Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2010

Độ tin cậy của những con số

Độ tin cậy của những con số

Trong tuần rồi, hai buổi tranh luận trực tuyến do VietnamnetVnExpress tổ chức về các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã cung cấp nhiều thông tin cho người quan tâm. Phải thừa nhận các quan chức Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện chủ đầu tư là Tập đoàn Than Khoáng Sản (TKV) đã làm đúng chức trách của mình. Việc đồng ý tranh luận công khai như vậy là một bước tiến lớn so với chỉ cách đây một năm, khi đề tài bauxite Tây Nguyên là đề tài nhạy cảm. Có tranh luận như vậy, cả bên phản đối và bên ủng hộ đều phải đưa ra những lập luận, lý lẽ, bằng chứng để thuyết phục người đọc.

Về hiệu quả kinh tế, đã có nhiều người nhận xét tính chính xác của các con số do các quan chức và chủ đầu tư đưa ra như vốn đầu tư, rồi giá thành alumin thay đổi, tăng quá nhanh trong vòng 1 năm, dự báo giá alumin khá chủ quan…

Ở đây tôi chỉ xin bình luận về một chi tiết nhỏ.

Trong buổi đối thoại trên VnExpress, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) có nói:

Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ tăng 7,12%). Về thuế xuất khẩu, thuế xuất khẩu alumni có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án do 100% sản phẩm alumni dự kiến xuất khẩu. Nếu thuế suất xuất khẩu giảm xuống mức 10%, IRR giảm 12%.

Dạo này, các quan chức thích dùng khái niệm IRR, thiết nghĩ cũng nên bỏ công ra tìm hiểu nó là gì.

(Phần dưới là trích lại một bài báo tôi viết cũng đã lâu rồi, nếu không thích đọc cũng không sao)

Giả thử bạn bỏ ra một khoản tiền ban đầu là 40 triệu đồng đầu tư vào việc mua máy photocopy và các chi phí khác để làm dịch vụ sao chụp cho khách hàng trong khu phố. Cũng giả thử 10 năm tới bạn tính toán và dự báo số tiền thu được từ dịch vụ này sau khi trừ mọi chi phí là 7,5 triệu đồng mỗi năm còn năm thứ 10 bạn định thanh lý chiếc máy được 9,5 triệu nữa. Vấn đề bạn phải quyết định là so giữa khoản tiền đầu tư ban đầu và các khoản tiền thu được như thế, dự án dịch vụ photocopy này có đáng làm không?

Thông thường, người ta dùng cách tính thời gian thu hồi vốn (payback period) bằng cách lấy tổng đầu tư chia cho dòng tiền hàng năm. Trong dự án nói trên, thời gian thu hồi vốn đầu tư là 5 năm 4 tháng. Người ta cũng thường đánh giá dự án có nên thực hiện hay không bằng cách so sánh thời gian thu hồi vốn vừa tính toán với thời gian thu hồi vốn đã định trước. Giả thử ở dự án photocopy, bạn dự tính thu hồi vốn trong vòng 5 năm, nay tính toán thấy mất hơn 5 năm một chút, có lẽ bạn sẽ quyết định không làm.

Phương pháp “tính rợ” này không giúp ích gì nhiều cho bạn vì rõ ràng nó không đếm xỉa gì đến “giá trị thời gian” của dòng tiền. Số năm định trước trong đầu dùng để đối chiếu so sánh cũng là một con số chủ quan. Loại phương pháp này chỉ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về khả năng lời lỗ của dự án.

Áp dụng công thức trong sách giáo khoa, người ta sẽ tính giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai (7,5 triệu đồng/năm trong 9 năm và 17 triệu đồng năm thứ 10), xem thử vào thời điểm bây giờ chúng đáng giá bao nhiêu nếu lãi suất dùng để chiết khấu là 10%.

Giá trị hiện tại = (7,5 x 5,759) + 17 x 0,386) = 49,75 triệu đồng.

(Nếu bạn quên vì sao có các con số ở phép tính nói trên, xin nhắc lại 5,759 là giá trị hiện tại của 1 đồng mỗi năm, nhận suốt trong 9 năm, chiết khấu cho mức lãi suất 10%/năm; còn 0,386 là giá trị hiện tại của 1 đồng nhận ở năm thứ 10, dùng lãi suất chiết khấu tương tự).

Nếu lấy 49,75 triệu trừ cho 40 triệu, chúng ta sẽ có con số 9,75 triệu đồng – là giá trị hiện tại thuần (net present value) mà dân tài chính thường gọi tắt là NPV. Như vậy NPV là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai của một dự án trừ đi chi phí đầu tư ban đầu. Thông thường người ta nói NPV bằng 0 hay lớn hơn thì dự án ấy chấp nhận được; còn nếu NPV là số âm thì thôi, đừng tơ tưởng gì đến nó nữa.

Chúng ta thấy yếu tố quan trọng ở đây là mức lãi suất chiết khấu. Giả thử thay vì bỏ 40 triệu đồng đầu tư vào dịch vụ photocopy, chúng ta gởi quách vào ngân hàng cho khoẻ, lãi suất hàng năm là 8%. Còn đã ra làm ăn, mức lãi phải cao hơn, ở đây là 10% chẳng hạn. Như vậy, mức lãi suất chiết khấu được chọn làm sao để phản ánh chi phí sử dụng đồng vốn, dù nó là của mình (cơ hội bỏ qua khi đem tiền đó làm chuyện khác) hay đi vay của người khác (ắt phải cao hơn mức lãi suất đi vay).

Vì thế, để dễ hình dung, người ta dùng một phương pháp khác nữa, gọi là tỷ suất thu nhập nội bộ (internal rate of return) mà sách vở thích gọi tắt là IRR để tính hiệu quả dự án. IRR chính là mức lãi suất chiết khấu nói ở trên, được chọn làm sao để NPV bằng 0. Trong dự án photocopy giả định từ đầu đến giờ, nếu dùng lãi suất chiết khấu 10% thì NPV là 9,75 triệu. Cứ tăng IRR lên dần, đến 14,99% (cứ cho là 15% đi) thì NPV bằng 0. Tiêu chuẩn để chọn làm hay không làm một dự án là so sánh IRR của nó với lãi suất sử dụng đồng vốn, cao hơn thì chấp thuận, thấp hơn thì từ chối còn bằng nhau thì làm chả đáng bỏ công.

Con số IRR được giới quản lý khoái nhất vì dễ hình dung. Giả thử trình bày trước các thành viên trong công ty, bạn nói dự án này có NPV là 20 triệu (trong khi số vốn đầu tư lên đến tiền tỷ) chắc chẳng ai có ấn tượng gì. Trong khi đó nếu nói IRR của dự án là 25,6%, chà, sẽ có tiếng xuýt xoa bên dưới, dự án này được đấy. Nhưng giới tài chính cũng đều biết phương pháp tính IRR có nhiều nhược điểm, không thể trình bày hết ở đây.

Bây giờ chúng ta đọc lại câu nói của ông Quân: “Việc tăng vốn đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến hiệu quả kinh tế dự án (tăng 25% vốn đầu tư, IRR chỉ tăng 7,12%). Về thuế xuất khẩu, thuế xuất khẩu alumni có ảnh hưởng quan trọng đến hiệu quả kinh tế của dự án do 100% sản phẩm alumni dự kiến xuất khẩu. Nếu thuế suất xuất khẩu giảm xuống mức 10%, IRR giảm 12%.

Rõ ràng ông Quân nói sai rồi. Vốn đầu tư tăng thì IRR sẽ giảm chứ sao lại tăng; và thuế giảm thì IRR sẽ tăng, sao lại giảm?

Chính vì thế, những con số khác mà các quan chức và đại diện chủ đầu tư đưa ra đều có độ tin cậy thấp.

Lấy ví dụ, trong báo cáo về các dự án bauxite của Chính phủ gởi tới Quốc hội vào năm ngoái, tức là văn bản trả lời chính thức về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng có cung cấp một số thông tin về hiệu quả kinh tế của các dự án này như sau:

- Hiệu quả kinh tế của dự án được tính toán dựa trên cơ sở dự báo, phân tích và lựa chọn giá bán alumin bình quân cho cả giai đoạn tồn tại của dự án 362 USD/tấn.

- Tỷ lệ hoàn vốn nội tại (IRR) là 11,4% (Tân Rai) và 10,6% (Nhân Cơ).

Trong khi đó, các con số mới đưa ra tuần này lại quá khác:

- Giá bán khi thì tính là 315 USD/tấn alumin (Dự án Lâm Đồng) và 330 USD/tấn alumin (Dự án Nhân Cơ); khi thì đưa ra giá trung bình để tính toán hiệu quả là 335 USD/tấn; khi thì dựa vào dự báo lên đến 340-650 USD/tấn trong giai đoạn 2011-2020; khi thì đưa ra giá bán bình quân thực tế của năm 2010 chỉ là 210 USD/tấn…

- IRR của Nhân Cơ nay chỉ còn là 8,24%.

Những điều cơ bản, dễ tính như trên mà còn có độ tin cậy thấp thì làm sao tin tưởng được vào những kế hoạch bảo vệ môi trường, là mối quan tâm lớn nhất của người dân hiện nay?

Bauxite và Vinashin

Bauxite và Vinashin

(Bài này đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số ra ngày 28-10)

Giữa hai dự án bauxite ở Tây Nguyên và Vinashin có điểm gì chung?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta thử xem thông lệ quốc tế (và phần nào cũng đã được thể hiện trong dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi của Việt Nam) thường ứng xử như thế nào với nguồn khoáng sản của đất nước. Giả sử phát hiện ở một vùng đất có trữ lượng bauxite dồi dào, Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu thăm dò, việc thăm dò có thể gắn với quyền lợi khai thác sau này. Sau khi thăm dò, biết trữ lượng xong, Nhà nước sẽ cân nhắc coi có nên cho khai thác không với những yếu tố đặt lên bàn cân như môi trường, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội... Nếu quyết định khai thác, Nhà nước cũng sẽ tổ chức đấu thầu với đề bài là những yếu tố này, trong đó có thể bù đắp hiệu quả tài chính thấp bằng ưu đãi thuế nếu muốn phát triển vùng đất đó hay ấn định phần nộp cho Nhà nước cao nếu việc khai thác dễ dàng. Doanh nghiệp nào thỏa mãn tốt nhất những yêu cầu đặt ra sẽ trúng thầu và được quyền khai thác. Lúc đó, các cơ quan của Nhà nước sẽ đóng vai trò giám sát xem doanh nghiệp có tuân thủ cam kết, như cơ quan môi trường phải theo dõi chặt việc tuân thủ bảo vệ môi trường, ngăn ngừa thảm họa.

Việt Nam lại làm khác và yếu tố tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một doanh nghiệp nhà nước, lại là một tập đoàn kinh tế, đóng vai trò rất lớn trong chuyện làm khác này. Trong quyết định mới nhất chuyển TKV thành công ty TNHH một thành viên, Thủ tướng Chính phủ (và các bộ theo ủy quyền của Chính phủ) thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn này hay nói cách khác Thủ tướng Chính phủ là “ông chủ” trực tiếp của TKV và các bộ trưởng là “ông chủ” trong một số trường hợp. Trong một cơ chế như vậy, lúc kinh doanh, gặp trục trặc gì TKV sẽ được làm việc trực tiếp với Thủ tướng, liệu các bộ có còn đóng được vai trò cơ quan quản lý nhà nước một cách bình thường không? Các bộ khi đóng vai ông chủ có còn khách quan với doanh nghiệp “của mình” không? Vì thế không lạ gì khi ông Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lại đi khẳng định giùm chủ đầu tư hồ chứa bùn đỏ ở các dự án khai thác bauxite là bảo đảm an toàn.

Trường hợp Vinashin cũng vậy nhưng tình hình còn phức tạp hơn với hàng trăm công ty con, công ty cháu của Vinashin. Cứ tạm thời cho rằng đây là hai trong số 12 tập đoàn kinh tế của Nhà nước, được hưởng đặc quyền này, nhưng thế thì ứng xử ra sao với các công ty con, công ty cháu của họ? Công ty mẹ Vinashin đẻ ra tổng cộng 435 công ty con và công ty hạch toán phụ thuộc, 30 công ty liên kết và liên doanh. Chính vì cơ chế chủ sở hữu nhập nhằng giữa vai trò nhà quản lý hành chính và người đại diện vốn nhà nước nên các công ty này có vay mượn lung tung, có xin đất làm dự án trên giấy thì các bộ, các địa phương cũng e dè không dám làm gì, không dám lên tiếng phản đối. Thậm chí các công ty kiểu này còn tận dụng vị thế đặc quyền trong nhiều thương vụ để cuối cùng toàn bộ tập đoàn Vinashin gánh một khoản nợ khổng lồ như chúng ta đã biết. Chính Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng thừa nhận trên báo Tiền Phong: “Chúng tôi chỉ được góp ý”. Trong bối cảnh như thế, Vinashin không báo cáo gian dối mới là chuyện lạ.

Nhiều người đã lên tiếng về nguy cơ tàn phá môi trường của các dự án bauxite ở Tây Nguyên. Cũng có nhiều người khác phân tích rạch ròi về tính kém hiệu quả kinh tế của chúng. Nhưng bài học quản lý Vinashin đang nóng hổi, nên áp dụng những điều có thể rút ra vào các dự án bauxite. Có lẽ thoạt tiên việc xây dựng ngành đóng tàu Việt Nam cũng là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Vinashin như hiện đang giao cho TKV khai thác tài nguyên bauxite. Việc bảo lãnh cho Vinashin vay vốn quốc tế cũng nhằm tạo sức mạnh tài chính cho Vinashin để nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ như hiện nay đang rót vốn cho TKV, nơi này cũng đang chuẩn bị phát hành trái phiếu quốc tế như Vinashin. Cách đây mấy năm, TBKTSG cũng đã đăng tải ý kiến của các chuyên gia phân tích lợi hại của việc phát triển ngành đóng tàu trong bối cảnh lúc đó. Những cảnh báo đưa ra vào thời điểm đó chỉ nhấn mạnh thiệt hơn mà chưa tính đến yếu tố cố ý làm sai của Vinashin.

Ngày nay chúng ta đang bàn về những điểm bất cập của các dự án bauxite (và chúng cũng đã đủ để ngưng các dự án này đến một thời điểm khác trong tương lai) nhưng liệu với cơ chế chủ sở hữu như trên, làm sao chúng ta có thể tin vào sự khách quan của Thứ trưởng Bộ Công Thương khi ông đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV? Sự thiếu vắng giám sát đang là bài học của Vinashin, vậy nó có là bài học cho các dự án bauxite khi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem như đứng chung với TKV để đưa ra những lý lẽ “trên lý thuyết” để ủng hộ dự án? Rồi đây TKV có chạy thẳng lên Thủ tướng hay lên bộ, bỏ qua các quy định quản lý mà luật pháp phân công cho địa phương, chẳng hạn? Và nếu thảm họa môi trường xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Nếu giả sử quản lý kém để gây ra thua lỗ, ắt TKV vẫn sẽ yên tâm vì biện bạch là đang thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Nhìn rộng ra, đã đến lúc phải xem lại cơ chế chủ sở hữu các tập đoàn kinh tế để làm sao phân định rạch ròi chuyện quản lý nhà nước và chuyện kinh doanh, cho dù là kinh doanh theo định hướng chiến lược của Nhà nước. Nếu không rồi đây chúng ta sẽ còn phải than như đang than: không có một đầu mối nào chịu trách nhiệm cả. Và Thủ tướng sẽ còn phải giải quyết núi công việc do các tập đoàn đưa lên - một chuyện thực tế đã cho thấy là không khả thi và đã không diễn ra.

Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Khi Phó Thủ tướng giảng bài

Khi Phó Thủ tướng giảng bài

Định không viết nhưng cuối cùng cũng phải viết vài dòng, chủ yếu là cho các bạn phóng viên trẻ. Bản tin “Phó thủ tướng giảng bài trực tuyến” đăng trên VnExpress được trang web Topica - Cử nhân trực tuyến đăng lại nên có thể tin rằng phóng viên tường thuật chính xác nội dung bài giảng của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Topica là nơi tổ chức buổi giảng này, mang tựa đề “Ngăn ngừa nguy cơ khủng hoàng tài chính ở Việt Nam”.

Vấn đề là khi viết tin, nếu thấy nguồn tin nói chưa chính xác thì phải làm sao?

Ví dụ, tin viết: “Cho rằng, nền kinh tế Mỹ bị khủng hoảng một phần là do thâm hụt ngoại thương, ông [Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân] phân tích, trước khi khủng hoảng, nợ của Mỹ gần bằng 100% GDP”.

Phóng viên có thể ghi ngay sau đó, theo [bất kỳ nguồn nào], nợ chính phủ Mỹ năm 2006 hay 2007 chỉ bằng khoảng 65% GDP nước này, xem như để nói lại cho rõ giùm Phó Thủ tướng. Mức này những năm trước đó tăng chậm (năm 2003 cũng ở khoảng 62-63%, chỉ sau khủng hoảng nó mới tăng nhanh do chính phủ Mỹ tiêu tiền giải cứu nền kinh tế). Cái đồng hồ nợ của Mỹ nổi tiếng ấy, đến năm nay nó cũng mới chỉ vào khoảng 13.600 tỷ đô-la, so với GDP của Mỹ chừng 14.600 tỷ đô-la, nợ của Mỹ chưa đến 100%. Mà thâm hụt ngoại thương thì có liên quan gì đến nợ của Mỹ nhỉ? Chỗ này thì phóng viên khó lòng làm được gì nhiều cho bản tin của mình. Và nợ của Mỹ là tính đúng, tính đủ cả những khoản như những nghĩa vụ nợ của các quỹ hưu trí, bảo hiểm y tế...

Đến câu tiếp đó: “Sau khi đề cập tới khoản vay nước ngoài của Mỹ tăng từ hơn 100 tỷ USD (1997) lên 800 tỷ USD (2007) khiến nước này lâm vào khủng hoảng….”.

Phóng viên có thể áp dụng cách trên, ghi rõ nợ nước ngoài của Mỹ vào năm 2007 là 13.427 tỷ đô-la, theo chính số liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Con số này nó lớn hơn con số Phó Thủ tướng đưa ra nhiều lần lắm.

Sau cùng là câu này: “Nguyên nhân cuối cùng dẫn tới khủng hoảng của Mỹ chính là thị trường tài chính phát triển quy mô lớn nhưng lại được giám sát, đánh giá rủi ro thiếu khách quan. Theo Phó thủ tướng, bài học ở đây chính là muốn đánh giá rủi ro của một quốc gia, không chỉ để người nước ngoài đánh giá mà chính mình phải đánh giá và đủ độ tin cậy.”

Phóng viên có thể kiểm tra thông tin nền để nói rằng ba hãng đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới mà các tập đoàn của Mỹ cũng đang sử dụng là Fitch Rating, Moody’s và Standard & Poor’s đều là của Mỹ cả. Tức là Mỹ cũng dùng người nước mình để đánh giá đó chứ, đâu phải họ để nước ngoài nào đâu.

Cuối tin cũng nên bổ sung thông tin nền là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng kiêm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và không phụ trách lãnh vực kinh tế-tài chính trong Chính phủ.

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Nhầm lẫn về dự án bauxite

Nhầm lẫn về dự án bauxite

Cho dù thoạt kỳ thủy dự án khai thác bauxite là chủ trương của Nhà nước nhưng một khi đã giao nó cho Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư thì vai trò của các bộ ngành phải khác.

Ví dụ Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải xem đây là dự án mà mình có vai trò giám sát. Đó là vai trò bình thường của bộ này với bất kỳ dự án nào. Chưa gì Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã cam đoan các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên là đảm bảo an toàn. Khi trả lời phỏng vấn báo chí (bài đăng trên SGTT), ông Phạm Khôi Nguyên nói: “Chúng tôi chia ra từng lô, mỗi lô 5ha, kín đầy từng lô và đảm bảo an toàn mới chuyển sang lô khác”. Sao lại có chuyện “chúng tôi” ở đây. Vai trò của ông là một người đứng bên ngoài, khách quan, để công tâm mà giám sát chứ ông không phải là một thành phần của dự án khai thác. Không nên nhầm lẫn về vai trò của một cơ quan nhà nước.

Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng vậy. Trước khi rót tiền vào các dự án làm đường tránh, phục vụ khai thác và vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên về Đồng Nai hay Khánh Hòa thì tự mình phải tính toán chi phí bỏ ra như thế có đáng với lợi ích kinh tế thu về hay không. Chức trách của một bộ buộc họ phải lên tiếng phản đối nếu không có hiệu quả, có hại cho ngân sách nhà nước.

Đến nay có lẽ ai cũng đã thấy tác hại môi trường tiềm ẩn của các dự án khai thác bauxite như đã có dịp bùng phát ở Hungary. Vấn đề là làm sao giải quyết êm đẹp các dự án tương tự ở Việt Nam.

Tôi nghĩ có thể dựa vào các văn bản chính thức để dừng ngay một trong hai dự án. Kết luận của Bộ Chính trị ngày 24-4-2009 trong Thông báo số 245- TB/TW có ghi rõ: “Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Đây là cơ sở để các bộ đánh giá khách quan về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, công khai trước công luận để mọi người phản biện. Nếu chưa làm được việc này thì không thể tiến hành dự án Nhân Cơ. Còn một khi thấy hiệu quả kinh tế không bảo đảm, khả năng gây thảm họa môi trường cao thì cứ theo kết luận này để chấm dứt dự án.

Với dự án Tân Rai thì khó hơn. Nhưng kết luận nói trên cũng nhấn mạnh: “Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”. Nếu các bộ ngành thật sự quan tâm đến lợi ích lâu dài của đất nước, sự an nguy của người dân, nên làm đúng theo chủ trương này để công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tân Rai để mọi người dân có thể giám sát. Và nếu công luận đưa ra những phân tích cho thấy tác động môi trường là quá xấu, chẳng hạn, thì phải điều chỉnh và điều chỉnh cũng có nghĩa có thể ngưng lại nếu cái giá phải trả là quá đắt.

Bổ sung: Một số bạn hỏi nguồn của con số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore trong bài trước "Những câu hỏi cho Dung Quất". Có thể đọc tin ở đây (In the same period, the benchmark SingaporeComplex GRM lost $1.2 per barrel and stood at $3.7 – cùng kỳ ở đây là quý II-2010).

Hay tin này cập nhật hơn (Average Singapore gross refining margins (GRMs) have improved in the September quarter to $4.2 (Rs 186.48) per barrel compared with $3.7 per barrel in the June quarter).


Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010

Những câu hỏi với Dung Quất

Những câu hỏi với Dung Quất

Tại hội nghị giám sát việc thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất được tổ chức vào đầu tuần này tại Hà Nội, bên cạnh những ý kiến nhấn mạnh đến thành công của dự án, vẫn còn nhiều thắc mắc chung quanh báo cáo của Chính phủ về dự án này do Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày..

Với nhà máy lọc dầu Dung Quất, điều đầu tiên nhiều người muốn biết là hiệu quả kinh tế ra sao? Theo báo cáo của Chính phủ, dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) “đạt 7,66% cao hơn so với giá trị tính toán năm 2005 là 5,87%”. Đó là tính toán dựa trên tổng mức đầu tư là 3,05 tỷ đô-la.

Còn nhớ khi tổng vốn đầu tư ban đầu của Dung Quất chỉ là 1,5 tỷ đô-la thì IRR của nó đạt trên 15%. Đến năm 2005 khi điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ đô-la, IRR của dự án Dung Quất giảm xuống còn 5,87%. Nay tổng vốn đầu tư được điều chỉnh thành 3,05 tỷ đô-la thì IRR lại tăng lên 7,66%. Đây là điều cực kỳ phi lý.

Một dự án sẽ có dòng tiền bỏ ra để đầu tư và một dòng tiền thu về trong tương lai. Giá trị của dòng tiền trong tương lai sẽ không bằng giá trị hiện tại của nó nên người ta phải chiết khấu nó bằng một tỷ lệ. IRR chính là tỷ lệ chiết khấu dòng tiền tương lai của dự án sao cho giá trị hiện tại của nó bằng với vốn bỏ ra đầu tư.

Như vậy vốn đầu tư càng tăng thì IRR càng giảm (nếu các thông số khác không thay đổi) và việc tính toán lại trong năm 2005 cho thấy điều đó. Nay vốn đầu tư tăng thêm đáng kể mà IRR lại tăng nên có thể kết luận việc tính toán đã sai sót chỗ nào đó. Không thể lập luận giá dầu tăng nên IRR tăng vì giá đầu ra tăng thì giá đầu vào cũng tăng tương ứng.

Ngoài ra, với các dự án đầu tư IRR ít nhất cũng phải bằng chi phí sử dụng vốn thì dự án mới được đánh giá là có hiệu quả. Chi phí sử dụng vốn ở dạng thấp nhất hiện nay là trái phiếu Chính phủ thì cũng đã cao hơn 10%. Làm sao với một dự án có IRR là 7,66% (và chưa chắc con số này là chính xác) lại có hiệu quả kinh tế cao được. Nhìn lướt qua các dự án nhà máy lọc dầu tại Ai Cập chẳng hạn, IRR của chúng dao động trong khoảng từ 15% đến 20%. Dự án nhà máy lọc dầu ở Vũng Rô cũng có IRR là 16,92%.

Báo cáo của Chính phủ về dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất còn có nhiều điểm không thể lý giải được. Tổng vốn đầu tư được duyệt của nhà máy là 3,05 tỷ đô-la (tương đương 51,72 ngàn tỷ đồng, tỷ giá 16.937 đồng/USD). Thế nhưng giá trị quyết toán chỉ là 43,8 ngàn tỷ đồng, giảm đến 8 ngàn tỷ đồng (tương đương giảm gần 500 triệu đô-la). Một mức giảm bất ngờ như thế mà báo cáo lý giải “chủ yếu là do khoản chênh lệch giữa doanh thu và chi phí trong giai đoạn chạy thử Nhà máy”.

