Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

Cuộc đua xuống đáy

Cuộc đua xuống đáy

Ai mà chẳng thích đọc những gì liên quan đến tình dục. Đó là chuyện bản năng, không tránh được. Nhưng nếu cứ lấy tình dục làm vũ khí cạnh tranh như hiện nay giữa các tờ báo mạng, đấy là cuộc đua kéo nhau xuống đáy, không có lối thoát.

Có người hỏi tôi sự khác nhau giữa quản trị doanh nghiệp (corporate governance) với điều hành công ty (company management), hai khái niệm thường bị lẫn lộn, tôi chợt nghĩ đến chuyện làm báo như một ví dụ dễ hiểu.

Cứ giả dụ tờ báo là một doanh nghiệp và tòa soạn được giao điều hành công ty này. Nếu chỉ lấy các chỉ tiêu như bán cho được báo, thu hút nhiều độc giả vào đọc và bán cho được nhiều quảng cáo, tạo được doanh thu cao, việc điều hành tờ báo sẽ rất đơn giản. Đăng càng nhiều chuyện tình dục rồi tin bài nào cũng rút tít cho giật gân lên, chú tâm khai thác chuyện xì-căng-đan ở các ngôi sao giải trí, lượng phát hành hay lượng người vào đọc sẽ tăng vùn vụt. Lượng phát hành hay lượng người đọc cao sẽ kéo theo quảng cáo tăng. Thậm chí ban điều hành lúc đó cứ đăng tin bài mang tính quảng cáo cho bất kỳ ai trả tiền thì doanh thu làm sao không tăng. Đấy là điều hành công ty.

Nhưng tờ báo còn liên quan đến nhiều thành phần khác (tiếng Anh trong quản trị kinh doanh gọi là stakeholders) như độc giả, chính quyền, người lớn, trẻ em, nhà giáo dục… đủ cả. Họ đều có quyền định hướng cho tờ báo sao cho nó phục vụ lợi ích chung cho tất cả mọi người chớ không phải riêng lợi ích vật chất của người làm báo. Vậy nên mới có chuyện quản trị doanh nghiệp. Chuyện quản trị này sẽ dựa vào những chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp, quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hay tôn chỉ mục đích của tờ báo đặt ra để ràng buộc lẫn nhau và định hướng đi cho tờ báo.

Đó là nói chuyện lý thuyết còn thực tế đơn giản hơn nhiều. Làm báo ai mà không xuất phát từ một hoài bão làm gì đó cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, ai mà không có ước muốn tờ báo của mình có những bài viết sắc sảo. Cạnh tranh bằng những chiêu thức như khai thác chuyện tình dục, hình ảnh mát mẻ hay cố ý gây sốc là chuyện “chẳng đặng đừng”, chắc người chủ xướng hay người viết ít nhiều đều cảm thấy xấu hổ.

Nhưng nếu ai cũng lấy cái khó của thị trường hiện nay để biện minh rằng, thôi thì cố nuôi sống tờ báo cái đã, sau đó sẽ giảm dần liều lượng “lá cải”, ai cũng phân bua nếu cứ viết cho đàng hoàng vào thì không ai chịu vô đọc cả, ai cũng chỉ “tươi mát” hơn đối thủ cạnh tranh “một chút xíu thôi”… đấy chính là cuộc đua xuống đáy!

Nếu để ý, các bạn sẽ thấy liều lượng “lá cải” trên các báo mạng ngày càng tăng – đấy là do cạnh tranh “thêm một chút” cộng với “thêm một chút” – hàng ngày, hàng giờ. Rồi như con bạc tháu cáy, sự xấu hổ nói ở trên sẽ biến mất, thay vào đó là sự hùng hổ ganh đua xem ai “gây sốc” nhiều hơn ai.

Hiệu ứng thì ai cũng đã rõ. Uy tín báo chí đang ngày càng xuống thấp. Độc giả cũng tò mò vô đọc (tôi cũng đọc) nhưng vừa đọc vừa chửi sao báo chí ngày càng xuống cấp. Điều đáng ngại nhất là nghề nghiệp làm báo sẽ theo đó lụi tàn dần – đầu tiên là lẫn tránh các đề tài khó, xong rồi tự dễ dãi với các bài viết vô thưởng vô phạt và cùng nhau cạnh tranh theo lối ai “lá cải” hơn ai.

Lối thoát cho lối cạnh tranh xuống đáy này có còn đó không? Theo tôi là vẫn còn. Stakeholder quan trọng nhất là nhà nước thì hình như phó mặc miễn sao các báo đừng nhảy vô các đề tài nhạy cảm thì không sao. Nhưng các stakeholders khác đều có vai trò quan trọng: người đọc phải biết tẩy chay, giới quảng cáo phải biết từ chối quảng cáo, đồng nghiệp phải cùng nhau lên tiếng để giữ uy tín chung cho làng báo. Hơn ai hết, nếu những người đang chủ trương “lá cải hóa” ngồi lại với nhau, đặt ra những giới hạn không thể vượt qua thì tình hình sẽ cải thiện lên nhiều. Như đã nói ở đầu, đây không phải là vấn đề đạo đức (vì tôi thừa nhận ngay từ đầu là mình cũng tò mò thích đọc như bao người khác) - đây là vấn đề tương lai của báo chí khi cạnh tranh sai đường.

Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2010

Cuộc chiến tiền tệ Mỹ - Trung

Cuộc chiến tiền tệ Mỹ-Trung

Trước những tranh cãi chung quanh việc Mỹ muốn Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ, người ta tự hỏi vì sao một nước có thể can thiệp vào việc định giá đồng tiền của một nước khác hay làm như thế nào để định giá đồng tiền của nước mình sao cho có lợi nhất cho nền kinh tế.

Lập luận của Mỹ

Trong giao dịch ngoại thương, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền chưa hẳn phản ánh chính xác sức mua của chúng. Lấy ví dụ chuyện hớt tóc, giá một lần hớt tóc ở Việt Nam chỉ vào khoảng 20.000 đồng trong khi ở Mỹ mất khoảng 10 đô-la. Nếu giả dụ toàn bộ giao thương giữa Mỹ và Việt Nam chỉ xoay quanh chuyện hớt tóc và giả dụ người ta có quyền chọn lựa bất kỳ nơi nào để hớt tóc mà không phải lo các chi phí khác, chắn chắn dân Mỹ sẽ đổ sang Việt Nam, lấy chừng hơn 1 đô-la, đổi sang tiền Việt để được hớt tóc với giá quá hời. Cũng chắc chắn trong tình hình đó, giới hớt tóc ở Mỹ sẽ phản đối dữ dội, đòi đồng nghiệp ở Việt Nam nâng giá hớt tóc lên 200.000 đồng hay nếu không, đòi Việt Nam phải nâng giá tiền đồng lên để đạt tỷ giá chừng 20.000 đồng ăn 1 đô-la Mỹ.

Trong quá khứ chuyện tương tự đã từng xảy ra. Năm 1985, năm nước Pháp, Đức, Nhật, Anh, Mỹ đồng ý định giá lại đồng đô-la Mỹ trong tương quan với đồng yên Nhật và đồng mark Đức vì lúc đó hàng hóa của Nhật đang tràn ngập thị trường nhờ giá rẻ và Mỹ đang chịu cảnh thâm hụt mậu dịch lớn với nước này. Ngay lập tức đồng yên lên giá mạnh, từ 239 yên/1 đô-la vào năm 1985 lên 128 yên/1 đô-la vào năm 1988, một mức tăng gần gấp đôi.

Lịch sử đang được lập lại với Trung Quốc. Kể từ khi trở thành công xưởng của thế giới, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã đem về cho nước này những khoản thặng dư mậu dịch khổng lồ. Bán hàng, lấy tiền đô-la về, lẽ ra nước này phải để cho giá trị đồng nội tệ tăng lên dần dần, theo quy luật của một cơ chế tỷ giá thả nổi nhưng họ lại neo chặt tỷ giá với đồng đô-la. Để làm được việc này, Trung Quốc phải mua vào ngày càng nhiều những khoản đô-la do ngoại thương đem về (làm sao họ làm được chuyện đó mà không gây ra lạm phát là một chuyện khác) và xem như gián tiếp phá giá đồng tiền của họ. Trong ngoại thương, ai cũng biết bên cạnh quy luật cung cầu, nếu hàng nước nào rẻ hơn sẽ bán chạy hơn. Rẻ hơn ở đây chính là việc định giá đồng tiền sao cho thấp hơn của đối thủ cạnh tranh.

Thật ra, vấn đề này đã được nêu lên từ lâu và trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra, Trung Quốc đã từng chịu nhiều áp lực từ Mỹ và một số nước khác phải để cho đồng nhân dân tệ lên giá. Năm 2005 Trung Quốc chính thức gỡ bỏ việc neo đồng nội tệ với đồng đô-la, để cho đồng tiền nước mình lên giá dần dần từ mốc 8,35 lên 6,8 nhân dân tệ ăn 1 đô-la vào tháng 7-2008. Khủng hoảng tài chính xảy ra, Trung Quốc ngưng việc định giá lại đồng tiền và các nước khác cũng ngưng gây sức ép.

Nay, những nhà kinh tế nổi tiếng như Paul Krugman lại chỉ trích chính sách theo đuổi một đồng tiền yếu của Trung Quốc. Theo tính toán của ông, chính sách này đang làm cho 1,4 triệu người Mỹ thất nghiệp vì công nghiệp sản xuất ở Mỹ không cạnh tranh nổi hàng hóa nhập từ Trung Quốc và làm cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu bị chậm lại đáng kể. Nhìn rộng ra, khoản ngoại tệ khổng lồ chừng 2.400 tỷ đô-la mà Trung Quốc đang nắm giữ làm méo mó lãi suất ở những nước như Mỹ, có khả năng tạo ra những bong bóng tài sản mới, là nguyên nhân của chính cuộc khủng hoảng vừa qua. Nếu không giải quyết sự mất cân đối đó thì chính sách đồng nhân dân tệ yếu có thể khơi ngòi cho một cuộc khủng hoảng khác. Hiện nay mỗi tháng Trung Quốc tích lũy thêm được 30 tỷ đô-la vào dự trữ ngoại tệ của mình còn IMF dự báo thặng dư thương mại nước này trong năm 2010 sẽ lên đến 450 tỷ đô-la, gấp 10 lần năm 2003.

Lập luận của Trung Quốc

Dĩ nhiên Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính sách tiền tệ của họ đang gây khó khăn cho kinh tế thế giới. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định đồng nhân dân tệ không được định giá thấp và phản đối chuyện một nước lại dùng những biện pháp ép buộc nước khác nâng giá đồng tiền. Mặt khác, ông Ôn Gia Bảo cũng cho rằng việc cải cách chế độ tỷ giá của Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục, cho thấy Trung Quốc cũng đang chịu sức ép phải lường trước để tránh những biện pháp bảo hộ của các nước đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Lý lẽ của Trung Quốc đưa ra còn bao gồm số liệu cho thấy đến 60% hàng xuất khẩu từ nước này là do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chứ không phải của doanh nghiệp Trung Quốc – nâng giá nhân dân tệ, làm hàng hóa xuất từ Trung Quốc đắt đỏ hơn, sẽ có hại trước tiên cho chính các doanh nghiệp này.

Có lẽ Trung Quốc nhìn vào bài học Nhật Bản ngày xưa – ngay sau khi nâng giá đồng yên, giá bất động sản và chứng khoán nước này tăng vọt. Đồng yên càng lên giá, việc đầu cơ vào các sản phẩm tài chính càng có lãi lớn. Tất cả dẫn đến hiện tượng bong bóng tài sản ở Nhật mà sau khi vỡ tung đã gây trì trệ cho nền kinh tế nước này cho tận đến hôm nay.

Ngày 15-4 sắp tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải đưa ra tuyên bố xem hay không xem Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”. Dưới sức ép của dư luận trong nước, nếu Mỹ đưa ra một phán quyết như thế - khả năng xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ cao hơn và có hại cho cả đôi bên. Xem ra, đây sẽ là giai đoạn “đấu võ bằng miệng” ồn ào nhất giữa hai nước – với Trung Quốc luôn luôn cho rằng Mỹ “chính trị hóa” chuyện tỷ giá. Còn các nghị sĩ Mỹ thì đã đưa ra dự luật chuẩn bị cho việc trừng phạt hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Có hay không một giải pháp dung hòa?

Khi bàn đến giải pháp, Paul Krugman đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất. Ông đề nghị ngày 15-4 sắp tới, Bộ Tài chính Mỹ phải tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tỷ giá nhằm tìm lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao thương quốc tế. Sau đó, chính phủ Mỹ sẽ phải có biện pháp mạnh. Năm 1971, Mỹ đã có lúc đánh 10% thuế phụ thu lên hàng nhập khẩu, mấy tháng sau mới bỏ khi các nước như Đức và Nhật phải nâng giá đồng tiền của họ lên. Lần này Krugman đòi áp dụng biện pháp tương tự nhưng với mức thuế cao hơn, đến 25%!

Ở đây cần lưu ý rất nhiều ý kiến đồng tình đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp hơn thực tế từ 20%-40%, kể cả IMF hay WB nhưng giải pháp đưa ra thì khác nhau xa. Thầy cũ của Krugman, GS Jagdish Bhagwati cho rằng tỷ giá như các cây kim trên chiếc đồng hồ, ý nói vấn đề nằm ở cơ chế bên dưới chứ không phải biểu hiện bên ngoài. Giả thử không tồn tại hàng hóa của Trung Quốc thì hàng hóa của Nhật, Ấn Độ, Brazil… sẽ tràn vào thị trường Mỹ và lúc đó Mỹ cũng sẽ có vấn đề tỷ giá với các nước này. Ông cho rằng không sớm thì muộn, không cần ai ép, Trung Quốc cũng sẽ phải chi tiêu thặng dư mậu dịch vào các công trình hạ tầng trong nước để nâng cao mức sống cho người dân.

Ông Romano Prodi, cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu có vẻ hiểu tâm lý Trung Quốc hơn cả khi cho rằng phương Tây không nên “dạy” Trung Quốc phải làm gì với đồng tiền nước họ vì họ sẽ tự ái mà không làm theo. Tờ the Economist cũng có nhận định tương tự khi đưa ra lời khuyên cứ để tự Trung Quốc nhận ra nhu cầu của chính họ phải nâng giá đồng tiền. Mặc dù các quan chức Trung Quốc luôn nói nâng giá đồng tiền nước họ sẽ làm cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phá sản (biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp này chỉ còn dưới 2%), bản thân họ cũng hiểu nâng giá đồng tiền sẽ trực tiếp nâng sức mua của người dân. Về lâu về dài, Trung Quốc phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu để tránh những cơn biến động từ bên ngoài. Nâng giá đồng tiền là cột trụ của việc tái cơ cấu này.

Nhiều nhà phân tích cho rằng quá trình phát triển của Trung Quốc về thực chất là quá trình tận dụng lao động giá rẻ trong nước để ôm vào một lượng đô-la khổng lồ và trở thành con tin của sự lên xuống thất thường của đồng đô-la. Nay để cho đồng tiền lên giá, tức là gián tiếp cải thiện sức mua của giới công nhân, sẽ là biện pháp “kích cầu” đúng nghĩa và dài hạn nhất. Một đồng nhân dân tệ mạnh hơn sẽ giúp kiểm soát lạm phát, giảm bớt đầu tư lãng phí.

Bởi vậy có thể dự đoán Trung Quốc sẽ quay trở lại chính sách nâng giá đồng nhân dân tệ, không phải ngay bây giờ nhưng theo một lộ trình dần dần như những năm trước. Từ năm 2005 đến 2008, đồng nhân dân tệ đã lên giá đến 21%. Vấn đề là làm sao để Trung Quốc thấy chuyện đồng nhân dân tệ của họ là chuyện của thế giới chứ không phải là sự đối đầu chỉ riêng giữa Mỹ và Trung Quốc. Và quan trọng hơn hết, làm sao để Trung Quốc không bị “mất mặt” trước áp lực khá lộ liễu của Mỹ.

Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Chuẩn mực và luật pháp

Chuẩn mực và luật pháp

Có nhiều vấn đề xã hội được nhìn nhận từ dưới nhiều góc độ, tùy thuộc vào chuẩn mực khác nhau của người quan sát. Đây là điều đáng cổ vũ vì nó tạo ra sự đa dạng trong ý kiến, xây dựng được một môi trường tranh luận lành mạnh, để từ đó hình thành nên những chuẩn mực mới được đa số công nhận.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, người công chức luôn phải dựa vào luật pháp và những quy định hiện hành làm cơ sở cho mọi ứng xử của mình để tránh sự tùy tiện của cá nhân. Nếu quy định chưa phù hợp với thực tế đã thay đổi, phải thay đổi quy định trước khi thay đổi ứng xử.

Lấy ví dụ chuyện Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất dừng cấp giấy phép kinh doanh các loại hình dịch vụ, thương mại tập trung đông người trên 153 đoạn, tuyến đường ở TPHCM. Đứng ở góc độ người dân đang bức xúc vì tình trạng kẹt xe, nhất là ở những đoạn đường có các trung tâm ngoại ngữ, mỗi lần tan học, xe phụ huynh đón con đứng tràn ra lòng đường, đây là đề xuất hợp lý. Ngược lại, với những ai dự định kinh doanh ở những nơi này, họ cũng sẽ bức xúc vì mất cơ hội làm ăn. Chính quyền quận ở những địa điểm trong danh mục sẽ bị “dằn xé” giữa hai “lợi ích”: cấm thì sẽ giải quyết vấn nạn giao thông trên địa bàn nhưng sẽ dẫn đến thất thu nhiều nguồn thuế.

Nhưng áp dụng nguyên tắc làm gì cũng phải dựa vào luật pháp, người ta sẽ thấy đề xuất này có nhiều điểm bất ổn. Không thể dựa vào các quy định hiện hành để cấm kinh doanh chỉ vì lý do giải quyết ùn tắc giao thông. Nếu muốn, Sở phải phối hợp với nhiều nơi khác để biến ý muốn thành điều kiện kinh doanh do nơi có thẩm quyền ban hành, chẳng hạn, trung tâm ngoại ngữ phải có sân để xe chờ của phụ huynh (!) hay siêu thị phải có đủ chỗ giữ xe cho một lượng khách nhất định. Lúc đó, điều kiện kinh doanh sẽ trở thành lệnh cấm gián tiếp, đúng thẩm quyền luật định.

Hay một chuyện khác, khi báo chí nêu việc phôi bằng tốt nghiệp của Bộ Giáo dục-Đào tạo in ấn thiếu dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc”, Bộ GD-ĐT đã trả lời, mà mới nghe qua rất hợp lý, rằng bằng tốt nghiệp không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính nên không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính.

Phải nhìn nhận câu chuyện này như thế nào? Ở góc độ hội nhập, nhiều người sẽ đồng tình, ghi tên nước là đủ và đúng chuẩn mực quốc tế. Dưới góc độ quen thuộc, nhiều người sẽ thấy ghi thiếu như vậy có gì đó không ổn, làm cho tấm bằng mất giá trị…

Nhưng cơ quan hành chính thì luôn phải dựa vào quy định hiện hành như đã nói ở trên. Hình thức trình bày văn bằng đã được quy định chi tiết tại Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 20-6-2007, ban hành quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Điều 9 của quy chế này ghi rõ: Nội dung của các văn bằng, chứng chỉ gồm: 1/ Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM/Độc lập-Tự do-Hạnh phúc…

Đã quy định rõ ràng như thế (kể cả cách viết hoa, viết thường) thì người soạn mẫu bằng phải tuân thủ, không thể biện minh bằng bất kỳ lý do gì. Còn nếu muốn sửa cách trình bày, trước tiên phải sửa lại quy chế chứ không thể tùy tiện được. Đáng lưu ý là nhiều cơ quan nhà nước cũng làm theo cách này mỗi khi muốn điều chỉnh quy định theo ý muốn nhưng lại dùng văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn để “điều chỉnh” một văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, làm cho hệ thống quy định của chúng ta rối tung lên và cồng kềnh không cần thiết.

Nhà nước pháp quyền bắt đầu từ những chuyện cụ thể như thế chứ không phải bằng các khái niệm cao siêu hay phức tạp nào khác.

Thứ Năm, 18 tháng 3, 2010

Ôm đồm

Ôm đồm

Tuần rồi, khi ghé vào trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tôi ngạc nhiên trước khối lượng công việc đồ sộ mà bộ tự đặt ra cho mình, chỉ tính riêng các văn bản mới ban hành trong tuần. Nào yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường “Rà soát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông của học sinh-sinh viên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”; nào là yêu cầu các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc “Báo cáo chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài”; nào là đưa ra dự thảo quy định “Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ”…

Gọi là một khối lượng công việc đồ sộ vì các yêu cầu này sẽ dẫn tới phải kiểm tra, giám sát xem các sở, các trường có thực hiện đúng hay không, nếu không thực hiện thì phải đưa ra biện pháp chế tài như thế nào, rồi khi nhận các loại báo cáo, phải có bộ phận xử lý, tổng hợp thông tin, rồi sẽ họp hành, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế muôn hình vạn trạng. Không một bộ máy hành chính nào có thể kham nổi khối lượng công việc như thế và thực tế các trường đã từng lên tiếng phàn nàn Bộ GD-ĐT đặt ra nhiều quy định, đưa ra nhiều lời kêu gọi nhưng phần lớn chỉ dừng ở hình thức chứ không hề có biện pháp chế tài nào cả.

Chẳng hạn chính Bộ thừa nhận có đến 66% các trường đại học, cao đẳng không thực hiện đầy đủ việc công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đạt được và tài chính, trong đó có đến 175 trường không chịu công bố công khai về học phí.

Mấu chốt vấn đề là những nhà quản lý giáo dục đang làm theo cách cũ, muốn ôm đồm hết tất cả mọi việc, cứ lo nếu không quản lý thì ngành giáo dục sẽ “loạn” hết. Thực tế giáo dục nảy sinh vấn đề gì, các nhà quản lý bèn nghĩ ra biện pháp đối phó vấn đề đó, rồi ra văn bản chỉ đạo, yêu cầu với suy nghĩ nếu mọi người răm rắp làm theo, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, nghệ thuật quản lý bình thường đi theo hướng ngược lại: sử dụng những mối quan hệ xã hội để tạo ra các lợi ích cân bằng tự giám sát lẫn nhau theo đúng định hướng nhà quản lý muốn hướng tới.

Ngoài việc trao quyền chủ động cho các trường học đã được nhiều người đề cập, phương pháp quản lý nói trên sẽ giảm nhẹ gánh nặng công việc của Bộ và nâng hiệu suất quản lý lên nhiều lần.

Lấy ví dụ chuyện liên quan đến các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Thay vì yêu cầu các trường báo cáo, tại sao không yêu cầu các trường công khai những thông tin cần thiết cho người học và để người học tự đánh giá để chọn hay không chọn chương trình họ cần theo học. Việc công khai phải rất cụ thể, như tên, bằng cấp, kinh nghiệm của các giảng viên, tổng thời lượng giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy là bao nhiêu, trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng chưa, ai là nơi cấp chứng nhận, học phí bao nhiêu. Vai trò của Bộ lúc đó là cung cấp các công cụ để người học sử dụng trong việc đánh giá, như tổ chức kiểm định nào đáng tin cậy, và nghiêm khắc xử lý trường nào không chịu công khai, như rút giấy phép liên kết.

Hay chuyện dự thảo quy định về biên soạn giáo trình đại học, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối quy định chủ biên phải là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ. Sẽ có nhiều ý kiến nếu những trường hợp ngoại lệ rất hợp lý. Nếu các trường hay các giảng viên được quyền chọn sách giáo khoa như thông lệ rất bình thường ở các nước thì ắt không cần có dự thảo này. Quyền chọn sách hay, sách phù hợp sẽ tự động loại bỏ các sách biên soạn lôm côm, sao chép đủ kiểu đang được các giáo sư chính hiệu đứng tên tác giả chứ không cần bất kỳ quy định nào.

Một trong những nguyên nhân đằng sau sự ôm đồm trong công tác quản lý nhà nước là do thiếu tin tưởng ở khả năng của người được quản lý – khả năng thẩm định đúng sai, khả năng phản biện cái sai, khả năng miễn nhiễm trước cái xấu. Đó là một thực tế. Và bất kỳ thay đổi nào cũng phải có sự khởi đầu – có thể gian nan, có thể có nhiều xáo trộn. Nhưng chỉ sau một thời gian, chính các mối quan hệ với các lợi ích khác nhau sẽ tự điều chỉnh để tiến đến sự cân bằng. Và để rút ngắn quá trình này, vai trò của người quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, tạo sự minh bạch cũng như một thái độ nghiêm khắc với những bên vi phạm – chứ không phải chăm chăm sử dụng công cụ hành chính như là biện pháp quản lý duy nhất.

Cập nhật: Chuyện chung quanh cái phôi bằng do Bộ GD-ĐT in ấn và phát hành cho các trường đại học, cao đẳng toàn quốc sử dụng bị chê sót nhiều mục cũng do cái lỗi ôm đồm mà ra. Tại sao không giao cho trường tự in và cấp bằng? Không lẽ chỉ vì lợi nhuận từ việc in phôi bằng mà Bộ kéo dài việc ôm đồm này từ năm này qua năm khác?

Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Lúng túng chuyện giá

Lúng túng chuyện giá

Dai dẳng mấy tháng nay, giới đầu tư nước ngoài ở Việt Nam nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước khả năng nhà nước tăng cường kiểm soát giá một số mặt hàng trong khi giới kinh doanh trong nước hầu như chưa thấy lên tiếng về vấn đề này. Vì sao thế?

Nguồn gốc chuyện kiểm soát giá

Căn nguyên của chuyện kiểm soát giá là bản dự thảo một thông tư do Bộ Tài chính soạn thảo nhằm thay thế Thông tư 104 được ban hành từ cuối năm 2008. Trong khi Thông tư 104 quy định khá chi tiết các điều kiện áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với một số mặt hàng (ví dụ đối với sữa: “Trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20 % trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động”) thì dự thảo chi ghi những điều kiện chung chung như “mức giá tăng cao hơn so với mức giá đã đăng ký, đã kê khai trước đó với cơ quan có thẩm quyền”… Với các loại hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá, Thông tư 104 chỉ giới hạn vào các doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu nhà nước trong khi dự thảo mở rộng ra tất cả doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục phải đăng ký giá, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc đưa ra một dự thảo mới thay thế cho Thông tư 104 là do Thông tư này đã không làm được nhiệm vụ bình ổn giá như mục tiêu đề ra. Ví dụ trong năm 2009 dư luận xã hội nóng lên chuyện giá sữa tăng liên tục, nhiều người bất bình vì có loại sữa giá ở thị trường Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các thị trường khác trong khu vực. Thế nhưng Thông tư 104 đã không cung cấp cho các cơ quan nhà nước cũng như chính quyền địa phương một công cụ để bình ổn giá vì đã quy định chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục. Trở ngại tương tự cũng xảy ra với các mặt hàng khác như gạo, thuốc chữa bệnh, đường… Nếu giá các mặt hàng này tăng dưới mức quy định trong Thông tư thì các cấp quản lý cũng đành chịu.

Lập luận của giới đầu tư nước ngoài

Nay khi dự thảo đưa vào diện đăng ký giá, kê khai giá cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngay lập tức giới đầu tư nước ngoài phản ứng. Lần lượt các hiệp hội doanh nhân nước ngoài như EuroCham, AmCham đã gởi thư cho Bộ Tài chính, Chính phủ, trả lời báo chí nước ngoài và tổ chức hội thảo để phản đối các quy định kiểm soát giá.

Họ không hiểu vì sao Việt Nam lại muốn quay lại cơ chế kiểm soát giá chứ không theo quy luật thị trường và để thị trường quyết định giá hàng hóa. Họ cho rằng các quy định trong dự thảo sẽ gây ra những gánh nặng quản lý cho các doanh nghiệp khi phải thực hiện việc đăng ký giá cho hàng ngàn chủng loại hàng, rằng các thông tin về phương án giá (như giá vốn, giá nhập khẩu, chi phí bán hàng, lợi nhuận dự kiến…) là bí mật kinh doanh nay lại phải kê khai, đăng ký.

Các nhà đầu tư cũng cho rằng với khả năng có chuyện kiểm soát giá như thế, các dự án FDI vào các lãnh vực sản xuất hàng hóa trong danh mục như sản xuất thức ăn gia súc, sản xuất dầu thực vật, phân bón, và sữa sẽ lưỡng lự trước khi quyết định đầu tư vì không nhà đầu tư nào muốn sản phẩm của mình phải chịu áp đặt giá. Họ cũng đặt vấn đề liệu kiểm soát giá như thế có trái với các cam kết WTO hay không bởi các văn bản gia nhập có cam kết: “kể từ ngày gia nhập WTO, Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp quản lý giá phù hợp với quy định của WTO”.

Vấn đề tâm lý

Sự bất lực của cơ quan quản lý giá đối với một số mặt hàng như sữa, đường hay tân dược trong năm 2009 là yếu tố thuận lợi cho việc ra đời dự thảo thay thế cho Thông tư 104. Việc loại bỏ các điều kiện cụ thể trước khi có thể áp dụng các biện pháp bình ổn giá được kỳ vọng sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được giá sữa, giá thuốc chữa bệnh bất kể giá có tăng dưới 20% (sữa) hay dưới 15% (thuốc chữa bệnh). Buộc đăng ký giá đối với tất cả các khâu từ sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ cho đến đại lý cũng được kỳ vọng sẽ lấp khe hở của Thông tư 104 khi trong thực tế năm 2009, các doanh nghiệp kinh doanh sữa hay thuốc chữa bệnh ở Việt Nam là nhà phân phối cho các hãng nước ngoài, không thuộc diện đăng ký giá. Chính vì thế mà đã từng có những kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 104 theo hướng “tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước bình ổn giá phải thực hiện đăng ký giá theo quy định pháp luật”.

Bối cảnh những tháng đầu năm 2010 cũng thuận lợi cho dự thảo khi nhiều mặt hàng liên tục tăng giá, trong đó có nhiều mặt hàng là đầu vào cho dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp khác. Bởi vậy, doanh nghiệp trong nước giữ im lặng trước dự thảo là điều dễ hiểu. Mặt khác, cũng có phỏng đoán, giới doanh nghiệp trong nước hiểu rõ tính bất khả thi của các biện pháp kiểm soát giá nên giữ thái độ im lặng vì cho rằng mọi việc rồi sẽ “đâu vào đó”. Chuyện giá xăng tăng liên tục bất kể nhiều quy định chặt chẽ là một minh họa điển hình.

Nhưng quan trọng hơn là tính khả thi

Việc kiểm soát giá chưa bao giờ là một vấn đề mang tính khả thi cao. Giả dụ theo tinh thần của dự thảo, để áp dụng biện pháp bình ổn giá, Bộ Tài chính có thể quy định giá tối đa và giá tối thiểu cho một sản phẩm, nhà cung cấp sẽ giữ lại không đưa mặt hàng này vào thị trường nữa và ngay lập tức thị trường sẽ hình thành những loại “chợ đen” buôn bán “chui” các sản phẩm này với giá thật sự theo cung cầu thị trường. Biện pháp kiểm soát hàng tồn kho của doanh nghiệp là sự can thiệp quá mức vào việc kinh doanh, sẽ vấp phải sự chống đối cao hơn nữa.

Kiểm soát giá sẽ dẫn đến sự khan hiếm giả tạo như thời kỳ bao cấp, phải mua hàng hóa bằng tem phiếu và sau cùng giá cả sẽ trở nên đắt đỏ, lạm phát cao sẽ quay trở lại – những hệ quả hoàn toàn trái ngược mục tiêu của dự thảo mong muốn đạt được.

Dự thảo có nhiều đoạn mang tính mơ hồ không định lượng được như “biến động một cách bất thường”, “giá tăng quá cao hoặc quá thấp không hợp lý”, “những yếu tố hình thành giá không hợp lý”. Làm sao để doanh nghiệp biết được thế nào là bất thường, thế nào là không hợp lý thì không thấy dự thảo hướng dẫn hay giải thích. Thử hỏi với quy định như thế này “giá do các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định giá không đúng các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật” làm sao doanh nghiệp hiểu để tuân thủ?

Bộ máy hành chính phục vụ công việc kiểm soát giá cũng không thể nào kham nổi khối lượng công việc khổng lồ, tiếp nhận đăng ký giá, theo dõi biến động giá, hiệp thương giá… vì giá chịu rất nhiều yếu tố đầu vào khác nhau tác động như tỷ giá, giá thế giới, giá xăng dầu, giá điện, lương, chi phí sản xuất… Không thể nào tưởng tượng nổi chuyện doanh nghiệp sản xuất một mặt hàng trong diện đăng ký giá, mỗi khi thay đổi giá thì phải thực hiện đúng quy trình thực hiện phương án điều chỉnh giá phức tạp mới được tăng hay giảm giá bán. Có những quy định mới nhìn vào đã thấy không thể nào thực hiện được, không hiểu sao dự thảo vẫn đưa vào. Ví dụ, Sở Tài chính sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá của các thành phần kinh tế khác (ngoài doanh nghiệp do Nhà nước nắm 51% vốn điều lệ trở lên – đăng ký ở Bộ Tài chính) nhưng làm sao một sở ở một địa phương có đủ nguồn lực để biết doanh nghiệp đăng ký giá như thế nhưng có thực hiện đúng giá đã đăng ký không ở trên các thị trường khắp cả nước. Làm sao doanh nghiệp, mặc dù đã đăng ký giá, có thể kiểm soát được việc bán đúng giá đã đăng ký tại hàng chục ngàn hay thậm chí hàng trăm ngàn điểm bán lẻ trên khắp cả nước.

Biện pháp thay thế

Cứ vài ba năm, lại rộ lên một chuyện nào đó với cộng đồng đầu tư nước ngoài. Cách đây mấy năm là chuyện hiểu nhầm phải ghi tên công ty bằng tiếng Việt, rồi trước đó nữa hai giá. Nay vấn đề kiểm soát giá thật sự là một chuyện không hay ho gì cho việc quảng bá môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam vẫn còn bị xem là nền kinh tế phi thị trường, những nỗ lực để các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường chắc chắn bị ảnh hưởng xấu bởi chuyện kiểm soát giá mà tính khả thi, như phân tích ở trên là hầu như bằng không.

Thông tư 104 với đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối mà cũng không triển khai được trong thực tế thì dự thảo thay thế với đối tượng mở rộng ra nhiều lần cũng sẽ khó lòng thực thi. Tại sao không sử dụng các Luật đã có như Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và quan trọng nhất là quy luật thị trường để kiểm soát giá. Riêng với các mặt hàng “nhạy cảm” với công luận như sữa, thuốc chữa bệnh thì nên có những nghiên cứu riêng để áp dụng. Điều quan trọng đối với vai trò của các cơ quan nhà nước trong quản lý giá là tính minh bạch, là thông tin rõ ràng trong các khâu phân phối để người tiêu dùng tự mình quyết định. Chính họ là nguồn áp lực lớn nhất buộc nhà sản xuất phải điều chỉnh giá cho phù hợp với cung cầu thị trường. Vai trò đó cũng là tạo một môi trường kinh doanh có cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là dùng các biện pháp hành chính, càng làm méo mó thị trường, càng tạo điều kiện cho đầu cơ giá.

Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Báo chí thời kỹ thuật số

Báo chí thời kỹ thuật số

Làng báo in đang suy sụp vì doanh thu quảng cáo sụt giảm cùng với đà sụt giảm lượng phát hành. Cả một ngành đang loay hoay tìm lối thoát và cùng lúc, sự xuất hiện của các thiết bị đọc sách báo điện tử (ebook reader) đang gợi ra những giải pháp mới.

Chuyện ở nước khác

Một nhà báo đã cất công tính toán và kết luận, tờ New York Times sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn nếu mua thiết bị đọc sách báo của Amazon, chiếc Kindle, rồi phát không cho độc giả để họ nhận báo qua đường wireless thay vì nhận bản in. Nói cách khác, chi phí in và giao tờ New York Times một năm cho một người đặt mua dài hạn đắt gấp đôi chi phí mua một máy Kindle tặng không cho khách hàng.

Tính toán cụ thể, nhà báo này cho biết chi phí in ấn và phát hành của New York Times mỗi năm chừng 644 triệu đô-la. Tờ báo này có chừng 830.000 độc giả dài hạn từng đặt mua báo trên hai năm. Mỗi chiếc Kindle giá 359 đô-la, tính ra mua Kindle tặng hết cho từng ấy người cũng chỉ tốn 297 triệu đô-la mà thôi.

Dĩ nhiên đây là chuyện “trà dư tửu hậu” vì đâu phải ai cũng thích đọc báo trên Kindle; New York Times cũng phải in và vận chuyển báo đến tay bạn đọc mua tại quầy; trên Kindle chưa chạy được quảng cáo – nguồn thu quan trọng nhất của ngành báo in. Điều nhà báo này muốn chứng minh là việc in ấn rồi chuyển tải tờ báo đến tay bạn đọc hiện đang trải qua nhiều thay đổi – công nghệ đã có sẵn – vấn đề là ngành báo chí liệu có nắm được cơ hội này để tìm ra một mô hình kinh doanh phù hợp.

Thật ra, đã có một vài tờ báo ở Mỹ đang thử nghiệm mô hình mới. Các tờ Washington Post, New York TimesBoston Globe chào mời các độc giả ở những vùng mà mạng lưới phát hành không vươn đến kịp thời được mua Kindle giảm giá nếu đồng ý đặt mua báo dài hạn. Không rõ mức giảm giá là bao nhiêu nhưng nhiều tờ báo khác đang thương lượng với Amazon và các hãng sản xuất ebook reader khác để thu hút độc giả theo cách tương tự như tờ Los Angeles Times.

Trong bối cảnh đó, chiếc iPad mà hãng Apple vừa giới thiệu, dù bị giới công nghệ chê bai đủ kiểu, lại được giới làm báo kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình kinh doanh như iPod đã thay đổi mô hình kinh doanh nhạc số. Hiện nay Amazon đã có phần mềm Kindle dùng cho iPhone và iPod Touch và nhiều người dùng hai loại thiết bị này đã sử dụng gói phần mềm này để đọc sách từ Amazon. iPad như một chiếc iPod Touch ngoại cỡ sẽ hấp dẫn loại người đọc này vì màn hình lớn, điều khiển dễ dàng, mang xách gọn nhẹ. Một yếu tố nữa mà nhiều người kỳ vọng Kindle hay iPad có thể thúc đẩy sự chuyển biến trong ngành phát hành báo chí là chuyện môi trường. Thử tưởng tượng khối lượng gỗ, mực in, xăng dầu sẽ tiết kiệm được nếu ngành báo bỏ qua công đoạn in ấn, vận chuyển để đưa nội dung báo đến tay người đọc qua mạng không dây. Kindle, iPad sẽ thúc đẩy sự ra đời hàng loạt thiết bị ebook reader trong thời gian tới với giá ngày càng rẻ, chức năng ngày càng tinh vi – chắc chắn hướng phát hành sách báo qua con đường này sẽ ngày càng được khẳng định.

Tuy nhiên đây không phải là con đường dễ dàng. Theo tính toán lạc quan nhất, ebook readers sẽ tạo ra một doanh thu chừng 325 triệu đô-la mỗi năm trong những năm sắp tới, cộng thêm chừng 150 triệu đô-la doanh thu từ quảng cáo. Và các bạn có biết doanh thu ngành báo chí Mỹ năm rồi sụt giảm bao nhiêu không? 10 tỷ đô-la! Sự chênh lệch giữa hai con số này cho thấy ebook reader, dù phát triển vượt bậc trong những năm tới, cũng chưa phải là vị cứu tinh cho ngành báo.

Một con đường khác mà nhiều báo đang cân nhắc là tính phí cho độc giả đọc qua mạng. Người ta nhận thấy dù lượng báo in sụt giảm, lượng người đọc báo qua mạng ngày càng tăng. Tuy nhiên, quảng cáo đi kèm với nội dung lại không tăng như mong muốn nên đa phần các ấn bản điện tử của các tờ báo lớn vẫn lỗ như nhiều năm trước đây. Tính phí độc giả trực tuyến là giải pháp phải tính đến. Ngày 20-1-2010, New York Times tuyên bố sẽ tính phí với những ai muốn đọc báo của họ trên Internet. Đây chỉ mới là tuyên bố ý định còn kế hoạch triển khai như thế nào thì chưa định hình – thậm chí mốc thời gian triển khai được kéo lùi đến năm 2011. Về nguyên tắc, độc giả mua báo dài hạn được đọc báo trên mạng miễn phí hoàn toàn, kể cả người chỉ đặt mua ấn bản cuối tuần; độc giả bình thường được vào đọc một số bài nhất định, vượt quá số bài đó, thì họ phải trả tiền. Thật ra, New York Times từng áp dụng chuyện tính phí như thế trong quá khứ. Năm 2005, tờ báo này đưa ra dịch vụ TimesSelect, với mức phí 7,95 đô-la/tháng, độc giả có thể đọc những bài báo mà người không đăng ký không truy cập được. Phí nguyên năm là 49,95 đô-la. Sau hai năm cung ứng dịch vụ này, mặc dù có cả triệu người đăng ký, New York Times tuyên bố hủy bỏ dịch vụ nhằm thu hút thêm người đọc và kỳ vọng tăng thêm doanh thu quảng cáo trực tuyến.

Chuyện làng báo Việt Nam

Ở Việt Nam, xu hướng chuyển từ đọc báo in sang đọc báo mạng cũng đang xảy ra dù tình hình chưa đến nỗi khốc liệt như ở một số nước khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu hướng này sẽ dẫn đến những hệ lụy quan trọng mà nếu ngành báo in không giải quyết được ngay bây giờ thì sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải hơn các nước khác.

Đầu tiên là chuyện bản quyền. Báo chí nước ngoài có thể toan tính khả năng bắt người đọc báo mạng trả tiền nhưng báo chí điện tử trong nước thì chịu – bởi một bài báo hay đăng ở một trang nào đó sẽ nhanh chóng bị hàng chục trang khác, cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Giả thử một tờ báo quyết định khóa chừng một nửa nội dung đặc sắc của mình, chỉ cho người đọc có trả phí truy cập nhưng một website tổng hợp thông tin, bỏ ít tiền để vào đọc và “cắt dán” thì mô hình tính tiền qua mạng của tờ báo kia sẽ bị sụp đổ.

Những năm trước khi nhiều người lên tiếng phê phán cách làm sao chép nguyên xi các bài báo của nhau ở nhiều trang tin điện tử, hiện tượng này đã gần như chấm dứt ở các trang tin đàng hoàng, nghiêm túc nhưng vẫn còn tràn lan ở các trang tin nhỏ hay loại trang chuyên đăng tin giật gân câu khách. Chúng ta phải có những chiến dịch mạnh tay ngăn chận chuyện này – nếu không sau này sự sụp đổ của báo chí ở nước ta về mặt tài chính sẽ còn nhanh hơn ở Mỹ. Và có lẽ bây giờ chúng ta mới hiểu vì sao giới đầu tư phương Tây đến đâu cũng đặt nặng vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đến thế. Không bảo vệ được bản quyền tin bài trên mạng, chúng ta sẽ không thể tiến hành các giải pháp mà thế giới đang thử nghiệm.

Thứ hai là sự thay đổi thói quen ở người đọc. Theo khảo sát quy mô nhỏ ở một số loại độc giả, một tỷ lệ rất lớn người đọc cho biết họ vẫn ưa chuộng đọc báo in hơn là đọc báo trên mạng nhưng sự xuất hiện và phổ biến của báo mạng làm họ thay đổi cách mua báo. Nếu trước đây họ mua nhiều tờ thì nay chỉ chọn một tờ họ thích nhất để đọc kỹ; còn lại sẽ bổ sung những đề tài khác, những tin khác bằng thông tin từ báo mạng. So với các nước đang phát triển khác, sự phổ biến của mạng Internet ở Việt Nam là nhanh hơn nhiều nước khác. Mối liên hệ với cộng đồng người Việt ở nước ngoài khiến người trong nước từ lâu đã tiếp cận và sử dụng Internet nhanh hơn nhiều nước khác – đầu tiên là email, rồi đến chat và sau đó là đọc tin tức. Cho nên tác động của báo mạng lên báo in ở Việt Nam là có chứ không phải là không đáng kể như nhiều người nghĩ.

Thiết nghĩ những thiết bị như iPad hay Kindle khó lòng phổ biến ở Việt Nam ngoại trừ một số lượng nhỏ những người ham thích công nghệ. Thế nhưng con đường báo mạng đến tay người đọc sẽ dần dần chuyển từ máy tính để bàn sang… điện thoại di động và từ từng địa chỉ báo mạng riêng lẻ sang… những nơi tổng hợp thông tin (một phần là vì sự lỏng lẻo trong việc bảo vệ bản quyền đã nói ở trên). Dự báo trong thời gian tới, các dịch vụ tổng hợp tin tức này sẽ ngày càng đa dạng và sẽ nhắm đến từng nhóm đối tượng người đọc khác nhau. Rõ ràng chúng sẽ đóng vai trò ngược lại với những thông tấn xã trước đây. Phóng viên một báo viết một tin hay – ngay lập tức tin của anh này đăng trên báo của mình sẽ được hiển thị lên các trang tin tổng hợp. Và nơi đây sẽ phân phối lại tin này đến những nhóm độc giả riêng mình. Đây là xu hướng không tránh được vì nó hữu hiệu, nó tiết kiệm công sức thời gian và tiền bạc cho tất cả mọi người liên quan. Vấn đề là có sự thỏa thuận giữa nơi giữ bản quyền và nơi làm dịch vụ cung cấp thông tin.

Phương pháp trả tiền cho việc đọc báo qua mạng (dù bằng máy tính hay bằng điện thoại di động) cũng sẽ khác với các nước. Chuyện dùng thẻ tín dụng để trả tiền mua báo điện tử ở Việt Nam là chuyện xa vời. Ngược lại, khả năng người dùng nhắn một tin, chi phí vài ngàn đồng để được vào đọc một bài báo hay được quyền truy cập một trang tin điệntử cả 1 tháng là rất có thể xảy ra. Việt Nam có thuận lợi hơn các nước là người tiêu dùng đã bước đầu làm quen với chuyện dùng điện thoại di động để trả tiền cho một số dịch vụ. Thử hỏi nếu người ta sẵn sàng nhắn một tin tốn 3.000 để đọc vài lời đoán số tử vi vớ vẩn, tại sao không thể kỳ vọng họ cũng sẽ nhắn tin, lấy mã số để vào trang web bị khóa để đọc tin hay bài họ đang quan tâm.

Tóm lại, người dân vẫn cần tin tức, vẫn muốn đọc báo, xã hội vẫn cần những nhà báo chuyên nghiệp thay mặt họ đi săn lùng tin tức và cho họ biết chuyện gì đang xảy ra. Thế nhưng vì Internet giúp họ những công cụ tìm kiếm thông tin nhanh hơn, vì có những trang web tổng hợp tin tức tốt hơn, độc giả đang bắt đầu giảm lượng báo in, thay vì mua nhiều tờ nay chỉ một hai tờ; trước mua một hai tờ nay chỉ lên mạng đọc… cũng những tờ đó. Vấn đề ở chỗ, làm sao để làng báo tìm ra mô hình tạo ra được doanh thu từ báo mạng để bù đắp chi phí và tiếp tục duy trì hai loại báo in và báo điện tử song song trong nhiều năm tới.

Bài đăng phổ biến