nhưng sau đó cũng nhiều người cháy túi và mang nợ khi bong bóng dot.com xì hơi. Đó là vì họ cũng có quyền mua cổ phiếu giá rẻ, cũng thực hiện quyền mua, cũng chịu thuế nhưng lại vay tiền để trả thuế chứ không chịu bán cổ phiếu ra. Ví dụ họ có quyền mua cổ phiếu với giá 1 đô-la/cổ phiếu, giá thị trường vào ngày thực hiện quyền mua là 30 đô-la, tính ra họ phải chịu thuế trên 29 đô-la tiền lãi. Giá cổ phiếu lúc đó cứ tăng nên ít ai chịu bán ra. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn sau thị trường sụp đổ, giá cổ phiếu lấy làm ví dụ này giả thử giảm xuống còn 5 đô-la thì người thực hiện quyền mua vẫn phải chịu thuế trên khoản lãi 29 đô-la dù thực tế họ không hưởng được khoản lãi này. Vậy là nhiều người trắng tay, cũng trong nháy mắt.

Rút kinh nghiệm, lần này Zuckerberg cho biết sẽ bán ngay một số cổ phiếu Facebook để có tiền trả thuế mặc dù ai cũng tin giá cổ phiếu Facebook còn lên một thời gian nữa.

Đến tỷ phú không phải trả thuế

Ngược lại, với số cổ phiếu Zuckerberg đang sở hữu, nếu anh ta không bán đi thì không phải đồng thuế nào. Nhiều tỷ phú chứng khoán của Mỹ hiện đang làm theo cách, cổ phiếu cứ để vậy, đi vay tiền mà tiêu để khỏi chịu thuế. Ví dụ Lawrence J. Ellison, tổng giám đốc Oracle vay hơn một tỷ đô-la, dùng cổ phiếu Oracle của ông ta làm vật thế chấp, để tiêu xài, mua du thuyền đắt tiền mà không phải trả xu tiền thuế nào cả.

Tờ New York Times giả định nếu Zuckerberg không bao giờ bán cổ phiếu, năm 2012 lại nhận lương tượng trưng 1 đô-la thì năm 2013 chẳng phải trả đồng tiền thuế nào! Giả thử cứ thế đến lúc chết, Zuckerberg có thể chuyển cổ phiếu cho con cái thừa kế và nếu chúng bán cổ phiếu ra thị trường thì cũng chỉ chịu thuế trên khoản chênh lệch tăng giá nếu có từ khi Zuckerberg qua đời cho đến khi bán ra.

Trường hợp gần đây nhất mà tờ báo này lấy ra minh họa là Steve Jobs. Sau khi tái gia nhập Apple vào năm 1997, Jobs chưa bao giờ bán cổ phiếu Apple nào cả cho đến khi qua đời nên chưa bao giờ phải trả đồng thuế nào trên 2 tỷ đô-la trị giá cổ phiếu Apple mà ông nắm giữ. Nay nếu vợ ông bán cổ phiếu này ra, bà chỉ phải trả thuế trên phần tăng giá từ ngày Jobs qua đời đến ngày bán ra mà thôi – khoản tăng giá diễn ra trong phần đời Steve Jobs không phải chịu thuế.

So với những nhân vật khác, tờ New York Times cho rằng đang có sự bất công ở đây. Ví dụ ca sĩ Lady Gaga, năm 2010 kiếm đây chừng 90 triệu đô-la, phải chịu mức thuế cao nhất, trong khoản 30 đến 45 triệu đô-la tiền thuế.

Vì thế tác giả bài báo đề nghị nên có loại thuế “điều chỉnh theo thị trường” để đánh thuế lên những tỷ phú chứng khoán nếu không những tỷ phú như Warren Buffett, Bill Gates nhiều lúc trả ít thuế hơn nhiều người khác. Đề nghị này cho rằng những ai sở hữu từ 5,7 triệu đô-la chứng khoán trở lên, phải chịu thuế trên phần tăng giá chứng khoán họ sở hữu trong năm đó, bất kể họ có bán chứng khoán hay không. Nếu năm nào giá chứng khoán họ sở hữu bị giảm giá, họ sẽ được hoàn thuế.

Nghe thì hay nhưng chắc chắn đề nghị này sẽ không bao giờ được thực hiện vì người ta sẽ lập luận, không ai phải chịu thuế trên thu nhập “ảo”, thu nhập “trên giấy tờ” bao giờ. Cũng như chẳng người dân nào chịu để chính phủ hoàn thuế bằng tiền thật cho các tay chơi chứng khoán thua lỗ, cũng là những khoản lỗ trên giấy.

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng

Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng

Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng là chuyện sở hữu đất đai. Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra tuần này có bài của GS Võ Tòng Xuân (Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai) đặt vấn đề thẳng thắn: “Luật Đất đai hiện tại đã được thiết kế với nhiều lỗ hổng khiến các viên chức nhà nước có cơ hội lạm dụng và tham nhũng. Lý do mấu chốt nhất là khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái “toàn dân” ấy”.

Tác giả ghi nhận một thực tế: “Những người “chủ trang trại” cũng như những người “chủ ruộng vườn” vẫn chưa hết lòng đầu tư cho phần đất được Nhà nước giao vì họ vẫn thấp thỏm sợ một ngày không ngờ sẽ bị tước đi mọi đầu tư của mình trên khu đất này. Họ sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.

Từ đó, tác giả đề nghị: “Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp”.

Ngoài ra, trên số báo này còn có bài phỏng vấn TS Phạm Duy Nghĩa, bài “Giải pháp tồi hay giải pháp căn cơ?”, đưa ra ba lựa chọn đối với chính quyền khi giải quyết vấn đề đất đai.

Số báo tuần trước, TBKTSG cũng đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai, qua hai bài viết:

- Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng

- Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai

Xin mời mọi người mua báo để đọc.

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Loay hoay tìm mô hình mới

Loay hoay tìm mô hình mới

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2012, diễn ra vào tuần trước tại Davos, lại bàn về sự thất bại của chủ nghĩa tư bản dưới một chủ đề được đặt tên cho có vẻ tích cực: “Sự chuyển biến vĩ đại: Hình thành các mô hình mới”. Rõ ràng những căn bệnh của nền kinh tế phương Tây như khủng hoảng nợ nần ở châu Âu, thất nghiệp ở Mỹ, bất bình đẳng trong thu nhập ở khắp nơi, dẫn tới sự phản kháng lan rộng đã làm tất cả lo lắng. Nhưng dường như hiện trạng ai cũng thấy rõ, câu hỏi ai cũng đầy thắc mắc; còn câu trả lời, một giải pháp khả dĩ thì chưa ai thấy được hình thù ở đâu.

Thất bại mô hình toàn cầu hóa theo kiểu iPhone

Trùng hợp là cũng vào tuần trước báo New York Timesmột bài dài, phân tích vì sao Apple không thể sản xuất iPhone ở Mỹ để cho thấy sự bế tắc của mô hình kinh tế doanh nghiệp Mỹ đang theo đuổi. Nói gọn lại, bài báo cho rằng Apple sản xuất iPhone ở Trung Quốc không hẳn vì giá công nhân ở đấy rẻ hơn. Apple chọn Trung Quốc và nhà thầu Foxconn là bởi lương công nhân vừa rẻ, lại chịu chấp nhận những điều kiện làm việc mà dân Mỹ không đời nào đáp ứng, nguồn nhân lực từ công nhân lắp ráp đến kỹ sư bậc trung đều rất dồi dào. Không thể nào hình dung công nhân Mỹ chịu ở trong ký túc xá 24/24, bị đánh thức vào 12 giờ đêm để lắp ráp cho kịp tiến độ giao hàng. Để giám sát, hướng dẫn 200.000 công nhân lắp ráp chiếc iPhone, phải cần khoảng 8.700 kỹ sư, một con số nếu tuyển ở Mỹ phải mất 9 tháng mới đủ còn ở Trung Quốc chỉ cần 15 ngày.

Nhưng chính sự chuyển dịch sản xuất ra nước ngoài đã tác dụng ngược lại vào nền giáo dục nước Mỹ, ngày càng ít người muốn học nghề kỹ sư hay những nghề đạo tạo kỹ năng làm trong sản xuất công nghiệp bởi đâu còn những công việc đó cho họ ở nước Mỹ nữa. Hiện nay hằng năm Trung Quốc có khoảng 600.000 kỹ sư ra trường trong khi nước Mỹ chỉ có chừng 70.000. Có thể hình dung tương lai công nghiệp của nước Mỹ qua con số này.

Chính vì thế, hiện nay Apple tuyển dụng 43.000 người ở Mỹ và 20.000 người ở nước khác nhưng đến 700.000 bên ngoài nước Mỹ đang làm việc cho các nhà thầu của Apple, tức là những người trực tiếp sản xuất ra những sản phẩm của Apple. Nhân trường hợp của Apple lên hàng ngàn lần với hàng ngàn doanh nghiệp khác của Mỹ cũng đang sản xuất ở nước ngoài, chúng ta sẽ hiểu vì sao tầng lớp trung lưu nước Mỹ đang lụi tàn và dần biến mất, chỉ còn lại những người cực giàu – là các ông chủ và những người nghèo còn lại. Mô hình dịch chuyển sản xuất đến những nước đang phát triển đã và sẽ thất bại. Nguyên nhân quan trọng nhất là một khi giới trung lưu không còn nữa, lấy ai mua sản phẩm mà Apple sản xuất?

Kết thúc một tiến trình cải cách

Nhìn nền kinh tế toàn cầu theo cách trên, có thể nhiều người nghĩ, vậy Trung Quốc hay nói rộng ra những nước đang phát triển lại đang hưởng lợi, là lực lượng dẫn dắt sự hồi phục, sự trỗi dậy của một mô hình kinh tế mới. Điều này có thể đúng ở giai đoạn đầu khi các nước này mở cửa cho đầu tư nước ngoài nhưng đến nay thì không còn đơn giản như thế nữa.

Thay chân cho tầng lớp trung lưu ở phương Tây là tầng lớp trung lưu ở các nước mới nổi. Và họ sẽ không còn dễ dàng chấp nhận sống chen chúc trong ký túc xá công nhân, không dễ dàng bị gọi dậy vào nửa đêm để lắp ráp máy móc mà đồng lương của họ không thể mua nổi. Sự phản kháng đó đã xảy ra – hệ quả là đồng lương, chi phí sản xuất ở các nước đang phát triển đang tăng dần lên. Thực tế, dư luận xôn xao quanh bài báo trên tờ New York Times là vì tình cảnh công nhân sản xuất iPhone, iPad hơn là vì sự bế tắc của nền sản xuất Mỹ!

Ở bình diện vĩ mô, đồng tiền dành dụm của các nước như của Trung Quốc lại đang ở thành con tin cho chính sách tiền tệ của Mỹ hay châu Âu. Sự tham lam của giới tài chính lan sang các nước đang là công xưởng sản xuất cho thế giới, sớm muộn gì cũng đẩy họ đi theo mô hình đang khủng hoảng của phương Tây.

Tờ Financial Times trong một bài báo cũng ra đời vào tuần trước đã đặt ra một từ mới “crony compitalism” – một sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản với quyền lực và bè cánh, tạo ra giới đặc quyền và giới chịu thiệt thòi nhất của xã hội. Đó chính là nổi lo lớn nhất cho mô hình của những nước như Trung Quốc đang theo đuổi.

Nếu trước đây các nước này mở rộng cửa cho tư bản nước ngoài, cải cách nền kinh tế, khuyến khích tư nhân làm ăn, nói tóm lại là bám vào các nguyên tắc kinh tế thị trường để đề ra chính sách thì nay họ chú trọng mở rộng kinh tế nhà nước, chi phối hết mọi lãnh vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Các cơ chế lẽ ra phải để thị trường quyết định như lãi suất, giá cả, đất đai thì lại trở về bị kiểm soát ngặt nghèo. Những cải cách trước đây là nhằm cứu vãn nền kinh tế theo mô hình tập trung, bao cấp thì nay sự chấm dứt cải cách lại nhằm trao đặc quyền cho những nhóm lợi ích được chọn lọc.

Đi tìm một con đường phát triển khác

Các nhà kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này hầu như đều đồng ý chúng ta đang ở cột mốc số không – tức là chỉ mới ở điểm khởi đầu trong nỗ lực tìm kiếm một mô hình phát triển mới. Cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Ngắn hạn, khu vực đồng euro chưa tìm được lối ra. Trung hạn, năm nay dù ai thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nền chính trị Mỹ cũng rơi vào chỗ bế tắc không giúp được gì cho nền kinh tế, nhất là trong chi tiêu ngân sách. Nhà kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini nhận xét trên tờ Foreign Policy: “Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy rủi ro: rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, rủi ro tài khóa, rủi ro nợ công, rủi ro luật lệ, rủi ro thuế khóa và cả… rủi ro địa chính trị, địa chiến lược. Rủi ro sẽ còn tồn tại lâu”.

Tuy nhiên chính sự chọn lựa chủ đề đi tìm mô hình mới này cho thấy áp lực thay đổi đang ngày càng rất lớn. Giới cầm quyền và giới nắm tài chính các nước nhận ra rằng dân chúng sẽ không dễ dàng chịu bị áp đặt mô hình như xưa nữa. Phong trào chiếm lấy phố Wall là một biểu hiện dễ thấy nhất nhưng sự phản kháng đó còn âm ỉ và rộng lớn hơn nhiều. Và ước muốn của đại đa số người dân là rất đơn giản: Họ muốn có việc làm ổn định để bảo đảm rằng tương lai con họ sẽ khá hơn họ một chút, được học hành tốt hơn họ một chút và sau này được bảo đảm một việc làm chắc chắn hơn một chút.

Bài đăng phổ biến