Ai có thẩm quyền đối với lãi suất?
Tuần trước, đồng loạt các báo đưa tin Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm công bố giảm lãi suất. NHNN hiện nay là một cơ quan ngang bộ, trực thuộc Chính phủ nên việc Thủ tướng ra lệnh cho NHNN thoạt trông là chuyện đương nhiên. Nhưng nếu nhìn từ góc cạnh quy luật thị trường, Thủ tướng có nên can thiệp vào lãi suất một cách trực tiếp như thế? Nói rộng ra, ai là người có thẩm quyền quyết định lãi suất trong nền kinh tế?
Ở các nước khác, việc tăng giảm lãi suất là do ngân hàng trung ương quyết định, dựa trên cung cầu thị trường và định hướng kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Họ làm điều đó không vì sức ép từ Bộ Tài chính hay từ người đứng đầu chính phủ. Và nên nhớ, ngân hàng trung ương các nước cũng không tự động ra lệnh tăng, giảm lãi suất như một mệnh lệnh hành chính được. Họ tác động lên lãi suất bằng các công cụ như tái cấp vốn, tái chiết khấu, bơm hút tiền trong lưu thông… Các mẩu tin như FED cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm là loại tin dễ gây hiểu nhầm.
Người ta thường nói đến một ngân hàng trung ương độc lập như một mô hình mà NHNN cần vươn tới. NHNN cần độc lập tương đối với Chính phủ không phải là chuyện hình thức; nó sát sườn với các vấn đề của nền kinh tế như kiểm soát lạm phát, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp…
Chẳng hạn, mong muốn của Chính phủ luôn là làm sao tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức cao nhằm tạo công ăn việc làm cho xã hội. Ngược lại, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN là ổn định giá trị đồng tiền. Nếu NHNN không độc lập, ắt sẽ phải tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu bất kể sức ép lên lạm phát.
Hay, để ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ hoàn toàn có thể yêu cầu một NHNN thiếu tính độc lập chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay với doanh nghiệp nhà nước này, khoanh nợ với doanh nghiệp nhà nước kia. Dĩ nhiên hậu quả có thể là những khoản nợ xấu mà về sau sẽ có hại đối với an toàn của hệ thống ngân hàng, đi ngược lại một nhiệm vụ khác của NHNN.
Trong thực tế, đã có nhiều ví dụ minh họa cho sự dằn co giữa lợi ích chung và lợi ích riêng mà NHNN phải đối diện. Chẳng hạn, gần đây báo chí đưa tin Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều được gia hạn các khoản vay cũ đến hạn phải trả của năm 2011 - 2012 thêm sáu tháng, đồng thời hạ lãi suất cho các khoản vay này theo mặt bằng lãi suất hiện hành. Nếu NHNN làm theo đề nghị này, tức đã tạo ra một sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc kinh doanh của các ngân hàng.
Sẽ có rất nhiều người hưởng lợi từ việc giảm lãi suất như người chơi chứng khoán, các công ty địa ốc… Tiền lệ này sẽ khiến họ gây sức ép lên Chính phủ để Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất, có lợi cho họ. Giảm lãi suất có khả năng làm lạm phát, loại thuế đánh lên người nghèo, lại có dịp bùng phát nhưng người nghèo không phải là nhóm lợi ích có tiếng nói ảnh hưởng mạnh lên quyết sách của Chính phủ.
Thiết nghĩ để thị trường vận hành theo đúng quy luật, cũng nên sử dụng các biện pháp, dù mang tính hình thức, nhưng hạn chế được những mặt trái của việc NHNN thiếu tính độc lập. Thủ tướng có thể yêu cầu NHNN giảm lãi suất nhưng bằng cách phát ra tín hiệu và yêu cầu NHNN sử dụng các công cụ và biện pháp điều hành để đạt được lãi suất mục tiêu mong muốn. Các công cụ và biện pháp này phải đi liền với các công cụ và biện pháp hóa giải ở góc độ chính sách tài khóa để hạn chế khả năng lạm phát quay trở lại, nắn dòng chảy của đồng vốn vào đúng địa chỉ cần hướng đến để việc giảm lãi suất đạt hiệu quả cao nhất chứ không phải tạo dư địa hưởng lợi cho một nhóm lợi ích nào cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét