Thứ Năm, 30 tháng 4, 2009

Thue va tham nhung

Thuế và tham nhũng

Tình cờ đi tìm số liệu để viết về dự luật thuế nhà ở, tôi mới phát hiện ra tỷ lệ thu thuế trên GDP của Việt Nam cao hơn các nước láng giềng rất nhiều.

Theo số liệu của ADB trong tài liệu “Key Indicators for Asia and the Pacific 2008” thì tỷ lệ thu thuế trên GDP của Việt Nam năm 2006 (năm có số liệu đầy đủ đề so sánh) là 23,7%. Trong lúc đó tỷ lệ này ở các nước Indonesia chỉ là 12,3%, Malaysia - 15,1%, Philippines – 14.3%, Singapore – 12,9%.

Các con số này đặt ra khá nhiều câu hỏi:

-         Ở Việt Nam, không lẽ tình trạng sưu cao thuế nặng trầm trọng hơn ở nước khác?

-         Nếu không thì GDP Việt Nam bị tính sai, tính thiếu. Nếu cộng GDP từ khu vực phi chính thức, con số GDP thật phải cao hơn nhiều?

-         Vì sao lương công chức nhà nước ở Việt Nam thấp hơn các nước khác trong khi thu thuế cao hơn? 

-         Nếu giải quyết tình trạng tham nhũng, tiền thu thuế như thế ắt đủ để trả lương xứng đáng cho công chức như các nước khác?

Một tài liệu khác của World Bank cho biết thất thu thuế từ khu vực tư nhân của Việt Nam cao vời vợi. Theo báo cáo này, lẽ ra số thuế thu nhập doanh nghiệp phải thu được từ khu vực tư nhân trong nước năm 2007 là 29.451 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thu được 7.920 tỷ đồng. Con số 21.531 tỷ đồng không thu được đi về đâu? Có lẽ các doanh nghiệp tư nhân dùng nói để “bôi trơn” hoạt động, một dạng thuế không nộp trực tiếp vào ngân sách mà vào túi các quan chức trong bộ máy hành chính, một dạng “phân bổ” thu nhập do những người trong cuộc tự xoay xở với nhau.

Cập nhật:

+ Theo số liệu dự toán năm 2009 của Bộ Tài chính, GDP năm 2008 ước đạt 1.490 ngàn tỷ đồng; thu từ thuế và phí là 371 ngàn tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ thu thuế và phí trên GDP năm 2008 là 24,9%. Tỷ lệ này trong dự toán 2009 thấp hơn, chừng 20%.

+ Nhận xét của anh Giang về tính lũy tiến (progressive) của hệ thống thuế ở Việt Nam (hay đúng ra là sự thiếu vắng tính chất này) là chính xác, nhất là những năm trước đây (VAT chiếm đến 22,1% tổng thu thuế trong khi thuế thu nhập cá nhân chỉ có khoảng 2,3%, thấp hơn cả thuế tiêu thụ đặc biệt – 5,5% - số liệu năm 2007). Thế cho nên việc hoãn thuế thu nhập cá nhân theo tôi càng tạo ra sự bất bình đẳng. Và thuế nhà đất phải nhắm đến đặc tính lũy tiến chứ không phải là tận thu cho ngân sách.

 

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2009

Khung hoang, chau A va Viet Nam

Khủng hoảng, châu Á và Việt Nam

Nguyễn Vạn Phú

Hội nghị “Nhận dạng những thách thức của châu Á và vai trò mới của Việt Nam” do báo Wall Street Journal phối hợp cùng Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức vào giữa tuần này tại TPHCM là một dịp để chúng ta lùi lại một chút, tách khỏi những vụ việc hàng ngày để nhìn vào những vấn đề tương đối dài hạn về vị thế của châu Á trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam khó lòng tự mình giải quyết những vấn đề kinh tế nếu không đặt mình vào một góc nhìn như thế.

Ốc đảo hay quân cờ đô-mi-nô?

Mỗi khi nhắc đến châu Á trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trước đây người ta thường nhắc đến khái niệm “decoupling” với nghĩa nền kinh tế châu Á, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ, đã có thể phát triển độc lập, bất kể khủng hoảng tài chính ở Mỹ hay châu Âu, bất kể sự sút giảm nhu cầu của người tiêu dùng ở các thị trường này. Số liệu thống kê những năm tiền khủng hoảng cho thấy thương mại nội vùng gia tăng mạnh, làm cho nhiều người tin tưởng vào chuyện “đường ai nấy phát triển” này. Lúc đó, xuất khẩu của các nền kinh tế như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á sang Mỹ giảm tương đương với mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Trung Quốc thế chỗ Nhật Bản là nơi nhập hàng lớn nhất từ các nước châu Á. Từng có thời điểm người ta phân tích Trung Quốc, hay đúng hơn là nhu cầu khổng lồ về nguyên vật liệu của nước này đã nâng đỡ nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc như thế nào.

Tuy nhiên, khi khủng hoảng lan rộng, các nhà quan sát lại quay sang phân tích những sai lầm của lý thuyết “decoupling” này. Rõ ràng châu Á là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế toàn cầu, tác động của khủng hoảng xuất hiện trước tiên ở lãnh vực tài chính, sau đó qua ngoại thương và lan đến sản xuất nội địa. Ngay cả việc Trung Quốc nhập hàng hay nguyên liệu của các nước châu Á cũng chỉ để lắp ráp hay sản xuất hàng xuất khẩu qua Mỹ hay châu Âu. Đến 70% thương mại nội vùng là bao gồm các loại linh kiện mà một nửa được dùng để lắp ráp hàng xuất khẩu ra khỏi châu Á. Dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào châu Á, suy cho cùng, cũng nhắm vào các hoạt động sản xuất phục vụ cho người tiêu dùng phương Tây. Một khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường Mỹ, châu Âu sụt giảm, bộ máy sản xuất hàng hóa như một công xưởng cho toàn thế giới ở châu Á chuyển động chậm dần với nhiều trục trặc như bị ngộp xăng.

Hiện nay, số liệu thống kê quý 1-2009 lại làm sống lại sự kỳ vọng vào chuyện “phương Tây có hắt hơi, châu Á không hề phải sổ mũi theo”. Chứng khoán ở Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng 25-30% từ mức thấp nhất, GDP của hai nước này dự báo sẽ tăng trên 5% trong năm 2009 mặc do tốc độ tăng trưởng của các nước OECD vẫn ở mức âm. Người ta quay sang nhận định: cho dù kinh tế châu Á không thể tách biệt khỏi ảnh hưởng của sự hưng vong của kinh tế toàn cầu, việc xây dựng mức cầu nội địa cùng với sức mua ngày càng tăng của người dân châu Á sẽ là xu hướng chống đỡ cho kinh tế châu Á thoát khỏi ảnh hưởng khủng hoảng nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Theo nhiều nhận định được đưa ra gần đây, các nước thuộc khối OECD vẫn sẽ phải chịu mức tăng trưởng GDP không quá 1% trong vòng năm năm tới. Trong cùng thời gian đó, nếu Ấn Độ và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng 6-7% thì tỷ trọng GDP của châu Á (tính theo sức mua) trong GDP toàn cầu sẽ tăng từ mức 45% hiện nay lên 60% vào năm 2015. Lúc đó, bất kể kinh tế các nước phương Tây có rơi vào khủng hoảng hay không, kinh tế châu Á vẫn sẽ có động lực riêng để phát triển. Vì thế, người ta cho rằng ưu tiên số một của các nước châu Á hiện nay là phát triển bền vững những thị trường nội địa chứ không phải là chăm chăm lo làm hàng xuất khẩu.

Những lựa chọn cho Việt Nam

Riêng với Việt Nam, sự chọn lựa có phần hạn chế hơn nhiều. Độ mở của nền kinh tế cao hơn so với các nước láng giềng. Xuất khẩu của Việt Nam tương đương 76,8% GDP (năm 2007) so với mức 36% của Trung Quốc, 45,6% của Hàn Quốc, 29,4% của Indonesia hay 42,6% của Philippines. Các nỗ lực sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu không đem lại kết quả như mong muốn, trừ các loại hàng tiêu dùng thông thường (nhập khẩu tương đương đến 90% GDP trong năm 2007). Và chính sách hướng về xuất khẩu, mặc dù là động lực phát triển cho Việt Nam trong nhiều năm qua, lại đặt nền kinh tế vào vị thế chịu nhiều tác động từ bên ngoài, từ khủng hoảng giá năng lượng, giá nguyên vật liệu, nông sản đến sự sụp đổ nhu cầu tiêu dùng của các thị trường xuất khẩu chính yếu. Trong khi đó thị trường trong nước lại để ngỏ cho hàng giá rẻ, chất lượng thấp tràn vào. Việt Nam cũng dựa nhiều vào đầu tư để làm động lực tăng trưởng – một yếu tố nữa nói lên sự phụ thuộc vào bên ngoài của nền kinh tế.

Vì thế hiện nay chọn lựa của Việt Nam là duy trì mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu trong khi điều chỉnh dần việc hướng về thị trường nội địa về lâu về dài hay bị đẩy theo hướng phụ thuộc vào Trung Quốc trong một mối quan hệ ngoại thương và đầu tư phục vụ cho công xưởng sản xuất khổng lồ này.

Nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bị kéo vào mối quan hệ này. Kim ngạch ngoại thương với Trung Quốc tăng rất mạnh trong những năm gần đây và nhập siêu từ Trung Quốc chiếm gần tới hai phần ba tổng nhập siêu của Việt Nam. Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc những hàng hóa mà Trung Quốc sẽ làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất hàng để xuất bán trên toàn thế giới. Không dừng ở đó, Việt Nam lại tiếp nhận những ngành gia công có giá trị gia tăng thấp hay gây ô nhiễm môi trường nhiều từ Trung Quốc đổ sang. Tranh cãi chung quanh việc khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên cũng nằm trong xu hướng đó khi Việt Nam chỉ đóng vai trò cung cấp nguyên vật liệu cho Trung Quốc và ngày càng phụ thuộc vào khách hàng khổng lồ này. Trong một bài phân tích gần đây, GS Trần Văn Thọ từ Nhật Bản cho rằng: “Cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam đối với Trung Quốc là cơ cấu có tính chất bắc nam, một cơ cấu mậu dịch giữa nước chậm tiến và nước tiên tiến”. Quan hệ thương mại bắc nam này có nghĩa các nước phía bắc xuất khẩu hàng công nghiệp còn các nước phía nam xuất khẩu nguyên liệu, các hàng nông, lâm, thủy sản ở dạng thô hoặc sơ chế. “Năm 2007, riêng dầu thô, than đá đã chiếm gần 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc và nếu kể thêm cao su, gỗ, rau quả, trà, cà phê và những sản phẩm thô sơ khác, tỉ lệ đó lên tới 80%. Hàng công nghiệp chỉ chiếm độ 20%” – GS Thọ cho biết.

Ngược lại, trong suốt những năm trước khủng hoảng, nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn đến Việt Nam trong chiến lược Trung Quốc + 1. Họ muốn tìm một nơi có những yếu tố thuận lợi như Trung Quốc để đầu tư nhằm phòng tránh rủi ro khi đặt cược hết vào nước này. Kỷ lục vốn đầu tư FDI đăng ký trong hai năm 2007 và 2008 minh họa rất rõ cho xu hướng đó. Dĩ nhiên, trong cao điểm của khủng hoảng, dòng vốn này sẽ bị giảm mạnh cùng với sự giảm sút trong xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng một khi đã nói đến tầm nhìn dài hạn, không thể vì khó khăn trước mắt để phải chìu theo xu hướng phụ thuộc vào mối quan hệ theo “cơ cấu bắc nam” nói ở trên. Đó có thể là lời giải dễ dàng nhưng không bền vững.

Điều đáng tiếc là hầu như không có sự nghiên cứu mang tính tổng thể nào về bức tranh phát triển dài hạn như thế mà chỉ là những mối quan tâm ngắn hạn, mang tính tình thế. Khủng hoảng kinh tế sớm muộn gì cũng trôi qua, vấn đề là ở chỗ xác định con đường phát triển của Việt Nam trong tương lai, để không chỉ phòng tránh những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau này mà còn tránh được sự phụ thuộc vào bất kỳ thị trường riêng lẻ nào.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2009

Trach ai


Trách ai

Nguyễn Vạn Phú

Một giáo sư tại một trường đại học kinh tế nói dạo này ông không viết gì được nữa bởi mọi chuyện đang thay đổi nhanh chóng, bản thân ông phải theo dõi, nghiên cứu diễn biến kinh tế thế giới cũng như các cuộc tranh luận của giới kinh tế gia nhằm rút ra cho mình những kết luận mới dựa trên các lý thuyết cũ.

Đó là một sự lùi lại cần thiết vì đã có những trường hợp các nhà kinh tế bị hố to như một giáo sư kinh tế nổi tiếng ở Mỹ đã bỏ tiền mua nhà ngay đúng đỉnh điểm lúc giá nhà cao nhất và ngay sau đó sụt giảm liên tục vì khủng hoảng nợ dưới chuẩn. Không hiếm các nhà nghiên cứu thị trường chứng khoán hiện đang ôm trong người nhiều cổ phiếu của các đại công ty mua lúc giá cao ngất ngưởng. Một chuyên gia kinh tế vừa mới dự báo sẽ không có chuyện nâng biên độ tỷ giá hôm nay, ngày mai Ngân hàng Nhà nước công bố biên độ mới!

Có phải kinh tế học hiện đang bất lực, không giúp thế giới vượt qua khủng hoảng? Có phải các nhà kinh tế cũng là thủ phạm góp phần dẫn đến khủng hoảng hiện nay, nhất là khi họ liên tục rao giảng về lợi ích của việc nhà nước càng ít can thiệp vào thị trường càng tốt vào những năm trước đây? Vì sao cùng một vấn đề, các nhà kinh tế không ngớt tranh luận với những ý kiến chỏi ngược nhau đến kỳ lạ?

GS Dani Rodrik, Đại học Harvard, cho rằng lỗi là ở các nhà kinh tế chứ không phải ở kinh tế học. Bởi kinh tế học không đơn thuần ca tụng kinh tế thị trường như nhiều người vẫn tưởng. Vẫn có những nghiên cứu sâu sắc về mặt trái của tự do hóa thương mại; về sự bất lực của thị trường tài chính không tạo ra được tính hiệu quả tối ưu trong nhiều trường hợp; về tính hữu ích của can thiệp nhà nước để tạo ra sự bình đẳng trong xã hội.

Vấn đề nằm ở chỗ, nhà kinh tế - trước hết là con người chịu tác động của xã hội đang sống - sẽ có xu hướng tô đậm lý thuyết kinh tế này và bỏ qua những ý kiến khác ngược. Họ lý giải kinh tế học dựa vào cách nhìn chủ quan của họ đối với mọi hoạt động kinh tế.

Ở mức thấp nhất, họ sẽ coi trọng sự tối ưu hóa thị trường mà bỏ quên những yếu tố con người, ví dụ, sẽ cổ xúy cho việc một công ty đa quốc gia liên tục di dời nhà máy đến chỗ có lao động và nguồn nguyên liệu giá rẻ nhất, không cần biết trên con đường đó sẽ có bao nhiêu số phận con người hay số phận cả một vùng dân cư thăng trầm theo dòng chảy vốn đầu tư. Lý thuyết tối ưu hóa thương mại sẽ buộc họ lên tiếng ủng hộ cho việc mở cửa thị trường, bỏ hàng rào thuế quan, chống bảo hộ sản xuất trong nước.

Ở mức cao hơn, nhà kinh tế một khi đã tin theo một chủ thuyết nào đó, ví dụ nghiệp đoàn lao động cản trở sự phát triển của sản xuất thì họ sẽ lập luận rất thuyết phục, bằng những chứng cớ hùng hồn để bảo vệ cho quan điểm của mình. Một nhà kinh tế khác lại đi tìm và sẽ tìm được những bằng chứng cho thấy nghiệp đoàn giúp nâng cao năng suất lao động, động cơ làm việc, cải tiến sản xuất… Như thế cuộc tranh cãi sẽ diễn ra liên tục không ngừng.

“Thay vì trình bày mọi sự chọn lựa và liệt kê mọi sự đánh đổi liên quan – mà đấy chính là ý nghĩa của kinh tế học – các nhà kinh tế lại thường nói lên sự chọn lựa xã hội và chính trị của chính họ. Thay vì làm nhà phân tích, họ trở thành nhà lập thuyết, thích cách tổ chức xã hội như thế này hơn thế kia” – GS Rodrik nhận xét.

Vì vậy, các nhà làm chính sách cần hiểu rõ động cơ và thái độ của nhà kinh tế trước mỗi khuyến nghị của họ. Ví dụ, chuyện tỷ giá, nếu đứng từ lợi ích của nhà nhập khẩu sẽ có những ý kiến khác so với góc nhìn từ lợi ích của nhà xuất khẩu. Chúng ta đã có những kinh nghiệm quý báu từ cuộc khủng hoảng năm ngoái khi hàng loạt các phân tích của các tổ chức tài chính quốc tế hóa ra không chính xác trong khi các khuyến nghị của các nhà kinh tế trong và ngoài nước, nhìn từ lợi ích của đất nước, đã dẫn đến những chính sách đúng đắn, kịp thời và hiệu quả trong việc chặn đứng lạm phát, ổn định tỷ giá và cán cân thanh toán. Giả thử nếu lúc đó vẫn tiếp tục có chính sách dựa trên những lợi ích liên quan đến thị trường chứng khoán hay địa ốc, có lẽ khủng hoảng đã kéo dài và trầm trọng hơn.

Hiện nay cũng vậy, tranh cãi trong phân tích tình hình kinh tế và những biện pháp đề xuất là chuyện bình thường. Vấn đề là nhìn từ góc độ nào, lợi ích của ai để phân tích – từ đó sẽ thấy một chính sách có lợi cho doanh nghiệp nhà nước chưa hẳn có lợi cho nền kinh tế nói chung; một chính sách nghe rất hay trong ngắn hạn chưa hẳn đã ổn trong dài hạn, những phân tích lạc quan, trấn an lòng người chưa chắc đã là liều thuốc hay so với cách nhìn thẳng thắn, đụng đến bản chất vấn đề, đòi hỏi có giải pháp gây đau đớn nhưng hữu hiệu hơn, bền vững hơn. Dù sao, khi nhà kinh tế còn bất đồng, thế giới mới biết được những quan điểm khác nhau và chỗ đứng của từng con người trong thế giới đó. Còn khi tất cả đều im lặng hay cùng đồng lòng thuận theo một lý thuyết nào đó, lúc đó mới là lúc cần cảnh giác.

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2009

Thang 12 bien mat

Tháng 12 biến mất?

Khủng hoảng tài chính những tưởng đã làm các định chế tài chính, ngân hàng Mỹ cẩn trọng hơn trong việc “làm đẹp sổ sách”. Không ngờ, họ vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Quý 1-2009, Goldman Sachs báo lãi 1,81 tỷ đô-la, gấp đôi con số dự báo của nhiều người đưa ra trước đó. Đơn giản vì Goldman Sachs chơi màn “ảo thuật”. Những năm trước, quý 1 trong năm tài chính của Goldman Sachs là gồm tháng 12, tháng 1 và tháng 2. Nay họ đổi sang năm tài chính mới trong đó quý 1 gồm các tháng 1, 2 và 3. Như vậy trong báo cáo quý trước (gồm các tháng 9, 10 và 11) và báo cáo quý này, tháng 12-2009 đã biến mất đối với Goldman Sachs.

Vấn đề ở chỗ, tháng 12-2009, Goldman Sachs lỗ đến 1,3 tỷ đô-la. Và cũng rất “ngẫu nhiên”, tháng đó Goldman Sachs đưa vào sổ sách hàng loạt vụ write-offs, dồn lỗ cho tháng mà họ biết sẽ biến mất trong báo cáo, tăng lãi cho quý vừa rồi.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2009

Phan tram

Phần trăm

Sách báo ở Việt Nam ít chú ý đến sự khác biệt giữa “phần trăm” và “điểm phần trăm”. Có lẽ mọi chuyện cũng không gây hiểu nhầm gì lớn nên khi nhiều người viết “phần trăm” ở chỗ lẽ ra phải là “điểm phần trăm”, không ai thấy đó là chuyện lớn.

Thế nhưng, khi hai khái niệm này nằm trong cùng một câu như thế này mà người ta vẫn chỉ dùng một từ “phần trăm” cho cả hai thì đây là chuyện không thể không nói ra: “Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất 100% và 4% đối với các khoản vay ngắn, trung hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam của các tổ chức, cá nhân vay để mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn” (website http://www.chinhphu.vn/).

Nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì ví dụ lãi suất cho vay là 9%, hỗ trợ 100% có nghĩa là hỗ trợ hết cả 9% này. Còn hỗ trợ 4% của 9% là hỗ trợ 0,36%, tức là thay vì trả lãi 9%, nay người vay chỉ còn trả 8,64%.

Nhưng không phải, ý người viết muốn nói hỗ trợ 4% của 9% là hỗ trợ sao cho người vay nay chỉ còn trả 5% thôi, tức trừ đi 4 điểm phần trăm từ lãi suất.

Nếu thế thì câu trên lẽ ra phải viết “Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất và 4 điểm phần trăm lãi suất” mới chính xác chứ. Quyết định 497/QĐ-TT cũng dùng từ sai như thế khi ghi rõ hai loại hỗ trợ: “hỗ trợ 100% lãi suất vay” (nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp và máy vi tính) và “hỗ trợ 4% lãi suất vay” (nhóm sản phẩm vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng để làm nhà ở). Văn bản chính thức phải viết chính xác chứ không thể qua loa đại khái được.

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2009

Nghich ly tu khung hoang

Nghịch lý từ khủng hoảng

Nguyễn Vạn Phú

Chúng ta đang chứng kiến khá nhiều nghịch lý: thông thường khi làm ăn khó khăn, điều đầu tiên phải nghĩ đến là “thắt lưng, buộc bụng”; thế nhưng, dường như chính phủ các nước đều kêu gọi người dân chi tiêu mạnh hơn nữa để đưa kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Họ làm điều này bằng nhiều cách, từ giảm thuế đến tặng tiền cho dân tiêu.

Đấy là mâu thuẫn đầu tiên của toàn cầu hóa mà nay mới có cơ hội bộc lộ. Nền kinh tế toàn cầu như một quái thú khổng lồ, phải nuôi sống nó bằng nguyên vật liệu, bằng chu chuyển dòng vốn và hàng hóa đi khắp nơi. Bằng không nó sẽ lâm bệnh và kéo theo là sự sụp đổ của nhiều nền kinh tế. Ở quy mô từng nước cũng xảy ra tình trạng này.

Điều mỉa mai là Thomas Friedman, tác giả hai cuốn sách nổi tiếng cổ xúy cho toàn cầu hóa (Thế giới phẳng và Chiếc Lexus và cây ô-liu) gần đây phải viết: “Biết đâu cuộc khủng hoảng 2008 biểu hiện một điều gì đó căn cơ hơn là suy thoái kinh tế? Biết đâu nó đang nói cho chúng ta hay rằng toàn bộ mô hình tăng trưởng chúng ta xây dựng nên trong 50 năm qua đơn giản là không thể bền vững cả về kinh tế và sinh thái, rằng năm 2008 là lúc chúng ta chạm đáy khi Bà mẹ Thiên nhiên và thị trường đều nói: ‘Thế là đủ rồi’.”

Ý của Friedman muốn phê phán mô hình tăng trưởng dựa vào việc mở rộng mạng lưới bán lẻ để bán ngày càng nhiều hàng hóa sản xuất ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, tiêu thụ ngày càng nhiều năng lượng gây biến đổi khí hậu nhưng giúp Trung Quốc có tiền mua ngày càng nhiều trái phiếu Mỹ để Mỹ có thêm tiền chi tiêu rồi thúc đẩy vòng xoáy đó mãi mãi. Thật là một sự thay đổi quan niệm bất ngờ so với những gì ông này viết ra trước đây.

Một nghịch lý khác nổi lên từ cuộc khủng hoảng hiện nay là nó làm đảo lộn hết thảy mọi đánh giá trước đó, từng được xem là chân lý. Ví dụ, Singapore là một mô hình mẫu mực về phát triển kinh tế nay lại chịu tác động của khủng hoảng mạnh hơn ai khác. Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ trước đây bị chê trách vì không chịu mở cửa thị trường tài chính thì nay được ca tụng như anh hùng vì nhờ kiểm soát hệ thống tài chính chặt chẽ nên nước này ít bị tác động từ khủng hoảng hơn cả. Những công cụ tài chính phức tạp trước đây được khen ngợi bao nhiêu thì nay bị đổ lỗi góp phần làm sụp đổ nhiều hệ thống tài chính bấy nhiêu. Nếu trước đây, các nước được khuyến cáo đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa hệ thống ngân hàng thì nay chính Mỹ và châu Âu đang “quốc hữu hóa” các ngân hàng lớn nhất của họ.

Chẳng lạ gì, đã có nhiều tiếng nói và chính sách đảo ngược quá trình toàn cầu hóa trước đây và xu hướng này được dự báo ngày càng mạnh lên, xuất hiện ở cả ba khía cạnh: luân chuyển vốn, lao động và hàng hóa, dịch vụ - tất cả đều đang giảm mạnh. Thương mại toàn cầu ước tính sẽ giảm hơn 2,1% trong năm nay, xuất khẩu của nhiều nước tụt theo chiều thẳng đứng. Dòng vốn đầu tư năm nay chỉ còn bằng khoảng 1/5 của năm 2007 còn nhiều nước đã tuyên bố đóng cửa thị trường lao động đối với công nhân nước ngoài, kể cả Mỹ. Liên tục có tin các nước nâng thuế nhập khẩu để hạn chế hàng nhập và bảo vệ sản xuất nội địa.

Nhưng đảo ngược như thế sẽ càng làm trầm trọng cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi sẽ làm cho các xung đột thương mại, người nhập cư, áp lực tài chính, tài trợ chính phủ càng sâu đậm hơn. Khủng hoảng mang tính toàn cầu cho nên từng nước đóng cửa cố gắng tự mình giải quyết sẽ khó lòng thành công.

Thiết nghĩ nếu cứ xem chuyện toàn cầu hóa theo góc cạnh ranh giới địa lý, chúng ta vẫn cứ rơi vào vòng luẩn quẩn: khủng hoảng thì khép lại, hết khủng hoảng lại mở ra. Thực tế phải thừa nhận là lợi ích từ toàn cầu hóa rất lớn và tác hại từ nó cũng lớn không kém. Lợi ích và tác hại này không diễn ra theo ranh giới địa lý vì ở ngay một nước như Mỹ chẳng hạn, có người chịu thiệt hại khi công việc làm bị chuyển ra nước ngoài và cũng có người lời to khi lương làm cho một tập đoàn tài chính tăng vọt so với những năm trước. Ở Việt Nam, có nông dân mất đất cho một nhà máy nhưng cũng có người đột nhiên giàu lên nhờ cổ phiếu…

Vì vậy, nên xem xét các nghịch lý của toàn cầu hóa bộc lộ từ cuộc khủng hoảng hiện nay theo số phận của từng tầng lớp dân cư, bất kể họ đang ở đâu. Với những chính sách thích hợp hơn để nâng đỡ người bị gạt ra rìa trong toàn cầu hóa và đặt ra những ràng buộc chặt chẽ hơn để hạn chế những ai hưởng lợi trên thua thiệt của người khác, toàn cầu hóa mới vượt khỏi cơn khủng hoảng hiện nay.

Một tầm nhìn như thế đòi hỏi sự phối hợp của các nước chứ không phải là cạnh tranh như hiện nay, nhất là trong việc đặt ra những luật lệ nghiêm khắc hơn cho thị trường tài chính và chứng khoán. Điều này khó xảy ra trong ngắn hạn nhưng chắc chắn là con đường thế giới phải trải qua để cùng chia sẻ nguồn lực của trái đất này một cách công bình và bền vững hơn.

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2009

Thay doi luat choi ke toan

Thay đổi luật chơi kế toán

Vân Cầm

Dưới nhiều áp lực, Mỹ vừa mới thay đổi một số quy tắc kế toán, mặc dù trực tiếp chưa có nhiều tác động nhưng gián tiếp đã làm giá cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng mạnh và về lâu về dài có những hiệu ứng chưa lường hết được.

Lâu nay theo nguyên tắc kế toán, một ngân hàng chẳng hạn, có mua cổ phiếu của công ty A thì buộc phải điều chỉnh giá cổ phiếu công ty A này theo giá thị trường (gọi là mark to market). Ví dụ khi mua, giá cổ phiếu công ty A là 100 đồng nay giá trên thị trường giảm còn 10 đồng thì ngân hàng này phải tính toán trong sổ sách dựa trên giá 10 đồng chứ không phải 100 đồng nguyên thủy. Cái này cũng tương tự như yêu cầu “trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán” ở nước ta.

Nay Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Tài chính Mỹ (FASB) vừa đồng ý cho phép giới quản lý tài chính doanh nghiệp được định giá tài sản không dựa vào giá trị thị trường nữa mà dựa vào mô hình định giá do doanh nghiệp tự đưa ra, nhất là đối với trường hợp chứng khoán bị bán ra với giá quá thấp do bên bán bị phá sản.

Thật ra, tranh luận chung quanh yêu cầu “định giá theo thị trường” đã nổi lên từ trước vì doanh nghiệp cho rằng trong bối cảnh kinh tế ổn định, nguyên tắc này không gây ra nhiều phiền toái nhưng một khi có khủng hoảng, thị trường chưa chắc đã là nơi định giá chính xác nhất. Rất nhiều loại chứng khoán đóng băng, không được giao dịch thì lấy đâu ra giá trị trường để điều chỉnh. Giá nhiều loại chứng khoán khác, sụt giảm vì một biến động nào đó, có thể sụt dưới mức giá trị sổ sách, hoàn toàn không phản ánh đúng giá trị thật, thậm chí giá trị thanh lý của doanh nghiệp. Giới doanh nghiệp lại dùng các nhóm vận động hành lang tác động mạnh lên các nhà lập pháp, buộc FASB phải thay đổi luật lệ kế toán. Ví dụ trong một buổi điều trần vào tháng trước, Nghị sĩ Michael Capuano nói thẳng với chủ tịch FASB: “Đừng bắt chúng tôi phải bảo cho ông biết nên làm gì”.

Một khi quy tắc kế toán được nới lỏng như thế, giới tài chính có thể thở phào nhẹ nhõm vì không còn phải lo chuyện tài sản bốc hơi từng ngày một khi thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh. Trước đây, họ phải chật vật tìm vốn để bù vào các khoản “trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán” nếu không dễ rơi vào tình trạng phá sản như chơi. Ngược lại, giới đầu tư lại lo lắng tính minh bạch của thị trường sẽ biến mất, người ta không thể nào đánh giá được tài sản của các công ty tài chính hay ngân hàng; giới ngân hàng cũng không chịu áp lực làm sạch sổ sách, tức không cần phải bán ngay những loại tài sản xấu. Trong trường hợp xấu nhất, lòng tin vào thị trường tài chính, vừa mới phục hồi đôi chút, sẽ bị triệt tiêu.

Hệ lụy trước mắt, theo nhiều nhà phân tích, là các ngân hàng sẽ không còn mặn mà chuyện bán ra tài sản xấu vì một khi bán xong, họ phải ghi sổ sách theo giá bán. Còn chừng nào chưa bán, họ vẫn có thể linh động áp dụng quy tắc mới để làm đẹp sổ sách, chờ ngày giá chứng khoán phục hồi.

Trước mắt, quy định của FASB đi kèm với nhiều ràng buộc về tiết lộ thông tin nên giới ngân hàng chưa làm gì nhiều theo hướng định giá lại chứng khoán có lợi cho họ. Thế nhưng các nước châu Âu đã rục rịch đòi Ủy ban Tiêu chuẩn Kế toán Quốc tế (IASB) phải làm theo bởi không thay đổi tiêu chuẩn kế toán theo Mỹ, doanh nghiệp châu Âu sẽ bị thiệt hại thấy rõ. Có thể thấy, để giải cứu nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng ra khỏi cơn khủng hoảng hiện nay, các nước đang có những bước đi mang tính ngắn hạn – cho dù sẽ giúp thoát khủng hoảng nhanh hơn nhưng lại đẩy nền kinh tế tài chính vào những đợt khủng hoảng mới. Và chuyện tách biệt chuyên môn (vai trò của FASB hay IASB) ra khỏi tác động của chính trị là một câu chuyện giằng co còn kéo dài.

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2009

Di tim mo hinh kinh doanh Internet

Đi tìm mô hình kinh doanh Internet

Vân Cầm

Từ lúc ra đời cho đến nay, hầu như tất cả các mô hình kinh doanh dựa vào Internet đều xuất phát từ giả định người tiêu dùng được hưởng miễn phí mọi dịch vụ, nhà kinh doanh tìm cách thu tiền từ quảng cáo hay từ nguồn khác. Nhiều công ty thay nhau ra đời và thay nhau tụi tàn – trong khi cộng đồng doanh nghiệp loại này vẫn loay hoay tìm lối ra.

Cho đến nay, đã định hình một tâm lý: người ta vào Internet để hưởng các sản phẩm và dịch vụ miễn phí, từ tin tức, email, lưu trữ đến chia sẻ hình ảnh, chia sẻ nội dung... Không ai nghĩ mình phải trả tiền để đọc tin trên các báo điện tử chẳng hạn. Vì thế, trong thời kỳ dot.com vào cuối những năm 1990, các công ty đủ loại hình mọc lên như nấm, tiền đầu tư từ các quỹ mạo hiểm rót vào, nhà kinh doanh không bận tâm lắm đến việc thu phí vì họ nghĩ cứ thu hút người ta vào với mình trước đã, chuyện lời lỗ tính sau. Sự sụp đổ của phong trào công ty dot.com như thế vào đầu những năm 2000 chỉ làm lắng dịu tham vọng của những người lắm ý tưởng nhưng thiếu óc kinh doanh. Sau mấy năm, ý tưởng Web 2.0 lại trổi lên, nhất là khi kết nối băng thông rộng giúp người dùng truy cập Internet dễ dàng và thường trực. Tuy nhiên, tâm lý “của chùa” trên mạng vẫn ngự trị. Hiện nay, trừ một số trường hợp hãn hữu như Google, hầu hết các công ty kinh doanh trên Internet vẫn không thể đưa ra một mô hình phát triển bền vững, không dựa vào việc cân đối thu chi mà chỉ trông cậy vào các nguồn đầu tư rót tiền cho họ duy trì hoạt động.

Sự thành công của Google và các loại hình dịch vụ miễn phí tương tự như Facebook, Twitter, YouTube, MySpace làm nhiều người tưởng nhầm doanh thu quảng cáo trên các trang miễn phí như thế sẽ là động lực phát triển lâu dài. Thật ra, chúng vẫn đang lỗ nặng nhưng nhờ bán lại cho các hãng lớn (như MySpace bán cho News Corporation, YouTube bán cho Google) nên vẫn tồn tại.

Khó khăn nhất vẫn là các tờ báo. Trong khi doanh thu từ báo in giảm mạnh do giảm lượng phát hành và quảng cáo, doanh thu từ báo mạng hầu như không đáng kể, nhiều tờ báo phải lâm vào cảnh phá sản, đóng cửa. Họ lại không thể tính tiền với người đọc qua mạng bởi tâm lý mọi thứ trên Internet đều phải miễn phí từ thời dot.com.

Có lẽ sai lầm lớn nhất của mô hình này là xem Internet chính là cứu cánh chứ không phải phương tiện. Nếu nhìn lại những hoạt động kinh doanh mà trong đó Internet là phương tiện thì lợi ích của nó đem lại là vô cùng lớn lao. Ngay cả trong các khu vực phi kinh doanh như giáo dục, điều hành nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận, Internet đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Từ chuyện nhỏ như phí tem thư, phí in ấn catalog, đến chuyện lớn như hiệu quả công việc tăng lên cả trăm lần.

Bởi vậy, mô hình kinh doanh sắp tới là phải làm sao tận dụng ưu thế Internet như một phương tiện kinh doanh chứ không phải xem nó là nơi làm ra tiền. Ngành công nghệ âm nhạc, phim ảnh, sách đã đi theo hướng đó và đã dần dần định hình được thị trường như Apple với iStores, Amazon với chuyện bán sách, cho thuê phim...

Cứ hình dung thế giới không thể sống thiếu báo chí cho nên báo chí không bao giờ sụp tiệm. Vấn đề là phương thức đưa tin tức đến người sử dụng đầu cuối. Nếu trước đây là báo in phát hành theo con đường cổ điển đến tay người đọc thì nay Internet là phương tiện chuyển tin nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vấn đề còn lại là làm sao tính tiền nội dung được chuyển tải này, còn chuyển tải đến máy tính để bàn, máy tính xách tay hay điện thoại di động, thậm chí dụng cụ đọc chuyên biệt như Kindle không phải là yếu tố cốt lõi.

Ở khía cạnh này, có lẽ các nước châu Á như Việt Nam lại có thể đi nhanh hơn các nước phương Tây. Đã xuất hiện các loại hình kinh doanh dựa vào chiếc máy điện thoại di động làm phương tiện thanh toán dễ dàng tiện lợi như tải nhạc chuông, tải hình ảnh. Sắp tới ắt sẽ có chuyện bán hàng trả tiền bằng điện thoại di động. Ví dụ vào trang mua hoa giao tận nhà, người ta chọn hoa, chọn mã hàng, xong rồi điền thông tin địa chỉ cần gởi, còn đến khâu thanh toán, họ sẽ dùng điện thoại di động bấm vào số mà chủ trang web cung cấp để được trừ tiền mua hoa. Mô hình như thế có thể áp dụng cho mọi loại giao dịch thông thường như mua sách, thuê DVD, mua pizza, đủ loại.

Nếu ngày xưa thương mại điện tử không thể cất cánh ở những nước như Việt Nam vì hệ thống chi trả không bảo đảm, không phổ biến thì ngày nay hàng chục triệu chiếc điện thoại di động có thể đóng vai trò tài khoản chuyển dịch dễ dàng từ người mua đến người bán. Có lẽ sẽ đến ngày chúng ta sẵn lòng bị trừ một khoản tiền rất nhỏ bằng một tin nhắn để được đọc một tin nóng hổi, độc quyền của một tờ báo nào đó.

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

Mien hay khong mien

Miễn hay không miễn

Nguyễn Vạn Phú

Tháng 5 sắp tới, các đại biểu Quốc hội ắt phải đau đầu cân nhắc trước khi quyết định miễn hay không miễn việc thu thuế thu nhập cá nhân sau khi Chính phủ đã tạm hoãn thu loại thuế này trong 5 tháng đầu năm.

Nếu hỏi 100 người hiện đang tạm thời được hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, chắc cả 100 đều muốn khoản thuế này sẽ được miễn hẳn, thậm chí miễn thu nguyên cả năm 2009. Đây là điều đương nhiên vì chẳng một ai muốn chia tay với một phần số tiền mình kiếm được. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề từ góc độ công bằng xã hội, việc miễn thu thuế thu nhập cá nhân là không công bằng với người dân.

Đọc đến đây, nếu có ai nổi giận, càu nhàu “Nói bậy!”, xin hãy bình tĩnh, cùng nhau cân nhắc tình huống sau.

Giả thử ngày mai Chính phủ quyết định phát tiền cho người dân để kích cầu tiêu dùng nhưng sẽ phát theo nguyên tắc: người nghèo – không cho; người thu nhập trung bình – tặng không vài triệu mỗi tháng; người giàu, kể cả các ca sĩ có thu nhập cao – trao ngay cả trăm triệu mỗi người để tiêu cho thoải mái. Chắc chắn mọi người sẽ đồng thanh: Không công bằng.

Việc miễn thuế thu nhập cá nhân xét cho cùng cũng có tác động tương tự.

Giả định 5 tháng vừa rồi, Chính phủ không tạm thời miễn thu thuế thu nhập cá nhân, có nghĩa khoảng 6.000 tỷ đồng được thu vào ngân sách (dự toán thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2009 là trên 14.500 tỷ đồng). Cùng với các khoản thu khác, khoản tiền này hình thành ngân sách để chi cho các mục khác nhau. Giả thử 6.000 tỷ đồng này được dùng để chi lương cho giáo viên thì mức độ hưởng lợi của mọi người dân sẽ như nhau. Thật ra, chi vào việc nào cũng vậy, tác dụng của ngân sách, theo nguyên tắc, là bình đẳng cho mọi người dân. Không thu 6.000 tỷ đồng này, cũng đồng nghĩa ngân sách phải bỏ ra 6.000 tỷ đồng và chi không đồng đều cho người dân, theo đúng tình huống giả định nói trên: người thu nhập càng cao càng được chia nhiều, người thu nhập thấp hoàn toàn không được chia đồng nào cả.

Ở các nước khác, thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân là một công cụ quan trọng để chính quyền dân cử thể hiện quan điểm của mình; tăng thuế thu nhập người giàu để thực hiện các chính sách xã hội hay giảm thuế cho họ để khuyến khích đầu tư, động viên họ làm ăn mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, tình hình ở nước ta có khác. Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2007, có hiệu lực từ đầu năm 2009 được triển khai vội vàng, nhiều thắc mắc của người nộp thuế chưa được giải đáp tường tận. Việc cấp mã số thuế, xác nhận người phụ thuộc chưa đâu vào đâu. Nếu giả định tháng 5 tới, Quốc hội quyết định vẫn thu thuế cho 5 tháng đầu năm, bộ máy hành thu sẽ bị đặt trước một khối lượng công việc khổng lồ, những vướng mắc, trở ngại to lớn và những tranh cãi sẽ kéo dài liên miên.

Quan trọng nhất trong những trở ngại đó là nguyên tắc xác định trách nhiệm của người trả thu nhập, phải khấu trừ, nộp thuế trước khi chi trả cho người hưởng thu nhập. Năm tháng qua, họ được Nhà nước tạm thời miễn trừ trách nhiệm này; không lẽ bây giờ lại áp dụng hồi tố, bắt họ chịu trách nhiệm trở lại. Đây là một điều không khả thi, nhất là đối với những dạng thu nhập không thường xuyên mà bình thường người trả thu nhập phải khấu trừ 10% trước khi chi trả thu nhập. Có rất nhiều khoản sau khi hoãn thu rất khó lòng tìm ra người nhận thu nhập để yêu cầu nộp lại.

Ngay cả giai đoạn hoãn thu trong 5 tháng đầu năm cũng đã nảy sinh biết bao thắc mắc. Ví dụ, có nhiều người ký hợp đồng làm việc theo dạng nhận thu nhập trọn gói, tiền thuế do công ty lo, họ không cần biết mức phải nộp là bao nhiêu. Nay bỗng được hoãn nộp, khoản thuế lẽ ra phải nộp này bây giờ thuộc về ai – công ty hay người lao động? Cục thuế TPHCM nói thế này, Cục thuế Hà Nội giải thích thế khác…

Nếu quyết định vẫn thu cho giai đoạn 5 tháng qua, hiệu ứng kích thích tiêu dùng hoàn toàn bị triệt tiêu, cho giãn nộp đến sang năm cũng làm người chịu thuế phải cân nhắc đắn đo tính toán trước khi chi tiêu.

Thật ra, nếu xét trên phương diện hiệu quả (không bàn đến chuyện công bằng nữa), thì thuế thu nhập cá nhân của cả nước trong 5 tháng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nguồn thu ngân sách, khoảng 3,7% nếu tính cả năm hay 1,5% nếu tính cho 5 tháng.

Và quan trọng hơn hết mọi lập luận nói trên đều được đặt ra với giả định thuế thu nhập cấu thành một ngân sách quốc gia được sử dụng đúng mục tiêu. Có người nói thẳng với người viết khi nghe trình bày lập luận về chuyện công bằng xã hội, chẳng thà tôi dùng khoản tiền được miễn thuế để đi làm từ thiện còn hơn nộp thuế rồi cứ hình dung tiền của mình được dùng mua mấy bao xi măng rồi trở thành đống bê tông ở một công trình lãnh phí nào đó.

Ở đây chỉ có một điều rất lạ: thuế thu nhập cá nhân với tổng mức dự toán thu là 14.545 tỷ đồng (năm 2008 chỉ là 9.960 tỷ đồng) phải chờ 5 tháng để Quốc hội quyết định trong khi khoản tiền 17.000 tỷ đồng dùng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay tiền làm ăn được triển khai mà không cần ý kiến gì của Quốc hội. Cả hai đều là từ tiền đóng thuế của người dân.

Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

Obama va Krugman

Obama nhức đầu vì Krugman

Quốc Học

Trước khi nhận giải Nobel Kinh tế năm 2008, GS Paul Krugman, Đại học Princeton, đã nổi tiếng nhờ các bài bình luận đăng trên tờ New York Times, đều đặn trong 10 năm qua. Hiện nay cột báo xuất hiện hai lần mỗi tuần của ông đang gây ra những cơn nhức đầu cho chính quyền Obama vì Krugman dùng nó để phê phán chính sách giải cứu kinh tế của Mỹ cũng như những cá nhân đằng sau chính sách này.

Với những người không thích hay ghen tị Paul Krugman, có khá nhiều dấu hiệu củng cố cho suy nghĩ của họ rằng ông đang bất mãn vì bị gạt ra rìa và đang tận dụng vị thế “trí thức công” của mình. Trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek, Krugman nói: “Chưa ai có cái loa to như tôi. Mọi chuyện thật tuyệt vời trừ việc thế giới đang rơi vào địa ngục”. Ngoài các bài báo trên New York Times, hiện ông là khách mời đắt giá của hàng loạt đài truyền hình và báo in. Thế nhưng dường như chính quyền Obama cố ý lảng xa Krugman. Ông thú nhận với Newsweek rằng Nhà Trắng hầu như không làm gì để vời ông tư vấn về chính sách. “Tôi chưa bao giờ gặp Obama; ông ta còn phát âm sai tên tôi nữa” – Krugman nói. Ấy là một dịp hiếm hoi trong một cuộc họp báo Obama hơi bực dọc bảo Krugman (với âm u chứ không phải âm ơ) có giỏi thì đưa ra kế hoạch tốt hơn để giải quyết hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, bạn đồng nghiệp từ hồi còn trẻ của ông là Larry Summers, nhỏ hơn ông một tuổi, lại có một sự nghiệp chính trị vững vàng, làm Bộ trưởng Tài chính thời Clinton, rồi sang làm Hiệu trưởng Harvard và bây giờ là nhà cố vấn kinh tế chính của Obama trong vai trò Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia.

Thật ra, Paul Krugman không có tham vọng chính trị và không muốn tham chính. Tính cách nói thẳng, nói toạc móng heo của ông không phù hợp cho môi trường chính trị. Ông kể năm 1992 ông được mời tham gia một hội nghị kinh tế với Clinton sau khi Clinton đắc cử tổng thống. Clinton hỏi ông: “Có thể nào vừa cân đối ngân sách vừa cải tổ hệ thống y tế không?” Krugman trả lời không, không thể một lúc làm hai điều trái ngược này. Sau đó Clinton quay sang hỏi Laura Tyson, cũng là một nhà kinh tế, cùng câu hỏi đó và bà này khẳng định, làm được, chuyện đó không có gì khó. Sau đó Tyson được cử làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế cho Clinton còn Krugman quay về nghề dạy học.  

Có lẽ tính cách của ông đã định hình con đường nghề nghiệp của Krugman. Lúc nhỏ ông thường bị bạn bè trêu ghẹo là mọt sách. Mà ông mê sách thật, nhất là các truyện khoa học giả tưởng của Isaac Asimov. Ông tưởng tượng mình là chú bé mọt sách có sứ mệnh giải cứu loài người theo kiểu viết lên bảng một công thức và bảo loài người phải làm như vầy như vầy nếu không sẽ bị diệt vong, chìm đắm trong lối sống hoang dã cả ngàn năm tới. Chính ông nói với Newsweek ông thích các môn xã hội vì chúng hứa hẹn những gì khoa học viễn tưởng đem lại: bấm nút và giải quyết các vấn đề cho xã hội. Năm 29 tuổi ông đã được mời vào Hội đồng Cố vấn kinh tế dưới thời Reagan cùng lúc với Larry Summers nhưng sau đó quay về nghề dạy học tại các trường nổi tiếng như Yale, MIT, Stanford và Princeton. Thậm chí năm 1999, suýt nữa ông từ chối lời mời viết bình luận cho New York Times vì e rằng quá quan tâm đến các vấn đề thời sự sẽ làm ông mất cơ hội đoạt giải Nobel.

Thật vậy, giải Nobel năm ngoái là trao cho công trình ông viết cách đây cả 30 năm về thương mại quốc tế và địa kinh tế. Bây giờ ông không còn nghiên cứu kinh tế nữa mà tập trung vào vai trò một trí thức phản biện như ông tự nhận trên blog của ông mang tên “Lương tâm của một nhà cấp tiến”.  

Từ lúc nhận lời làm bình luận viên kinh tế cho New York Times, Krugman đã mở rộng sang cả đề tài chính trị, đầu tiên là chỉ trích nặng nề chính sách đem quân sang Iraq của tổng thống Bush. Ông kể New York Times gợi ý ông nên giảm bớt sức nóng các bài báo và chỉ nên xoáy vào những gì thuộc chuyên môn của ông. Với nền chính trị hiện tại, thoạt tiên ông ủng hộ Hillary Clinton và không thích Obama cho lắm vì ông cho rằng kế hoạch cải tổ ngành y tế của Obama không khả thi. Thật ra phải hiểu Krugman là người theo xu hướng dân chủ cho nên những phê phán của ông đối với chính sách Obama là về chi tiết chứ không phải về chủ trương. Ví dụ ông phản đối việc Obama vẫn cố gắng cứu lấy hệ thống ngân hàng bằng cách bơm tiền mua lại nợ xấu. Ông cho rằng cần “quốc hữu hóa” những ngân hàng lớn yếu kém, từ đó mới xây dựng chúng và sau này “tư nhân hóa” trở lại. Ông nặng lời về Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, cho rằng ông này và bộ sậu ở đó là công cụ của giới tài phiệt Wall Street.

Những người phê bình cách tiếp cận của Krugman cho rằng viết như ông thì dễ vì nếu có sai thì chỉ mất độc giả. Còn giả thử một chính sách thiết kế sai có thể làm sụp đổ thị trường. Chẳng hạn Obama lấy đâu ra người để điều hành trực tiếp hệ thống ngân hàng rất phức tạp của Mỹ nếu quốc hữu hóa chúng.  

Khi Newsweek hỏi ông liệu có sẵn sàng tham chính, Krugman nói ông không phải là loại người ngồi sau màn tư vấn cho chính khách. Bởi ông cho rằng mình là người bi quan bẩm sinh, kẻ nổi loạn bẩm sinh đang có “tiếng nói”. Đó là là vũ khí gây nhức đầu nhưng cần thiết của một trí thức như Paul Krugman.

 

 

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Vang xuat khau

Vàng có được ghi vào kim ngạch xuất khẩu hay không?

Trước hết, theo thông lệ quốc tế, vàng được chia làm hai loại: loại phi tiền tệ (nonmonetary gold) và loại tiền tệ (monetary gold). Vàng phi tiền tệ gồm cả vàng của người dân mua về làm trang sức, cất giữ như một phương tiện lưu trữ giá trị, hay vàng dùng trong công nghiệp. Vàng tiền tệ là vàng của nhà nước giữ như một dạng tài sản dự trữ. Ví dụ tính nước Mỹ hiện dự trữ 8.133 tấn vàng, chiếm khoảng 76,5% dự trữ ngoại hối của nước này trong khi Trung Quốc chỉ trữ khoảng 600 tấn vàng, chiếm 0,9% dự trữ của nước này.

Cũng theo thông lệ quốc tế, kim ngạch xuất nhập khẩu không bao gồm vàng tiền tệ nhưng có tính vàng phi tiền tệ.

Như vậy trong kim ngạch xuất khẩu quý 1-2009 nếu Tổng cục Thống kê có ghi xuất khẩu vàng, thoạt tiên tưởng là chuyện bình thường. Nhưng ở đây có hai điểm không bình thường. Một là năm ngoái khi Việt Nam nhập vàng nhiều, quý 1 nhập chừng 1,5 tỷ đô-la vàng thì Tổng cục Thống kê lại không ghi vào kim ngạch nhập khẩu, làm con số nhập siêu nhỏ hơn nếu có ghi. Năm ngoái không ghi, năm này lại ghi (và làm cho cán cân thương mại Việt Nam nghiêng về xuất siêu) là không được.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã có lệnh buộc các nơi được phép xuất khẩu vàng, chủ yếu là các ngân hàng, phải bán số ngoại tệ thu được từ xuất khẩu vàng cho nhà nước. Nếu số vàng xuất khẩu đó biến thành dự trữ ngoại hối thì đó lại là vàng tiền tệ và rõ ràng là không được ghi vào xuất khẩu.

Thật ra ghi hay không ghi chỉ là yếu tố kỹ thuật nếu xét trên tổng thể cán cân thanh toán. Tuy nhiên, không ghi thì người ta có thể nhìn rõ hơn xu hướng sút giảm xuất khẩu của Việt Nam để định ra chính sách đúng đắn và chính xác hơn.

NVP

 

 

Bài đăng phổ biến