Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng
Gốc rễ của vấn đề Tiên Lãng là chuyện sở hữu đất đai. Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra tuần này có bài của GS Võ Tòng Xuân (Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào vấn đề đất đai) đặt vấn đề thẳng thắn: “Luật Đất đai hiện tại đã được thiết kế với nhiều lỗ hổng khiến các viên chức nhà nước có cơ hội lạm dụng và tham nhũng. Lý do mấu chốt nhất là khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”, mà mỗi người dân thoạt nghe đều rất khoái, nhưng suy ra thì không có mình trong cái “toàn dân” ấy”.
Tác giả ghi nhận một thực tế: “Những người “chủ trang trại” cũng như những người “chủ ruộng vườn” vẫn chưa hết lòng đầu tư cho phần đất được Nhà nước giao vì họ vẫn thấp thỏm sợ một ngày không ngờ sẽ bị tước đi mọi đầu tư của mình trên khu đất này. Họ sợ khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
Từ đó, tác giả đề nghị: “Hai vấn đề mấu chốt của Luật Đất đai cần sửa đổi ngay: bỏ “hạn điền 3 héc ta” và công nhận “sở hữu tư nhân” về đất đai. Cái được lớn nhất là các viên chức địa phương và trung ương sẽ ít có cơ hội tham nhũng, lạm dụng chức quyền đối với vấn đề đất đai của nhân dân. Nhà nước vẫn có thể sòng phẳng với nhân dân khi cần trưng dụng đất đai cho các mục tiêu quốc phòng, làm đường sá, xây công trình công cộng, xây dựng đô thị, xây khu công nghiệp”.
Ngoài ra, trên số báo này còn có bài phỏng vấn TS Phạm Duy Nghĩa, bài “Giải pháp tồi hay giải pháp căn cơ?”, đưa ra ba lựa chọn đối với chính quyền khi giải quyết vấn đề đất đai.
Số báo tuần trước, TBKTSG cũng đề cập đến vấn đề sở hữu đất đai, qua hai bài viết:
- Sở hữu đất đai nhìn từ vụ Tiên Lãng
- Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai
Xin mời mọi người mua báo để đọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét