Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Dich tự động

Dịch “tự động”

(Bài này viết đã lâu, chỉ đưa lên đây để lưu làm tư liệu).

Giấc mơ viết các loại phần mềm dịch tự động hoàn chỉnh vẫn còn xa vời. Tuy nhiên với người dịch chuyên nghiệp, nhất là dịch văn bản khoa học, kỹ thuật, pháp lý, kinh doanh… đã có những phần mềm hữu dụng, có thể giúp họ nâng năng suất vài ba lần.

Có khá nhiều phần mềm hỗ trợ dịch thuật nhưng tựu trung chúng có ba chức năng chính: phân đoạn văn bản nguồn, duy trì định dạng văn bản nguồn khi dịch và cung cấp bộ nhớ dịch thuật tự động (translation memory – TM). Dĩ nhiên văn bản nguồn phải có sẵn trong máy.

Phân đoạn sẽ giúp người dịch không cần đảo mắt tìm câu cần dịch. Các phần mềm tự động tô màu câu cần dịch và chuyển con trỏ vào một ô sẵn sàng để người dịch gõ vào. Chức năng tự động đơn giản này hoá ra rất hữu ích vì nhờ nó người dịch không bỏ sót câu nào. Ngoài ra người dịch không cần mất công định dạng văn bản dịch vì phần mềm tự động chuyển định dạng ở văn bản nguồn sang văn bản dịch một cách chính xác, kể cả bảng biểu, canh lề, đánh dấu…

Chức năng quan trọng nhất là bộ nhớ TM - điều này có nghĩa những từ, cụm từ hay câu nào đã dịch rồi, người dịch không cần lập lại. Phần mềm sẽ tự động lấy từ bộ nhớ nó tạo ra trong quá trình dịch và mỗi khi gặp câu lập lại, nó sẽ tự động gợi ý ngay trong ô đang dịch. Chức năng này rất có lợi vì đa số các loại văn bản kỹ thuật, các sách hướng dẫn sử dụng hay văn bản pháp lý, câu giống nhau hay gần giống nhau rất nhiều. Nó cũng giúp người dịch dùng từ nhất quán và chính xác trong suốt văn bản. Nhờ chức năng này, người ta có thể dùng phần mềm dịch thuật cho hầu hết các ngôn ngữ, miễn sao chúng có thể xử lý bằng Word và Unicode. Và dĩ nhiên, người dịch sử dụng càng lâu, tạo ra bộ nhớ càng lớn thì khả năng gặp lại cụm từ hay câu đã dịch càng lớn.

Trong các loại phần mềm dịch thuật trên thị trường, phổ biến nhất có Trados, Déjà Vu và Wordfast. Trados nổi tiếng nhất nhờ chiến dịch marketing rất rầm rộ đến nỗi rất nhiều hợp đồng dịch trên mạng mỗi khi gọi thầu đều yêu cầu người dịch sử dụng Trados. Tuy nhiên, Trados khá đắt, khoảng 700 đô-la Mỹ và khó sử dụng, muốn thành thạo cũng mất phải hai ba tuần. Déjà Vu cũng có giá khoảng 850 đô-la.

Do đã sử dụng Wordfast một thời gian, xin giới thiệu kỹ hơn về phần mềm này. Thật ra, Wordfast là một tập hợp nhiều macro trong một template có thể cài ngay trong Microsoft Word. Đầu tiên bạn vào trang web của Wordfast (www.wordfast.net hay www.champollion.net), tải về một file nén chỉ khoảng 0,5MB. Giải nén, bạn sẽ thấy một file wordfast.dot, dùng Word để mở file này như các file văn bản thông thường. Trước đó, trong Word, bạn phải mở Tools/Macro/Security, chọn “Low”; trong thẻ Trusted sources, chọn “Trust the Visual Basic project”. Nhấn vào nút “Install Wordfast”. Cài đặt xong, bạn sẽ thấy trên menu của Word bây giờ có thêm một menu phụ của riêng Wordfast.

Menu của Wordfast

Bây giờ bạn có thể mở văn bản cần dịch, nhấn vào biểu tượng của Wordfast trên thanh menu của Word, hình 1 sẽ xuất hiện. Nhấn thẻ TM, và nhấn vào nút New TM để tạo một bộ nhớ dịch mới. Bạn chọn ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích (mã của các ngôn ngữ nằm trong file hướng dẫn bạn tải về kèm theo phần mềm).

Hình 1


Bắt đầu dịch bằng cách nhấn tổ hợp phím Alt+Down (tức lệnh Next), phần mềm sẽ tự động tô màu câu đầu tiên cần dịch và tạo sẵn một ô khác cho bạn dịch vào. Cứ tiếp tục cho đến hết văn bản. Trong quá trình này nếu gặp lại câu bạn đã dịch, ô tạo sẵn có luôn câu dịch, nếu hai câu không giống nhau hoàn toàn, bạn cũng có thể chỉnh sửa dễ dàng. Nếu gặp những cụm từ giống nhau, phần giống nhau đó sẽ được tô màu khác, nếu đồng ý, bạn chỉ cần nhấn nút chấp nhận để phần mềm tự động đưa nó xuống ô tạo sẵn cho bạn (các lệnh và phím tắt, xin tham khảo file hướng dẫn sử dụng tải về cùng phần mềm).

Wordfast có một chức năng rất hay là giúp bạn tạo một mục từ (glossary) để đến khi gặp các từ trong glossary, nó sẽ dịch tự động cho bạn; glossary có thể chứa đến 200.000 cụm từ. Đến khi dịch xong bạn sẽ thấy văn bản bây giờ rất lộn xộn, mất định dạng cũ và gồm cả từng câu văn bản gốc (ở dạng hidden text) xen lẫn câu vừa dịch. Chỉ cần bấm vào menu Wordfast, chọn chức năng “Clean up”, một văn bản dịch hoàn chỉnh, sạch sẽ sẽ hiện ra.

Cái hay của Wordfast là nó gần như miễn phí, bản bạn tải về có đầy đủ mọi chức năng, chỉ có điều bộ nhớ dịch chỉ chứa 500 đơn vị (đủ để dịch một tài liệu vài chục trang). Nếu trả tiền, bạn sẽ mở rộng bộ nhớ đến nửa triệu đơn vị. Nhưng với những tài liệu có độ dài trung bình, bạn sẽ không dùng hết 500 đơn vị Wordfast cho sử dụng miễn phí.




Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Can thiệp

Can thiệp

Số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể đã lên đến con số hàng chục ngàn cho nên chắc chắn trong thời gian tới chúng ta sẽ nghe thêm nhiều trường hợp công ty này, công ty nọ sắp phá sản. Một thái độ đúng đắn trong bối cảnh đó là gì?

Đầu tiên, cần nhớ một doanh nghiệp, dù sức khỏe tài chính có bình thường đến đâu, cũng có thể rơi vào tình trạng phá sản nếu phải đối diện với nhiều tin đồn tai hại, chủ nợ hoảng hốt đến đòi nợ hàng loạt. Tất cả phụ thuộc vào dòng tiền và khả năng quản lý dòng tiền của doanh nghiệp. Vì thế, một môi trường kinh doanh trong đó, chữ tín bị nghi ngờ, tin đồn, tin sai lệch tràn lan sẽ trói tay doanh nghiệp, triệt tiêu khả năng quản lý dòng tiền của họ. Điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp, qua trò chuyện, là thái độ “chuyện gì ra chuyện đó”, “ai làm người ấy chịu” chứ không thể vơ đũa cả nắm, coi tất cả đều có vấn đề như hiện nay. Ngược lại, thái độ minh bạch, không lãng tránh của doanh nghiệp bị cho là đang rơi vào khó khăn sẽ thuyết phục thị trường tốt hơn hẳn các chiêu thức hào nhoáng bên ngoài.

Điều tích cực nổi lên có lẽ là không còn ai mặn mà với chuyện dùng xe siêu sang, xe đắt tiền làm công cụ xây dựng tên tuổi như trước nữa. Trước đó, có lẽ chiêu thức chạy xe sang để lòe mắt thiên hạ cũng có tác dụng nên mới có nhiều người bị lôi vào vòng nợ nần. Dù sao đây cũng là quá trình để mọi người dần dà nhận ra đâu là những tiêu chí tin cậy để dựa vào trước khi ký kết làm ăn với một ai đó: không phải là nhà cửa hay xe cộ mà là bảng cân đối kế toán rõ ràng, minh bạch.

Thứ nữa, chuyện chính quyền các cấp can thiệp vào một doanh nghiệp có nguy cơ phá sản vừa có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Tính tích cực là một sự can thiệp như thế sẽ giúp làm rõ tình hình, đem lại sự minh bạch ai cũng đòi hỏi. Nhờ tình hình rõ ràng, có thể mọi người sẽ yên tâm hơn, dòng tiền của doanh nghiệp chu chuyển bình thường hơn và khả năng phục hồi, ra khỏi khó khăn của doanh nghiệp là cao hơn. Vai trò của chính quyền cũng mang tính cần thiết nếu doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân hay các khoản phải trả của doanh nghiệp liên quan đến hàng ngàn người. Tâm lý số đông khó lòng lường trước; nên sự hiện diện của các cấp có thẩm quyền dù sao cũng đem lại sự yên tâm cho nhiều người.

Tuy nhiên, tính tiêu cực đằng sau sự can thiệp như thế cũng rất lớn. Dễ thấy nhất là không một cấp chính quyền nào đủ lực, đủ người để can thiệp vào mọi trường hợp sắp phá sản hay rơi vào tình huống mất khả năng trả nợ. Chúng ta cũng đã mất cả chục năm trời sau mở cửa để xóa bỏ thói quen “hình sự hóa” các quan hệ dân sự; một khi chính quyền nhảy vào can thiệp, vụ việc dễ bị hình sự hóa hay ít nhất cũng bị “hành chính hóa”. Sự can thiệp của chính quyền dễ dẫn đến sự ỉ lại của những người trong cuộc; mọi giao dịch cứ tiến hành bất kể rủi ro, không lượng giá rủi ro bởi họ cứ tin chắc sẽ có sự can thiệp của nhà nước mỗi khi có chuyện. Nên nhớ khá nhiều trường hợp nợ nần là do các bên tham gia giao dịch bị lóa mắt vì kỳ vọng lãi cao, nay phải để họ chịu một phần trách nhiệm cho quyết định của họ.

Con đường giải quyết bằng tòa án là con đường tốt nhất bởi luật pháp đã dự liệu những tình huống như thế. Vấn đề là xây dựng và giám sát sao cho hệ thống tư pháp đủ năng lực đảm trách vai trò phán xử công minh, có trách nhiệm, đủ hiểu biết.

Môi trường kinh doanh hiện nay càng đòi hỏi phải nhanh chóng sửa đổi Luật Phá sản để luật không chỉ là công cụ cho giới chủ nợ đòi lại tài sản mà còn là chiếc phao cuối cùng cho doanh nghiệp gặp khó khăn vì dòng tiền bị nghẽn để luật bảo vệ và cho họ cơ hội làm lại từ đầu.

Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể?

Đã có bao nhiêu doanh nghiệp giải thể?

Thời gian qua, nhiều báo, nhiều bài viết trích dẫn báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nói rằng số lượng doanh nghiệp giải thể năm 2011 lên đến 79.014 doanh nghiệp.

Nói như vậy là không chính xác (theo báo cáo). Bởi báo cáo ghi rõ (và người viết đã kiểm tra với bên VCCI): “Tính cả năm 2011, số doanh nghiệp giải thể dừng ở con số 7.611 doanh nghiệp”.

Con số 79.014 doanh nghiệp giải thể là tính từ trước cho đến cuối năm 2011 (tức cộng dồn nhiều năm lại).

Theo giải thích của VCCI, có 6 khái niệm chỉ trạng thái tồn tại của doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp đăng ký thành lập: tính đến cuối năm 2011 là 622.977 doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp giải thể: Tức có đến đăng ký giải thể. Tính từ trước cho đến cuối năm 2011 là 79.014 doanh nghiệp; riêng năm 2011 là 7.611 doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp ngừng hoạt động: Tức có đến đăng ký tạm ngưng hoạt động. Nhiều hơn số doanh nghiệp giải thể. Không có số liệu cho cả năm 2011 (9 tháng đầu năm 2011 là 11.421 doanh nghiệp).

- Doanh nghiệp dừng nộp thuế nhưng chưa đăng ký giải thể: Tức đối chiếu số liệu với bên thuế. Nhiều hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều lần. Không có số liệu cho cả năm 2011 (9 tháng đầu năm 2011 là 31.477).

- Doanh nghiệp tồn tại về mặt pháp lý: Tính đến cuối năm 2011 là 543.963 doanh nghiệp. Lấy số đăng ký thành lập trừ số đăng ký giải thể.

- Doanh nghiệp thực tế đang hoạt động: Lấy số liệu của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Thuế, chỉ khoảng trên 290.000 doanh nghiệp.

Như vậy con số doanh nghiệp giải thể cũng không nói lên được gì nhiều. Phải lấy con số doanh nghiệp dừng nộp thuế (vì bên thuế kiểm soát con số này chặt chẽ hơn nhiều) để hình dung tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp hiện nay.

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Khi chuyên gia cũng bó tay

Khi chuyên gia cũng bó tay

Hỏi chuyện một số chuyên gia kinh tế vì sao dạo này không viết báo nữa, nhiều người trả lời, hầu như các quy luật kinh tế không có tác dụng ở Việt Nam cho nên họ không muốn bị hớ, càng viết e càng sai thực tế.

Mà đúng như thế thật. Lấy chuyện lãi suất làm ví dụ. Ở các nước khác một khi người có thẩm quyền nói lãi suất sẽ phải giảm ngay, hàng loạt tác động lên thị trường sẽ xuất hiện. Chẳng hạn giá trái phiếu chính phủ sẽ tăng vì người ta sẽ đổ tiền ra mua trái phiếu; giá cổ phiếu cũng tăng; tiền đồng sẽ sụt giá so với các đồng tiền khác… Đặc biệt các hiện tượng này càng bị khuếch đại lên nhiều lần nếu người ta có một thời gian xoay xở từ khi biết lãi suất chắc chắn sẽ giảm và đến lúc nó giảm thật sự. Chuyện tăng hay giảm ở các nước khác có khi chỉ là 0,25 điểm phần trăm là đã gây hiệu ứng lớn chứ ít khi lên đến 1 điểm phần trăm như trong trường hợp của Việt Nam.

Trong thực tế, trong khoản thời gian từ lúc có tuyên bố lãi suất phải giảm đến khi nó giảm thật sự, thị trường hoàn toàn yên ắng. Chỉ trừ một hiệu ứng tận dụng thời gian lãi suất chưa giảm, một số người chuyển các khoản tiền tiết kiệm kỳ hạn ngắn từng tháng sang kỳ hạn dài hơn như nguyên năm để sau này lãi suất có giảm, họ cũng không bị ảnh hưởng. Ở đây cũng lạ, chưa thấy ở nước nào người ta có thể biết trước một cách chắn chắn lãi suất sẽ giảm như thế cả. Và các ngân hàng, không phải tất cả đều giảm lãi suất huy động để đối phó với khả năng lãi suất chắc chắn sẽ giảm – thậm chí nhiều nơi còn tận dụng thời gian này để thu hút tiền gởi dài hạn mặc dù phải trả lãi cao.

Không một chuyên gia kinh tế tài giỏi nào có thể lý giải tình hình thị trường như thế ngoại trừ một loại “lý thuyết âm mưu”: biết đâu càng nhiều người chuyển các khoản tiền gởi kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài là càng đúng với ý muốn của những người làm chính sách.

* * *

Một chuyện khác cũng làm các chuyên gia kinh tế bó tay. Đó là việc nhiều công ty nhấn mạnh vào số lượng tiền mặt lớn công ty đang nắm giữ, coi đó như một thế mạnh của công ty! Báo chí cũng dựa vào các con số này để “phong” “các đại gia tiền mặt” của Việt Nam. Trong điều kiện bình thường, một công ty ôm một mớ tiền mặt là đã thấy sự bất lực không biết sử dụng đồng tiền vào những dự án mới sao cho có hiệu quả. Trong bối cảnh lạm phát, lượng tiền mặt càng lớn, công ty càng thiệt hại, sao lại cho đó là các “đại gia”.

Nếu tiền mặt chuyển thành nguyên liệu sản xuất, đến chu kỳ bán hàng mới, doanh nghiệp mới hy vọng mặt bằng giá cả mới sẽ giúp họ thu hồi vốn và có lãi. Còn tiền mặt nằm yên một chỗ, sẽ bị hao hụt theo lạm phát, trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ở đây, các chuyên gia tài chính cũng lưu ý một hiện tượng: phải phân biệt sự khác nhau giữa đầu tư tài chính lành mạnh và đầu tư tài chính liều lĩnh của các tập đoàn nhà nước đã bị phê phán. Một doanh nghiệp lấy dòng tiền của mình đầu tư vào chứng khoán theo phong trào hay mua cổ phần trực tiếp của các công ty khác trong lĩnh vực địa ốc, chứng khoán… là một quyết định có nhiều rủi ro, cần cân nhắc rất kỹ. Ngược lại, một doanh nghiệp khác có khoản tiền mặt chưa sử dụng đến, đem đi mua trái phiếu chính phủ, là một hoạt động bình thường trong quản trị tài chính. Không khéo, mọi người sẽ dị ứng với cụm từ “đầu tư tài chính” và bỏ quên luôn các quy luật quản trị thông thường.

* * *

Sự bó tay của các chuyên gia kinh tế cũng xuất phát từ cách hiểu sai lệch sự vận hành của nền kinh tế thị trường của các quan chức nhà nước. Ví dụ khi một bộ trưởng đề nghị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại khoanh nợ, dãn nợ cho một số doanh nghiệp nào đó, có lẽ ông hiểu nhầm vai trò của NHNN hay không hiểu cơ chế vận hành của hệ thống ngân hàng. Ngay cả với các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN đã từ lâu cũng không thể yêu cầu, chỉ định họ cho vay chỗ này, khoanh nợ chỗ kia được. Điều đáng tiếc, nguyên tắc để các ngân hàng chịu trách nhiệm về các khoản vay của mình đang dần dà bị bỏ quên, việc chỉ định cho vay đối với doanh nghiệp nhà nước lại tái diễn, việc khoanh nợ cho ngân hàng lại xảy ra. Cho nên biết đâu ông bộ trưởng nói đúng và các chuyên gia phê phán sai!

Sự hiểu sai cơ bản về những khái niệm như vốn, tài sản, nợ còn phổ biến nhiều hơn nữa ở các doanh nhân một khi họ lên mặt báo để phân bua điều gì đó. Chẳng hạn tổng giám đốc một công ty gần phá sản vì nợ cùng khắp nói không có gì đáng lo vì đã có đối tác sẵn sàng bỏ ra 80 triệu đô-la mua lại nhà máy, dư sức để trả nợ. Tám mươi triệu đô-la tương đương với chừng 1.700 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ của công ty này chỉ có 500 tỷ đồng. Không ai dại gì bỏ ra 1.700 tỷ đồng mua cổ phần của một công ty vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng lại gần phá sản, cả trừ phi công ty đang ăn nên làm ra, triển vọng hấp dẫn cỡ Facebook hay Apple!

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

Ai có thẩm quyền đối với lãi suất?

Ai có thẩm quyền đối với lãi suất?

Tuần trước, đồng loạt các báo đưa tin Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm công bố giảm lãi suất. NHNN hiện nay là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ nên việc Thủ tướng ra lệnh cho NHNN thoạt trông là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu nhìn từ góc cạnh quy luật thị trường, Thủ tướng có nên can thiệp vào lãi suất một cách trực tiếp như thế? Nói rộng ra, ai là người có thẩm quyền quyết định lãi suất trong nền kinh tế?

Ở các nước khác, việc tăng giảm lãi suất là do ngân hàng trung ương quyết định, dựa trên cung cầu thị trường và định hướng kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Họ làm điều đó không vì sức ép từ Bộ Tài chính hay từ người đứng đầu chính phủ. Và nên nhớ, ngân hàng trung ương các nước cũng không tự động ra lệnh tăng, giảm lãi suất như một mệnh lệnh hành chính được. Họ tác động lên lãi suất bằng các công cụ như tái cấp vốn, tái chiết khấu, bơm hút tiền trong lưu thông… Các mẩu tin như FED cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm là loại tin dễ gây hiểu nhầm.

Người ta thường nói đến một ngân hàng trung ương độc lập như một mô hình mà NHNN cần vươn tới. NHNN cần độc lập tương đối với Chính phủ không phải là chuyện hình thức; nó sát sườn với các vấn đề của nền kinh tế như kiểm soát lạm phát, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp…

Chẳng hạn, mong muốn của Chính phủ luôn là làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao nhằm tạo công ăn việc làm cho xã hội. Ngược lại, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN là ổn định giá trị đồng tiền. Nếu NHNN không độc lập, ắt sẽ phải tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu bất kể sức ép lên lạm phát.

Hay, để ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ hoàn toàn có thể yêu cầu một NHNN thiếu tính độc lập chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay với doanh nghiệp nhà nước này, khoanh nợ với doanh nghiệp nhà nước kia. Dĩ nhiên hậu quả có thể là những khoản nợ xấu mà về sau sẽ có hại đối với an toàn của hệ thống ngân hàng, đi ngược lại một nhiệm vụ khác của NHNN.

Trong thực tế, đã có nhiều ví dụ minh họa cho sự dằn co giữa lợi ích chung và lợi ích riêng mà NHNN phải đối diện. Chẳng hạn, gần đây báo chí đưa tin Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều được gia hạn các khoản vay cũ đến hạn phải trả của năm 2011 - 2012 thêm sáu tháng, đồng thời hạ lãi suất cho các khoản vay này theo mặt bằng lãi suất hiện hành. Nếu NHNN làm theo đề nghị này, tức đã tạo ra một sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc kinh doanh của các ngân hàng.

Sẽ có rất nhiều người hưởng lợi từ việc giảm lãi suất như người chơi chứng khoán, các công ty địa ốc… Tiền lệ này sẽ khiến họ gây sức ép lên Chính phủ để Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất, có lợi cho họ. Giảm lãi suất có khả năng làm lạm phát, loại thuế đánh lên người nghèo, lại có dịp bùng phát nhưng người nghèo không phải là nhóm lợi ích có tiếng nói ảnh hưởng mạnh lên quyết sách của Chính phủ.

Thiết nghĩ để thị trường vận hành theo đúng quy luật, cũng nên sử dụng các biện pháp, dù mang tính hình thức, nhưng hạn chế được những mặt trái của việc NHNN thiếu tính độc lập. Thủ tướng có thể yêu cầu NHNN giảm lãi suất nhưng bằng cách phát ra tín hiệu và yêu cầu NHNN sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để đạt được lãi suất mục tiêu mong muốn. Các công cụ và biện pháp này phải đi liền với các công cụ và biện pháp hóa giải ở góc độ chính sách tài khóa để hạn chế khả năng lạm phát quay trở lại, nắn dòng chảy của đồng vốn vào đúng địa chỉ cần hướng đến để việc giảm lãi suất đạt hiệu quả cao nhất chứ không phải tạo dư địa hưởng lợi cho một nhóm lợi ích nào cả.

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Tẩy chay!

Tẩy chay!

Tuần trước TBKTSG có đăng bài “Chính trường Hoa Kỳ và viên thuốc ngừa thai” kể chuyện một nhà báo (Rush Limbaugh) đã nhục mạ cô sinh viên trường luật (Sandra Fluke) như thế nào chỉ vì cô này chủ trương bảo hiểm y tế Mỹ phải chi trả tiền mua thuốc ngừa thai. Limbaugh đã dùng chương trình phát thanh của mình để chửi thẳng Fluke là “đồ đĩ điếm”, là “đồ lăng loàn” với nhiều cụm từ xúc phạm không tiện nhắc lại ở đây.

Điều mà bài báo chưa nói đến là ngay sau các chương trình chửi rủa mang tính hạ cấp của Limbaugh hàng loạt nhà quảng cáo trên đài phát thanh này đã tuyên bố ngưng quảng cáo, tẩy chay chương trình của Limbaugh. Sau đó dưới áp lực của người tiêu dùng thông qua các phương tiện mạng xã hội, nhiều nhà quảng cáo khác theo chân, bỏ rơi Limbaugh. Có công ty phải treo thông báo trên trang web của họ: “Các nhận xét của ông Limbaugh không còn là chuyện tranh luận chính trị nữa mà đi vào chỗ tấn công cá nhân và không phản ánh giá trị doanh nghiệp chúng tôi tôn trọng”. Limbaugh sau đó phải xin lỗi nhưng đã muộn.

Ước gì các nhà quảng cáo nước ta cũng hành động như thế với các tờ báo mạng, cứ chăm chăm khai thác chuyện đời tư để câu khách một cách trắng trợn. Ví dụ chung quanh câu chuyện đáng buồn cô dâu bị nhà trai trả về vì chuyện trinh tiết, hàng loạt tờ báo nhảy vào khai thác đủ kiểu, đủ góc cạnh nhưng toàn là góc cạnh có chi tiết hấp dẫn câu khách. Đáng giận nhất là tờ báo đã dành nguyên hai ba bài cho tay chồng coi thường phụ nữ, tay cha chồng coi trọng đồng tiền lên để bêu xấu cô gái đáng thương kia bằng đủ chi tiết chỉ có thể tìm thấy trong các truyện khiêu dâm ngày xưa.

Các nhà quảng cáo Việt Nam nên lưu ý đến thanh danh của họ khi quảng cáo của doanh nghiệp họ xuất hiện trên những trang báo như thế. Có thể chưa thấy tác động ngay nhưng dần dà người đọc sẽ đánh đồng doanh nghiệp thế nào mới đi theo quảng cáo tại những nơi ấy. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ gói gọn ở các lần đi làm từ thiện, phát học bổng; đó còn là sự từ chối dù trực tiếp hay gián tiếp, tiếp tay cho các loại báo lá cải đang làm băng hoại xã hội, phá vỡ các giá trị truyền thống. Tẩy chay quảng cáo trên các tờ báo lá cải chính là doanh nghiệp đang đóng đúng vai trò một công dân có trách nhiệm với xã hội.

Người tiêu dùng, phẫn nộ trước những bài báo kiểu “tôi có nên lấy bố chồng không?”, có thể kêu gọi, gây áp lực để doanh nghiệp buộc phải rút quảng cáo của họ khỏi những trang web chuyên đăng bài loại đó. Đó là sức mạnh của người tiêu dùng, tại sao không tận dụng.

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Khả năng soạn văn bản quá kém

Khả năng soạn văn bản quá kém

Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố dự thảo chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở và các báo đồng loạt đưa tin “Sẽ đưa tiếng Hoa vào dạy ở bậc tiểu học và THCS”.

Đưa tin như thế là không đầy đủ và gây hiểu nhầm. Việc dạy tiếng Hoa theo chương trình nói trên là chỉ dành cho học sinh người Việt gốc Hoa chứ không phải dạy tiếng Hoa đại trà cho tất cả học sinh ở khắp cả nước.

Cũng khó trách các báo đưa tin thiếu chính xác vì đọc dự thảo thông tư, và dự thảo chương trình, phải đọc kỹ mới xác định được chuyện này. Lẽ ra trong dự thảo phải có ngay một mục lớn “Đối tượng học sinh” và ghi rõ đối tượng nào thì chịu ảnh hưởng của thông tư này như mọi văn bản đều ghi thì đâu có chuyện hiểu nhầm.

Phải đến trang 28 của dự thảo chương trình, đến phần “Cơ sở pháp lý xây dựng chương trình” mới biết chương trình dựa vào Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ “quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.

Văn bản soạn kém sẽ dễ dẫn đến hiểu sai, bình luận sai như thực tế đang diễn ra.

Cập nhật:

Đúng như rằng, đến chiều ngày 14-3, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phải “nói lại cho rõ”: “Chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở được sử dụng để biên soạn tài liệu dạy và học cho học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam”. Lần này sợ chưa rõ nữa nên thông báo ghi thêm: “Môn tiếng Hoa là môn học tự chọn dành cho học sinh dân tộc Hoa”. Thật tình là một cách viết lúng túng, không rõ ràng, lại vừa thừa vừa thiếu. Tại sao không ghi như dự thảo thông tư ở bên dưới (một dự thảo mà vừa mới đưa ra hai ngày đã phải sửa): “Ban hành kèm theo Thông tư này Chương trình tiếng Hoa cấp tiểu học và trung học cơ sở, sử dụng để biên soạn tài liệu dạy và học môn học tự chọn cho học sinh dân tộc Hoa ở Việt Nam”.


Bài đăng phổ biến