Doanh thu và chi phí vận hành nhà máy thì có liên quan gì đến vốn đầu tư? Trong tổng vốn đầu tư nói trên đã bao gồm vốn lưu động ban đầu là 3,39 ngàn tỷ đồng (200 triệu đô-la) và giá trị quyết toán cũng bao gồm số vốn lưu động này, vì sao lại tính doanh thu làm giảm vốn đầu tư? Giai đoạn chạy thử nhà máy có nhiều trục trặc như chúng ta đã biết, vì sao nó lại làm giảm vốn đầu tư nhiều đến thế?

Báo cáo cũng cho biết “Tổng thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 27,8 tỷ đô-la”, cao hơn “tổng thu ngân sách nhà nước 1,55 tỷ đô-la được tính toán vào thời điểm tháng 6 năm 2005”. Đây là đánh giá khó hiểu nhất của báo cáo vì không lẽ chỉ sau mấy năm tính toán, tổng thu ngân sách bỗng tăng vọt mấy chục lần.

Ở đây cần làm rõ khái niệm “thu nộp ngân sách nhà nước” vì nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn). Doanh nghiệp này phải mua dầu thô từ PetroVietnam hoặc nhập khẩu từ bên ngoài và bán thành phẩm sau khi lọc dầu. Lãi lỗ của nhà máy là tính trên tỷ suất lợi nhuận với đầu vào và đầu ra như thế. Nếu có lãi, doanh nghiệp mới nộp thuế và đây có thể gọi là khoản “nộp cho ngân sách”. Nhà nước là chủ đầu tư nhà máy cho nên sau này lợi nhuận sau thuế cũng có thể xem là khoản “thu nộp ngân sách”. Nhưng dù tính như thế nào đi nữa, cũng không thể có chuyện tiền thuế hay lợi nhuận sau thuế của nhà máy lên đến 27,8 tỷ đô-la được (bởi như vậy, tính trên tổng vốn đầu tư là 3 tỷ đô-la thì IRR của dự án phải là con số khổng lồ). Còn các khoản khác như tiền thu được từ bán dầu thô nộp vào ngân sách là của PetroVietnam chứ không thể tính cho nhà máy lọc dầu được, nếu không PetroVietnam xem như không còn khoản gì đáng kể để nộp cho ngân sách nhà nước hoặc là báo cáo trùng lắp hai lần!

Đến đây, có lẽ chúng ta đã có thể đánh giá phát biểu của ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PetroVietnam tại hội nghị nói trên. Theo tường thuật của VnExpress, ông Thăng “cho rằng các đại biểu đến đây để nghe báo cáo chứ không phải đến để phản đối. Bởi lẽ, báo cáo đã được Thủ tướng duyệt sau khi lấy ý kiến tất cả các bộ ngành và soạn thảo. ‘Các bộ ngành đã đồng ý giờ đến đây để phản biện là không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần có ý kiến nhắc nhở các đơn vị có ý kiến phản đối trong cuộc họp này’, ông Thăng nói”. Nếu VnExpress tường thuật chính xác, thì có lẽ không có gì để bình luận thêm.

Cập nhật: Với các nhà máy lọc dầu, đầu vào là dầu thô, đầu ra là đủ loại sản phẩm xăng, dầu và thứ phẩm khác. Chênh lệch giữa giá bán đầu ra và giá mua đầu vào là lợi nhuận gộp (Gross Refining Margin). Trừ chi phí, khấu hao, thuế, lãi vay… thì sẽ có lợi nhuận ròng (Net Refining Margin).

Lợi nhuận này thay đổi rất nhanh chóng, theo mùa, có khi chỉ là 2 đô-la/thùng, có khi lên 15 đô-la/thùng. Nên nhớ giá dầu thô càng cao, lợi nhuận của nhà máy lọc dầu càng thấp.

Chỉ số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore trong mấy tháng đầu năm 2010 phục hồi mạnh lên mức 5 đô-la/thùng (quý 4-2009 chỉ là 1,9 đô-la/thùng; tháng 9-2008 lại là 10 đô-la/thùng). Mỗi tấn có khoảng 7 thùng dầu (có thể từ 6 đến 8 thùng, tùy loại dầu), cho nên lợi nhuận gộp lọc mỗi tấn dầu là chừng 35 đô-la/tấn.

Bình quân các nhà máy lọc dầu hiện nay trên thế giới chạy khoảng 85% công suất.

Năng suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất là 6,5 triệu tấn/năm. Giả định nhà máy này chạy 85% công suất (5,525 triệu tấn) thì mỗi năm sẽ thu được 193 triệu đô-la lợi nhuận gộp. Cho dù chạy 100% công suất thì lợi nhuận gộp cũng vào khoảng 227 triệu đô-la/năm.

Với khoản đầu tư lên đến 3 tỷ đô-la, giả thử nhà nước không bù lỗ lãi suất mà tính sòng phẳng bằng lãi suất phát hành trái phiếu quốc tế chừng 7%/năm thì tiền lãi phải trả chừng 210 triệu đô-la (còn lấy lãi suất bù lỗ là 3,6% thì tiền lãi hàng năm cũng chừng 108 triệu đô-la). Như vậy lợi nhuận gộp của Dung Quất làm ra có thể chưa đủ để trả lãi hoặc trả lãi xong cũng chưa đủ để khấu hao, trả lương nhân viên, chi phí… Lấy đâu ra các con số nói tổng thu ngân sách khoảng 27,8 tỷ đô-la nói trên.

Cập nhật:

Một số bạn hỏi nguồn của con số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore. Có thể đọc tin ở đây (In the same period, the benchmark Singapore Complex GRM lost $1.2 per barrel and stood at $3.7 – cùng kỳ ở đây là quý II-2010).

Hay tin này cập nhật hơn (Average Singapore gross refining margins (GRMs) have improved in the September quarter to $4.2 (Rs 186.48) per barrel compared with $3.7 per barrel in the June quarter).


Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2010

Thương hiệu Chile và thương hiệu… khác

Thương hiệu Chile và thương hiệu… khác

Thương hiệu là cái chi chi? Có lẽ mọi người đã chán ngấy đến tận cổ vì hàng ngàn bài báo về thương hiệu trong mấy năm gần đây. Bởi đơn giản, thương hiệu tựu trung là cái còn đọng lại trong tâm trí người tiêu dùng khi nhắc đến một sản phẩm hay một dịch vụ nào đó. Thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, suy cho cùng, cũng chừng đó chuyện.

Sau cuộc giải cứu thành công 33 thợ mỏ ở Chile, khi nhắc đến tên nước này, có lẽ cái đọng lại trong chúng ta sẽ là sự coi trọng mạng sống con người của chính quyền Chile, là sự dũng cảm, bình tĩnh của người thợ mỏ Chile, là sự tận tụy, tính chuyên nghiệp của những người cứu hộ nước này. Chắc ý nghĩ có chuyện lợi dụng để đánh bóng tên tuổi chính trị cũng thoáng qua nhưng nó sẽ bị lấn át bởi những hình ảnh ấm áp tình người. Đó chính là thương hiệu quốc gia, xây dựng theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành” (mặc dù đằng sau nó có thể là những chiến dịch truyền thông có tính toán).

Nhìn sang Trung Quốc sau vụ Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa Bình năm nay, hình ảnh còn lại là gì? Có lẽ đầu tiên là sự khó hiểu đối với nhiều người trên thế giới: Sao công dân nước họ được trao giải Nobel mà lại phản đối dữ dội thế? Dư luận thế giới đâu cần biết đến vị thế hóc búa của chính quyền Trung Quốc, khó làm khác được. Và cuối cùng, ấn tượng đọng lại, ở mức tích cực nhất, cũng sẽ là: đất nước này chưa sẵn sàng chia sẻ những giá trị phổ quát của nhân loại về các quyền cơ bản của con người.

Quay về Hà Nội, cảm nhận chung của dư luận về đại lễ 1000 Thăng Long-Hà Nội, chỉ đo lường bằng các bài viết trên báo chí chính thống, là những từ như: lãng phí, không có chiều sâu, ồn ào, đông nghẹt, rác sau lễ hội, sự xuống cấp của văn hóa đô thị… Những cảm nhận tích cực chắc cũng gói gọn vào những từ như: hoành tráng, pháo hoa (nhớ kèm với tai nạn gây chết người), kỷ lục (kèm luôn kỷ lục nghẽn đường)… Đó có phải là một thương hiệu 1000 năm Thăng Long mà Hà Nội muốn xây dựng? Đo lường giữa chi phí và hiệu quả, chúng ta đã có thể đánh giá sự thành công hay thất bại của chương trình này. Ở đây chỉ xin nhấn mạnh, thương hiệu là cái đọng lại trong tâm trí của người dân chứ không phải là ý muốn chủ quan của người xây dựng thương hiệu. Cho nên đừng chủ quan đánh giá ngược lại với cảm nhận của xã hội – sẽ không giúp rút ra bài học gì.

Trở ngược vào Sài Gòn, nơi mà hiện nay nhắc đến, chắc ai cũng nghĩ tới những sự cố gần đây do đường sá Sài Gòn gây ra. Taxi sụp hố, tai nạn thương tâm do nắp cống nhô ra đường, trẻ em và cả người lớn rơi vào hố ga, cống thoát nước tử nạn. Thật ra, cảm nhận lớn nhất của người dân Sài Gòn là đường sá ở đây sau mấy năm chịu cảnh lô cốt mọc giữa đường nay như tấm áo rách bươm được vá chằng chịt. Mặt đường chịu những vết thẹo lồi lõm, mấp mô ổ gà, ổ trâu. Sức chịu đựng của con người thật đáng phục nhưng tâm trí của họ giờ đây cũng hằn những vết sẹo không dễ gì phai về “Hòn ngọc Viễn Đông” ngày nào.

Nhưng khác với Hà Nội là chuyện đã qua, trường hợp Sài Gòn còn cứu chữa được. Nếu chính quyền hiểu ra rằng một trong những nhiệm vụ trọng yếu của họ là quản lý đô thị; một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý đô thị là chăm lo mạng lưới giao thông; để rồi nhanh chóng tái lập mặt đường, lấp ổ gà, ổ voi, rà soát và ngăn chận hiểm họa sụt đường, đây là con đường nhanh nhất lấy lại uy tín của một chính quyền đô thị. Một con đường, chẳng hạn, đường Hai Bà Trưng nối dài xuống Phan Đình Phùng, kéo đến Nguyễn Kiệm mà lấy hết lô cốt, tráng nhựa lại cho đàng hoàng sẽ tạo ra cảm nhận tích cực gấp trăm lần tuyên bố chỉ tiêu GDP hoàng tráng và trong thực tế sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP một cách trực tiếp, chứ bản thân chính quyền đô thị làm gì được với cái GDP địa phương.

Đó chính là xây dựng thương hiệu, đó là cách xóa đi ấn tượng vô cảm của quan chức trong tâm và trí của người dân.

Thứ Tư, 13 tháng 10, 2010

Nên tổ chức tham quan Hungary

Nên tổ chức tham quan Hungary

Lâu nay chúng ta chỉ nghe quan chức nhà nước đi tham quan, học hỏi những điều tốt đẹp trên thế giới (chuyện đi chơi hay đi học thiệt, không bàn ở đây).

Nay Việt Nam đang triển khai hai dự án khai thác bauxite quy mô lớn ở Tây Nguyên trong sự phản đối của nhiều nhà khoa học thì tại Hungary đã xảy ra thảm họa vỡ hồ chứa bùn đỏ là chất thải trong quá trình sản xuất alumina – một thảm họa hóa chất mà hậu quả cho đến nay vẫn chưa lượng định hết được.

Đây chính là cơ hội học hỏi quý báu và kịp thời hơn bao giờ hết. Chủ đầu tư hai dự án ở Tân Rai và Nhân Cơ là tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) nên nhanh chóng tổ chức chuyến đi tham quan vùng Ajka, tìm hiểu cho được vì sao lại xảy ra sự cố vỡ hồ chứa, liệu khả năng này có xảy ra ở Tây Nguyên, cái giá phải trả là gì… Nếu không, sau này không loại trừ chính lãnh đạo tập đoàn bị rơi vào cảnh như ông Zoltan Bakonyi, giám đốc điều hành công ty gây ra thảm họa. Ông này đã bị chính quyền Hungary bắt giam và có khả năng chịu án tù đến mức chung thân.

Quốc hội cũng nên cử một số đại biểu chuyên trách về môi trường đi tìm hiểu về sự cố này ngay tại chỗ. Để xem việc khai thác bauxite có đúng là “tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường”.

Nếu có, đây chính là loại dự án cần phải trình Quốc hội quyết định đầu tư theo Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội đã nói rõ tại điều 2 có đoạn trích ở trên.

Trước đây TKV có nói rất chắc ăn là “TKV đang tiếp cận các công nghệ sử dụng bùn đỏ làm nguyên liệu chế biến ra các sản phẩm công nghiệp khác. Theo đó, tùy theo năng lực, điều kiện và yêu cầu của một số ngành công nghiệp, bùn đỏ có thể sẽ được chế biến thành các nguyên - vật liệu dùng để làm chất phụ gia trong xi măng, vật liệu làm đường giao thông, vật liệu xây dựng...” (TTXVN).

Rồi Bộ Tài Nguyên – Môi trường “khẳng định việc tiếp cận các công nghệ mới để biến bùn đỏ từ chất thải độc hại thành nguồn nguyên liệu cho các ngành công nghiệp là một hướng đi rất đúng cần phải làm ngay và làm thật tốt trên tinh thần sáng tạo “con nhà nghèo nhưng hiệu quả cao”” (TTXVN).

Nếu đúng vậy thì một công đôi chuyện, TKV vừa tham quan, rút ra bài học cho mình, vừa “chuyển giao công nghệ” xử lý bùn đỏ như thế cho Hungary. Chắc Hungary sẽ mừng lắm!

Thứ Ba, 12 tháng 10, 2010

Bên lề giải Nobel Kinh tế

Bên lề giải Nobel Kinh tế

Chỉ một từ “search frictions” xuất hiện trong các bản tin về giải Tưởng niệm Nobel Kinh tế năm nay, đã có rất nhiều cách dịch trên báo chí Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ dịch là “những chuyển đổi tìm kiếm”; Báo Thanh Niên, Tiền PhongVnEconomy để nguyên “search friction”; Báo Người Lao Động để nguyên rồi mở ngoặc ghi “tương tác tìm kiếm”, tờ Sài Gòn Tiếp thị cũng dùng cách này nhưng làm ngược lại, viết “những phương pháp đối chiếu kết quả tìm kiếm” xong rồi mới mở ngoặc chú thích là search frictions; Vietnamnet dịch thành “lực ma sát tìm kiếm”.

TBKTSG Online diễn giải thành “những va chạm trong tìm kiếm”. Báo Lao Động cũng dùng cách diễn giải – “độ vênh trên thị trường”. Báo Sài Gòn Giải Phóng diễn giải dài nhất: “các yếu tố ma sát (từ mà chuyên ngành kinh tế dùng để gọi các yếu tố trung gian, các trở ngại về không gian và thời gian)”. Dân Trí chọn cách mô tả: “các thị trường có xung đột về tìm kiếm”…

Không thể nói báo này đúng, báo kia sai. Ngay chính bản tin của VOA là nơi chuyên dịch tin từ tiếng Anh sang tiếng Việt cũng để nguyên cụm từ search frictions; BBC, RFA, RFI chọn cách bỏ qua cụm từ này.

Vấn đề là gặp những từ mới như thế, cách hay nhất là hiểu nó rồi giải thích theo cách của mình, sao cho mục đích cuối cùng là làm bạn đọc hiểu đúng.

Kinh tế thị trường vận hành dựa vào quy luật cung cầu. Một người bán báo tại một sạp ven đường, chẳng hạn, sẽ quan sát, đo lường nhu cầu mua báo để nhận đúng số báo bán được hàng ngày, cũng như nhận đúng loại báo cho các nhu cầu khác nhau của người mua. Ở đây chất lượng giấy hay chất lượng in ấn từng tờ báo cùng loại không đóng vai trò gì đáng kể.

Nhưng thị trường không phải lúc nào cũng toàn các sản phẩm và dịch vụ đồng nhất như thế. Trên thị trường địa ốc, nhà rao bán đủ loại, đủ kiểu, người mua phải đi tìm, phải xem từng căn nhà, săm soi từng ưu khuyết điểm trước khi quyết định mua. Người bán cũng phải tìm cách tìm cho ra người mua phù hợp với căn nhà đang muốn bán. Thị trường xe hơi cũ cũng vậy.

Những thị trường loại này được gọi chung là thị trường tìm kiếm (search markets), với lao động là thị trường tiêu biểu nhất. Tìm kiếm như thế chắc hẳn sẽ gặp nhiều trở ngại. Ví dụ tôi cần tuyển một người giữ trẻ nhưng không biết tìm ở đâu, quảng cáo thì tốn kém, chắc gì người tôi cần tìm đọc đúng loại báo đó; ngược lại, người muốn tìm công việc giữ trẻ cũng không biết tìm việc ở đâu, không biết chủ nhà có máu dê hay không. Những trở ngại đó được gọi chung là search frictions, dịch bằng khái niệm gì cũng được như trở ngại, xung đột, va chạm, trục trặc, ma sát… trong tìm kiếm. Chúng là những vách ngăn, những vật cản trên thị trường làm người mua người bán không tự động tìm thấy lẫn nhau.

Thật ra những trở ngại trong tìm kiếm đó phức tạp hơn nhiều chứ không phải là chuyện bất đối xứng thông tin nói trên. Ví dụ, chính sách trợ cấp thất nghiệp (có thể làm méo mó cung cầu), kỹ năng của người tìm việc (kỹ năng cao dễ kiếm việc làm hơn nhưng cũng eo xèo tiền lương nhiều hơn), độ mở của thị trường thể hiện ở cách thức sa thải và tuyển dụng của các công ty (thất nghiệp ở châu Âu thấp hơn Mỹ cũng nhờ yếu tố này), tình hình thất nghiệp do chu kỳ kinh tế (suy thoái chắc hẳn kéo theo thất nghiệp nhiều) hay thất nghiệp do cấu trúc thị trường (sự bất tương xứng về cung cầu cho một kỹ năng nào đó), mối quan hệ giữa mức độ công việc có sẵn và mức độ thất nghiệp…

Giải Tưởng niệm Nobel năm nay trao cho Peter A. Diamond, Dale T. Mortensen và Christopher A. Pissarides chính là nhờ những nghiên cứu của họ về những trở ngại đó.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Cấm được không?

Cấm được không?

Khi đưa tin về Nghị định 102 vừa mới ra đời nhằm hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, nhiều báo nhấn mạnh Điều 14 như một trong những nội dung quan trọng. Điều này quy định: “Cấm cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng”.

Thật ra nội dung này không có gì mới. Nó đã được nêu rõ trong Nghị định 139 ban hành từ năm 2007 mà nay được thay thế bởi Nghị định 102 mới nói trên.

Ở đây xin mở cái ngoặc. Nhiều phóng viên đưa tin này cũng nhấn chuyện tập đoàn (không có tư cách pháp nhân, cách sử dụng từ tập đoàn trong tên gọi…) như thể đó là tin trong khi những nội dung ấy cũng đã được quy định y như vậy trong Nghị định 139 từ năm 2007. Lẽ ra khi làm tin, phóng viên nên đối chiếu cái mới với cái cũ để xem chúng có khác gì nhau không và đó mới chính là yếu tố tin.

Trở lại chuyện cấm, cả hai nghị định đều viết khá rõ ràng:

1. Nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản của Nhà nước và công quỹ để thành lập doanh nghiệp, góp vốn và mua cổ phần của doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

2. Tài sản của Nhà nước và công quỹ quy định tại Điều này bao gồm:

a) Tài sản được mua sắm bằng vốn ngân sách nhà nước và vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước;

b) Kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước;

c) Đất được giao sử dụng để thực hiện chức năng và nhiệm vụ theo quy định của pháp luật;

d) Tài sản và thu nhập khác được tạo ra từ việc sử dụng các tài sản và kinh phí nói trên.

3. Thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình là việc sử dụng thu nhập dưới mọi hình thức có được từ hoạt động kinh doanh, từ góp vốn, mua cổ phần vào ít nhất một trong các mục đích sau đây:

a) Chia dưới mọi hình thức cho một số hoặc tất cả cán bộ, nhân viên của cơ quan, đơn vị;

b) Bổ sung vào ngân sách hoạt động của cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;

c) Lập quỹ hoặc bổ sung vào quỹ phục vụ lợi ích riêng của cơ quan, đơn vị.

Vấn đề ở chỗ quy định đã có từ năm 2007, không biết có ai theo dõi xem trong thực tế nó có được thực thi không, có cơ quan nào vi phạm không, việc xử lý các cơ quan đã lỡ vi phạm từ trước như thế nào. Nay có thêm một nghị định mới, khẳng định các điều cấm nói trên, liệu tình hình có chuyển biến gì không hay vẫn cứ để vi phạm xảy ra. Chuyện vi phạm chắc chắn là có, ít nhất là trong việc sử dụng đất được giao để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước hay đơn vị thuộc lực lượng vũ trang “để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng”.

Ngoài ra còn một khe hở rất lớn mà Luật Doanh nghiệp hay nghị định mới chưa bao quát được. Đó là vô số các đơn vị sự nghiệp thuộc các cơ quan nhà nước, không chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, đang “sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước để góp vốn, mua cổ phần và thành lập doanh nghiệp để thu lợi riêng”. Chưa biết bao giờ mới có một nghị định bịt khe hở này.

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Đánh giá sách học tiếng Anh của nhóm Cánh Buồm

Đánh giá sách học tiếng Anh của nhóm Cánh Buồm

Tôi rất trân trọng nỗ lực của nhóm Cánh Buồm khi tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa như bước khởi đầu để cải cách toàn diện nền giáo dục nước ta. Bước khởi đầu lúc nào cũng gian nan và dễ có sai sót. Vì thế xin được góp ý cho nhóm Cánh Buồm về cuốn “Sách học tiếng Anh lớp 1” một cách thẳng thắn chỉ mong sao giúp được nhóm những ý kiến hữu ích.

Với sách giáo khoa, yêu cầu đầu tiên là tính chính xác. Ở góc độ này, “Sách học tiếng Anh lớp 1” còn nhiều sai sót. Ví dụ trang 97 có câu sai: “The flowers is pretty.” Trang 105 cũng có câu sai tương tự “Where’s the pictures?”. Cho dù có là lỗi đánh máy thì sách giáo khoa mà sai như thế là không thể được, phải tìm cách đính chính ngay cho người mua.

Còn loại sai do người viết cũng khá nhiều. Ví dụ ngay trang 9 có câu: “In the sea, animals moving free!” Đây là câu sai ngữ pháp nên tôi phải tìm câu gốc của nó xem sao. Hóa ra tác giả (là Meish Goldish chứ không phải Moish Goldish như sách ghi) viết nguyên văn là “What do you see in the sea?/ Animals moving free!” Câu đầu là câu hỏi, câu sau là trả lời (vì thế hiểu ngầm phần “I see…”) thì câu sau mới đúng tiếng Anh chứ.

Sách có rất nhiều câu tiếng Anh không chuẩn (người Anh họ không nói hay viết như thế) như câu “No, I can not. I’m sleepy.” (trang 22); “You are looking lovely today!” (trang 42); “Do you know how to count?/ For what?” (trang 54); “I have two tickets… For the concert tomorrow./ For you and I?” (trang 66)…

Thứ hai, từ góc độ người dùng có những mẫu câu không biết sẽ dùng như thế nào. Ví dụ câu hỏi “Who is it?” (trang 74). Bởi vì ở dưới toàn là những câu nói về người như “I am a student. She is a student…” Đến trang 83 mới quay lại mẫu câu “What is it? It is a cat.” Hay trang 105 có yêu cầu đặt câu hỏi và trả lời theo mẫu: “Where’s the mother? Where’s the mother? Here I am. I’m next to the grandfather…” Nhưng 5 câu ở dưới lại có khi là người như “Where is Mary?” rồi chuyển qua vật “Where’s the cat?” hay thậm chí đồ vật “Where’s the pictures?” (câu này sai ngữ pháp). Các bạn cứ thử làm học sinh lớp 1 để xem có làm được theo mẫu không?

Quan trọng hơn, sách được biên soạn sai phương pháp.

Có thể kết luận sau khi xem “Sách học tiếng Anh lớp 1” là các tác giả đang dạy học sinh VỀ tiếng Anh chứ không phải dạy tiếng Anh cho các em. Vì thế các tác giả nhấn mạnh ngay từ bài 1 sự khác biệt giữa tiếng Việt và tiếng Anh, rồi dạy cho các em số ít số nhiều, sự khác nhau giữa a/an với the, vị trí của tính từ… Trời đất, các em lớp 1 mà học thế thì làm sao học cho vô.

Chúng ta đều biết học ngoại ngữ có nghĩa là học bốn kỹ năng nghe nói đọc viết theo đúng trật tự này. Với các em lớp 1, học tiếng Anh chủ yếu là nghe nói thôi, và nghe nói chủ yếu thông qua các bài hát, các câu thơ, các câu hò vè của trẻ em người Anh. Cứ dạy các em học thuộc lòng các bài hát hay các câu thơ như thế để qua đó dạy cho các em cách phát âm chứ ai lại dành nguyên phần đầu cuốn sách bắt các em luyện từng âm, kể cả âm khó như watch, bridge, earth… một cách riêng lẻ.

Chúng ta cũng đều biết việc học ngoại ngữ là phải gắn từ vào trong câu có ý nghĩa, chứ không thể học từng từ riêng lẻ hay câu không tự nhiên. Thế nhưng sách chứa đầy loại câu này. Ví dụ trong bài Năm “Tính từ tiếng Anh”, mẫu 2: “Tính từ không thay đổi hình thái” trang 81, tác giả đưa ra câu mẫu: “What is it? It is one yellow pen. What are they? They are two yellow pens.” rồi bắt các em “hãy sử dụng những tính từ trên và miêu tả” với “mother, father, uncle, dog, tooth…”. Các em hay phụ huynh chắc sẽ vò đầu bứt tai vì biết làm sao đây để áp dụng câu mẫu mà miêu tả. Tôi cũng chịu.

Tóm lại, tôi cho rằng “Sách học tiếng Anh lớp 1” chưa đạt yêu cầu để sử dụng. Nhóm biên soạn nên chỉnh sửa và phải chỉnh sửa nhiều, thậm chí là viết lại toàn bộ.

Bài đăng phổ biến