Rút kinh nghiệm!
“Rút kinh nghiệm” là cụm từ thường được nói tới mỗi khi xảy ra một vụ việc gì đáng tiếc. Vụ Vinashin cũng thế, chúng ta lại nghe các quan chức chính phủ nhắc đến chuyện rút kinh nghiệm, rồi lại hứa rút ra bài học phải kiểm tra giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chặt chẽ hơn.
Vậy, hãy thử nhìn lại những chuyện có thể rút được kinh nghiệm ngay, không những chỉ từ vụ Vinashin đang được “tái cơ cấu” mà còn ở nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước khác. May ra sau này người ta khỏi mất công “rút kinh nghiệm” nữa.
Năm ngoái, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2009, trong đó có quy định rất rõ: “Công ty nhà nước được quyền chủ động huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong phạm vi hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ của công ty không vượt quá 3 lần”. Hệ số này ở Vinashin lên đến 9, 10 lần từ lâu, sao không thấy ai thổi còi? Đã có nhiều báo cáo chính thức cho thấy hệ số nợ trên vốn của nhiều tập đoàn rất cao, cao hơn mức trần 3 lần, thậm chí cả mấy chục lần, thế có cơ quan nào từ bài học Vinashin mà buộc các tập đoàn đó giảm số nợ xuống không?
Nghị định nói trên cũng bổ sung: “Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng vốn tại công ty nhà nước”. Liệu Bộ Tài chính đã bao giờ lên tiếng về việc Vinashin vay nợ tràn lan, vay nợ bất kể khả năng trả nợ? Hay chính Bộ Tài chính cũng bất lực vì không khiển nổi Vinashin? Chủ sở hữu của Vinashin có biết chuyện vay nợ vượt quy định của Vinashin chăng?
Với Vinashin, Chính phủ là chủ sở hữu nhà nước, và một số bộ, ngành và ngay chính hội đồng quản trị Vinashin cũng được giao thực hiện một số quyền của chủ sở hữu. Chính sự nhập nhằng này đã là lổ hổng để cuối cùng không ai giám sát Vinashin cả. Nghị định 25/2010 về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên quy định mỗi công ty chuyển đổi chỉ do một tổ chức làm chủ sở hữu (hoặc là Thủ tướng Chính phủ, bộ, UBND tỉnh thành…) chứ không có chuyện nhiều nơi làm chủ sở hữu.
Vốn điều lệ của Vinashin trước là 9.000 tỷ đồng. Nay ở quyết định chuyển tập đoàn này thành công ty TNHH một thành viên mới do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký tuần trước, vốn điều lệ lại được nâng lên thành 14.655 tỷ đồng. Không biết khoảng tăng thêm này lấy ở đâu ra, có phải từ ngân sách nhà nước? Người ký quyết định này liệu có “rút kinh nghiệm” từ Nghị định 09/2009 trong đó nói rõ: “Trường hợp sử dụng nguồn vốn ngân sách để cấp vốn điều lệ, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ, Quốc hội quyết định”.
Cả quan chức chính phủ lẫn Vinashin đều cho rằng việc đầu tư tràn lan ra ngoài ngành nghề chính là một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng cho Vinashin hiện nay. Thế mà trong quyết định chuyển Vinashin thành công ty TNHH một thành viên lại vẫn thấy những ngành nghề kinh doanh như hoạt động tài chính, ngân hàng, dịch vụ khách sạn, đầu tư kinh doanh nhà, xây dựng dân dụng, khu đô thị, nhà ở, lữ hành nội địa, kinh doanh lữ hành quốc tế, sản xuất bia rượu, nước giải khát, dịch vụ vui chơi giải trí… Quyết định này vừa mới được ban hành vào tuần trước – không lẽ chưa đủ thời gian để “rút kinh nghiệm”?
Nhìn rộng ra, việc rút kinh nghiệm quan trọng hơn cả ở đây là gì? Luật lệ, quy định không phải tự dưng mà có. Một trong những vai trò của luật lệ, quy định là nhằm giúp người làm ra luật lệ, quy định giám sát, kềm chế chính mình hay chính bộ máy giúp việc bên dưới. Bộ Giao thông – Vận tải làm sao đủ nhân lực và năng lực để theo dõi hàng trăm công ty con, công ty cháu với hàng ngàn dự án tiền tỷ của Vinashin; Bộ Tài chính làm sao tổ chức nổi bộ máy theo dõi tiến độ thu tiền về của Vinashin để trả lãi trái phiếu chính phủ đúng hạn? Vì thế luật lệ, quy định mới có chuyện thanh tra hay kiểm toán độc lập. Vai trò của các cơ quan nhà nước là giám sát tuân thủ và bấm còi báo động mỗi khi luật lệ, quy định bị vi phạm. Còn nếu không tách bạch được vai trò quản lý như thế (không chịu sức ép của bất kỳ ai) với vai trò chủ sở hữu (phải làm sao có lợi nhất cho tập đoàn mình làm chủ sở hữu) thì việc sai phạm vẫn sẽ diễn ra trong tương lai.
Tuần trước, Bộ Giao thông – Vận tải cũng ra thông cáo báo chí, kêu gọi báo chí “chung sức, đồng hành” giúp Vinashin vượt qua khó khăn. Đây cũng là cách tiếp cận sai lầm có thể “rút nhiều kinh nghiệm”. Giả thử Bộ không cần kêu gọi mà ngay từ trước yêu cầu Vinashin minh bạch trong hoạt động, công khai các dự án, đăng tải đầy đủ các tài liệu cơ bản như bản báo cáo tài chính thường niên thì báo chí và công luận đã có thể chung sức giúp Bộ giám sát, phát hiện sai lầm của Vinashin sớm hơn nhiều. Vai trò của báo chí là truyền tải thông tin; một khi không có thông tin thì báo chí bị vô hiệu hóa, làm sao "đồng hành cùng doanh nghiệp" được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét