Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin tuần báo Russian Military Messenger (Nga), trở thành khách hàng đáng tin cậy của vũ khí trang bị Nga, Việt Nam muốn có được máy bay tiêm kích, tàu ngầm, tàu hộ vệ và kỹ thuật quân sự hiện đại. Việc thực hiện hiện đại hóa vũ khí trang bị, tăng cường sức mạnh quân sự của Việt Nam nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ.
Theo thông tin của nhóm phân tích Tạp chí Jane’s Defence Weekly (Anh), giai đoạn 2013-2017 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam sẽ đạt 6,5%, có thể đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngân sách quốc phòng. Nếu cách đây không lâu ngân sách quốc phòng của Việt Nam chiếm khoảng 3% GDP, thì triển vọng trong thời gian tới con số này sẽ tăng lên 5%. Căn cứ vào dự báo thì năm 2013-2017 ngân sách quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng 30%.
Để thực hiện việc hiện đại hóa vũ khí trang bị, Việt Nam tiếp tục theo đuổi phương châm củng cố hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga. Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là đã trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí Nga lớn thứ 4 thế giới.
Số liệu thống kê trong 4 năm gần đây cho thấy, Ấn Độ trở thành nước nhập khẩu lớn nhất của Nga, khoảng 35%, tiếp theo là Trung Quốc 15%, Algeria 14%, cuối cùng là Việt Nam và Venezuela.
Việc hiện đại hóa lực lượng quân đội Việt Nam tập trung mạnh cho không quân và hai quân.
Mua thêm tiêm kích Sukhoi
Đối với lực lượng không quân, trong 10 năm gần đây Việt Nam tăng cường số lượng máy bay tiêm kích đa năng Sukhoi. Hiện nay trong biên chế của Không quân Nhân dân Việt Nam đã có 12 tiêm kích Su-27SK/UBK và 24 Su-30MK2.
Hợp đồng cung cấp lô tiêm kích Sukhoi đầu tiên gồm 4 Su-27SK và 1 chiếc biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27UBK được ký năm 1994 và thực hiện bàn giao trong năm 1995-1996.
Hợp đồng mua lô thứ 2 gồm 2 Su-27SK và 4 Su-27UBK được ký vào tháng 12/1996 và thực hiện bàn giao trong năm 1997-1998.
Năm 2003, Việt Nam lại mua 4 máy bay tiêm kích đa năng hiện đại hơn Su-30MK2, và được bàn giao vào năm 2004. Năm 2009, ký mua 8 máy bay Su-30MK2 và được bàn giao vào năm 2010-2011. Năm 2010 Việt Nam ký hợp đồng mua tiêm kích Sukhoi quy mô lớn nhất với 12 chiếc Su-30MK2, bàn giao trong năm 2011-2012.
Ngoài ra, trong tương lai Việt Nam có thể cũng sẽ là khách hàng tiềm năng lớn mua tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 từ Nga.
Mua sắm tàu ngầm, tàu hộ vệ
Trong xây dựng, hiện đại hóa hải quân, Việt Nam đã ký kết với Nga mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân Kilo 636 trị giá gần 2 tỷ USD vào năm 2009. Ngoài đóng tàu ngầm, Nga còn đảm nhiệm chương trình huấn luyện thủy thủ cho Việt Nam, cung ứng những thiết bị và vật tư kỹ thuật cần thiết.
Tàu ngầm phi hạt nhân Project 636 thuộc loại tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ 3 có thể được tích hợp các loại vũ khí mới trên tàu (như tên lửa chống tàu siêu thanh Klub-S) mở rộng phạm vi tấn công mục tiêu. Tàu ngầm Project 636 của Việt Nam lần đầu tiên được trang bị hệ thống đảm bảo hoạt động sinh hoạt của thủy thủ tàu và hệ thống máy tính kiểu mới.
Dự kiến, trong năm nay Việt Nam sẽ nhận được 2 chiếc tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên từ Nga. Các tàu còn lại đang được phía Nga khẩn trương chế tạo.
Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk Gorky của Nga cũng đang thực hiện hợp đồng đóng cho Việt Nam lô 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 Project 11661E thứ 2. Dự kiến 2 tàu này sẽ được bàn giao vào năm 2016 và 2017 theo hợp đồng này được ký vào tháng 12/2011. Trước đó Việt Nam đã ký hợp đồng mua 2 tàu chiến Gepard 3.9 vào năm 2007 và được bàn giao năm 2011.
Cuối năm nay, Hải quân Nhân dân Việt Nam còn tiếp nhận tàu đầu tiên trong số 6 tàu cao tốc tên lửa Molniya Project 12418 đóng trong nước với sự giúp đỡ kỹ thuật từ Nga.
Theo đó, nhà máy đóng tàu tại thành phố Rybinsk (Nga) sẽ sản xuất và vận chuyển các bộ phận, linh kiện 6 tàu cao tốc tên lửa lớp Molniya tới Việt Nam. Sau đó, doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam tiến hành lắp ráp và sản xuất các tàu này dưới sự giám sát kỹ thuật từ phía công ty thiết kế TsMKB Almaz ở St. Petersburg và chuyên gia từ Nhà máy đóng tàu Vympel.
Theo kế hoạch, Việt Nam tổng cộng sẽ trang bị 10 tàu cao tốc tên lửa Project 12418, trong đó 6 tàu đã ký hợp đồng đóng. Bắt đầu từ năm 2010, Nga đã cung cấp cho Việt Nam các bộ phận lắp ráp với trị giá 30 triệu USD, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2016. Việt Nam có thể lựa chọn đóng 4 tàu lớp Molniya khác.
Bên cạnh hợp đồng đóng tàu, Việt Nam cũng bước đầu có những hợp tác với Nga sản xuất tên lửa trong nước. Theo thông tin từ hãng thông tấn Ria Novosti năm 2012, Tập đoàn Tên lửa Chiến dịch – Chiến thuật Nga (KTRV) sẽ hợp tác với Việt Nam thực hiện nghiên cứu, sản xuất tên lửa chống tàu dựa trên loại Kh-35 Uran-E. Hợp tác này tương tự như hợp tác Nga – Ấn Độ trong phát triển và sản xuất tên lửa chống tàu siêu thanh BrahMos.
Tập đoàn hàng không Irkut của Nga (Irkut Corporation) cũng sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất hệ thống máy bay không người lái Irkut-200 cho Hiệp hội hàng không vũ trụ Việt Nam.
Việt Nam trong khuôn khổ chiến lược thực hiện nâng cao thực lực quân sự, không chỉ hợp tác với Nga, mà còn nhập khẩu vũ khí thiết bị từ Cộng hòa Czech, Ba Lan, Romania, Ukraine, Belarus và các nước Tây Âu. Nhưng riêng việc nhập khẩu vũ khí từ Nga trong 10 năm gần đây chiếm khoảng 90%.
(BKT)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét