Vàng và hai cô gái
Sách vừa được NXB Trẻ phát hành. Xin giới thiệu nội dung tóm tắt qua lời giới thiệu ba phần của cuốn sách.
Phần 1: Thịnh suy toàn cầu hóa
Trước lúc Việt Nam gia nhập WTO, có thể nói toàn cầu hóa là một khái niệm thời thượng trong một thời gian dài, được phổ biến bởi các cuốn sách bán chạy như “Thế giới phẳng”, “Chiếc Lexus và cây Ôliu” của Thomas Friedman. Ai cũng rao giảng về toàn cầu hóa như một liều thuốc thần kỳ hứa hẹn chữa hết mọi căn bệnh của nhân loại như nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, bất công, thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế.... Cùng với sự bùng nổ của thương mại quốc tế, việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng như cơ sở sản xuất hàng hóa sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc thật sự đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong đời sống hàng trăm triệu con người. Bên cạnh đó các tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ thông tin và viễn thông đã làm cho ngôi làng toàn cầu thu nhỏ lại.
Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra vào năm 2008. Mọi giá trị được truyền bá bấy lâu bỗng chốc bị đảo ngược. Mặt trái của toàn cầu hóa, từng được phân tích trước đó nhưng ít thuyết phục được ai, nay bỗng bộc lộ rõ nét; lòng tham của giới tài chính, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bất kể ô nhiễm môi trường, việc chạy đua sản xuất hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu được thổi phồng lên của người tiêu dùng - tất cả đã dẫn đến những loại bong bóng, từ bất động sản đến tài sản tài chính. Và bỗng chốc không còn ai nhắc đến toàn cầu hóa với ý nghĩa như trước nữa.
Loạt bài trong phần này đi vào chi tiết cái quá trình được tóm gọn ở trên. Được viết dưới dạng báo chí, các bài trong phần này như một cuốn nhật ký ghi lại sự thăng trầm của toàn cầu hóa, sự trăn trở của con người khi cố gắng quay về các giá trị cũ và sự loay hoay đi tìm một mô hình phát triển mới bền vững hơn.
Phần 2: Việt Nam trong cơn lốc xoáy
Một điều đáng ngạc nhiên là con đường phát triển của Việt Nam trong gần chục năm qua dường như đi theo sự thăng trầm của toàn cầu hóa. Trong nhiều năm liền, với chính sách mở cửa về kinh tế, thay đổi luật lệ để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến sâu rộng. Khu vực tư nhân bừng nở, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp hiện thực hóa chính sách sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu. Tất cả mở rộng đường để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại không còn là những khái niệm mơ hồ nữa. Chúng đã biến thành kim ngạch xuất khẩu hàng vào Mỹ tăng vọt, thành hạt gạo, quần áo, giày dép, con tôm con cá xuất đi khắp thế giới.
Thế nhưng, cùng lúc, lòng tham cũng nổi dậy. Đồng tiền dễ kiếm đã được đổ vào bất động sản và đến lượt nó bất động sản đẻ ra tiền như con gà mái thần kỳ, làm giàu cho nhiều người trong một thời gian ngắn. Vậy là không còn ai có tâm trí lo chuyện sản xuất cây kim, sợi chỉ nữa, ai nấy đều lo chuyện “lớn” như chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, và tất cả đều lao vào địa ốc.
Chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, các giá trị xã hội bị đảo lộn, người nông dân dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và quan trọng hơn cả, các cột trụ của xã hội như giáo dục, y tế bị quên lãng hay bị thương mại hóa.
Đến khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập vào, nền kinh tế ảo của Việt Nam nhanh chóng tan vỡ và nền kinh tế thật suy yếu hơn bao giờ hết. Hậu quả của việc hiểu sai cơ may toàn cầu hóa đem lại như các đại gia địa ốc, chứng khoán từng hiểu vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.
Các bài trong phần này ghi nhận những biến động đó trong những năm gần đây.
Phần 3: Phụ lục
Trong các nhân vật mà người viết từng phỏng vấn, có hai người liên quan nhiều đến toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Đó là Paul Krugman và Michael Porter. Đáng tiếc cả hai lần phỏng vấn đều thực hiện qua trao đổi email nên chưa đi đến tận cùng của vấn đề muốn hỏi. Dù sao nội dung của hai bài phỏng vấn cho chúng ta cái nhìn từ xa về toàn cầu hóa và Việt Nam
Bài giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ: http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=580017
Bài giới thiệu trên báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131119/nghich-ly-choi-chung.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét