Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

The power of bargain

The power of bargain
Do a lot of people know that out of a price tag of $22.12 for a pair of jeans sold in Britain, just 90 cents goes to cutting and making the jeans, which includes labor and factory expenses such as rent, energy, and safety measures? I didn’t, until I read a report by Bloomberg on the cost of garment production in Bangladesh in 2013.
So I have my doubts when American Ambassador to Vietnam, David Shear tried to sell the Trans-Pacific Partnership, a free trade agreement that the U.S., Vietnam and 10 other countries are negotiating, to the Vietnamese people. “Vietnam will benefit greatly from expanded access to the U.S. and other markets as the TPP reduces tariffs in several key export areas,” Mr. Shear told Can Tho University students last Thursday.
Pure logic tells us that economic benefits shall be proportional according to the assigned role each country plays in the globalized trade. The price breakdown for a pair of jeans reflects this proportional benefit quite well. But more on that later.
The Bloomberg garment report was made in response to the worst labor accident in 2013 when 1,129 workers were killed and at least 1,500 more were injured as the Rana Plaza garment factory they worked in collapsed on April 24 in Bangladesh. After the accident, voices were raised to demand more corporate accountability. Fashion brands, apparel producers and retailers promised to take responsibility for what happens in the factories that make the clothing they sell. But despite all the public outrage, people tend to forget that all required improvements in the working conditions demanded of the factories were squeezed out of the 90 cents the factories get from making a pair of jeans. “Let us earn those few cents, and nobody has to die while making basic jeans,” factory owner Tipu Munshi was quoted by Bloomberg as complaining.
Negotiators to free trade agreements like the TPP realize the situation only too well. That’s why, under pressure from their own consumers, developed countries like the U.S. demand poorer countries like Vietnam to treat its workers better in exchange for greater market access. But again, somehow Vietnam has to manage treating its workers better with the same 90 cents it gets.
Getting back to Mr. Shear’s remarks, he’s right in saying that “expected gains are more clear, can be roughly estimated, and generally occur in existing sectors, such as footwear and apparel, where Vietnam is already competitive”. The TPP can help Vietnamese garment makers ignore bids from non-member competitors from Bangladesh or China, thus avoiding the race to the bottom normally seen in the global apparel industry. Without the TPP, Vietnamese garment makers might have to lower their bids to win contracts. But their share from the supply chain in this industry remains a pittance compared to other stages on the value chain.
So the best way to sell the TPP to Vietnamese people is neither a promise of enormous gains in GDP growth or bigger export volumes nor a promise of more foreign investment. It should be a bigger share of the pie. Somehow, that is sort of a “mission impossible” task but increasing the share that garment workers in particular or other players in the globalization game can get is the only way to persuade people of the sustainability of free trade.
Independent safety inspections of garment and footwear factories are useful but not crucial in guaranteeing the workers’ safety. If they get more than the 90 cents, they will have bigger power of bargain and they will take care of their own safety measures.
People might wonder why middlemen whose job is to collect and pass orders from retailers on to garment makers earn five times as much as the workers who make the garment. And more importantly, do negotiators at free trade agreement negotiations ever discuss narrowing the gap?
Of course, they don’t. Negotiators always try to snatch the biggest share for their own businesses and one would be so naive as to thinking otherwise. And intellectual property rights are among the tools that people use to maintain their edge over others.
Pressure from the consumers, therefore, should not focus on working conditions. It should be more specific: how much is paid towards those who make the clothes or shoes they wear. If the right price is paid, the working conditions will take care of itself. But don’t ask me how the fruit of globalization can be divided fairly. It can’t and thus, we have the contradictory nature of free trade agreements, the TPP included.




Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Toàn cầu hóa và iPod

Toàn cầu hóa và iPod

Ai làm ra chiếc iPod? Thật ra trả lời câu hỏi xem chừng quá dễ này lại không đơn giản. Tờ New York Times dựa vào đề tài này để viết một bài dài về thực tế câu chuyện toàn cầu hóa. Đầu tiên, tờ báo nhắc khéo: “Here’s a hint: It is not Apple” và giải thích liền: “The company outsources the entire manufacture of the device to a number of Asian enterprises, among them Asustek, Inventec Appliances and Foxconn”. Outsource là một từ rất thông dụng trong những năm gần đây, đến nỗi nhiều người dùng nguyên văn tiếng Anh sau khi giải thích một lần ở đầu bài viết (gia công, chuyển một số công đoạn sản xuất hay khâu dịch vụ ra nước ngoài). Ở đây Apple outsource toàn bộ việc sản xuất cho các công ty nước ngoài, chủ yếu ở châu Á.

Thế nhưng các công ty này cũng chỉ làm động tác lắp ráp chiếc iPod - “But this list of companies isn’t a satisfactory answer either: They only do final assembly” - nên họ cũng không phải là nhà sản xuất chính chiếc máy nghe nhạc nổi tiếng có đến 451 linh kiện này. Tờ New York Times đã sử dụng nghiên cứu của trường Đại học University of California để kết luận: “Their study offers a fascinating illustration of the complexity of the global economy, and how difficult it is to understand that complexity by using only conventional trade statistics”. Quan trọng là phần sau: không thể hiểu được tính phức tạp của nền kinh tế toàn cầu nếu chỉ sử dụng số liệu thống kê thương mại truyền thống.

Chiếc iPod video dung lượng 30 GB có giá 299 đô la, trong đó “The most expensive component was the hard drive, which was manufactured by Toshiba and costs about $73”. Như vậy ổ cứng 30 GB này do Toshiba sản xuất, là đắt nhất; các linh kiện chính khác gồm màn hình (20 đô la), con chip video (8 đô la), con chip điều khiển (5 đô la). Có lẽ ít người biết rằng “the final assembly, done in China, cost only about $4 a unit”. Điều đáng ngạc nhiên là khi tính toán cán cân thương mại Mỹ-Trung, trị giá chiếc iPod xuất từ Trung Quốc đi ngược vào Mỹ được tính lên đến 150 đô la, góp phần đáng kể vào thâm hụt mậu dịch giữa Mỹ với Trung Quốc.

Theo logic thông thường, “$73 of the cost of the iPod would be attributed to Japan since Toshiba is a Japanese company”. Nhưng khổ nỗi trong thời đại sản xuất toàn cầu hóa ngày nay, “Toshiba may be a Japanese company, but it makes most of its hard drives in the Philippines and China”. Tương tự hai con chip video và chip điều khiển mới đầu tưởng phải tính cho Mỹ vì do các công ty Mỹ cung cấp nhưng thực tế họ sản xuất chúng tại Đài Loan! Các nhà nghiên cứu vò đầu bứt tai mà than rằng: “How can one distribute the costs of the iPod components across the countries where they are manufactured in a meaningful way?”. Distribute ở đây là phân bổ.

Thật ra, ngày nay việc tính toán số liệu thống kê thương mại dựa vào cái gọi là “giá trị gia tăng” ở mỗi công đoạn sản xuất bằng cách xác định giá trị đầu vào và giá trị đầu ra của mỗi công đoạn. Khi đó, “The difference between the cost of the inputs and the value of the outputs is the “value added” at that step, which can then be attributed to the country where that value was added”.

Theo tính toán của các tác giả, “The $73 Toshiba hard drive in the iPod contains about $54 in parts and labor. So the value that Toshiba added to the hard drive was $19 plus its own direct labor costs”. Như vậy nếu trừ đi 54 đô la đầu vào (là linh kiện và công lao động của khâu trước) thì Toshiba chỉ tạo ra giá trị gia tăng 19 đô la, được tính cho Nhật Bản.

Những tưởng kết quả tính toán sẽ cho thấy người hưởng lợi nhiều nhất từ iPod là các công ty nằm khắp toàn cầu có tham gia vào các công đoạn sản xuất nhưng, bất ngờ thay, “The researchers estimated that $163 of the iPods $299 retail value in the United States was captured by American companies and workers, breaking it down to $75 for distribution and retail costs, $80 to Apple, and $8 to various domestic component makers”. Ngoài phần tính cho khâu phân phối, bán lẻ, Apple vẫn là công ty hưởng giá trị gia tăng cao nhất - đến 80 đô la vì “The bulk of the iPods value is in the conception and design of the iPod. That is why Apple gets $80 for each of these video iPods it sells, which is by far the largest piece of value added in the entire supply chain”. Apple hầu như không đụng tay vào khâu sản xuất nào nhưng vẫn hưởng phần bánh lớn nhất nhờ công nghĩ ra và thiết kế chiếc iPod. Và đó chính là “bí mật” của quá trình toàn cầu hóa ngày nay.

Tác giả bài báo kết luận: “Ultimately, there is no simple answer to who makes the iPod or where it is made”. iPod không phải là sản phẩm duy nhất, hàng loạt sản phẩm khác, như chiếc iPhone hay ngay cả món đồ chơi của con bạn cũng phải tuân theo quy luật: “The real value of the iPod doesn’t lie in its parts or even in putting those parts together”. Vấn đề ở chỗ làm sao nghĩ ra cách “kết nối” 451 linh kiện sản xuất khắp nơi với giá rẻ để thành một sản phẩm bán với giá cao hơn. Cho nên “[Apple] may not make the iPod, but they created it. In the end, that’s what really matters”.

Trích từ ba cuốn về tiếng Anh mới tái bản ở dạng ebook.



Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Khi người Anh dùng điển cố

Khi người Anh dùng điển cố


Người nói tiếng Anh, kể cả dân Mỹ, Úc hay Canada cũng thích dùng điển cố không kém gì các ông đồ nước ta thời xưa. Chẳng hạn, khi kể lại chuyện đại diện hãng Microsoft từng đến gặp Netscape để thương lượng chuyện phân chia thị phần cho phần mềm duyệt các trang Web, anh chàng kỹ sư trưởng của hãng này nói, "It was like a visit by Don Corleone. I expected to find a bloody computer monitor in my bed the next day".

Để hiểu được thâm ý câu này, bạn phải từng đọc tác phẩm Bố già, biết sơ qua ông trùm Corleone và chuyện ông này giúp người con đỡ đầu là một ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng giành một vai diễn theo cách mafia. Corleone phái tay luật sư thân tín của mình gây áp lực buộc nhà sản xuất phim phải giao vai diễn cho con bố già. Khi ông ta từ chối, sáng hôm sau thức dậy thấy đầu con ngựa đua nổi tiếng của mình bị cắt và để bên cạnh giường ngủ. Thời vi tính, thay vào đầu ngựa là màn hình máy tính đẫm máu!

Lối ví von như thế xuất hiện khá nhiều trên báo chí và các tác phẩm văn học, đòi hỏi người đọc phải có kiến thức rộng để hiểu mọi hàm ý.

Ví dụ ngày trước khi báo Time bình luận chuyện Bill Clinton vẫn bình chân như vại sau nhiều vụ tai tiếng, họ viết: "The slings and arrows of sex and politics have not dented Clinton's high ratings. Is it a new kind of Teflon, or do foes just lack the right weapon?".

Từ denteddùng kèm với slings and arrows gợi hình ảnh Clinton đang khoác áo giáp sắt mà những mũi tên, hòn đạn không làm suy suyển. Nhưng chính từ Teflon mới là loại từ chúng ta đang tìm hiểu. Teflon là tên thương mại một loại vật liệu dùng để tráng lên vật dụng như chảo chiên để tránh dính. Từ này thường được dùng theo nghĩa bóng như câu trên hay câu sau: "It's clear that because (he) doesn't aspire to saving the entire human race, he's not going to get what the other leaders get - a coating of moral and political Teflon" (báo Wall Street Journal).

Nghe câu quảng cáo này bạn có đoán auto dentist là loại bác sĩ nha khoa nào chăng? "Auto "dentist" specializing in dents, dings, and hail damage; high quality, affordable rates." Các vụ va quệt xe thường gây ra những vết trầy, vết lõm (dents). Dân sửa xe dựa vào từ dent để tạo ra từ dentist, thợ chuyên sửa những sự vụ nho nhỏ này.

Hai người đối đáp với nhau dùng toàn những từ dễ hiểu, bỗng đâu một người nói: "Here's the 411 on the hunting trip". Bên ta thường gọi 1080 để xin thông tin còn bên Mỹ, số tổng đài tương tự là 411. Cho nên 411 thường hàm ý chi tiết về một chuyện gì đó.

Vụ án O. J. Simpson đã tạo ra biết bao điển cố. Chẳng hạn một người mời bạn bè đồng nghiệp một slow-speed chaser, ý anh ta muốn mời mọi người đi uống mừng một dịp nào đó. Hay động từ Ito'd, có nghĩa là bị gõ lên đầu, cũng xuất phát từ vụ án quái đản này.

Tuy nhiên cách dùng điển cố như trên chỉ giới hạn vào những sự kiện thời sự tương đối còn mới trong khi điển cố liên quan đến thần thoại cổ điển có rất nhiều nhưng ngày nay ít ai dùng.

Một người chê bạn mình là một Narcissist thì ý anh ta muốn nhắc đến vị thần Narcissus trong thần thoại Hy Lạp yêu say đắm hình ảnh chính mình. Còn khi công luận Nhật Bản, chẳng hạn phê phán một quyết định của chính phủ rằng nó sẽ open a Pandora's box, họ cũng sử dụng một điển cố nổi tiếng. Thần Zeustrao cho Pandora một chiếc hộp và dặn kỹ đừng mở ra. Nói như thế chẳng khác nào kích thích tính tò mò của phụ nữ. Pandora cuối cùng không cưỡng nổi, mở chiếc hộp và thế là mọi điều ác, mọi sự phiền não của cuộc đời bay ra để làm hại nhân loại. Cho nên "open a Pandora's box" là gây hậu quả khôn lường.

Điển cố dùng nhiều lần sẽ biến thành idiom như "dog in the manger". Trong chuyện ngụ ngôn của Esop, một con chó nằm trên một máng cỏ đầy. Khi bò đến ăn, chó cắn đuổi đi mặc dù chó không dùng cỏ làm gì cả. Sau này điển cố và thành ngữ này được dùng để chỉ những người có cá tính tương tự. "We asked our neighbor for the fence posts he had left over, but, like a dog in the manger, he threw them out rather than give them to us". Chính trong loại văn này chúng ta sẽ tìm được cách dịch chính xác những câu tục ngữ của tiếng Việt. Giàu như Thạch Sùng - rich as Croesus; lấy của làng trao cho xã - rob Peter to pay Paul.

Cuối cùng, mặc dù từ baggravation không liên quan đến một điển cố nào nhưng cách tạo từ cũng rất thú vị. Máy bay hạ cánh, đến băng chuyền nhận hành lý, ai cũng đã tìm ra va-li của mình còn hành lý của bạn ở đâu không thấy, vừa bực vừa lo. Cảm giác đó được gọi bằng một từ mới toanh, baggravation. "Nancy couldn't help but feel baggravation as she watched other passengers get their luggage and leave the airport". Đây là từ ghép của bagaggravation, vừa được Oxford ghi nhận trong năm 1997.

Trích từ cuốn “Chuyện chữ & nghĩa” vừa xuất bản trên Smashwords và Amazon




Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau


Người hói đầu thường rất ghét từ bald nhưng nếu bạn tả họ chỉ hơi thin on top là họ hài lòng ngay. Đây chỉ là một trong muôn ngàn ví dụ cho việc tránh dùng từ chính xác vì những lý do tế nhị. Trong tiếng Việt ít khi ta nói toạc móng heo vì sợ phiền lòng người nghe thì trong tiếng Anh, người ta cũng tránh call a spade a spade nhất là trong giao dịch trên thương trường. Lối nói khéo này trong tiếng Anh gọi là euphemism (được định nghĩa là the substitution of a mild, bland, inoffensive expression for a blunt or harsh one).
Thường gặp nhất là trên các cáo phó; thay vì nói thẳng “somebody has died”, văn cáo phó dùng to depart this life, to pass away. Sau đó là các tính từ miêu tả thân thể người ta. Thay vì chê một người nào đó gầy gò (skinny)ta có một loại từ để chọn lựa, vừa chính xác, vừa dễ lọt tai hơn như lean, slender. Trong câu “an old man, very tall and spare, with an ascetic aspect” thì spare mang nghĩa tốt như kiểu “She has the spare figure of a marathon runner”. Tệ lắm thì dùng lanky (theo kiểu gầy mà thanh) chứ ai lại dùng những từ chỉ cảnh gầy trơ xương như skinny, scrawny, hay gaunt như câu “He had a long, scrawny neck that rose out of a very low collar”.
Chê một người chậm hiểu, thay vì dùng từ stupid ta có thể nói nhẹ nhàng, rằng anh ta hơi slow in his thinking. Kể chuyện bà xã có bầu nên dùng expecting hơn là pregnant. Ít ai dùng từ fat một cách thẳng thừng mà nên tả một cô trông portly hay stout. Hay nhất là dùng plump như trong câu a plump, rosy little girl. Nói chung những người bị khuyết tật thân thể không còn bị gọi là handicapped nữa. Họ chỉ là những người differently-abled mà thôi.
Trong ngoại giao, cách nói euphemism cũng rất thường được áp dụng. Như vụ các bà người Hàn Quốc bị lính Nhật bắt làm “comfort women” trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hay như trước đây phương Tây thường chia thế giới làm hai loại quốc gia: phát triển (developed) và kém phát triển (underdeveloped) sau bị phản đối dữ quá nên mới đổi lại là developing (đang phát triển). Nói tóm lại, đây là những từ được xem là phải đạo (politically correct).
Có những từ nghe qua phải được chính giới ngoại giao dịch lại người ta mới hiểu; ví dụ the disadvantaged để chỉ người nghèo, underachievers để tả những người lười biếng, không chịu vươn lên, senior citizens là những người già lão, disturbed dùng cho những kẻ bị tâm thần.
Cũng do đó, những từ chỉ nghề nghiệp hàm ý coi nhẹ đều được đổi lại trong những năm gần đây. Secretary thành executive assistant; air hostess hay stewardress trở thành flight attendant; người quét đường từ street-sweeper hay garbage man thành sanitation engineer; gate-keeper thành security guard và bà đỡ - midwife thành birth assistant.
Trong phong trào phụ nữ bình đẳng với nam giới, các bà đã đòi thay hết những từ có chữ man thành person như chairman - chairperson; salesman - sales representative; mailman - mail carrier; fireman - firefighter. Thậm chí từ nhân loại - human race vì có man nên bị đề nghị đổi thành people và có người cực đoan đến độ đòi viết từ women thành womyn housewife được thay bằng home maintenance engineer! Dĩ nhiên trong thực tế đâu có ai nói như thế.
Thế nhưng có những thay đổi đã được nhiều người chấp nhận nhất là những từ liên quan đến vấn đề chủng tộc. Ngày nay đến Mỹ bạn sẽ không còn nghe từ American Indians để chỉ người dân da đỏ ở đây nữa, thay vào đó là Native American. Nếu ngày xưa đọc trong tiểu thuyết đôi lúc bạn bắt gặp từ nigger với ý miệt thị người da đen, bây giờ nếu xài từ đó hay thậm chí từ negro ở New York, bạn rất dễ bị đòn hội chợ. Nên tả họ bằng từ African (Afro-) Americans. Dân Eskimo cũng bị xúc phạm nếu bạn gọi họ bằng cái tên quen thuộc này, ngày nay họ được gọi là Inuit.
--------------
Trích từ cuốn “Chuyện Chữ & Nghĩa” vừa xuất bản trên Smashwords:

Mua ở Amazon: https://www.amazon.com/dp/B00GOWZE18


Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Báo chí trong vòng xoáy kinh tế

Báo chí trong vòng xoáy kinh tế

Câu chuyện cơ quan chủ quản của tờ Thế giới mới xin giải thể tờ tạp chí này vì khó khăn tài chính đã gián tiếp đặt ra nhiều vấn đề cho nền báo chí Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là ở góc cạnh kinh tế.

… Thế giới mới là tờ báo của ngành giáo dục với cơ quan chủ quản là Nhà xuất bản Giáo dục. Đây là một mô hình có nhiều bất cập, khó lòng để cho Thế giới mới nhảy vào các vấn đề tiêu cực đang nóng của ngành giáo dục, đang được các báo khác đề cập một cách đậm nét. Lý do ai cũng hiểu là không lẽ một tờ báo của ngành giáo dục lại đăng bài phê phán chính ngành mình! Mà một tờ báo của ngành lại không nói gì về ngành đó cả (nói theo nghĩa bàn cho cặn kẽ các vấn đề nổi lên) thì chắc chắn trước sau gì độc giả cũng quay lưng. Đã vậy không trông mong gì Thế giới mới có bài khách quan về hoạt động của NXB Giáo dục!

Đây không phải là hiện tượng riêng lẻ với Thế giới mới mà xảy ra với đa phần các tờ báo hiện nay. Một tờ báo của Bộ Y tế khó lòng nêu lên những yếu kém của bộ máy quản lý ngành; một tờ báo của Hà Nội khó lòng làm phóng sự về những lỗ hổng trong quản lý đô thị tại thủ đô….

Nói sao thì nói, tiền ngân sách rót cho các tờ báo của ngành, của địa phương mà ngành và địa phương chỉ xem báo như công cụ để đánh bóng cho bản thân mình thì ngân sách đã bị lãng phí. Cách hay nhất là chấm dứt mọi sự trợ cấp của ngân sách cho báo chí, chuyển các tờ báo cho các hội đoàn quản lý với cơ chế tài chính tự chủ - tự khắc nhiều vấn đề của làng báo sẽ được giải quyết….



Bài giới thiệu cuốn "Vàng và hai cô gái" trên Tuổi Trẻ (Lam Điền):

Bài giới thiệu trên Thanh Niên:

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131119/nghich-ly-choi-chung.aspx

Mua sách ở Vinabook:

Bài về báo chí Việt Nam đăng trên Asia Sentinel: Vietnam's Press Turns Partly Private

http://www.asiasentinel.com/politics/vietnam-press-turns-partly-private/

Bài trên TTCT: Loay hoay làm gì?

http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Van-hoa-nghe-thuat/580337/loay-hoay-lam-gi.html


Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Có mấy Vinashin?

Có mấy Vinashin?

Có một hiểu nhầm dai dẳng về cụm từ “tập đoàn kinh tế” kéo dài mãi cho đến nay do chính sự lỏng lẻo trong quy định đặt tên doanh nghiệp. “Tập đoàn kinh tế” thường được hiểu theo nghĩa là nhóm công ty liên kết dưới hình thức công ty mẹ - công ty con, được hình thành theo một quyết định thành lập của Thủ tướng Chính phủ mang tính thí điểm. Nhưng đồng thời “tập đoàn kinh tế” còn bị nhầm sang công ty mẹ bởi khi thành lập, công ty mẹ cũng được mang danh tập đoàn, gây ra những hiểu nhầm và sai lệch. Trong khi “tập đoàn kinh tế” theo nghĩa đầu tiên không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp, “tập đoàn kinh tế” theo nghĩa thứ nhì có tư cách pháp nhân, được đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Lấy ví dụ, với tập đoàn Vinashin, có hai quyết định thành lập liên quan. Đầu tiên là Quyết định 103/2006/QĐ-TTg, ngày 15-5-2006 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, phê duyệt đề án thí điểm hình thành tập đoàn Vinashin, trong đó liệt kê rõ công ty mẹ là ai, các công ty con gồm những doanh nghiệp nào... Trong cùng ngày đó, với Quyết định 104/2006/QĐ-TTg cũng do Thủ tướng Phan Văn Khải ký, công ty mẹ được thành lập, lại được cho phép mang tên “Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam” tức là tập đoàn Vinashin trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.

Thế là từ đó tập đoàn Vinashin ra đời, ai ưa hiểu Vinashin nào cũng được: Vinashin là cái tập đoàn mang tính thí điểm cũng đúng mà Vinashin là tập đoàn công ty mẹ cũng không sai. Chỉ có điều cái Vinashin đầu, do không có tư cách pháp nhân, nên hầu như không được ký kết, vay mượn hay đứng ra làm gì chính thức cả. Tất cả đều do Vinashin sau làm nhưng lấy danh nghĩa Vinashin đầu. Quy mô, bộ máy của hai cái này khác nhau.

Sau này khi tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải đăng ký lại để hoạt động dưới một Luật Doanh nghiệp chung thì công ty mẹ được chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng vẫn được mang tên “Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam” như cũ (Quyết định 984/QĐ-TTg, ngày 25-6-2010 do Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký).

Dù sao chuyện nhầm lẫn giữa hai thực thể này cũng đã qua. Vấn đề là nay giải thể tập đoàn Vinashin có nghĩa là sao?

Chuyện này đã có tiền lệ. Năm ngoái khi kết thúc thí điểm hai tập đoàn ngành xây dựng gồm Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam (VNIC) và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD), Thủ tướng Chính phủ đều ra quyết định kết thúc thí điểm. Quyết định kết thúc thí điểm có hai nhiệm vụ về mặt pháp lý: một là chấm dứt việc thí điểm hình thành tập đoàn và hai là giao Bộ chủ quản bên dưới thành lập tổng công ty trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ (mang tên tập đoàn).

Nay với Vinashin, cũng phải trải qua bước thủ tục này. Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định chấm dứt việc thí điểm (tức xóa bỏ Quyết định 103 cũ) và giao Bộ Giao thông Vận tải thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (tức xóa Quyết định 104 cũ).

Tuần trước khi Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định thành lập doanh nghiệp mới mang tên SBIC thay chỗ cho Vinashin (dù tên tiếng Việt chỉ đổi từ tập đoàn thành tổng công ty) chính là bước thứ nhì nói trên trong khi bước thứ nhất chưa có. Nhiều nguồn tin nói việc này đã được thực hiện trong Quyết định 2108/QĐ-TTg ngày 18-11-2010 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký, phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn Vinashin.

Dù sao đây chỉ là bước thủ tục. Điều quan trọng là kể từ khi có chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước vào năm 2005 đến nay đã 8 năm, từ chỗ 12 tập đoàn kinh tế lần lượt ra đời rồi 3 tập đoàn đã giải thể, chưa hề có một sự tổng kết chính thức về mô hình thí điểm này. Thiết nghĩ trước khi giảm số lượng các tập đoàn còn chừng 5 hay 7 cái như chủ trương đã công bố, cần tổng kết cái được và cái không được của mô hình. Đặc biệt rút kinh nghiệm hai chuyện: 1/chuyện Vinashin nhận tiền vay của nước ngoài (600 triệu đô-la) và tiền Chính phủ bán trái phiếu quốc tế giao cho Vinashin (750 triệu đô-la) về chia nhau giữa công ty mẹ và công ty con như thế nào; và 2/việc nhầm lẫn giữa hai thực thể, cái khái niệm tập đoàn không có tư cách pháp nhân và thực thể tập đoàn là công ty mẹ để ngay lập tức chấn chỉnh các tập đoàn hiện đang còn tồn tại. Ít nhất là việc đặt tên, phải tách bạch để khỏi gây nhầm lẫn trong giao dịch.




Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Vàng và hai cô gái


Vàng và hai cô gái

Sách vừa được NXB Trẻ phát hành. Xin giới thiệu nội dung tóm tắt qua lời giới thiệu ba phần của cuốn sách.

Phần 1: Thịnh suy toàn cầu hóa

Trước lúc Việt Nam gia nhập WTO, có thể nói toàn cầu hóa là một khái niệm thời thượng trong một thời gian dài, được phổ biến bởi các cuốn sách bán chạy như “Thế giới phẳng”, “Chiếc Lexus và cây Ôliu” của Thomas Friedman. Ai cũng rao giảng về toàn cầu hóa như một liều thuốc thần kỳ hứa hẹn chữa hết mọi căn bệnh của nhân loại như nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật, bất công, thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế.... Cùng với sự bùng nổ của thương mại quốc tế, việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng như cơ sở sản xuất hàng hóa sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc thật sự đã tạo ra những thay đổi sâu rộng trong đời sống hàng trăm triệu con người. Bên cạnh đó các tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ thông tin và viễn thông đã làm cho ngôi làng toàn cầu thu nhỏ lại.

Nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nổ ra vào năm 2008. Mọi giá trị được truyền bá bấy lâu bỗng chốc bị đảo ngược. Mặt trái của toàn cầu hóa, từng được phân tích trước đó nhưng ít thuyết phục được ai, nay bỗng bộc lộ rõ nét; lòng tham của giới tài chính, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên bất kể ô nhiễm môi trường, việc chạy đua sản xuất hàng hóa để thỏa mãn nhu cầu được thổi phồng lên của người tiêu dùng - tất cả đã dẫn đến những loại bong bóng, từ bất động sản đến tài sản tài chính. Và bỗng chốc không còn ai nhắc đến toàn cầu hóa với ý nghĩa như trước nữa.

Loạt bài trong phần này đi vào chi tiết cái quá trình được tóm gọn ở trên. Được viết dưới dạng báo chí, các bài trong phần này như một cuốn nhật ký ghi lại sự thăng trầm của toàn cầu hóa, sự trăn trở của con người khi cố gắng quay về các giá trị cũ và sự loay hoay đi tìm một mô hình phát triển mới bền vững hơn.

Phần 2: Việt Nam trong cơn lốc xoáy

Một điều đáng ngạc nhiên là con đường phát triển của Việt Nam trong gần chục năm qua dường như đi theo sự thăng trầm của toàn cầu hóa. Trong nhiều năm liền, với chính sách mở cửa về kinh tế, thay đổi luật lệ để đáp ứng các yêu cầu gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến sâu rộng. Khu vực tư nhân bừng nở, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giúp hiện thực hóa chính sách sản xuất hàng thay thế hàng nhập khẩu. Tất cả mở rộng đường để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO. Toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại không còn là những khái niệm mơ hồ nữa. Chúng đã biến thành kim ngạch xuất khẩu hàng vào Mỹ tăng vọt, thành hạt gạo, quần áo, giày dép, con tôm con cá xuất đi khắp thế giới.

Thế nhưng, cùng lúc, lòng tham cũng nổi dậy. Đồng tiền dễ kiếm đã được đổ vào bất động sản và đến lượt nó bất động sản đẻ ra tiền như con gà mái thần kỳ, làm giàu cho nhiều người trong một thời gian ngắn. Vậy là không còn ai có tâm trí lo chuyện sản xuất cây kim, sợi chỉ nữa, ai nấy đều lo chuyện “lớn” như chứng khoán, kinh doanh ngân hàng, và tất cả đều lao vào địa ốc.

Chênh lệch giàu nghèo lộ rõ, các giá trị xã hội bị đảo lộn, người nông dân dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và quan trọng hơn cả, các cột trụ của xã hội như giáo dục, y tế bị quên lãng hay bị thương mại hóa.  

Đến khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập vào, nền kinh tế ảo của Việt Nam nhanh chóng tan vỡ và nền kinh tế thật suy yếu hơn bao giờ hết. Hậu quả của việc hiểu sai cơ may toàn cầu hóa đem lại như các đại gia địa ốc, chứng khoán từng hiểu vẫn còn kéo dài cho đến hôm nay.

Các bài trong phần này ghi nhận những biến động đó trong những năm gần đây.

Phần 3: Phụ lục

Trong các nhân vật mà người viết từng phỏng vấn, có hai người liên quan nhiều đến toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Đó là Paul Krugman và Michael Porter. Đáng tiếc cả hai lần phỏng vấn đều thực hiện qua trao đổi email nên chưa đi đến tận cùng của vấn đề muốn hỏi. Dù sao nội dung của hai bài phỏng vấn cho chúng ta cái nhìn từ xa về toàn cầu hóa và Việt Nam

Bài giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ: http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=580017

Bài giới thiệu trên báo Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131119/nghich-ly-choi-chung.aspx


Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Cần nắm những gì?

Hỏi đáp về TPP
Cần nắm những gì?
Cho đến nay với nhiều doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, một mặt vì thông tin phân tích nhiều quá, không có điểm nhấn; mặt khác, thông tin chính thức lại hầu như không có, làm các vòng đàm phán mang màu sắc bí ẩn. TBKTSG tổ chức phần hỏi đáp sau như một dạng giải đáp thắc mắc mà nhiều doanh nghiệp từng nêu ra với báo. Đây không phải là các câu hỏi đáp chính thức, nó chỉ nhằm cung cấp thông tin ban đầu mà thôi dựa vào ý kiến tư vấn của các chuyên gia cộng tác viên của TBKTSG.
H: TPP là cái gì mà mọi người xôn xao thế?
Đ: TPP về bản chất là một hiệp định thương mại tự do giữa 12 nước (Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia, Chile, Úc, New Zealand, Peru, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ) trong đó các nước thỏa thuận dỡ bỏ các rào cản để thương mại được tự do tối đa. Lấy ví dụ về xuất nhập khẩu hàng hóa, nếu kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định vào cuối năm nay như tuyên bố chung của 12 nước này vừa được công bố thì sẽ có trên 90% dòng thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa 12 nước này được hạ mức thuế nhập khẩu xuống bằng 0%. Thương mại trong các lĩnh vực khác cũng như vậy. Bên cạnh đó là những thay đổi, cải cách bắt buộc chung mà 12 nước cần thực hiện nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh và tự do hơn.
H: Nhưng không phải là trước đây Việt Nam từng ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ rồi gia nhập WTO để hưởng thuế suất thấp rồi sao?
Đ: Các hiệp định thương mại thông thường (như BTA với Hoa Kỳ hay WTO) chỉ cắt giảm thuế suất (hạ thuế suất), còn các hiệp định thương mại tự do như TPP là loại bỏ thuế suất (0%). Lấy ví dụ hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ, sau khi ký hiệp định thương mại song phương thì thuế suất bình quân giảm còn 17,3%; giữ nguyên mức này sau khi vào WTO (vì đây đã là mức thuế MFN mà Mỹ dành cho các nước thành viên WTO). Nay với TPP thuế suất chỉ còn 0%. Nhờ vậy ngành dệt may kỳ vọng sẽ tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, để đạt mức tăng trưởng 20%/năm.
H: Thế thì cứ ký đi chứ còn chần chờ gì nữa?
Đ: Không đơn giản. Cũng lấy lại ngành dệt may làm ví dụ, để hưởng thuế suất thấp như trên, TPP quy định nguyên liệu như sợi, chỉ, vải... phải có xuất xứ từ các nước thành viên. Trong khi hiện nay nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam chủ yếu mua từ Trung Quốc hay Hàn Quốc, đều không phải là thành viên TPP.
Đàm phán là để tìm cách du di cái đòi hỏi này, và nhiều chuyện khác nữa.
H: Như chuyện gì?
Đ: Quan hệ lao động, sở hữu trí tuệ, đối xử với doanh nghiệp nhà nước, bảo vệ môi trường...
H: Những chuyện này thì đã sao? Dường như cũng giống lộ trình cải cách mà nhiều người từng nói đến?
Đ: Chính xác. Trong lâu dài thì đó là những vấn đề trước sau gì chúng ta cũng phải làm như để công nhân có sự chủ động hơn trong thương lượng với giới chủ về lương tiền, về điều kiện lao động. Bảo vệ môi trường là điều không cần ai gây sức ép, tự chúng ta cũng phải nghiêm khắc hay cải cách doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cả một kế hoạch tái cấu trúc to lớn kia mà. Vấn đề là thay đổi cách tư duy, không xem đó là thử thách mà chúng ta phải đối phó; ngược lại, cần xem đó chính là nhiệm vụ của chúng ta, và xem đàm phán TPP về những vấn đề này như một động lực tốt để chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn, hiệu quả hơn và có công cụ kiểm soát đầy đủ hơn.
H: Chúng ta chỉ mới nói về hướng xuất đi mà chưa tính đến hướng nhập về?
Đ: Đúng rồi. Người ta mở cửa cho hàng Việt Nam thì Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa và dịch vụ của họ. Các ngành tài chính, dịch vụ, bán lẻ nước ngoài tràn vào sẽ gây khó cho các doanh nghiệp còn non trẻ của Việt Nam. Hàng nhập khẩu không thuế hay thuế thấp cũng sẽ chạy đua với hàng nội địa ngay trên sân nhà như điện máy, nông sản, chăn nuôi, hàng công nghiệp...
H: Có cách nhìn nào khác, thay vì chỉ tập trung cân nhắc thiệt hơn trước mắt?
Đ: Với TPP, cái thách thức có thể trở thành cơ hội và ngược lại, cơ hội cũng dễ biến thành nguy cơ. Cho nên ảnh hưởng hay tác động là phải nhìn tổng thể, qua lại, trong nguy có cơ và ngược lại. Ví dụ, yêu cầu nguyên liệu phải từ trong nước hay từ nước thành viên có thể sẽ thúc đẩy một làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng cơ hội thuế quan. Nhìn nó là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài cũng đúng mà là thách thức cho ngành dệt may thì cũng đúng vì đa phần nguyên liệu tạo ra từ các doanh nghiệp FDI này là để phục vụ cho sản xuất tiếp của chính họ chứ không dành cho doanh nghiệp trong nước. Một ví dụ khác, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng thì không những nhà đầu tư từ các nước TPP hưởng lợi mà chính doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng nhẹ gánh bị phân biệt đối xử; cả nền kinh tế thở phào không còn phải đổ nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước lãnh phí nữa.
H: Phức tạp nhỉ. Vậy nói tóm lại doanh nghiệp phải làm gì?
Đ: Nói chung trước đã định làm gì thì nay cứ tiếp tục làm thế, với cường độ cao hơn, với tư thế cạnh tranh quyết liệt hơn và tư duy dài hạn hơn. Cái quan trọng là rút kinh nghiệm từ giai đoạn sau gia nhập WTO, nhiều người đã không giữ được mình, bỏ sở trường (năng lực lõi) chạy theo sở đoản (địa ốc, ngân hàng, chứng khoán, tài chính) nên sa chân cho đến giờ chưa rút ra được. Lần này thì phải tuyệt đối tỉnh táo nhưng cũng nhạy bén nắm lấy cơ hội nếu đang hướng đến thị trường nước ngoài và chuẩn bị tinh thần cho cuộc đua khốc liệt hơn nếu đang nhắm vào thị trường trong nước.
H: Vậy mà nhiều người nói, kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hay sắp vào Việt Nam?
Đ: Chứ còn gì nữa, nếu doanh nghiệp ta không có chuẩn bị, có chiến lược, có kế hoạch dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng như họ.
H: Không lẽ chúng ta đi đàm phán để cuối cùng nhà đầu tư nước ngoài hưởng?
Đ: Đúng là với WTO đã có hiện tượng này. Người lạc quan thì suy nghĩ tích cực thế này: doanh nghiệp FDI thành lập ở Việt Nam cũng là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam; doanh nghiệp FDI có mạnh thì mới tạo công ăn việc làm, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp xây dựng nền công nghệ phụ trợ, giúp nâng kim ngạch xuất khẩu… Dù vậy, song song đó cần phải có những chính sách nghiêm túc để chống chuyển giá, chống trốn thuế, lỗ giả lời thật trong khu vực FDI. Dần dần, hy vọng rằng doanh nghiệp trong nước phục hồi sẽ vươn ra chiếm thị phần trở lại.
Quan trọng hơn, nếu cửa không mở, thương mại không tự do, thì có thể nhà đầu tư nước ngoài không được hưởng gì nhưng chắc chắn là doanh nghiệp nội địa cũng chẳng có cơ hội mới nào cả, dù là cơ hội mong manh. 

VAMC bán nợ xấu, được không?

VAMC bán nợ xấu, được không?

Tin mừng là theo một chuyên gia kinh tế tài chính quen thuộc, các nhà đầu tư nước ngoài đang sắp hàng để chờ mua nợ xấu do VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) đang gom về từ các ngân hàng. Vị chuyên gia này cho biết: “thậm chí có người đặt mua ngay lập tức với giá trị rất lớn, trong khi VAMC chưa kịp phân loại hàng hoá, chưa kịp tạo ra những phiên đấu thầu về một lô lớn, nên cũng lúng túng” (báo SGTT).

Tin buồn là VAMC, theo một chuyên gia kinh tế tài chính nổi tiếng khác, hoàn toàn chưa thể, hay đúng ra là chưa nên bán nợ xấu cho bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào. Theo lập của của vị chuyên gia thứ nhì, chúng ta có thể hình dung bức tranh như sau:

Giả dụ VAMC mua một khoản nợ xấu giá trị ghi sổ dư nợ gốc là 100 tỷ đồng với giá 70 tỷ đồng (trừ bớt 30 tỷ đồng là số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho khoản nợ xấu này). Giả dụ tiếp là có nhà đầu tư nước ngoài đến đặt vấn đề mua khoản nợ xấu này và lẽ dĩ nhiên họ phải mua với giá rẻ hơn nhiều, cứ giả dụ VAMC bán được với giá 40 tỷ đồng (bán được với tỷ lệ này là giỏi lắm rồi vì thông thường giới mua bán nợ nước ngoài chỉ mua nợ với giá chừng 20-30% giá gốc).

Vì VAMC là một doanh nghiệp, họ cũng phải có sổ sách kinh doanh như mọi doanh nghiệp khác. Thực hiện xong thương vụ này, họ phải ghi sổ ngay một khoản lỗ là 30 tỷ đồng (mua 70 tỷ đồng, bán 40 tỷ đồng). Cứ mua chừng hơn 15 khoản nợ xấu như thế thì VAMC mất hết vốn (vốn điều lệ của doanh nghiệp này chỉ có 500 tỷ đồng). Như vậy, dù bán được giá đến mức nào đi nữa thì mỗi lần bán nợ xấu cho bên thứ ba, VAMC lại chịu ghi nhận một khoản lỗ. Thử hỏi mọi người có còn “phấn khởi” rằng “có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường VN khoảng 20 tỉ USD để mua nợ xấu” (báo Tuổi Trẻ).

Thật ra, vị chuyên gia thứ nhì nhận xét, quá trình mua bán nợ giữa VAMC và các ngân hàng là không phải giao dịch bằng tiền (VAMC chỉ mua bằng trái phiếu) nên bán nợ xấu cho bên thứ ba với giá nào thì VAMC cũng thu được tiền thật vô két.

Còn chuyện có phải hạch toán lỗ hay không thì theo Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngay khi VAMC bán nợ xấu cho một bên thứ ba nào đó, trái phiếu mà VAMC bỏ ra mua nợ với ngân hàng sẽ tự động đến hạn thanh toán, lúc đó ngân hàng phải hoàn trả số tiền vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước (nếu có), trả lại trái phiếu cho VAMC và được VAMC thanh toán tiền mà bên thứ ba trả để mua nợ xấu (trừ đi 2% phí cho VAMC).

Vấn đề ở chỗ, nhà đầu tư nước ngoài sẽ nhanh chóng thanh lý tài sản gắn với nợ để kiếm lời (đó là mục đích tối hậu của họ).  “Điều này sẽ gây ra biến động lên thị trường trong nước cũng như lên dòng vốn gián tiếp vào ra tài khoản vốn của Việt Nam, tạo ra sức ép lên thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp này tác động vào nền kinh tế sẽ rất tiêu cực” – vị chuyên gia nói.

Như vậy mục đích của VAMC là phần nào đó giúp doanh nghiệp nợ tái cấu trúc lại, phục hồi sản xuất để biến số nợ xấu thành không xấu – chứ mục đích của VAMC đâu phải đi kiếm lãi. Nói thế để cảnh giác trước bất kỳ sự phấn khởi nào, rằng người ta đang xếp hàng chờ vào mua nợ xấu của Việt Nam.

Bây giờ chúng ta thử nhìn sâu vào quy trình mua bán nói trên để xem, từ góc độ nhà đầu tư nước ngoài, họ có chịu mua nợ xấu Việt Nam hay không. Dùng lại ví dụ khoản nợ 100 tỷ đồng nói trên, nợ được thế chấp bằng một công trình bất động sản trị giá 140 tỷ đồng. Vậy là quá ngon – chắc có nhiều người chịu bỏ ra hơn 70 tỷ đồng (giá mua nợ xấu của VAMC) để gánh nợ xấu vì đổi lại sẽ được sở hữu công trình đó. Đây chính là mấu chốt của vấn đề nợ xấu ở Việt Nam.

Thử nhớ lại cái ụ nổi mà Vinalines dưới thời Dương Chí Dũng sẵn sàng bỏ ra tổng cộng hơn 525 tỷ đồng để mua về (tiền mua, vận chuyển, sửa chữa, neo đậu...) trong khi giá trị nó thấp hơn nhiều lần, nay bán hầu như không ai chịu mua. Giám định viên đã kết luận tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên là gần 370 tỷ đồng. Giả sử cái ụ nổi này được dùng làm vật thế chấp để Dương Chí Dũng vay một khoản tiền nào đó (cái này là giả định), chẳng hạn là 300 tỷ đồng. Không lẽ chúng ta đi so 525 tỷ đồng giá trên giấy tờ với số nợ 300 tỷ đồng để nói rằng sẽ có người mua khoản nợ 300 tỷ đồng này để được “hưởng” cái ụ nổi giá “thật sự” (trên sổ sách) lên đến 525 tỷ đồng?

Hay lấy thiết bị lặn trị giá 100 triệu đồng được Vũ Quốc Hảo, từng là Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II biến thành 130 tỷ đồng (gấp 1.300 lần, theo kết luận điều tra). Cái thiết bị lặn này mà làm tài sản thế chấp thì giảm giá đến bao nhiêu lần mới thu hút sự chú ý của người mua nợ xấu gắn với nó?
  
Dĩ nhiên các khoản nợ xấu VAMC mua về không có hai món hàng “kỷ lục” này nhưng tình trạng kê khống giá tài sản đảm bảo, cộng với thị trường địa ốc sụt giá, không mua bán gì được – tất cả làm chùn tay bất kỳ ai muốn mua nợ xấu. Chưa kể, nhà đầu tư nước ngoài chưa được quyền sở hữu bất động sản, làm sao họ mua nợ xấu được thế chấp bằng bất động sản?


Bài đăng phổ biến