Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Ghi chép - 2

Ghi chép - 2

Dù có cổ xúy cho việc mở rộng cửa cho đầu tư nước ngoài, cũng phải thừa nhận một thực tế đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Ví dụ, trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2006, năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn khu vực FDI (16,7 tỷ đô-la so với 14,5 tỷ đô-la). 

Thế nhưng đến năm 2012 thì xuất khẩu của khu vực trong nước tụt lại đằng sau một cách thảm hại so với khu vực FDI (42,3 tỷ đô-la so với 63,9 tỷ đô-la). Cả hai năm đều đã loại trừ dầu thô trong số liệu.

Đáng chú ý hơn là năm 2012, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực FDI là 33,5% trong khi xuất khẩu trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,3%!

Cứ theo cái đà này, chẳng mấy chốc rất có thể xuất khẩu của FDI chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Lúc đó doanh nghiệp FDI nói gì Nhà nước cũng phải nghe, vận động cho chính sách gì cũng phải nghe bởi với một tỷ lệ như thế họ nắm lấy một phần rất lớn cái hầu bao ngoại tệ của Việt Nam.

Chuyện này thật ra đã xảy ra rồi, điển hình là việc sửa điều 170 Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra Quốc hội. Báo chí đưa tin: “Việc sửa đổi Điều 170 Luật Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động…” Thật ra phải nói cho chính xác việc sửa đổi điều luật này là do Nhà nước bất lực không làm gì được gần 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chịu làm theo luật. Nguyên do là trước đây doanh nghiệp FDI hoạt động theo Luật Đầu tư nước ngoài, đến khi Luật Doanh nghiệp chung ra đời, họ phải chọn lựa, hoặc là đăng ký lại theo luật mới, hoặc không đăng ký lại, cứ hoạt động theo giấy phép cũ nhưng đổi lại họ không được gia hạn, không được mở rộng, đầu tư thêm. Việc chọn lựa lúc đầu cho họ thời gian 2 năm, sau nâng lên thành 5 năm nhưng cuối cùng vẫn còn đến gần 3.000 doanh nghiệp không chịu đăng ký lại. Giờ thì Nhà nước chịu thua, bởi khi giấy phép họ hết hạn, không lẽ không cho họ gia hạn (mà cho gia hạn thì sai luật vậy thì đành phải sửa luật, không đặt ra thời hạn nữa – và chỉ sửa 1 điều đó thôi). Soạn luật sơ hở thì nay phải sửa nhưng điều đó cũng cho thấy sức nặng thương thảo của doanh nghiệp FDI đã lớn dần lên. Nhưng biết đâu được, đó có thể là điều hay?

*                      *                      *
Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên thấy nhiều người hiểu sai cái quy định về chuyện mặc quần áo lót thành ra phạt người KHÔNG mặc quần áo lót ở chỗ hội họp đông người. Nhưng rồi sau đó mặc dù có các báo khác đưa tin đúng, chỉ phạt hành vi mặc quần áo lót ở chỗ hội họp đông người, vẫn có nhiều người phản đối, chê bai, dè bỉu cái quy định này cũng như nhiều quy định khác được đưa ra lấy ý kiến mọi người.

Ngạc nhiên là bởi một số lý do:
- Đây là quy định cũ, đã có từ lâu. Sao trước đây không ai phản đối?
- Trước đây nhiều người than phiền và so sánh, vào chùa chiền ở các nước như Thái Lan mà mặc quần đùi, áo may-ô là họ không cho vì sao ở Việt Nam dễ dãi đến thế. Nay có quy định gần giống như vậy vì sao vẫn phản đối?
- Văn bản nói cũng khá rõ là “hội họp đông người”, “các địa điểm văn hoá, tín ngưỡng, nơi làm việc” của cơ quan… Họ đâu nói sẽ phạt ở bất cứ nơi nào?

Hóa ra, đặt nó vào bối cảnh hiện nay thì không có gì đáng ngạc nhiên cả. Đó là trong khi trật tự an ninh xã hội còn nhiều chuyện bức bối hơn chả ai lo, cướp giật khắp nơi, hành vi côn đồ nhan nhản mà lực lượng công an không làm được gì thì chuyện tập trung lo xử phạt các hành vi như trong dự thảo nó phi lý, nó xa vời và nó đáng để mọi người phản đối. Thỉnh thoảng cứ nghe tin người dân vào đồn công an một thời gian ngắn sau là chết – ai không bức xúc, thế nên nghe chuyện xử phạt chuyện chửi tục, say rượu trong nhà hàng có lẽ sự bức xúc và so sánh ngầm trong tiềm thức đã diễn ra và người ta càng phản đối hơn nữa.

Thứ nữa là tính khả thi. Nghe thử quy định này “Có hành vi bạo lực trong sinh hoạt tình dục của vợ chồng”, ai mà tưởng tượng được cách kiểm tra, chứng kiến để phạt cho chính xác! Hay “không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng” là một quy định can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của công dân. Nhà nước lấy cái gì bảo đảm họ phán xử đúng đắn? Cho nên Bộ Công an đã lấy cái dự thảo ấy xuống – là một việc đúng đắn, phải nhờ chuyên gia họ coi lại trước khi đưa ra công luận một dự thảo như thế.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến