Cùng kỳ hay bình quân?
Còn nhớ vào khoảng cuối năm 2007, đầu năm 2008, rộ lên chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được tính và công bố theo con số cùng kỳ năm trước hay tính bình quân. Lúc đó, Bộ Tài chính bất ngờ công bố con số CPI 11 tháng đầu năm 2007 theo cách tính mới - chỉ tăng 7,92%; còn nếu theo cách tính cũ, CPI lúc đó tăng đến 9,45%. Đương nhiên, dư luận lúc đó thắc mắc nghi ngờ các cơ quan nhà nước muốn làm đẹp các con số, nên chọn công bố con số nào vừa ý mình hơn.
Giải thích của Bộ Tài chính lúc đó xoay quanh chuyện phải làm theo thông lệ quốc tế, vì Bộ cho rằng chỉ có Việt
Lúc đó, tôi có viết một bài ngắn, đại ý điểm lại các cách tính và công bố CPI theo thông lệ quốc tế và cho rằng cách tính CPI theo bình quân của kỳ tính toán cũng chỉ là một trong những cách này. Vấn đề ở chỗ, mỗi cách tính có những ứng dụng khác nhau và không nên chuyển đột ngột từ cách công bố này sang cách công bố khác vì như thế số liệu sẽ thiếu tính nhất quán. Bài này có câu: “Trước mắt tính theo bình quân, CPI trông “đẹp” hơn vì thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng như chúng ta đã thấy, có kỳ CPI tính theo bình quân lại cao hơn tính theo cuối kỳ. Giả thử xảy ra trường hợp này trong một tháng nào đó ở năm sau và Bộ Tài chính lại quay về công bố con số tính theo cách cũ thì thật là đại họa cho các nhà nghiên cứu kinh tế lẫn doanh nghiệp”.
Y như rằng, bây giờ mọi người đã chuyển về công bố theo cách so sánh cùng kỳ. Đơn giản là vì (ví dụ) CPI tháng 5-2009 khi so với tháng 5-2008 chỉ tăng 5,58% còn CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2009 so với bình quân 5 tháng đầu năm 2008 đã tăng đến 11,59%!
Lần này thì không thấy ai lên tiếng giải thích vì sao lại quay về cách công bố cũ.
PS: Cũng cần nói cho công bằng, Tổng cục Thống kê từ lâu vẫn công bố theo nhiều cách, kể cả so với kỳ gốc, so với cùng kỳ năm ngoái, so với tháng 12 năm ngoái, so với tháng trước và bình quân kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét