Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Bất ngờ từ ngân sách nhà nước

Bất ngờ từ ngân sách nhà nước

Bài này được viết vì từ lâu đã có cảm giác người lo chuyện thu ngân sách nhà nước hình như thích lạm phát cao, nhập siêu cao, thích bong bóng địa ốc cứ phồng to ra… Bởi đây là những yếu tố giúp tăng thu ngân sách mà không cần nhấc đầu ngón tay gì cả. Đi sâu tìm số liệu công khai khá đầy đủ trên website của Bộ Tài chính thấy những điều này là có cơ sở. Năm nào lạm phát cao, nhập siêu cao, năm đó thu ngân sách càng tăng mạnh.

Từ năm 2012, nhất là năm 2013 hiện nay, các yếu tố như lạm phát, nhập siêu, tiền sử dụng đất không còn cao nữa – thế là hụt thu ngân sách!

Lập luận ở trên có thể nghe rất chỏi tai với nhiều người – cũng có thể không có mối quan hệ nhân quả giữa hai chuyện đó – nhưng đây là một thực tế rất đáng theo dõi. Đọc toàn bài theo đường dẫn:



Tỷ giá và chiếc tăm tre
Tuần trước, TBKTSG tổ chức một cuộc bàn tròn qua mạng về tỷ giá. Vấn đề đặt ra là một giả định:
“Giả thử lạm phát một năm nào đó là 25% và tỷ giá năm đó hầu như không thay đổi. Tôi là một người sản xuất tăm tre trong nước. Theo tốc độ tăng giá chung, có lẽ giá bán của tôi sau một năm cũng phải tăng 25% vì các chi phí đầu vào nội địa tăng kể cả lương, điện, nước, nguyên liệu, vận chuyển…
Ngược lại, bạn tôi nhập tăm tre về bán. Vì tỷ giá không đổi, giá tăm ở nước ngoài không đổi nên bạn tôi có thể giữ nguyên giá, hoặc tăng ít hơn và sẽ cạnh tranh gay gắt với tôi.
Đây chỉ là một giả định nhưng thực tế nhiều năm qua quả là như vậy (tính từ tháng 7-2007 đến tháng 7-2013, chỉ số giá tiêu dùng tăng 99,57%; trong cùng thời gian đó, tỷ giá đô-la Mỹ/tiền đồng chỉ tăng 24,2%) thì có phải tình hình như thế đang gây áp lực cạnh tranh giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu hàng về bán? Chẳng mấy chốc hầu như mọi doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa nhập khẩu về giá nên sản xuất đình trệ, hàng tồn kho tăng, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng sản xuất?”
Bàn tròn với sự tham gia của các anh Trần Ngọc Thơ, Lê Hồng Giang, Phạm Thế Anh, Phan Minh Ngọc, Hồ Quốc Tuấn đã đưa ra những kiến giải đáng lưu ý chung quanh chuyện tỷ giá này. Xin mời mua tờ TBKTSG để đọc chi tiết hoặc đăng ký và vào xem dạng epaper theo đường dẫn bên dưới.
Tuy nhiên ở đây xin cung cấp thêm một con số do Tổng cục Thống kê vừa công bố (không đưa vào bàn tròn nói trên): Nhập siêu tám tháng năm 2013 là 577 triệu USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 8,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 7,8 tỷ USD.
Rõ ràng với chính sách tỷ giá như hiện nay các doanh nghiệp trong nước cứ nhập hàng về bán chứ sản xuất làm gì cho mệt (nên mới nhập siêu đến 8,4 tỷ USD)! Còn vì sao các doanh nghiệp FDI vẫn xuất siêu đến 7,8 tỷ USD?
Chuyện Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị TPHCM lãnh lương 2,6 tỉ đồng/năm là cá biệt (lương ông này như vậy là còn ngon hơn lương giám đốc ở Mỹ nữa đó) nhưng rõ ràng chi phí tiền lương ở các doanh nghiệp trong nước đã tăng nhanh trong nhiều năm qua. Lương của giới quản lý tương đương vài ba ngàn đô-la là phổ biến. Cấp cao hơn thì cả trăm ngàn đô-la một năm. Nhưng thử nhìn vào lương của công nhân ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu trước đây lương của họ tương đương 100 đô-la nay tăng lên 200 đô-la thì nhà đầu tư nước ngoài nào chịu thấu – nhưng với thực tế lạm phát như mấy năm qua, mức lương từ dưới 2 triệu nay lên trên 4 triệu cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Cho nên xung đột lương đã và sẽ còn căng thẳng ở khu vực này.
Nói cách khác chi phí sản xuất (trong đó có lương) ở doanh nghiệp trong nước tăng nhanh do lạm phát, do các loại bong bóng nhà đất, chứng khoán tác động vào nhưng bị kiềm chế mạnh ở doanh nghiệp FDI do tỷ giá. Chi phí tài chính cũng vậy (vay trong nước so với vay ở nước ngoài). Vậy doanh nghiệp FDI còn tận dụng được giá công nhân rẻ thêm một thời gian nên vẫn còn xuất siêu lớn. Còn tương lai, họ sẽ tận dụng thêm tài nguyên giá rẻ, hàng nông sản còn thấp, nguồn vốn rẻ, mạng lưới khách hàng… Không biết doanh nghiệp trong nước lúc đó cạnh tranh bằng gì?


Hủy diệt và sáng tạo

Các loại hình nhắn tin, điện thoại miễn phí bằng các phần mềm như Viber, WhatsApp, Zalo... đang đe dọa doanh thu của các công ty viễn thông. Bởi các mạng di động này hiện vẫn là doanh nghiệp nhà nước, doanh thu của họ bị sụt giảm, có nghĩa thu nộp ngân sách bị ảnh hưởng. Vì thế, không chỉ các mạng viễn thông mà Chính phủ cũng đang tìm cách có chính sách quản lý thích ứng với các dịch vụ liên lạc miễn phí qua Internet.

Nếu áp dụng kinh nghiệm quá khứ vào tình hình hiện tại, có thể nói cách đối phó tốt nhất không phải là tìm cách quản lý mà là thay đổi tư duy, động não suy tính để sáng tạo ra mô hình kinh doanh mới, trong đó chấp nhận các dịch vụ miễn phí này như một xu hướng không thể tránh được của công nghệ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến