Ôm đồm
Tuần rồi, khi ghé vào trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tôi ngạc nhiên trước khối lượng công việc đồ sộ mà bộ tự đặt ra cho mình, chỉ tính riêng các văn bản mới ban hành trong tuần. Nào yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường “Rà soát, chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông của học sinh-sinh viên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”; nào là yêu cầu các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc “Báo cáo chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài”; nào là đưa ra dự thảo quy định “Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ”…
Gọi là một khối lượng công việc đồ sộ vì các yêu cầu này sẽ dẫn tới phải kiểm tra, giám sát xem các sở, các trường có thực hiện đúng hay không, nếu không thực hiện thì phải đưa ra biện pháp chế tài như thế nào, rồi khi nhận các loại báo cáo, phải có bộ phận xử lý, tổng hợp thông tin, rồi sẽ họp hành, giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế muôn hình vạn trạng. Không một bộ máy hành chính nào có thể kham nổi khối lượng công việc như thế và thực tế các trường đã từng lên tiếng phàn nàn Bộ GD-ĐT đặt ra nhiều quy định, đưa ra nhiều lời kêu gọi nhưng phần lớn chỉ dừng ở hình thức chứ không hề có biện pháp chế tài nào cả.
Chẳng hạn chính Bộ thừa nhận có đến 66% các trường đại học, cao đẳng không thực hiện đầy đủ việc công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng đạt được và tài chính, trong đó có đến 175 trường không chịu công bố công khai về học phí.
Mấu chốt vấn đề là những nhà quản lý giáo dục đang làm theo cách cũ, muốn ôm đồm hết tất cả mọi việc, cứ lo nếu không quản lý thì ngành giáo dục sẽ “loạn” hết. Thực tế giáo dục nảy sinh vấn đề gì, các nhà quản lý bèn nghĩ ra biện pháp đối phó vấn đề đó, rồi ra văn bản chỉ đạo, yêu cầu với suy nghĩ nếu mọi người răm rắp làm theo, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, nghệ thuật quản lý bình thường đi theo hướng ngược lại: sử dụng những mối quan hệ xã hội để tạo ra các lợi ích cân bằng tự giám sát lẫn nhau theo đúng định hướng nhà quản lý muốn hướng tới.
Ngoài việc trao quyền chủ động cho các trường học đã được nhiều người đề cập, phương pháp quản lý nói trên sẽ giảm nhẹ gánh nặng công việc của Bộ và nâng hiệu suất quản lý lên nhiều lần.
Lấy ví dụ chuyện liên quan đến các chương trình đào tạo liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Thay vì yêu cầu các trường báo cáo, tại sao không yêu cầu các trường công khai những thông tin cần thiết cho người học và để người học tự đánh giá để chọn hay không chọn chương trình họ cần theo học. Việc công khai phải rất cụ thể, như tên, bằng cấp, kinh nghiệm của các giảng viên, tổng thời lượng giảng viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy là bao nhiêu, trường nước ngoài đã được kiểm định chất lượng chưa, ai là nơi cấp chứng nhận, học phí bao nhiêu. Vai trò của Bộ lúc đó là cung cấp các công cụ để người học sử dụng trong việc đánh giá, như tổ chức kiểm định nào đáng tin cậy, và nghiêm khắc xử lý trường nào không chịu công khai, như rút giấy phép liên kết.
Hay chuyện dự thảo quy định về biên soạn giáo trình đại học, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối quy định chủ biên phải là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ. Sẽ có nhiều ý kiến nếu những trường hợp ngoại lệ rất hợp lý. Nếu các trường hay các giảng viên được quyền chọn sách giáo khoa như thông lệ rất bình thường ở các nước thì ắt không cần có dự thảo này. Quyền chọn sách hay, sách phù hợp sẽ tự động loại bỏ các sách biên soạn lôm côm, sao chép đủ kiểu đang được các giáo sư chính hiệu đứng tên tác giả chứ không cần bất kỳ quy định nào.
Một trong những nguyên nhân đằng sau sự ôm đồm trong công tác quản lý nhà nước là do thiếu tin tưởng ở khả năng của người được quản lý – khả năng thẩm định đúng sai, khả năng phản biện cái sai, khả năng miễn nhiễm trước cái xấu. Đó là một thực tế. Và bất kỳ thay đổi nào cũng phải có sự khởi đầu – có thể gian nan, có thể có nhiều xáo trộn. Nhưng chỉ sau một thời gian, chính các mối quan hệ với các lợi ích khác nhau sẽ tự điều chỉnh để tiến đến sự cân bằng. Và để rút ngắn quá trình này, vai trò của người quản lý nhà nước là cung cấp thông tin, tạo sự minh bạch cũng như một thái độ nghiêm khắc với những bên vi phạm – chứ không phải chăm chăm sử dụng công cụ hành chính như là biện pháp quản lý duy nhất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét