AP mới đây đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Philippines sẽ sớm thảo luận với Mỹ về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Washington ở Biển Đông để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Nhiều nguồn tin cũng nhận định, Mỹ sẽ hiện diện quân sự lâu dài tại đây với vai trò một người hộ vệ cho Philippines.
Tuy nhiên, ông Ricardo Saludo, cựu Chủ tịch Ủy ban Công vụ chính phủ Phillipines dưới thời Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, một chính trị gia kỳ cựu Philippines lại cho rằng, việc đẩy mạnh hợp tác với Mỹ để đối đầu với Trung Quốc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho đất nước này.
Trong một bài bình luận đăng trên tờ Manila Times, ông Saludo cho rằng việc Tổng thống Philippines Aquino cho phép Washington và Tokyo tăng cường sự hiện diện quân sự xung quanh và bên trong Philippines càng thúc đẩy Bắc Kinh trừng phạt Manila và xây dựng lực lượng của mình ở biển Đông - điều này sau đó sẽ là cái cớ để Mỹ để rêu rao rằng các quốc gia châu Á cần phải hợp tác với Washington để kiềm chế sự xâm lược của Trung Quốc.
Theo ông Saludo, sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, sự cạnh tranh toàn cầu của Mỹ với Liên Xô cũng chấm dứt và Mỹ không còn lý do gì để "theo đuổi" châu Á. Ngày 11/9/2001, khi vụ tấn công vào tòa tháp đôi gây chấn động nước Mỹ xảy ra, nước này lại "nhem nhóm" mối quan tâm và can thiệp vào khu vực châu Á, chủ yếu nhằm chống lại những kẻ bạo lực cực đoan. Tuy nhiên, Mỹ chỉ bắt đầu ráo riết lấy lại tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực khi nhận ra sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và việc trung tâm địa chính trị, kinh tế của thế giới đang dần dịch chuyển về châu Á.
Để chứng minh rằng Mỹ là một 'mối nguy' cho Philippines, ông Saludo dẫn chứng rằng, nhìn lại suốt các thế kỉ qua, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo nhằm vào Philippines hồi năm 1900 và gây ra 5 cuộc chiến lớn ở châu Á kể từ 1950 - tại Hàn Quốc, Việt Nam, Afghanistan và 2 cuộc chiến ở Iraq. Thậm chí, Mỹ còn can thiệp vào Tây bán cầu, xâm lược Cuba và Nicaragua hòng "phá hoại" Guatemala và Chile. Mới đây, Washington lại tiếp tục sử dụng sức mạnh của mình để thực hiện chiến dịch ép các chính phủ phải giao nộp Edward Snowden.
Trong khi đó, theo tổng kết của ông Saludo, Trung Quốc không bao giờ xâm lược và chiếm đóng các vùng đất xa xôi (?!), ngay cả khi nước này đưa lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới đi khắp châu Á và châu Phi hồi thế kỉ 15. Không hiểu dựa trên căn cứ và bằng chứng lịch sử nào, ông Saludo còn cho rằng, kể từ sau cải cách của ông Đặng Tiểu Bình vào giữa những năm 1970, Trung Quốc đã chứng tỏ mình là một người bạn đáng tin cậy và luôn hỗ trợ các nước láng giềng, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Theo ông này, tất cả những gì mà Mỹ làm đã khiến các nước châu Á khó mà đồng tình với luận điệu rằng Trung Quốc là kẻ xâm lược và rằng khu vực nên đoàn kết dưới sự bảo vệ của Mỹ. Họ cũng sẽ không hi sinh mối quan hệ đầu tư và thương mại, vốn đang phát triển, với trung tâm phát triển kinh tế chính của khu vực bằng cách trở thành kẻ thù của nó.
Ông Saludo khuyên Philippines nên tuần theo một nguyên tắc quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về an ninh với Trung Quốc: Khôi phục các mối quan hệ "ấm áp" nhưng có chừng mực như nước này đã làm với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản trong ít nhất là một thập kỉ qua. Hai nguyên lý khác đối với an ninh quốc gia: Giảm nhẹ các tranh chấp và tiến hành sự hợp tác nhằm tăng cường niềm tin lẫn nhau. Cuối cùng, Philippines cần phải tự xây dựng tiềm lực quốc phòng thay vì phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Giới quan sát cho rằng, quan điểm tự cường, giảm phụ thuộc vào nước ngoài của ông Saludo là hợp lý. Tuy nhiên, đối với một nước nhỏ và có tiềm lực quân sự vào loại yếu nhất khu vực như Philippines thì điều đó hoàn toàn không dễ. Và với những động thái đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay, nếu Philippines chấp nhận quan điểm của ông Saludo cho rằng Trung Quốc là "người bạn đáng tin cậy" thì có thể cái giá mà họ phải trả sẽ không nhỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét