Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

‘Sát thủ’ phòng không tầm thấp SA-13 Việt Nam giờ ra sao?

Theo các số liệu không chính thức, khoảng 200 hệ thống SA-13 đã được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam trong những năm 1980.
Trong tác chiến phòng không hiện đại, phòng không tầm thấp có một vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, với sự phát triển rầm rộ của các loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, các loại loại UAV, trực thăng và các vũ khí dẫn đường công nghệ cao khác càng làm cho vai trò của phòng không tầm thấp trở nên quan trọng hơn.


Ý thức được vai trò quan trọng của phòng không tầm thấp đối với tác chiến phòng không thời buổi công nghệ cao, quân đội Việt Nam mà cụ thể là Quân chủng Phòng không-Không quân đã đầu tư các hệ thống phòng không tầm thấp hiện đại. Một trong những hệ thống tiêu biểu đó là hệ thống phòng không tầm thấp di động SA-13 Gopher.
9K35 Strela-10, NATO định danh SA-13 Gopher là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm thấp, được chế tạo và đưa vào sử dụng tại Liên Xô từ năm 1979. Strela-10 là một giải pháp phản ứng nhanh hiệu quả đối với các mục tiêu đường không tầm thấp như: Tên lửa hành trình, UAV, trực thăng, máy bay cánh cố định bay thấp và các loại vũ khí dẫn đường công nghệ cao khác.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp di động SA-13 của Việt Nam ở trạng thái sẵn sàng hành quân (Ảnh: VOV)
Hệ thống được đặt trên khung gầm xe bánh xích MT-LB, mang lại khả năng cơ động rất cao trên nhiều địa hình khác nhau và có thể lội nước. Strela-10 được trang bị 4 tên lửa đất đối không tầm thấp 9M37, với 2 tên lửa bố trí trong ống phóng kiêm bảo quản mỗi bên, ở giữa có radar tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu.
Đạn tên lửa 9M37 được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại thụ động, có thể tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi 5 km với tầm cao từ 10-3.500 m. Tên lửa được trang bị đầu đạn nặng 5kg chất nổ mạnh HE, nó sử dụng một ngòi nổ laser cận đích cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu nhỏ, mục tiêu bay nhanh.
Theo các số liệu không chính thức, khoảng 200 hệ thống SA-13 đã được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam trong những năm 1980. Đến nay, SA-13 chính là xương sống của lực lượng phòng không tầm thấp Việt Nam.
Với điều kiện kinh tế của đất nước chưa cho phép đầu tư các hệ thống vũ khí hiện đại để mở rộng phạm vi phòng thủ ra khỏi biên giới đất nước thì khả năng phòng không tại chổ có ý nghĩa sống còn đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Mặc dù SA-13 có nhiều thế mạnh về khả năng cơ động cao trên nhiều địa hình khác nhau, thời gian triển khai và thu hồi đội hình chiến đấu tương đối nhanh, tuy nhiên, hệ thống này lại được chế tạo theo công nghệ những năm 1980 nên sự lạc hậu là điều khó tránh khỏi.
Tương tự như các hệ thống tên lửa phòng không cũ khác của Việt Nam như SA-2, SA-3, SA-13 cần được nâng cấp lên các tiêu chuẩn mới hiện đại hơn để đáp ứng các thách thức của tác chiến phòng không công nghệ cao.
Trong một bức ảnh tập trận bắn đạn thật được đăng trên báo Tiền phong có sự tham gia của hệ thống phòng không tầm thấp SA-13, một hệ thống khá lạ đã xuất hiện phía trên giá gắn ống phóng tên lửa của hệ thống.
Qua so sánh với các bức ảnh chụp hệ thống SA-13 của nước ngoài thì nhiều khả năng hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp SA-13 của Việt Nam đã được nâng cấp lên tiêu chuẩn 9A34M3 Strela-10M3. Điểm nhấn của gói nâng cấp này là bổ sung thêm hệ thống dẫn hướng quang điện được gắn phía trên giá phóng tên lửa phía bên phải.
Việc bổ sung thêm hệ thống dẫn hướng quang-điện này cho phép hệ thống tác chiến hiệu quả trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Radar điều khiển hỏa lực 9S86 của hệ thống được cải tiến với khả năng bám bắt mục tiêu tốt hơn, phạm vi tìm kiếm mục tiêu cỡ tiêm kích F-15 khoảng 15km.
Sát thủ phòng không tầm thấp SA-13 tiêu diệt mục tiêu trong đêm tối.
Hệ thống sử dụng đạn tên lửa nâng cấp 9M37M1 được trang bị máy lái tự động mới giúp kiểm soát chuyến bay hiệu quả hơn. Đạn tên lửa này được bổ sung thêm kênh dẫn hướng bằng cách so sánh hình ảnh tương phản thụ động thông qua hệ thống quang-điện được gắn trên xe phóng.
Cũng có thể sử dụng tên lửa nâng cấp mạnh hơn cả là 9M333, tên lửa sử dụng đầu mới nặng hơn cho phép tăng phạm vi sát thương. Đầu đạn mới sử dụng ngòi nổ laser cận đích với 8 chùm tia cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu rất nhỏ như tên lửa hành trình hay UAV mini.
Tên lửa 9M333 sử dụng tới 3 kênh dẫn hướng kết hợp hồng ngoại, quang-điện và radar cho phép nó “miễn nhiễm” với các biện pháp đối phó điện tử. Động cơ tên lửa cải tiến giúp duy trì hiệu suất và sự cơ động cho dù kích thước và trọng lượng có tăng đôi chút. Tên lửa có tầm bắn hiệu quả 5.000 m, tầm cao 3.500 m.
Với gói nâng cấp này, hệ thống phòng không tầm thấp SA-13 của Việt Nam sẽ có đủ khả năng để đối phó với các thách thức mới của chiến trường hiện đại. SA-13 kết hợp cùng với các hệ thống phòng không tầm trung, tầm cao khác sẽ bảo vệ toàn vẹn bầu trời thân yêu của Tổ quốc.
(TTVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến