Miễn hay không miễn
Nguyễn Vạn Phú
Tháng 5 sắp tới, các đại biểu Quốc hội ắt phải đau đầu cân nhắc trước khi quyết định miễn hay không miễn việc thu thuế thu nhập cá nhân sau khi Chính phủ đã tạm hoãn thu loại thuế này trong 5 tháng đầu năm.
Nếu hỏi 100 người hiện đang tạm thời được hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, chắc cả 100 đều muốn khoản thuế này sẽ được miễn hẳn, thậm chí miễn thu nguyên cả năm 2009. Đây là điều đương nhiên vì chẳng một ai muốn chia tay với một phần số tiền mình kiếm được. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề từ góc độ công bằng xã hội, việc miễn thu thuế thu nhập cá nhân là không công bằng với người dân.
Đọc đến đây, nếu có ai nổi giận, càu nhàu “Nói bậy!”, xin hãy bình tĩnh, cùng nhau cân nhắc tình huống sau.
Giả thử ngày mai Chính phủ quyết định phát tiền cho người dân để kích cầu tiêu dùng nhưng sẽ phát theo nguyên tắc: người nghèo – không cho; người thu nhập trung bình – tặng không vài triệu mỗi tháng; người giàu, kể cả các ca sĩ có thu nhập cao – trao ngay cả trăm triệu mỗi người để tiêu cho thoải mái. Chắc chắn mọi người sẽ đồng thanh: Không công bằng.
Việc miễn thuế thu nhập cá nhân xét cho cùng cũng có tác động tương tự.
Giả định 5 tháng vừa rồi, Chính phủ không tạm thời miễn thu thuế thu nhập cá nhân, có nghĩa khoảng 6.000 tỷ đồng được thu vào ngân sách (dự toán thu từ thuế thu nhập cá nhân năm 2009 là trên 14.500 tỷ đồng). Cùng với các khoản thu khác, khoản tiền này hình thành ngân sách để chi cho các mục khác nhau. Giả thử 6.000 tỷ đồng này được dùng để chi lương cho giáo viên thì mức độ hưởng lợi của mọi người dân sẽ như nhau. Thật ra, chi vào việc nào cũng vậy, tác dụng của ngân sách, theo nguyên tắc, là bình đẳng cho mọi người dân. Không thu 6.000 tỷ đồng này, cũng đồng nghĩa ngân sách phải bỏ ra 6.000 tỷ đồng và chi không đồng đều cho người dân, theo đúng tình huống giả định nói trên: người thu nhập càng cao càng được chia nhiều, người thu nhập thấp hoàn toàn không được chia đồng nào cả.
Ở các nước khác, thay đổi luật thuế thu nhập cá nhân là một công cụ quan trọng để chính quyền dân cử thể hiện quan điểm của mình; tăng thuế thu nhập người giàu để thực hiện các chính sách xã hội hay giảm thuế cho họ để khuyến khích đầu tư, động viên họ làm ăn mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, tình hình ở nước ta có khác. Thuế thu nhập cá nhân được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2007, có hiệu lực từ đầu năm 2009 được triển khai vội vàng, nhiều thắc mắc của người nộp thuế chưa được giải đáp tường tận. Việc cấp mã số thuế, xác nhận người phụ thuộc chưa đâu vào đâu. Nếu giả định tháng 5 tới, Quốc hội quyết định vẫn thu thuế cho 5 tháng đầu năm, bộ máy hành thu sẽ bị đặt trước một khối lượng công việc khổng lồ, những vướng mắc, trở ngại to lớn và những tranh cãi sẽ kéo dài liên miên.
Quan trọng nhất trong những trở ngại đó là nguyên tắc xác định trách nhiệm của người trả thu nhập, phải khấu trừ, nộp thuế trước khi chi trả cho người hưởng thu nhập. Năm tháng qua, họ được Nhà nước tạm thời miễn trừ trách nhiệm này; không lẽ bây giờ lại áp dụng hồi tố, bắt họ chịu trách nhiệm trở lại. Đây là một điều không khả thi, nhất là đối với những dạng thu nhập không thường xuyên mà bình thường người trả thu nhập phải khấu trừ 10% trước khi chi trả thu nhập. Có rất nhiều khoản sau khi hoãn thu rất khó lòng tìm ra người nhận thu nhập để yêu cầu nộp lại.
Ngay cả giai đoạn hoãn thu trong 5 tháng đầu năm cũng đã nảy sinh biết bao thắc mắc. Ví dụ, có nhiều người ký hợp đồng làm việc theo dạng nhận thu nhập trọn gói, tiền thuế do công ty lo, họ không cần biết mức phải nộp là bao nhiêu. Nay bỗng được hoãn nộp, khoản thuế lẽ ra phải nộp này bây giờ thuộc về ai – công ty hay người lao động? Cục thuế TPHCM nói thế này, Cục thuế Hà Nội giải thích thế khác…
Nếu quyết định vẫn thu cho giai đoạn 5 tháng qua, hiệu ứng kích thích tiêu dùng hoàn toàn bị triệt tiêu, cho giãn nộp đến sang năm cũng làm người chịu thuế phải cân nhắc đắn đo tính toán trước khi chi tiêu.
Thật ra, nếu xét trên phương diện hiệu quả (không bàn đến chuyện công bằng nữa), thì thuế thu nhập cá nhân của cả nước trong 5 tháng chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu nguồn thu ngân sách, khoảng 3,7% nếu tính cả năm hay 1,5% nếu tính cho 5 tháng.
Và quan trọng hơn hết mọi lập luận nói trên đều được đặt ra với giả định thuế thu nhập cấu thành một ngân sách quốc gia được sử dụng đúng mục tiêu. Có người nói thẳng với người viết khi nghe trình bày lập luận về chuyện công bằng xã hội, chẳng thà tôi dùng khoản tiền được miễn thuế để đi làm từ thiện còn hơn nộp thuế rồi cứ hình dung tiền của mình được dùng mua mấy bao xi măng rồi trở thành đống bê tông ở một công trình lãnh phí nào đó.
Ở đây chỉ có một điều rất lạ: thuế thu nhập cá nhân với tổng mức dự toán thu là 14.545 tỷ đồng (năm 2008 chỉ là 9.960 tỷ đồng) phải chờ 5 tháng để Quốc hội quyết định trong khi khoản tiền 17.000 tỷ đồng dùng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay tiền làm ăn được triển khai mà không cần ý kiến gì của Quốc hội. Cả hai đều là từ tiền đóng thuế của người dân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét