Thứ Tư, 13 tháng 5, 2009

Su yeu kem cua bo may

Sự yếu kém của bộ máy

* Có lẽ mọi người còn nhớ trong khoảng hai tuần khi dư luận lên tiếng phản đối chủ trương cổ phần hóa các trường đại học công lập (trừ một hai ý kiến ủng hộ), Bộ Tài chính, nơi đưa dự thảo về chủ trương này ra lấy ý kiến người dân, đã hoàn toàn im lặng. Không hề có một lời giải thích cụ thể chủ trương này là như thế nào.

Lẽ ra, bộ phận soạn thảo “Quy chế thí điểm chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần” của Bộ Tài chính hoàn toàn có thể tổ chức họp báo, giải thích “đơn vị sự nghiệp công lập có thu” là gì, tại sao cần cổ phần hóa chúng.

Hiện nay có cả trăm ngàn “đơn vị sự nghiệp công lập”. Việc chuyển giao cho tư nhân một số loại hình thuộc dạng này như các đoàn ca nhạc nhẹ, nhà hát cải lương, ban quản lý bến xe, bến cảng… là việc trước sau gì cũng phải làm.

Thật đáng tiếc, Bộ Tài chính đưa ra một dự thảo như thế mà thiếu vắng sự chuẩn bị nên dư luận trong hai tuần vừa qua chỉ tập trung vào một đối tượng duy nhất: cổ phần hóa các trường đại học với những ý kiến phê phán rất xác đáng. Nói thiếu chuẩn bị vì trên website của bộ, ngoài bản dự thảo không thấy bất kỳ văn bản nào thuyết minh, giải thích cho người muốn góp ý.

Và bây giờ theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính được lệnh ngưng soạn thảo Quy chế, ngưng việc nghiên cứu cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp có thu. Và vì thế, nếu mọi người chú ý sẽ thấy báo chí không còn đề cập đến vấn đề này nữa!

Trong một entry trước, tôi dự đoán, người ta sẽ nói Quy chế này là nhắm đến các đối tượng các đoàn nghệ thuật, ca nhạc, xiếc… và cầu mong họ sẽ nói Quy chế chỉ nhắm tới lãnh vực đào tạo, chứ không phải là giáo dục, tức là chỉ sẽ chuyển đổi những trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo công nghệ thông tin… đang trực thuộc các bộ khác hay trực thuộc các sở ở địa phương chứ không phải các trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thế nhưng sự yếu kém của bộ máy đã thể hiện theo cách khác: Chấm dứt hết thảy - tất cả trôi vào im lặng và quên lãng.

* Một sự yếu kém khác của bộ máy hành chính – lần này thì nghiêm trọng hơn – lại thể hiện ở một dạng khác: Để mất chủ quyền ở một trang web có đuôi gov.vn. Theo một đường link từ Viet-studies, tôi mới biết có tồn tại trang web “Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc” có địa chỉ tại www.vietnamchina.gov.vn. Đúng như người viết blog nhận xét, đây là trang web có đuôi là gov.vn, theo thông tin của Trung tâm Internet Việt Nam thì trang web này của Bộ Thương mại (cũ) đăng ký tên miền. Nội dung ở trang chủ cũng ghi cơ quan chủ quản là: Bộ Thương mại nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Thương mại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa…

Thế nhưng đi vào phần thời sự, người ta có thể đọc những tin hoàn toàn trái ngược với chính sách của Việt Nam hiện hành như tin Trung Quốc phản đối việc Việt Nam bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa. Xin trích một câu trong tin này: “Bà Khương Du nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Tây Sa cùng vùng biển xung quanh. Trung Quốc và Việt Nam không tồn tại tranh luận đối với quần đảo Tây Sa. Cách làm kể trên của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.

Đây là chuyện không thể tưởng tượng nổi. Nên nhớ báo chí trong nước nếu đăng hình bản đồ Việt Nam, dù là hình nhỏ như con tem, mà thiếu hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bị nhắc nhở ngay tức khắc thì sự tồn tại những mẩu tin như thế (và nhiều bản tin động trời khác) trên một trang web được xem là của một bộ của Việt Nam là chuyện không thể chấp nhận được.

Nếu có ai đó mạo danh Bộ Thương mại (cũ) để đăng ký tên miền này thì Bộ Công thương phải lên tiếng và yêu cầu Trung tâm Điện toán truyền số liệu khu vực 1 hủy bỏ nó ngay đi chứ. Còn nếu giả thử có một sự hợp tác nào đó và thiếu sự giám sát, cứ giao khoán toàn bộ cho người ta thì nay phải chấn chỉnh lại đi chứ.

Cập nhật: Đây là trang web chính thức! Báo Lao Động ngày 15/11/2006 đưa tin:

“Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) ngày 14.11 cho biết, Bộ Thương mại Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra sáng kiến xây dựng một website chung về hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Trước đó, ngày 11.11, Thứ trưởng Bộ Thương mại VN Phan Thế Ruệ và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Trần Kiện thay mặt hai bộ đã ký bản thoả thuận xây dựng Website hợp tác kinh tế thương mại Việt-Trung. Ngày 16.11, website sẽ chính thức được khai trương nhân chuyến thăm chính thức VN của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào”.

Xem thêm ảnh khai trương website trên VnExpress tại đây.

Vậy thì xin miễn bình luận.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến