Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Nhầm lẫn về dự án bauxite

Nhầm lẫn về dự án bauxite

Cho dù thoạt kỳ thủy dự án khai thác bauxite là chủ trương của Nhà nước nhưng một khi đã giao nó cho Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư thì vai trò của các bộ ngành phải khác.

Ví dụ Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải xem đây là dự án mà mình có vai trò giám sát. Đó là vai trò bình thường của bộ này với bất kỳ dự án nào. Chưa gì Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã cam đoan các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên là đảm bảo an toàn. Khi trả lời phỏng vấn báo chí (bài đăng trên SGTT), ông Phạm Khôi Nguyên nói: “Chúng tôi chia ra từng lô, mỗi lô 5ha, kín đầy từng lô và đảm bảo an toàn mới chuyển sang lô khác”. Sao lại có chuyện “chúng tôi” ở đây. Vai trò của ông là một người đứng bên ngoài, khách quan, để công tâm mà giám sát chứ ông không phải là một thành phần của dự án khai thác. Không nên nhầm lẫn về vai trò của một cơ quan nhà nước.

Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng vậy. Trước khi rót tiền vào các dự án làm đường tránh, phục vụ khai thác và vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên về Đồng Nai hay Khánh Hòa thì tự mình phải tính toán chi phí bỏ ra như thế có đáng với lợi ích kinh tế thu về hay không. Chức trách của một bộ buộc họ phải lên tiếng phản đối nếu không có hiệu quả, có hại cho ngân sách nhà nước.

Đến nay có lẽ ai cũng đã thấy tác hại môi trường tiềm ẩn của các dự án khai thác bauxite như đã có dịp bùng phát ở Hungary. Vấn đề là làm sao giải quyết êm đẹp các dự án tương tự ở Việt Nam.

Tôi nghĩ có thể dựa vào các văn bản chính thức để dừng ngay một trong hai dự án. Kết luận của Bộ Chính trị ngày 24-4-2009 trong Thông báo số 245- TB/TW có ghi rõ: “Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Đây là cơ sở để các bộ đánh giá khách quan về hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, công khai trước công luận để mọi người phản biện. Nếu chưa làm được việc này thì không thể tiến hành dự án Nhân Cơ. Còn một khi thấy hiệu quả kinh tế không bảo đảm, khả năng gây thảm họa môi trường cao thì cứ theo kết luận này để chấm dứt dự án.

Với dự án Tân Rai thì khó hơn. Nhưng kết luận nói trên cũng nhấn mạnh: “Khẩn trương lập báo cáo môi trường chiến lược và báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp”. Nếu các bộ ngành thật sự quan tâm đến lợi ích lâu dài của đất nước, sự an nguy của người dân, nên làm đúng theo chủ trương này để công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tân Rai để mọi người dân có thể giám sát. Và nếu công luận đưa ra những phân tích cho thấy tác động môi trường là quá xấu, chẳng hạn, thì phải điều chỉnh và điều chỉnh cũng có nghĩa có thể ngưng lại nếu cái giá phải trả là quá đắt.

Bổ sung: Một số bạn hỏi nguồn của con số lợi nhuận gộp lọc dầu Singapore trong bài trước "Những câu hỏi cho Dung Quất". Có thể đọc tin ở đây (In the same period, the benchmark SingaporeComplex GRM lost $1.2 per barrel and stood at $3.7 – cùng kỳ ở đây là quý II-2010).

Hay tin này cập nhật hơn (Average Singapore gross refining margins (GRMs) have improved in the September quarter to $4.2 (Rs 186.48) per barrel compared with $3.7 per barrel in the June quarter).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến