Lại chuyện lãi suất cơ bản
Những tưởng chuyện lãi suất cơ bản đã được giải quyết khi hệ thống ngân hàng đã quay về với cơ chế lãi suất thỏa thuận nhưng mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa Quốc hội sẽ thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước, trong đó phải định nghĩa lãi suất cơ bản là gì.
“Cơ bản” nhưng không cơ bản
Nước nào cũng phải sử dụng một số công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được những mục tiêu nào đó, như kiềm chế lạm phát chẳng hạn. Lãi suất là một công cụ như thế bên cạnh công cụ tăng giảm dự trữ bắt buộc. Thông thường ngân hàng trung ương một nước tác động lên lãi suất bằng con đường gián tiếp, có nghĩa thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tăng hay giảm tổng phương tiện thanh toán. Ví dụ, ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ, tức làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông thì lãi suất thị trường sẽ giảm. Cũng có thể tác động trực tiếp bằng cách tăng hay giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu – là những loại lãi suất ngân hàng trung ương ấn định trong quan hệ mua bán các loại giấy tờ có giá với ngân hàng thương mại.
Nói cách khác, lãi suất cơ bản như đang được định nghĩa (là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh) hoàn toàn không phải là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đúng nghĩa như thông lệ quốc tế.
Khi Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất cơ bản là 8%, chẳng hạn và dựa vào quy định của Bộ luật Dân sự để áp đặt “trần” lãi suất thương mại là 14%, đó không phải là điều hành tiền tệ mà chỉ là mệnh lệnh hành chính mang tính kiên cưỡng. Thực tế, các “trần” như thế đều sớm muộn bị phá bỏ, hoặc là bằng cách ngân hàng thương mại lách luật (tính thêm phí) hoặc là Ngân hàng Nhà nước tự tháo gỡ (cho áp dụng lãi suất thỏa thuận).
Có thể nói Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành đã cung cấp các loại lãi suất thật sự mang tính “cơ bản” như các nước khác như lãi suất tái cấp vốn hay lãi suất tái chiết khấu nhưng vì lý do nào đó, Ngân hàng Nhà nước đã khoát cho lãi suất cơ bản cái vai trò nó không có nên cứ lúng túng chuyện bỏ hay không bỏ khái niệm lãi suất cơ bản. Nguyên nhân sâu xa là do thị trường trái phiếu chính phủ nước ta chưa phát triển, giao dịch chưa nhiều nên dùng các công cụ gián tiếp để tác động lên lãi suất rất chậm, điều chỉnh lượng tiền trong lưu thông khó khăn. Vì thế người ta đã “tận dụng” lãi suất cơ bản làm công cụ mang tính hành chính để điều hành cho dễ, cho nhanh bất kể quy luật thị trường.
Cái vướng hiện nay là lãi suất cơ bản còn có một vai trò nữa do Bộ luật Dân sự quy định: nó được dùng để xác định thế nào là cho vay nặng lãi (cho vay với lãi suất quá 150% lãi suất cơ bản), chủ yếu là trong quan hệ tín dụng giữa cá nhân và cá nhân. Một loại lãi suất bị định nghĩa sai, bị sử dụng sai lại đóng nhiều vai trò – đó là vấn đề cần giải quyết.
Các phương án được dự thảo
Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước giải quyết vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau. Dự thảo công bố hồi tháng 9 năm ngoái bỏ luôn khái niệm lãi suất cơ bản. Điều khoản về lãi suất chỉ quy định: “Ngân hàng Nhà nước xác định, công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất điều hành khác nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia”. Cách này vấp phải sự chống đối của nhiều đại biểu Quốc hội vì họ hiểu nhầm Ngân hàng Nhà nước từ bỏ một công cụ quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Lẽ ra đi kèm với dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ cho công luận biết lãi suất cơ bản vẫn còn đó, nhưng được gọi bằng tên khác như thế nào thì ắt đã không có sự phản đối nói trên.
Đến dự thảo công bố vào tháng 3-2010, lãi suất cơ bản lại được đưa vào nhưng với định nghĩa hoàn toàn khác: “Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố bao gồm lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất để áp dụng cho các giao dịch dân sự”. Định nghĩa như thế ngay lập tức gây ra luồng ý kiến phản đối theo hướng khác. Nhiều người cho rằng không thể có hai loại “lãi suất cơ bản”, một cái để áp dụng cho các tổ chức tín dụng và một cái để áp dụng cho dân thường hay nói cách khác, không thể có chuyện ngân hàng thoải mái cho vay “nặng lãi” còn người dân thì bị cấm.
Thật ra định nghĩa như trên chứa đựng nhiều lúng túng: không lẽ giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng không phải là giao dịch dân sự; lãi suất để thực hiện chính sách tiền tệ là lãi suất gì; quan hệ của nó với lãi suất tái cấp vốn là sao? Rồi để giải quyết vướng mắc từ Bộ luật Dân sự, dự thảo quy định: “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất làm cơ sở áp dụng cho các giao dịch theo Bộ luật Dân sự trừ hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng”, càng thể hiện sự lúng túng khi cố ý không dùng cụm từ “lãi suất cơ bản”, và tự loại trừ hoạt động ngân hàng khỏi phạm vi ảnh hưởng của Bộ luật Dân sự một cách miễn cưỡng, thậm chí trái luật.
Không còn cách nào khác
Trong bối cảnh hiện nay khi Ngân hàng Nhà nước hầu như không có động thái nào chuẩn bị cho dư luận hay các đại biểu Quốc hội về thực chất vấn đề của lãi suất cơ bản, thiết nghĩ dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước không nên bỏ khái niệm này vì sẽ vấp phải sự phản đối của đại đa số đại biểu.
Như TBKTSG đã từng nêu ý kiến (Bài “Chung quy vẫn là chuyện câu chữ”, số báo ra ngày 28-1-2010), việc sửa đổi Bộ luật Dân sự sẽ khó khăn vì xã hội nước ta hiện đang dị ứng với nạn cho vay nặng lãi trong người dân; việc bỏ khái niệm lãi suất cơ bản cũng khó được đồng tình vì sẽ bị hiểu sai là NHNN từ bỏ vai trò điều tiết thị trường. Vậy phải làm sao để giải quyết đồng thời các yêu cầu: 1/Duy trì một loại “lãi suất cơ bản” mà Bộ luật Dân sự có dẫn chiếu để ngăn ngừa nạn cho vay nặng lãi; 2/Không để “lãi suất cơ bản” này đẩy hoạt động tín dụng trong hệ thống ngân hàng rơi vào bế tắc vì trần lãi suất; 3/Xác định loại “lãi suất cơ bản” đúng nghĩa như các nước khác đang dùng để làm công cụ điều hành tiền tệ?
Cách duy nhất thỏa mãn cả ba yêu cầu này là định nghĩa lại “lãi suất cơ bản” như là lãi suất trung bình của 5 ngân hàng thương mại lớn nhất thị trường. Yêu cầu 1/ như thế đã được đáp ứng, ai cho vay quá 150% lãi suất này coi chừng bị phạm tội cho vay nặng lãi mà yêu cầu 2/ cũng không bị ảnh hưởng (không có ngân hàng nào muốn áp dụng lãi suất cao gấp 1,5 lần so với ngân hàng khác). Để thỏa mãn yêu cầu 3/ dự thảo cần định nghĩa lãi suất tái cấp vốn sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế để lãi suất này đóng vai trò như lãi suất “base rate” hay “bank rate” ở Anh, “Fed fund rates” ở Mỹ, và đó chính là lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét