Vì sao vốn chủ sở hữu của ngân hàng giảm mạnh?
Giả thử bạn có 100 đồng, đem đi cho vay, 100 đồng đó là tài sản của bạn. Giả thử tiếp người vay vì lý do nào đó, không thể trả nợ, bạn mất 100 đồng, tài sản giảm tương ứng.
Đối với giới ngân hàng, sự việc không đơn giản như vậy, 100 đồng nợ xấu đó họ vẫn xem là tài sản nhưng để phản ánh đúng thực tế là nợ không đòi được nữa rồi, họ mới thêm một khoản mục gọi là “dự phòng rủi ro”, âm 100 đồng. Có một mục âm như thế nên tài sản giảm đi và vốn chủ sở hữu cũng giảm tương ứng trên bảng cân đối kế toán.
Về chuyện tính toán, anh Lê Hồng Giang có viết một bài giải thích cặn kẽ ở đây và ở đây. Anh Vũ Quang Việt cũng có một bài về vấn đề này trên TBKTSG số ra tuần này.
Có thể rút ra một số nhận định từ nội dung nói trên.
- Dự phòng rủi ro chính là (sự phản ánh) nợ xấu (con số có thể không khớp nhau, nợ xấu thường cao hơn dự phòng bởi nợ tỷ lệ trích lập khác nhau, chưa kể giá trị thế chấp được khấu trừ; dự phòng cũng có thể cao hơn nếu tính cả dự phòng chung 0,75% cho mọi khoản vay).
- Dự phòng rủi ro không phải là một khoản tiền mặt bỏ vô một quỹ nào cả. Nó chỉ là một quy định kế toán và là số âm.
- Dự phòng rủi ro tăng có nghĩa nợ xấu tăng chứ không phải như người ta thường nhầm (trích lập dự phòng rủi ro làm giảm nợ xấu) bởi trích lập dự phòng rủi ro có nghĩa là ngân hàng thừa nhận khoản đó là nợ xấu, còn một khi chưa trích lập dự phòng thì chưa có nợ xấu.
- Nếu có công ty mua bán nợ, giả thử theo như đề xuất của NHNN, mua nợ xấu bằng mệnh giá thì dự phòng rủi ro từ con số âm trở thành con số dương (là trái phiếu mà công ty mua bán nợ trả cho ngân hàng để lấy nợ xấu). Lúc đó vốn chủ sở hữu ngân hàng được hoàn nhập, tăng trở lại theo mức tăng tài sản.
Đối với dân ngoại đạo, không chuyên về tài chính, ngân hàng như chúng ta thì không biết những điều trên cũng chả sao cả. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là một số vị được mệnh danh là chuyên gia ngân hàng, tài chính cũng phát biểu rất là… thiếu chính xác.
Một chuyên gia ngân hàng nói: “Trích lập dự phòng rủi ro là một giao dịch phi tiền mặt… Số tiền trích dự phòng là một cách hạch toán những khoản lỗ có khả năng xảy ra, số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng và không mất đi đâu cả mà nó hình thành một quỹ bảo hiểm cho ngân hàng. Khi có thiệt hại, ngân hàng sẽ lấy quỹ đó để bù đắp, tránh ảnh hưởng quá lớn tới kết quả kinh doanh các kỳ sau”.
Ở trên ông này nói “giao dịch phi tiền mặt” nhưng ở dưới lại nói “số tiền này vẫn nằm trong ngân hàng và không mất đi đâu cả mà nó hình thành một quỹ bảo hiểm cho ngân hàng” thiệt là mâu thuẫn. Như chúng ta đã thấy trích lập dự phòng rủi ro đúng là giao dịch phi tiền mặt nên làm gì có tiền đâu, từ quỹ nào mà bù đắp cho nợ xấu.
Một chuyên gia khác nói, nợ xấu giảm từ 8,6% xuống còn 6% là do các ngân hàng đã xử lý các khoản nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Như ở trên đã nói, nợ xấu thể hiện ra dưới hình thức trích lập dự phòng rủi ro nên không thể lấy con số trích lập dự phòng của các ngân hàng trừ đi nợ xấu để nói tổng nợ xấu đã giảm được từng ấy, từng ấy.
Nói cách khác khi thấy tuyên bố: Nguyên nhân chính khiến nợ xấu giảm là do các ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo quy định thì chúng ta biết ngay chuyên gia này nói sai, nói ngược rồi, trừ phi ngân hàng xóa nợ.
Vấn đề khác, hấp dẫn hơn, là vì sao tài sản của các ngân hàng giảm mạnh, sụt đến 102.000 tỷ đồng trong tháng 1-2013? Vốn chủ sở hữu của ngân hàng cũng giảm, thoạt tiên báo cáo giảm 32.000 tỷ đồng, sau đó NHNN đính chính, chỉ giảm 16.300 tỷ đồng.
Nếu đọc lại phần đầu, chúng ta có thể kết luận ngay tài sản giảm là do ngân hàng thừa nhận nợ xấu, ghi nhận một mất mát là dự phòng rủi ro (con số âm làm giảm tài sản). Dĩ nhiên là có những nguyên nhân khác nữa như vàng huy động không còn được xem là tài sản nhưng kèm theo việc tài sản giảm, con số trích lập dự phòng tăng trong thực tế. Vậy thì trích lập dự phòng rủi ro tăng tức nợ xấu tăng, chứ tại sao lại tuyên bố nợ xấu đã giảm từ 8,6% xuống còn 6%?
Và vì sao bỗng dưng ngân hàng chịu thừa nhận nợ xấu để rồi phải giảm tài sản, giảm vốn chủ sở hữu? Bởi NHNN đã có kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ, sẽ mua nợ của ngân hàng bằng với mệnh giá trả bằng trái phiếu. Nếu được vậy, ngân hàng sẽ được quyền hoàn nhập trích lập dự phòng rủi ro, âm trở thành dương, vốn chủ sở hữu trước bị trừ nay được cộng trở lại. Ai chậm chân không khai nợ xấu mất cơ hội ráng chịu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét