Cuộc đua xuống đáy
Ai mà chẳng thích đọc những gì liên quan đến tình dục. Đó là chuyện bản năng, không tránh được. Nhưng nếu cứ lấy tình dục làm vũ khí cạnh tranh như hiện nay giữa các tờ báo mạng, đấy là cuộc đua kéo nhau xuống đáy, không có lối thoát.
Có người hỏi tôi sự khác nhau giữa quản trị doanh nghiệp (corporate governance) với điều hành công ty (company management), hai khái niệm thường bị lẫn lộn, tôi chợt nghĩ đến chuyện làm báo như một ví dụ dễ hiểu.
Cứ giả dụ tờ báo là một doanh nghiệp và tòa soạn được giao điều hành công ty này. Nếu chỉ lấy các chỉ tiêu như bán cho được báo, thu hút nhiều độc giả vào đọc và bán cho được nhiều quảng cáo, tạo được doanh thu cao, việc điều hành tờ báo sẽ rất đơn giản. Đăng càng nhiều chuyện tình dục rồi tin bài nào cũng rút tít cho giật gân lên, chú tâm khai thác chuyện xì-căng-đan ở các ngôi sao giải trí, lượng phát hành hay lượng người vào đọc sẽ tăng vùn vụt. Lượng phát hành hay lượng người đọc cao sẽ kéo theo quảng cáo tăng. Thậm chí ban điều hành lúc đó cứ đăng tin bài mang tính quảng cáo cho bất kỳ ai trả tiền thì doanh thu làm sao không tăng. Đấy là điều hành công ty.
Nhưng tờ báo còn liên quan đến nhiều thành phần khác (tiếng Anh trong quản trị kinh doanh gọi là stakeholders) như độc giả, chính quyền, người lớn, trẻ em, nhà giáo dục… đủ cả. Họ đều có quyền định hướng cho tờ báo sao cho nó phục vụ lợi ích chung cho tất cả mọi người chớ không phải riêng lợi ích vật chất của người làm báo. Vậy nên mới có chuyện quản trị doanh nghiệp. Chuyện quản trị này sẽ dựa vào những chuẩn mực xã hội, quy định của luật pháp, quy ước đạo đức nghề nghiệp của nhà báo hay tôn chỉ mục đích của tờ báo đặt ra để ràng buộc lẫn nhau và định hướng đi cho tờ báo.
Đó là nói chuyện lý thuyết còn thực tế đơn giản hơn nhiều. Làm báo ai mà không xuất phát từ một hoài bão làm gì đó cho cuộc sống ngày càng tốt hơn, ai mà không có ước muốn tờ báo của mình có những bài viết sắc sảo. Cạnh tranh bằng những chiêu thức như khai thác chuyện tình dục, hình ảnh mát mẻ hay cố ý gây sốc là chuyện “chẳng đặng đừng”, chắc người chủ xướng hay người viết ít nhiều đều cảm thấy xấu hổ.
Nhưng nếu ai cũng lấy cái khó của thị trường hiện nay để biện minh rằng, thôi thì cố nuôi sống tờ báo cái đã, sau đó sẽ giảm dần liều lượng “lá cải”, ai cũng phân bua nếu cứ viết cho đàng hoàng vào thì không ai chịu vô đọc cả, ai cũng chỉ “tươi mát” hơn đối thủ cạnh tranh “một chút xíu thôi”… đấy chính là cuộc đua xuống đáy!
Nếu để ý, các bạn sẽ thấy liều lượng “lá cải” trên các báo mạng ngày càng tăng – đấy là do cạnh tranh “thêm một chút” cộng với “thêm một chút” – hàng ngày, hàng giờ. Rồi như con bạc tháu cáy, sự xấu hổ nói ở trên sẽ biến mất, thay vào đó là sự hùng hổ ganh đua xem ai “gây sốc” nhiều hơn ai.
Hiệu ứng thì ai cũng đã rõ. Uy tín báo chí đang ngày càng xuống thấp. Độc giả cũng tò mò vô đọc (tôi cũng đọc) nhưng vừa đọc vừa chửi sao báo chí ngày càng xuống cấp. Điều đáng ngại nhất là nghề nghiệp làm báo sẽ theo đó lụi tàn dần – đầu tiên là lẫn tránh các đề tài khó, xong rồi tự dễ dãi với các bài viết vô thưởng vô phạt và cùng nhau cạnh tranh theo lối ai “lá cải” hơn ai.
Lối thoát cho lối cạnh tranh xuống đáy này có còn đó không? Theo tôi là vẫn còn. Stakeholder quan trọng nhất là nhà nước thì hình như phó mặc miễn sao các báo đừng nhảy vô các đề tài nhạy cảm thì không sao. Nhưng các stakeholders khác đều có vai trò quan trọng: người đọc phải biết tẩy chay, giới quảng cáo phải biết từ chối quảng cáo, đồng nghiệp phải cùng nhau lên tiếng để giữ uy tín chung cho làng báo. Hơn ai hết, nếu những người đang chủ trương “lá cải hóa” ngồi lại với nhau, đặt ra những giới hạn không thể vượt qua thì tình hình sẽ cải thiện lên nhiều. Như đã nói ở đầu, đây không phải là vấn đề đạo đức (vì tôi thừa nhận ngay từ đầu là mình cũng tò mò thích đọc như bao người khác) - đây là vấn đề tương lai của báo chí khi cạnh tranh sai đường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét