Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Biên dịch, biên tập các đài truyền hình nước ngoài


Biên dịch, biên tập các đài truyền hình nước ngoài
Kênh VTV4 của Đài Truyền hình Việt Nam một hôm bỗng nhận thông báo từ những quốc gia họ đang phủ sóng (nghe đâu là toàn cầu) buộc VTV4 phải dịch tất cả các chương trình từ tiếng Việt sang ngôn ngữ bản địa, rồi phải nộp băng hình trước để một cơ quan của nước họ biên tập sau đó mới được phát hình. Đối diện với một khoản chi phí khổng lồ, Ban Giám đốc VTV quyết định rút lui khỏi các nước đưa ra yêu cầu này.
Đây chỉ là một chuyện giả tưởng nhưng nó giúp chúng ta hình dung được tình cảnh của các chương trình truyền hình nước ngoài đang gánh chịu ở nước ta.
Kể từ ngày 15-5-2013, các chương trình truyền hình nước ngoài muốn phát sóng ở Việt Nam phải được biên tập và biên dịch. Trước khi xem thử một quyết định như thế có lợi gì không, có lẽ nên làm rõ một số hiểu nhầm:
-          Theo quy định cũ, hầu như mọi chương trình đều phải biên dịch 100% sang tiếng Việt nhưng sau đó có điều chỉnh, miễn trừ việc dịch cho chương trình tin tức, khoa học và giáo dục, ca nhạc, thể thao. Cho nên nói phải cắt kênh CNN hay BBC vì không biên dịch là không chính xác.
-          Nhưng yêu cầu biên tập thì vẫn giữ nguyên cho mọi kênh. Mà việc biên tập phải được thực hiện ở các cơ quan nhà nước được cấp giấy phép biên tập (hiện nay chỉ có Đài Truyền hình và Thông tấn xã Việt Nam).
-          Biên tập ở đây là làm chậm lại chương trình phát sóng khoảng 30 phút, có người xem trước để bảo đảm nội dung không có gì vi phạm luật lệ.
Theo tôi thì không nên có yêu cầu biên dịch, biên tập gì các chương trình truyền hình nước ngoài cả. Chuyện biên dịch thì nếu có nhu cầu từ thị trường, ngay lập tức các đài phải tự lo mà biên dịch và chạy phụ đề như đã từng làm từ mấy năm nay rồi. Chi phí dịch phim truyện có thể không cao (vì có thể lấy file cũ có sẵn trên Internet) nhưng dịch các chương trình phóng sự, tài liệu là đắt lắm lại khó tìm người dịch cho có chất lượng. Việc biên tập cũng vậy, báo chí trong nước không hề có chuyện kiểm duyệt trước thì truyền hình nước ngoài mà áp dụng cái cách kiểm duyệt này nó phản cảm lắm. Thử tưởng tượng các đài CNN hay BBC mà biết chương trình của họ bị “săm soi” để cắt bỏ những đoạn nhạy cảm như thế thì ai mà cho phát. Ở đây nên áp dụng lý thuyết trò chơi, các nơi chịu trách nhiệm tự lo để khỏi bị phiền phức về sau.
Chỉ cần lập luận như thế này sẽ thấy không nên áp dụng quy định này. Hiện nay nội dung các chương trình truyền hình như thế đều có thể tiếp cận qua Internet. Tin từ CNN trên Internet làm sao ai mà bắt biên tập biên dịch được; vì sao lại phải loay hoay với chương trình phát trên sóng, ít người xem, chủ yếu là người nước ngoài và một số người Việt biết tiếng Anh.
Cũng bởi thế nên có kênh làm đúng quy định, tức đợi cấp giấy phép biên tập rồi mới phát; có nơi phớt lờ quy định. Kiểu luật lệ làm cho có, không thực thi nghiêm minh, lúc làm lúc không như thế này làm sút giảm hiệu lực quản lý nhà nước.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến