Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Có mấy Vinashin?

Có mấy Vinashin?

Có một hiểu nhầm dai dẳng về cụm từ “tập đoàn kinh tế” kéo dài mãi cho đến nay do chính sự lỏng lẻo trong quy định đặt tên doanh nghiệp. “Tập đoàn kinh tế” thường được hiểu theo nghĩa là nhóm công ty liên kết dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, được hình thành theo một quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ mang tính thí điểm. Nhưng đồng thời “tập đoàn kinh tế” còn bị nhầm sang công ty mẹ bởi khi thành lập, công ty mẹ cũng được mang danh tập đoàn, gây ra những hiểu nhầm và sai lệch. Trong khi “tập đoàn kinh tế” theo nghĩa đầu tiên không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp, “tập đoàn kinh tế” theo nghĩa thứ nhì có tư cách pháp nhân, được đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Lấy ví dụ, với tập đoàn Vinashin, có hai quyết định thành lập liên quan. Đầu tiên là Quyết định 103/2006/QĐ-TTg, ngày 15-5-2006 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, phê duyệt đề án thí điểm hình thành tập đoàn Vinashin, trong đó liệt kê rõ công ty mẹ là ai, các công ty con gồm những doanh nghiệp nào... Trong cùng ngày đó, với Quyết định 104/2006/QĐ-TTg cũng do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, công ty mẹ được thành lập, lại được cho phép mang tên “Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam” tức là tập đoàn Vinashin trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Thế là từ đó tập đoàn Vinashin ra đời, ai ưa hiểu Vinashin nào cũng được: Vinashin là cái tập đoàn mang tính thí điểm cũng đúng mà Vinashin là tập đoàn công ty mẹ cũng không sai. Chỉ có điều cái Vinashin đầu, do không có tư cách pháp nhân, nên hầu như không được ký kết, vay mượn hay đứng ra làm gì chính thức cả. Tất cả đều do Vinashin sau làm nhưng lấy danh nghĩa Vinashin đầu. Quy mô, bộ máy của hai cái này khác nhau.

Sau này khi tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải đăng ký lại để hoạt động dưới một Luật Doanh nghiệp chung thì công ty mẹ được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng vẫn được mang tên “Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam” như cũ (Quyết định 984/QĐ-TTg, ngày 25-6-2010 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký).

Dù sao chuyện nhầm lẫn giữa hai thực thể này cũng đã qua. Vấn đề là nay giải thể tập đoàn Vinashin có nghĩa là sao?

Chuyện này đã có tiền lệ. Năm ngoái khi kết thúc thí điểm hai tập đoàn ngành xây dựng gồm Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), Thủ tướng Chính phủ đều ra quyết định kết thúc thí điểm. Quyết định kết thúc thí điểm có hai nhiệm vụ về mặt pháp lý: một là chấm dứt việc thí điểm hình thành tập đoàn và hai là giao Bộ chủ quản bên dưới thành lập tổng công ty trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ (mang tên tập đoàn).

Nay với Vinashin, cũng phải trải qua bước thủ tục này. Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định chấm dứt việc thí điểm (tức xóa bỏ Quyết định 103 cũ) và giao Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (tức xóa Quyết định 104 cũ).

Tuần trước khi Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định thành lập doanh nghiệp mới mang tên SBIC thay chỗ cho Vinashin (dù tên tiếng Việt chỉ đổi từ tập đoàn thành tổng công ty) chính là bước thứ nhì nói trên trong khi bước thứ nhất chưa có. Nhiều nguồn tin nói việc này đã được thực hiện trong Quyết định 2108/QĐ-TTg ngày 18-11-2010 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.

Dù sao đây chỉ là bước thủ tục. Điều quan trọng là kể từ khi có chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước vào năm 2005 đến nay đã 8 năm, từ chỗ 12 tập đoàn kinh tế lần lượt ra đời rồi 3 tập đoàn đã giải thể, chưa hề có một sự tổng kết chính thức về mô hình thí điểm này. Thiết nghĩ trước khi giảm số lượng các tập đoàn còn chừng 5 hay 7 cái như chủ trương đã công bố, cần tổng kết cái được và cái không được của mô hình. Đặc biệt rút kinh nghiệm hai chuyện: 1/chuyện Vinashin nhận tiền vay của nước ngoài (600 triệu đô-la) và tiền Chính phủ bán trái phiếu quốc tế giao cho Vinashin (750 triệu đô-la) về chia nhau giữa công ty mẹ và công ty con như thế nào; và 2/việc nhầm lẫn giữa hai thực thể, cái khái niệm tập đoàn không có tư cách pháp nhân và thực thể tập đoàn là công ty mẹ để ngay lập tức chấn chỉnh các tập đoàn hiện đang còn tồn tại. Ít nhất là việc đặt tên, phải tách bạch để khỏi gây nhầm lẫn trong giao dịch.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến