Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

NATO ‘diễu võ dương oai’ trước mắt Nga

Các cuộc tập trận của NATO sẽ không chỉ được tổ chức thường xuyên hơn, mà còn đặt ra các kịch bản và nhiệm vụ ngày càng phức tạp. Kế hoạch này chắc chắn sẽ đụng chạm đến các lợi ích địa chiến lược và quốc phòng không chỉ của Nga mà còn của các đồng minh thân cận.
“Báo Độc lập” (Nga) ngày 12/8 cho biết trong khi cuộc tập trận chung Nga – Trung mang tên “Sứ mệnh hòa bình 2013″ tổ chức tại Ural đang diễn ra ở giai đoạn tích cực nhất thì cuối tuần qua, tại Kazakhstan và Mông Cổ, các cuộc tập trận gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng vừa kết thúc.
Trong một thông cáo đặc biệt dành cho báo chí, lãnh đạo liên minh quân sự NATO tuyên bố kế hoạch tiếp tục tăng số lượng các cuộc tập trận trong những năm tới, trong đó có các cuộc tập trận trong không gian hậu Xôviết. Vấn đề này có liên quan tới việc liên quân của NATO sẽ rút khỏi Afghanistan vào năm 2014.
Lãnh đạo NATO nhấn mạnh rằng các cuộc tập trận sẽ không chỉ được tổ chức thường xuyên hơn, mà còn đặt ra các kịch bản và nhiệm vụ ngày càng phức tạp. Kế hoạch này chắc chắn sẽ đụng chạm đến các lợi ích địa chiến lược và quốc phòng không chỉ của Nga mà còn của các đồng minh thân cận. Điều đáng quan tâm hơn là NATO dự định tiến hành các cuộc tập trận này cùng với một số đồng minh và đối tác của Nga ở ngay sát biên giới cường quốc này.


Không chỉ vậy, kế hoạch này còn được xem như một hành động trả đũa đối với các cuộc tập trận tương tự do Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tiến hành. Vì vậy, nhiều chuyên gia lo ngại trong thời gian tới, sự đối đầu giữa NATO với các tổ chức quân sự thân Nga nói chung và trực diện với Nga nói riêng sẽ gia tăng. Sự leo thang căng thẳng này diễn ra trong lúc quan hệ Nga – Mỹ được xem là đang rơi vào thời kỳ nguội lạnh nhất trong vài năm gần đây.
Mới đây, một số thượng nghị sỹ có ảnh hưởng tại Mỹ thậm chí còn lên tiếng ủng hộ NATO mở rộng và tiếp tục bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Mặc dù hiện nay tất cả mới chỉ dừng lại ở lời nói và kế hoạch, song rất ít người tỏ ra hoài nghi về những bước đi sắp tới của Mỹ và NATO. Nếu kế hoạch nói trên được thực hiện, nó sẽ đụng chạm không chỉ đến Nga, mà còn cả các nước giáp biên giới với Nga nằm khá xa phạm vi ảnh hưởng của NATO.
Cuộc tập trận "Đại bàng trên thảo nguyên 2013". Ảnh: Internet
Tại Mông Cổ, các cuộc tập trận gìn giữ hòa bình quốc tế cũng vừa diễn ra dưới sự chỉ đạo của giới chức quân đội nước này và Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Cuộc tập trận này huy động hơn 1.000 binh lính của Mông Cổ, với sự tham gia của Mỹ, một số nước thành viên NATO và sự góp mặt của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và Myanmar.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một sự kiện tương tự có sự tham dự của các binh lính thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Tajikistan. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc đều chỉ cử quan sát viên đến theo dõi, mặc dù lợi ích trực tiếp của hai quốc gia này đều bị đụng chạm trong bối cảnh một số lượng lớn các lực lượng quân đội nước ngoài đang tập trung ở khu vực biên giới.
Cuộc tập trận mang tên “Đại bàng thảo nguyên 2013″ diễn ra hôm 10/8 tại tỉnh Anmatin (Kazakhstan) giáp biên giới với Trung Quốc. Đây cũng là cuộc tập trận chung giữa quân đội Kazakhstan với NATO, song cả Trung Quốc và Nga thậm chí đều không cử quan sát viên.
Trong khi đó, Astana cố phớt lờ sự bất thường này khi tuyên bố một trong những ưu tiên chiến lược của các lực lượng vũ trang nước này là mở rộng hợp tác quân sự với NATO. Một tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Kazakhstan bổ sung thêm rằng các cuộc tập trận chung trong thời gian tới sẽ diễn ra theo tiêu chuẩn của NATO, mặc dù trước đó các lực lượng gìn giữ hòa bình của Kazakhstan cũng tham gia tập trận chung với CSTO.
Một quan chức cấp cao khác trong quân đội Mỹ đã công khai sứ mệnh của “Đại bàng thảo nguyên 2013″ khi tuyên bố các cuộc tập trận chung này là nhằm diễn tập các chiến dịch gìn giữ hòa bình, ngăn, không để các bên thù địch xung đột vũ trang, chứ không phải là các kịch bản chống khủng bố như nhiều thông tin trước đó.
Có thể thấy rằng NATO đang mở rộng hoạt động và tăng cường can dự vào khu vực Trung Á có nhiều khả năng xảy ra xung đột. Nga cũng đang xem xét các động thái tương tự cùng với các đối tác trong CSTO. Trao đổi với “Báo Độc lập”, Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Quân sự Nga Edward Rokyukov cho rằng không có gì tồi tệ khi các đồng minh và đối tác của Nga tham gia tập trận chung với NATO, bởi đó là quyền của họ.
Tuy nhiên, một khi mối quan hệ này đụng chạm đến lợi ích của Nga và các đồng minh thì cần phải được điều chỉnh. Chuyên gia này cũng cảnh báo NATO đang nỗ lực củng cố vị thế ở Trung Á và đang chuẩn bị các kịch bản gìn giữ hòa bình cho các cuộc xung đột có thể sẽ xảy ra trong khu vực này. Ông viện dẫn các hành động trước đây của NATO ở Kosovo, khu vực Balkan, Iraq và Lybia; và từ đó ông cho rằng NATO đang thực sự chuẩn bị cho một kế hoạch làm bất ổn Trung Á.
Bổ sung cho nhận định này, nhà quan sát quân sự độc lập Vladimir Popov nhấn mạnh Nga hiện chưa sử dụng hết các công cụ và đòn bẩy (cả kinh tế, chính trị và văn hóa) để hạn chế hành động của NATO ở không gian hậu Xôviết. Nếu Nga và các nước SNG đã có nghĩa vụ liên quan đến an ninh tập thể thì mọi sự phối hợp với NATO phải được thực hiện trên danh nghĩa cả khối liên minh và tuân thủ các quy định nêu trong các văn kiện của CSTO.
Trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang xấu đi và nguy cơ NATO mở rộng hoạt động, Nga phải nhanh chóng thông qua các nguyên tắc nhằm hạn chế các đồng minh tham gia “cuộc chơi” của NATO.
(BTTK)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến