Máy móc đánh sập phố Wall
Sau vụ chỉ số chứng khoán Dow Jones Mỹ sụt mất gần 1.000 điểm vào hôm thứ Năm, nhiều người mới biết một sự thật gây sốc: trên 60% giao dịch hàng ngày tại thị trường chứng khoán Mỹ là do máy tính ra lệnh! Ra lệnh mua bán chứ không phải chỉ thực hiện!
Bình thường lệnh mua bán do con người gõ vào máy tính để nó thực hiện nhưng tốc độ xử lý của người làm sao so được với máy tính. Vậy là các công ty chứng khoán bèn soạn những chương trình máy tính mạnh, dùng các thuật toán từ đơn giản đến phức tạp để máy tính tự động quyết định lệnh mua bán cho con người. Ví dụ họ quy ước nếu xảy ra chuyện A thì máy tính sẽ làm chuyện B; nếu thông tin về công ty C là như thế này thì máy tính sẽ quyết định như thế này. Bình thường người ta lập luận máy tính sẽ tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ và xử lý chúng nhanh như chớp trong khi đầu óc con người có hạn, không thể tiêu hóa quá một lượng thông tin nào đó. Vấn đề là soạn các thuật toán sao cho chặt chẽ rồi yên tâm giao cho máy tính “chơi” chứng khoán cho mình, với tốc độ một phần triệu giây cho mỗi giao dịch.
Thế rồi sự cố hôm thứ Năm diễn ra. Thoạt tiên, có thể do lỗi của một cá nhân nào đó, một lệnh bán bất thường xuất hiện. Ngay lập tức nó đã kích hoạt các chiến lược đã lập trình trước trong các chương trình mua bán tự động và máy tính liên tục đưa ra những lệnh bán với giá ngày càng giảm – ào ạt – chỉ trong vòng 10 phút, đến 700 tỷ đô-la đã bốc hơi trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Chắc chắn trong những tuần sắp tới sẽ có những cuộc điều tra rồi giải trình về hệ thống giao dịch tự động bằng lập trình máy tính (tiếng Anh là algo trading) nhưng sự cố này càng củng cố mối lo ngại rằng thị trường tài chính thế giới đang được xây dựng trên những nền tảng sai lầm, luôn bị lợi dụng và có tiềm năng hủy hoại cả nền kinh tế thế giới. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài, khó giải quyết. Trước mắt, cách tiếp cận tốt nhất với thị trường tài chính, nhất là các công cụ phái sinh, là nên hạn chế quy mô giao dịch bằng mọi biện pháp. Hoàn toàn hợp lý khi cân nhắc việc cấm sử dụng chương trình giao dịch tự động bằng máy tính vì đây là khe hở dễ làm sụp đổ thị trường tài chính toàn cầu hay làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng khác. Một cá nhân bất mãn, một tay khủng bố tin học sẽ dễ dàng thay đổi vài thông số rồi đưa cho máy tính, máy sẽ cứ thế ra lệnh sai và sai lầm sẽ lan nhanh hơn cháy rừng mùa khô.
Tôi chợt nhớ các cuốn truyện khoa học viễn tưởng miêu tả máy móc nổi loạn, chống lại con người. Sự cố hôm thứ Năm chính là một phiên bản máy móc tấn công Dow Jones, đánh sụp phố Walls, gây hoảng loạn thị trường. Không còn là chuyện viễn tưởng nữa rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét